Sunday, March 29, 2015

Có Nên Về Thăm Lại Việt Nam Hay Không? - Đỗ Trường


Vậy là 9 năm tôi mới được trở về Việt Nam. Thời gian dài phải ngăn cách với quê hương ấy, nguyên nhân có lẽ bởi bài “Không Cảm Thấy Tự Hào Khi Là Người Việt…“ của tôi, viết về thực trạng sĩ hão, tự sướng trong cộng đồng người Việt cùng một số nhược điểm của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Và từ đó, tôi không nhận được Visum nhập cảnh vào Việt Nam, dù đã có vài lần đệ đơn. Mãi đến năm 2013, Lãnh sự quán Việt Nam ở Frankfurt/M cấp giấy miễn thị thực có giá trị 5 năm, một cách bất ngờ, khi tôi đặt đơn.

Nhưng cảm hứng về nước lúc đó trong tôi không còn nữa. Gần đây do gia đình, bạn bè thúc giục, nên tôi đã đặt vé của hãng hàng không Vietnam Airlines theo lịch trình: Ngày mùng một Tết từ phi trường Frankfurt bay về Hà Nội vào sáng mùng hai Tết Ất Mùi 2015. Ngày 7-3-2015 (dương lịch) từ Hà Nội bay vào Sài Gòn. Và ngày 12-3- 2015 từ Sài Gòn về thẳng Đức.

Máy bay hạ cánh xuống phi trường Nội Bài vào 6 giờ 40 sáng mùng hai tết. Trời Hà Nội hửng nắng, sân bay vừa xây xong còn ngai ngái mùi vôi vữa. Tôi bước ra khỏi máy bay với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui, bởi anh chị em tôi đang đứng chờ ngoài khung cửa kính kia. Buồn, bởi có thể tôi sẽ bị trục xuất ngay về Đức như một số trường hợp khác, dù đã có Visa nhập cảnh hay giấy miễn thị thực…

Và ngày tết, dường như nhân viên an ninh làm việc cũng nhanh gọn hơn. Hộ chiếu của tôi được rọi qua máy…chỉ một phút chờ đợi, người sỹ quan trẻ cộp con dấu nhập cảnh chắc nịch vào trang bên cạnh giấy miễn thị thực. Cầm lại cuốn hộ chiếu, bước chân tôi nhẹ như trên không, bởi đã nhìn thấy những cánh tay đang vẫy của các anh, các em và các cháu tôi đằng sau hàng rào chắn trước mặt.
Đường về nhà rút ngắn lại không hẳn vì ngày tết Hà Nội ít xe cộ và vắng lặng hơn, mà còn bởi nỗi mừng và những câu chuyện không đầu, không cuối nổ như ngô rang trên xe…

Hơn hai tuần trôi đi quá nhanh, những kỷ niệm đẹp với gia đình, bạn bè cũ, mới gieo vào lòng và dính chặt trong tâm khảm tôi. Tuy nhiên, từ sau ngày mùng 6 tết thỉnh thoảng lại có những cú điện thoại tự xưng với những cái tên lạ hoắc nhận là bạn bè tôi ở Đức gửi đến anh và em tôi. Công an hộ tịch nơi em tôi cư ngụ, nhắn tôi ra đăng ký tạm trú. Và lần cuối công an quận và thành phố mời anh tôi ra để trao đổi về tôi. Tôi muốn đi cùng, nhưng anh nói không cần thiết. Khi trở về, tôi hỏi, anh cười không tỏ vẻ bực bội: Không có vấn đề gì. Nhưng nhìn gương mặt anh, tôi nghĩ, anh cố kìm nén cảm xúc.

Thứ bảy ngày 7-3- 2015 gia đình và bạn bè tiễn tôi ra sân bay Nội Bài khá đông. 12 giờ tôi đến quầy Check vé và hành lý cho chuyến bay 13 giờ15 phút vào Sài Gòn. Khi cô nhân viên hãng hàng không kiểm tra đi kiểm tra lại vé và cầm hộ chiếu đi đâu đó một lúc, tôi đã có cảm giác chẳng lành. Nhưng sợ mọi người lo lắng, nên tôi im lặng. Ngay sau đó, tôi từ biệt mọi người để vào phòng chờ cách ly. Lúc này, trong phòng khá đông người chờ đi Huế và Đà Lạt. Loanh quanh một hồi, tôi đứng vào hàng chờ cửa số 9, khi nghe thông báo hành khách đi Sài Gòn ra máy bay từ cửa này. Khoảng chừng 12 giờ 30 phút, hành khách bắt đầu rục rịch lên máy bay. Tôi xốc lại túi đeo trên vai, định bước đi. Từ phía sau, hai công an vọt lên chặn lại và bảo: Mời anh đi theo chúng tôi có chút việc. Tôi hiểu, việc chẳng lành đã đến. Tuy trong lòng rất bực, nhưng tôi vẫn giữ được bình tĩnh:

- Các anh làm thế này, sẽ lỡ chuyến bay của tôi.

- Không mất nhiều thời gian của anh đâu.

Hai người công an dẫn tôi vào căn phòng phía sau cửa hàng ăn và bán đồ lưu niệm. Trong phòng có mấy người an ninh trẻ và một người mặc thường phục khó đoán tuổi. Bởi nhìn rất hom hem, lưng còng còng hình con tôm. Đầu tóc bơ phờ, da sần sùi nổi mụn. Dường như bộ quần áo không hợp với khổ người, làm chiếc đũng quần bò lùng phùng sau đít như con nít đang đeo tã vậy.

Vừa bước chân vào phòng, một trong hai người cảnh sát đề nghị tôi cho kiểm tra hộ chiếu và đưa điện thoại cho anh ta. Đưa cuốn hộ chiếu, còn điện thoại ở trong túi quần, tôi lấy ra, cầm trên tay. Bất ngờ, anh ta thò tay rút mạnh, lấy đi. Tôi giải thích, đây là tài sản và bí mật cá nhân và điện thoại này chỉ có thể sử dụng được ở Đức. Thật vậy, trong thời gian ở Hà Nội, tôi sử dụng điện thoại của anh tôi, trước khi vào phòng chờ, tôi đã đưa lại cho anh ấy. Anh ta bảo, em cũng không muốn như vậy, nhưng vì nhiệm vụ, mong anh “Nguyên“ thông cảm, hợp tác. Tôi hơi bị sững người bởi bị gọi nhầm tên:

- Tôi tên Trường, Đỗ Trường.

Anh ta xin lỗi và cầm cuốn hộ chiếu, điện thoại đưa cho người mặc thường phục.
Tôi nhìn thẳng vào người này, hỏi: Anh là ai? Bởi lúc đó tôi vẫn nghĩ, anh ta là người chỉ điểm, hay người bụi đời lang thang nào đó. Khi anh ta chìa cái thẻ đỏ và tự giới thiệu là Tuấn, tôi mới tin đó là công an. Và sau này, tôi mới biết Tuấn là trưởng ca trực hôm đó. Tôi hỏi Tuấn lý do và nhắc lại câu:

- Các anh làm thế này sẽ lỡ chuyến bay của tôi.

- Chúng tôi sẽ bố trí cho anh đi chuyến tới.

Và Tuấn nhấn mạnh: Chúng tôi giữ anh lại, bởi anh không đăng ký tạm trú. Anh có biết luật pháp Việt Nam, người nước ngoài nhập cảnh phải đăng ký tạm trú không? Tôi bảo không biết, hơn nữa tôi không ở một nơi cố định, khi ở nhà anh chị em, khi ở nhà bè bạn, hoặc về thăm quê. Vâng! Có thể đây là lỗi, nhưng tôi tin, nó không phải lý do chính các anh giữ tôi.

Tuấn không trả lời ngay, mà đưa cuốn hộ chiếu cho người công an đứng cạnh, bảo đi lấy lại hành lý của tôi. Rồi quay lại: Anh “Nguyên“ những bài viết của anh sâu sắc lắm. Anh cứ ở Hà Nội, rồi về thẳng Đức, có lẽ đỡ rắc rối cho chúng tôi và anh.
Lúc này, tôi không nghĩ Tuấn cũng nhầm tên tôi, mà sự nhầm lẫn này dường như có chủ đích. Có thể họ nghi tôi còn một bút danh khác tên Nguyên, hay họ đang đi tìm người tên Nguyên chăng? Tôi nhắc cho Tuấn biết, tên tôi là Đỗ Trường. Và tôi lại nhận được một lời xin lỗi từ Tuấn.

Như vậy, họ cố tình ngăn cản không cho tôi vào Sài Gòn, những truyện, bài viết phê bình của tôi mới là nguyên nhân họ giữ tôi lại. Tuy nhiên tôi vẫn bình tĩnh: Là người dốt về chính trị và cũng không thích chính trị, nên những bài viết của tôi chỉ là tư tưởng cũng như suy nghĩ cá nhân mà thôi.

Tuấn cười, đọc anh, tôi không nghĩ anh là người dốt chính trị. Và chúng tôi cũng biết gia đình dòng họ bên ngoại anh có nhiều người có công với đất nước, chế độ và đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên anh lại có những suy nghĩ rất khác…
Đang diễn thuyết, chuông điện thoại chợt reo, Tuấn bước ra ngoài nói chuyện. Cùng lúc, người công an trẻ đã đẩy xe hành lý của tôi về. Lúc sau, Tuấn quay lại cùng ba người công an và bảo tôi:

- Chúng ta chuyển sang khu T2 để làm việc.

- Như vậy, buộc tôi phải chuyển, phải không anh Tuấn?

- Mong anh hết sức thông cảm, lệnh của cấp trên, tôi cũng không muốn như vậy.

Theo tôi là bốn nhân viên an ninh đi xuống tầng dưới để ra ô tô chạy sang khu T2. Hành lý của tôi đã được cho lên thùng, tôi ngồi giữa hai người an ninh ở hàng ghế dưới. Tuấn lùi lại, đi xe sau. Xe đến khu T2, khi bước vào thang máy, tôi hỏi người an ninh trẻ đẩy xe hành lý: Tại sao lại đưa tôi lên đây?

Anh ta bảo, có lẽ tối nay, anh bị trục xuất về Đức. Rồi anh ta kể: Hôm mùng hai tết, trước giờ máy bay hạ cánh 4 tiếng, bọn em đã biết anh về, từ hãng hàng không. Dù trong diện còn cấm, nhưng xét thấy đã lâu anh không về, hơn nữa là ngày tết, do vậy để cho anh nhập cảnh. Nếu anh đừng đi Sài Gòn, có lẽ điều rắc rối này không xảy ra.

Tôi được đưa vào căn phòng hình như dưới tầng hầm. Phòng khá rộng, trong cùng có một công an mặc thường phục đang ngồi làm việc. Từ giữa phòng có chiếc bàn dài nối liền đến bức tường bên trái. Xung quanh lẩn quất khá nhiều máy móc, đồ đạc. Nhìn vào ta có thể nghĩ ngay, đó là nơi thẩm vấn hay hỏi cung của cơ quan công quyền. Góc đối diện với cửa ra vào, kê một bộ sofa nhỏ. Để hành lý vào phòng, mấy người an ninh bảo tôi nghỉ ngơi, tý nữa quay lại dẫn đi ăn.

Ngồi xuống sofa, mùi sơn tường hôi nồng làm tôi hơi khó thở. Khi tôi hỏi người cảnh sát có thể mở cửa phòng ra không. Lúc này, anh ta mới ngẩng mặt lên. Một thanh niên còn rất trẻ. Anh ta bảo, khu này do Nhật vừa xây xong, do vậy chỗ nào cũng nặng mùi sơn, mùi hóa chất cả. Tuy vậy, anh ta vẫn đứng dậy mở hé cửa ra vào và đưa cho tôi chai nước, bảo: Chú uống đi cho đỡ khô cổ. Trong câu chuyện, tôi biết bố anh ta ít tuổi hơn tôi và đang làm thợ nấu ăn (Chefkoch) cho một nhà hàng ở München (CHLB Đức) cách nhà tôi chừng 400 km. Không biết do tính nghiệp vụ hay do còn trẻ, anh ta nói chuyện và có những câu hỏi khá (hồn nhiên?) ngây ngô về nước Đức cũng như cuộc sống. Khi tôi cho biết mức lương (khoảng chừng) của người thợ nấu ăn (như bố anh ta) ở thành phố München, làm anh ta giật mình: Bố cháu lương cao thế mà chẳng bao giờ nói với cháu. Lần này, dứt khoát cháu phải xin tiền bố để mua ô tô…

Chừng nửa giờ sau, Tuấn cùng mấy người đến bảo tôi đi ăn. Tuy bụng cũng như người còn ấm ách, căng phồng, nhưng muốn thoát ra khỏi căn phòng bí bức này, tôi đi theo họ. Tuấn đưa tôi vào quán ăn trên tầng cao, trước mặt là những tấm kính trong suốt. Ngồi đây, có thể quan sát được những chuyến bay đang cất và hạ cánh. Quán lúc này khá đông khách, nhưng chủ yếu vẫn là sắc màu an ninh cảnh sát. Trong khi chờ đợi đồ ăn, Tuấn thông báo, tôi sẽ phải trở về Đức trong chuyến bay hãng hàng không Vietnam Airlines vào 22h 30 tối nay. Tuy đã lường trước, nhưng tôi vẫn không kìm được cảm xúc của mình:

- Như vậy, các anh cố tình trục xuất, trong khi tôi được phép nhập cảnh của chính phủ Việt Nam. Và chương trình du lịch, quyền con người của tôi đã bị các anh chà đạp… Vậy ai là người ký quyết định trục xuất này và nó đâu?

Mặt Tuấn dường như không có một chút biểu cảm:
- Chúng tôi chỉ là những người chấp hành lệnh (miệng) từ cấp trên và phải làm cái điều không muốn này. Hơn hai tuần, chắc chắn anh đã đủ thời gian thăm thú gia đình và bạn bè. Chúng tôi theo anh cũng mệt mỏi lắm rồi. Rất may, anh không tham gia hội họp, tổ chức nào. Gỉa dụ như anh cố tình đi Sài Gòn, điều đó bất lợi cho anh, cho bạn bè anh và cả chúng tôi nữa.
Biết nói tiếp cũng vô ích, nên tôi lặng im nhìn đĩa cơm rang đang bốc khói, mà nghẹn đắng không thể ăn…

Tôi buộc phải chấp nhận về Đức, sau đó đề nghị Tuấn thông báo cho bạn tôi ở Sài Gòn và gia đình tôi khỏi lo lắng. Tuấn chấp nhận, nhưng đến tối, tôi hỏi lại. Tuấn bảo, cấp trên chỉ cho phép điện cho bạn tôi ở Sài Gòn, không phải ra đón tôi. Còn không được phép thông báo cho gia đình tôi biết, tôi sẽ bị trục xuất về Đức.

Ăn xong, Tuấn bảo tôi: Bây giờ phải về phòng, người của bộ xuống làm việc với anh. Tôi đứng dậy, định trả tiền, Tuấn đưa tay ngăn lại, tiền ăn trách nhiệm chúng tôi phải trả.
Tôi và hai người công an vừa về phòng, thấy Tuấn cùng ba an ninh trên Bộ vào. Sắp xếp chỗ ngồi, máy móc xong, họ mời tôi ra bàn. Ba nhân viên an ninh ngồi liền nhau, đối diện với tôi qua chiếc bàn dài. Người ngồi trong cùng lớn tuổi nhất và có vẻ là cấp trên. Hai người còn lại còn khá trẻ, khoảng chừng ba lăm, bốn mươi. (Buổi tối, trước khi lên máy bay về Đức, có một an ninh cho tôi biết, cả ba đều trong phòng (tổ) Tây Âu thuộc Cục tình báo, Bộ công an. Người lớn tuổi đang phụ trách an ninh của sứ quán Việt Nam tại Đức.)

Ngồi xuống ghế, tôi nói luôn:
- Nếu đây là cuộc hỏi cung, tôi cần luật sư và người giám định của Đại sứ quán Đức.

Người lớn tuổi nhất trả lời:
- Ở đây không như ở Đức, không có luật sư và người của sứ quán.

- Nếu vậy, tôi coi đây là cuộc nói chuyện bình thường, nếu các anh muốn. Và tôi không trả lời câu hỏi của các anh, nếu tôi không thích.

Cả ba đều im lặng. Người lớn tuổi lên tiếng trước:
- Anh cho biết một chút về bản thân mình?

- Tôi không trả lời anh câu hỏi này.

- Vậy nói về những truyện ngắn và bài viết của anh nói xấu ngành công an, nói xấu lãnh tụ và dùng từ ngữ nặng nề mạt sát đường lối đối ngoại của nhà nước, ở đây là vấn đề biên giới hải đảo.

- Tôi xin nhắc lại, đã nhiều lần tôi nói và viết, là người dốt cũng như không thích chính trị, do vậy những bài viết phê bình của tôi là tư tưởng, suy nghĩ cá nhân có thể đúng, sai cũng là chuyện bình thường.

Người an ninh ngồi ngoài cùng đọc một đoạn về truyện ngắn “Tiếng Khóc Của Xuân“ tôi viết cách nay đã trên một phần tư thế kỷ và cho rằng, nói xấu chủ tịch Hồ Chí Minh. Thật ra, truyện này tôi viết về thân phận của một cô kỹ nữ, xuất thân từ gia đình gia giáo. Ngày còn nhỏ cô nhận được nhiều phiếu bé ngoan Bác Hồ. Lớn lên cô bị chính xã hội này xô đẩy, từ một nữ sinh hiền lành thành kỹ nữ bán dâm. Trong cùng cực không lối thoát (của đêm giao thừa) bị truy bắt vào trại phục hồi nhân phẩm, cô đã hóa điên nhảy lên bàn múa may quay cuồng, xé nát những phiếu bé ngoan và giật ảnh Hồ Chủ Tịch vứt toẹt xuống đất… Hình ảnh này có nhiều cách hiểu. Hiểu như thế nào là cảm nhận hay nhận thức của mỗi người đọc. Tôi đề nghị các anh, không nên hiểu một cách máy móc, rồi đánh giá một cách chủ quan vội vàng.

Viên an ninh ngồi giữa cho rằng, truyện ký “Chuyện Ở Quê“ của tôi nói xấu ngành công an. Truyện này, tôi viết từ câu chuyện có thật của một người sĩ quan công an trẻ quê Hưng Yên, tham gia phá vụ án buôn ma túy ở vùng núi phía Bắc. Do vào vai con buôn ma túy, nên anh đã phải hút, sau đó bị nghiện. Chuyên án kết thúc, anh bị sa thải khỏi ngành bởi chưa cai dứt cơn nghiện. Câu chuyện này, tôi muốn chuyển tải đến người đọc về tình người trong một xã hội đảo điên nói chung, chứ không nhất thiết một con người hay một ngành…

Tôi đang nói, viên an ninh này, bất ngờ đập tay xuống bàn, quát: Anh đừng có ngụy biện nữa…

Quả thật, khi viết có khi tôi nổi nóng hoặc công kích đến tận cùng những vấn đề mình cho là không đúng. Ngược lại, ngoài đời với gia đình, bạn bè, kể cả những người xa lạ, dường như tôi ít khi nổi cáu mà thường hay kìm chế, nín nhịn. Nhưng trước hành động của viên an ninh này, làm tôi nổi nóng đứng dậy chỉ tay:

- Cậu chỉ đáng tuổi em út, con cháu tôi, sao lại vô lễ vậy!

Viên an ninh ngồi trong cùng và mấy công an đứng ngoài đến can ngăn, buộc cậu ta xin lỗi và chống chế một cách lạc lõng: Em vẫn gọi anh là anh đấy chứ!
Tuy nhiên, viên an ninh này vẫn tiếp tục diễn thuyết: Đã trải qua nhiều năm học tập ở Đức và đã đi thăm thú nhiều nơi. Từ thực tế này, nên anh ta nhận thấy, dù chúng tôi đã mang quốc tịch Đức, nhưng chỉ được coi là công dân hạng hai…

- Vâng! Đây là suy nghĩ của cá nhân anh, với chúng tôi không tự ti như vậy. Xã hội Đức đã mở cửa cho tất cả những tài năng và mọi cố gắng của bất kỳ ai đều đem lại kết quả. Như phó thủ tướng Đức gốc Việt, hoặc như hai con gái tôi cựu cầu thủ bóng bàn đội tuyển trẻ quốc gia CHLB Đức, hiện đang chơi cho hạng nhất của Đức (1Bundesliga) như các anh đã biết và còn nhiều gương mặt con em gốc Việt trên nhiều lãnh vực khá. Bản thân chúng tôi gần ba mươi năm sống và làm việc ở Đức chưa khi nào bị hàng xóm kỳ thị. Mà ngược lại, tuy chỉ là một thợ lắc chảo, rót bia, nhưng bằng sự cố gắng của mình, chúng tôi đã có nhà riêng cuộc sống rất ổn định trước sự tôn trọng của xã hội và con người. Cái chính, chúng tôi được nói, được quyền phê phán bất kỳ ai, khi cảm thấy việc làm của họ không đúng…

Viên an ninh lớn tuổi cắt ngang lời tôi và cho rằng bài “Tổ Quốc Tôi Con Tàu Đã Mắc Cạn“ đã có những suy nghĩ sai lệch đường lối lãnh đạo của Đảng về biên giới hải đảo. Trong đó có những câu sắc và nặng nề như yếu hèn, nhu nhược để gán cho các cấp lãnh đạo. Tôi khẳng định, bài viết này phê phán hành động bỉ ổi, đê tiện, vô học của Lê Hồng Cường, một lãnh đạo hội người Việt. Ông này, đã nhảy lên sân khấu giật thơ về biên giới hải đảo của nhà thơ Thế Dũng đang đọc, trong ngày biểu chống giặc Tàu.
Để chứng minh cho tài năng, đường lối lãnh đạo uyển chuyển của Đảng, của Hồ Chủ Tịch, viên an ninh này đã đưa hình ảnh Lê Lợi đã lấy mỡ viết trên lá, để kiến cắn đục thành tên mình, thu phục lòng người, đã làm nên chiến thắng. Vậy có đáng tự hào không?

Vâng! Tôi rất tự hào về Lê Lợi. Tuy nhiên, có thể không đồng ý với sự so sánh cũng như những suy nghĩ của các anh, nhưng tôi vẫn ngồi nghe các anh nói và tôn trọng những suy nghĩ đó.
Cũng vẫn viên an ninh này, cho rằng, bài viết “Không Cảm Thấy Tự Hào Khi Là Người Việt…“ của tôi tuy hay, nhưng với cái tựa đề này không thể chấp nhận được. Đột nhiên, anh ta rút bản copy bài “Tùy Anh, Từ Tháng Tư Buồn Đến Nỗi Đau Biệt Xứ“ hỏi tôi:

- Anh quen Tùy Anh từ khi nào?

- Biết tên tuổi nhau từ mấy chục năm trước. Gặp nhau chỉ một lần vào mùa hè năm ngoái, khi cùng nhau đón nhà thơ Trần Trung Đạo, tác giả của bài “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười“ từ Mỹ sang, như tôi đã viết trong bài.

- Anh nghĩ sao về Hòa Thượng Thích Như Điển?

- Là người có kiến thức uyên thâm, viết nhiều, rất đáng kính.

- Anh có biết chùa Viên Giác thuộc Giáo hội VN thống nhất, chứ không vào Giáo hội VN?

- Với tôi thuộc về đâu không quan trọng. Không thích chính trị, nên tôi không để ý điều này. Biết rằng, lúc nào tôi cũng gọi Hòa Thượng Thích Như Điển là thày và xưng con.

- Anh có hay đi chùa không?

- Rất ít, vì không có thời gian.

- Kể cả chùa Linh Thíu?

- Tôi chưa bao giờ đến chùa này.

- Tôi có đọc truyện “Sau Tiếng Chuông Chùa“ anh có nhắc đến chùa này.

- Đó chỉ là một truyện ngắn.

- Anh có quen Người Buôn Gió?

- Gặp một lần, khi nhà xuất bản Vipen ra mắt tập Thơ Người Việt Ở Đức.

- Anh thấy những bài viết của Người Buôn Gió thế nào?

- Ít đọc, nên tôi không thể nói nhiều.

- Văn của Lê Minh Hà thế nào?

- Tôi chưa đọc, nên không thể nói.

- Còn văn của Nguyễn Văn Thọ?

- Đã đọc một số truyện ngắn, nhưng không phải là thứ văn tôi thích.

- Sa Huỳnh là tên hay bút danh?

- Tôi không biết, bởi chỉ gặp Sa Huỳnh có một lần.

Anh ta lẩm bẩm:
- Có lẽ là tên thật. Ở Đức hình như ít có người dùng bút danh. Anh nhận xét gì về thơ Sa Huỳnh?

- Sa Huỳnh viết nhiều, nhưng nếu anh ấy không đổi cách viết (bút pháp) thì thơ anh ấy chỉ dừng ở dạng nghiệp dư cộng đồng.

- Còn thơ Nguyễn Thế Dũng?

- Nhà thơ Thế Dũng họ Vũ. Tôi thích đọc thơ của anh ấy. Nhất là thơ viết trước đây.

- Ngoài ra, thơ ở Đức phải kể đến ai?

- Thu Hà và An Giang.

- Thu Hà Berlin?

- Không! Thu Hà Cottbus.

- Ở Leipzig, chắc anh biết Thời báo của Nguyễn Sỹ Phương?

- Tôi có nghe nói, nhưng chưa bao giờ đọc.

- Anh thích đọc thơ của nhà thơ nào nhất ở trong nước?

- Trần Mạnh Hảo.

- Còn văn?

- Bảo Ninh, Võ Thị Hảo.

Buổi làm việc kết thúc, chúng tôi đề nghị anh nên tham gia vào hội văn nghệ người Việt ở Đức và hội văn nghệ trong nước. Viên an ninh (Sứ quán VN ở Đức) bảo tôi như vậy.

Tất nhiên, tôi từ trối điều này.

Viên an ninh ngồi ngoài cùng chợt đứng dậy, bảo: Để trình báo với cấp trên, chúng tôi đề nghị anh viết cho mấy chữ đại loại như, sau khi suy nghĩ lại, anh nhận ra những bài viết của mình là không đúng và từ nay không viết những bài như vậy nữa. Tôi không thể giúp các anh việc này, những bài viết là tư tưởng, suy nghĩ cá nhân của tôi, đúng sai tùy thuộc nhận thức mỗi người. Người ngồi trong cùng bảo: Ngay từ đầu anh đã nói mình dốt về chính trị, thì anh cứ viết cho mấy chữ, do không hiểu chính trị, nên anh có những bài viết sai vậy thôi. Tôi goặc lại, tuy dốt và không thích chính trị, nhưng tôi có chính kiến riêng của mình. Viên an ninh trẻ ngồi giữa đưa bút giấy: Nếu anh không viết, bọn em không thể khép hồ sơ, nói thế nào với Chef đây! Tính cả nể của tôi hơi bị dao động nên cầm bút giấy, thấy vậy viên an ninh ngồi trong đọc: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN…Tôi ngắt lời, với tôi không có cụm từ này. Và tôi viết: “Tên tôi Đỗ Trường địa chỉ CHLB Đức, những bài viết của tôi là suy nghĩ cá nhân có thể đúng, sai. Tôi là người dốt và không thích chính trị, do vậy tôi không tham gia bất cứ đảng phái, tổ chức, hội đoàn nào. Hà Nội ngày 7-3-2015 Đỗ Trường” Đưa tờ giấy cho viên an ninh ngồi giữa, đọc xong anh ta bảo, ngắn quá, anh có thể viết dài hơn chút nữa không? Tôi từ chối. Viên an ninh ngồi trong kẹp tờ giấy vào tập hồ sơ và bảo, đủ rồi.

Tôi trở lại chiếc ghế nửa nằm, nửa ngồi nói chuyện cuộc sống người dân châu Âu với viên an ninh trẻ đang ngồi phía trong căn phòng.

Bảy giờ tối, thiếu tá an ninh tên (Hoàng?) đến đưa tôi đi ăn. Vẫn cái nhà hàng buổi trưa. Hoàng bảo, em đã ăn rồi, anh thích ăn gì thì gọi. Tôi gọi cơm trắng ăn với cá kho và rau muống luộc. Trong bụng đói cồn cào, lúc này trong người cũng có một chút thanh thản hơn, nhưng khi đưa miếng cá, thìa cơm vào miệng, tôi chợt thấy gai gai rờn rợn, bởi nhớ lời anh tôi, một người qúa am hiểu về nghiệp vụ công an, dặn từ mấy hôm trước: Chú bị đeo bám như vậy, vào khách sạn nhà hàng ăn uống nhớ phải cẩn thận, thằng Tàu bây giờ nó sản xuất nhiều thuốc lú lắm đấy.

Tôi và Hoàng về phòng một lúc, Tuấn mang vé máy bay đến và bảo Hoàng đẩy hành lý của tôi ra làm thủ tục. Tuấn nói, cấp trên vẫn chưa cho phép liên lạc với gia đình tôi. Tôi vẫn im lặng, dù có to tiếng phản đối cũng vô ích, bởi chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời muôn thuở, chúng tôi không muốn như vậy, đây là lệnh của cấp trên…

Hoàng quay về, đưa cho tôi vé máy bay và giấy gửi hành lý. Tôi hỏi hộ chiếu, Hoàng bảo, tý nữa ra máy bay Tuấn sẽ trả lại. Tôi lại nửa nằm nửa ngồi trên ghế, nghe Hoàng kể chuyện xuyên rừng bắt ma túy ngày còn làm việc ở công an Nghệ An. Kể chán Hoàng hỏi tôi về giá cả xe ô tô và cuộc sống người dân ở Đức…

22 giờ Tuấn đến. Hoàng, Tuấn và người an ninh trẻ đưa tôi ra máy bay. Tôi được đưa ra cửa ưu tiên, không phải kiểm tra người. Đến gần cầu thang máy bay, tôi phải dừng lại, chưa được phép lên. Chờ mọi người đã lên hết, máy bay sắp chuyển bánh, Tuấn đưa hộ chiếu và trả lại điện thoại cho tôi và hỏi: Tâm trạng của anh bây giờ thế nào? Tôi bảo, buồn vì nhục cho đất nước, vui bởi sắp gặp lại vợ con. Nếu bây giờ các anh có để tôi đi sài Gòn, tôi cũng không đi nữa, bởi không còn một chút cảm hứng nào. Tuấn cười, hy vọng lần sau chúng ta gặp nhau, không trong hoàn cảnh như thế này.
Tôi bước đi còn nghe thấy tiếng Tuấn báo cáo trong điện thoại: Chuyên án đã kết thúc.

Vâng! Một kẻ viết văn tép riu, không hội hè, đảng phái như tôi mà công an Việt Nam phải lập đến cả chuyên án, thì thật nực cười và quá lãng phí tiền thuế của dân.
Và tôi ngoảnh đầu lại, vẫn thấy có hai người công an mặc sắc phục, lẽo đẽo theo tôi vào tận buồng máy bay. Tìm được chỗ ngồi và tôi định mở điện thoại, xem có thể gọi hoặc gửi thư về Đức cho vợ con, nhưng đã có tiếng nhắc nhở, để an toàn cho chuyến bay, đề nghị hành khách tắt điện thoại.
Tôi ngồi lật xem lại cuốn hộ chiếu, con dấu công an hủy giấy miễn thị thực của mình do nhà nước Việt Nam cấp, đỏ chót còn chưa ráo mực, làm tôi nghĩ đến quyền lực và công an hóa chính quyền của xã hội đương thời (Việt Nam).

Sáu giờ sáng, máy bay hạ cánh xuống phi trường Frankfurt. Tôi mở máy, gọi điện cho vợ con. Vợ tôi nói trong tiếng nấc, các con đã chờ tôi ở sân bay. Trong lúc chờ lấy hành lý tôi điện thông báo và xin lỗi bạn tôi và anh chị nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Giáng Tiên ở Sài Gòn là tôi đã bị trục xuất về tới Đức.

Nghe tôi kể sơ sự việc, nhà thơ Trần Mạnh Hảo nổi khùng: Ai cho chúng nó quyền thẩm định văn chương và tước đoạn quyền tự do của con người. Chú lành quá để chúng bắt nạt. Người khác là không để yên như vậy đâu. Vâng! Không hiểu sao, em không thể nổi điên lên trước việc làm ấy của họ. Có lẽ cái tính của em như vậy rồi.

Lên xe, tôi mở FB liên lạc với bạn bè, gặp ngay nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hỏi:
- Trường ơi! Em đang ở đâu đấy? (Bởi hôm thơ rằm tháng giêng gặp anh rất vội ở Văn Miếu, bắt tay hẹn gặp nhau vào những ngày tới)

- Em đã bị an ninh Việt Nam trục xuất về Đức.

- Sao vậy?

- Mới đầu họ bảo vì em không đăng ký tạm trú nên tạm giữ. Sau đó vì văn thơ của em có vấn đề, nên trục xuất.

- Lại lý do chẳng khác gì mấy bao cao su cũ và ai cho quyền họ thẩm định văn chương? Thật là, không ai làm xấu hổ đất nước bằng họ…

Trên đường về, tôi hỏi các con tôi, sao biết ba về bằng chuyến bay này?

Các cháu kể: Khi các bác ở Việt Nam báo tin sang, ba có thể đã bị an ninh Việt Nam bắt giữ, chúng con đã liên lạc với sứ quán Đức ở Hà Nội. Họ bảo, sau 24 tiếng, nếu ba không được thả, họ sẽ vào cuộc. Tuy nhiên, sau đó họ liên lạc với hàng không Việt Nam, và biết có tên ba trong danh sách bay về Đức vào 22 giờ 30. Tiếp sau đây, họ cần bản tường trình của ba, lý do bị bắt và trục xuất. Trong thời gian đó an ninh Việt Nam đối xử với ba như thế nào…

Bước chân vào nhà, gặp bà vợ mũi xanh mét, (dù đã ba mươi năm sống và mang quốc tịch Đức) miệng nửa khóc nửa cười, rít lên: Ông đã tởn chưa? Thơ với chả văn, từ nay tôi phải kiểm soát ông chặt chẽ hơn nữa.

Vâng! Vậy là tôi lại phải viết văn trộm trong cái rọ ngày càng bị xiết chặt hơn. Hỡi ông an ninh Việt Nam! Ông là ai, mà cấy vi trùng sợ hãi giỏi đến như vậy.

Đỗ Trường
Đức Quốc ngày 17-3-2015

No comments:

Post a Comment