Sunday, March 22, 2015

Cuộc Tấn Công Của Đồng Đôla Mỹ - Kỳ 2 : Kennedy Bị Các Chủ Ngân Hàng Ám Sát?


Một số quan chức chính phủ, trong đó có Mỹ, đã tìm cách hạn chế độc quyền của FED trong vấn đề tiền tệ. Tổng thống John F. Kennedy, ngày 4/6/1963, 4 tháng trước khi bị ám sát, đã ký sắc lệnh phát hành trái phiếu ngân khố được đảm bảo bằng bạc dự trữ trong ngân khố.


Đây là tiền không tính lãi, và không tạo ra nợ. Tuy nhiên theo quan điểm của các chủ ngân hàng, đây là hành động tấn công táo bạo vào quyền lực của họ.
Nikolai Starikov, trong cuốn sách của mình "Khủng hoảng. Cách tạo ra nó" ám chỉ rằng đây là sắc lệnh “giết” FED. Và sau đó là hành động trừng phạt. Ngày 22/11/1963, Tổng thống Kennedy bị ám sát. Đầu năm 1964, Tổng thống Johnson tuyên bố bạc khá đáng giá để sử dụng như tiền tệ, và trái phiếu ngân khố của Tổng thống Kennedy bị rút khỏi lưu thông.

Nỗ lực đưa vào lưu thông tiền thông thường, được đảm bảo bằng vàng và dầu, đã được nhà lãnh đạo Iraq, Saddam Hussein thực hiện đầu tiên, sau đó là lãnh đạo Libya, Gaddafi, gây lo ngại thực sự cho hệ thống lưu thông tiền ảo thế giới. Và các biện pháp được đưa ra để hủy diệt các nhà lãnh đạo này cũng thật hà khắc, đó là án tử hình, cũng như với các nước giàu dầu mỏ, đó là các chiến dịch trừng phạt qui mô lớn nhằm chiếm đoạt tài nguyên của họ.


Tổng thống Kennedy thuyết trình về ngân sách quốc gia Mỹ

Năm 1965, toàn nước Pháp tập hợp được 750 triệu USD, và Tổng thống Charles de Gaulle yêu cầu đổi chúng thành vàng. Có dấu hiệu rằng ông, trong một vụ bê bối lớn, đã thu được 66,5 tấn vàng trong tổng số hơn 800 tấn yêu cầu được đổi. Ngay sau đó, Pháp chính thức tuyên bố rút khỏi tổ chức quân sự NATO, đưa Bộ chỉ huy NATO khỏi lãnh thổ nước này, loại bỏ tất cả 189 căn cứ NATO trên lãnh thổ của mình và yêu cầu rút 35.000 binh sĩ NATO. Đầu năm 1963, Tướng de Gaulle từ chối lập lực lượng hạt nhân đa phương đặt dưới quyền Lầu Năm Góc.

Chưa ai dám chế giễu Mỹ như vậy. Pháp phản đối sự bá quyền của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Và sau đó bị trừng phạt. Giai đoạn 1967-1968 được đánh dấu bằng các sự kiện tại Pháp, tương tự như một dạng Maidan ở Kiev, song theo kiểu Pháp. Các cuộc biểu tình hiếm có của công nhân, nông dân, sinh viên nhanh chóng bùng phát thành các cuộc đụng độ trên đường phố với cảnh sát. Có tới 10 triệu người tham gia bãi công. Các chính đảng không thể tìm ra biện pháp thoát khỏi khủng hoảng, và chính phủ de Gaulle năm 1969 buộc phải từ chức. Nửa đầu năm 1970, Tướng de Gaulle qua đời, và ngày 15/8/1971, Tổng thống Richard Nixon tuyên bố Mỹ ngừng đổi USD thành vàng.

Trên thực tế Mỹ đã vỡ nợ. Chú Sam bỏ rơi tất cả, tất cả những ai giữ đồng USD. Trong khi đó, Mỹ, làm như không có gì xảy ra, tiếp tục áp đặt thế giới bằng trật tự tài chính của họ. Thay cho hệ thống tài chính thế giới Bretton Woods là cái gọi là hệ thống Jamaica, theo đó USD hoàn toàn thay thế vàng. Việc đồng USD thay cho vàng trở thành sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ, và các nước trên toàn thế giới đặt niềm tin vào sức mạnh này. FED bắt đầu sử dụng cỗ máy của mình trên toàn thế giới, và chỉ trích vàng như là "tàn tích man rợ". Dự trữ vàng của Mỹ trong một thời gian dài duy trì ở mức 8.000 tấn. Tuy nhiên trong giỏ ngân hàng trung ương các nước khác, đặc biệt là những nước xuất khẩu khoáng sản, bắt đầu tích tụ dự trữ USD - sản phẩm của FED.

Ông Strauss-Kahn

Không ai thích kẻ phản bội
Giám đốc IMF người Pháp Strauss-Kahn vì nỗ lực tấn công vào quyền lực của FED ngày 1/5/2011 đã bị bắt tại Mỹ do tình nghi cưỡng đoạt cô hầu phòng khách sạn. Ông buộc phải từ chức. Ngay khi ông từ chức, ông được trả tự do. Mới đây, Strauss-Kahn, ám chỉ tuyên bố của Tổng thống Ukraine, Poroshenko, rằng ông đạt được thỏa thuận với các nước châu Âu về viện trợ quân sự, tuyên bố: "Không ai ở châu Âu muốn chết vì Ukraine, thậm chí không muốn cung cấp tiền cho nước này... Bạn đã phản bội Nga, nước đã tạo ra và nuôi dưỡng bạn. Cả thế giới biết điều này. Không ai thích những kẻ phản bội".

Tại cuộc họp Hội đồng quản trị FED tháng 12/2014, Chủ tịch hội đồng này, Janet Kjellén, cho biết FED đang theo dõi sát sao những sự kiện ở Nga, song không xem đó là nguy cơ tiềm tàng đối với kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Tài chính Mỹ, một trong các kiến trúc sư của "Reaganomic", ông Paul Craig Roberts viết thẳng thừng rằng Chính phủ Mỹ tiến hành các hành động, gợi nhớ tới chiến tranh, nhằm hủy hoại tỷ giá đồng ruble, kể cả sử dụng các quĩ đầu cơ lớn để khiến đồng tiền của Nga sụp đổ. Paul Craig Roberts nói "Đồng ruble sụp đổ là có dụng ý. Hãy tìm âm mưu". Ông nói thêm: "Với Mỹ quá rủi ro khi tấn công Nga bằng vũ lực. Thay vào đó, Washington lợi dụng sự gần gũi với các định chế tài chính phương Tây của mình để vô tư tấn công Nga, điều có thể cho thấy rõ sự tàn ác của phương Tây".

Mời xem tiếp phần cuối

Theo TTK/baotintuc.vn

No comments:

Post a Comment