Monday, March 23, 2015

Thiên Mệnh, Định Mệnh, Số Mệnh Hay Nghiệp Quả ? Lê Sỹ Minh Tùng



1) Dựa theo thuyết Thiên mệnh của Khổng Tử thì thiên mệnh là mạng lịnh của Trời. Thiên mệnh là chủ thuyết rất quan trọng trong triết lý của đạo Nho. Trong đó, Không Tử quan niệm rằng tất cả sự biến chuyển của Trời, Đất cho đến sự sống chết của các loài từ con người đến các loài cầm thú thì Ngọc Hoàng Thượng đế nắm toàn quyền sinh sát trong tay. Đó là mệnh lệnh của ông Trời nên được gọi là Thiên mệnh. Nói cách khác Ngọc Hoàng thương người nào thì ban phúc cho người đó. Ngược lại, Ngọc Hoàng muốn giáng họa cho ai thì kẻ đó bắt buộc phải chết. Vì thế trong xã hội phong kiến, nhà vua tự xưng là con của Ngọc Hoàng Thượng đế nên gọi là Thiên tử cho nên mệnh lệnh của nhà vua là tuyệt đối. Do vậy vào thời Hán Vũ Đế, một nho gia tên là Đổng Trọng Thư dựa theo tư tưởng Khổng Tử đã nói:”Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu” nghĩa là vua xử tôi thần chết, tôi thần không chết là không trung thành. Cha xử con chết, con không chết là con bất hiếu. Thuyết Thiên mệnh của Khổng tử có bốn yếu tố chính:
-Tri mệnh: Biết mệnh Trời mà tuân theo, không nên chống cải.
-Phối mệnh: Phải luôn luôn trau dồi đức hạnh để luôn xứng đáng là con của trời.
-Sĩ mệnh: Không nên than van, trách cứ mà nên an nhiên chờ đợi mệnh Trời.
-Úy mệnh: Phải kính sợ mệnh Trời, chớ cải lại.
Nhắc đến tính cách hung bạo và tàn ác chẳng mấy ai quên được Tần Thủy Hoàng, vị vua đầu tiên của Trung Quốc. Vào năm 221 trước Tây lịch, Tần Thủy Hoàng đã thống nhất đất nước, thành lập chế độ tập quyền về mặt chính trị thống nhất từ trung ương, xây dựng nền quân chủ chuyên chế. Ông là người đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa có công thống nhất đất nước này, tiêu diệt sáu nước chư hầu thời Chiến Quốc và thiết lập một quốc gia rộng lớn. Tuy nhiên, ông cũng được xem là bạo chúa vì chính sách cai trị hà khắc và tàn bạo của mình. Suốt chiều dài lịch sử cai trị của Tần Thủy Hoàng, ông nổi tiếng về sự tàn bạo, đa nghi, xem mạng người như cỏ rác. Tần Thủy Hoàng chủ trương cai trị một cách độc tài, không chú trọng đến nhân đức, ân nghĩa. Đối với ông chỉ có một con đường, đó là dùng bạo lực (bá đạo) để đe dọa và bịt miệng dân. Ông chôn sống học trò, đốt sách Thánh hiền, giết hết những ai chống lại. Ông từng ra lệnh chôn sống 460 người ở Hàm Dương vì những người đó lên tiếng chống lại ông

Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất của Tần Thủy Hoàng là quá trình xây lăng mộ cho ông đã khiến biết bao người dân vô tội bị chết để thỏa mãn cho sở thích quái đản của vị vua này. Khi vừa lên ngôi lúc 13 tuổi, ông đã bắt đầu cho xây lăng mộ gồm 3 tầng, trên cùng là ngoại cung, tiếp theo là nội cung và sau cùng là tẩm cung, nằm ở phía Bắc núi Ly Sơn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây. Đây là một thế giới ngầm dưới lòng đất như là một vương quốc với đền đài, cung điện nguy nga, những dòng sông thủy ngân và trần của hang động làm bằng ngọc trai giống như   bầu trời ban đêm sáng ngời. Mãi cho đến khi ông chết vào lúc 49 tuổi thì ngôi mộ mới hoàn thành. Có đến 700,000 binh sĩ, thợ thuyền được điều động đến để xây lăng mộ cho vị bạo chúa này. Dã man hơn, sau khi hoàn tất, để tránh bị lộ ra ngoài, ông đã sai lấp đường hầm, chôn sống hết những người thợ ở đây với mục đích biến họ trở thành thần giữ của cho ông.

Vì tham vọng muốn trường sinh bất tử để hưởng thụ khoái lạc thế gian, vị vua này còn sai biết bao người đi tìm thuốc tiên, thần dược. Tần Thủy Hoàng có lẽ là vị vua duy nhất sợ cái chết đến mức điên dại. Trong một lần lang thang ở Quốc sử quán, bạo chúa Tần Thủy Hoàng bất ngờ tìm thấy một cuốn sách cổ nói về cuộc sống bất tử, trẻ mãi không già làm bằng chất thủy ngân lỏng. Bạo chúa quá đỗi vui mừng, bèn sai người đi khắp nơi, thu nhập số lượng thủy nhân rất lớn đem về hoàng cung. Nhà khảo cổ Romney nói rằng: “Có lẽ, thủy ngân chính là lý do khiến Tần Thủy Hoàng chết. Bạo chúa đã nuốt thủy ngân với tham vọng bất tử, nhưng không ngờ, chính nó lại kết thúc cuộc đời của một hôn quân, bạo chúa”.
Đến khi Hạng Võ đem quân vào Hàm Dương tiêu diệt nhà Tần, ông đã sai người đi quật mộ Tần Thủy Hoàng, đốt hết tam cung, lục diện nguy nga ánh lửa cháy sáng cả bầu trời cho đến mấy tháng và sau cùng giết chết hết con cháu của nhà Tần. Thế thì nhân quả, nghiệp báo có tha thứ cho ai đâu

Vị vua nổi tiếng khác của Trung Hoa là Võ Tắc Thiên. Bà là một trong 9 người vợ, đứng hàng thứ 5 “Tài nhân” của vua nhà Đường “Lý Thế Dân”. Theo thứ tự từ trên xuống dưới là Hoàng hậu, Hoàng phi, Thần phi, Chiêu nghi và Tài nhân. Tuy nhiên, ở trong cung, bà lại tư tình với con trai Lý Thế Dân là Lý Trị. Sau đó, Lý Thế Dân chết, dựa theo luật lệ nhà Đường, bà phải chết theo chồng, nhưng bà vào chùa quy y nên thoát khỏi. Khi Lý Trị lên ngôi, mặc kệ bao lời dèm pha, bà rời chùa trở lại hoàng cung trở thành vợ của Lý Trị với danh hiệu Chiêu nghi. Trong thời gian ngắn ngủi này, bà từ vị trí vợ của vua cha trở thành vợ của vua con. Vào năm 654, bà sinh con gái đầu lòng. Sau khi Hoàng hậu họ Vương đến thăm ra về, bà bóp mũi giết chết con của bà rồi vu oan giá họa khiến cho Hoàng hậu bị phế bỏ. Từ đó nấc thang danh vọng tăng dần, bà được phong lên làm Thần phi rồi đến Hoàng hậu. Để trừ hậu hoan, bà giết Vương Hoàng hậu và con gái một cách dã man. Sau khi vua Lý Trị bệnh nặng, bà yêu cầu Lý Trị cho bà được quyền tham chính bất chấp quần thần không đồng ý. Để tiện đường cho con trai Lý Hoằng lên ngôi vua, bà ra lệnh giết hết những ai cản đường. Tuy nhiên, bà phế Lý Hoằng và đưa con thứ hai là Lý Hiền lên làm Thái tử. Rồi lại phế Lý Hiền và đưa con Lý Hiền lên thay. Sau khi, Lý Trị qua đời, con Lý Hiền lên ngôi hiệu là Đường Trung Tông. Nhưng một tháng sau, bà lại phế Đường Trung Tông và đưa Lý Đán lên ngôi. Những năm tháng sau đó, bà tiếp tục loại trừ tất cả con cháu họ Lý ra khỏi quyền lực và đưa con cháu họ Võ của mình vào nắm quyền. Sau cùng, năm 690 Võ Tắc Thiên lên ngôi Hoàng đế, đổi quốc hiệu là nhà Chu và biết bao người đã chết dưới bàn tay đẫm máu của vị nữ hoàng đầu tiên của Trung Quốc. Ngoài hai bàn tay đẫm máu, Võ Tắc Thiên còn nổi tiếng về vấn đề tình ái. Khi đã gòm thâu quyền bính vào tay, lúc ấy tuy đã 61 tuổi, bà vẫn không ngừng tuyển chọn các mỹ nam, những người khỏe mạnh, khôi ngô và giỏi giang trong chuyện chăn gối để vào cung hầu hạ bà. Những cuộc ân ái thâu đêm suốt sáng của Võ Tắc Thiên cứ diễn ra liên tục tưởng như kéo dài không hồi kết. Vị nữ hoàng loạn dâm này không đêm nào có thể thiếu đàn ông. Cho đến tuổi 80, bà ta vẫn chọn toàn những nam nhân sung mãn để thỏa mãn niềm khoái lạc thân xác. Có một điều rất khôi hài, tuy bà ta là người nổi tiếng đệ nhất sát thủ, đệ nhất hoang dâm vậy mà lúc nào cũng muốn thiên hạ gọi là “Phật gia”!
Thái Bình công chúa là con của Võ Tắc Thiên, là vị công chúa có nhiều tham vọng và quyền thế nhất trong triều nhà Đường. Thái Bình cũng mưu mô, ác độc không kém mẹ mình, ép chế Võ Tắc Thiên nhường ngôi cho Đường Trung Tông (lên ngôi lần thứ hai) và bắt đầu lộng quyền. Nhưng sau cùng Thái Bình vẫn bị giết chết bởi người cháu, người mà bà đã cân nhắc lên làm vua.
Chúng ta đang sống trong thế kỷ thứ 21 cho nên chế độ phong kiến, trên đội dưới đạp, quân xử thần tử, phụ xử tử vong không còn thích hợp với xã hội dân chủ, tự do, bình đẳng, văn minh khoa học, tiến bộ của loài người nữa. Chẳng những thế, ngày nay từ Tổng thống, Thủ tướng cho đến Chủ tịch vẫn bị cách chức hay vào tù vì tội lạm quyền, tham nhũng, hành xử bất chánh đi ngược lại với công lý.

2) Định mệnh là số mệnh của con người đã được an bài trước từ khi mới chào đời cho đến lúc mạng chung nghĩa là một người sinh ra thì định mệnh của họ gắn liền với giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh và năm sinh đó. Vào đời nhà Tống bên Trung Hoa, Trần Đoàn, danh hiệu là Hi Di Lão Tổ, là người phát minh là khoa Tử Vi. Ông ta lý luận rằng có hơn 100 ngôi sao sắp xếp quanh 12 cung và sự phối hợp của các ngôi sao nói lên tính chất đặc biệt của mỗi cá nhân. Thí dụ nếu sao Thiên Quý đóng tại cung Sửu, Mùi thì người đó sẽ là anh hùng trong thiên hạ…. Thật ra ngày nay khoa tử vi không còn được xem là khoa học huyền bí nữa vì nó không thể giải thích từng trường hợp của mỗi người một cách suông sẻ và hợp lý. Thí dụ trên thế giới hiện giờ có trên 6,7 tỷ người, mà nếu dựa vào một ngày, giờ, tháng,  năm sanh nhất định thì có được 512,000 lá số tử vi cho tất cả mọi người. Nếu sinh cùng giờ thìn, tháng thìn, năm thìn thì có biết bao người trùng lá tử vi, nhưng có người thì sung sướng sao có kẻ lại khổ đau?

Để giải thích sự sai lệch nầy, các nhà tử vi lý luận rằng ngoài ngày, giờ, tháng, năm sanh, lá tử vi còn tùy thuộc vào phước đức của họ và của gia đình họ. Thế thì nói đi nói lại, mọi sự tiên đoán của tử vi cũng chỉ dựa vào Luật Nghiệp Quả của nhà Phật mà thôi. Thậm chí một số nhà tử vi, chiêm tinh, bói toán cho rằng số mạng con người còn tùy thuộc vào sửa cái giường theo hướng đông hay tây, sửa cái bếp theo hướng nam hay bắc hay sửa chữ ký theo đường này hay hướng khác. Cuộc đời có thay đổi, có thăng hoa chỉ khi nào con người biết phục thiện, biết làm lành lánh dữ, biết bố thí giúp đở kẻ thế cô. Nói cách khác khi con người sống trong đạo đức nhân bản thì cuộc sống chắc chắn sẽ bình yên, gia đình trên thuận dưới hòa mà không cần sửa giường, sửa bếp, hay chữ ký chi cả. Nếu sửa giường, sửa bếp hay sửa chữ ký mà thay đổi được cuộc sống thì mấy ông, bà thầy bói đã giàu sang, phú quý hết rồi chớ đâu có lang thang, thất thểu như vậy. Ở Hoa Kỳ, có những tay bói toán rất nổi tiếng như Sylvia Browne (Tự xưng là Spiritual Teacher and Psychic tuy nhiên có người cho bà ta là Psychic or Con Artist?) xuất bản rất nhiều sách và xuất hiện trên nhiều chương trình TV. Không phải bà ta làm giàu hay nổi tiếng vì tài tiên đoán xuất quỷ nhập thần hay thần cơ diệu toán gì cả mà chỉ là lợi dụng sự mê tín của người nghe hay người đọc để bán sách thế thôi. Những tiên đoán của bà ta thuộc loại vô thưởng, vô phạt, không thể kiểm chứng, chỉ nói cho vừa lòng người nghe. Nếu thực sự các nhà tiên tri, ngoại cảm có thật tài thì tại sao không ai vì lòng nhân ái đứng ra tình nguyện giúp cho hảng hàng không Mã Lai Á tìm chiếc máy bay MH370 với 239 sinh linh bị rớt mấy tháng trước? Ngày nay trong cuộc sống gia đình đôi khi vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em hay bạn bè có những lúc bất hòa đưa đến cải vả làm mất hòa khí. Có người tin vào chuyện kỵ tuổi chẳng hạn như dần, thân, tỵ, hợi tứ hành xung khắc hay thân, tý, thìn là tam hạp…Khắc khẩu không phải là do kỵ tuổi gì cả bởi vì người Tây phương đâu có biết thân, tỵ gì đâu mà họ vẫn sống phây phây trong khi đó người Trung Hoa cái nghèo, cái khó sao cứ đeo mãi trên lưng? Khắc khẩu là tại vì bất đồng tư tưởng, mỗi người có tư tưởng hay đường hướng về cuộc sống khác nhau. Nhưng thay vì tôn trọng hay lắng nghe để dung hòa thì họ sống quá nặng theo bản ngã của mình mà cho rằng tôi nghĩ là đúng, tôi nói là hay. Bây giờ nghe lời Phật dạy, bớt bản ngã xuống một chút, tôn trọng ý kiến của mọi người thì cuộc sống gia đình sẽ trở lại an bình như trước chớ có dính dấp gì đến dần, thân, tỵ, hợi đâu. Biết bao người tuổi thân, tý, thìn hằng ngày đưa nhau ra tòa ly dị vì thế một trong những điều cấm kỵ của Đức Phật đối với các vị Tỳ kheo là bói toán.

3) Số Mệnh: bây giờ là một hàm số rất phức tạp bao gồm rất nhiều tư tưởng của Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Tuân Tử…Đó là:
Số mệnh = Thiên mệnh + Địa Mệnh  + Nhân mệnh
Dựa vào hàm số này thì số mệnh của con người 70% tùy thuộc vào định mệnh và 30% còn lại tùy thuộc vào hành động của con người để chuyển hóa số mệnh của mình nghĩa là “Tận nhân lực, tri thiên mệnh”. Vì thế tuy con người có cố gắng, sửa sai, phục thiện thì số mệnh của mình vẫn còn nằm trong tay của Trời, Đất.
4) Luật Nghiệp Quả: Khác với thuyết Thiên Mệnh của Khổng Tử, Định mệnh của Trần Đoàn hay ngay cả Số mệnh của sự tổng hợp các luồng tư tưởng khác của các triết gia Trung Hoa, luật nghiệp quả của Phật giáo rất khác biệt và uyển chuyển. Tại sao? Bởi vì luật nghiệp quả là do con người hoàn toàn quyết định cuộc đời của mình chớ không tùy thuộc vào bất cứ một quyền năng nào ở ngoài nghĩa là dựa theo tinh thần Phật giáo, không có ông Trời, bà đất hay Hi Di Lão tổ nào có thể quyết định hay thay đổi số mệnh của mình mà phải do chính tự tay mình tác tạo và thọ lãnh.

Trong kinh Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Đức Phật dạy rằng:"Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa” . Như thế, sự hiện hữu của mỗi con người trên thế gian này là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện của họ từ (vô lượng) kiếp quá khứ. Thật vậy, nghiệp tức là chủ động tạo điều kiện để tái sinh trong kiếp hiện tại và cho những kiếp tương lai. Vì thế tất cả mọi khổ vui, thành công, thất bại, tướng diện đẹp xấu, thông minh hay khờ dại…của con người trong kiếp sống này là sự thọ lãnh những quả nghiệp do chính họ tự tạo tác từ những đời quá khứ, chớ không do bất cứ sự thưởng, phạt nào của bất cứ ai. Chỉ khi nào thật sự thấu hiểu tường tận về giáo lý Nghiệp thì lúc đó nghiệp sẽ không còn chi phối cuộc sống của chúng ta. Đó là khi gặp nghịch cảnh đau thương thì chúng ta không than Trời, oán Phật và khi thuận duyên hạnh phúc đến thì chúng ta cũng chẳng hân hoan reo mừng bởi vì đó đều là những vận hành của Nghiệp, do chính ta tác tạo. Bây giờ, nếu chỉ nhìn nghiệp bằng một góc độ nhỏ của nhân quả thì luật nghiệp quả của đạo Phật có vẻ như là một số mệnh sắp đặt sẵn bắt buộc con người phải nhắm mắt, xuôi tay chấp nhận. Nhưng sự huyền diệu của luật nghiệp quả không dừng lại ở đây mà nghiệp có thể chuyển được. Nếu nghiệp không chuyển được thì không ai tu để làm gì? Vì ta là chủ nhân của Nghiệp thì ta có thể sai khiến Nghiệp của mình chớ không phải là nô lệ để Nghiệp sai khiến. Nói cách khác, vì nghiệp có thể chuyển cho nên con người mới có thể chuyển từ phàm sang Thánh hoặc từ phàm biến thành ra ác quỷ. Luật nhân quả đã xác định rõ ràng rằng: ”nhân + duyên =quả” cho nên nhân tác tạo trong đời quá khứ nếu không kết với những duyên bất thiện hiện tại thì sẽ không tạo thành quả dữ để đưa con người vào cảnh khổ. Do vậy, con người hằng ngày trong cuộc sống, chính mình có thể làm chủ số mệnh của mình bằng cách tạo nhiều thiện duyên và tránh xa duyên ác thì những quả phước thiện đó sẽ đè nén tất cả quả bất thiện khác hoặc nếu quả xấu có hiện hành đi chăng nữa thì nó cũng trở thành nhỏ, không đáng kể, không nguy hại. Thí dụ vì bận rộn, chúng ta không có thì giờ chăm sóc sân cỏ ở trước nhà nên nó trở thành khô khan, vàng úa nghĩa là nhân không tốt. Nếu dựa theo thuyết số mạng thì đám cỏ sẽ chết. Ngược lại, dựa theo lý nhân duyên của đạo Phật là tuy nhân không được tốt, nhưng nếu bây giờ chúng ta bắt đầu vun phân, tưới nước cho nhiều nghĩa là tạo duyên lành thì tuần sau đám cỏ sẽ xanh trở lại tức là có kết quả tốt. Cuộc sống con người thì cũng thế. Hiện tại chúng ta cảm nhận rất nhiều nghịch cảnh, đau thương nghĩa là kết quả của những nhân bất thiện từ đời quá khứ nay đã thành quả. Nếu sống tiêu cực thì chúng ta chỉ than Trời, trách đất rồi những quả đau thương khác vẫn cứ tiếp tục đến khiến cho cuộc sống thêm khổ đau, chẳng có lợi ích gì. Bây giờ nếu thấu hiểu giáo lý Nghiệp thì bắt đầu chuyển cuộc sống từ tiêu cực sang tích cực nghĩa là chính ta phải tác động chống lại chớ không chịu chấp nhận an phận thủ thường. Nói thế có nghĩa là từ nay con người phải nhận thức sự tai hại và tốt đẹp của nghiệp và nghiệp quả để vun bồi, tác tạo thêm nhiều thiện duyên thì chắc chắn cuộc sống của mình sẽ thăng hoa, hạnh phúc. Nghiệp bất thiện ví cũng như viên thuốc độc, nếu uống vào thì chắc chắn chúng ta sẽ chết. Nhưng nếu bây giờ chúng ta gầy dựng thật nhiều thiện nghiệp ví cũng như tự mình đào một hồ nước rộng, cho dù có bỏ viên thuốc độc đó vào hồ nước rồi múc nước kia uống thì vẫn không hề hấn gì.

Trong thế giới của người Tây phương, luật Nhân Quả ngày nay bắt đầu đi sâu vào trong mọi lãnh vực cuộc sống của họ cho dù họ có nói ra hay không. Một thí dụ mới nhất là mấy ngày qua, một cầu thủ Football của đội Seattle Seahawks, Richard Sherman, xuất thân từ một gia đình nghèo ở Compton, California. Tuy sinh ra và lớn lên trong môi trường không lành mạnh, nhưng anh ta tránh xa những bạn bè xấu, cố gắng trao dồi khả năng thể thao của mình nên được học bổng vào trường Stanford rồi sau đó trở thành cầu thủ nhà nghề. Không dừng lại ở đây, anh ta tiếp tục làm việc rất hăng say vượt hẳn cầu thủ thường và sau cùng đạt được giải vô địch (Super bowl 48 -  2014). Để đền bù cho những thành quả đó, anh mới ký hợp đồng 4 năm trị giá trên 57 triệu và anh trở thành cầu thủ hàng hậu vệ (corner back) đáng giá nhất của Hoa Kỳ.

Trong bài đáp từ, anh ta tuyên bố: “Greatness is realized from countless hours of work, studying, practice, sacrifice and courage. This is just the beginning and I will continue to set the bar higher and higher on and off the field” nghĩa là “Muốn thành công lớn thì phải dành rất nhiều thì giờ  vào việc làm của mình bằng cách học hỏi, thực tập cộng thêm (ý chí sắc đá) lòng can đảm và sự hy sinh nữa...”. Nói về sự liều lĩnh, người Hoa Kỳ cũng có câu: “No guts no glory.” Và sau cùng anh nói: “You get out what you put in!” nghĩa là “Nhân nào thì Quả nấy!”. Ngay cả người Hoa Kỳ cũng nói rằng: “There’s no such thing as a free lunch” nghĩa là “you don’t get something for nothing” đó là có làm thì hàm mới  nhai chớ không thể nào nước lã khuấy nên hồ được. Ngày xưa Đức Phật và chư đệ tử của Phật không bao giờ nhận vật thực của thí chủ mà không ban cho họ một bài pháp.

Nói chung, trong tất cả mọi hành vi  của con người từ tư tưởng đến lời nói và ngay cả hành động, luật nhân quả nghiệp báo lúc nào cũng hiển hiện trong cuộc sống. Nói ái ngữ thì người thương, người  mến. Hung hăn, bạo ngược thì kẻ xa, người tránh. Làm lành có phước thiện, ngược lại tạo nhân ác thì trước sau sẽ lãnh quả khổ thế thôi. Ngay cả những người thuộc về  những tín ngưỡng khác cũng không ngoài ngoại lệ này. Thí dụ Thánh kinh dạy con người làm lành, lánh dữ ngày sau sẽ được lên Thiên đường. Những vị tu sĩ cố gắng tu hành để được tiến thân và sau cùng trở về với Chúa. Một người cuồng tín Hồi giáo tin rằng: ôm bom đi giết chết người vô tội để khi chết vào nước Thiên đường thỏa thích với biết bao trinh nữ…Tất cả đều là nhân quả. Luật nhân quả, nghiệp báo khuyến cáo con người nên thận trọng với tư tưởng, lời nói và hành động của mình bởi vì cũng giống như cái “Boomerang của người Úc”, mình gieo nhân thì một ngày nào đó, chính mình sẽ thọ báo kết quả thiện, ác đó khiến cho cuộc sống có hạnh phúc hay khổ đau. Vì thế người tu Phật lúc nào cũng sống trong tỉnh thức chánh niệm để làm chủ tư tưởng, lời nói và hành động của mình thì thế giới do mình đã gieo sẽ không còn chông gai, đau khổ.

Vậy con người từ đâu mà có?
Thập Nhị Nhân Duyên (Twelve Conditional Factors) không phải dành cho những ai muốn tu để thành Duyên Giác, Bích Chi Phật mà là giáo lý cốt lõi của đạo Phật để giải thích con người từ đâu mà có và là pháp tu để có giải thoát.

Thập Nhị Nhân Duyên là thuyết Duyên Khởi bắt đầu từ vô minh mà duyên  sinh ra 11 duyên khởi khác. Từ Vô Minh phát sinh ra Hành, rồi từ Hành phát sinh ra Thức nghĩa là tùy thuộc nơi Nghiệp thiện hay bất thiện quá khứ, Thức được tạo điều kiện để phát sinh trong kiếp hiện tại. Nói cách khác Vô Minh và Hành trong kiếp quá khứ cùng hợp lại tạo điều kiện cho Thức trong kiếp hiện tại phát sinh. Sau đó do nghiệp lực, Thức kết hợp với tinh cha huyết mẹ tạo thành một hình hài nhỏ như đầu mũi kim trong bụng người mẹ nên gọi là Danh Sắc. Sau đó hài nhi phát triển thành một con người có đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý để cảm nhận mọi cảm xúc của cuộc đời nên gọi là Lục Căn. Do sự cảm Xúc từ ngoại duyên (cuộc đời: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) nó cảm Thọ được khổ, vui của cuộc đời. Từ đó lòng tham Ái nổi dậy. Một khi trạng thái luyến ái, bám vào thì nó phải nắm chặt lấy đối tượng nên gọi là Thủ. Cũng do nơi Thủ mà con người phải làm nô lệ cho khát vọng của mình mà nhắm mắt chạy theo dục lạc. Tùy thuộc cường độ chấp Thủ mà nghiệp phát sinh, đó là Hữu để đưa con người đi tái Sanh. Nhưng dựa theo luật vô thường của tạo hóa, hễ có Sanh là có Lão (già, bệnh) và sau cùng là Tử (chết). Cứ thế mà con người quay cuồng trong sinh tử triền miên, không có lối thoát.

Tóm lại, do Vô Minh tạo duyên, Hành mới phát sinh. Do Hành tạo duyên, Thức mới phát sinh…Vì thế nếu diệt được vô minh là có giải thoát, không còn sinh tử khổ đau. Muốn diệt vô minh thì Đức Phật dạy tu theo thiền tuệ, thiền minh sát Vipassanà với 16 tuệ minh sát mà tuệ thứ nhất là tuệ phân tích Danh Sắc (ngũ uẩn).

Muốn cuộc đời tốt đẹp thì phải sống như thế nào?
Ðức Phật dạy rằng:
"Chúng sanh gặt hái bông trái như thế nào?
Tùy theo hột giống đã gieo.
Người làm điều thiện sẽ gặp thiện,
Hành ác, gặp ác.
Hãy gieo hột giống tốt và gia công vun bồi cây,
Sẽ được hưởng trái lành".
(Samyutta 1, trg. 227 - The Kindred Sayings I, trg. 293)

Dựa theo lời dạy của Đức Phật ở trên, không thể có một nguyện lực nào ở bên ngoài có thể ban bố phước lành, hay giáng họa cho ai được mà chính Ta là người duy nhất tạo hạnh phúc hay khổ đau cho chính Ta mà thôi.
Đức Phật lại dạy rằng: ”Hạnh phúc của con người không tùy thuộc vào tiền tài hay danh vọng trong xã hội mà duy nhất tùy thuộc vào cách sống tức là sự suy nghĩ của mình mà nhà Phật gọi là “Tâm”.
Vì tầm quan trọng của ý thức, Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú rằng:
Tâm dẫn đầu các Pháp
Tâm làm chủ tạo tác
Đối với tâm ô nhiễm
Nói năng hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như bánh xe lăn theo
Dấu chân con vật kéo (Pháp Cú 1)
Ngược lại:
Tâm dẫn đầu các Pháp
Tâm làm chủ tạo tác
Đối với tâm thanh tịnh
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình (Pháp Cú 2)
Nên nhớ: “Cuộc sống này có vay sẽ có trả
                   Luật nhân quả không bỏ sót một ai!”

Tóm lại, dựa theo tinh thần Phật giáo, con người tự mình có thể làm chủ mạng sống của mình, chính mình ban vui hay giáng họa cho mình chớ Phật trời không can dự vào căn nghiệp của mình được. Cao hơn nữa, muốn có hạnh phúc, an vui, tự tại con người chỉ cần sống đời đạo hạnh, giữ tròn năm giới nghĩa là không được sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Nếu thực hành được như thế là chính họ trở về sống với đời sống đạo đức nhân bản, gia đình sẽ hạnh phúc, ấm êm, trên thuận dưới hòa. Đức Phật dạy giáo lý Nghiệp với mục đích khuyến khích con người thực hành các Nghiệp lành để trang nghiêm cho kiếp sống hiện tại và thăng hoa lý tưởng giải thoát cho những kiếp tương lai.

Lê Sỹ Minh Tùng

1 comment:

  1. MỆNH & NGHIỆP
    Khách quan mà xét thì đúng như ông Tùng đã nói,thật tế đời người chẳng hề có cái gọi là "thiên mệnh",là "định mệnh",là "số mệnh" gì hết.Tất cả sự việc trong đời do Nghiệp mà thôi.Tuy nhiên,ông Tùng cũng chưa biết Nghiệp là gì,cho nên không thể thoát Nghiệp như trong Đạo Phật đã dạy.Ông chỉ có thể tu hành để chuyển Nghiệp ác thành ra Nghiệp thiện mà thôi. Mà tính của Nghiệp vốn là sai khiến và trói buộc ông theo con đường sanh tử luân hồi không có ngày thoát,cho dù có là Nghiệp thiện cũng là trói ông mà thôi.Nói chung là Nghiệp cướp sự tự do tự tại phóng khoáng trong mọi hành vi và tư tưởng của ông rồi vậy. Làm ác tức bị Nghiệp ác nó trói,làm thiện cũng bị Nghiệp thiện trói buộc chứ không hề khác.
    Nói vậy là Nghiệp có thể thoát được hay sao?Xin thưa hoàn toàn là được.Thử hỏi,như nay đã biết nó không là "định" là "mệnh" là "số" gì hết thì sao lại không thể thoát?Hơn nữa,Phật cũng cho biết Nghiệp chỉ là pháp hư vọng,với cái hư vọng thì sao lại không thể thoát?Vấn đề là ta có biết Nghiệp là cái gì ở nơi thân ta và vì sao mà có ra nó,được vậy là thoát nó ngay tức thì.
    Vậy thì Nghiệp là gì mà nó theo ta từ thuở vô thuỷ cho tới ngày nay và tận vịlai?Thật ra nó không gì lạ mà rất mật thiết với ta,vì nó chính là tâm tánh tự ngã
    của ta đó thôi.Nói rõ hơn,Nghiệp chỉ là tên khác của tâm tánh tự ngã vậy.Bởi lẽ nó luôn tạo nhân thọ quả nên Phật đặt tên cho nó là Nghiệp,cho nên khi nó tạo nhân thì gọi nó là Nghiệp Nhân,đến khi thọ quả thì goi nó là Nghiệp Quả vậy.Như thế,biết Nghiệp chính là tâm tánh của ta vậy làm sao thoát?Phật đã cho biết tâm tánh trong thân chúng sinh thật ra hoàn toàn hư vọng,tức nó không phải Chân Tâm của ta mà chỉ là bóng trần cảnh phản ánh mà thôi.Điều đó có nghĩa trong thân chúng sinh xưa nay vốn vẫn không có tâm tánh nào hết,kinh gọi như thế là Vô Ngã.Vậy thì người học chỉ cần thật sự giác ngộ Vô Ngã,biết rõ trong thân
    không có tâm tánh tức là thoát Nghiệp tức thì.Người này dù có bao nhiêu nghiệp tội từ vô thuỷ kiếp cũng đều tiêu tan chỉ trong phút giây giác ngộ,không cần tu hành tiêu trừ chuyển nghiệp gì hết.Vì sao?Vì Nghiệp chính là tâm tánh tự ngã, một khi đã ngộ Vô Ngã thì Nghiệp làm sao tồn tại cho được?Lại nữa,vì Nghiệp
    chỉ là pháp mộng hoàn toàn hư khống,nếu đã tỉnh giấc chẳng lẽ vật mộng lại còn hay sao?Việc này đối với những ai vẫn còn mê chấp thân tâm tự ngã rất là khó tin,tuy nhiên Thiền Tông của Phật Đạo tối thượng cho biết như thế,tin hay khôngthì tuỳ.Nếu tin ắt được lợi lớn trong việc học Đạo
    Tóm lại,Nghiệp có thể thoát nếu được giác ngộ Vô Ngã,biết rõ trong thân xưa nay vốn vẫn không tâm.Ở đây không cần tích đức tu thiện chuyển nghiệp gì hết mà được tự do tự tại trong mọi hành động,lại được thoát khỏi ác mộng sanh tử luân hồi.Tức là làm gì cũng là thiện pháp chứ không có tội có nghiệp nào hết.
    Nhân đây ông Tùng cũng nên biết thêm một điều : tâm tánh tự ngã trong thân của ông,ngoài cái tên Nghiệp nó còn có rất nhiều tên do Phật đặt cho,nào là Vô Minh,nào là Pháp Khổ,nào là Tên Giặc Sanh Tử,nào là Vọng Tâm v.v...Nên biết danh từ Vô Minh mà ông vừa nói ở trên chính là nó đấy.Vậy thì muốn hết Vô
    Minh thì chỉ có cách giác ngộ Vô Ngã mà thôi,vì lẽ Vô Minh chính là tâm tánh tự ngã của ông chứ không gì khác.Cho nên nếu ngộ sự thật Vô Ngã ắt là Vô Minh tự diệt,thật tế không có bất cứ pháp tu nào diệt được Vô Minh cả.Cứ hãy tìm kỹ kinh Phật thử xem có chỗ nào Phật dạy pháp tu đoạn trừ Vô Minh hay không? Kinh nào Phật cũng khiến ông giác ngộ mà thôi.

    Tuyen Le

    ReplyDelete