Sunday, May 12, 2019

Đốt - Song Thao


Những ngày cuối tháng 5 của 43 năm trước, là mùa sách nạn của dân chúng miền Nam. Cộng sản vừa cướp được Sài Gòn đã vội ra lệnh tịch thu tất cả sách báo miền Nam mà họ gọi là “văn hóa đồi trụy và phản động”. Họ huy động từng đoàn thanh niên học sinh, mang xe ba gác đi từng nhà lục soát sách mang đi đốt giữa những bộ mặt hốt hoảng, bất lực pha lẫn ngậm ngùi của chúng ta. Một bài báo của một tác giả vô danh tôi lượm được trên internet truy niệm cho những cuốn sách vô tội bị hỏa thiêu: Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn. Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế. Đứa may trốn thoát. Tôi có đứa cháu trai, hồi đó 6 ,7 tuổi. Khi đi di tản năm 1975, cháu chỉ mang cặp sách của cháu và nhặt một cuốn sách giáo khoa tâm lý học tôi viết thời đó. Sang sau vài năm, cháu đưa lại cho tôi. Kể cũng mừng và cũng buồn cười. Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói sôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít. Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi. Các cháu ngoan bác Hồ. Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng. Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở”.

Hầu như toàn thể nhân loại văn minh coi việc đốt sách vở là một hành động man rợ. Vậy mà cuộc phần thư ác ôn này được cả hệ thống tuyên truyền của nhà nước nhảy xổ vào đành phèng la cổ võ. Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 25/5/1975 tường thuật sự việc: “Ngày 23/5/1975, trên nhiều đường phố Sài Gòn, “khí thế ra quân” của chiến dịch vô cùng sôi nổi: “Đoàn thanh niên nam nữ đi qua các đường phố và hô to nhiều khẩu hiệu đả đảo văn hóa ngoại lai đồi trụy mất gốc phản động. Đi đầu là xe phóng thanh với một biểu ngữ dài có ghi: ‘Đội thanh niên sinh viên học sinh xung kích bài trừ văn hoá dâm ô phản động’. Theo sau là sinh viên, học sinh sắp hàng bảy, hàng tám xuất phát từ trụ sở của lực lượng thanh niên tự vệ thành phố, số 4 Duy Tân. Đoàn diễn hành kéo dài có đến hàng cây số đường, tất cả mọi người đều có một tấm biểu ngữ trên tay. Ngay sau cuộc tuần hành trên đường phố của hàng chục ngàn thanh niên vệ binh, đồng bào và các tiệm sách đã đem nộp cho đội Quận 7 một số lượng sách báo đồi trụy phản động, tất cả là mười ba xe ba gác. Ngoài ra các hàng sách bày bán trên hai lề đường Lê Lợi, Công Lý cũng tự nguyện dọn sạch và đem nộp. Trên đường Hai Bà Trưng cũng có ba nhà sách tự động đem nộp trên hai mươi cuốn. Đặc biệt, cùng ngày này, 22/5/1975, nhà sách Phúc Bài, 186 Nguyễn Thiện Thuật, Sài Gòn đã tự nguyện đem nộp cho Hội Bài trừ Văn hoá đồi trụy phản động bốn ngàn cuốn sách các loại”.  

Một cảnh đốt sách thật tang thương tháng 5 năm 1975 ở Sài Gòn

Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 24/10/1976, nhà báo nằm vùng Cung Văn đã hô hào:

Sách báo nọ, đừng mong ngóc dậy. Vì nhân dân, sẵn gậy cầm tay. Trừ căn, tuyệt nọc bọn nầy. Đánh cho tận gốc, đánh quay mòng mòng.

Theo tài liệu của nhà văn Trần Hoài Thư, chuyện đốt sách dưới mắt người ngoại quốc được đề cập trong cuốn “Nhật Ký Saigon 1975” của ông Walter Skrobanek, Giám Đốc một tổ chức từ thiện, ghi lại cũng vào ngày 23/5/1975:

“Sáng nay người nước ngoài thêm một lần nữa không được phép đi vào trung tâm thành phố. Những người da trắng muốn làm điều đó bằng ô tô hay đi bộ đều bị đuổi trở ra mà không có một lời giải thích… Siriporn cũng hỏi lý do ngăn cấm nội thành, đặc biệt là đường Tự Do, đối với người nước ngoài. Nhún vai. Vào buổi tối, có hai phiên bản được lan truyền đi trong trung tâm, tại sao lại ngăn cấm: đốt sách phản động hay là một cuộc gặp gỡ nhiều căng thẳng giữa đại diện của hai phái Công giáo…Các sinh viên cách mạng đả phá tín ngưỡng cũng đã gõ cửa nhà Ariel, để thu thập văn học phản động và khiêu dâm. Chị của Ariel không cho họ vào nhà, mà chỉ giải thích rằng bà không biết đọc. Theo tường thuật của nhân viên chúng tôi thì các tác phẩm văn học Việt Trung như “Tam Quốc Chí” cũng thuộc vào hàng văn hóa đồi trụy như tạp chí tin tức Mỹ “Time”. Giá như các sinh viên đó biết rằng ví dụ như Kim Vân Kiều đang phục sinh lại ở Bắc Việt Nam và được diễn giải như là một phê bình văn học của phong trào chống phong kiến. Người ta nói rằng vào ngày 31 tháng Năm sẽ có một cuộc đốt sách lớn”. 
Học giả Nguyễn Hiến Lê, người có nhiều sách đã xuất bản ở miền Nam, kể lại:

Một trong những công việc đầu tiên của chính quyền là hủy tất cả các ấn phẩm (sách, báo) của bộ Văn hóa ngụy, kể cả các bản dịch tác phẩm của Lê Quí Đôn, thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Du; tự điển Pháp, Hoa, Anh cũng bị đốt…Sở Thông tin Văn hóa ra chỉ thị cho mỗi quận phái thanh niên đi xét sách phản động, đồi trụy trong mỗi nhà để đem về đốt. Bọn thanh niên đó đa số không biết ngoại ngữ, sách Việt cũng ít đọc, mà bảo họ kiểm duyệt như vậy thì tất nhiên phải làm bậy. Họ vào mỗi nhà, thấy sách Pháp, Anh là lượm, bất kỳ loại gì; sách Việt thì cứ tiểu thuyết là thu hết, chẳng kể nội dung ra sao. Lần đó sách ở Sài gòn bị đốt kha khá. Nghe nói các loại đồi trụy và kiếm hiệp chất đầy phòng một ông chủ thông tin quận, và mấy năm sau ông ấy kêu người lại bán với giá cao. Ông bạn Vương Hồng Sển có nhiều sách cổ, quí, lo lắng lắm mà cũng uất ức lắm, viết thư cho Sở Thông tin Văn hóa, giọng chua xót xin được giữ tủ sách, nếu không thì ông sẽ chết theo sách. Một độc giả lập một danh sách các tác phẩm của tôi mà ông ta có trong nhà, đem lại sở Thông tin hỏi thứ nào được phép giữ lại, nhân viên Thông tin chẳng cần ngó tên sách, khoát tay bảo: Hủy hết, hủy hết”.

Dân Sài Gòn sức mấy mà “hủy hết”. Họ tìm mọi cách cứu sách. Tôi lúc đó đau lòng đứng nhìn tủ sách tôi đã dầy công thu thập từ những ngày còn là học sinh trung học. Cũng cả ngàn cuốn chứ ít ỏi chi. Tuy không được bằng những tủ sách danh tiếng như của thầy Vương Hồng Sển và các nhà văn hóa khác nhưng cũng là máu thịt của mình. Sau khi đánh liều mang một số giấu trên trần nhà, số còn lại mang ra nhúm bếp hết. Dù sao sách cũng làm chín được nồi cơm! Nhà tôi lúc đó ở trong một con hẻm nên các “anh hùng băng đỏ” coi bộ cũng ngại xông pha. Họ vào những nhà mặt tiền cho mau chóng đạt được chỉ tiêu. Nhiều người mang sách báo ra bỏ bên vệ đường hoặc trong bụi cây khuất lấp để dân chúng ai muốn lượm cũng được. Dù sao cũng là một cách cứu sách, như người mẹ nghèo hoặc bị tình phụ bỏ trẻ sơ sanh ngoài đường để có đường sống cho con thơ.
Nhà văn Ngọc, một người trẻ còn theo bậc tiểu học vào năm 1975, là một người rất thích đọc sách kể lại trường hợp cứu sách của gia đình cô:

Lớn lên vào thời điểm chiến dịch kiểm kê văn hóa, tôi đáng lẽ cũng chịu chung cảnh bưng bít kiến thức như nhiều trẻ em Việt Nam hồi ấy nhưng may mắn được ở vùng Tân Quy có làng thương phế binh và cư xá cho công chức, sĩ quan, đa số người dân cùng chung hoàn cảnh nên đùm bọc thương yêu nhau, cán bộ phường xã cũng dĩ hoà vi quý. Đội kiểm kê gồm nhiều học trò cũ của má tôi nên tuy biết nhà tôi nổi tiếng có tủ sách lớn nhất vùng đã làm ngơ vì tiếc, chỉ kê vài cuốn giáo khoa cũ mà không tịch thu. Hàng xóm và các thầy cô giáo thấy vậy chở thêm sách lại cho tị nạn nhà tôi. Má tôi cẩn tắc vô ưu nên dù được bảo đảm vẫn đóng khóa sách cẩn thận. Nhà tôi có một tủ sắt loại locker cho cầu thủ trong sân vận động, cao tới nóc nhà. Má tôi tống hết sách báo vào đó, từ tạp chí Văn, Bách Khoa, sách Trung Hoa xưa, tiền chiến, Tự Lực Văn Đoàn, cho đến các tác giả bị liệt vào hạng phản động Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Thụy Long, Mai Thảo, Chu Tử, Duyên Anh, Nguyễn Mộng Giác, Ngô Thế Vinh, Vũ Hoàng Chương, Nhất Tuấn, Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Phạm Công Thiện, Túy Hồng, Nhã Ca, Thụy Vũ … Một cô giáo còn chở lại cả tủ Quỳnh Dao. Má tôi khóa tủ sắt, dặn chị em tôi không được lấy sách ra đọc rồi bỏ lung tung lỡ có ai thấy, ai hỏi thì nói khóa tủ hư lâu rồi không mở được. Dĩ nhiên chị em tôi tránh sao khỏi tò mò, má tôi đi dạy là mở tủ lôi sách ra đọc ngấu nghiến, canh giờ má tôi sắp về thì gom sách cất khóa lại. Riêng bán nguyệt san Thời Nay, do số lượng quá nhiều (mỗi tháng hai số trong mười lăm năm) và cũng là tờ tạp chí yêu thích nhất, má tôi dành riêng một chỗ rất đặc biệt và an toàn. Dân miền Nam xưa chắc ai cũng biết cái garde-manger, người Bắc gọi là chạn thức ăn, phần trên có hai ngăn, hai cánh cửa tủ, giữa là ngăn trống để chai hũ, phần dưới không có ngăn nên rất rộng, chắc dành cho những bao hũ khổ lớn, có cửa đóng lại, là chỗ trú ẩn của bộ Thời Nay gia đình tôi. Đội kiểm kê có vào chắc cũng chẳng nghĩ tới xét lục ngăn thường đựng nước mắm, dưa cải v.v…này”.

Sức bật của người Sài Gòn vậy mà được việc. Chỉ khoảng hơn một tháng sau, sách cũ sống lại trên vỉa hè, nằm trên  những tấm ni-lông của những con người không còn cách mưu sinh nào khác. Họ bán rất rẻ. Khách hàng gồm cả những bộ đội từ miền Bắc. Văn hóa “đồi trụy” rất được những con người xã hội chủ nghĩa mến mộ. Một trong những người ngồi bán sách trên lề đường là ông Khai Trí. Trong kho nhà sách và nhà xuất bản của ông vào thời điểm Sài Gòn sụp đổ chất đầy sách. Một phần bị dân chúng vào hôi của mang đi, một phần lớn bị tịch thu mang đi đốt. Theo nhà văn Nhật Tiến thì sau khi mất hàng triệu cuốn sách trong kho, ông Khai Trí đã đầu quân vào hàng ngũ bán sách trên lề đường. Ông bày bán ít cuốn truyện thiếu nhi do chính ông xuất bản!

Dân Sài Gòn coi sách như con đẻ, họ xúm vào cứu sách. Mỗi người yêu sách có cách cứu sách riêng. Nhưng tôi nghĩ không có người yêu sách nào hào hùng như nhân vật trong truyện ngắn “Để Tang Cho Sách” của nhà văn Khuất Đẩu. Ông mê sách, nhất là những sách quý.

Ông mê sách như người mê đồ cổ. Nghe ở đâu có sách quý là ông tìm tới dù có phải tốn kém tàu xe và phải bỏ ra cả một món tiền lớn để “rước” người có nhan như ngọc đó về, ông cũng dám chơi một phen cho thỏa chí. Như cuốn Tự vị của Paulus Của, nghe đâu như là ấn bản đầu tiên của một ông cụ nào đó bắc bực làm cao đến tận giời, ông tôi đã phải lặn lội vào tận xứ Thủ Dầu Một xa lắc xa lơ để mua cho bằng được. Công cuộc mua quyển sách đó, chẳng những khiến ông mất đến mấy chỉ vàng, mà còn ốm một trận thừa sống thiếu chết. Cuốn sách cũ đến nỗi như đã ngàn năm tuổi. Còn hơn một người chơi đồ cổ, ông tôi lại phải tốn thêm một món tiền và nhất là tốn rất nhiều thì giờ để nài nỉ và kiên nhẫn ngồi chờ anh thợ đóng sách đóng lại giùm. Lúc này quyển sách đối với ông như một con bệnh thập tử nhất sinh và anh thợ đóng sách cứ như một bác sĩ. Khi anh thợ tháo bung sách ra, ông đau nhói như thể gan ruột của mình cũng bị lôi ra như thế. Ông hồi hộp theo dõi từng mũi chỉ khâu, nín thở xem anh ta cắt xén, làm bìa. Cho đến khi sách được làm mới một cách khỏe mạnh, xinh đẹp, ông ôm quyển sách trước ngực như một người mẹ ôm đứa con bé bỏng vừa được bác sĩ cứu sống. Ông hết lời cảm ơn anh ta, đưa cho anh một tờ tiền lớn và hào phóng không nhận tiền thối lại. Đem quyển sách về nhà, ông lại mất cả buổi ngồi ngắm đến nỗi quên cả bữa cơm khiến bà tôi phải giục”.

Đó là sách cổ. Với sách mới ông mua mỗi thứ hai cuốn, một cuốn để đọc và cho mượn, một cuốn để cất trong tủ. Ông muốn cuốn sách cất giữ này trinh nguyên, còn giữ được lề. Không biết có ai còn nhớ được những cuốn sách in thời xưa. Lề sách không bị cắt, trang này còn dính với trang kia. Không biết vì muốn phòng ngừa nạn đọc lén sách hay vì lý do nào khác. Muốn đọc phải dùng dao rọc những trang dính ấy ra. Dao dùng thường phải thật sắc để trang giấy không bị nham nhúa. Giữ sách đã vậy, đọc sách, với ông, là một… nghi lễ.

“Đối với ông, đọc sách là để được tiếp cận với những tâm hồn ngoại hạng, cho nên trước hết phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, phải “dọn mình”như con chiên quỳ trước Chúa, như nhà sư đảnh lễ trước bàn thờ Phật. Chẳng những sạch ở phần xác mà còn sạch cả phần hồn. Nghĩa là không để những giận hờn phiền muộn hay những ý nghĩ ô trọc dính bám cho dù chỉ một tí trong đầu. Chỉ đọc trong lúc thanh tịnh giữa khuya hay khi gần sáng tinh mơ. Đọc với hương trầm cộng với mùi hương ngai ngái của giấy mực, hương của sương đêm loáng thoáng hay hương của nước mưa mát dịu. Đọc là mở hồn ra để hơi thở của sách ùa vào căng buồm lên cho con thuyền bé nhỏ của mình được dọc ngang trên biển học mông mênh”.

Tháng 5 năm ấy, sách của ông cũng bị bức tử như mọi sách khác. Ông suy nghĩ, không phải để cứu sách mà làm sao để cho sách có một cái chết xứng đáng với lòng tin yêu và kính trọng của ông. Sau nhiều đêm mất ngủ, ông nghĩ ra cách chọn cho sách một cái chết dũng cảm. Đó là chính ông tự mình đốt sách.

“Đó là một đêm tháng năm lặng gió. Cây cối im ngủ. Những ngôi sao như tan đi trong khói trời mờ đục. Ông tôi cử hành lễ đốt sách cũng bi tráng và lẫm liệt như Huấn Cao cho chữ trong ngục. Ông mặc toàn đồ trắng, cắm một cây đuốc giữa trời, khấn khứa rì rầm rồi lạy bốn hướng mỗi nơi một lạy. Xong ông lấy cây đuốc đang cháy đặt vào giữa tháp. Dứt khoát và quyết liệt như cái cách các võ sĩ đạo đâm kiếm vào bụng. Lửa bắt rất nhanh, chỉ trong phút chốc đã bắn vọt lên đầu ngọn tháp. Đã nghe mùi mực và mùi giấy. Đã nghe tiếng vặn mình của các bìa sách. Đã nghe những âm thanh líu ríu như run như rẩy của những trang sách méo mó cong vênh. Lửa trào ra như từ miệng hỏa diệm sơn. Lửa ôm choàng lấy sách, hôn dữ dội bằng đôi môi bỏng cháy. Sau cùng, cái tháp bằng sách đỏ rực như một trái tim để lộn ngược.Ông tôi ngồi xếp bằng, cố giữ nét mặt trầm tĩnh một cách cao cả. Không một giọt nước mắt cho dù là vì khói cay xè”.

Sách do ông rứt ruột tự tay châm lửa đốt thành những đống tro tàn nằm im như những tử thi. Với ông, đám tro này vẫn là sách. Ông đặt làm những chiếc hộp để đựng đám tro này. Tất cả tên những cuốn sách bị đốt đều được viết thành những tấm bia, xếp đều trong chiếc tủ giờ đã vắng sách. Tủ sách đã biến thành một nghĩa trang. Ông chít khăn trắng, lên nhang đèn, cung kính khấn vái, miệng bật ra tiếng khóc lẩm nhẩm những tiếng: ta là kẻ có tội. Chắc là cái tội không giữ được sách. Từ đó ông ăn ít, ngủ ít. Ông thường đem những tấm bia xuống ngắm hàng giờ như đang đọc sách. Mỗi tấm bia gợi nhớ tới màu bìa, co chữ, tranh vẽ và cả nội dung sách mà chỉ có ông mới nhớ được. Rồi ông không ăn, cũng không ngủ, người khô kiệt tái xám.

“Buổi chiều cuối cùng ngồi bóp chân cho ông, tôi nghe ông hỏi, cháu thấy ông thế nào? Tôi nói, dạ, ông nên ăn chút cháo, trông ông gầy lắm. Không phải, ông nói, da ông thế nào, đã ngã thành màu đất chưa? Không biết da màu đất là màu gì, tôi nói đại, chưa ông à. Ngã màu đất là sắp chết đấy cháu, ông nói. Ông đã có ý để lại sách cho cháu, nhưng ta tính làm sao được bằng trời tính. Cháu nhớ giữ giùm ông cái tủ và mấy cái kệ. Nghe ông nói, tôi thấy da ông quả thật rất giống với màu đất bạc phếch, lạnh lẽo ở nghĩa địa. Da ông là da của một người đã chết từ lâu nhưng chưa chôn. Hay là ông đã chết từ cái đêm hôm ấy. Hồn ông đã cùng với hồn sách nương theo khói bay lên tận trời cao. Cái miền đất ồn ào đầy ô trọc và thù hận này biết đến bao giờ mới lại có được những con người, những quyển sách biết yêu quý tương kính lẫn nhau như thế. Chính lúc này tôi mới thấy thấm thía nỗi đau mất sách của ông. Tôi vừa buông tay ra thì ông ngừng thở. Ông chết nhẹ nhàng như gấp lại một cuốn sách. Tính ra, ông đã để tang cho sách đúng một trăm ngày”.

Song Thao

No comments:

Post a Comment