Friday, September 22, 2017

Những Nỗi Buồn Thời Đại - Ls. Luân Lê


Câu chuyện cô giáo được cho là "bị ép buộc" đổi tình lấy biên chế với hiệu phó, cũng giống như câu chuyện thày gạ trò đổi tình lấy điểm để qua môn hoặc muốn tốt nghiệp.

Những vụ dâm ô hay hiếp dâm, thường thì nạn nhân bị doạ bịt miệng hoặc không thể vượt qua mặc cảm để nói ra những khổ tâm và tố cáo những kẻ đã thực hiện hành vi đồi bại ấy. Nên chúng ta mới thấy vài vụ việc được bộc lộ ra chỉ vì sự việc đã đi quá kiểm soát của chính những người trong cuộc.

Thử hỏi, nếu không bị lộ ra, thì những hành vi mặc cả và trao đổi kiểu như thế nó sẽ huỷ hoại con người và những chuẩn mực sống như thế nào? Nó sẽ là cơ hội để leo lên cho những kẻ muốn đánh đổi nhân phẩm và phá hỏng cơ hội cho những người tài đứng vào vị trí đó để dạy người. Kẻ ép buộc hoặc được mặc cả để cất nhắc cũng là những kẻ bất tài và cả thiếu đi phẩm giá con người, nên khi nó đứng ở vị trí quản lý hoặc lãnh đạo thì ắt hẳn nó sẽ chỉ chấp nhận và tạo ra những cung cách hành xử bẩn thỉu và vô luân do chúng tạo ra hoặc chấp nhận để đạt mục đích của mình.

Tôi không thể hiểu nổi tại sao có những nhà giáo chấp nhận đi tiếp khách khi bị điều, có người cho rằng mình là nạn nhân của cuộc mặc cả lên giường để được biên chế. Không. Họ không phải nạn nhân. Họ vì mục đích của mình cả đấy. Và họ chấp nhận việc đó diễn ra. Nhưng khi kết quả không được thì đổ bể và phơi bày ra như vậy. Đó chỉ là chuyện đổi trao tình dục để được làm nhà giáo với hai chữ "biên chế" để đứng lớp dài lâu. Thế còn chuyện quan hệ, hậu duệ và chạy chọt để được yên vị giảng dạy thì sao? Nó cũng chỉ là những thứ giao dịch nhằm thoả mãn lợi ích của đôi bên. Và những kẻ đó sẽ dạy những đứa trẻ điều gì về phẩm cách con người? Về tri thức? Về tình yêu thương? Về lao động chân chính? Và chúng sẽ làm gì với những người tài khác khi đứng cùng hàng ngũ? Chắc có thể ai cũng hiểu chúng sẽ làm gì với đồng loại mình và đồng nghiệp của mình để đảm bảo trị giá đã phải bỏ ra để được đứng vào đó.

Nghề luật thì sao?
Nó đang đứng trước nguy cơ bị siết chặt lại chưa từng có khi thêm điều khoản buộc luật sư phải tố giác thân chủ và đưa ra điều kiện về tư tưởng chính trị cũng như không được phát ngôn trên mạng xã hội bằng quan điểm của một công dân. Nghề luật, trong một phiên toà, chỉ cần kê bàn kiểm sát viên ngang hàng là luật sư đã thấy mình trang trọng bằng bổ từ "được" trước động từ "ngồi" về vị trí địa thế trên mặt đất trong một phiên xử. Và với nhiều tai tiếng về chất lượng (trình độ) lẫn nhân cách luật sư, đặc biệt là cái khí chất của một con người đại diện cho công lý của một con nhà luật (mà thường làm chính trị) chuyên nghiệp thiếu vắng trong những trái tim và tâm hồn họ. Họ thiếu nhiều phẩm chất quý giá của một con người khi gánh trên vai trọng trách hai từ "luật sư". Xã hội loài người, trước khi được định hình và tách khỏi loài vật, đó duy chỉ do và nhờ vào luật pháp được kiến tạo nên. Nếu không có luật pháp thì con người cũng không khác gì muông thú trong đời sống sinh tồn.

Nghề báo thì sao?
Đối mặt với hàng loạt vấn nạn như tống tiền, viết láo, viết bậy và viết theo chỉ đạo. Bất cứ lúc nào cũng có thể bị kỷ luật hoặc rút bài, lỗi #404 vẫn thường xuyên khi nhấn vào đường link một bài báo có vẻ như "nhạy cảm". Ngôn từ báo chí thiếu đi cái chất chuyên nghiệp, thiếu hẳn đi những góc nhìn khách quan và trí tuệ, họ bị dẫn dắt và thậm chí kiểm soát không còn được là chính mình nữa. Trong những câu chữ phải cố nhào nặn sự thật để cho tròn nghĩa nhất để lọt qua vòng kiểm duyệt để tới được người đọc, nhưng số đó thực sự rất ít. Họ không được sống chết với cái nghiệp của họ, mà họ chỉ có thể lựa chọn yên ổn hay là rời xa cái nghề đã tạo nên họ.

Nghề y thì thế nào?
Vụ việc thuốc điều trị ung thư giả, chi hoa hồng cho bác sỹ, lo lót để được giấy phép nhập và phân phối thuốc từ, nó cũng là một bộ mặt khác của sự tàn ác và xuống cấp về nhân cách cũng như tâm tính con người. Chúng dã man hơn cả cầm thú khi chia chác trên những xác người, trên những sốn phận khốn khổ và cùng đường. Và hàng ngày chúng ta vẫn nghe đủ điều tiếng về những vấn nạn về bác sỹ, y tá, điều dưỡng trong các bệnh viện khi đứng trước người bệnh. Chúng ta vẫn đầy rẫy những câu chuyện xót xa về nghề y cao quý với chức phận cứu người từ khi khởi sinh, và được tạc đinh bằng lời hề Hypocrates từ thời cổ đại.

Nếu có sự dã man nào hơn bác sỹ tìm kiếm lợi ích trên sự sống của bệnh nhân, nếu có sự nhục nhã nào hơn việc nhà giáo đem thân đi đổi chác để được vào biên chế, nếu có đau đớn nào hơn là một nhà báo không thể nói lên sự thật trong mọi hoàn cảnh và nếu có sự bất công nào hơn công lý không được hiện diện trong hình hài luật sư, thì có lẽ đó là khi tất cả con người chúng ta đều sống thản nhiên trong cùng một trạng thái là chẳng ai còn nhận biết được đâu là lương tri và phẩm giá nữa.

Khi chúng ta trở thành những con thú vật, chúng ta sẽ biết chẳng có gì là ác độc nữa, mà chỉ có cạnh tranh để sinh tồn.


 Lê Luân

1 comment:

  1. Cám ơn Lê Luân, bài viết thật sâu sắc, tỉ mỉ... làm tôi phải xét mình, chắc phải hàng ngày thôi. Một lần nữa cám ơn bạn.

    ReplyDelete