Gánh xôi từ 5h sáng đến quá trưa, bà cụ 93 tuổi chỉ mong SG nắng nhiều hơn mưa để đôi chân không phải gánh gồng qua những con đường trơn trợt.
Đó là một trong nhiều câu chuyện về một kiếp người mưu sinh trong gian khó giữa Sài Gòn này. Song cụ bà ấy lại khiến những người đến và đi lưu tâm nhiều hơn vì tấm lòng của một người mẹ, một người bà hết mực yêu thương con cháu…
Cụ bà ấy tên là Nguyễn Thị Tư (93 tuổi) hiện đang trú tại chùa Pháp Hoa, quận Phú Nhuận, TP. HCM. Sống ở cái tuổi “gần đất xa trời”, cái tuổi người ta bắt đầu được hưởng phúc phần từ con cháu thì cụ lại phải gồng gánh mưu sinh.
Cụ bán xôi từ năm 17 tuổi. Cuộc đời cụ mất mát nhiều, đau thương nhiều nhưng tất cả đều đã qua và mang nhiều thứ đi để lại mình cụ. Về những đứa con của cụ chúng tha phương nơi nào không rõ, chỉ là lúc nào cụ cũng nói nhớ chúng nhiều và muốn bán xôi dành đủ tiền đi tìm chúng. Đấy là lí do người mẹ già luôn bị hành hạ bởi căn bệnh thấp khớp ở lưng và gối vẫn cứ tiếp tục công việc bán buôn khó nhọc ở cái tuổi “gần đất xa trời”.
Vậy mà trong thân hình còm cõi, ốm yếu của một người già sức mạnh về nghị lực phi thường vẫn được viết tiếp. Một nghị lực sống và niềm yêu đời khiến cụ có thể gánh gồng đủ những thúng xôi to để bán buôn qua ngày.
Ở cái tuổi này, cụ có quyền chỉ ngồi không và sống bằng lòng thương hại của người qua đường hay trợ cấp xã hội, nhưng cụ bà ấy đã không chọn cách sống tẻ nhạt như vậy...
Như một thói quen của tuổi già cụ lọ mọ dậy từ 4h sáng để nấu xôi. Đến khoảng tờ mờ sáng cụ gánh hàng xôi ra góc đường Trần Khắc Chân – Trần Quang Khải để bán.
Cụ đã già yếu nên cụ chỉ còn nấu được ba loại: xôi bắp, đậu xanh và đậu đen với giá 5000 đồng một bịch xôi đầy.
Giữa bao món ngon buổi sáng, một số người vẫn chịu khó đi ngược dòng xe tấp nập giờ cao điểm để ghé gánh hàng xôi của cụ mua vài ba bịch xôi dù thực chất họ không ăn nhiều đến thế.
Chú Nguyễn Văn Biển (ngụ tại Quận 3) cho biết từ lâu chú đã là khách hàng quen của cụ. Dù không phải sáng nào cũng ăn xôi nhưng chú vẫn thích ghé quán cụ để mua vài bịch. Hôm nào không thấy cụ ngồi đó là cả ngày làm việc chú không an tâm.
Chú tâm sự trong nghẹn ngào: “Nếu thật sự có một ngày tôi không còn gặp được cụ nữa thì đó là một mất mát lớn đối với tôi cho dù tôi và cụ chẳng có lên hệ gì. Vậy nên tôi cố gắng mỗi sáng đi làm đều ghé ngang đây, và tôi cứ làm vậy như thể đó là lần cuối cùng tôi gặp cụ. Người mẹ già ấy đã cho tôi sức mạnh trong công việc với nghị lực phi thường ở cái tuổi già mà vẫn chọn lao động chân chính miệt mài để mưu sinh…”.
Cụ bán xôi nhưng vì đã già, lẩm cẩm nên tiền hao hụt khiến cụ bữa đói bữa no...
Không những thế, những hôm Sài Gòn mưa, trong chiếc áo bà ba mỏng tanh, cụ ngồi lom khom trong chiếc dù tạm bợ ké cửa hàng bên đường. Và hôm đó cụ lại về muộn hơn, lạnh hơn, đau khớp hơn…
Cụ bà vẫn cứ bán buôn, vẫn cứ sống một cuộc đời thầm lặng không là gánh nặng cho xã hội nên với những thanh niên khỏe mạnh mà chọn con đường trộm cướp để mưu sinh điều đó thật sự đáng hổ thẹn...
Vậy nên với những ai đang sống trong sự bảo bọc của mẹ cha xin hãy nghĩ về những người này. Không cần phải ra tay giúp đỡ chỉ cần nhìn những kiếp người mưu sinh ấy, hãy gắng sống tốt cho bản thân mình và sống có ích cho xã hội.
Quỳnh Anh
phunuonline
No comments:
Post a Comment