Tuesday, February 6, 2018

Tổng Thống Trump Có “Khùng” Hay Không? - Ký Thiệt


Năm 2016,  khi ông Donald Trump, một tỉ phú, ra ứng cử chức tổng thống của siêu cường số 1 thế giới Hoa Kỳ thì ông bị cho là có triệu chứng của bệnh tâm thần.

Truyền thông dòng chính Mỹ, mạnh mẽ ủng hộ bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump, đồng loạt truyền bá “tin” này trong suốt mùa tranh cử nhằm mục đích hù dọa cử tri: ông này là người bị “thần kinh”, không thể làm tổng thống, nguy hiểm lắm!

Tranh cử chấm dứt, ông Trump trở thành tổng thống “ngoài dự tưởng”, truyền thông dòng chính càng tấn công ông tổng thống đắc cử dữ dội hơn nữa, đặc biệt chĩa mũi dùi vào bệnh “khùng điên” của ông Trump.

Cho tới hôm nay, ông Trump đã làm tổng thống được một năm, không những truyền thông dòng chính mà nhiều giới khác nữa vẫn còn cảm thấy đau do sự thất cử của bà Clinton đã tạo thành một “phong trào” đòi truất phế ông Trump vì lý do khùng điên, nguy hiểm, không thể tiếp tục giữ chức tổng thống Hoa Kỳ.
Tháng trước, có hai giáo sư tâm thần học, một từ Harvard và một từ Yale, họp với một tá dân biểu Hạ viện, 11 người đảng Dân Chủ và một người đảng Cộng Hòa xé rào, toan tính dùng Tu chính án thứ 25 để truất phế ông Trump. Hai nhà tâm thần học, Tiến sĩ Bandy X. Lee thuộc Yale và Tiến sĩ Leonard L. Glass thuộc Harvard, đã cùng viết về việc này trong một bài dài trên tờ Politico, một nhật báo chính trị.

Bà Giáo sư Lee cho biết đang hoàn thành một cuốn sách nói về phương pháp mà 27 nhà tâm lý‎ học và chuyên gia về sức khỏe tâm thần đã dùng để định bệnh ông tổng thống Mỹ, và tác giả đang mơ ước cuốn sách của bà sẽ được Hollywood quay thành phim với Boris Karloff đóng vai ông tổng thống khùng điên!

Nhưng không phải tất cả các đồng nghiệp của Tiến sĩ Lee đều chia sẻ cuộc viễn mơ xa rời thực tế của bà. Hội Tâm thần học Mỹ (The American Psychiatric Association) đã lên tiếng cảnh giác hội viên rằng việc các chuyên gia tâm thần công khai phỏng đoán về trình trạng tâm thần của một người là làm hạ giảm uy tín và sự liêm chính của nghề nghiệp và quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân. Hội Tâm thần học nói rõ: “Một sự chẩn đoán đúng đắn về tâm thần đòi hỏi nhiều việc phải làm hơn là một sự duyệt xét những gì trông thấy trên màn ảnh truyền hình, những “tweets” và những phát biểu công khai (của ông Trump). Những chuyên gia tâm thần cũng là bác sĩ y khoa. Chẩn đoán bệnh về tâm thần không đơn giản hơn chẩn đoán bệnh tiểu đường hay bệnh tim… dùng khoa tâm thần học cho mục đích chính trị hay tự thổi phồng cái tôi là bêu riếu thân chủ và tác động tiêu cực cho nghề nghiệp của chúng ta.”

Hội Tâm thần học Mỹ nhắc nhở hội viên như trên vì Tiến sĩ Lee và Tiến sĩ Glass nhấn mạnh rằng sự “nguy hiểm” của một người có thể được phát hiện qua “phỏng vấn những đồng nghiệp và người thân, duyệt xét những lời nói và hành động trong quá khứ của một cá nhân, duyệt xét những phúc trình của cảnh sát…Trong khi phỏng vấn trực tiếp là hữu ích lại không phải là đòi hỏi cần thiết để phát hiện sự nguy hiểm”.

Hai giáo sư Lee và Glass và những người đang công khai nói TT Trump “khùng” chẳng lẽ không biết tới một án lệ được gọi là “Goldwater Rule” 45 năm trước, cấm bác sĩ tâm thần chính trị hóa nghề nghiệp của họ bằng cách công bố những ý kiến chuyên môn về những khuôn mặt công cộng mà không qua một cuộc khám nghiệm do chính bản thân mình thực hiện. Vụ ấy xảy ra vào năm 1964, Nghị sĩ Barry Goldwater sau khi thất cử cuộc chạy đua vào tòa Bạch ốc đã kiện Tạp chí Fact về tội phỉ báng vì đã phát hành một số đặc biệt trong đó các bác sĩ tâm thần tuyên bố ông mắc chứng “hoang tưởng nặng” và không đủ lành mạnh để làm tổng thống. Ông Goldwater đã thắng kiện vì đã chứng minh bị đơn Fact “hành động với ác ý” khi đã bỏ qua, không xét đến một bức thư của Hội Tâm thần học Mỹ cảnh giác rằng bất cứ một giám định nào của các bác sĩ tâm thần mà không qua một cuộc chẩn khám bệnh lý đều vô giá trị.

Như vậy, so sánh với ông Goldwater thì, dưới mắt các chuyên gia tâm thần phe Dân Chủ, bệnh khùng điên của ông Trump nặng hơn nhiều và ông tổng thống cũng bị truyền thông dòng chính Mỹ bề hội đồng nặng hơn nhiều, mà nếu không khùng cũng có thể trở thành… điên thật. Nhưng, qua cuộc khám nghiệm toàn diện định kỳ diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ vào ngày 12 tháng 1 vừa qua tại Trung tâm Y khoa Quân sự Walter Reed, “ngự y” của Bạch Cung là Đề đốc Hải quân Y sĩ Ronny Jackson đã phán rằng: “Sức khỏe tổng quát của tổng thống là tuyệt hảo, kể cả về tâm thần.”

Trong cuộc họp báo tại Bạch Cung ngày 16 tháng 1 vừa qua, Bác sĩ Jackson cho biết ông tổng thống 71 tuổi chỉ hơi nặng cân một tí, 239 cân Anh, và nên làm cho giảm vài cân so với chiều cao của ông (6ft2in). Cholesterol của ông tổng thống tốt nhưng có thể hạ thấp chút đỉnh bằng cách uống thuốc. Tim mạch vận hành rất tốt. Ông Trump có nhược điểm là thích McDonald’s và KFC, và môn thể dục duy nhất của ông là chơi golf. Nhưng ông không bao giờ uống rượu và không bao giờ hút thuốc lá.

Bác sĩ Jackson tiết lộ rằng chính ông tổng thống đã tự ‎ý yêu cầu làm một giám định về khả năng nhận thức của ông (cognitive assessment), loại “test” không nằm trong các cuộc khám tổng quát định kỳ mỗi năm. Kết quả “cognitive assessment” ông Trump đạt số điểm tối đa 30/30. Bs. Jackson nhận xét: “Tổng thống rất sắc bén. Ông có đầy đủ sức khỏe để đảm nhiệm chức vụ. Tôi không thấy bất cứ lý do nào để nghĩ rằng ông tổng thống có bất cứ vấn đề gì với tiến trình suy tưởng.”

Bác sĩ Jackson đã tiết lộ tất cả chi tiết về sức khỏe của ông Trump được coi là hồ sơ cá nhân riêng tư giữa bác sĩ và thân chủ. Áp huyết của ông Trump là 122/74, nhịp tim 68. Choresterone “xấu” hay LDL là 143, trong lúc tốt nhất là dưới 100. Đường trong máu là 89.
Các loại thuốc mà ông Trump uống hàng ngày gồm có: 1 viên Crestor 10mg mỗi ngày để làm hạ cholesterol, và bác sĩ có ý‎ định sẽ tăng liều lượng. Ông tổng thống uống mỗi ngày 1 viên Aspirin 81mg để trợ tim, 1 mg Propecia để ngừa rụng tóc cho đàn ông, loại kem chống da đỏ, và 1 viên multivitamin mỗi ngày.

Phòng làm việc của Bác sĩ Jackson đặt ngay trong Bạch Cung, gặp tổng thống mỗi ngày, thường xuyên đàm đạo, thảo luận với tổng thống về nhiều vấn đề, nên ông không thấy việc làm “cognitive assessment” là cần thiết nhưng do chính TT Trump yêu cầu vì ông muốn chấm dứt những sự đồn đoán về ông.

Tại cuộc họp báo ở Bạch Cung hôm thứ ba 16.1, Bs. Jackson đã dành một giờ để trả lời tất cả những câu hỏi của báo chí liên quan đến sức khỏe của ông tổng thống. BS Jackson cho biết ông tổng thống ra lệnh cho ông không được rời phòng họp báo ở Tòa Bạch Ốc cho đến khi không còn câu hỏi nào nữa. Bs. Jackson nói: “Tổng thống đặc biệt dặn tôi: ‘Tôi muốn ông trả lời tất cả mọi câu hỏi của họ’.”


Bác sĩ Jackson đã tuân hành nghiêm chỉnh lệnh của tổng thống. Trong suốt một giờ, ông bác sĩ đã kiên nhẫn trả lời cặn kẽ mọi câu hỏi của các nhà báo, những câu hỏi mà nếu không chứng tỏ sự thất vọng thì cũng đáng nực cười. Có người hỏi: “Ông sẽ đề nghị tổng thống giảm cân nặng bao nhiêu?” Người khác hỏi: “Ông có thể giám định sức khỏe tâm thần tổng thống thích hợp với trọng trách của ông ấy không?” Có người thắc mắc: “Ông có biết tuổi thọ của ông ấy dựa trên những kết quả của cuộc giám định vừa qua?” Có người hỏi câu ngớ ngẩn: “Ông có loại trừ những điều như dấu hiệu sớm của chứng Alzheimer? Ông có tìm thấy những triệu chứng giống như bệnh loạn trí (dementia)?”

Cuộc họp báo ngày 16 tháng 1 của Bs. Jackson chắc đã làm cho truyền thông dòng chính, đảng Dân Chủ và những người ghét Trump buồn và thất vọng không ít, và không biết có “làm im những đồn đoán về sức khỏe của ông thống thống” như ông mong muốn hay không. Nhưng cuộc tấn công của truyền thông dòng chính nhắm vào ông Trump chắc sẽ không hạ giảm cường độ vì trong 12 tháng vừa qua, năm đầu tiên của ông Trump trong Bạch Cung, thường được gọi là thời gian của “tuần trăng mật” theo truyền thống báo chí Mỹ dành cho tân tổng thống, ông Trump đã bị đánh bầm dập, te tua, như nhận định của hai nhà báo Rich Noyes và Mike Clandella thuộc Trung tâm Khảo cứu Truyền thông (Media Research Center): “Năm đầu tiên của chính quyền Trump đã đầy dông tố cho truyền thông báo chí cũng như cho sinh hoạt chính trị, với nhiều nhà báo đã bỏ rơi yếu tính chuyên nghiệp để trở thành những đối thủ quyết liệt của ông tổng thống.”

Hai nhà báo này đã theo dõi trong 12 tháng chương trình tin tức chính mỗi tối trên ABC, CBS và NBC – được 25 triệu người xem mỗi đêm. Kết quả, họ thấy chính quyền Trump đã là tin lớn nhất trong năm, chiếm một trong mỗi ba phút của tin tức buổi tối được chiếu – gần 100 giờ tính chung. Không có tuần trăng mật. Giọng điệu tường trình thù nghịch liên tục – 90 phần trăm tiêu cực, với 43 phần trăm của tin tức là nhắm vào những tranh cãi, không phải là những chính sách, đường lối của Bạch Cung. Riêng cuộc điều tra về sự thông đồng với Nga không bao giờ dứt đã chiếm một phần năm của tất cả tin tức về Trump.

Hai nhà phân tích của Trung tâm Khảo cứu Truyền thông nhận định: “Nhiều người trong giới truyền thông, kể cả truyền thanh truyền hình, đã chọn chỗ đứng trong hàng ngũ những người tích cực chống Trump. Hậu quả là họ quan tâm rất nhiều tới những câu chuyện mà họ nghĩ làm cho Trump trông tệ hại, và dành cho ông ta một ít tin có vẻ tích cực rồi trừng phạt ông ta với khối lượng lớn tin tiêu cực không trung thực. Những thăm dò dư luận cho thấy những người Dân Chủ chống Trump rất ưa thích loại tin này, những người Cộng Hòa ủng hộ Trump lại ghét chúng – trong khi truyền thông quốc gia thì nặng tính phe đảng. Sự thù nghịch của họ chống lại Bạch Cung ngày nay rất hiển nhiên, không ai có thể nghĩ là họ nghiêm chỉnh nếu họ lại tự nhận là công bằng và chuyên nghiệp, không phe đảng.”

Vũ Linh, một nhà báo người Việt ở hải ngoại, cũng có nhận định như sau:
“Báo chí như phương tiện thông tin trung lập đã chết từ lâu rồi, bây giờ báo chí đã thành công cụ tuyên truyền phe phái. Chuyện đa dạng là chuyện mộng mơ không còn thực tế. Đa dạng trong tình trạng chung của cả ngành truyền thông thì được, kiểu như có báo bảo thủ, có báo cấp tiến, nhưng không thể đa dạng trong khuôn khổ một tờ báo hay một đài TV. Chẳng phải là chuyện thương ghét cá 
nhân, mà là một quyết định kinh doanh -business decision.

Thật sự vẫn có tự do ngôn luận trên đất Mỹ này thật. Nhưng là thứ tự do có hộp, có ngăn, có nắp, kiểu như đứng đúng bên thì nói sao cũng được, đứng lộn bên thì… xin vui lòng về đúng chỗ. Một Sean Hannity của Fox không thể nào có mặt trên CNN. Các nhà bảo trợ CNN sẽ chấm dứt yểm trợ CNN ngay.

Không nên mơ mộng một truyền thông trung thực, đa dạng không phe phái nữa. Đó là con khủng long đã bị tuyệt chủng lâu rồi.”
Trở lại với câu hỏi: Tổng thống Trump có “khùng” hay không?
Hỏi một bà Mỹ da trắng hàng xóm. Bà nói:
– “You” có biết ai là những người nói tổng thống bị khùng không? 

Đó là những người thuộc phe Dân Chủ, truyền thông dòng chính, những người thù ghét ông Trump…, nói chung là những kẻ thua đau. Đa số cử tri đã bầu ông Trump làm tổng thống, và trong một năm qua tổng thống đã giữ lời hứa khi tranh cử, làm được nhiều việc tốt dù bị đánh phá không ngừng. Những người không thích ông ấy, nên kiên nhẫn chờ thêm ba năm nữa để tới phòng phiếu, như truyền thống dân chủ văn minh của nước Mỹ. Chính những kẻ nói ông Trump bị khùng mới cần phải đi khám thần kinh.

Hỏi một ông Mỹ da vàng, gốc Mít. Ông đáp:

– Ông Trump là một tỉ phú, tiền của không biết để đâu cho hết, làm chủ vài chục cái khách sạn quốc tế và vô số dinh thự nguy nga, ở không ăn chơi mấy đời không mòn, lại đi tranh cái chức tổng thống làm chi cho thiên hạ thù ghét xúm nhau chửi bới dài dài trong lúc phải gánh vác bao nhiêu công việc quốc gia, đại sự mà lương tiền vài trăm ngàn một năm lại không thèm lãnh. Không khùng thì là cái gì?

K‎ý Thiệt

1 comment: