Sunday, January 11, 2015

Tại Sao Đàn Ông Việt Mất Giá?


Trong khi xã hội phát triển thì vai trò của phụ nữ Việt Nam dần được cải thiện. Ngày nay phụ nữ Việt tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội và trở nên rất thành đạt. Phụ nữ Việt sống ở ngoại quốc phần nhiều có học thức, công ăn việc làm và khả năng tự chủ về tài chánh nên ít lệ thuộc vào đàn ông. Nhưng khi nói về phụ nữ Việt Nam người ta vẫn thường sử dụng mỹ từ phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, để khẳng định vai trò không tách rời của người phụ nữ vào các công việc nhà. Trong khi đó vai trò của người đàn ông trong gia đình vẫn chủ yếu được coi là người kiếm tiền nuôi gia đình, còn chuyện chăm sóc con cái, giặt giũ, cơm nước đương nhiên vẫn là việc của phụ nữ. 


Tuy vậy quan niệm sống của phụ nữ ngày nay phóng khoáng và độc lập hơn những thế hệ trước đây. Một khi có thể tự làm chủ về tài chánh thì phụ nữ muốn có quyền được lựa chọn cuộc sống hạnh phúc, yên bình cho cả cuộc đời, bao gồm luôn cả việc hôn nhân.
Một điều đáng nói là phụ nữ Việt ngày nay có xu hướng lấy chồng ngoại quốc hơn là chồng Việt vì đàn ông Việt đã làm phụ nữ mất đi niềm tin quá nhiều. Nhiều khi không phải là do kinh nghiệm bản thân mà do định kiến của các cô gái Việt đã lớn lên trong văn hóa trọng nam khinh nữ và chứng kiến những người mẹ, cô, dì được đối xử như sao trong gia đình. Trường hợp bất đồng tư tưởng càng xảy ra nhiều hơn trong các cuộc hôn nhân giữa người Việt.


Bài viết này chỉ nêu ra các yếu tố chính được xem là đặc tính khiến đàn ông Việt mất giá chứ không đề cập đến các yếu tố phụ như vũ phu, rượu chè bê tha mà hầu như xã hội nào cũng có.

Bảo thủ, lạc hậu
Có lẽ do ảnh hưởng văn hóa truyền thống của người Á đông nên đàn ông Việt vẫn giữ quan niệm bảo thủ và lạc hậu đối với phụ nữ và hôn nhân. Đàn ông rất mâu thuẫn trong tiêu chuẩn chọn lựa vợ, một mặt thì họ muốn một người vợ tân thời, thanh lịch để “nở mày nở mặt” với bạn bè, nhưng về bản chất thì phải giống phụ nữ thời phong kiến, có nghĩa là phụ nữ lập gia đình chỉ cần biết làm vợ, làm mẹ, và lo các công việc nội trợ hàng ngày cho tốt.


Tự ái đàn ông khiến họ nghĩ rằng phụ nữ học nhiều cũng không bằng ai, làm việc nhiều cũng thua đàn ông, phụ nữ nên học ít và làm tiền cũng ít. Đàn ông Việt khó chấp nhận khi vợ làm nhiều tiền hơn hoặc thành công hơn mình. Ngược lại đần ông Tây luôn khuyến khích và hãnh diện khi có một người vợ thành công.


Thêm nữa, các ông chồng Việt sau giờ làm đều muốn hưởng sự tự do, gặp gỡ bạn bè nhậu lai rai, hoặc đi uống cà phê vào ngày nghỉ, nhưng phụ nữ thì phải lập tức về nhà sau giờ làm để cắm đầu vào việc cơm nước, lo cho con cái; những suy nghĩ nhỏ nhen này không phải quá bất công đối với phụ nữ sao? Chẳng lẽ vợ phải lủi thủi ăn những bữa cơm vắng chồng trong sự tủi thân trong khi chồng cứ hết ngày này đến ngày khác tiếp diễn như vậy.


Phụ nữ, dù độc thân hay có chồng đều thích mua sắm, nhất là đi mua sắm với bạn gái, và cũng cần những khoản thời gian gặp mặt và giữ mối liên hệ với bạn bè. Quan niệm đức hạnh và trinh tiết cũng là sự khác biệt lớn nhất giữa đàn ông Việt và Tây. Tôn trọng quá khứ của nhau là nguyên tắc của đàn ông Tây phương, nhưng điều này không dễ đối với người chồng Việt.

Gia trưởng
Đàn ông Việt từ bao đời nay đa số được nhận định có thói gia trưởng được xem là “di truyền” từ các thế hệ trước. Đây là những người đàn ông thích thích chỉ đạo, thích người khác phục tùng mình, thích thể hiện quyền lực với vợ con và những người này coi cách sống bề trên, kẻ cả làm tâm niệm sống của mình.


Người đàn ông gia trưởng có cá tính ích kỷ, độc đoán, và hay áp đặt vợ con làm theo ý mình và ít khi thấu hiểu tâm lý người khác. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều nhất nhất nghe theo anh ta, nếu làm trái, hậu quả sẽ khôn lường. Đàn ông gia trưởng có cách biểu hiện khác nhau, người thì đùng đùng như sấm, như sét, người thì im lìm như đá nhưng không thể lay chuyển. Sở dĩ nhiều người đàn ông Việt có tính gia trưởng là vì từ bé con trai đã được bố dạy là phải quyết đoán, mạnh mẽ và khi lớn lên theo truyền thống ở Việt Nam, đàn ông phải gánh vác trách nhiệm kiếm tiền nuôi sống gia đình chứ không phải như văn hóa Tây phương mà trách nhiệm nuôi gia đình được san sẻ đồng đều.


Không ga lăng

Sau khi lấy chồng, phụ nữ không cảm thấy mình được chiều chuộng nâng niu, và quan tâm. Trong khi người chồng Tây phương luôn sẵn sàng giúp vợ làm việc nhà thì đàn ông Việt lại xem việc nội trợ là bổn phận của người vợ. Ít khi thấy đàn ông Việt đẩy xe cho vợ đi chợ nhưng đàn ông Tây thường xuyên làm việc này.


Đó là chưa nói đến khi về nhà, vợ tay xách tay khiêng những bao túi còn chồng Việt thì ngồi vắt chân đọc báo hoặc xem ti vi. Đến khi nấu cơm thì chồng Tây luôn hỏi có cần phụ giúp gì không, chồng Việt đợi vợ dọn cơm ra bàn rồi cứ việc ngồi vào. Thậm chí ngay cả những việc thường ngày như rót nước cho chồng thì người phụ nữ cũng sẽ nhận được câu "Thanks", từ chồng Tây.


Văn hóa Tây phương đặt phụ nữ lên hàng đầu (Ladies first) nên ở các nơi công cộng như trên xe bus, phụ nữ là người được ưu tiên nhiều nhất, kế đến là người già, trẻ em, sau cùng mới đến người đàn ông. Ở Âu Châu, gặp bất cứ một người phụ nữ nào xách đồ đạc nặng trên phố là sẽ có đàn ông đến giúp. Trên xe buýt, đàn ông luôn nhường chỗ ngồi cho phụ nữ một cách tự nguyện.


Không thể phủ nhận có nhiều anh chàng Việt sẵn sàng giúp đỡ các chị em như xách đồ, tuy nhiên, không ít các chàng làm việc đó vì mục đích riêng là để chinh phục cô gái trong khi các anh chàng Tây ra tay chỉ đơn giản vì đó là thói quen của họ. Ở các nước Âu Mỹ người đàn ông vào bếp được xem là một người đàn ông hiện đại. Cảnh chồng ngồi tiếp khách đợi vợ bưng món ăn lên mời các ngài xơi đã lỗi thời, không được giới trẻ chuộng nữa.

Không lãng mạn
Đàn ông Tây coi trọng đời sống tinh thần, những khoảnh khắc hạnh phúc giữa vợ chồng nên khi ra đường họ nắm tay vợ và mỗi ngày vào buổi sáng hay trước khi đi ngủ cũng trao cho vợ một nụ hôn. Chung quy cũng là do khác biệt văn hóa mà thôi. Nếu ở nơi công cộng mà một người đàn ông Việt Nam “dám” ôm hôn vợ hoặc bạn gái thì sẽ bị cho là lố bịch, chướng mắt, nhưng ở phương Tây điều đó là bình thường. Sinh nhật, kỷ niệm ngày thành hôn, lễ Mothers Day, Valentines cũng đều nhớ tặng quà cho vợ, trong khi đàn ông Việt chỉ chiều chuộng lãng mạn khi chưa cưới. Lãng mạn ở đây còn có ý nghĩa quan tâm đến tinh thần, cảm nhận của đối phương, và biểu lộ những cử chỉ tuy nhỏ nhưng ân cần. Người vợ Việt mặc chiếc váy hơi ngắn thì chồng sẽ trợn mắt hay quát tháo, trong khi chồng Tây sẽ có những lời khen cho vợ. Họ coi đó là việc làm đẹp mặt chồng chứ không nghĩ là để "đong trai" như những ông chồng Việt thường hay nghĩ. Chung quy thì cũng là do sự khác biệt văn hóa mà thôi.


Mặc dù những nhược điểm của đàn ông Việt có thể nhìn thấy được và nhận phải nhiều lời chỉ trích nhưng thực tế, cuộc hôn nhân với người nước ngoài cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở đâu cũng có người này, người kia, không phải đàn ông Tây nào cũng tốt và không hẳn tất cả các ông chồng Việt đều vô tâm, gia trưởng, hẹp hòi.


Đàn ông Việt cũng có vô số những người trách nhiệm, chung thủy, chịu khó, và hết mình yêu thương vợ con. Đàn ông Việt cũng có người rất tốt và ga lăng nhưng cách thể hiện của họ lại khác với đàn ông Tây. Ví dụ người Tây phương có quan niệm sống độc lập và cho rằng một khi đã lập gia đình thì cuộc sống hôn nhân thuộc về lứa đôi và, chứ không có trách nhiệm với đại gia đình bên vợ hoặc chồng. Ngược lại người chồng Việt chấp nhận không những phải lo cho vợ con mà còn cả gia đình vợ nữa.


Ở các nước phương Đông, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rất nặng nề. Không phải chỉ đàn ông mới trọng nam khinh nữ mà cả đàn bà cũng xem con trai hơn con gái. Như vậy, tính gia trưởng của đàn ông vừa có tính gia truyền, vừa có tính lịch sử của cả một hệ ý thức tồn tại biết bao đời nay. Có lẽ phải qua 1-2 thế hệ nữa đàn ông Việt mới cởi mở, khảng khái và biết tôn trọng ý kiến của phụ nữ như Âu, Mỹ được.

Diễn Quyên

No comments:

Post a Comment