Monday, March 30, 2015

Người Bạn Thân - Mimosa Phương Vinh


Tôi và Huyền quen nhau khi hai đứa bước chân vào Trung Học tức là lớp Đệ Thất hồi thập niên 60, tình bạn đó kéo dài đến ba mươi năm sau cho đến một ngày. Một ngày đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn tôi và tôi mang theo trong cuộc hành trình viễn xứ một nỗi đắng cay mỗi lần nghĩ đến. Có những kỷ niệm con người không biết chôn dấu nơi nào trong vùng ký ức để có thể sống bình yên và nhẹ nhàng hơn là cưu mang những cục bướu xấu xí mà cuộc đời đã cố ý hoặc vô tình trao tặng cho ta.
 
 Huyền là một người bạn gái có đôi mắt thật đẹp, đôi mắt sâu đen thâm thẫm trên gương mặt thon dài với nụ cười hiền dịu đã mang đến cho tôi bao nhiêu tình cảm bạn bè êm đẹp. Tôi, Huyền thân nhau và chia xẻ với nhau nhiều kỷ niệm vui buồn trong những năm đầu Trung Học. Những người xung quanh, bạn bè và gia đình thường gọi chúng tôi là Đôi bạn Chân Tình. Tôi và Huyền cũng lấy làm thích thú khi được gán cho một cái tên dễ thương như vậy để diễn đạt tình bạn bè thân thiết giữa hai đứa chúng tôi.
 
Tình bạn của chúng tôi đơn sơ, chân thành và vô tư chứ không có gì là cao siêu hay nhuốm sắc thái triết lý như Narcissus and Goldmund một tác phẩm nổi tiếng của Hermann Hesse được chuyển qua Việt Ngữ bằng cái tên Đôi bạn chân tình. Số là thời đó người ta hay dùng những danh từ trong văn chương, nghệ thuật để ví von và đặt tên cho những nhân vật hay sự kiện trong đời thường. Gặp một người đàn ông có đôi mặt đẹp đi kèm với bộ râu duyên dáng thì họ gọi đó là Bác Sĩ Zivago. Nghe một tiếng chuông rung thì đó là Chuông Gọi Hồn ai (For whom the bell tolls của Herminway) hay Giã từ vũ khí ( Farewell to the arms) để nói đến một anh lính đã giải ngũ vân vân và vân vân
 
Chúng tôi học trường Việt Anh- Dalat. Ngôi trường nằm trên đường Hải Thượng bên con suối chảy về Cam Ly. Nữ sinh trường Việt Anh mặc đồng phục màu tím hoa cà và nam sinh mặc áo len màu huyết dụ. Những màu sắc dễ gây những tình cảm thơ dại, êm đẹp trong tuổi học trò. Con suối Cam Ly trong những chiều mưa lớn thường mang lụt lội vào tận lớp học, đó là thời gian vô cùng sung sướng cho bọn học trò chúng tôi vì được nô đùa, nghịch nước và ngày mai khỏi phải đến trường. Ai học trường Việt Anh đều biết cây đào tiên nằm bên chiếc cầu ở đường Hải Thượng đằng trước cổng trường. Học sinh trai gái, lớn bé cùng từng có lúc leo lên cây để vặt trái xanh, trái chưa kịp chín. Cây cầu là nơi nam sinh làm điểm hẹn để đánh lộn, để trả ân oán giang hồ và là nơi nữ sinh đứng tựa vào lan can mà mơ mộng vu vơ.
 
Thầy Hiệu Trưởng luôn luôn cầm chiếc roi mây đi vòng vòng trong sân trường, những tay cao bồi gan góc, tóc tém, giầy mõ vịt cồm cộp đều ngán cây roi cuả thầy. Nữ sinh lớp lớn mang guốc gót sắt Dakao đi qua sân Basketball mới tráng xi măng chưa kịp cứng thì vừa cười vừa chạy khi thấy thầy xăm xăm đi tới. Nữ sinh đầu đánh rối tổ quạ mà không thuộc bài thì con roi mây sẽ xỉa xói không thương tiếc trên làn tóc kia. Thầy Hiệu Trưởng nghiêm khắc là thế mà chẳng thấy ai ghét thầy cả, tôi chưa bao giờ thấy một sự việc nào đáng tiếc xảy ra trong những năm học trường Việt Anh. Học sinh luôn luôn kính trọng và vâng lời thầy giáo. Có nhiều Giáo Sư nổi tiếng đã đi qua Dalat và ghé trường Việt Anh dạy vài ba năm: thầy Nguyễn Đình Chung Song, thầy Tam Ích, thầy Phạm Công Thiện, nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Họa Sĩ Duy Liêm, thầy Bửu Sao, thầy Đào Quang Huy, thầy Lê Phổ, thầy Nguyễn Tường Thiết …
 
Tôi và Huyền cùng bạn bè đã có những ngày tháng thật vui tươi thơ mộng dưới mái trường Việt Anh, muà hè đối với chúng tôi luôn luôn rất dài vì ai cũng muốn mau gặp lại bạn bè ở lớp học. Những dịp cuối năm khi anh đào bắt đầu trỗ hoa hồng thắm xung quanh Hồ Xuân Hương và những ngọn đồi trong thành phố được thắp vàng rực rỡ bởi loài Dã Quỳ, là chúng tôi nôn nao chạy ra nhà sách Nhật Tân để mua thiệp Giáng Sinh tặng cho nhau. Ông chủ nhà sách Nhật Tân là một người đàn ông vui tánh, dễ chịu nên những giờ ra chơi chúng tôi hay la cà đến làm phiền ông.
 
Ngoài thời gian ở trường, những chiều thứ bảy tôi lại đến nhà Huyền chơi cho đến tối mịt mới về. Vì tôi và Huyền thân nhau quá nên cuối cùng thì cha mẹ tôi và cha mẹ Huyền cũng quen nhau luôn. Những kỷ niệm giữa chúng tôi không làm sao mà kể cho xiết. Qua thời trung học mỗi người có một cuộc sống khác nhau nhưng cũng không phải vì thế mà chúng tôi xa cách, chúng tôi vẫn gặp nhau hàng tuần và kể cho nhau nghe những diễn tiến tình cảm riêng tư cuả hai đứa. Huyền có người yêu trước nhưng tôi lại lấy chồng trước Huyền. Tôi theo chồng đi xa nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với người bạn gái cũ.
 
Sau 75, hai đứa đều kẹt lại ở Việt Nam. Chồng tôi đi tù cải tạo, tôi phải lo cho con dại nên cuộc sống rất khổ sở, còn Huyền vẫn độc thân nên đời sống dễ thở hơn tôi nhiều, có rất nhiều lúc tôi thèm được sống như Huyền, nhưng thật ra mỗi người có một cái số nên mình có muốn cũng chẳng được. Cuộc đời tôi cứ đi mãi vào những lối chông gai trong khi cuộc đời Huyền ngày lại thêm sáng lạn. Tôi không ganh tị với người bạn gái thân thiết nhưng nhiều lúc cũng tủi thân muốn khóc khi so sánh với Huyền. Chị em đi nước ngoài gần hết nên Huyền cứ tà tà nhận quà bán lấy tiền xài và để dành. Khi ba mẹ qua đời thì Huyền đã hưởng trọn gia tài của cha mẹ để lại. Tôi thỉnh thoảng vẫn đến nhà bạn chơi nhưng vì lòng tự trọng tôi không bao giờ than thở để nhận sự giúp đỡ của bạn mình. Tôi và Huyền cùng tuổi, Huyền vẫn chưa lập gia đình khi con gái đầu lòng của tôi đã bước vào tuổi thiếu nữ.  Chúng tôi rất nhiều lần nhắc lại chuyện xưa rồi cười bò càn với nhau, những lúc ấy lòng tôi chợt ấm lại, tạm quên đi những nổi đọa đầy của thực tế.

Cho đến một ngày, một ngày bắt đầu sau những ngày và những đêm muộn phiền, lo lắng. Tôi làm ăn thất bại, phải đi mượn một chỉ vàng từ một người bạn hàng và đã đến thời hạn phải trả lại cho người ta. Thật ra, một chỉ vàng không phải là một món nợ lớn nhưng khi đã kẹt rồi thì không biết đào đâu cho ra. Sau nhiều đêm suy nghĩ nát óc tôi nhớ đến Huyền, tôi tin chắc rằng Huyền có thể giúp đỡ tôi trong cơn túng ngặt này. Tên Huyền đã giúp tôi thoát khỏi những lo âu từ cả tuần nay làm tôi mất ăn, mất ngủ. Tôi như kẻ chết đuối vớ được chiếc phao và thấy lòng thoải mái, nhẹ nhàng biết là bao. Bạn tôi sẽ giúp được tôi thôi.
Với lòng tràn đầy phấn khởi và hy vọng tôi tìm đến nhà Huyền, ngồi trên tấm phản bóng láng trong căn bếp rộng rải quen thuộc lòng tôi tràn ngập những kỷ niệm xa xưa. Tôi đã từng đến đây không biết bao nhiêu lần trong suốt quãng đời thiếu nữ. Căn bếp có khung cửa sổ mở ra khu vườn sau với những tàn lá chuối xanh mướt. Tôi thích ngồi lắng nghe tiếng lá chuối bị xé rách trong gió khi những tia nắng buổi chiều xiêng xiêng trên khung cửa. Căn bếp nhà Huyền luôn mang đến cho tôi những cảm giác thân thuộc và quyến luyến mà tôi tin rằng có nói ra bạn tôi cũng không thể nào hiểu được. Bạn tôi là một người con gái đẹp với đôi mắt u uẩn như ẩn chứa một đời sống nội tâm dồi dào. Đôi mắt sâu đen như một bí mật lạ lùng thách thức sự khám phá của tha nhân, nhưng thật ra đó là một điều trái ngược hoàn toàn mà có lẽ chỉ những người bạn thân như tôi mới hiểu. Bạn tôi là một người rất giản dị đến hiền lành, không thích sự rắc rối và nhất là không mơ mộng như tôi. Tôi nhớ hồi còn đi học Huyền sợ nhất là môn Việt Văn, cô ta hay phàn nàn với tôi:
- Huyền chẳng biết viết gì cả, cái đầu như đeo đá vậy, còn bồ viết gì mà nhiều thế?
Tôi thành thật giải thích cho Huyền:
- Chẳng có gì là khó, Huyền nghĩ sao thì cứ viết đại ra giấy nháp rồi sau đó sửa lại cho gọn gàng là được rồi. Tụi mình đâu phải là văn sĩ mà cần phải viết cho hay!
- Nhưng mình không nghĩ ra được điều gì thì làm sao mà viết đây?
Tôi trố mắt nhìn Huyền kinh ngạc vì tôi không biết Huyền nói đùa hay nói thật. Tuy vậy chúng tôi vẫn rất thân thiết, bạn bè chơi thân nhau đâu cần phải giống nhau.
 
Tay vân vê trên mặt phản bóng lọng tôi bắt đầu trình bày cho Huyền nghe những khó khăn về tiền bạc của tôi và mong bạn giúp đỡ bằng cách cho tôi mượn một chỉ vàng, tôi kết luận:
- Là bạn bè thân thiết từ mấy chục năm nay nhưng mình không dám làm phiền Huyền, nhưng bây giờ kẹt quá không biết chạy đâu ra. Mình hứa sẽ trả lại trong một thời gian rất ngắn.
Huyền xua tay:
- Không sao đâu mình sẽ cho bồ mượn nhưng bây giờ thì chưa có sẳn, chiều mai sáu giờ bồ dến đây nhé!
Tôi mừng rỡ như buồn ngủ mà gặp chiếu manh nên cảm ơn Huyền rối rít. Cái gánh nặng đè trĩu trên vai cả tuần nay trong phút chốc đã được Huyền cất xuống hộ. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng trên đường trở về nhà.

Ngày hôm sau chưa đúng sáu giờ tôi đã hí hửng đến nhà Huyền.Theo thói quên từ ngày còn bé tôi vào nhà bằng cửa nhà bếp. Huyền không có ở đó nên tôi phải vòng lên phòng khách vừa đi tôi vừa kêu tên bạn tôi thật to. Sau cùng tôi gặp Huyền đang ngồi trên Sofa, tôi hơi ngạc nhiên trước thái độ im lặng của Huyền không buồn đáp lại tiếng kêu của tôi nhưng tôi vẫn giả lả nói:
- Con khỉ, ngồi ở đây mà không lên tiếng làm tao kêu rát cả họng!
Huyền cười nhạt mà không nói gì cả. Tự nhiên tôi linh cảm có một điều bất thường nào đó. Một khoảng im lặng nặng nề giữa hai người bạn, hình như sự im lặng này chưa bao giờ có giữa tôi và Huyền trong suốt mấy chục năm nay.

Tôi vẫn đứng ló ngớ trong căn phòng khách quen thuộc trước mặt bạn tôi. Mắt tôi dừng lại trên chiếc đồng hồ treo tường có con ngựa bằng gỗ mun đen bóng trên đỉnh. Con ngựa với tư thế cất hai vó trước từ mấy chục năm nay không hề biết mỏi mệt. Còn tôi, cái con bé mười hai tuổi ngày nào bây giờ đã và đang bị đời hành hạ, đọa đày không chút xót thương. Tôi, người nữ sinh nhí nhảnh, yêu đời ngày nào bỗng trở thành một mụ đàn bà nghèo nàn đến đây để vay mượn bạn mình. Tôi không ngồi xuống ghế - bạn tôi cũng quên mời tôi ngồi – cố đánh tan khoảng trống nặng nề khá dài giữa hai đứa tôi nói:
- Huyền hẹn mình sáu giờ nhưng mình đến sớm một chút vì trời bây giờ mau tối quá sợ không có xe về.

Huyền vẫn lặng thinh nhìn bâng quơ đâu đâu. Một cảm giác ngượng ngùng, quê quê làm tôi thấy nóng bừng mặt mũi. Hay là bạn tôi đã quên mục đích của tôi đến đây, hay là bạn tôi đã quên lời hứa ngày hôm qua. Thật là buồn cười đến độ ngớ ngẩn khi nghĩ như vậy nhưng dù sao đi nữa thì tôi cũng đã đến đây và bạn tôi thì cứ im lặng. Cho nên tôi phải ngập ngừng nhắc lại cho bạn tôi nhớ:
- Hôm qua mình có nói với về sự khó khăn tiền bạc, mình kẹt quá nên phải đến đây mượn tạm một chỉ vàng. Huyền đã hứa hôm nay sẽ cho mình mượn! Mình lấy danh dự bạn bè thân thiết từ mấy chục năm nay để hứa là mình sẽ hoàn trả lại Huyền trong một thời gian rất ngắn.

Tôi xin thề có trời chứng giám: chưa bao giờ có sự khó khăn khi phải nói chuyện với người bạn thân của mình như hôm nay bởi lẽ rằng tôi đang cầu cạnh bạn tôi. Tôi lại có ý nghĩ cay đắng rằng mình hơi hèn hèn làm sao ấy, tất cả đã trở thành lố bịch, kịch cỡm mà nguyên nhân chính là vì sự im lặng của bạn tôi. Nếu bạn tôi cứ cười, cứ nói như Những Ngày Xưa Thân Áii của Phạm Thế Mỹ thì tôi, con bạn thân một phần tư Thế Kỷ của Huyền đâu có nghẹn ngào không nói nên lời trong giây phút này.
Cuối cùng thì người bạn chân tình của tôi cũng phải mở miệng một cách bất đắc dĩ:
- Hôm qua mình có hứa nhưng bây giờ thì không có, vì con em dâu mình – con Hương vợ thằng Dũng- đã đi mua hàng hết rồi.
Tôi cảm thấy căn phòng khách nhà Huyền tối sầm lại, tôi còn có cố vớt vát trong vô vọng:
- Như vậy là mầy không có một chỉ vàng cho tao mượn hả Huyền?
Huyền trả lời lạnh nhạt, giọng thật sắc:
- Tao đã nói với mầy là con em dâu tao đi mua hàng hết rồi mà!
Tôi còn nhớ Dũng là em của Huyền, đứa con trai có khuôn mặt tròn đầy như cái hột vịt mà ông Tây già gần nhà Huyền đặt tên cho Dũng ngày xưa. Thằng Hột Vịt đã có vợ hồi nào tôi không biết và tôi lại cũng chẳng biết con Hương vợ thằng Hột Vịt là ai. Tôi chỉ biết Huyền là người bạn chí thân đã từ chối giúp đỡ mình trong cơn ngặt nghèo, túng quẫn, điều đó làm tôi thấy tủi thân muốn khóc.

Con ngựa đen trên đỉnh chiếc đồng hồ hình như mỏi mệt muốn hạ vó xuống, tôi thẫn thờ nhìn nó rồi nhìn Huyền. Bạn tôi vẫn ngồi đó, hai con mắt đen và sâu trên khuôn mặt thanh tú, xinh xắn nhưng nụ cười đã biến mất tự bao giờ. Nét mặt bạn tôi trở nên lạnh lùng đến độ tàn nhẫn làm trái tim tôi co thắt lại, một khoảng cách vô hình, một sự tan nát, đổ vỡ nào đó làm tôi lao đao như chực bổ nhào xuống đất. Bất chợt tôi cảm thấy sợ hãi khi bắt gặp một thoáng độc ác nào đó trong đôi mắt đẹp của người bạn chân tình.
Tôi biết là không thể lay chuyển được bạn mình nên chào từ giã:
- Thôi, mình về nghe Huyền!
Giọng tôi run run ướt sũng nước mắt. Nét mặt Huyền vẫn lãnh đạm hơn bao giờ cả:
- Ừ mầy về đi!

Bước ra khỏi nhà Huyền tôi khóc oà lên một mình, sự tủi nhục dâng đầy trong tâm hồn. Tôi không cần chú ý đến những người qua lại nhìn tôi một cách lạ lùng, khó hiểu. Từ đường Hoàng Diệu tôi băng qua Hải Thượng, nhìn vào ngôi trường Việt Anh nơi tôi, Huyền và bạn bè đã có những thời gian êm đẹp với biết bao là kỷ niệm thân thương. Cây đào tiên vẫn còn bên chiếc cầu vắt ngang giòng suối. Cái cầu trở nên bé nhỏ lại và con suối thì cạn queo. Tất cả đã thay đổi như tình bạn giữa tôi và Huyền. Tất cả đã thay đổi một cách xấu xí và tàn bạo sau cuộc đổi đời trên quê hương chúng ta.

Đèn đường đã thắp, nên tôi có thể vừa đi vừa khóc mà không ai nhìn thấy trong không gian nhá nhem tranh tối, tranh sáng. Tôi mỏi mệt lê bước lên đường Duy Tân dẫn đến khu Hòa Bình, những chuyến xe cũng nặng nề leo lên dốc. Hình như tất cả đều cố gắng một cách vô vọng, rã rời trong cái thế giới độc ác, tối tăm này. Tôi bỗng muốn lao đầu vào một chiếc xe đang vun vút chạy về hướng tôi. Ý định ấy làm tôi thấy nôn nao một cách kỳ lạ, sự gọi mời của cái chết như một hứa hẹn bình an vĩnh cửu. Chết. Chết. Thế là xong. Hết lo, hết nghĩ, hết buồn, hết phiền, hết tủi nhục, hết đau thương và nhất là ngày mai khỏi bị đòi nợ, khỏi bị chửi bới.
Nhưng tôi chợt bừng tỉnh lại khi nghĩ đến những con mắt tròn xoe và đôi má bầu bĩnh của mấy đứa con. Các con tôi đang chờ mẹ ở nhà, tôi phải trở về lo cho chúng buổi cơm tối, nếu tôi chết rồi các con tôi sẽ ra sao. Tôi lại bắt đầu khóc nức nở trên chuyến xe trở về nhà, khóc vì thương con, vì tủi nhục, vì tình bạn bè, vì tình đời thay đổi.

Khi bước xuống bến xe lam, khu chợ nhỏ bé đã bắt đầu náo nhiệt vì những hàng quán bán thức ăn, nước uống buổi tối. Có một đứa nhỏ nào đó nắm lấy bàn tay và kêu tên tôi một cách mừng rỡ. Tôi nhìn xuống và nhận ra đó là thằng Tý con của cô bán sửa đầu nành ở góc bến xe. Thằng Tý nhìn tôi tò mò rồi xịu mặt lại:
- Cô Quyên, sao cô khóc?
Nó kéo tay tôi lại quán rồi kêu mẹ rối rít:
- Mẹ ơi cô Quyên khóc, mẹ ơi cô Quyên khóc.

Hạnh, cô chủ quán mẹ của Tý chạy ra nhìn tôi ngạc nhiên, ái ngại. Hạnh chỉ là một người bạn sơ giao ngoài chợ trong khi buôn bán, làm ăn, cô là công chức bị sa thải sau năm 75. Tuy tôi không thân thiết với Hạnh nhiều nhưng bản tính hiền hòa, vui vẻ của Hạnh cũng làm tôi cảm mến. Trông thấy Hạnh tôi lại òa lên khóc làm thằng Tý cũng mếu máo khóc theo. Hạnh kéo tay tôi vào quán vừa nói:
- Thôi vào đây uống ly sửa nóng rồi kể cho em nghe chuyện gì đã xảy ra cho chị.
Tôi nghẹn ngào nói:
- Nhục lắm Hạnh à! Chỉ có một chỉ vàng thôi mà một đứa bạn thân quen hơn ba mươi năm cũng từ chối. Mình chỉ muốn chết đi cho rồi vì xấu hổ, nhục nhã làm sao!
Tôi vừa khóc, vừa kể cho Hạnh nghe đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong Hạnh thở dài rồi nói:
- Thôi chị đừng buồn nữa, sáng mai ra đây em cho chị mượn rồi bao giờ có thì trả lại em cũng được.
Tôi nhìn Hạnh chưng hửng như không tin ở cái lỗ tai của mình nữa, thằng Tý nãy giờ ngồi hóng chuyện mắt đỏ hoe khóc theo tôi bỗng la lên:
- Đúng rồi, đúng rồi, mẹ cho cô Quyên mượn đi, cho cô khỏi khóc nữa nghe mẹ!
Hạnh nạt con:
- Im đi, con nít biết gì mà nói leo. Đi chỗ khác chơi.
Tôi ấp úng hỏi lại:
- Ngày mai Hạnh cho mình mượn à?
Hạnh cười xòa:
- Hẹn ngày mai chị lại đâm ra sợ nữa! Ngày mai là ngày không bao giờ có. Thôi cho chị mượn ngay bây giờ để tối nay chị ngủ cho ngon!
Hạnh vừa nói, vừa tháo chỉ vàng trên ngón tay trao cho tôi. Tôi cầm chỉ vàng ngơ ngẩn, bàng hoàng như từ trên cung trăng rơi xuống trong tiếng cười và vỗ tay của thằng Tý. Tôi cảm động quá nước mắt lại có dịp tuôn trào không dừng được, tôi nghẹn ngào nói  lời cảm ơn Hạnh. Tý nhìn tôi khó hiểu rồi phụng phịu lầu bầu:
- Sao cô Quyên lại khóc nữa hả mẹ. Sao khóc hoài vậy!
 
Vài năm sau tôi đi Mỹ nhưng không đến chào người bạn chân tình của tôi, cho đến một hôm trò chuyện với Tuyết Sơn một đứa bạn cùng lớp ngày xưa hiện đang sống ở California thì tôi nghe nhắc đến tên Huyền:
- Mình về Việt Nam gặp con Huyền nó gởi lời thăm bạn và trách  dữ lắm.
- Trách sao?
- Nó nói Quyên là đứa tệ bạc. Đã là Đôi Bạn Chân Tình mà ra đi không một lời thăm hỏi nó, qua Mỹ sống sung sướng quá nên quên hết bạn bè ngày xưa.
Tôi cay đắng nói:
- Nói Huyền cứ coi như Quyên đã chết rồi sau cái buổi chiều cuối cùng mình đến nhà nó. Sống ở Mỹ mình chẳng giàu sang hơn ai nhưng không phải nhục nhã đi vay mượn từ người bạn chí thân mà bị từ chối đến nỗi chỉ muốn lao đầu vào xe hơi tự tử. Con Quyên chết rồi!
- Quyên nói gì mình chẳng hiểu gì cả, thế là sao?
- Thôi Tuyết Sơn ơi, có nói ra bạn cũng không hiểu được đâu! Bạn đi lâu rồi làm sao hiểu được những gì đã xảy ra cho tụi này sau cơn lốc tàn bạo đổ xuống miền Nam sau 75. Nỗi thống khổ, đoạn trường này chỉ có ai qua cầu mới hay bạn ạ.
 
Tuyết Sơn lặng thinh bên kia phone. Tôi bỗng nhớ đến hai con mắt sâu đen, tuyệt đẹp của người bạn thân thuở nọ. Người bạn chân tình ngồi vắt vẻo trên sofa với nét mặt lạnh lùng tàn nhẫn và tôi đứng lớ ngớ đâu đó, trong căn phòng khách ngập tràn kỷ niệm xa xưa. Con ngựa gỗ mun đen đưa cao vó trên đỉnh chiếc đồng hồ treo tường. Hơn ba mươi mấy năm tôi đã từng trông thấy nó không có gì thay đổi. Vậy mà lần cuối cùng nhìn thấy: con ngựa hình như muốn hạ hai vó xuống vì mệt mỏi, chán chường.
Nếu tôi lao đầu vào chiếc xe đang chạy trên dốc Duy Tân sau lời từ chối quyết liệt của người bạn thân trong buổi chiều nhá nhem ấy. Tôi rùng mình khi hồi tưởng lại.
Ôi đôi bạn chân tình ngày nào, Narcissus đã ngồi bên Goldmund trong những giây phút cuối cùng với thương yêu và đau đớn trong trái tim tan nát. Còn tình bạn giữa tôi và Huyền thật là mỉa mai khi nó được gán cho những danh từ hoa mỹ, văn vẻ trong những ngày xưa êm đềm đó. Không có gì xứng đáng, không có gì chua xót cho bằng.

Huyền lại trách tôi quên bè bạn. Dư vị đắng cay ngày xưa còn tràn đầy trong cổ họng làm tôi muốn khạc nhổ nó ra ngoài. Tôi chợt hiểu vì sao người ta phải chửi thề, rất tiếc tôi là một người đàn bà và lại là một người đàn bà không quen chửi thề. Tôi nuốt tất cả vào lòng và quặn đau mỗi lần phải nhớ đến.

Tôi không thể là người hiền lành hay dễ thương khi nghĩ về Huyền người bạn thân ngày xưa của tôi. Thật đáng tiếc, tất cả đã tan vỡ  một cách quá phủ phàng. Người ta hay nói bạn là người ở lại với ta khi tất cả đã quay lưng. Goldmund đã thều thào với Narcissus trong những giây phút cuối cùng của đời sống: You give me your love in this moment when I have nothing left.I accept it and I thank you for it.
Còn tôi và Huyền, người bạn chân tình của tôi ơi!
 
  MIMOSA  Phương Vinh                                            

1 comment:

  1. Đồng tiền là núm ruột, chuyện gì mà có dính dáng tới tiền bạc thì trước sau gì cũng đổ vỡ. Tình đời là vậy!.
    Cám ơn chị Phương Vinh một câu chuyện thế thái nhân tình rất đáng đọc.
    Thân mến.
    NPN

    ReplyDelete