Wednesday, January 28, 2015

Nền Giáo Dục VNCH - Một Kinh Nghiệm Bản Thân - Cao-Đắc Tuấn


Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm lược: Nền giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trong hai thập niên 1960 và 1970 nhắm vào ba mục tiêu dân tộc, khoa học và nhân bản. Theo kinh nghiệm bản thân, các mục tiêu này được thể hiện qua đường lối giáo dục, từ tiểu học đến trung học, khuyến khích tự do tư tưởng, sáng tạo; duy trì đạo đức và luân lý; phát huy tinh thần dân tộc và quê hương đồng bào; và cổ võ tinh thần tự do dân chủ. Mối liên hệ giữa thầy cô và học sinh thường biểu lộ tình thân mật và quý mến lẫn nhau và dựa vào căn bản đạo đức.

*
Đã có nhiều bài viết về nền giáo dục thời VNCH. Đặc biệt, Huỳnh Minh Tú biên soạn một bài rất công phu về toàn diện nền giáo dục VNCH (Huỳnh 2013). Độc giả nên đọc bài của Huỳnh Minh Tú để hiểu rõ thêm về cơ cấu, tổ chức, chương trình học, và các điểm liên quan khác. Trong bài này, tôi viết về kinh nghiệm cá nhân qua những mẩu chuyện vụn vặt khi tôi học trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa (tiểu học) và Đệ Nhị Cộng Hòa (tiểu học và trung học). 

Có bốn điểm tôi cần phải nêu ra: (1) Bài này chỉ nói về kinh nghiệm bản thân với những mẩu chuyện và nhận xét cá nhân và không có tính chất tổng quát, và do đó không phản ảnh toàn diện cho nền giáo dục thời VNCH; (2) Tôi ghi lại dựa vào trí nhớ về quá khứ xa xưa, từ hơn 40 cho tới 50 năm, nên chắc chắn có nhiều thiếu sót hoặc không chính xác tuyệt đối; (3) Những gì tôi ghi nhận trong bài này xảy ra vào thập niên 1960 và 1970, cách đây hơn bốn năm chục năm; do đó, mọi so sánh thời bấy giờ với hiện tại đều không cân xứng; và (4) Tôi cố cho những chi tiết rõ rệt và cụ thể nhưng vì lý do tôn trọng những khía cạnh tế nhị, riêng tư, liên hệ nhiều người khác nên tôi chỉ cho biết một cách khái quát. Tuy nhiên, tôi tin là những mẩu chuyện, giai thoại, nhận xét, và cảm nghĩ của tôi phản ảnh trung thực phần nào nền giáo dục tôi hấp thụ trong thời VNCH trong những năm tiểu học và trung học.

Theo Hiến Pháp VNCH 1967, Điều 10 quy định: "Nền giáo dục Đại Học được tự trị" (Wikisource 2012). Tự trị trong Đại Học có nghĩa là Đại Học không ở dưới sự quản trị của chính phủ (Bộ Quốc Gia Giáo Dục), mà được độc lập quản trị bởi thành phần giáo sư của trường. Điều 11 quy định: "Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản" (Wikisource 2012). Căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản được thể hiện rõ rệt nhất trong giáo dục tiểu học và trung học.

Trường tiểu học và trung học mà tôi theo học là trường công, nằm trong vùng quanh Sài Gòn. Học sinh toàn là nam, và đa số thuộc gia đình nghèo hoặc trung lưu. Cả hai trường không lớn mà cũng không nhỏ về số học sinh, có lẽ thuộc vào hàng trung bình trong các trường tại Sài Gòn và vùng phụ cận bấy giờ. Một cách tổng quát, tôi được dậy dỗ một cách chu đáo trong một môi trường tự do, giúp tôi phát triển trí tuệ, khả năng lý luận và suy nghĩ, đạo đức, và tinh thần tự do dân chủ. 

A. Tôi được hấp thụ một nền giáo dục khuyến khích tự do tư tưởng và sáng tạo:

Một trong những điểm đặc sắc nhất mà tôi ghi nhớ trong lúc đi học là không hề có sự cấm cản tự do tư tưởng, nếu không muốn nói là có sự khuyến khích. Lúc ấy còn nhỏ, tôi không biết đó là một khía cạnh tốt đẹp nhất trong nền giáo dục trẻ em. Trong suốt hơn mười năm học tiểu học và trung học, tôi chưa hề thấy hoặc nghe nói đến thầy cô nào cấm đoán hoặc chỉ trích học trò phát biểu ý kiến riêng tư. Thực ra, các thầy cô còn làm ngược lại, là khuyến khích chúng tôi bày tỏ ý tưởng hoặc đưa ra những sáng kiến. 

1. Sự khuyến khích tự do phát biểu tư tưởng, dùng đầu óc suy luận, và duy trì bản chất trung thực có ngay từ lớp ba tiểu học:

Một mẩu chuyện mà tôi nhớ mãi xảy ra vào năm tôi học lớp ba (lớp 3 bây giờ) tiểu học. Thầy tôi thường hay kể chuyện sau khi dạy xong bài. Thầy kể chuyện rất hay, mỗi lần thầy kể chuyện là cả lũ chúng tôi cứ há hốc mồm lắng tai nghe. Các câu chuyện thầy kể thường là về cách cư xử, sử ký, địa lý, và các chuyện cổ tích thật hay. Một hôm, thầy kể về cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Tôi không nhớ lúc đó lớp ba có học sử ký về Hai Bà Trưng không, nhưng chỉ biết là lúc ấy chúng tôi say mê nghe câu chuyện. Thầy kể Trưng Trắc vì thù chồng bị Tô Định giết mà cùng em lãnh đạo hàng ngàn người đánh đuổi Tô Định rồi thừa thế lan tràn khắp nơi chiếm 65 thành trì. Khi nghe tới đó, tôi, lúc bấy giờ là một thằng nhãi con 7-8 tuổi nhưng cũng có chút suy nghĩ, phát biểu ý kiến, "Chắc Hai Bà có ý đánh Tàu trước rồi làm bộ kiếm cớ trả thù chồng, chứ làm sao mà dân theo hai bà đông vậy." Lúc bấy giờ, tôi không biết sự khác biệt giữa nguyên do của cuộc nổi dậy vì trả thù chồng và vì đánh đuổi Tàu rất là tinh tế và cũng rất là quan trọng. Nhưng hẳn nhiên là thầy biết. Tôi vẫn còn nhớ rõ khi nghe câu tôi nói, ông nhìn tôi chằm chằm một lúc. Tôi không hiểu tại sao thầy nhìn tôi lâu vậy, chắc ông tưởng tôi sửa sai ông. Sau đó, thầy gật gù nói, "Chắc con nói đúng. Thầy chỉ kể theo sách vở, nhưng sách vở cũng có khi sai." Rồi ông quay qua nói cả lớp, "Các con đi học phải biết xài cái đầu để suy nghĩ." Tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy lấy ngón tay chỉ vào đầu mà nói đi nói lại, "Phải biết xài cái đầu." Sau này, khi có dịp tìm hiểu về chuyện Hai Bà Trưng, quả thật có chứng cớ lịch sử cho thấy khi Hai Bà khởi nghĩa, chồng bà Trưng Trắc (tên là Thi, không phải là Thi Sách) vẫn còn sống (Cao-Đắc 2014, 336). Các sử gia bấy giờ, vẫn còn có ý tưởng trọng nam khinh nữ, không muốn, hoặc không nghĩ là Hai Bà nổi dậy với ý chính là đánh đuổi Tàu, mà quy gán là vì trả thù chồng bị giết. Điểm quan trọng là thầy tôi không la tôi là con nít nói tầm bậy, mà lại còn tôn trọng ý kiến của tôi. Ngoài ra, thầy còn dùng đó để khuyên học trò là phải biết dùng đầu óc để suy nghĩ về các câu chuyện lịch sử và đừng có mù quáng tin tưởng vào sách vở. Nên nhớ lúc đó tôi đang học lớp ba tiểu học. 

Năm lớp ba tiểu học, tôi đã được khuyến khích tự do phát huy tư tưởng và không nên tin vào sách vở một cách mù quáng mà phải biết dùng đầu óc để suy luận.

Một điểm đặc biệt trong lối dạy của thầy là ông đối xử chúng tôi như những cá nhân có bản chất trung thực, lương thiện. Thầy không bao giờ nghi ngờ chúng tôi nói láo, gian lận, hoặc chối tội. Thí dụ có đứa đi học trễ hoặc quên bài, ông hỏi lý do, và lúc nào cũng tin lời học trò. Ông không căn vặn, hoạnh họe, hoặc hỏi thêm, cho dù lý do nghe hơi khó tin. Việc này được thể hiện cụ thể qua kiểu thầy ghi điểm vào sổ như sau. Thỉnh thoảng, ông khảo bài học trò. Lối khảo bài của ông khác hẳn các thầy cô sau này tôi học. Thay vì gọi từng đứa lên đứng bên cạnh bàn, ông đi xuống chỗ ngồi đám học trò, và đảo qua một vòng. Ông lấy quyển vở học trò, hỏi bài và ghi điểm vào vở, có lúc có lời phê, có lúc không. Tôi không nhớ là thầy khảo bài cả lớp hay chỉ một số, nhưng hình như cả lớp, vì sau đó ông trở về bàn và gọi tên từng đứa để ghi vào sổ điểm. Thầy không hề thắc mắc hoặc lo sợ học trò nói sai điểm, và ghi xuống điểm học trò nói. Một cách kỳ lạ, không có đứa nào nói sai điểm. Trong suốt cả năm học, có cả hàng mấy chục lần ghi điểm như vậy, chúng tôi biết là nếu muốn gian lận nói điểm cao hơn, thầy cũng chẳng biết. Nhưng không đứa nào nói sai điểm cho cao hơn. Làm sao tôi biết chuyện đó? Tôi không biết chắc 100%, nhưng chúng tôi thường coi điểm lẫn nhau, và tôi biết những đứa quanh tôi không nói sai dù điểm tụi nó rất tệ (chỉ có 2-3 trên 10 điểm). Tôi không nghe đứa nào kiện cáo bạn mình nói sai điểm. Hình như sự trung thực tiềm tàng trong mỗi đứa nên không đứa nào nghĩ đến chuyện gian lận. Lúc bấy giờ, tôi cũng chẳng suy nghĩ gì về chuyện đó và coi nó bình thường, không có gì đáng nói. Nhưng sau này khi nghĩ lại, tôi thật cảm phục cách đối xử đó. 

Chúng tôi là những đứa bé lương thiện vì thầy đối xử chúng tôi như những người lương thiện.

2. Trong những năm trung học, chúng tôi luôn luôn được khuyến khích tự do phát huy sáng tạo:

Khi lên trung học, cái tinh thần tôn trọng học sinh và khuyến khích tự do tư tưởng đó vẫn tiếp tục, với một mức độ rõ rệt và mạnh mẽ hơn. Tôi không nghĩ là Bộ Quốc Gia Giáo Dục đặt ra quy chế rõ rệt về chuyện đó, mà cái tinh thần đó đã tiềm tàng trong xã hội bấy giờ. Hoặc cũng có thể thầy cô hấp thụ tinh thần đó trong lúc học trường sư phạm, và áp dụng một cách tự phát trong lúc hành nghề.

Năm Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) là năm mới lạ với tôi, vì tôi có nhiều bạn và có nhiều thầy cô, mỗi người dạy một môn. Thông thường mỗi thầy cô dạy một kiểu, và ít khi giống nhau. Chúng tôi học hỏi những đề tài học vấn, nhưng nhiều khi cũng qua cách thức cư xử đạo đức và đường lối làm việc khoa học của các thầy cô. Chính những sắc thái khác biệt của các lối dạy đó tạo cho chúng tôi có khái niệm tự do. Ngoài ra, thầy cô lúc nào cũng trực tiếp và gián tiếp khuyến khích chúng tôi phát huy tinh thần tự do sáng tạo trong việc học hành. Vài thí dụ là thầy cô đều khuyến khích khi tôi có những sáng kiến hoặc làm những chuyện khác lạ không theo bài dạy, như vẽ biểu đồ cho dễ học cho các sự kiện lịch sử, dùng mẩu đối thoại là nhập đề trong bài luận văn, tìm tòi và cắt dán hình ảnh thú vật trong các tạp chí Tây phương cho môn vạn vật.

Ngay ở năm Đệ Thất, tôi đã được khuyến khích tự do sáng tạo, khiến tôi yêu tiếng Việt và quý sự tự do diễn tả ý tưởng, và tự do tìm tòi và nghiên cứu.

3. Những buổi thuyết trình trong lớp và toàn trường cho chúng tôi tự do tư tưởng và giúp phát huy khả năng tìm tòi, suy luận, và tinh thần cư xử trưởng thành:

Trong năm lớp Đệ Ngũ (lớp 8 bây giờ), trường phát động chương trình thuyết trình. Chương trình này nhằm giúp học sinh phát huy kh̉ả năng nghiên cứu, bình luận, lý luận, ăn nói trước công chúng, và quan trọng nhất là tạo cơ hội cho học sinh phát biểu ý kiến tự do. Tôi không rõ chương trình này chỉ áp dụng cho lớp Đệ Ngũ, hay chỉ xảy ra trong niên khóa đó, vì các năm kế tiếp không còn chương trình này nữa. Ngoài ra, tôi không rõ đây có phải là một chương trình đưa ra từ Bộ Quốc Gia Giáo Dục hay chỉ là sáng kiến của hội đồng giáo sư trường tôi. Bây giờ nghĩ lại, tôi thật không ngờ lúc bấy giờ, vào cuối thập niên 1960, nước VNCH lại có thể có một chương trình giáo dục đầy sáng tạo và cách mạng như vậy. 

Đại khái chương trình đó hoạt động như sau. Thỉnh thoảng, thầy cô cho học sinh tình nguyện làm "giáo sư," thuyết trình về đề tài mà giáo sư giảng dạy. Nếu có nhiều người tình nguyện thì thầy cô sẽ chọn một người, hoặc chia đề tài ra phân phối cho mỗi người một phần. Nếu không có ai tình nguyện, thì giáo sư sẽ giảng bài như thường lệ. Mỗi thuyết trình viên có một tuần để chuẩn bị. Anh ta phải tự tìm tòi, nghiên cứu về đề tài đó, tham khảo vị giáo sư đang dạy nếu cần. Anh thuyết trình viên phải nghiên cứu đề tài thật kỹ lưỡng và chuẩn bị cho mọi câu hỏi, "bồ tèo" hay "thù địch." Tới ngày thuyết trình, anh thuyết trình viên sẽ đứng trên bục giảng và giảng về đề tài. Sau bài giảng, học sinh trong lớp sẽ có dịp "quay" thuyết trình viên, hỏi đủ mọi câu hỏi về đề tài đó. Chương trình đó chỉ áp dụng cho vài môn mà phương pháp thuyết trình có hiệu quả. Tôi nhớ chắc chắn có hai môn là Việt văn và Vạn vật, và có khoảng cả chục lần thuyết trình như vậy.

Bạn sẽ tự hỏi làm sao mà một thằng nhóc 14-15 tuổi biết gì về văn chương, cách hành văn và ý nghĩa của các truyện, hoặc địa chất học và cấu trúc đá mà giảng bài về đề tài đó? Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết được sức mạnh của tự do và sáng tạo khi học sinh được cho phép tìm tòi nghiên cứu độc lập. Chính tôi cũng không hiểu tại sao các thuyết trình viên làm được chuyện đó. Không những thế, nhiều thuyết trình viên giảng bài còn hay hơn cả thầy cô. Học sinh thường chăm chú nghe bạn mình thuyết trình hơn là nghe lời thầy giảng. 

Phần hỏi đáp là phần cao đỉnh của buổi thuyết trình. Thông thường, khi thầy cô giảng bài, chúng tôi ít khi giơ tay hỏi. Nhưng khi bạn mình lên giảng bài thì chúng tôi được dịp "quay" thuyết trình viên túi bụi, y hệt như những tranh luận trong các diễn đàn trên Internet bây giờ. Cũng có lúc thuyết trình viên "bí" thì có các bạn "cứu bồ" hoặc thầy cô ra tay. Phần hỏi đáp, nhất là trong môn Việt văn, kéo dài hơn nửa tiếng, nhiều khi hết cả giờ, phải tiếp tục kỳ sau. Điểm độc đáo nhất là thầy cô thường đứng ngoài cuộc tranh cãi, và để chúng tôi tự do phát biểu ý kiến, và chỉ can thiệp khi các câu hỏi ra ngoài đề hoặc cuộc tranh cãi trở nên gay go, hoặc khi thuyết trình viên tự động "cầu cứu." Một điểm kỳ lạ nữa là chúng tôi thường "mày tao chi tớ" với nhau trong cuộc nói chuyện hàng ngày, nhưng trong cuộc hỏi đáp hoặc tranh cãi trong buổi thuyết trình, chúng tôi cư xử với nhau rất nhã nhặn và lịch sự. 

Tuy chương trình thuyết trình không còn tiếp tục trong lớp trong những năm sau, một chương trình thuyết trình đặc biệt được tổ chức ở phạm vi cao và rộng rãi hơn trong một niên khóa sau đó. Năm tôi học Đệ Tam (lớp 10 bây giờ), khối Học Tập toàn trường tổ chức các buổi thuyết trình trên mọi đề tài, không nhất thiết dính líu đến đề tài học trong lớp, và bất cứ học sinh nào, từ các em Đệ Thất tới các anh Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ), cũng có thể tham dự là thuyết trình viên hoặc chỉ là người tham dự. Chúng tôi có một vị giáo sư hướng dẫn. Nhiệm vụ vị giáo sư hướng dẫn là duyệt xét nội dung đề tài và thời giờ và địa điểm của các buổi thuyết trình. Mọi đề tài nộp lên đều được chấp thuận. Các đề tài gồm có đề tài về triết lý, sử ký, khoa học, và xã hội. Thuyết trình viên có khoảng 20-30 phút nói về đề tài mình, vả sau đó là phần hỏi đáp và thảo luận. 

Điểm nổi bật của các buổi thuyết trình này là không hề có sự tham dự, kiểm soát hay giám thị của nhà trường. Nhà trường để chúng tôi tự do tổ chức, tự do chọn đề tài (với sự chấp thuận của vị giáo sư hướng dẫn), tự do chọn thuyết trình viên, tự do kêu gọi học sinh tham gia, tự do đi xin sách vở từ các tiệm sách để làm phần thưởng cho các thuyết trình viên. Chúng tôi có toàn quyền thảo luận và phát biểu ý kiến trong các buổi thuyết trình. Bạn nên nhớ lúc bấy giờ phong trào biểu tình của sinh viên học sinh chống chính phủ đang rầm rộ trên đường phố. Các dân biểu của phe đối lập đang hô hào xuống đường. Nhưng chính phủ không hề can thiệp vào các sinh hoạt học sinh trong trường. Nhà trường tin tưởng chúng tôi, thầy cô tin tưởng chúng tôi, và để chúng tôi tự do hội họp thuyết trình. Nhà trường đối xử chúng tôi như những người trưởng thành, và do đó chúng tôi cư xử như những người trưởng thành. Chúng tôi hành xử rất có trật tự và lịch sự mặc dù không có thầy cô giám thị hiện diện. Có những lúc tranh cãi gay go, nhưng chúng tôi vẫn lễ độ với nhau, và trao đổi ý kiến một cách nhã nhặn.

Những hoạt động thuyết trình trong lớp năm Đệ Ngũ và toàn trường năm Đệ Tam nhắm vào các đề tài học đường. Nhưng thu thập kiến thức học hành chỉ là một trong nhiều thành quả. Xung quanh thành quả học tập này là các thành quả phụ thuộc nhưng quan trọng trong việc hun đúc chúng tôi trở thành những công dân hữu ích cho xã hội. Các thành quả phụ thuộc này dựa vào một căn bản tối thượng: tự do. Chính cái tinh thần tự do tiềm tàng trong xã hội và học đường bấy giờ khiến chúng tôi phát huy sáng tạo, khả năng tìm tòi nghiên cứu và lý luận, và tinh thần nhã nhặn, lịch sự, tôn trọng lẫn nhau. Một hậu quả tinh tế nhưng sâu đậm của những hoạt động thuyết trình này là tạo cho chúng tôi niềm tự tin và lòng can đảm. Khi không bị kềm chế trong tư tưởng, con người thường biểu lộ những cái hay và tốt đẹp nhất. 

Chúng tôi được đối xử với đầy đủ mọi quyền con người, ngay từ lúc còn bé trong học đường, và được hưởng tự do hoàn toàn trong tư tưởng và sáng tạo. Cái tinh thần tự do đó là một trong nhiều khía cạnh nhân bản của nền giáo dục VNCH.

B. Các sinh họat học sinh biểu lộ tinh thần dân tộc và tự do dân chủ cao độ:

Sinh hoạt học sinh là những hoạt động do học sinh làm, có thể tự phát hoặc dưới sự hướng dẫn của nhà trường. Ở tiểu học, theo như tôi nhớ, hầu như không có sinh hoạt học trò, ngoại trừ các buổi văn nghệ vào dịp phát phần thưởng cuối năm. Trên trung học, chúng tôi có nhiều sinh hoạt học sinh ngoài chuyện học, như làm việc xã hội, văn nghệ, báo chí. Những việc này được thực hiện qua ban đại diện học sinh trong lớp và toàn trường.

1. Tinh thần dân tộc và thương yêu đồng bào được thể hiện từ tiểu học đến trung học:

Năm lớp Nhất (lớp 5 bây giờ), lễ ra trường và phát phần thưởng được tổ chức tại một cơ sở hành chánh địa phương. Cuộc trình diễn văn nghệ là phần sáng chói trong buổi lễ. Tôi nhớ rất rõ cuộc trình diễn đó vì đứa hàng xóm nằm trong toán diễn viên nên hắn ta tập dượt nghêu ngao hát cả ngày. Màn trình diễn là ca kịch "Hội Nghị Diên Hồng" với bài hát "Hội Nghị Diên Hồng." Anh chàng diễn viên chính, đóng vai Trần Hoàng (Trần Thánh Tông), hát thật oai, "Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến. Hận thù đằng đằng, biên thùy rung chuyển." Tôi còn nhớ đám nhóc mặc khăn đóng áo dài sặc sỡ và hóa trang là bô lão. Đứa hàng xóm nhà tôi đeo bộ râu đáng ghét. Đám nhóc xếp hàng đi ra sân khấu với gậy chống, đập đập xuống sàn sân khấu theo nhịp hát "Kìa vừng hồng, tràn lan trên đỉnh núi." Lúc bấy giờ, tôi không hiểu tại sao nhà trường chọn ca kịch "Hội Nghị Diên Hồng" cho buổi lễ phát phần thưởng, nhưng cuộc trình diễn tạo một ấn tượng sâu sắc và lâu dài trong tâm trí tôi, nhất là lúc đám nhóc bô lão la lớn "Quyế̉t chiến" khi diễn viên chính hỏi "Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?" và "Hy sinh" cho câu hỏi "Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?"

Tinh thần dân tộc đã nảy mầm trong tâm trí tôi trong những năm tiểu học với hình ảnh Hai Bà Trưng và Hội Nghị Diên Hồng. 

Tinh thần dân tộc không những thể hiện qua những quý trọng lịch sử mà còn thể hiện qua mọi hình thức của tình thương yêu đồng bào. Như sẽ đươc̣ trình bày sau, ở trung học, học sinh có ban đại diện mỗi lớp và toàn trường. Đây không phải là những ban đại diện bù nhìn hoặc là công cụ của nhà trường, mà các đại diện học sinh thực sự hoạt động cho học sinh. Một trong những ban đại diện là ban xã hội. Ban này chuyên môn làm những chuyện xã hội, tình nguyện cho các công tác cộng đồng, tham gia các hoạt động từ thiện. Nhà trường chỉ cung cấp giáo sư hướng dẫn và các giúp đỡ hành chánh, như viết giấy giới thiệu hoặc xin phép. Một hoạt động xã hội hầu như xảy ra hàng năm là quyên tiền trợ giúp đồng bào lụt lội miền Trung. Các lớp tham gia tích cực đóng góp và có sự ganh đua trong việc thâu tiền. Các trưởng ban xã hội làm việc tích cực, hô hào anh em trong lớp đóng góp. Anh trưởng ban lớp tôi ăn nói rất hay và lớp tôi hầu như năm nào cũng đóng góp khá cao.

Năm Đệ Tam, có vụ Cam Bốt "cáp duồn" người Việt Nam sống tại Cam Bốt. Hàng trăm ngàn người Việt Nam phải rời Cam Bốt về Việt Nam sống trong các trại tị nạn. Khối xã hội toàn trường phát động phong trào giúp người tị nạn. Theo tôi biết, phong trào này do học sinh phát động và không do chỉ thị của nhà trường. Chúng tôi hưởng ứng tích cực và cả trăm học sinh đi tới các khu đất tị nạn và giúp dựng lều trại. Tôi nhớ tôi cuốc đấ̃t cả buổi đến độ đau nhức cả hai tay. Lúc ấy, khái niệm "bầu ơi thương lấy bí cùng" hình như không rõ rệt trong tâm trí chúng tôi vì chúng tôi coi chuyện đó là chuyện tự nhiên, như là chuyện người trong gia đình mình bị hoạn nạn và mình có bổn phận giúp đỡ mà không phải suy nghĩ đắn đo.

Suy tôn lãnh tụ là chuyện không xảy ra trong nền giáo dục VNCH. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà, khi tôi còn học tiểu học, chương trình phát thanh thường phát thanh bài hát ca ngợi Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng chuyện đó không xảy ra trong học đường. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa lại càng không có chuyện suy tôn bất cứ một ai. Một cách kỳ lạ, tuy Hoa Kỳ giúp đỡ miền Nam Việt Nam rất nhiều, chúng tôi không hề có bài học hoặc lời lẽ ca ngợi Hoa Kỳ, hoặc học hỏi về kinh tế tư bản trong học đường, ngoại trừ những sự kiện có thật về sử ký địa lý thế giới. Chúng tôi học về Hoa Kỳ như học về các quốc gia khác trên thế giới.

2. Tinh thần tự do dân chủ thể hiện qua các cuộc bầu cử ban đại diện học sinh và các hoạt động của ban đại diện:

Sinh hoạt học sinh khởi sự bằng cuộc bầu cử ban đại diện. Mỗi lớp có trưởng lớp, phó trưởng lớp, và các trưởng ban. Toàn trường có Tổng thư ký, phó tổng thư ký, và các trưởng khối tương ứng với các trưởng ban. Chúng tôi rất khoái bầu cử vì không phải học trong lúc bầu cử và anh em có dịp cãi cọ tranh luận.

Thông thường, các ban trong mỗi lớp gồm có: học tập, kỷ luật, xã hội, văn nghệ khánh tiết, và báo chí. Trong lớp tôi, các cuộc bầu cử trong mọi niên khóa xảy ra dựa hoàn toàn trên căn bản dân chủ. Ai cũng có thể ứng cử và ai cũng có thể đề cứ bất cứ người nào. Ai được nhiều phiếu nhất là thắng, bất kể anh ta thuộc thành phần gì. Thực ra, đa số kết quả không ngạc nhiên lắm và những ai đắc cử xứng đáng với chức vụ mình. Năm Đệ Thất, vì mới lạ nên chúng tôi không biết ai vào ai. Có anh chàng bự con nhất ra ứng cử trưởng lớp và được đắc cử. Té ra anh chàng này chẳng làm gì nên chuyện, nên gần cuối năm chúng tôi đòi bầu lại (re-call) và bầu một trưởng lớp khác xứng đáng hơn. Năm Đệ Nhị (lớp 11 bây giờ), có chuyện tức cười là anh chàng phá phách nhất lớp lại được bầu làm trưởng ban kỷ luật. Thầy cô bực lắm, nhưng chẳng biết làm sao, vì đó là ý "dân." 

Ly kỳ nhất là cuộc bầu cử ban đại diện toàn trường, nhất là cho chức Tổng thư ký và phó Tổng thư ký. Tới ngày bầu cử, các "cử tri" (trưởng lớp và phó trưởng lớp) và các ứng cử viên tụ họp trong một lớp học trống. Thầy cô hướng dẫn thường hiện diện để giám sát cuộc bầu cử. Mỗi liên danh có độ 10-15 phút nói về lý do ứng cử và những hoạt động hoặc chương trình họ muốn thực hiện cho học sinh. Sau đó là cuộc bỏ phiếu kín. Kết quả được công bố ngay sau đó. Hình thức bầu cử này cũng áp dụng cho các trưởng khối. Tôi thấy ai có tài ăn nói và có những kế hoạch hoặc chương trình thực tế là đắc cử. 

Bạn sẽ thắc mắc có lợi gì làm Tổng thư ký, trưởng khối, trưởng lớp hoặc trưởng ban. Trên thực tế, chẳng có lợi lộc gì cả, nếu không muốn nói là mất thì giờ. Nhưng chúng tôi rất thích những hoạt động đó vì những hoạt động đó giúp chúng tôi đóng góp vào sinh hoạt học đường ngoài việc học hành. Cũng có một chút lợi nhỏ là chúng tôi có dịp tiếp xúc với xã hội bên ngoài như các công tác từ thiện, giao tiếp thư viện nhà sách, nhà in trong việc làm báo. Ngoài ra, các trưởng lớp và trưởng ban thỉnh thoảng được phép ra khỏi lớp để đi họp, và cũng là dịp xả hơi như là một hình thức "cúp cua" hợp pháp.

Có lẽ một trong những lợi lộc lớn nhất là các đại diện trường có dịp tiếp xúc với các đại diện trường bạn, nhất là các trường nữ. Một hoạt động rầm rộ trong năm là làm báo Xuân, và mang báo đi bán ở các trường bạn. Mỗi năm, vào dịp Tết, chúng tôi tích cực làm việc cho ra giai phẩm Xuân cho trường. Đây l̀à lúc các trưởng ban báo chí bận rộn nhất. Họ hô hào cổ võ học sinh viết bài, đọc bài, và lựa bài cho đăng vào giai phẩm. Chúng tôi có khá nhiều tự do trong việc làm giai phẩm Xuân. Chúng tôi tự do chọn bài, vẽ minh họa, trang trí tờ bìa. Giáo sư hướng dẫn thường duyệt xét bản thảo cuối cùng, và thường là chấp thuận. Ngoài chuyện mang báo đến các trường bạn, ban đại diện trường còn phải tiếp đón trả lễ khi các đại diện trường bạn đến. Đó là dịp chúng tôi tiếp xúc và làm quen các nữ sinh trường bạn. 

Các hoạt động học sinh và ban đại diện cho chúng tôi cơ hội hiểu biết và thực hiện thể chế tự do dân chủ. Nền giáo dục VNCH đào tạo những công dân yêu chuộng tự do dân chủ qua những hoạt động học đường và bầu cử ban đại diện học sinh.

C. Liên hệ giữa thầy cô và học sinh dựa vào căn bản đạo đức và không hề có những vụ tai tiếng:

Trong suốt thời gian sống dưới thời VNCH, tôi không hề nghe hoặc đọc về một vụ tai tiếng nào trong ngành giáo dục, liên hệ đến thầy cô, tiểu học hay trung học. Theo trí nhớ tôi, tôi không hề biết đến tai tiếng tình dục, sách nhiễu hoặc gây khó dễ, đánh nhau, tranh giành, hối lộ, đút lót, gian lận thi cử, yếu kém khả năng, hoặc bất cứ chuyện gì vi phạm đến đạo đức, luân lý, hoặc thuần phong mỹ tục. Vì là trường nam, chuyện sách nhiễu tình dục đương nhiên không xảy ra. Cùng lắm là có vài anh chàng "thầm yêu trộm nhớ" cô giáo trẻ đẹp nào đó. Tôi không rõ các trường nữ thế nào, chắc cũng có những mối tình câm như vậy, nhưng tuyệt nhiên tôi không hề biết hoặc nghe đến một vụ sách nhiễu tình dục nào.

Ngay từ tiểu học, chúng tôi đã phải học công dân giáo dục, dạy cách cư xử ăn nói và những giá trị đạo đức. Những bài học thường có những câu chuyện giải thích thêm về ý nghĩa trừu tượng trong bài học. Trên tường có treo bảng "Tiên học lễ, hậu học văn" là lời nhắc nhở chúng tôi hàng ngày, và chúng tôi coi đó là châm ngôn. Trên trung học, lớp công dân giáo dục tiếp tục cho tới hết trung học đệ nhất cấp. Chương trình học bao gồm những đề tài về đạo đức luân lý, và nghĩa vụ người công dân với xã hội, quốc gia, và tổ quốc. 

Phụ huynh tham dự rất ít trong việc giao du với thầy cô, có lẽ vì tránh né những "áp lực" không thích hợp hoặc vì không cần thiết vì ít khi có những chuyện phải cần đến phụ huynh dính líu. Theo tôi biết, lương lậu thầy cô không cao lắm và chỉ đủ sống. Trong suốt hơn mười năm mài đũng quần ở tiểu học và trung học trong thời VNCH, tôi chưa hề nghe thầy cô nào than vãn về cuộc sống hoặc lương lậu. Nhưng tôi biết đa số thầy cô có cuộc sống đạm bạc qua nhà cửa, quần áo họ mặc và xe cộ họ đi. Đa số thầy cô ăn mặc đơn giản nhưng đứng đắn. Các thầy thường mặc áo sơ mi và quần tây. Có vài người thỉnh thoảng thắt cà vạt hoặc mặc áo vét. Các cô luôn luôn mặc áo dài. Màu sắc áo dài thường một màu. Thỉnh thoảng có cô xinh đẹp mặc áo có chút thêu màu sặc sỡ, nhưng cũng chỉ có một vài lần "chơi nổi" rồi sau đó cũng mặc áo màu sắc nhàm chán. Đa số thầy cô đi xe đạp, xe solex, xe Honda dame, Honda 90. Có vài người đi xe buýt hoặc xích lô. Trong suốt trung học, chỉ có một hai thầy lái xe hơi đi dạy. 

Có vài thầy cô mở lớp dạy kèm học sinh, nhưng luôn luôn là trong dịp hè, và học phí phải chăng. Các thầy cô đó thường không dạy khóa sau, nên không có chuyện học sinh bị áp lực đi học để được nâng đỡ sau này. Một trong những lý do các thầy cô không mở lớp dạy kèm học sinh trong lớp là có những trường tư dạy hè, hoặc nhiều sinh viên học sinh nhận dạy kèm tư gia. Tôi cũng đã từng dạy kèm tư gia cho các em học sinh để phụ thêm vào chi phí gia đình. Có thầy mở lớp dạy kèm, nhưng nhận đủ mọi học sinh khắp nơi chứ không phải chỉ dành cho học sinh trong lớp hoặc trong trường. Những lớp dạy kèm này thường đông nghẹt học trò, nhất là các lớp Toán Lý Hóa luyện thi Tú Tài I và II. 

Chuyện biếu xén, quà cáp, phong bì cho thầy cô hoàn toàn không có, cho dù là cuối năm hoặc vào các dịp lễ như Tết Nguyên Đán. Nên nhớ dưới thời VNCH, tệ trạng tham nhũng cũng có nhiều, nhưng phần lớn là trong quân đội. Ngành giáo dục như thể được cô lập tách ra chuyện tham nhũng. Tôi nghĩ chắc cũng có những vụ gửi gấm con em, nhưng thường chỉ giới hạn vào chuyện nhập học hoặc chuyển trường, và số đó rất ít. Theo tôi nghĩ, có hai lý do. Thứ nhất, thầy cô thời VNCH có tinh thần đạo đức cao và có lòng tự trọng. Họ không bao giờ làm những chuyện đi ngược lại đạo đức và phẩm cách nhà giáo. Thứ nhì, chuyện đút lót cũng không cần thiết hoặc vô ích, vì thầy cô cũng chẳng làm được gì cả cho dù có muốn nhận hối lộ. Lý do đơn giản là tinh thần tự do dân chủ tiềm tàng trong xã hội và học đường tự động vô hiệu hóa các vụ đút lót. Không cách chi một học sinh kém cỏi mà được điểm cao, vì có sự ganh đua giữa học sinh và tính chất trong suốt của cơ chế học tập. Ngay cả con cái của hiệu trưởng, giám học, giám thị, giáo sư cũng phải học chết bỏ như mọi học sinh khác, và thầy cô cũng chẳng ai thiên vị con cái những người này.

Hầu hết học trò rất kính trọng thầy cô và thầy cô cũng thương yêu và quý mến học trò. Thầy trò thường đối xử với nhau thân mật và xuề xòa. Tuy có vài thầy cô nghiêm khắc, chúng tôi không hề có thái độ hỗn láo hoặc coi thường thầy cô. Thỉnh thoảng có giám thị "hắc ám" thì chúng tôi thường trêu chọc, chứ cũng ít khi gây gỗ. Tình nghĩa thầy trò thường rất thắm thiết và thân mật, nhất là ngoài giờ học. Tôi chỉ còn nhớ vài câu chuyện điển hình. Năm Đệ Lục (lớp 7 bây giờ) có hôm cô giáo dạy Pháp văn bị ốm và có giáo sư dạy thế. Sau giờ học, chúng tôi tự động hùn tiền mua quà và đến nhà thăm cô giáo. Cô đang nằm liệt giường, nhưng cũng ráng ngồi dậy cám ơn chúng tôi, một lũ vây quanh nhà cô. Năm Đệ Tam, thầy dạy Anh văn, sinh ngữ phụ, mới cưới vợ, nên nghỉ vài ngày. Thế là chúng tôi kéo nhau một đám đến nhà thầy sau giờ học tới chúc mừng. Gặp lúc thầy và cô vợ mới cưới đang đi ra ngoài chắc sắp đi chơi đâu. Thấy một đám học trò tới, thầy ngạc nhiên, nhưng cười thích thú và giới thiệu cô vợ mới thiệt đẹp, và mời chúng tôi vào nhà. 

Chỉ có một trường hợp là năm tôi học Đệ Ngũ (lớp 8 bây giờ), có vị giáo sư dạy Toán rất nghiêm khắc, và hay la mắng học sinh. Tuy nhiên, thầy rất tôn trọng những học sinh giỏi. Thầy dạy rất hay, giảng bài mạch lạc rõ rệt, cho nhiều thí dụ cụ thể. Ông dạy chúng tôi lý luận vững chắc, lúc nào cũng phải viết ra tiền đề, trình bày các bước chứng minh mạch lạc để đưa đến kết luận. Thầy không kiên nhẫn với lối chứng minh không đầu không đuôi. Đứa nào mà nói nhăng nói cuội là bị lườm. Đứa nào mà "dốt hay nói chữ" là bị quạt ngay. Ông la mắng khá nặng nề, nhưng đích đáng.

Nói đến cuộc sống học trò mà không nói đến những phá phách, nhất là lũ học trò con trai, là cả một sự thiếu sót trầm trọng. Câu "Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò" được thể hiện liên tục trong suốt hơn mười năm. Tôi không thể kể hết những vụ phá phách nghịch ngợm. Một cách tổng quát, những vụ phá phách thường vô hại, và chỉ phản ảnh bản chất nghịch ngợm của học trò, như là những lúc xả hơi cho bớt căng thẳng. Đa số những vụ phá phách nhắm vào bạn bè, rất ít khi nhắm vào thầy cô. Nếu có thì cũng chỉ là những nghịch ngợm trong giờ học như ca hát nhảm nhí, giấu khăn lau bảng, kê lại bàn ghế, phóng máy bay giấy trong lúc thầy giảng bài, hoặc nói chọc ghẹo các cô giáo trẻ xinh đẹp. Thỉnh thoảng nạn nhân chúng tôi là các giám thị, nhưng thường thì cũng không có gì tai hại lắm, chỉ làm họ bị quê một cục trước mặt học sinh.

D. Kết Luận:

Tôi sinh trưởng và sống trong thời VNCH trong suốt tuổi niên thiếu cho tới ngày tôi rời Việt Nam năm 1975. Trong khoảng thời gian này, tôi không có ý thức rõ rệt về bản chất nhân bản, khoa học, và dân tộc của nền giáo dục VNCH nhưng tôi biết tôi hấp thụ một nền giáo dục tôn trọng con người, đề cao đạo đức, tinh thần dân tộc và đồng bào, khuyến khích sáng tạo, tự do, và dân chủ. 

Cho đến giờ, khi nghĩ lại, tôi kinh ngạc về những khía cạnh tốt đẹp ấy của thời VNCH. Với nền giáo dục VNCH đó, quốc gia Việt Nam đã có thể hiện nay trở thành một siêu cường trên thế giới với một xã hội đạo đức, trật tự, và nhân bản.

No comments:

Post a Comment