Ðâu đây đã nghe thấy nhiều thân hữu ấm ức than phiền bị Dị Ứng quấy rầy. Nên xin cùng ôn lại về vấn đề này. Ðể cùng nhau phòng ngừa, tìm nơi chữa trị.
1- Dị Ứng là gì?
Dị Ứng là một phản ứng quá đáng của cơ thể với một chất mà với cùng số lượng không gây ảnh hưởng gì cho người khác. Phản ứng xẩy ra khi người có thể bị dị ứng lại cứ liên tục tiếp xúc với các chất đó. Hậu quả của phản ứng là những triệu chứng khó chịu nặng nhẹ khác nhau, đôi khi đe dọa tới đời sống con người.
2- Bằng cách nào mà phản ứng bất thường đó có thể xẩy ra? Ðây là một diễn tiến khá phức tạp với nhiều giai đoạn:
a- Giai đoạn đầu Khi chất gây dị ứng xâm nhập cơ thể, tiếp xúc với hệ thống miễn dịch lần đầu thì chưa có chuyện gì xẩy ra. Nhưng cơ cấu phòng thủ này đã sửa soạn để đối phó với kẻ lạ mặt bằng cách tạo ra những kháng thể riêng với chúng, gọi là kháng thể IgE. Do đó người dễ bị dị ứng đều có lượng IgE khá cao trong máu.
b- Giai đoạn hai xẩy ra khi cùng chất gây dị đó lại vào cơ thể. Kháng thể IgE sản xuất trong giai đoạn đầu nhận ra kẻ lạ trước đây bèn bao vây, tiêu diệt. Rồi một loạt các hóa chất như histamine, protaglandins được tiết ra. Một nghịch lý là chính các hóa chất này lại gây ra các triệu chứng của dị ứng. Histamine kích thích cơ thể khiến nước mắt nước mũi dàn dụa, ngứa ngáy trên da; nhức đầu, tim đập nhanh và không đều, giảm huyết áp; tăng tiết dịch vị bao tử, nhu động ruột non mạnh gây ra ngăm ngăm đau bụng; tâm thần bồn chồn, lo lắng Protaglandins làm co thắt đường hô hấp, dãn mở huyết quản.
c- Giai đoạn ba. Trong giai đoạn này, một số bạch cầu được điều động tới để tiêu diệt chất sinh dị ứng. Trong cuộc chiến, các bạch cầu cũng tiết ra một số hóa chất khiến tế bào cơ thể bị viêm sưng nhiều hơn.
3- Những chất nào là “chất gây dị ứng”?
Hầu như mọi vật chất đều có thể gây ra dị ứng. Chúng có thể hiện diện trong môi trường chung quanh như phấn cây cỏ, bào tử mốc meo, không khí ô nhiễm từ các khu kỹ nghệ. Trong nhà ở thì có bụi mạt, mốc meo trong bếp buồng tắm, lông thú vật như chó mèo, các sợi len vải, mỹ phẩm, thuốc xịt tóc, khói thuốc lá, lớp sơn tường mới quét.
Một số thực phẩm thường gây dị ứng là sữa, trứng, hải sản, đậu phọng, đậu nành, xúc cù là... Hóa chất trong dược phẩm cũng có thể gây dị ứng, nhất là thuốc kháng sinh penicillin, thuốc chống đau aspirin
4- Xin kể các dấu hiệu khi bị dị ứng?
Thường thường chất dị ứng xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp như mũi, cuống họng, cuống phổi và phổi. Khi đường hô hấp trên bị kích thích thì bệnh nhân hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi và cuống họng, chẩy nước phía sau mũi, ngứa và chẩy nước mắt. Khi chất dị ứng vào phổi thì nạn nhân cảm thấy nặng nặng nơi ngực, khò khè, khó thở, ho, hen. Khi ăn phải chất dị ứng thì có buồn nôn, ói mửa, tiêu chẩy, đau bụng. Ðôi khi chất gây dị ứng làm cho da sưng đỏ, nổi ngứa cùng mình.
5- Có mấy thứ dị ứng?
Dị ứng có thể xẩy ra theo mùa trong năm như là Sốt Cỏ Khô thường có nhiều vào mùa xuân và thu khi hoa bắt đầu nhả phấn. Dị ứng quanh năm gây ra do lông chó mèo, mạt bụi, mốc meo...
a- Sốt Cỏ Khô là gì?
Sốt Cỏ Khô là một loại dị ứng gây ra do phấn hoa của cỏ cây và các thực vật khác. Một trong các loại cỏ hay gây dị ứng nhất là Cỏ Phấn Hương ragweed với nhiều hạt phấn từ cuối mùa hạ tới đầu mùa đông. Triệu chứng chính của bệnh là viêm niêm mạc của mũi, đôi khi có viêm giác mạc. Vì thế tên y học của Hay Fever là Viêm Dị Ứng Mũi allergic rhinitis. Bệnh nhân bị hắt hơi, chẩy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa và chẩy nước mắt, tai như đầy nước. Bệnh thường xẩy ra vào mùa xuân, hạ, thu khi cây cỏ trổ hoa, nhả phấn theo gió theo ong tản mác khắp nơi. Nếu xác định được chất sinh dị ứng thì có thể dùng phương pháp giải cảm thụ desentilization để trị bệnh.
b-Hen suyễn là bệnh gì vậy? Ðây là một bệnh ảnh hưởng tới sự hô hấp và hai lá phổi. Bệnh nhân thở khò khè và khó thở vì sự co thắt của phế quản. Bệnh có thể nặng hơn khi tiếp xúc với một hay nhiều các chất sinh dị ứng như dược phẩm, phấn hoa hoặc khi làm việc mà cố gắng quá sức, hoặc khi có xúc đông mạnh hoặc bị nhiễm trùng.
c- Còn bệnh Chàm da? Ðây là bệnh viêm da dị ứng, đặc biệt là biểu bì. Chàm gây ra ngứa với vết ban đỏ, bóng nước nhỏ trên da. Các bóng nước này thường rỉ nước rồi đóng vẩy, dầy lên và biến mầu. Chàm có thể do các nhân tố từ ngoài tới như khi ăn một vài thực phẩm, tiếp xúc với vài kim loại; hoặc nội tại, không biết nguyên do. Chữa tùy theo nguyên nhân, thường là bằng thuốc steroid
7- Ngoài ba dạng trên, còn dạng dị ứng nào khác nữa? Có chứ. Ta có thể bị dị ứng ở các bộ phận khác trong cơ thể với nhức đầu, đi tiêu chẩy, đau bụng, nổi mề đay.
8- Có gì khác biệt giữa “Dị Ứng” với “Nhậy cảm” và “Bất Dung”
Dị ứng chỉ dùng để diễn tả một phản ứng xẩy ra khi cơ thể tái tiếp xúc với một chất mà bình thường vô hại. Chất này được cơ thể nhớ ra do đã có tiếp xúc trước đây và đã sản xuất ra kháng thể IgE để đối phó.
Nhậy cảm (Sensitivity) là một phản ứng quá đáng với tác dụng phụ của một chất nào đó. Chẳng hạn thuốc hít để chữa hen suyễn mà dùng quá phân lượng thì bệnh nhân cảm thấy kích thích, run rẩy. Bất dung (Intolerance) là cảm giác khó chịu khi ta ăn một món thực phẩm mà cơ thể không tiêu thụ được. Lý do là bao tử không tiết ra đủ dịch vị để tiêu hóa món ăn đó. Chẳng hạn nhiều người không có diêu tố lactase để tiêu hóa đường lactose trong sữa nên thường hay bị tiêu chẩy khi uống sữa.
9- Dị ứng có nguy hiểm không? Dị ứng có thể chỉ thoảng qua với mấy khó chịu cục bộ tùy theo từng người và tùy theo chất gây dị ứng nhiều hay ít.
Hiếm hơn nhưng rất trầm trọng là sốc phản vệ (anaphylactic shock) với phản ứng toàn thân, ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn. Chất histamine tiết ra rất nhiều, làm cho mạch máu dãn mở, nước ứ ngoài tế bào gây sưng phù, co thắt cuống phồi, hạ huyết áp, suy sụp tuần hoàn đôi khi tử vong. Trường hợp cụ thể là khi có phản ứng với thuốc chích penicillin hoặc khi bị ong độc đốt.
10- Dị ứng có di truyền không? Thực ra dị ứng không di truyền, nhưng có khả năng là nếu trong gia đình có nhiều người bị dị ứng thì mình cũng có thể bị theo.
11- Dị ứng có thường xẩy ra không? Theo thống kê thì có tới 20% dân chúng bị dị ứng với một vật chất nào đó.
12- Vào tuổi nào thì dị ứng hay xẩy ra? Dị ứng thường bắt đầu ở tuổi ấu thơ, nhưng cũng có thể xẩy ra ở bất cứ tuổi nào. Không bao giờ con người quá già để mà không bị dị ứng.
13- Có người nói khi lớn lên thì dị ứng hết, đúng hay sai. Không đúng đâu. Có điều là dấu hiệu của dị ứng thay đổi với thời gian. Chẳng hạn khi còn bé thì dấu hiệu dị ứng là chàm da, đau bụng nhưng khi lớn lên thì có thể là hen suyễn, ban đỏ trên da. Ngay người cao tuổi cũng có các dấu hiệu dị ứng nhưng nhẹ hơn.
14- Khi bị dị ứng thì liệu tôi có phải đi khám bệnh với bác sĩ chuyên về dị ứng không? Thực ra dị ứng có nhiều dấu hiệu khác nhau ở nhiều bộ phận, nên một bác sĩ tổng quát hoặc chuyên khoa nào đó, ngoài bác sĩ dị ứng, cũng chữa được. Chẳng hạn khi ta bị chàm ngứa da thì bác sĩ bì phu có thể chữa được. Một em bé bị dị ứng với sữa bò thì đến bác sĩ chuyên về nhi khoa là có thể giải quyết được khó khăn.
15- Có cách nào để thử coi bị dị ứng không? Có chứ. Hiện nay có ít nhất ba phương thức thử nghiệm, được thực hiện tùy theo triệu chứng bệnh và tình trạng của da.
a- Thử trên da. Có thể là Châm kim da, miếng dán trên da -Châm kim trên da- skin prick testing. Thử nghiệm này rất phổ thông đặc biệt trong các trường hợp hít hoặc ăn phải chất gây dị ứng và được thực hiện trên da, Vùng da để thử nghiệm là ở mặt trong của cánh tay. Sau khi khử trùng sạch sẽ, một chút dung dịch chất gây dị ứng được đặt lên da. Với một mũi kim nhọn, châm nhẹ da để chất thử nghiệm ngấm vào. Có thể thử vài loại chất dị ứng một lần, đặt cách xa nhau. Kết quả dương tính khi chỗ da thử ngứa, đỏ dầy lên, lan rộng tới 3-5 mm trong vòng 15 phút. Trong phương pháp này, chỉ sử dụng một số lượng rất nhỏ chất sinh dị ứng, nên rất an toàn và có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi. Ðây cũng là thử nghiệm đầu tiên mà các bác sĩ làm khi nghi ngờ bị dị ứng với một chất nào đó. Phương pháp rất giản dị, kết quả mau chóng, ít tốn kém
a- Thử bằng miếng dán trên da.
Chất sinh dị ứng được đặt trên một miếng kim loại đường kính 1 phân. Miếng kim loại được gắn trên da, thường là ở lưng. Bệnh nhân cần giữ cho da không bị ẩm nước. Sau 48 giờ, gỡ miếng kim loại. Nếu da ở chỗ đó sưng đỏ lên thì kết quả dương tính, tức là người đó dị ứng với chất thử nghiệm. Thử nghiệm này được dùng đặc biệt cho dị ứng chàm da -Chích dưới da với một chút síu chất nghi là gây ra dị ứng rồi coi kết quả như trên.
b- Thử máu.
Máu được lấy ở tĩnh mạch rồi gửi tới phòng thí nghiệm để tìm kháng thể IgE. Sau một tuần lễ thì có kết quả. Thử máu được dùng khi người bệnh có thể bị phản ứng mạnh với chất dị ứng đặt trên da, khi da bị chàm rộng không có chỗ đặt chất gây dị ứng.
c- Loại trừ chất sinh dị ứng.
Cách này thường được dùng để coi dị ứng với thực phẩm nào. Thực phẩm hay gây dị ứng là sữa, trứng, đậu phọng, đậu nành.
Thực phẩm khả nghi được loại bỏ trong phần ăn trong vài tuần lễ. Bác sĩ và bệnh nhân cùng quan sát coi dấu hiệu dị ứng còn hay hết trong khi không ăn thực phẩm này. Sau đó ăn lại thực phẩm đó từ từ và để ý có dấu hiệu dị ứng không.
Có thể cho bệnh nhân ăn thực phẩm khả nghi rồi quan sát sự xuất hiện của triệu chứng.
Cách này cần được thực hiện dưới sự theo dõi của bác sĩ và ở trong bệnh viện để đảm bảo là bệnh nhân ăn uống đầy đủ.
16- Xin nói cách điều trị ban đầu cho dị ứng.
Mục đích chính của điệu trị dị ứng là giảm thiểu hoặc ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh và giúp nạn nhân duy trì nếp sinh hoạt bình thường mỗi ngày.
Trước hết là phải tìm hiểu lịch sử bệnh tình người bị dị ứng. Khi mà đã biết được chất sinh dị ứng thì cần phải tránh xa, loại bỏ chất đó. Chẳng hạn dị ứng vì lông chó thì phải tặng cho người khác, dị ứng với đồ trang sức thì phải cho bạn bè món đó, dị ứng với dâu, cua thì đừng ăn các thứ này nữa.
Nên nhớ là phấn hoa trong không khí cao nhất từ nửa đêm tới 8 giờ sáng, đặc biệt là vào những ngày nắng ấm và khô. Ta nên tránh ra ngoài trong thời điểm này hoặc mang khẩu trang.
Nếu không loại bỏ được thì phải dùng dược phẩm, dựa trên các dấu hiệu khó chịu của người bệnh.Chẳng hạn, khi dấu hiệu chính là nghẹt mũi thì thuốc xịt chống nghẹt được sử dụng. Nếu là chẩy nước mũi và ngứa lỗ mũi, khóe mắt thì phải dùng các loại chống histamine. Nếu có cả hai dấu hiệu thì phải phối hợp cả hai loại thuốc.
Khi dị ứng nhẹ vừa phải, bác sĩ thường cho các thuốc ít gây ngủ như loratadine (Claritin), desloraladine (Clarinex), fexofenadine (Allegra), cetirizine(Zyrtec), hoặc thuốc xịt mũi như azelatine (Astelin). Các thuốc Seldane (Terfenadine) và Hismanal (Astemazole) đã không còn được bán trên thị trường Hoa Kỳ vì tác dụng ngoại ý quá mạnh lên nhịp tim.
Chống nghẹt mũi có các thuốc có chất pseudoephedrine uống hoặc xịt mũi. Khi bệnh trầm trọng thì phải dùng thêm thuốc uống hoặc xịt mũi có chất steroids. Chất này rất tốt để làm giảm các triệu chứng của dị ứng nhưng đôi khi cũng gây ra nhiều tác dụng phụ ở một số người. Mấy loại thuốc xịt mũi mới ra lò thường làm giảm nghẹt mũi rất mau và ít gây ra tác dụng phụ Các thuốc vừa kể cần có toa của bác sĩ, ngoại trừ Claritin được bán tự do.
Thuốc chống histamine mua tự do gồm có diphenhydramine (Benadryl), clemastine (Tavist), Chlorpheniramine(Chlor-trimeton); hydroxyzine (Atarax). Các thuốc này đều gây ra ngây ngất buồn ngủ nhưng khá công hiệu với dị ứng.
Miễn dịch trị liệu (immunotherapy) hiện nay đang được sử dụng và có nhiều triển vọng khả quan , nhưng khá tốn kém.
17- Xin nói về tác dụng phụ của các thuốc chống histamine và chống nghẹt mũi.
Vâng, đây là điều mà nhiều người thắc mắc và chúng ta cần ghi nhớ. Chúng tôi ghì tên riêng của thuốc cho dễ nhớ, dễ đọc.
a- Zyrtec. - Chống chỉ định: không dùng khi có tiền sử dị ứng với thuốc này và thuốc hydroxyzine. -Thận trọng: Cần điều chỉnh liều lượng với người bị suy thận, suy gan. Có thể gây rối loạn cho sinh hoạt tâm thần và thể chất. Không nên dùng chung với rượu hoặc thuốc an thần. Hỏi ý kiến bác sĩ khi có thai hoặc đang cho con bú sữa mẹ. -Tác dụng ngoại ý: Hiện tượng ngủ gà; mệt mỏi, khô miệng, nhức đầu, viêm họng, chóng mặt, đau bụng, ho, chẩy máu cam, tiêu chẩy.
b- Allegra -Chống chỉ định: Không dùng nếu đã bị dị ứng với thuốc này. -Thận trọng: Cần cho bác sĩ hay nếu có bệnh tim, thận hoặc gan vì có thể phải điều chỉnh liều lượng thuốc khi có các bệnh vừa kể. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu đang có thai hoặc cho con bú sữa mẹ. Thuốc chưa được phép dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. -
Cách uống thuốc: Uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là hai lần vào buổi sáng và buổi chiều. Nếu quên một liều thì uống ngay khi nhớ ra, nhưng nếu đã tới giờ uống liều thứ hai thì không uống hai liều một lúc. Uống thuốc với một ly nước. Không nên uống Allegra khi uống thuốc chống acid bao tử như Rolaids, Maalox, Mylanta, Pepcid vì các thuốc này có thể làm giảm tác dụng của Allegra. -Tác dụng ngoại ý: Buồn nôn, ói, nhức đầu, ho, đau lưng, khó chịu bao tử, nóng sốt, nhiễm trùng tai trong, mũi, cuống phổi. c-Clarinex -Chống chỉ định: Không dùng nếu đã bị dị ứng với thuốc.
-Thận trọng: Cho bác sĩ hay nếu đang có bệnh tim, thận để được thay đổi liều lượng thuốc. Tham khảo ý kiến bác sĩ trươc khi dùng nếu có thai, cho con bú sữa mẹ. -Cách uống: Uống ngày một lần; có thể uống với thực phẩm hoặc khi đói bụng.
-Tác dụng ngoại ý: Khô miệng, mệt mỏi, buồn ngủ, đau họng, chóng mặt, muốn ói, đau nhức xương thịt, nhức đầu, ho, tiêu chẩy.
18- Chích ngừa dị ứng có tốt không?
Chích ngừa dị ứng rất công hiệu trong trường hợp hít thở phấn hoa, bụi bặm, meo mốc hoặc khi bị ong đốt. Trước khi chích, cần làm các thử nghiệm trên da để xác định chất gây dị ứng. Bệnh nhân sẽ được chích một số lượng rất nhỏ chất sinh dị ứng một cách đều đặn, thường là mỗi tuần lễ. Phân lượng nhiều ít tùy theo bệnh nhân và bệnh trạng nặng nhẹ. Sau khi chích vài tháng ta đã thấy kết quả ngay. Ðôi khi phải chích lâu hơn, hai ba năm.. Trên 80% bệnh nhân chích đều đặn có kết quả khả quan hoặc hết hẳn. Cần phải kiên nhẫn với phương pháp giải cảm thụ này. Và cũng khá tốn kém đấy. Xin cầu chúc mọi người allergic free. Ðể an hưởng cuộc đời và tự do ăn uống.
Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức
Texas- Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment