Khi phỏng vấn vào chương trình Tuyển Sinh Y Khoa, có một câu hỏi từ giáo sư tuyển sinh làm tôi nhớ mãi
– Nếu em có thể đi về quá khứ để thăm một người hay đến một nơi nào đó, em sẽ đi đâu?
– Thưa thầy, em sẽ đi thăm đất nước của em: Việt Nam Cộng Hoà.
Khi tôi được sinh ra, VNCH đã không còn nữa.
Từ nhỏ, tôi nghe nói về VNCH từ ba tôi và những người bạn. Tôi chỉ
hiểu rõ hơn về VNCH khi tôi lớn lên và qua Mỹ sau này. Càng tìm hiểu,
tôi càng nhìn rõ hơn một thời bi thương oanh liệt của người miền Nam
Việt Nam trong cuộc nội chiến nồi da xáo thịt, sự bất lực của những nước
bé trong cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa những cường quốc.
Tôi sẽ về lại Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông, nhảy lên một chiếc xích lô
máy dạo phố. Tôi muốn nghe tiếng máy nổ phịt phịt giòn tan trộn mùi xăng
pha nhớt trong buổi sáng tinh sương Đô Thành. Tôi sẽ ghé chợ Bến Thành
ăn một tô phở gà, ngắm nhìn các cô thiếu nữ Sài Gòn mặc áo dài bó eo,
đeo kính mắt to tròn đèo nhau trên chiếc xe Honda Cub ở bùng binh trước
chợ. Ăn xong, tôi sẽ thả bộ dọc đường Duy Tân, ghé qua toà Đô Chánh và
toà nhà Hạ Nghị Viện, phác lại vài nét kiến trúc bằng bút chì trước khi
tản bộ ra sông Sài Gòn ngắm tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Sau đó, tôi
sẽ nhảy xe lên lambro về Nhà Bè nước chảy chia hai, ghé qua vườn trái
cây Lái Thiêu bẻ măng cục, bóp nát vỏ xám đen lòi múi thịt trăng trắng
ngọt lịm bỏ vào miệng.
Buổi tối, tôi sẽ ghé thăm phòng trà Tự Do nghe Khánh Ly hát. Có thể
nói nhạc vàng (bolero) từ thời VNCH là dòng nhạc đẹp nhất của âm nhạc
hiện đại Việt Nam. Đến nay, dòng Bolero tại Viêt Nam tuy ngày càng nở rộ
nhưng những ca khúc hay nhất đều sáng tác thời VNCH.
Nhưng cái tôi muốn cảm nhận rõ nhất ở VNCH là tính nhân văn và tình
người Việt Nam, có được do nền giáo dục đậm chất nhân bản. Thời VNCH,
các trường ĐH tuy mới bắt đầu chập chững nhưng đã để lại những nền tảng
vững chắc cho các trường đại học lớn ở Việt Nam sau này. Ở đó, học trò
được dạy về trên 3 nguyên tắc: nhân bản, dân tộc, và khai phóng.
Tôi sẽ ghé qua bộ giáo dục VNCH để thăm hỏi vì sao chỉ trong một vài
năm đã thành lập một hệ thống giáo dục đại học tiến bộ gồm đại học quốc
gia và đại học cộng đồng địa phương. Đại học thời VNCH hoàn toàn tự chủ
về chuỵên môn, không chịu sự quản lý của bộ giáo dục. Ngân sách của
trường ĐH do quốc hội chuẩn duyệt hàng năm, nhân viên và giáo sứ thuộc
tổng uỷ công vụ.
Tôi sẽ ghé thăm Viện ĐH Sài Gòn (có 8 phân khoa Y, Dược, Nha, Sư
Phạm, Khoa Học, Văn Khoa, Luật, và Kiến Trúc). Dĩ nhiên tôi chỉ thăm
được đại học xá (ký túc xá) Minh Mạng dành cho nam vì đại học xá Trần
Quý Cáp dành cho nữ. Nếu có thời gian, tôi sẽ ghé thăm Viện Đại Học Cần
Thơ, nơi tôi đặc biêt thích chất miền Tây phóng khoáng trong từng sinh
viên.
Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, nền giáo dục nhân bản đã để lại cho bao thanh
thiếu niên Việt Nam lòng yêu nước mãnh liệt, muốn góp tay xây dựng đất
nước phú cường bằng trao dồi kiến thức học hành để mang đất nước ra tầm
thế giới. Tôi vẫn còn cảm nhận được đều này khi gặp lại những thanh niên
ngày ấy là những ông bà lão tại Mỹ sau này. Ba tôi, một sĩ quan VNCH,
cùng là một trong những thanh niên ngày ấy.
Và dĩ nhiên, tôi sẽ gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu để hiểu rõ về những gì xảy ra với đất nước vì những gì tôi đọc
được và nghiên cứu từ nhiều phía vẫn chưa đủ để tôi trả lời câu hỏi vì
sao một đất nước nhân văn, đề cao tính dân tộc, và phồn vinh như VNCH
lại bị bức tử.
Ngày 30/4 hằng năm, tôi vẫn nhớ về 200,000 người Việt Nam đã bỏ mạng
trên biển trên đường tìm tự do, hàng triệu người Việt đã chết trong cuộc
chiến, vẫn nghĩ về sự ngạo mạn của kẻ chiến thắng, sự khốc liệt và dơ
bẩn của chính trị. Tôi vẫn nhớ về VNCH phồn vinh, thịnh vượng, và nhìn
lại đất nước Việt Nam ngày hôm nay mà không khỏi đắng lòng.
Huynh Wynn Tran
No comments:
Post a Comment