Wednesday, June 20, 2018

Trước Ngưỡng Cửa Thiên Đường - Nguyễn Thị Thanh Hằng


Tôi bỏ xứ ra đi giữa một chiều thu Tháng bảy. Tôi cũng không nghĩ rằng có thể vượt thoát được ở lần cuối cùng này. Bao nhiêu lần ở trong nước, những miền duyên hải của Việt Nam gần như tôi đi qua hầu hết. Thời điểm gần cuối năm 1987. Những trại tị nạn ở các vùng Đông Nam Á chuẩn bị rục rịch đóng cửa. Những vùng biển của các tỉnh lại bị kiểm soát chặt chẽ. Tôi những người tưởng mình gần như chấp nhận cái định số của mình buông xuôi ở lại. Tình cờ một người bạn của đứa em tôi rủ rê hắn đi.

Lộ trình đi theo ngõ Campuchia. Ban đầu tôi cứ tưởng lộ trình đường bộ, vượt Trường Sơn qua đất Thái như nhiều người thường nói. Tôi cản hắn. Và thật sự em tôi cũng chả tha thiết mấy trong những toan tính này, Tôi tìm hiểu kỹ lại từ đứa bạn của em mình. Thật ra, lộ trình đường bộ là đi xe lên Châu Đốc, đến bến Hồng Ngự thuộc sông Mê Kông, ranh giới giữa Việt Nam và Cam Bốt, rồi đi tàu sang Nam Vang. Lộ trình kế tiếp sẽ đi lên tỉnh Battambang, một tỉnh của Cam Bốt ở gần biên giới cách ngăn đất Thái. Cảng Kompungsom sẽ là nơi cuối cùng lên ghe vượt biển sang đất Thái.

Thú thật ban đầu tôi cũng cảm thấy lo sợ với lộ trình này. Nhưng nghĩ lại thời gian không cho phép mình còn những lựa chọn trước khi quá muộn . Vả lại tôi cũng muốn thử thời vận lần cuối trước lúc chấp nhận thua cuộc. Bao nhiêu lần đi chẳng thoát, biết đâu lần này lại được. Coi như một cuộc thăm viếng nước ngoài. Biết thêm một nơi mới lạ cũng vui. Tôi quyết định điền thay em tôi vào chuyến đi này. Nếu tính thật chính xác, ngày rời Việt Nam và đặt chân lên đất Thái vừa đúng ba đêm hai ngày. Cho đến giờ này tôi vẫn còn nhớ như in . Cả một hệ thống hối lộ từ Việt Nam sang Nam Vang trải khắp lộ trình từ đường bộ cho tới bãi biển chẳng có gì trở ngại. Tôi cũng không tưởng tượng nổi bãi biển nơi ngồi đợi tàu, tôi đã chứng kiến ba chiếc ghe cập bến cùng một lúc dưới sự bảo vệ của du kích Cam Bốt tiễn lên tàu. Giống như một cuộc du lịch. Còn chưa kể những thủy thủ trẻ người nhưng già dặn trên biển. Cả một chuyến ghe hơn ba mươi mạng người chúng tôi chỉ có hai can nước uống loại hai mươi lít, và hai giỏ cam khoảng chừng trăm trái. Sau ngày trên tàu tôi mới hiểu chuyện. Một tháng có hơn mười ngày họ tổ chức vượt biển mướn chở người như vậy rồi lái tàu về. Lộ trình trên biển các thủy thủ nằm lòng như lộ trình trên bộ. 12 giờ đêm khởi hành từ cảng Kompungsom, 12 giờ trưa tàu đã bỏ neo trên hải phận Thái Lan. Họ chờ tới tối trời mới thả người vào đất liền. Nhìn các thủy thủ né tránh các tầu đánh cá, các tàu tuần dương của Thái Lan mới thầm phục cho sự lành nghề trên biển của nhóm thủy thủ trẻ này .

Trời vừa sụp tối và cũng mất hai giờ chạy, tàu thả chúng tôi vào bờ. Bãi đỗ người là một bãi lầy nên không thấy bất cứ chiếc ghe nào lảng vảng ở khu vực này. Như một bãi hoang . Ghe vừa mực nước ở ngang bụng, các thủy thủy đã hối thúc đám người chúng tôi nhảy xuống. Vài người còn có vẻ sợ sệt đã bị họ đẩy xuống lẹ làng rồi phóng ghe rú mất dạng.

Cả nhóm người chúng tôi nhắm hướng rừng tràm và ánh đèn trước mặt tiến tới. Khoảng hai cây số. Chúng tôi cứ thi nhau bước vội trên bãi lầy cho đến khi có cảm giác chẳng bước được nữa . Nước thủy triều đã rút hết chỉ còn trơ bãi. Bùn lấy bám lên quần áo càng lúc càng nặng. Vài người đàn ông đã cởi hết quần áo chỉ còn trơ chiếc quần cụt cho nhẹ di chuyển. Bây giờ chúng tôi chỉ còn nhấc chân từng chút một. Đám phụ nữ chúng tôi vì quá mệt mỏi dưới sức nặng của bùn lầy bám vào quần áo, vài người quên hết cả xấu hổ cũng đã cởi bỏ hết quần áo chỉ còn lại đồ lót để cho dễ di chuyển. Mưa bắt đầu lất phất, gió rét thổi mạnh thấu xương, cộng thêm nước biển thấm lần vào người . Khu rừng tràm cách chúng tôi chưa quá hai cây số mà lết mãi còn thấy xa thẳm. Đến lúc quá mệt mỏi chẳng còn ai đủ sức di chuyển được nữa, đám phụ nữ chúng tôi tụm lại gần ôm nhau nằm luôn trên bãi lầy, cố tạo hơi ấm để chống chọi với cái rét cho đến sáng.

May mắn cho chúng tôi, có vài người đàn ông cùng ghe đã lên được trên làng và tìm ra trại lính cách đấy không xa. Gần sáng, một toán lính người Thái dưới sự hướng dẫn của vài người đàn ông ra đến. Chúng tôi vẫn còn ngủ mê mệt trên bãi lầy. Chúng tôi được đưa vào trại lính bên cạnh con suối nhỏ để tắm rửa. Mặt mũi đầy bùn đất, hai tay cố che đậy thân thể chỉ còn mỗi đồ lót trên người. Dầu vậy cái thoát chết đã làm cho tụi tôi quên đi sự xấu hổ . Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười. Mỗi người chúng tôi được phát một bộ quần áo rộng thùng thình quá khổ người, và sau đó được chuyển đến một trại tạm trú cách trại lính không xa mấy.

Trại tên Klongjai giáp ranh phần biên giới đất Thái. Ở đây còn lại những dấu tích của những hố bom trong chiến tranh. Chúng tôi bị kiểm tra sơ khởi phần lý lịch. Sau đó mỗi người được cấp phát chăn màn. Căn trại tạm bợ trong một diện tích nhỏ khoảng chừng năm mươi thuốc vuông, chỉ một mái che và bên trong ngăn thành hai gian : một quán cà phê và một quán tạp hóa nhỏ. Ở đây những người tị tạn có thể đổi đô la hay vàng ra tiền Thái và mua tem thư liên lạc gia đình. Ngoài ra không có bất cứ một phương tiện thông tin nào khác. Buổi tối, mỗi người chúng tôi tự tìm một chỗ nghỉ lưng cho mình. Hầu như tất cả phải nằm ngoài trời.

Tôi ở đấy được hai ngày và chứng kiến cả một làn sóng người ồ ạt đến. Gần như khoảng năm đến mười chiếc ghe mỗi ngày. Chúng tôi thường đứng trước của trại nhìn người, hy vọng trong số mới đến có người quen của mình. Trại hẹp và sức chứa tăng nhanh mỗi ngày đến khủng khiếp. Những chuyến xe tải người đến trại không đủ đáp ứng. Đến nỗi chính phủ Thái đâm hoảng phải tìm cách ngăn chặn bớt làn sóng thuyền nhân vào đất Thái mà họ gọi là những tổ chức buôn người này.

Trại thứ hai tôi được chuyển đến là trại Panat Nikhom và cũng là trại cuối cùng quyết định vận mạng chúng tôi . Ở đây là một trại tập trung người tị nạn và đúng tiêu chuẩn nhất so với các trại nhỏ trên đất Thái . Phái đoàn các nước thường xuyên đến đây để phỏng vấn thuyền nhân và qui chế tị nạn. Diện tích trại hơn nửa cây số vuông, có trường học nhà thờ,chùa chiền, chợ quán, bưu điện, bệnh viện... được bao bọc bởi một hàng rào lợp tôn cao hơn ba thước ngăn cách bên ngoài trại. Trại phân biệt ra nhiều lô xếp theo thứ tự A, B, C...và đánh số. Mỗi lô chứng hai mươi mét vuông, chỉ có mái tôn che, không vách. Mỗi người tự tìm phương tiện ngăn chia cho mình một chỗ ngủ dựa theo tiêu chuẩn; Độc thân sẽ là 1mx3, và được giám sát bởi một trưởng lô là thuyền nhân do trại trưởng Thái Lan chỉ định. Trách nhiệm của lô trưởng là phát thức ăn, nước uống, nước tắm rửa và chia phiên các thuyền nhân làm vệ sinh nhà cầu và khu vực quanh lô của mình. Vấn đề an ninh thì được một nhóm thuyền nhân khác là những người đã ở lâu trong trại ( Có người ở đây gần mười năm ) dưới sự chọn lựa từ ban chỉ huy trại, gọi là trật tự viên theo dõi mọi sinh hoạt của thuyền nhân. Ai đã từng ở qua trại này chắc chắn thấy cái tàn bạo, sự lạm dụng uy quyền và dữ dằn của những thuyền nhân đội lốt mang danh là trật tự viên này.

Tôi được chia về lô mang mẫu tự L9 và xếp chỗ ngủ chung với chị Nguyệt, một chị độc thân lớn hơn tôi khoảng vài tuổi. Tôi gọi đây là một ổ ngủ của chúng tôi. Chị đã ở đây hơn năm năm và đã bị phái đoàn các nước bác đơn qui chế tị nạn nhiều lần. Những người cùng chuyến ghe tôi ai nấy tạm yên, bây giờ mỗi người tự kết nhóm, ăn uống và sinh hoạt chung dựa theo điều kiện kinh tế mỗi người. Tôi chẳng dám ra nhập vào nhóm nào. Tôi tự biết thân phận mình . Bao nhiêu lần vượt biển không thành tiền mất tật mang. Chuyến đi cuối cùng này gia đình cũng phải mượn bà con để thanh toán lệ phí. Tôi lại chẳng có bất cứ người bà con nào ở nước ngoài để nhờ viện trợ. Chỉ còn cầu may vào vài người bạn học cũ mà đến nay vẫn chưa bắt được liên lạc. Năm phân vàng cuối cùng của tôi mang theo đã đổi ra từ trại Klongjai, một ít dùng vào việc báo tin cho gia đình, liên lạc bạn bè, một ít mua những linh tinh cần thiết...Số tiền còn lai quá ít ỏi lúc ấy lại phải mua thêm các vật dụng nấu nướng, mà tôi cũng lo lắng cho những ngày sắp tới không biết phải xoay xở làm sao nữa.

Tôi nhập trại đùng vào ngày đầu tuần và cũng là ngày lãnh thực phẩm. Tiêu chuẩn lương thực cho một đầu người trong một tuần gốm 4 kg gạo, 3 kg chất đốt làm bằng than đá, vài bó rau và khoảng chừng 1 kg cá khô, thêm một ít muối. Thực phẩm chỉ có chừng ấy, chỉ đủ ăn một ngày. Những ngày còn lại các thuyền nhân phải tự lo liệu lấy. Thật ra sau này tôi được biết, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc cấp tiêu chuẩn cho mỗi người tị nạn giá trị 50 đô la mỗi tháng. Việc cắt xén tài khoản này không biết đi vào chính phủ Thái Lan hay ban điều hành trại. Chỉ biết là với tiêu chuẩn này, các người tị nạn nếu không có thân nhân nước ngoài viện trợ sẽ dễ rơi vào hoàn cảnh khốn nạn nhất.

Thái Lan được xếp loại là một trại tồi tệ nhất trong vùng Đông Nam Á thật chẳng sai tí nào. Tiêu chuẩn thực phẩm một đầu người của tôi quá ít ỏi nếu phân chia đơn lẻ. Trưởng ban đề nghị tôi lãnh chung luôn phần của chị Nguyệt cho tiện việc phân chia. Vô hình chung chị và tôi trở thành một nhóm nhỏ xếp vào loại nghèo trong trại. Buổi trưa, nắng chiều xuống mái tôn nhà gây sức nóng hừng hực. Cái nóng như nung người của đất Thái không khác thua gì ở Việt Nam. Chị Nguyệt vẫn chua thấy về. Chị đã đi đâu từ mờ sáng. Tôi ngồi bên góc bếp riêng của chị đã có sẵn, chọn một ít cá khô và lặt một mớ rau để chuẩn bị làm canh. Loại rau của Thái trông giống như rau dền xứ mình nhưng có mùi vị hơi chát. Tôi nêm thêm một ít muối vào canh rồi nhấc xuống và bắt đầu thổi cơm. Cơm vừa chín tới thỉ tôi thấy dáng chị Nguyệt đang gánh nước trở về. Chị đặt đôi gánh đầy nước bên góc nhà nơi làm chỗ tắm rửa và nhìn quanh. Có lẽ chị muốn tìm thực phẩm của chị. Tôi lên tiếng:

- Chị tìm thực phẩm của chị à? Trưởng lô đã chia phần em và chị ở đây rồi.

Hai tay vừa lau những giọt mồ hôi còn đọng trên má, chị bước vào ổ ngủ và ngồi xuống bên cạnh tôi:

- Cám ơn em ! Em đã nấu cơm rồi à?

Tôi trả lời:

- Dạ vâng ! Chị rửa mặt rồi dùng cơm luôn thể. Đã trưa rồi mà chẳng thấy chị về, đành mượn bếp chị nấu đại cho hai người. Xin lỗi chị nhé !

Chị nhìn tôi và cười. Cái cười trông đôn hậu và dịu dàng. Chị nói:

- Có sao đâu em ! Em cứ tự nhiên. Chị bận quá ! Em giúp chị như vậy là tốt rồi. Chị phải cám ơn em mới đúng.

Chúng tôi ngồi ăn cơm, thức ăn đã được bày trên tấm nylon vụn bên góc bếp. Thực ra chỉ có món canh rau cá khô duy nhất. Bữa ăn nghèo và đạm bạc của hai kẻ mồ côi. Không thấy một chút thịt hay cá tươi như những nhóm khác cùng lô. Ăn xong chị Nguyệt dành phần rửa chén. Tôi quét dọn ổ ngủ và trải tấm nhựa xanh làm chiếu cho hai chị em nghỉ lưng. Trời vẫn còn nóng. Bên hàng rào tôn, vài người thập thò canh nhóm trật tự để rình mua đá lạnh hay những vật dụng khác từ bên ngoài vòng rào. Luật lệ trại cấm ngặt sự mua bán qua cách này. Ai vi phạm bắt được sẽ bị cạo đầu và giam tù ba ngày không phân biệt nam nữ. Đôi khi còn bị đánh đập nữa là đằng khác. Nhưng vài người vẫn cứ tiếp tục. Họ cắt những miếng tôn nhỏ thành góc vuông để tiện việc mở ra và gấp lại khi mua bán hàng hóa. Nhóm tay sai ban trật tự thỉnh thoảng vẫn bắt gặp và bắt giam. Nhưng người ta vẫn liều lĩnh. Bởi có lẽ dễ hiểu, giá bên ngoài trại rẻ gấp hai lần so với bên trong. Ban quản lý trại cố tình làm như vậy để bán giá cắt cổ từ các  cửa hàng bên trong trại, có lẽ là của thân nhân hay gia đình họ.

Trời bắt đầu kéo từng cụm mây xám cuốn về bao quanh trại. Gió hiu hiu. Đã dịu bớt đi cái nóng và trời đang chuẩn bị chuyển mưa . Tôi nhìn sang bên chị Nguyệt . Chị đã ngủ từ bao giờ. Vài hàng nút áo của chị bật ra. Một vòng ngực trắng căng đấy và no tròn đang phập phồng theo nhịp thở. Khuôn mặt trái xoan, sống mũi cao và hàng lông mi cong vút. Phải nhìn nhận chị có một vẻ đẹp đến man dại, ngoại trừ làn da mặt hơi đen có thể do dãi dầu mưa nắng . Tôi nhìn ra ngoài sân, vài người chạy vội đi gom những quần áo phơi bên ngoài trên các hàng dây quanh trại. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Tiếng mưa gõ trên mái tôn những âm thanh lộp độp và đều đặn nghe đến buồn phiền. Mưa kéo dài hết cả buổi chiều. Tôi chuẩn bị cho bữa cơm tối. Chị Nguyệt cũng đã thức dậy và lấy một ít gạo ra vo. Mưa đã bớt nặng hạt. Tôi mồi lửa và đốt than đá. Tôi lấy thức ăn lãnh buổi sáng treo lên vách bếp đem xuống. Cúng vẫn bộn cũ xoạn lại. Nhưng có chút ít thay đổi. Bó rau còn lại để dành cho ngày mai, chỉ nướng thêm vài con cá khô nữa cho bữa tối. Ăn uống và dọn dẹp xong thì quanh trại cũng đã lên đèn. Chị Nguyệt lấy chiếc đèn dầu con khơi lại tiêm và đốt lên. Mưa lúc này đã dứt hẳn. Trời dễ chịu hơn. Hai đứa tôi nằm bên nhau và nhìn ra ngoài trời đêm. Chị gợi chuyện trong đôi mắt chớp buồn :

- Lâu lắm rồi chị mới có một bữa ăn chung như thế này. Mình nghèo quá chẳng có thân nhân viện trợ, chẳng ai muốn kết bạn. Đi về và mỗi bữa ăn cũng chỉ thui thủi một mình. Hôm nay có Hằng ở chung chị có bạn tâm sự đỡ buồn.

Tôi hiểu cảm giác và tâm trạng chị. Giống như suy nghĩ của tôi bây giờ . Tôi quay qua nhìn chị và thắc mắc hỏi:

- Chị ở đây lâu quá rồi sao chưa có nước nào nhận chị? Chị không có cách gì để xin đi định cư nhân đạo à?

Chị nhìn lên trần nhà và nén tiếng thở dài trả lời tôi:

- Đã hết cách Hằng ạ ! Phái đoàn Hoa Kỳ không nhận vì gia đình chị không phải diện có làm việc với chế độ cũ và bản thân chị cũng vậy . Còn các nước nhân đạo khác thì năm ba tháng họ mới đến đây một lần, mà mỗi lần họ chỉ nhận có năm bẩy chục người là hết mức. Trước chị thì còn gần cả ngàn người chưa được gọi tới thì làm sao đến mình.

Ngưng một chút chị Nguyệt nói tiếp:

- Hằng biết không! Hơn năm năm nằm ở đây, chị cứ đếm thời gian qua dần. Bao nhiêu người đến rồi đi, chị chẳng nhớ hết. Mà riêng mình thì vẫn nằm tại chỗ . Chị chán nản cùng cực. Chị cũng đã tìm hiểu xem có thể trở về Việt Nam hay không nhưng nghe chừng chưa có chính sách này . Gia đình chị ở tận trong quê, miệt Cái Răng, Cần Thơ. Chị chỉ có mẹ và một đứa em trai. Buôn bán cực khổ quá mà vẫn thiếu trước hụt sau. Cố gắng dành dụm lắm mới đi thoát được, hy vọng là ra được nước ngoài còn có thể cứu cả gia đình. Ai ngờ lại như thế này. Biết trước như vầy chị thà chẳng đi còn hơn.

Tôi chạnh lòng xót xa dùm chị và liên tưởng đến mình. Chưa biết sẽ ra làm sao. Ba tôi là sĩ quan chế độ cũ, còn chút hy vọng. Tôi nhìn kỹ lại chị. Năm năm trước lúc đến đây chị cũng ở tuổi tôi bây giờ. Không biết chị còn chôn vùi tuổi thanh xuân của chị ở đây cho đến bao giờ. Tôi tò mò hỏi chị:

- Em thấy chị có nhan sắc. Sao không tìm xem ai thích hợp có thể thành hôn rồi đi theo họ. Em cũng nghe có nhiều trường hợp như vậy mà !

Chị cười, trong cái cười đó tôi thấy chứa đựng nhiều xót xa. Chị nói với tôi:

- Chị cũng đã. Trước đây chị cũng biết điều đó . Chị cũng đã tìm hiểu vài ba người, nhưng cuối cùng chẳng ra gì. Họ chỉ lừa dối để lợi dụng xác thịt của mình . Khi được rồi thì họ chẳng giúp gì mình. Họ sợ rắc rối trong vấn đề định cư của họ. Bây giờ chị đã chán và chẳng dám tin ai nữa. Chỉ đánh phó mặc cho trời !

Tôi hỏi thêm chị:

- Rồi chị có liên lạc với gia đình không?

Chị trả lời: :

- Có liên lạc nhưng không thường xuyên lắm. :

- Gia đình chị như thế nào? :

- Cũng vẫn vậy nhưng đời sống càng lúc càng khó khăn. Chị cũng chẳng dám kể cho mẹ chị nghe mọi chuyện ở đây. Lâu lâu chị cũng cố để dành chút tiền gởi về cho mẹ. :

Tôi trố mắt ngạc nhiên nhìn chị và hỏi:

- Sao chị có tiền? Bạn chị cho à?

- Làm gì có ! Chị làm gì có may mắn ấy. Chị gánh nước thuê và giặt quần áo cho mấy người vượt biên giàu có quanh trại đó mà ! Em không thấy buổi sáng chị mất xác đến trưa rồi sao?

Chị trả lời tôi như thế sau cái cười. Thảo nào tôi chả thấy chị ngay cả lúc lãnh thực phẩm. :

Mỗi một đánh đổi đều có cái giá phải trả . Ai cũng có nỗi khổ riêng. Tôi phục cho ý chí chịu đựng và lòng hy sinh của chị. Tôi nằm suy nghĩ miên man và ngủ đi lúc nào chẳng hay.... :

Tôi ở trại thấm thoát đã gần sáu tháng. May mắn cho tôi, tháng thứ hai tôi đã bắt liên lạc với một chị bạn. Chị ấy hứa giúp tôi mỗi tháng 50 đô la chi dúng trong thời gian ở trại. Và tôi cũng hứa sau này định cư được tôi sẽ trả lại cho chị. Tôi đã được làm “Form”, chuyển sang cơ quan JVA của Hoa kỳ phỏng vấn, và đã chuyển sang INS tuyên thệ. Chỉ còn chờ danh sách ngày lên đường. Tôi và chị Nguyệt vẫn còn ăn chung với nhau. Tất cả cũng nhờ chị ấy. Nếu thời gian đầu không có chị ấy mình không biết phải xoay xở đời sống bằng cách nào. Chị đã lo cho đời sống của hai chúng tôi trên những giọt mồ hôi của chị. Hôm nhận được tiền của chị bạn hứa gửi cho, thú thật tôi đã mừng như bắt được vàng. Tôi chưa có dịp trả ân tình của chị Nguyệt. Sau khi đổi tiền, tôi ghé chợ và mua một cân thịt heo quay, món chị Nguyệt ưa thích mà từ khi đến trại này chị chưa được nếm qua. Mua hai ổ bánh mỳ và thêm một cân thịt heo, vài cân cá tươi, một ít bột ngọt, mắm muối, đường linh tinh...và một chai nước ngọt. Cũng vừa gần hết 20 đô la. Tôi quay về ổ ngủ của chúng tôi và chuẩn bị nấu nướng. Chị Nguyệt còn bận đi gánh nước và giặt quần áo thuê chưa về.

Tôi cắt hết tất cả thịt heo quay . Cá tươi thì kho chung với thịt heo tươi. Nêm nếm vừa đủ để ngon hơn thường ngày . Mọi khi, nếu chị Nguyệt làm công có tiền cũng mua về chút ít thịt tươi, tôi thì tiết kiệm để dành cho những ngày thiếu thốn thức ăn, chỉ dám bỏ nhiều nước và thêm muối vào. Nước ăn thì cạn mà thịt thì chẳng dám ăn nên ăn hoài không hết thịt. Chị Nguyệt thường trêu tôi “ bà tiên bán kẹo phỉnh”. :

Đến trưa chị Nguyệt đi làm về. Chị vô cùng ngạc nhiên trước bữa ăn quá ư thịnh soạn chưa bao giờ có của chúng tôi . Tôi kể chị nghe, hai đứa tôi vui lây và ăn một cách ngon lành đến ứ cả bụng. Chúng tôi đã có một ngày thật là vui vẻ để bỏ quên hết mọi phiền toái và lo nghĩ sau lưng.

Tôi đã ở đến tháng thứ chín vẫn chưa có danh sách lên đường. Đời sống chúng tôi đã tương đối đầy đủ nhờ vào số tiền chị bạn viện trợ mỗi tháng. Tôi dành chị Nguyệt phần lo ăn uống hàng ngày để chị nhẹ gánh lo cho mẹ. Nhưng chị vẫn cứ tất bật. Làm như đời sống phải có công việc. Tôi vẫn thường xuyên ra bưu điện mỗi ngày để dò danh sách và ngày lên đường. Và cũng không quên dò tìm tên chị. Hy vọng có một quốc gia nhận đạo nào đó gọi chị để phỏng vấn. Cũng có nhiều người được gọi tên nhưng chị thì vẫn mù mịt. Chị Nguyêt vẫn bận bịu với công việc của chị . Tôi thấy hình như chị làm nhiều việc hơn trước. Chị ít có mặt bên cạnh tôi như trước đây. Có nhiều đêm cũng chẳng thấy chị về. Lắm khi tò mò tôi muốn hỏi chị nhưng thấy chị có vẻ lo nghĩ nên lại thôi.

Một sáng ngày cuối tuần không có danh sách mới nên tôi không ra bưu điện dó “list”. Chị Nguyệt vẫn còn nằm ngủ vùi bên cạnh. Mọi khi vào giờ đó chị đã thức dậy lao vào công việc. Tôi nghĩ chị ngã bệnh. Mấy hôm tối cứ thấy chị nôn mửa liên tục. Tôi khuyên chị nên nghỉ làm việc và đi bệnh viện khám bệnh. Chị cứ ậm ừ cho qua rồi thôi. Tôi muốn đưa chị đi nhưng chị lại từ chối. Tôi chẳng biết chị có tự đi hay không nữa ...Sau đó tôi ra chợ mua một ít thịt, vài viên thuốc cảm và về nấu cháo cho chị. Tôi đánh thức chị dậy, ép chị ăn cháo và uống thuốc. Chị vẫn còn thấy mệt mỏi và không muốn nuốt nổi. Buổi trưa rồi chiều tôi lại ăn cơm một mình. Chị Nguyệt chẳng ngồi dậy nổi ngoại trừ lúc chị cần uống nước . Tôi bước ra sân đi một vòng và đứng nhìn trăng. Trời không sáng mấy. Một cặp tình nhân đang ngồi bên nhau tâm sự dưới góc cột đèn. Tôi quay vào ổ ngủ và nằm xuống cạnh chị Nguyệt. Chị vẫn trăn trở . Tôi nghe tiếng chị thở dài. 

Giữa khuya, tôi giật mình thức dậy bởi tiếng la náo động bên hướng nhà vệ sinh. Có người tự tử. Tôi nhìn sang bên cạnh. Không thấy chị Nguyệt đâu, có lẽ chị đã đi ra ngoài để xem rồi. Tôi xỏ dép và bước lần theo hướng có tiếng la . Xe cấp cứu đang tới và vài người đang cắt dây gỡ một phụ nữ treo cổ trên nóc nhà vệ sinh xuống, đặt nằm trên một chiếc băng ca. Tò mò, tôi cố lách đám đông và len lỏi vào tận bên trong để nhìn. Tôi suýt rú lên. Người nằm trên chiếc băng ca không ai khác hơn là chị. Chị Nguyệt của tôi. Đôi mắt chị nhắm nghiền và thân thể dường như cứng đờ. Chiếc xe cấp cứu chở chị đi rồi mà tôi vẫn còn đứng bất động như trời trồng.

Tôi quay về lại nơi ở và thẫn thờ ngồi xuống. Gối mền bên chỗ của chị đã xô lệch. Tôi xếp gọn lại. Vô tình một góc của một bì thư lộ ra trong bao gối. Không nén nổi tò mò tôi mở ra đọc. Hai lá thư nắm xếp gọn và thời gian cách nhau ba tháng. Một lá thư với ngày tháng cũ của người em trai viết cho chị báo tin mẹ bệnh nặng và đang cần tiền thuốc men, bệnh viện. Lá thư thứ hai mới nhận chỉ một tuần, báo tin đã nhận đủ 1000 Đô la của chị gởi về. Tôi chợt hiểu ra lý do chị thường xuyên vắng mặt nhiều lúc sau này. Chị đi làm kiếm tiền gởi về cho mẹ. Chị hy sinh đến nỗi quên cả giữ gìn sức khoẻ của mình. Tôi cảm động và bất giác nước mắt trào quanh trên mặt. Tôi đặt những tờ thư lại chỗ cũ nằm xuống trằn trọc cho đến sáng.

Trời còn tờ mờ tôi đã vội thức dậy và tìm lên bệnh viện. Thật lâu tôi mới biết tin chị từ một người y tá Việt Nam cũng là một người tị nạn trong trại. Chị y tá cho biết không cứu được chị Nguyệt vì chị yếu quá, hình như chị đang có thai trong bụng. Thêm một ngỡ ngàng đến với tôi. Tôi không tin là như vậy được, bởi nếu chị có quan hệ tình cảm với ai chị đã chẳng giấu giếm tôi. Tôi cũng đã thường xuyên khuyến khích chị điều này mà. Và nếu có thật như vậy thì đây cũng không phải là cách giải quyết. Bất giác tôi liên tưởng đến những người lính Thái trong trại thường đến gặp chị sau này. Tôi cũng nghĩ chỉ là những quan hệ bình thường. Thêm vào số tiền quá lớn trong trại mà chị đã gởi về cho mẹ. Không ngờ chị đã sa lầy. Đâu có ai ngờ rằng...Chỉ có trường hợp này mới có thể đưa chị đến quyên sinh sai lầm như vậy. Tương lai chị quá mờ mịt. Cả một gánh nặng gia đình trên vai. Chị đã đến trước ngưỡng cửa thiên đường nhưng cánh cửa không rộng mở để chấp nhận cho chị vào. Chị lại vấp thêm một lần lầm lỡ nữa . Còn tôi, tôi đã có may mắn hơn chị. Cửa thiên đường đã chấp nhận tôi bước vào. Cả một tương lai đang đợi tôi trước mặt. Riêng chị, chị đã quyết định quay lưng lại ngưỡng cửa thiên đường đã từ chối mình để chọn một lối rẽ khác . Ở đó không có sự lừa dối, những lo lắng, ưu tư hay buồn phiền. Chị đã dùng phần đời còn lại của chị để hy sinh cho gia đình trước lúc làm một cuộc buông xuôi .

Tôi thẫn thờ quay ra khỏi bệnh viện. Sương mai tan dần. Nắng bắt đầu lên . Tôi nghe âm thanh vụn vỡ của tiếng guốc khua gõ đều nhịp buồn trên đất. Những ngày còn lại chờ đợi lên đường, tôi không còn có ai bên cạnh. Tôi đã tìm cho mình một lý giải đúng nghĩa về chị. Dẫu chưa biết chị quyết định đúng hay sai. Chỉ có một điều cuối cùng an ủi chị theo một triết lý xưa cũ : “ Có lẽ tất cả do số mạng.” Và có thể sẽ có một thiên đường nào khác ngoài thiên đường nhân gian sẽ đón nhận chị bước vào chăng? Thấp thoáng dáng chị đâu đây trong trí tưởng tượng của tôi. Tôi thấy khoé mắt mình cay và chừng như nhạt nhòa...

Nguyễn Thị Thanh Hằng

No comments:

Post a Comment