Một buổi sáng chủ nhật, nắng rực rỡ,
trời xanh và sạch như thủy tinh, mát mẻ. Y xách chiếc xe gắn máy ra
đường, bà vợ chạy theo. "Anh phơi đầu trần, lại đau cho mà coi". Bà vợ
cằn cỗi, nhăn nhó mọi ngày, dịu dàng chụp lên đầu y cái mũ vải, với nụ
cười thật tươi . Y bắt gặp nụ cười đám cưới năm nào.
Y buột miệng "Cám ơn em", ngạc nhiên không biết ba chữ rất lạ, kỳ cục
ấy, không biết ở đâu rơi xuống. Bình thường, người ta chỉ dấm dẳn, gây
gổ, cằn nhằn, đay nghiến nhau về chuyện tiền bạc, ăn uống. Đề tài trao
đổi luẩn quẩn chung quanh cái dạ dày. Những lời âu yếm, những câu tử tế
nó trốn đâu đó, sâu trong tiềm thức, hôm nay tự nhiên bò ra.
Y cao hứng, huýt sáo một bản nhạc vàng tình tứ, tưởng đã quên, lơ đãng vượt qua đèn đỏ, ở một ngã tư.
Một viên cảnh sát giao thông dơ tay chặn y lại.
Y ngừng xe, lập cập kiếm giấy tờ, lập cập vuốt thẳng mấy tờ giấy bạc vợ
đưa cho, để đong gạo và mua chai nước mắm, kẹp vào giữa mớ giấy tờ. Đau
xót, giã từ tờ giấy bạc.
Viên cảnh sát trẻ đưa tay lên trán, lễ phép chào y, như cảnh sát Tây chào dân, trên TV.
Anh ta coi giấy tờ, đưa lại y mấy tờ giấy bạc: "Tiền bạc, coi chừng. Để
lung tung, rơi mất lúc nào không hay". Và hỏi, thân thiện như một người
bạn: anh có biết đã vượt đèn đỏ?
Bình thường, trước khi thương lượng giá cả với cảnh sát, y chối biến,
mang trời đất, thánh thần, Phật Chúa, ra chứng giám cho mình là công dân
gương mẫu, không bao giờ vi phạm luật giao thông.
Y ngạc nhiên thấy mình trả lời: tôi vui quá, không để ý.
Viên cảnh sát trả lại anh giấy tờ, vẫn nụ cười trên môi: "thôi được.
Nhưng lần sau, nên cẩn thận. Không nên vui quá, gây tai nạn". Anh lý nhí
nói cám ơn. Viên cảnh sát lễ độ giơ tay chào: chúc anh một ngày vui.
Y ghé quán phở quen, kêu một ly cà phê đen, không dám nhìn chủ quán. Ông
ta vẫn nhăn nhó mỗi lần y tới, chỉ kêu một ly cà phê đen. Y đã nghe
nhiều lần ông ta bô bô nói với vợ: ĐM, lại đến ngồi ăn vạ.
Ông chủ quán, bình thường râu ria, tóc tai xồm xoàm, quần áo xốc xếch,
dơ bẩn vì bụi và mỡ bò, hôm nay sạch sẽ, sáng sủa như một đồng xu mới,
mặt mũi hồng hào, hỏi:
- Hôm nay có thịt tươi, bánh mới. Anh làm một bát nhé?
Y lúng túng. Y thèm phở, kể cả phở bột ngọt, thịt thiu, bánh vữa, nhưng
chỉ uống cà phê để ngửi mùi phở. Ông chủ đi guốc trong bụng khách, tươi
cười:
- Đừng ngại chuyện tiền bạc. Hôm nay nhà hàng mời khách. Chỗ anh em với nhau cả.
Y không ngờ ông chủ quán cũng có óc khôi hài. Y đã thấy hai vợ chồng ông
ta xỉ vả, xỉa xói một thằng nhỏ đói quá, kêu phở ăn xong mới thú thực
không đủ tiền trả. Ông ta đấm mặt nó máu mê đầm đìa, nắm tóc, lôi ra
khỏi tiệm, đá đít thằng nhỏ ngã vập đầu trên vỉa hè. Trước sự bàng quan
của khách hàng, cúi đầu ăn uống. Không nhìn thấy gì, không nghe gì,
không nói gì là nhân sinh quan của dân tộc này.
Nhưng ông chủ quán không dỡn chơi, ông ta trở lại với một tô phở nóng,
thơm ngào ngạt, đặt trên một cái đĩa, rất sang. Rau xanh, ớt đỏ, Y không
tưởng tượng nổi người ta có thể trình bày tô phở đẹp như một tác phẩm
nghệ thuật. Bình thường, ông chủ quán quẳng một tô phở nước dùng đục
ngầu, lổn ngổn những thịt, những mỡ, những bánh phở, trên vành bát còn
ấn dấu tay đen thui, đầy mỡ của bà chủ, ông chủ. Như người ta ấn dấu tay
làm giấy tờ.
Trong góc cuối tiệm ăn, vài người châu đầu, mắt dán vào màn ảnh TV, coi ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng tuyên bố qua nụ cười nhân hậu, nhưng cương nghị của một lãnh
tụ lớn: Để toàn dân góp phần vào việc xây dựng lại đất nước, chống ngoại
xâm, đảng Cộng Sản tuyên bố tự giải tán. VN sẽ trở thành một quốc gia
dân chủ đích thực. Ông Trọng nói đất nước là đất nước chung, không phải
của một đảng phái nào cả. Bắt trên chín chục triệu người đi theo một
đảng mafia là dẫn dân tộc vào tử địa.
Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga
vừa được trả tự do, vòng hoa quành cổ, vui vẻ trả lời phỏng vấn trước
sự reo hò, hoan nghênh của dân chúng hai bên đường. Bộ trưởng Nội vụ
nói, tay quàng vai Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Nguyễn Văn Đài: "Tôi hãnh
diện đứng bên cạnh các anh chị. Các anh chị là lương tâm của dân tộc
này".
Trên một đài khác, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố cống hiến 95% gia sản khổng lồ của gia đình vào việc chung.
Ông nói: giống như Bill Gates, Warren Buffet: tôi nghĩ 5% gia sản của
mình cũng đủ sống. Phần còn lại xã hội đã cho, tôi trả lại cho xã hội.
Quốc gia đang khó khăn, mỗi người phải ghé lưng đóng góp.
Một chủ tịch Xã nói: Tôi sẽ mở cửa căn biệt thự 15 phòng, xây được nhờ
nuôi heo, thối móng tay lao động và tiết kiệm, cho đồng bào không nhà
cửa có nơi trú ngụ.
Một lãnh tụ tối cao tuyên bố sẽ bán ngôi nhà mạ vàng, bàn ghế bằng vàng
để xây trường học. Ông nói lãnh tụ không thể nhẫn tâm ngồi ngự trên ghế
vàng trong khi giáo chức lãnh lương chết đói, học sinh đu dây, lội suối
tới những trường học dốt nát.
Một đại gia, không dấu được sự xúc động, đem bán đấu giá chiếc xe
Mercedes mới và một trong những biệt thự nguy nga ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà
Nẵng, lấy tiền mở một quán cơm miễn phí cho người nghèo, cho trẻ em đói,
theo kiểu "Restaurants du Cœur" của Tây. Ông nói sống xa xỉ giữa cái
biển nghèo đói là một điều đáng hổ thẹn, nhưng có gì đáng hãnh diện,
vênh váo như ông vẫn sống cho tới hôm nay. Nghĩ lại, ông ta thấy mình
trơ trẽn, thô bỉ.
Một cán bộ cao cấp nói, hai mắt ươn ướt: "Trước đây, nhiều đồng bào, vì
yêu thương người của Đảng, đã tự hiến nhà cửa, vườn ruộng. Tôi đã bàn
với vợ con: chúng tôi xin trả lại tất cả cho nhân dân. Chúng tôi sẽ ống
thanh đạm, lấy việc phục vụ dân làm vui."
Kiến trúc sư Khánh Casa sẽ dành những ngày còn lại và gia sản để tranh
đấu cho bình đẳng nam nữ, cho nhân phẩm phụ nữ. Ông nói một dân tộc đốn
mạt là một dân tộc trong đó người hành hạ người, đàn ông đánh đập đàn
bà. Khánh Casa trước đây đã nổi tiếng vì tát tai, đập mặt một nữ nhân
viên bán hàng không làm ông hài lòng.
Tại Đồng Tâm, cán bộ, công an cởi trần giúp dân dựng già, dọn vườn trong
không khí của một ngày hội. Không khí của những ngày kháng chiến chống
Pháp ngày xưa.
Tin tức các nơi về dồn dập.
Ban quản lý các BOT cho hay đã gỡ các trạm thâu tiền mãi lộ. Thông cáo
nói: chúng tôi đã thâu quá số tiền đã bỏ ra kinh doanh, ngày nay đường
xá là của dân, của nước.
Người ta biến những trạm thu tiền thành những trạm phân phát đồ giải
khát, sách báo cho người lái xe. Đó là những thư viện bỏ túi, người ta
đến lấy những cuốn sách người khác tặng, và để lại những cuốn mình đã
đọc. Trao đổi kiến thức, gởi nhau những bài thơ, những cái đẹp, những
giấc mơ.
Hãng Formosa bị đóng cửa, những người liên hệ các cấp sẽ bị đưa ra xét xử.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức sau khi đã thành khẩn xin lỗi nạn nhân
thuốc giả. Các nạn nhân thuốc giả sẽ được nhà nước lo chu đáo. Dân chúng
thỉnh cầu bà bộ trưởng ở lại, nhưng bà Tiến nhất định từ chức. "Phục vụ
dân phải có tinh thần trách nhiệm, bà nói. Chúng ta sẽ để lại cho lớp
trẻ bài học gì, nếu chúng ta trốn tránh trách nhiệm?"
Hàng hóa độc hại của Tàu bị dân tẩy chay, nhà nước tịch thu, chất như
núi ngoài đường, đốt không kịp. Nông dân hân hoan, hết phải đổ xuống
sông những hoa quả, rau trái đã đổ mồ hôi sản xuất. Một nông dân nói:
sống được bằng ruộng đất, chúng tôi sẽ hết lòng giữ đất. Người Tàu dù
tiền rừng, bạc biển cũng không tới đây mua được.
Thủ tướng chính phủ ra đón những chuyến bay đầu tiên tới các nước láng
giềng chở về nước phụ nữ Việt bị gởi đi bán dâm. Chính phủ sẽ lo việc
huấn nghệ, kiếm công ăn việc làm cho họ. Thủ Tướng nói đi tới nước nào
cũng thấy đàn bà Việt Nam bán thân để sống là một cái tát vào mặt một
dân tộc còn đôi chút tự trọng.
Bộ nội vụ cho hay vừa mở một cơ sở mới, gọi là "Đồ Lượm Được", theo
khuôn mẫu "Objets Trouvés" của Tây Mỹ, để thiên hạ mang tới những thứ
lỉnh kỉnh, tiền bạc lượm được ngoài đường.
Mới mở cửa, người ta đã xếp hàng dài, mang tới một núi những iPhone, máy
hình, máy quay phim, ví tiền. Trong ba tháng, sở hữu chủ có thể tới
lấy, nếu không tiền bạc, vật dụng sẽ trao cho những hội đoàn từ thiện
mọc ra như nấm ở mỗi góc đường.
Người ta không khỏi nghĩ đến chuyện xảy ra ở Nhật. Một ông triệu phú vô
danh Nhật, nghĩ đã hưởng thụ đủ, muốn có một thú vui khác: tạo thú vui
cho người khác. Mỗi ngày, ông ta đặt một phong bì ở một nơi công cộng,
tiệm ăn, rạp hát, trên xe đò, xe lửa. Trong mỗi phong bì một số tiền lớn
và một câu nhắn: "Hãy thực hiện chuyện bạn vẫn mong muốn; chúc bạn một
ngày vui." Nhiều người mang những phong bì tới nộp cảnh sát, trao tiền
cho những văn phòng giữ đồ lượm được.
Tại một công viên, y thấy một nhóm đàn ông ngồi đan áo, cười đùa như vỡ
chợ. Đó là những công an, đan áo giúp nạn nhân bão lụt. Một anh nói: bây
giờ dân không bị cướp đất, cướp nhà nữa, không còn bạo loạn. Thiên hạ
cũng chẳng còn ai ẩu đả nhau. Đạp lên người khác không còn là một thú
vui. Trộm cướp không còn. Công an, cảnh sát ngồi chơi cũng chán, phải
bày chuyện làm. Có chuyện gì ý nghĩa hơn là giúp đồng bào thiếu may mắn
hơn mình? Chúng tôi khám phá ra mình đan áo không thua gì phụ nữ.
Trong một góc khác ở công viên, những đám học sinh, sinh viên tụ tập,
chuẩn bị di cứu lụt miền Trung, cười đùa như vỡ chợ. Những tiệm quần áo
H&M, Mango, Gap ngồi vêu chờ khách.
Ngoài biển, Trung Quốc gỡ các dàn khoan và rút khỏi Trường Sa, Hoàng Sa.
Đại sứ Trung Quốc ở VN khuyến cáo Bắc Kinh: toàn dân VN đoàn kết. Rất
khó, nếu không nói không thể, thôn tính một dân tộc đoàn kết, một lòng
giữ nước. Cái giá phải trả sẽ rất đắt. Cách hay nhất là đối xử với họ
như một quốc gia độc lập, một dân tộc có tư cách, đáng kính trọng. Từ
nay, không thể tiếp tục đối xử chính quyền VN như tôi tớ, phải coi họ
như những người có liêm sỉ.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tuyên bố bổn phận của quân
đội là giữ nước, không phải làm ăn, buôn bán, xây khách sạn, khai thác
siêu thị. Ông nói từ nay quân đội sẽ đổ tới giọt máu cuối cùng để giữ
từng thước đất của ông cha để lại.
Trước đây, ông Thanh nói "tôi thấy lo lắng lắm, không biết ta tuyên
truyền thế nào, chứ từ trẻ tới người già đều có khuynh hướng ghét Trung
Quốc. Ai tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng cái đó rất nguy
hiểm cho dân tộc.
Hôm nay, ông ta không thấy "cái đó" nguy hiểm, trái lại, là cái may mắn,
cái hy vọng cuối cùng của dân tộc. Cũng chính ông ta (bộ trưởng quốc
phòng!) đã tuyên bố: "quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các mặt
đang phát triển tốt đẹp. Chỉ có… vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển
Đông", nhưng đó là hôm qua, là chuyện quá khứ.
Quốc Hội triệu tập phiên họp khẩn cấp để xét lại những thỏa ước về biên
giới, lãnh thổ, những giao kèo bán đảo, bán rừng, thuê đất ký kết với
người Trung Hoa. Được dân ca ngợi, bà chủ tịch quốc hội khiêm nhượng trả
lời: chúng tôi chỉ làm bổn phận của những người đại diện dân. Lúc nào
chúng tôi cũng tự hỏi những người dân cử đã làm gì cho đất nước?
Khắp nơi, từ Nam ra Bắc, thiên hạ tràn ra đường như trẩy hội. Những
thiếu nữ thướt tha trong áo dài muôn mầu bên cạnh những đàn "trẻ con đi
hát đồng dao ngoài đường".
Y ra khỏi tiệm ăn, bụng no, đầu óc thảnh thơi.. . Y thấy yêu mọi người,
muốn ôm hôn bà chủ quán hôi mùi mỡ bò, nước mắm. Nghĩ tới tựa một cuốn
sách trước đây không hiểu tại sao bị đốt: "Ở một nơi ai cũng yêu nhau".
Trên lề đường, một bà cụ già muốn qua bên kia nhưng không sao qua được.
Mỗi lần đặt chân xuống đường, một biển xe gắn máy tràn tới, như những
con quái vật chồm tới, nuốt sống bà già. Y lại gần, nói:
- Để con giúp bác.
Y nắm tay bà già tóc bạc phơ. Cái biển xe gắn máy ngưng lại, ngoan ngoãn
nhường cho hai người, một già một trẻ, ung dung qua đường. Người ta có
cảm tưởng ở Tokyo giờ tan sở, hàng triệu người ra đường nhưng không ai
chen lấn, cãi vã, dành dựt.
Bà già móm mém cám ơn, móm mém hỏi:
- Con là Việt kiều về thăm nhà hả?
Y nói không phải, và hỏi tại sao. Bà già nói bởi vì ngày nay người trong
nước đã quên lễ độ, quên kính trọng người già cả, quên giúp đỡ người
khác, quên tử tế, chỉ biết chụp dựt.
Y cười: bác lầm rồi, bác thấy không?
Bà già cũng cười, nhe hàm răng chỉ còn hai vợ chồng cái răng cửa: "lần đầu, bác thấy vui khi biết mình lầm.
Về nhà, y tưởng lạc vào nhà người khác. Thay vì quần áo, rác rưởi ngổn
ngang, một căn phòng gọn ghẽ, ngăn nắp. Và những bình hoa rực rỡ những
mầu sắc. Y có lúc đã quên những bông hoa, đã quên tất cả những gì không
nhậu được. Cô vợ nói hoa của bà hàng xóm tặng.
- Tưởng bà ấy thù ghét mình sau vụ chửi nhau vì mất gà năm ngoái, ai ngờ bà ấy dễ thương quá.
Y ân hận, nghĩ có lần đã muốn mua thuốc bả chó, lẻn vào trộn vại gạo bà ta để trong bếp:
- Bà ấy vui là phải, cô vợ nói tiếp. Hôm nay đi khám bệnh, không biết có
tới lượt mình không, hay lại chờ suốt buổi rồi mang bệnh về. Đã bán
sạch đồ đạc trong nhà, nhưng tiền bạc không bằng cái móng chân thiên hạ.
Y tá nó cũng không thèm tiếp, nói gì tới bác sĩ. Ai ngờ ai cũng tử tế,
tiếp đón niềm nở, khám bịnh tận tình. Đưa tiền, ông bác sĩ cười: đây là
nhà thương công, nhà thương của dân, do dân đóng thuế, tiền bạc gì. Cô y
tá cũng nhất định từ chối: bác giữ tiền, lo chuyện ăn uống cho đầy đủ,
bệnh tật mà thiếu bổ dưỡng là hại lắm.
Y nói thảo nào bà ấy tử tế với mình, nghĩ tới một câu không biết nghe ở
đâu nhưng vẫn nghĩ là rởm: hãy tử tế với mọi người, mọi người sẽ tử tế
với bạn, cuộc đời sẽ dễ chịu hơn. Xã hội sẽ đáng sống hơn.
Y mở la de, phưỡn bụng coi TV. Ông bộ trưởng Giáo dục tuyên bố từ nay
trường học sẽ không dạy tư tưởng Hồ Chí Minh nữa. Ông nói dân tộc ta đã
trưởng thành. Mỗi người có thể tự suy nghĩ, không cần Bác nghĩ dùm, cái
gì cũng phải hỏi bác. Ông nói không thể tưởng tượng một dân tộc 92 triệu
người, chỉ có một người suy nghĩ, chỉ có một người có quyền suy nghĩ.
Anh nào nghĩ khác là đi ngồi tù, hay bị một đám côn đồ xúm lại đánh hôi,
thân tàn ma dại. Sức mạnh của một dân tộc là chất xám. Tiêu diệt chất
xám, bỏ tù sự thông minh, giam cầm óc sáng tạo, có dân tộc nào nào đần
độn, quái dị đến thế?
Y đang thú vị với bài diễn văn của ông bộ trưởng thì bị bà vợ đánh thức dậy.
Người đàn bà mặt mũi cằn cỗi như một trái táo khô, cằn nhằn:
- Đ... mẹ, sướng quá nhỉ, nằm ngủ thẳng cẳng, mơ cái gì, hết cười lại vỗ
tay như thằng điên. Không dậy đi đong gạo thì tối nay ăn cám à? (1 )
(1) Tôi viết bài này, sau khi nghe một ông bạn tâm sự, giữa hai ly rượu
đỏ: "tôi mong dân mình được sống như thiên hạ, dù chỉ một ngày."
Paris, tháng 9/2017
No comments:
Post a Comment