Bà Hoa ngồi xếp lại mấy món đồ chơi của cháu.
Bà mắng yêu một mình :
- Cái thằng chó con, phá ơi là phá. Bày cho lắm vào
để bà nội mày dẹp.
Hôm nay thằng chó con ( mà không... nó tên là Jenny.) nó
theo cha mẹ về thăm ông bà ngoại ở Texas. Lâu lắm rồi, vì mãi bận đi làm, chúng
không thu xếp được về thăm nhà vợ. Hôm nay nhân ngày lễ cả gia đình dẫn nhau
đi, để nhà lại cho Bà Hoa trông chừng.
Con chó Lucy nhảy bổ vào người bà đùa giỡn, tí nữa là bà té
nhào rồi. Bà nhìn nó và ra oai:
"Sít, Sít. Nằm xuống"
Con chó như hiểu ý bà. Nó ngồi bên bà rồi nằm xuống, đưa
cái bụng áp sát chân bà ấm ấm như muốn bà ve vuốt. Con chó thật thông minh,
hiểu cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
-Giỏi! Very good.
Bà Hoa xoa xoa đầu nó. Con chó ngước mặt lên liếm tay bà tỏ
vẻ thương yêu. Thỉnh thoảng nó nằm ngữa ra, bốn chân giơ lên trời trông vô
duyên hết sức. Bà khẻ mắng yêu:
-Đàn bà con gái gì mà nằm tô hô thế này. Rồi bà lại
cười. Ờ ! Chó chứ đâu phải là con người đâu mà biết mắc cở.
Nhìn con chó Lucy nằm ngữa tô hô, bà lại chợt nhớ đến mấy
tấm hình "Thời trang Việt Nam". Trong đó mấy cô người mẫu mặc áo dài
mỏng te, bên trong chỉ có một miếng vải nhỏ xíu che ỡm ờ cái phần dùng để sinh
đẻ của phụ nữ. Cô thì vểnh mông, cô khoe ngực trông dị hợm hết sức. Xem xong,
bà muốn chửi cho một phát.
Áo dài là chiếc áo truyền thống, là quốc phục. Mặc vào là
để tăng thêm nét đoan trang, kín đáo của người phụ nữ VN. Để tôn vinh nét thanh
lịch, sang trọng chứ không phải mặc vào để làm xấu nó. Thật là xã hội suy đồi.
Bà nhớ đến mẫu áo dài ngày tết vừa qua. Những chiếc
áo củn cỡn của Tàu được trình làng với danh nghĩa áo dài cách tân. Những cô
người mẫu khoe dáng mà không biết rằng đã xóa bỏ cái đẹp VN. Khoác lên mình một
bộ áo lai căng Tàu cộng với váy và giày đế thấp. Đó chẳng phải là đem cái đẹp
của mình vứt đi, chọn cái xấu xí thô kệch mang vào.
Thương quá những tà áo dài trắng nữ sinh quấn quít sân
trường. Những chiếc áo dài eo thắt lại của ngày xưa. Những vạt áo bay bay trên
chiếc Velo solex hay xe đạp đến trường. Áo dài VN lúc nào cũng đẹp, cũng lung
linh trong trí nhớ của bà . Cho nên bao nhiêu năm nay bà vẫn duy trì chiếc áo
dài mỗi lần đi hội họp hay đi đám cưới.
.......
Bà xếp những đồ chơi của cháu nội vào thùng. Bà có cảm giác
như có thằng cháu bên cạnh, đang nhìn bà và chu cái môi ra hôn gió." I dốp
du" ngọng ngịu.
-Cái thằng chó con. Nó mới đi đó mà sao lại nhớ thế này.
Dọn dẹp gọn ghẻ xong, bà bước ra sân sau. Những chậu
Cúc đã nở vàng rực rỡ. Mấy chậu lan đang vươn những nhánh hoa nhỏ xíu. Mấy chậu
rau xanh tươi nõn nà như chờ đợi bà làm một bửa bánh xèo. Sân sau
nhà con trai không có nhiều cây ăn trái. Con bà chỉ trồng một cây chanh,
cây cam, cây bưởi tiêu biểu. Chúng không có thú vui cây trái như bà. Cho
nên chúng đã trải đá và lót gạch kín hết cả sân sau.
Bà bước lại kéo ghế ngồi cạnh chiếc bàn ngoài Patio.
Nhà vắng ngắt, buồn bã, con chó Lucy lại chạy đến nằm cạnh chân bà.
Buổi sáng hôm nay trời hanh nắng, mấy cơn mưa đã đi qua,
năm nay Cali mưa nhiều hơn mọi năm. Hy vọng suốt năm Cali không thiếu nước. Cái
lưng của bà lại nhói đau, bà đứng dậy đưa tay đấm cái lưng vài cái. Tuổi già và
bệnh tật không chừa một ai. Bà cũng không còn trẻ, nên cao máu,tiểu đường
, nhức mỏi bà không hề rũ mà nó cũng tới viếng thăm. Cũng phải thôi!
Những tháng ngày miệt mài vì miếng cơm manh áo, vì một niềm mơ ước nhỏ nhoi có
được một căn nhà' Chim có tổ, người có nhà" đã khiến hai vợ chồng bà vắt
cạn sức mình.
Bà nhớ khu vườn của bà, nhớ những đám rau và nhớ tiếng nói
cười vang lên trong ngôi nhà ấm cúng. Nỗi nhớ xen lẫn nỗi buồn làm bà muốn
khóc. Bà nhớ ông quá. Người chồng hiền lành và tốt bụng. Người đàn ông đã
bước vào cuộc đời bà từ lúc bà còn là một thiếu nữ thơ ngây. Chiếc áo lính thơm
mùi hồ hay mùi chiến trận đã lôi cuốn người con gái mới lớn mộng mơ. Từ ngày về
làm vợ ông Hải, bà Hoa luôn dành cho chồng sự kính trọng và tin tưởng. Đối với
bà, những gì ông Hải làm hay tính toán đều là đúng. Bà yêu thương và phục tùng
chồng vô điều kiện, chồng bà cũng dành cho bà và con cái với vòng tay ấm áp chở
che.
Ngày đó, mới qua Mỹ theo dạng HO, cả hai vợ chồng đã không
còn trẻ. Mỗi ngày hai vợ chồng thay nhau đi học ESL. Chồng một buổi, vợ một
buổi để còn về nhà lo cho mấy đứa con. Ông Hải mua một chiếc xe đạp đi học buổi
sáng. Bà Hải đưa con đến trường gần nhà rồi về lo cơm nước. Tới giờ bà gửi con
nhỏ ở nhà một người quen rồi đón xe bus đi học. Ông Hải về ghé rước con rồi
trực ca chiều. Buổi tối cả nhà quây quần trong phòng khách học chung. Hai vợ
chồng làm bài rồi tập nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh để luyện giọng.
Qua mấy khóa học, ông Hải thi và lên tiếp đại học cộng đồng
. Hai ông bà dành dụm mua một chiếc xe cho ông đi học và cũng là phương tiện đi
lại của cả nhà. Theo sự sắp xếp của ông , bà cần việc làm gần nhà hay tại
nhà để lo cho con và cơm nước.
Đi học ở trường, bà cũng được bạn bè giúp đở. Họ giới thiệu
cho bà shop may quen, bà mua trả góp máy may rồi ở nhà may gia công. Ông Hải có
nhiệm vụ đi lấy hàng may và giao hàng khi bà may xong. Giá tiền may gia công
cho mỗi cái áo thật rẻ, chỉ vài chục xu. Nhưng có việc làm còn hơn không vì bà
không biết lái xe, không có tiền mua xe và đóng bảo hiểm. Hơn nữa con cái còn
nhỏ cần mẹ đưa rước và chăm sóc.
Có những lần bà may hư , cả nhà ngồi quây quần tháo đồ để sửa. Ông Hải không
một lời giận hờn hay bực bội. Ông biết bà cũng vất vả nhiều lắm để lo cho gia
đình. Hàng tháng, bà nhận check từ hãng theo số giờ quy định và lương căn bản
phải có. Thật ra, theo lương căn bản và ngày làm 8 giờ. Nhưng bà đã may cặm cụi
từ 10 đến 12 tiếng mới bằng số tiền đó.
Bà làm luôn ngày cuối tuần và ngày lễ. Nếu tiền may gia công nhiều hơn tiền ghi
trên check để báo cáo, bà được nhận thêm tiền mặt. Và đó là tiền dành dụm để
phòng hữu sự.
Suốt bao nhiêu năm, bà vùi đầu vào hai bàn máy may để kiếm
tiền. Chồng bà học xong ra trường và cũng đã đi làm.. Chắt chiu dành dụm mãi
hai vợ chồng mới có một số tiền kha khá. Một hôm, chồng bà bàn về việc
nhà cửa.
-Em nè! Mình mướn nhà mãi tốn tiền mà không biết ngày nào
họ đuổi mình ra. Tiền nhà mỗi năm lại mỗi tăng. Hay mình mua nhà đi em?
- Mua nhà? Anh có nói chơi không? Mình đang hưởng trợ cấp
con nhỏ làm sao mua nhà. Mà tiền đâu để mua.
- Anh chị Hai sẽ mượn loan ngân hàng mua nhà cho mình. Mình
gom hết tiền dành dụm đưa cho anh chị down. Chị Hai sẽ đứng tên và cho mình
thuê trên danh nghĩa. Hàng tháng mình đưa tiền chị Hai trả nhà băng. Khi nào
mình có điều kiện thì anh chị sẽ chuyển tên qua cho mình . Dễ ợt.
-Bao nhiêu năm mới trả hết?
- Thì tùy mình. Mình trả nhiều tiền thì mau hết. Anh chị
Hai thấy mình khó khăn nên muốn giúp đở để mình có một căn nhà.
Và thế hai vợ chồng moi hết tiền dành dụm đưa cho bà chị.
Và hai ông bà đã mua được một căn nhà 3 phòng ngủ. Nhà tuy cũ nhưng được cái là
rộng rãi, có vườn sau trong khu vực yên tịnh. Tuy nhiên trên giấy tờ hai
ông bà chỉ là người thuê nhà trả hàng tháng. Chủ nhà là bà chị của ông Hải.
Bà Hoa vui lắm, bà không còn nghĩ xa xôi hay lo lắng cho
bản thân mình. Bà coi đây là nơi bà sẽ gắn bó suốt đời. Bà chăm chút lo
cho chồng, cho con từng bửa ăn nóng hổi. Bà vun quén cho cây táo, cây cam, cây
ổi ra trái sum sê. Những khóm hoa phía trước nhà tươi thắm. Những vạt rau sau
vườm xanh ngát ngon lành.Còn ông Hải nay sửa cái này, mai làm đẹp cái kia. Căn
nhà dưới sự chăm sóc của cả gia đình trở nên xinh đẹp và có giá trị hơn.
Bà Hoa còng lưng bên hai cái máy may bất luận ngày hay đêm.
Có khi chồng con say vùi trong giấc ngủ, bà vẫn còn thức trắng may cho xong kịp
sáng để giao hàng. Bà không hề thấy đó là điều bất công hay khó nhọc. Bà
tiết kiệm từng đồng ước mong gom góp trả cho xong căn nhà riêng tư
của mình.
Bà cám ơn anh chị chồng bất tận. Ơn nghĩa này biết bao giờ
mới trả cho xong. Nấu một món ngon, bà cũng lễ mễ bưng qua nhà biếu. Ngày Lễ,
ngày Tết hai ông bà không hề quên quà cáp xứng đáng. Bà thường khoe khoang là
thật có phước mới gặp một người chị chồng tốt bụng như vậy.
Tiền lương của hai vợ chồng vượt khỏi tiêu chuẩn
income của người nghèo cần trợ cấp. Tiền ăn, tiền nhà, tiền chi tiêu đè nặng
trên vai, nhưng hai vợ chồng rất vui vì mình đã được tự lập . Không còn báo cáo
hàng tháng, không còn xếp hàng chờ đợi xin food stamp, không còm mặc cảm với
mọi người mỗi lần đi chợ.
Thời gian trôi qua, thằng con đã ra trường,, đứa con gái
cũng đã năm thứ hai đại học. Mỗi tháng cả gia đình đều gom góp đưa cho bà
chị trả nhiều hơn số tiền thuê trên giấy tờ. Bà nghĩ tiền nhà chắc cũng đã trả
được kha khá.Tiền lương hiện tại của hai vợ chồng và con trai cũng đủ tin
cậy để nhà Bank cho vay. Ông bà muốn làm chủ thật sự căn nhà của mình.
Bà chị nói tiền nhà còn nợ nhiều lắm. Bao nhiêu năm nay tiền
trả chỉ vô tiền lời nhà băng chứ tiền gốc vẫn còn y nguyên. Hai ông bà muốn xin
bà chị cho xem giấy tờ tiền nhà đã trả ra sao nhưng lần nào cũng ngại bà chị
giận không dám mở miệng. Cả hai người đều có trình độ, nên ngồi tính và thấy
thái độ của bà chị có cái gì không ổn. Nhưng vì cả nễ không biết làm sao để
tìm hiểu sự thật, vì trên danh nghĩa hai ông bà cũng chỉ là người thuê
nhà.
Sau mấy đêm thức trắng để suy nghĩ, hai ông bà vịn lý
do con trai đã lớn, đã đi làm và có khả năng đứng tên căn nhà. Hai vợ chồng đề
nghị anh chị Hai làm giấy tờ sang tên, nợ nần bao nhiêu sẽ tính sau.
Khi tình nghĩa dính tới tiền bạc thì tình nghĩa bị mất
trắng. Anh chị của ông Hải đã gạt phăng đề nghị của ông bà Hải mà còn lật lọng
nói nhà này của họ. Trên giấy tờ họ đứng tên và ông bà Hải chỉ là người thuê
nhà. Mới đây, chị ông Hải đã refinance căn nhà này để làm ăn, cho nên tiền nợ
nhà bây giờ cao vút theo tình hình địa ốc đang lên.
Bà Hoa không quên nụ cười của chị ông Hải:
-Nếu hai em muốn căn nhà đó thì bỏ tiền ra mua đi. Chị sẽ
bán theo giá thị trường. Còn không thì cứ trả tiền thuê hàng tháng. Mà không
chừng kẹt tiền chị cũng bán để xoay xở. Khi đó hai em tìm nhà khác để mướn.
Khi bà Hoa còn há hốc miệng không biết phải nói gì thêm thì
ông Hải lảo đảo đứng lên kéo bà Hoa ra về:
-Về thôi em! Đừng nói gì nữa hết.
Luật pháp là luật pháp. Chị ông Hải đã nắm cái cán, Hàng
tháng ông Hải vẫn ký check trả tiền theo đúng giá thuê trên giấy tờ. Ngoài ra
ông còn đưa thêm số tiền mặt cho bà chị trả thêm vào tiền nhà cho mau hết nợ.
Vì tin tình ruột thịt nên ông chỉ ghi vào sổ tay mình mà không có một giấy tờ
gì làm bằng chứng. Ông không ngờ chị ông nở lường gạt ông như thế này.
Suy đi nghĩ lại ông thấy mình làm sai nhiều thứ. Ông đã vì
lời ngon ngọt của bà chị mà gian dối . Ông đã gian lận khi âm mưu với bà chị
tính qua mặt chính quyền. Gậy ông đã đập lưng ông. Bây giờ ông mất trắng. Bao
nhiêu năm nay tiền dành dụm đều đổ vào tay bà chị ruột của ông.
Ông hối hận với vợ và con. Ông làm chủ gia đình mà quyết
định không suy nghĩ. Thương vợ ông bao nhiêu năm thắt lưng buộc bụng lo cho
chồng ở tù CS. Rồi qua đây, làm việc không kể ngày đêm, không dám ăn
sang, không dám mặc đẹp, nghe theo chồng đem hết của cải giao cho kẻ gian. Càng
nghĩ ông càng thấy mình có lỗi với vợ. Mà phải chi vợ ông la mắng hay trách móc
ông cho cam. Bà chỉ thở dài và khóc thầm mỗi đêm vì tiếc của. Bà biết ông đau
lắm. Ngoài cái đau mất nhà còn cái đau mất mát tình thân .
Sự buồn bực lẫn thất vọng đè nặng tâm hồn ông Hải.
Ông như người mất hồn, sức khỏe sa sút trông thấy. Ông đã thua một lần
trên chiến trường và làm kẻ bại binh. Lần này ông lại thua một lần nữa vì tình
nghĩa.
Từ ngày sự thật được phơi bày, chị em ông Hải không ngó mặt
nhau. Hàng tháng chị ông Hải sai con đến đòi tiền thuê nhà và bắn tiếng kêu ông
bà Hải tìm nơi khác thuê vì họ sẽ bán. Mua lại hay rời bỏ nó là nỗi đau
đè nặng ông Hải hàng ngày.
Một lần trên đường đi làm về ông Hải không tập trung
nên đã bị tai nạn. Sau mấy tháng chống chọi với đau đớn thương tật lẫn nỗi buồn
u uất trong lòng, ông Hải đã qua đời trong nỗi ấm ức không nguôi. Trong những
ngày cuối đời, ông xin lỗi vợ và xin bà hãytha thứ cho chị ông và ông. Ông
khuyên bà Hoa không nên lưu luyến căn nhà này mà nên đến ở với con trai. Tất cả
hãy quên đi, coi như làm lại từ đầu.
Bà Hoa lo hậu sự cho chồng xong thì thu xếp và trả nhà lại
cho bà chị. Bà không muốn mọi người biết mọi sự, vì chuyện gia đình cũng không
có gì đẹp. Hơn nữa cũng do ông bà nhẹ dạ, tin người không đề phòng trước. Suy
cho cùng cũng bởi lòng tham. Ông bà Hải tham lam dính líu tới khai gian. Chị
ông Hải tham lam chiếm đoạt tài sản của em mình để rồi mất cả tình gia tộc.
Để tự trấn an mình bà Hoa nghĩ đến nghiệp mạng, trả vay.Có
thể kiếp trước mình giựt nợ người, kiếp này bị người giựt lại. Suy nghĩ như vậy
cũng khiến cho bà được đôi chút nhẹ nhàng mỗi khi nghĩ tới chuyện đã qua.
Bây giờ con cái đã có gia đình và nhà riêng. Bà về đây ở
với con cho bớt hiu quạnh. Hàng ngày bà chăm chút mấy chậu hoa và chơi với cháu
Cuối tuần con chở đi chùa nghe kinh, lạy Phật. Lương hưu cũng đủ cho bà tiêu
xài mỗi khi cần thiết. Không phải cần đến con cái giúp đở.
Mỗi tuần đến chùa làm công quả, khi đem thức ăn đến cúng ở
bàn thờ vong, bà nhìn ảnh chồng thật lâu. Bà thầm nói với người đã khuất:
-Ông à! Tôi bây giờ khỏe lắm. Ông đừng lo cho tôi. Tài sản
có mất đi thì cũng như mình vượt biên bị hải tặc lấy vậy thôi. Hãy phù hộ cho
con, cho cháu được khỏe mạnh an lành nghen ông.
Khói nhang theo gió bay đi, như cuộc đời này vốn không có
gì là trường cữu. Lòng tham con người đã khiến tình nghĩa không còn. Rồi
đây, khi sức tàn lực kiệt. đối diện với cái chết,không biết bà chị ông Hải có
nghĩ lại chuyện xưa mà hối hận về việc mình làm.
Bà Hoa bước vào nhà trong. Bửa cơm hôm nay thanh đạm. Rau
luộc và tàu hũ.Thức ăn đơn giản như cái tâm tha thứ, buông xả của bà Hoa. Bà đã
ngộ ra sự vi diệu của luân hồi, nhân quả. Bà đang hướng tới những cái nhẹ
nhàng, tươi đẹp của đất trời.
Nguyễn thị Thêm
Thank you NTT
ReplyDeleteTâm từ ái của con người đã nở hoa trong bĩ cực của cuộc sống muôn mặt. Truyện hay quá ! cám ơn chị Thêm , cám ơn chị NPN đã chuyển
ReplyDeleteHồng Thuý