Bài viết này, tôi xin bắt chiếc ông Song Thao để chỉ dùng một chữ ăn
làm tựa đề. Tôi nói về một vấn đề mà ai cũng làm, ai cũng cần, đó là
việc nhét thực phẩm vào bụng. Lẽ ra, tôi phải viết là nhét thực phẩm vào
dạ, vì nhà văn Trà Lũ đã phân biệt rõ sau khi tra cứu sách vở là : dạ
là phần trên rốn, còn bụng là phần dưới rốn. Thực phẩm trước khi xuống
tới bụng, phải qua dạ trước đã. Xin cám ơn cụ Trà Lũ đã mở mang trí tuệ
cho kẻ hèn này. Nhờ cụ Trà Lũ, mà tôi hiểu rõ tại sao người mình nói :
Bụng cả hơn Dạ.
Tôi ít khi viết về bệnh tật, vì chuyện bệnh tật không gây cảm hứng cho
tôi nhưng mới đây một độc giả gửi email về cho tôi hỏi muốn ít bệnh tật
khi về già, thì phải làm sao để được khoẻ mạnh, sống lâu, nên để khỏi
phụ lòng ông bạn, tôi viết bài này. Coi như phá lệ, làm những chuyện mà
tôi không muốn làm, không thuộc về những lãnh vực mà tôi thích thú.
Trước đây, khi còn nhỏ, mỗi khi tôi không ăn hết đồ ăn, địa phương tôi
người ta gọi là bỏ mứa, thì mẹ tôi luôn luôn dậy tôi rằng : Nhiều người
không có cái gì ăn, con đừng bỏ mứa, phải tội. Lời dậy này đến nay tôi
vẫn không quên tuy mẹ tôi qua đời đã lâu. Sau này, khi lập gia đình, gặp
khi tôi không ăn hết tô bún bò tổ chảng, thì luôn luôn bị trách : Có
vậy mà cũng không ăn hết. Hôm nay, tuy rất nhớ ơn mẹ, nhưng với tư cách
người lo về sức khoẻ con người, tôi khẳng định một điều là : Nếu không
còn đói nữa, thì nên buông đũa. Dĩ nhiên đó là một hành động xấu, phí
phạm thức ăn, nhưng tôi có lý do của tôi, là vì tôi thấy không dễ chịu
một chút nào khi ăn no quá, vậy tại sao lại tự mình làm khổ mình ?? Cái
đói, tôi đã biết, trong khoảng thời gian từ tháng tư năm 1975 đến tháng
tư năm 1977, khi tôi bị bọn mắc dịch bắt vào tù, nhưng từ khi sang
Canada, tôi trở lại với tật xấu cũ là khi nào hết thích ăn, là ngưng,
mặc ai nói ngả nói nghiêng..
Nguyên tắc này người Nhật gọi là HARA HACHI BU, nghĩa là muốn mạnh
khỏe, phải ngưng ăn khi dạ dầy đầy đến 80%. Sau khi ăn uống xong, người
Mỹ hay nói : I am full (tôi đầy ứ), trong khi một người Nhật ở tại
OKINAWA lại nói : I am no longer hungry (tôi không còn đói nữa). Tại sao
nói tới OKINAWA ?? Lý do là OKINAWA là nơi có nhiều người sống trên 100
tuổi, gấp 3 lần các nơi khác.
Ông Dan Buettner, tác giả cuốn sách bán
chạy hàng đầu THE BLUE ZONES, dậy cách sống lâu, đã đến tận OKINAWA để
xem người dân ở đây làm cách nào mà sống lâu như vậy. Ông đã cộng tác
với National Geographic và nghiên cứu về đề tài Secrets of Long Life.
Ngoài OKINAWA, ông còn đến nhiều nơi trên thế giới để nghiên cứu các nơi
có người dân sống dai như các cụ Bành Tổ, thí dụ như đảo SARDINIA. Tuy
nhiên, OKINAWA đứng đầu trên thế giới. Tại OKINAWA, tác giả đã gặp một
cụ bà tên Oshi Okushima, sống tại một cái làng mang tên Ogimi, bà ta
trên 100 tuổi . Ông rất ngưỡng mộ cách sống của người phụ nữ này. Cũng
tại OKINAWA, Dan đã có cơ hội gặp Craig Willcox và người anh song sinh
của ông này là bác sỹ Bradley Willcox, tác giả của một nghiên cứu về
cách ăn uống của đại học University of Toronto . Sau đó cả 3 người đến
gặp lão ông Toku Oyakawa 105 tuổi . Cụ này ăn cá mỗi ngày và có vợ lúc
đó cũng đã được 92 tuổi.
Tóm lại, tại OKINAWA, có rất nhiều cụ ông, cụ
bà sống trên 100 tuổi. Tuy vậy giới trẻ tại Okinawa không khác gì những
giới trẻ tại Mỹ hay tại các thành phố khác tại Nhật ngày nay, kể từ khi
OKINAWA bị âu mỹ hóa, với Gà Kentucky và Mac Monald’s. Những người già
trên 100 tuổi của OKINAWA khác với thế hệ sau của thành phố này ở chỗ :
Họ chỉ ăn thịt vào những ngày lễ lớn như Lể Tân Niên (Lunar New Year) mà
thôi, ngoài ra nguồn chất đạm của các cụ này đến tư cá và đậu nành.
Cụ
bà Kamanda Nakazato , 102 tuổi, sống tại bán đảo Motubu với hai người
con đều trên 70 nhưng rất khỏe mạnh. Cụ cho biết trước thế chiến thứ
hai, dân làng ăn uống rất đạm bạc, chỉ có lúa gạo, rau và một loại khoai
ngọt mà dân ở đây gọi là IMO. Mỗi ngày, cụ dây sớm lúc 6 giờ sang, uống
trà jasmin và cháo miso soup rồi làm việc, vậy mà rất khỏe. Hỏi đến
thịt thì cụ cho biết chỉ ăn thịt vào lể đầu năm âm lịch. Hỏi đến hamburger và Coca Cola thì cho biết trong đời cụ chưa một lần uống Coca
Cola còn hamburger thì nhiều năm về trước, cụ mới ăn lần đầu. Thế hệ cụ
Kamanda, trước mỗi bữa ăn, thay vì nguyện cầu, cám ơn Thượng đế, thì
người dân ở đây dành một vài phút và nói to: HARA HACHI BU, nghĩa là
chúng ta hãy ăn vừa no nhé. Người dân OKINAWA, thuở xưa, trước đệ nhị Thế
Chiến, mỗi khi gặp nhau, thay vì chào hỏi, họ nói: NMU KAMATOIN, nghĩa
là anh hay chị đã ăn khoai ngọt chưa ??
Tóm lại, theo Dan Buetter, thì bí quyết của người OKINAWA để sống lâu là :
1) ăn chỉ vừa đủ để làm đầy 80% dạ dầy mà thôi.
2) ăn ít thịt động vật.
3) ăn cá, thực vật, nhất là rau, đậu, Tofu, Tương, Chao
4) Luôn luôn lạc quan, chú ý giúp đỡ tha nhân, có nhiều bạn bè, và có nụ cười .
Trong căn nhà Kamanda ở, nhất là trong bếp, các đồ nhà bếp rất nhỏ bé,
không có kẹo, bánh gì hết. Tại chương số 9 của cuốn sách, tác giả The
Blue Zones tóm tắt 7 yếu tố làm con người sống lâu, đó là cách ăn uống,
bạn bè (đời sống xã hội), nghỉ ngơi, trà (herbal teas), rượu (nhưng vừa
phải : 2 ly nhỏ rượu vang một ngày), Tôn giáo (niềm tin) và ít lo lắng
(stress).
Rất nhiều yếu tố khiến người ta ăn nhiều: vui với bạn bè, cách trình
bầy bánh kẹo của các nhà sản xuất đẹp quá, hấp dẫn quá,mùi vị hấp dẫn
quá, tiện trong tầm tay với…v..v Những điều đó là những cái bẫy, chúng
ta phải tháo gỡ. Phải biết rằng mỗi con người đều có một cái mức về
calaries, ta tạm gọi là caloric set point. Quá cái mức đó, ta sẽ bị mập.
Mập phì đem đến nhiều bệnh tật như Huyết ấp cao, Tiểu đường, suy
thận….v..v
Khi tôi còn đi học, trong lớp tôi có nhiều bạn to khoẻ, đẹp trai,
phương phi béo tốt, da trắng nõn, các cô thiếu nữ chạy theo ầm ầm. Nay
tôi đã trên 75 tuổi, tính toán lại, thấy phần lớn các bạn to khỏe đẹp
trai đó chết họặc bệnh nặng, đi đứng phải chống gậy hay marchette, còn
lại mấy thằng gầy gò, nhỏ bé, giống như tôi, thì lại khá hơn nhiều, dĩ
nhiên có kém đi. tuổi già, ai mà chống lại được với thời gian !!!
Hải Thượng Lãn Ông có lý khi nói rằng : Bệnh do Khẩu Nhập-Họa do Khẩu Xuất.
Cẩn thận miếng ăn, lời nói, sẽ làm chúng ta bớt các vấn đề về sức khỏe.
Không có một nghiên cứu thống kê nào rõ rang về vấn đề nêu trên, nhưng
kinh nghiệm cá nhân cho thấy những gì Dan Buettner viết ra trong cuốn
sách The Blue Zones rất chính xác. Tôi chỉ viết lại một phần rất nhỏ,
cần phải đọc cả cuốn sách thì mới thấy tại sao nó là một New York
Bestsellers. Trong Internet, tìm đánh chữ Vitality Compass, sẽ thấy
những câu hỏi. Trả lời những câu hỏi này, bạn sẽ có một ý niệm về quỹ
thời gian còn lại của bản thân mình. Chắc không chính xác như máy tính,
nhưng cũng vui vui.
BS. Trần Mộng Lâm
No comments:
Post a Comment