Wednesday, May 15, 2019

Mái Nhà Xưa - Bồ Tùng Ma


Tôi qua Mỹ theo Chương Trình HO đầu năm 1990. Tôi đến đây một mình vì chồng chết trong trại cải tạo và chúng tôi không có con cái. Tội nghiệp ảnh, chúng tôi mới ăn ở với nhau chưa đầy nửa tháng thì ảnh bị tập trung. Nếu cái ngày đen tối ấy trễ hơn chừng nửa tháng, có thể ảnh đã có người nối dõi. Hội USCC, sau này là IOM, thuê cho tôi một cái nhà chứa xe được sửa lại để tá túc. "Cái nhà"này ở gần trường tiểu học Howard thuộc thành phố Glendale, California. Mỗi buổi chiều tôi hay lang thang trên lề của một con đường có trồng hai hàng phượng tím. Những cây phượng tím ra hoa, làm tím cả con đường vắng lặng, tím cả không gian chung quanh và tím cả lòng tôi. Tôi biết đến đây tôi sẽ buồn lắm và cô đơn thêm, nhưng nếu thu mình trong cái nhà chứa xe đó, tôi sẽ chán đến thế nào. Đối với tôi, thà buồn hơn chán. Buồn không làm ai tự tử, nhưng khi chán ta thường không muốn sống.

Một hôm tôi đi lang thang xa hơn thường lệ. Tôi đến gần một ngôi nhà nhỏ kiểu cổ, xinh xắn. Trước nhà trồng toàn một loại hoa hồng màu đỏ thắm. Một bà cụ từ trong nhà bước ra, tay cầm một bình tưới, đến bên những khóm hoa hồng. Bà cụ trông thấy tôi, gật đầu chào. Tôi lễ phép cúi đầu chào lại. Sau khi bước đi vài bước tôi có cảm tưởng như bà cụ đang nhìn theo tôi, nên quay đầu lại. Quả nhiên như vậy. Tôi mỉm cười tiến về phía bà, đưa mắt nhìn bà và lấy tay ra dấu, có ý nói cho tôi xin một đóa hoa hồng. Bà cụ gật đầu. Tôi ngắt một đoá hoa hồng trao cho bà. Bà mỉm cười nhận đoá hoa, đưa lên môi hôn.

Chiều hôm sau, khi đi ngang qua ngôi nhà đó tôi thấy bà cụ đang ngồi trên chiếc ghế mây cạnh mấy khóm hoa. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ bà. Đó là một bà cụ người Mỹ trắng ngoài 80 tuổi, trông rất đẹp lão và hiền từ. Mặt bà cụ ửng hồng dưới mấy đoá hoa hồng đỏ thắm. Tôi nhớ đến bốn câu thơ rất nổi tiếng của Thôi Hộ mà chồng tôi thường ngâm nga:
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
(Năm ngoái, ngày hôm nay tại cửa ngõ này,
Mặt người đẹp với hoa đào cùng một màu hồng.
Không biết mặt người đẹp bây giờ ở nơi đâu,
Mà hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ)
Tôi bật cười vì đã ví bà cụ với một cô gái đẹp; nhưng tôi lại nghĩ biết đâu sang năm đi ngang đây tôi sẽ không thấy bà cụ nữa. Bà cụ đã ngoài 80 rồi mà.
"Cô ơi! Biết nói tiếng Anh không""
Nghe tiếng bà cụ, tôi quay lui, đến gần bà:
"Dạ biết. Con từng làm cho một hảng thầu Mỹ ở Việt Nam."
"Cô người Việt Nam hả" Thật là thú vị!"
Bà nói bà không thể nào phân biệt được người Việt Nam với người Tàu, Nhật hay Thái Lan v.v&. Bà mời tôi vào xem căn nhà và khu vườn sau.

"Cái nhà này đã chứa đựng biết bao nhiêu nhiêu kỷ niệm của ông nhà tôi, David Carter. Cô xem đây! Sàn nhà là cả một công trình của ổng trong suốt mấy năm. Ổng lụm cụm cưa gọt từng khúc gỗ, rồi sơn phết và ráp lại thành cái sàn nhà này. Mấy con thú giả phía sau vườn nữa, cô không tưởng tượng nổi đâu, chính ông nhà tôi đã nặn ra đó. Còn cây sồi sau vườn nữa. Hồi chúng tôi còn nằm chung một giường cho đến khi nằm riêng, nó vẫn y như vậy. Ước gì mình sống mãi với nó. Một ngày nào đó mình sẽ bỏ nó mà đi. Với tôi, chuyện ấy chẳng xa xôi gì"
"Bà còn khoẻ quá mà. Cái nhà đẹp ghê, lại sạch sẽ ngăn nắp nữa. Bà tự mình săn sóc hả""
"Tôi tự săn sóc. Thỉnh thoảng cũng có người giúp."
"Bà không sợ con là ăn cướp sao mà dám đưa con vào nhà như thế này." Tôi cười nói.
"Vậy chớ cô không sợ tôi là mụ phù thủy ác độc sao mà dám vào đây." Bà cười, hàm răng trắng tinh như hàm răng của một cô gái biết chăm sóc sắc đẹp.
"Ở Mỹ chỉ có trẻ con với người già là dễ thương và không nguy hiểm."Tôi nói đùa.
"Không đâu, thanh niên cũng dễ thương lắm. Cô xem này."

Bà đến kéo cái hộc tủ nhỏ ra nhưng nó đã bị khoá. Bà vào trong phòng ngủ nhưng rồi đi ra:
"Tôi định cho cô xem hình con trai tôi nhưng tìm không ra chìa khoá. Nó mất tích ở Việt Nam. Tôi già cả lẩm cẩm mất rồi. Thời gian trôi qua nhanh thật. Mới là một cô gái, mà nay đã thành một bà già. Tôi thấy bà chị Jennifer của tôi mà sợ quá. Chị ấy nằm một chỗ suốt hai năm như vậy. Cô y tá phải nghiền đồ ăn bơm qua lỗ mũi; hạ bộ chị ấy luôn luôn ướt vì phân và nước tiểu, vài chục phút phải thay một cái tã lót, dù đã có cái quạt nhỏ hong khô từ dưới giường. Hồi xưa chị ấy là một ca sĩ nổi tiếng. Khi chị đứng trên sân khấu hát, chắc không có chàng trai nào tưởng tượng nổi chị sẽ phải bị thay tã lót thường xuyên. Chị mất cách đây 3 năm. Làm sao bây giờ cô" Tôi không muốn giống chị tôi, nhưng tôi còn yêu đời lắm, không muốn chết trẻ đâu. Phải chi đến một lúc nào đó mình quá già và khoẻ mà Chúa gọi mình đi. Cái giây phút đó phải không đau đớn mới được. Nhưng mà tôi cũng không muốn chết đâu, dù bằng cách nào."
"Con nghĩ trong trường hợp bà thì Chúa chưa gọi bà đâu."
"Nhưng Chúa cũng sẽ gọi chứ! Mình sống trên đời biết bao năm, gắn bó với nào là người thân, bạn bè, khung trời rộng, hoa cỏ xanh tươi, căn nhà ấm cúng&Vậy rồi mình rời bỏ tất cả. Thật vô lý quá!"
"Bà hãy nghĩ đến những người sắp chết còn khổ hơn những người như Jennifer; chẳng hạn như những tử tội chờ bị hành hình, họ đau khổ cả tâm hồn lẩn thể xác, nằm trong ngục thấp thỏm, không biết lúc nào ra pháp trường, và khi bị hành hình, bộ không đau đớn sao."
"Họ có tội, còn mình có tội gì đâu."
"Có khi họ bị oan. Còn tử tội chính trị ở một vài nước như nước con, liệu họ có tội thật không. Mà bà là con chiên của Chúa mà, sao lại sợ Chúa gọi""
"Thiên Đàng hay Địa Ngục gì tôi cũng không muốn đến, khi chưa có tin tức chính xác về con tôi."
"Đến một trong hai nơi đó chắc chắn bà biết chính xác."
"Ừ, phải."
Thấy chuyện trò như vậy cũng tạm đủ, tôi xin phép ra về. Bà nói lần sau bà sẽ cho xem ảnh con bà. Tôi cũng hứa sẽ đem hình chồng tôi cho bà xem.

Vì bận chút việc, ba hôm sau tôi mới qua nhà bà, tay cầm theo một tập ảnh. Mới trông thấy tôi, bà đã vào phòng trong đem ra một tập ảnh lớn: "Hình nó chụp lúc học mẫu giáo nè. Còn đây là hình chụp lúc tốt nghiệp trung học. Đây là hình chụp lúc đi lính. Đây là hình chụp khi ở Việt Nam. Nó có cả bạn gái Việt Nam nữa đó. Phải chi nó có một đứa con."

Bà trưng ra nhiều hình quá, tôi xem không kịp . Sau cùng bà đưa cho tôi xem một tấm hình con bà mặc quân phục tác chiến, đầu đội mũ lưỡi trai, mang súng trường:
"Đây là hình mới nhất của nó. Có khi nào cô gặp một người như vậy không" Nó tên John Carter, cái tên rất dễ nhớ."

Tôi nhìn John trong hình: cao lớn, khoẻ mạnh, đẹp trai, có hơi ngổ ngáo. Tôi đã gặp biết bao nhiêu quân nhân Mỹ như vậy ở Việt Nam. Hầu như họ đều giống nhau; hầu như họ chỉ là một người được phân ra thành nhiều người, dù đen, trắng, vàng hay đỏ. Tôi nói:
"Thật tình con không nhớ nổi."
"Có khi nào nó lấy vợ, có con rồi ẩn mình ở đâu bên đó không, như một truyện phiêu lưu tôi đã đọc. Có khi nào nó điên điên, khùng khùng trốn trong rừng rậm không" Nó điên khùng hay gì cũng được, miễn là còn sống."
Bà buồn bã nói tiếp:
"Tôi khô nước mắt rồi cô ơi, không khóc được nữa."
Tôi lấy hình Thuận-chồng tôi- ra cho bà xem. Bà nói:
"Họ mặc đồ giống nhau quá hả. Chồng cô đâu""
"Chồng con chết trong trại cải tạo."
"Tôi có nghe nói đến những trại tù đó. Con tôi cũng có thể ở trong những trại như vậy. Cực nhọc, đói khát. À, cô có biết một món ăn gọi là "phở" không" Con tôi viết thư nói nó thích ăn phở lắm. Tôi có đi ăn mấy lần rồi. Hôm nào chúng ta đi ăn nghe. Tôi đãi cô."
Lần thứ ba tôi đến, bà nói:
"Gặp nhau nhiều lần mà tôi quên nói tên tôi cho cô biết. Tên hồi còn con gái của tôi là Julia. Cô tên gì""
"Con tên Oanh"
"Ồ, cái tên hơi khó gọi. Gọi là One được không""
"Dạ được. One, number one." Tôi cười nói.
Sau đó tôi đưa bà qua thăm nơi ở của tôi. Vừa bước chân vào nhà, bà đã nói:
"Đạm bạc quá. Cô có muốn qua ở với tôi không""
"Xin cám ơn bà. Thật tình, con muốn tự do. Dù sao, bà với con cũng là hai người, không phải một."
"Nhưng cô cứ qua nhà tôi chơi, muốn ở lại, ngủ lại bao lâu cũng được."
"Dạ vâng, để hôm nào tiện."

Thế rồi sau đó tôi qua nhà bà thường xuyên. Chúng tôi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện về gia đình, bạn bè và chuyện Việt Nam trước cũng như sau 30-4-1975. Bà cho biết thân nhân gần nhất của bà hiện nay chỉ còn một người em gái tên là Cindy thua bà 10 tuổi và đứa con trai của bà ấy tên Richard, nhưng rất ít khi họ gặp nhau. Lần gặp nhau mới nhất cách đây chừng hai năm; còn thân nhân của ông cụ thì ở tận Tô Cách Lan, hầu như bặt tin. Tôi cũng nói hoàn cảnh tôi không khác gì bà.

Chúng tôi cùng ăn với nhau, cùng xem TV. Khi mỏi mệt tôi nằm trên sô-pha ngủ một cách tự nhiên thoải mái như trong nhà mình. Trong vòng sáu tháng như vậy, ngoại trừ nhà bà Julia, tôi không hề đi đâu cả.

Một hôm tôi nghe có tiếng xe cứu thương réo inh ỏi. Linh cảm cho tôi biết đang có chuyện chẳng lành xảy ra cho bà Julia. Tôi chạy vội qua nhà bà. Tôi đến nơi vừa lúc người ta dìu bà lên cáng để khiên ra xe cứu thương. Mặt bà nhợt nhạt, miệng há ra, mắt lờ đờ. Tôi đến bên bà nhưng mấy người khiêng  cáng ngăn tôi lại. Bà khoát tay ra dấu phản đối rồi chỉ tôi, nói thều thào:
"Người...quen...của...tôi"
Một người khiên cáng nói:
"Chị coi giùm nhà. Liên lạc Glendale Medical Center sau."

Tôi vào nhà bà, thu dọn sơ qua, kiểm soát bếp núc, phòng tắm. Mãi đến chiều tối tôi mới được vào thăm bà. Bà nằm trong bệnh viện nguyên một tuần. Tôi nghỉ việc để săn sóc bà. Tôi làm tại một tiệm móng tay, người chủ ưu tiên cho tôi muốn nghỉ hay làm lúc nào cũng được, miễn là thông báo trước. Đến ngày thứ tám bà được xuất viện nhưng phải ngồi trên xe lăn. Tôi đem theo một ít áo quần và vật dụng qua nhà bà ở. Nhìn bà nằm trên giường, mắt nhắm nghiền, hơi thở mệt nhọc, tôi thấy bà giống mẹ tôi một cách lạ kỳ, giống hồi mẹ tôi nằm trên giường bệnh trước khi mất. Rõ rang bà khác mẹ tôi về vóc dáng, nước da, khuôn mặt...nhưng vẫn có cái gì đó mà tôi không thể đặt tên được, rất giống mẹ tôi. Không biết cái nhìn của tôi có gì khác thường không mà tôi thấy có một số người Mỹ, dù đen, trắng, vàng hay đỏ lại giống một số người Việt nào đó, thí dụ như giống cái liếc nhìn, nụ cười hay tính cách.

Hầu như tôi săn sóc bà từ A đến Z. Tôi dìu bà đi tiểu, đi tiêu, đi tắm rửa. Tôi nấu ăn, giặt quần áo, làm vệ sinh nhà cửa. Có lần bà nói muốn ăn phở. Tôi vội vàng lái xe đi mua một tô phở nhỏ chia làm hai, bà một nửa, tôi một nửa. Bà vừa ăn vừa nói:
"Biết đâu thằng John đang ăn phở bên Việt Nam."
Ăn xong bà viết một chi phiếu đưa cho tôi:
"Con nghỉ làm thì tiền đâu mà tiêu. Cầm cái này đi."
Thấy tờ chi phiếu 300 đô, tôi trả lui cho bà:
"Cám ơn bà. Con không nhận đâu."
Bà lắc đầu bảo tôi phải nhận. Tôi từ chối mãi không được, bèn cầm lấy chi phiếu.
Sau đó vài ngày bà Julia khỏe dần nhưng không ra ngồi ngoài hiên như trước. Tôi đi làm trở lại, nhưng tối nào cũng qua nhà bà ngủ. Vài tháng sau, vào một buổi tối, bỗng nhiên bà cụ nắm tay tôi nói:
"Gọi tao bằng mẹ đi."
Tôi cảm động gọi:
"Mẹ!"
Bà cụ Julia ôm tôi khóc thút thít như một đứa trẻ.

Mùa đông năm đó bà cụ Julia lại bệnh giống y như lần trước và phải nằm bệnh viện. Tôi được biết, có thể má sẽ nằm đây cho đến khi không cần phải nằm nữa, nghĩa là cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Cái gì đến với bà Jennifer trước đây thì nay lại đến với má: Má không thể tự mình ăn uống và tắm rửa được, cô y tá hay tôi phải thường xuyên thay tã lót cho má. Má thều thào nói với tôi:
"Cái đó thật sự đã đến với mẹ."
Tôi rơm rớm nước mắt hỏi:
"Mẹ thấy trong người thế nào""
"Người mẹ như đúc toàn bằng xi-măng, nhưng không đau đớn lắm, có lẽ nhờ thuốc. Dù sao tâm hồn mẹ thanh thản lắm."
"Mẹ có nghĩ ngợi gì không""
"Mẹ nghĩ đến Chúa, nghĩ đến thằng John. Con nói phải, đến một trong hai nơi đó mẹ sẽ biết tin nó chính xác hơn. Nghĩ đến đây mẹ cảm thấy vui. Ôi chao, phải chi con là vợ thằng John thì mẹ sung sướng biết bao nhiêu. Con có muốn làm vợ nó không""
Tôi nói cho má vui lòng:
"Dạ muốn."
 "Vậy con ở bên này chờ nó; còn mẹ qua bên kia..." Má vừa nói vừa tháo chiếc nhẫn từ một ngón tay ra đưa cho tôi. "Nếu mẹ có thể giao cái nhà cho con thì mẹ cũng giao.. Giao nhà cho con thì mẹ an tâm hơn nhiều. Nhưng mà không được. Thôi, mẹ cho con chiếc nhẫn này. Đây là chiếc nhẫn mẹ sắm cho John cưới vợ. Thôi, con về ngủ kẻo khuya."

Vì mỏi mệt, tôi về nhà ngủ mê man cho đến khi nghe tiếng chuông cửa reo liên tiếp, sau đó là mấy tiếng gõ cửa lớn. Tôi đến nhòm vào cái "lỗ an toàn" trên cửa. Một thanh niên chừng 25 tuổi đang đứng bên ngoài. Tôi hỏi anh ta là ai, anh ta nói là cháu của bà Julia. Sau khi vào nhà, anh ta tự nhiên đi tới đi lui khắp nhà, nhìn chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Cuối cùng anh thanh niên nói:
"Việc của chị đến đây là xong. Chị có thể nghỉ việc. Dì Julia của tôi còn thiếu của chị tiền công gì không" Tôi là Richard Carpenter, cháu gọi Julia bằng dì ruột."
"Anh gặp bà Julia chưa"" Tôi bực mình nhưng vẫn thản nhiên hỏi.
"Dì tôi đã mất lúc 2 giờ sáng hôm nay."
Tôi oà khóc và bảo anh ta lái xe đưa tôi đến bệnh viện.
"Không cần đâu. Đã có bệnh viện và nhà quàng lo. Tôi cũng sẽ lo mọi việc còn lại." Anh thanh niên nói.

Tôi vội vàng lái xe đến bệnh viện. Người ta cho tôi vào gặp má Julia một cách dễ dàng. Lát sau Richard cũng đến. Anh ta yêu cầu tôi đến lấy những áo quần và vật dụng còn để tại nhà má Julia, để anh ta thuê người chuyên môn về vệ sinh dọn dẹp, tẩy uế. Nhìn vẻ mặt Richard tôi lại thấy anh ta giống một người Việt Nam nào đó nơi quê nhà mà tôi không ưa. Tôi hôn má Julia và ra về.

Tôi bỏ ra ba ngày tìm mộ của má Julia nhưng không ai biết cả. Tôi đến ngôi nhà của má Julia tìm Richard nhưng không có anh ta ở đó.
Tôi cảm thấy buồn và chán, muốn rời nơi đây để đi đâu đó thật xa.
Một hôm có người bạn rủ tôi qua Missouri mở tiệm nail.
 "Ở bên đó làm nail kiếm ăn dễ lắm."
Tôi nói tôi không có tiền.
Người bạn ngập ngừng một lát rồi nói:
"Chị giao chiếc nhẫn cho tôi, xem như... cầm. Tôi với chị thì sao cũng được, nhưng còn chồng tôi nữa "
Tôi thật thà nói:
"Nó đâu đáng giá bao nhiêu"
"Hột xoàn thiệt mà. Theo tôi nghĩ, nó vừa đủ cho giá sang nửa cái tiệm nail." Chị bạn cũng thật thà nói vậy.
"Đây là vật kỷ niệm của tôi. Tuyệt đối không làm thất lạc. Với bất cứ giá nào, tôi cũng chuộc lại."

Vậy là tôi theo người bạn qua Missouri. Nơi đây thấy có nhiều ngôi nhà kiểu cổ xinh xắn giống như nhà má Julia, tôi càng nhớ má hơn nữa.
Ở Missouri trong vòng 10 năm, chúng tôi lần lượt mở được 8 tiệm nail rải rác khắp tiểu bang và kiếm được một số tiền tương đối lớn. Tôi đã chuộc lại chiếc nhẫn từ lâu và luôn luôn đeo nó trên ngón tay áp út.

Qua năm thứ 11 ở Missouri tôi thấy mình có đủ điều kiện vật chất để an hưởng tuổi đời còn lại. Lúc ấy tôi vừa 46 tuổi. Tôi không có con cái, nên thấy mình không cần phải bon chen cực nhọc làm việc để lo tương lai cho chúng. Tôi nghĩ tôi nên trở về nơi tôi đã từng ở, khi mới vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ bằng hai bàn tay trắng, nơi từng có má Julia thương yêu tôi và nhận tôi làm con dâu. Thế nên tôi bán ngôi nhà, cho bạn bè tất cả đồ đạc, sang lại cơ sở làm ăn , bán chiếc xe hơi và trở lại Cali.

Đến đây tôi thuê tạm một căn nhà nhỏ loại single để ở và mua ngay một chiếc xe hơi khác. Chiều nào tôi cũng lái xe đến đậu gần trường tiểu học Howard, rồi lang thang thả bộ trên lề con đường có hai hàng phượng tím. Không có gì thay đổi. Vẫn hai hàng phượng tím buồn, vẫn những ngôi nhà kiểu cổ xinh xắn.

Tôi đi như vậy để được nhìn lại cảnh vật từng lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm với má Julia. Tôi đi tới đi lui và tôi ước gì mua được một ngôi nhà nằm trong khu vực này. Thế rồi chân tôi tiến về phía ngôi nhà của má Julia lúc nào không hay. Ngôi nhà không có một dấu hiệu nào thay đổi, vẫn màu sơn đó, vẫn cây sồi lá xanh ngắt nhô lên ở phía sau, vẫn những khóm hoa hồng màu đỏ thắm. Va... tôi có hoa mắt không, má Julia từ trong nhà bước ra, tay cầm một bình tưới. Má chỉ tưới vài gốc hồng, rồi mệt mỏi, ngồi lên trên chiếc ghế gần đó. Nước mắt rưng rưng, tôi tiến về phía má, đưa hai tay ra, rồi lại bỏ tay xuống và ngắt một đoá hoa hồng trao cho má.

Tôi mơ hồ nghe tiếng nói:
"Sao lại ngắt hoa như thế".
"Con là Oanh đây mà."
"Oanh hả" Tới đây làm gì vậy""
"Con muốn thăm mẹ và hỏi thăm có ai bán nhà gần đây không."
 "Nhà ở đây đắt lắm."
"Như cái nhà này thì bao nhiêu""
"Đâu có bán mà nói bao nhiêu"
Tôi lẩm bẩm:
"Má Julia chưa chết và trở thành lú lẩn như thế này. Người ta đã lừa tôi."
Tôi ôm bà cụ, khóc nức nở. Bà cụ cũng ôm lấy tôi:
"Đã lâu rồi ta chưa được ai ôm như vậy. Phải chi ta có một đứa con gái hay con dâu hiếu thảo như thế này. Ta có một thằng con trai đi lính, rồi đào ngũ, bài bạc, hoang đàng. Thật vô phúc."

Ngay lúc đó một người đàn ông từ trong nhà bước ra. Chính là Richard. Anh ta nói:
"Chị muốn mua nhà hả" Mẹ tôi không bán đâu."
Thì ra bà cụ này là dì Cindy, em của má Julia.
"Mẹ tôi nói dì Julia không cho phép bán nhà. Mẹ tôi bây giờ lú lẫn lắm. Tôi không có cách gì thuyết phục mẹ tôi bán được, trừ phi... trừ phi mẹ tôi chết. Cô đợi được không" Tôi nghĩ cũng không lâu" Anh ta lè nhè nói, mặt đỏ gay vì rượu. Anh ta không nhận ra tôi.

Tôi sợ hãi chào anh ta và bà cụ, rồi bước nhanh ra xe.
Tối hôm ấy tôi nằm mơ thấy má Julia. Tôi nói đủ thứ chuyện với má, nào là chuyện chiếc nhẫn má cho, chuyện làm ăn, chuyện mua nhà. Sau cùng tôi hỏi:
"Sao mẹ không cho phép dì Cindy bán nhà cho con""
Má Julia cười nói:
"Mẹ bảo đừng bán cho người khác, chứ không phải đừng bán cho con. Con cứ tới mua đi."
Tôi cho đó chỉ là giấc mơ vớ vẩn nên không đế ý đến.

Một buổi sáng tôi lái xe ngang ngôi nhà của má Julia. Tôi định đi luôn, nhưng rồi như có một mãnh lực nào đó bảo tôi dừng lại. Tôi đã dừng lại và tiến về phía ngôi nhà.
"Tôi đã thuyết phục được mẹ tôi bán nhà" Richard nói, nhìn tôi soi mói, nhưng vẫn không nhận ra tôi.

Thế là sau khi nhờ chồng của một người bạn rành về bất động sản trả giá và lo mọi thủ tục, tôi đã mua được ngôi nhà đó.
"Tôi không ngờ chỉ trả có một tiếng là họ bán liền. Rẻ như cho." Người chồng của bạn tôi nói.

Mấy tháng sau tôi dọn vào. Ngôi nhà hoàn toàn không được sửa sang tu bổ, mười năm trước thế nào thì nay nó cũng y như thế. Tôi kéo cái hộc tủ ra. Những tấm ảnh gia đình bụi bặm mà có lẽ 10 năm nay không có ai xem. Tôi cho sửa sang, tu bổ lại ngôi nhà, nhưng vẫn giữ nguyên kiểu cách ban đầu.

Theo phong tục Việt Nam, tôi lập một bàn thờ, trên đó đặt các tấm hình của ông bà nội tôi, ba má tôi, ông cụ David, má Julia, chồng tôi và John. Tôi phóng lớn một tấm hình của chồng và một tấm hình của John treo trên tường. Ai hỏi hai người đó là ai, tôi đều nói là chồng tôi, đời chồng trước và đời chồng sau. Tôi đã thay thế má Julia làm chủ ngôi nhà.

Nhưng rồi sẽ được bao lâu như vậy. Một ngày nào đó tôi cũng sẽ theo má Julia. Thế nên tôi thường bắc ghế ra ngồi ngoài hiên, mong có người đến ngắt tặng tôi một đoá hoa hồng.

Bồ Tùng Ma
28/12/07
vietbao.com

No comments:

Post a Comment