Sunday, June 24, 2018

Thượng Đỉnh Bàn Môn Điếm, Nam-Bắc Triều Tiên - Trông Người Mà Nghĩ Đến Ta Và Những Cơ Hội Bỏ Lỡ - Kỷ Nguyên Nguyễn Văn Tâm (Danlambao)


Trong khi Nam Hàn mạnh dạn không khoan nhượng và thanh toán CS nằm vùng Bắc Triều Tiên thì ở miền Nam Việt Nam chính quyền miền Nam VNCH vì quá nhân đạo và khoan dung trong tình người qua một chính sách Chiêu Hồi cho nên cán bộ nằm vùng của CS Việt Nam được cài lại có điều kiện tiếp tục phát triển xây dựng thêm cơ sở rộng lớn lần lần để rồi đến năm 1960 Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời với sự chỉ đạo của CS Hà Nội tiến hành cuộc chiến tranh du kích xâm lăng miền Nam Việt Nam như ý đồ của CS Quốc Tế Đệ Tam để rồi đưa đến thảm trạng 30-4-75... 

*
Ngày 27 tháng 4, 2018 vừa qua hai lãnh tụ của Nam Hàn Moon Jae In và Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau tại Bàn Môn Điếm, căn nhà hoà bình phía Nam biên giới Nam-Bắc Triều Tiên, nơi đã ký hiệp định đình chiến năm 1953. Thượng đỉnh Nam-Bắc Triều Tiên này đã gây một tiếng vang ấn tượng trên thế giới mà nhiều phần cho rằng đây là dấu hiệu của hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nơi không khí chiến tranh âm ỉ gần 70 năm nay. 

Nhìn hình ảnh hai lãnh tụ thù địch Nam-Bắc Triều Tiên nắm tay nhau thân thiện vui cười hớn hở dìu nhau bước qua đường ranh giới tượng trưng tại Vùng Phi Quân Sự (DMZ) giữa Nam-Bắc Triều Tiên cùng theo sau là hình ảnh âu yếm của Đệ Nhất Phu Nhân Moon và vợ của Kim Jong Un tay trong tay dìu nhau đi cho thấy một không khí thật đầm thắm tình tự dân tộc và cảm động. Quá xúc động Giám Đốc Tình Báo Nam Hàn theo phái đoàn không cầm được nước mắt. 

Sau những hình ảnh nghi thức ngoại giao là cuộc họp thượng đỉnh song phương giữa Moon Jae In và Kim Jong Un diễn ra trong hoà bình thân thiện càng làm cho dư luận hy vọng về cải thiện bang giao và hoà bình của bán đảo Triều Tiên. 

Một Thông Cáo Chung sau phiên họp cho thấy tính tích cực của hai bên muốn hòa hợp dân tộc thống nhất đất nước. Bán Đảo Triều Tiên không còn thù địch, không có vũ khí hạt nhân càng làm cho dư luận thế giới rất ấn tượng trong xúc động, cảm phục và tin tưởng hòa bình của bán đảo Triều Tiên sẽ được lập lại. 

Cũng bị chia đôi như Triều Tiên nhưng nước Việt Nam không may mắn có được như ngày hôm nay của nước Triều Tiên. Vì sao? 

Trả lời câu hỏi này cần phải đi ngược lại lịch sử chiến tranh Việt Nam. 

Cộng sản nằm vùng

Cũng cộng sản và đang ở trong tình thế lúc đó chịu ảnh hưởng của Cộng Sản Quốc Tế Đệ Tam là Liên Sô và Trung Công, Bắc Triều Tiên cũng như CS Việt Nam không thể ngừng lại sau đình chiến mà phải theo lệnh quan thầy tiếp tục cuộc chiến xâm lăng miền Nam trong ý đồ thống trị thế giới. 

Sau khi hiệp định đình chiến được ký, CS Bắc Triều Tiên đã cài lại những cán bộ nằm vùng để chờ ngày tiếp tục nổi dậy gây chiến tranh xâm lăng Nam Hàn. Những cán bộ trung kiên cộng sản Bắc Triều Tiên tập trung tị nạn chờ thời ở một số nơi thuộc Nam Hàn. Chính phủ và nhân dân Nam Hàn biết được ý đồ của cộng sản Bắc Triều Tiên và cộng sản quốc tế đệ tam Liên Sô-Trung Cộng nên ra tay không chút nhân nhượng tìm mọi cách thanh toán tàn bạo hết tất cả những cán bộ và thân nhân liên hệ gia đình cho tuyệt gốc đúng theo sách của cộng sản “đào tận gốc rễ”. Từ đó Bắc Triều Tiên không còn cơ sở nằm vùng như ở miền Nam Việt Nam cho nên họ không gây ra được một cuộc nổi dậy phát động chiến tranh du kích trong chiến tranh giải phóng miền Nam Hàn như ở Việt Nam. Biết được sự hận thù này của cộng sản và nhân dân Bắc Triều Tiên vẫn còn âm ỉ trong suốt 70 năm nay cho nên để xoa dịu và nói lên tinh thần hoà hợp hoà giải, đoàn kết dân tộc hai miền Nam Bắc Triều Tiên ngay trong thời gian thượng đỉnh Bàn Môn Điếm này, tổng thống Moon Jae In đã chính thức nhân danh nhân dân và chính phủ Nam Hàn ngỏ lời xin lỗi nạn nhân và những gia đình liên hệ và toàn dân Bắc Triều Tiên. Một hành động sám hối đáng khích lệ cho cuộc hoà giải dân tộc. Cộng Sản Việt Nam chưa dám làm như Nam Hàn về những hành động khủng bố dã man tàn ác mà chúng đã gây ra như vụ Cai Lậy và Tết Mậu Thân v.v... 

Trong khi Nam Hàn mạnh dạn không khoan nhượng thanh toán CS nằm vùng Bắc Triều Tiên thì ở miền Nam Việt Nam chính quyền miền Nam VNCH vì quá nhân đạo và khoan dung trong tình người qua một chính sách Chiêu Hồi cho nên cán bộ nằm vùng của CS Việt Nam được cài lại có điều kiện tiếp tục phát triển xây dựng thêm cơ sở rộng lớn lần lần để rồi đến năm 1960 Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời với sự chỉ đạo của CS Hà Nội tiến hành cuộc chiến tranh du kích xâm lăng miền Nam Việt Nam như ý đồ của CS Quốc Tế Đệ Tam để rồi đưa đến thảm trạng 30-4-75. 

Nếu chính quyền VNCH và nhân dân miền Nam Việt Nam sau Hiệp Định Geneva 1954 học được bài học của Nam Hàn và kinh nghiệm của CS có một chính sách phân biệt rõ ràng giữa bạn-thù thẳng tay trừng trị tiêu diệt hết hạ tầng cơ sở nằm vùng của CS Hà Nội một cách không khoan nhượng có ranh giới phân biệt rõ ràng “Bạn-Thù” và coi những cán bộ CS nằm vùng là những kẻ thù trong âm mưu xâm lăng miền Nam cần phải tiêu diệt cho tận gốc. Đồng thời VNCH cứ tiếp tục đi theo con đường xây dựng và phát triển đất nước như kế họach thì tình thế có thể khác hơn và đồng bào miền Nam có đời sống thịnh vượng, tự do, dân chủ như Nam Hàn ngày hôm nay. Đất nước và dân tộc Việt Nam có cơ may thống nhất trong chế độ tự do, dân chủ như Đông và Tây Đức. Cựu tổng thống Singapore Lý Quang Diệu lúc đó đã từng ao ước Singapore sẽ được phát triển như VNCH miền Nam Việt Nam. 

Liên Hệ Bắc-Nam thống nhất trong hoà bình. 

Hiệp Định Đình Chiến Geneva 1954 được ký kết năm 1954 tại Geneva tạm chia đôi đất nước Việt Nam hai miền Nam-Bắc ngang vĩ tuyến 17 với một Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát Đình Chiến Việt Nam (International Commission For Supervision And Control in Vietnam) gồm những nước như: Canada, Ba Lan, Ấn Độ v.v.. 

Dư luận chung của thế giới cũng như những nước tham dự hội nghị Geneva lúc đó đều mong và nghĩ rằng sau hai năm thì đất nước và nhân dân Việt Nam hai miền sẽ thống nhất trong hoà bình chỉ trừ bọn đệ tam cộng sản quốc tế Liên Sô/Trung Cộng còn đang hăng máu thừa thắng xông lên sau khi Trung Cộng chiếm trọn nước Trung Hoa và những nước Đông Âu bị Liên Sô nhuộm đỏ, tiếp tục mưu đồ xâm chiếm miển Nam Việt Nam bành trướng chế độ CS trên khắp thế giới. 

Hầu hết những thành viên trong Ủy Ban Quốc Tế Đình Chiến đều theo mục đích của Hiệp định Đình Chiến Geneva. Những thành viên này thường xuyên liên lạc với chính quyền và nhân dân Việt Nam hai miền để tìm một giải pháp thống nhất Việt Nam như Hiệp định Geneva qui định. 

Phía chính quyền và nhân dân hai miền Việt Nam trong tình hình lúc đó ai ai cũng đều mong muốn Hiệp định Đình Chiến Geneva được thi hành nhanh chóng lập lại hoà bình và thống nhất đất nước vì đã chịu đựng chiến tranh quá lâu. Những hình ảnh Hồ Chí Minh gởi những cành Hoa Đào vào miền Nam trong những dịp Tết Nguyên Đán cũng như đem cây vú sữa từ miền Nam ra miền Bắc trồng cùng với những sự đáp lễ của Ngô Đình Diệm đã nói lên những ước nguyện thống nhất đất nước trong hòa bình. 

Hầu như những đồng thuận giao ước ngầm đó như một mệnh lệnh cho phép Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát Đình Chiến Việt Nam rộng quyền đi tìm một giải pháp cho Việt Nam. Một trong những nước trong Ủy Ban Quốc Tế Đình Chiến tích cực và có nhiều quan tâm là đại diện Ba Lan đó là Đại Sứ Mieczyslaw Maneli đã lợi dụng sự đi lại hai miền Việt Nam và được tiếp xúc với nhân dân và hai chính quyền miền Nam và miền Bắc Việt Nam dễ dàng và thuận lợi đã có ý kiến tìm hiểu và làm việc và thảo luận với lãnh đạo hai miền dàn xếp một cuộc thống nhất đất nước Việt Nam trong hoà bình. 

Vì những kinh nghiệm đau thương của đổ nát, điêu tàn và chết chóc của chiến tranh, Đại Sứ Maneli đã đề xuất một giải pháp hòa bình cho chiến tranh Việt Nam. Những lần ông có mặt tại Việt Nam trong Ủy Ban Quốc Tế Giám Sát Đình Chiến đều bỏ nhiều thời giờ tìm cách tiếp xúc liên lạc thẳng với những lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc Việt Nam để tìm hiểu lập trường và quan điểm của hai bên về giải pháp hoà bình thống nhất Việt Nam. 

Đại Sứ Maneli đã từng tiếp xúc với Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh của CSHN và với Ngô Đình Nhu của VNCH miền Nam Việt Nam và ngay cả với ông Hoàng Campuchia Sihanouk. Cũng từ những tiếp xúc này đã dẫn đến một cuộc gặp mặt tay đôi giữa ông Ngô Đình Nhu và Phạm Hùng tại một khu rừng ở miền Nam Việt Nam. Phiên họp mật tay đôi này đã gây nhiều tranh cãi và ngộ nhận cho cả hai phía trong lúc đó. 

Tất cả những lần gặp gỡ các cấp lãnh đạo hai miền Việt Nam Đại sứ Maneli đều có báo cáo cho chính quyền Ba Lan. Nhưng chính quyền Ba Lan không có một sự chống đối nào về những tiếp xúc liên lạc này của đại sứ Maneli cho nên đại sứ này cứ nghĩ rằng Liên Sô ngầm chấp nhận sứ mạng của ông. 

Trong những tiếp xúc tìm hiểu này Đại sứ Ba Lan nhận thấy lãnh đạo hai miền Nam-Bắc Việt Nam đều không muốn sự hiện diện của Mỹ tại Việt Nam. Đại sứ Ba Lan lại không báo cáo cho Mỹ. 

Hồ Chí Minh đã từng đánh tiếng qua Đại Sứ Úc là Hà Nội bằng bất cứ giá nào cũng không chấp nhận sự hiện diện của Mỹ vì như thế sẽ đưa đến chiến tranh giữa Liên Sô-Trung Cộng và Mỹ trên đất nước Việt Nam và vai trò của CSHN bị lu mờ. Trong khi đó chính quyền miền Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đang bị áp lực rất mạnh từ Hoa Kỳ là phải chấp nhận cho quân đội Mỹ vào Việt Nam. Tình nghĩa Đồng Minh Hoa Kỳ-VNCH đang có dấu hiệu rạn nứt. 

Song song đó Hồ Chí Minh và các lãnh đạo CSBV thấy được kinh tế miền Bắc đang gặp khó khăn đe doạ vì những hạn hán, mất mùa có thể đưa đến nạn đói như nạn đói Ất Dậu cho nên không muốn nhận thêm viện trợ kinh tế của Liên Sô và Trung Cộng cùng với viện trợ quân sự sẽ làm thêm gánh nặng mà CSHN phải bị lệ thuộc cho nên lãnh đạo CSVN trong lúc này miền Bắc rất cần giao thương với miền Nam trao đổi lúa gạo với than đá để cũng cố kinh tế nước nhà. 

Trước tình huống đó Đại sứ Maneli cho rằng lúc này rất thuận lợi cho giải pháp hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam tránh được những cảnh tàn phá, đổ nát chết chóc do chiến tranh gây ra. 

Tưởng rằng giải pháp của mình có sự đồng thuận của Liên Sô/ Trung Cộng nhưng sau cùng thì được biết là Liên Sô/Trung Cộng hoàn toàn không chấp nhận giải pháp hoà bình thống nhất Việt Nam. 

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc không may. Vào những ngày tháng cuối của năm 1963 là năm cao điểm có thể có giải pháp cho chiến tranh Việt Nam, thống nhất đất nước Việt Nam, thì 2 anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị giết trong cuộc đảo chánh quân sự tại Sài Gòn và tổng thống Kennedy bị ám sát. Tổng thống Johnson thay thế đã chủ động đơn phương đưa quân Mỹ chiến đấu ồ ạt qua Việt Nam. Trong khi đó thì Liên Sô/Trung Cộng tiếp tục tích cực viện trợ quân sự cho miền Bắc Việt Nam và thúc đẩy quân đội cộng sản Bắc Việt ồ ạt đưa quân chiến đấu vào miền Nam dưới chiêu bài “chiến tranh Chống Mỹ Cứu Nước” như một thứ chính nghĩa để thuyết phục nhân dân miển Bắc và thế giới ủng hộ. 

Dù chiến tranh Việt Nam ngày càng căng thẳng giữa hai bên nhưng Đại sứ Maneli và một vị Đại Tá tình báo Ba Lan khác người đã có những cộng tác với CIA là Ryszard Kukliski muốn tiếp tục giải pháp hòa bình đã bay sang Việt Nam ngay sau trận Mậu Thân khi đó quân đội CSBV coi như thảm bại trên mặt trận khắp miền Nam để hy vọng thuyết phục Hoa Kỳ nên tiếp tục yễm trợ quân sự cho quân lực VNCH bảo vệ miền Nam. 

Từ cuốn sách “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nguyên cố vấn của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn cho biết Hoa Kỳ tăng viện trợ quân sự ồ ạt là: “đem quân vào để điều đình ở thế mạnh” và “đem quân vào là để rút quân đi”. Điều không may và bất hạnh cho dân tộc Việt Nam là Hoa Kỳ đang trong kế họach tháo chạy rút quân khỏi Việt Nam. 

Tình hình chiến sự Việt Nam này hoàn toàn khác với thời kỳ chiến tranh Triều Tiên 1950. Trong chiến tranh Triều Tiên Hoa Kỳ đang trong thế mạnh và muốn chận đứng làn sóng đỏ CS từ phương bắc Liên Sô-Trung Cộng nên Hoa Kỳ đã vận động được 21 nước trong Liên Hiệp Quốc đồng ý đem quân sang Triều Tiên chiến đấu bên cạnh Hoa Kỳ bảo vệ được Nam Triều Tiên khỏi ách cộng sản. 

Cơ hội bị bỏ lỡ, chiến tranh Việt Nam tiếp tục diễn ra với qui mô rộng và có tính cách qui ước nhưng với một sự chênh lệch cán cân quân sự giữa hai miền. Một quân lực hùng mạnh VNCH coi như bị bó tay khi đồng minh Hoa Kỳ đã muốn tháo chạy bán đứng người bạn đồng minh VNCH để cho CSBV với những viện trợ quân sự to lớn và ồ ạt của Liên Sô/Trung Cộng dễ dàng tiến quân như chổ không người chiềm trọn miền Nam ngày 30-4-75. 

Một cơ hội khác là biến cố 30-4-75 cũng đã bị bỏ lỡ khi CSBV chiếm miền Nam và thống nhất đất nước nhưng CSVN vì quá cuồng tín mù quáng lệ thuộc chủ nghĩa cộng sản đã tiếp tục tàn ác đối xử nhân dân miền Nam một cách vô nhân đạo và tàn ác, tiếp tục gây thêm thù oán với cùng một dân tộc. CSVN đã không học được bài học hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự của tướng Grant và tướng Lee trong chiến tranh nội chiến Nam-Bắc Hoa Kỳ để nhân dân Hoa Kỳ hài hoà chung sống trong hoà hợp hoà giải đoàn kết thống nhất sau nội chiến xây dựng đất nước Hoa Kỳ tới sự hùng mạnh siêu cường như ngày hôm nay. 

Những nỗ lực vận động tìm giải pháp hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam đã thất bại vì những đại cường Liên Sô-Trung Cộng và Mỹ không đồng ý. Thân phận của một dân tộc nhược tiểu. 

Những cơ hội cho đất nước Việt Nam thống nhất trong hoà bình và cho một dân tộc bất hạnh Việt Nam được hòa hợp hòa giải xây dựng đất nước hùng mạnh đã bị bỏ lỡ. 

Ngày hôm nay trước mắt dân tộc Việt Nam vẫn còn những cơ hội khác để đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc xây dựng một đất nước Việt Nam thống nhất, giàu mạnh, hạnh phúc và văn minh có chủ quyền tự do, dân chủ đa nguyên và nhân quyền là những cấp lãnh đạo chóp bu CSVN phải có can đảm và tinh thần dân tộc yêu nước thực sự như Kim Jong Un và Moon Jae In là phải thẳng thắn chấp nhận những tội lỗi gây ra vì cuồng tín theo chủ nghĩa cộng sản và can đảm công khai có những lời sám hối xin lỗi toàn dân Việt Nam trong Nam cũng như ngoài Bắc và tự giải tán đảng CSVN. 

Cơ hội đang hiện ra là trước khí thế toàn dân Việt khắp nơi trong nước cũng như tại hải ngoại trong những ngày đầu của tháng 6, 2018 đang ào ào dâng lên như những ngọn sóng thần nhận chìm con tàu CSVN che chỡ những bọn người bán nước cho Tàu qua những “Đặc Khu 99 năm” như Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Những nhà đấu tranh tự do, dân chủ cho Việt Nam, những người tù lương tâm cùng nhân dân và những lãnh tụ CSVN thức tỉnh và nhất là tuổi trẻ Việt Nam, xứng đáng là hậu duệ của những Trần Quốc Toản và Đinh Bộ Lĩnh, tất cả vì tình yêu tổ quốc hãy cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi nắm lấy cơ hội này để cùng nhân dân giải tán đảng CSVN và xóa bỏ chế độc độc tài, đảng trị thành lập chế độ tự do, dân chủ, đa nguyên đem lại quyền dân tộc tự quyết mau chóng thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Cộng mà bọn chóp bu CSVN vì những quyền lợi mù quáng cá nhân đang âm mưu bán nước cho Tàu Cộng. 

Xin đừng để một cơ hội nữa lại bị bỏ lỡ. Tội nghiệp cho dân tộc Việt Nam bất hạnh này lắm!!! 

Mong vậy thay. 

22.06.2018

No comments:

Post a Comment