Tâm lý mọi người nói chung, khi đến nơi giàu sang tốt
đẹp hơn quê nhà thì khen hết lời, khen để học tập. Đó là chuyện đương nhiên.
Tuy nhiên người Việt sống trong chế độ cộng sản, thì việc khen chê phải có định
hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhớ hồi năm chín mấy của thế kỷ trước, lúc ông phó thủ tướng Trần Đức Lương mới
đi thăm Mỹ về, tui phỏng vấn ông ta về nước Mỹ. Ông vô tư khen nước Mỹ nhiều thứ
lắm, nhưng sau đó chợt nhớ ra, ông tự chấn chỉnh lại, "nhưng nước Mỹ cũng
có nhiều cái xấu lắm", tui hỏi cụ thể xấu cái gì thì ông lúng túng nói
chung chung, nó bóc lột công nhân ghê lắm, nó tự do dân chủ quá trớn nên xã hội
luôn mất ổn định...
Cũng vào thập niên 90, tui có mặt trong đoàn nhà báo đi thăm Hàn Quốc do anh Võ
Như Lanh, tổng biên tập TBKTSG làm trưởng đoàn. Từ trong quê mùa của những năm
90, thấy Hàn Quốc, ai cũng choáng ngợp, đi đến đâu, thấy cái gì cũng khen ngất
trời. Khen nhiều đến mức mà một nhà báo tiến bộ như anh Lanh cũng thấy không ổn,
anh chấn chỉnh: khen nhiều rồi, bây giờ chúng ta phải tìm ra cái chi xấu, cái
chi thua VN để chê. Vậy mà cả đoàn nhà báo gần 10 người, trong ba ngày còn lại
không tìm ra một cái gì xấu, cái gì thua VN để chê. Cuối cùng tui bông phèn một
câu rất mất quan điểm lập trường: Thằng Hàn quốc tệ hơn VN là không chịu để cho
Triều Tiên giải phóng.
Bây giờ tui qua Cali ở gần một tháng, mới khen phở Cali ngon và khen chuyện quản
lý chăm sóc trẻ con tốt đã bị nhiều người Việt XHCN, cháu ngoan bác Hồ nhảy bổ
vào chửi bới, địt mẹ thằng bu càng nịnh Mỹ, khen cả cứt Mỹ cũng thơm hầu xin xỏ
suất tị nạn hoặc lợi lộc gì đó.
Chừ tui sợ quá, bằng tự điều chỉnh, tìm cách chê Cali đây.
Thời tiết, đất đai và thổ nhưỡng Cali tệ hơn VN rất
nhiều. Bay từ San Francisco xuống Los Angeles, nhìn xuống thấy cả một vệt đất
khô cằn, núi đồi trùng điệp phủ toàn một màu vàng khô của cỏ cháy hoặc của đất
đá trơ cằn, mỏi mắt tìm một chút màu xanh không thấy.
Khi máy bay hạ thấp xuống mới thấy được cây xanh trong các khu dân cư và trong
các thành phố. Trái với VN, bay ra khỏi thành phố là thấy màu xanh ngút ngàn.
Cali mưa ít, phía tây tiếp giáp với sa mạc nên thiếu nước trầm trọng. Hầu hết đồi
núi đều khô trọc, nơi nào có rừng thì phần lớn là các loại cây có dầu như
thông, tùng, sồi và cây gì đó rất giống cây bạch đàn...không khí lại rất khô
nên cháy rừng xảy ra thường xuyên dù không bị đốt. Ngược lại ở VN ta rừng bị cố
ý đốt liên miên nhưng cũng chỉ cháy chút chút rồi tự tắt chẳng cần phải cứu chữa
khổ sở như ở Cali .
Chủng loại cây đã ít mà chủng loại chim thú càng ít hơn VN. Tuy nhiên số lượng
của chúng thì nhiều vô cùng. Chim ở đây thịt rất dỡ nên không ai thèm bắt ăn.
Ngỗng, ngan, vịt trời, le le mập ú tràn ngập các hồ nước, công viên, có lẽ thịt
nó tanh lắm và máu nó hôi hơn ngỗng vịt ở VN nên không bị bắt làm món tiết
canh. Tự dưng rất tự hào khi nhớ đến lời ngài phó thủ tướng tiến sĩ kinh tế
Vương Đình Huệ khi ngài cho rằng vịt trời là mũi nhọn xuất khẩu đặc sản của VN.
Con người ở Cali bị khó dễ mọi điều, bị cấm đoán đủ thứ như cấm uống rượu bia
nơi công cộng, cấm hành hạ thú cưng và gia súc, cấm cả việc đụng chạm đến chim
muông đến cả con sò con ốc, viên đá vô tri. Hôm qua tui mới đến chơi ở bãi biển
Laguna và Dana Point, thấy có biển cấm to đùng cắm ngay bên mỗi cổng xuống biển
với nội dung: Không dắt chó xuống biển, không dẫm đạp nghêu sò và tất cả các loại
sinh vật biển, không nhặt lượm võ nghêu sò ốc hến, không nhặt sỏi đá, không
thay đổi vị trí của các viên đá sạn...Vì thế mà nhà cầm quyền Mỹ rất tệ khi đã
bắt phạt một vị đường đường đại sứ Việt Nam chỉ vì vị nầy vô tư mò ốc trên suối
để cải thiện.
Cali rất thiếu bê tông, hầu hết nhà cửa phải làm bằng gỗ và vật liệu tổng hợp
đã đành đến các ao hồ sông suối ngay trong lòng thành phố cũng hiếm khi được kè
bê tông hoành tráng như Hồ Tây của Hà Nội. Các khu hoang dã thì để dưới mức
hoang dã, đường đất quanh co, cây cối mọc nghiêng ngã lộn xộn, um tùm. Nơi nào
buộc phải làm đường bê tông để du khách đi lại cho dễ thì hai bên đường trồng
cây cối lau lách lên um tùm che khuất người với chim thú bên trong, thỉnh thoảng
lắm mới bố thí cho người một chỗ nhòm chim thú hai bên đường bằng cách cắt thấp
cây cỏ một ô chừng vài mét. Hồ Tây và các bờ sông vào thành phố ở VN sạch tưng,
đố hòng tìm thấy một bụi lau sậy hoang dã...làm bẩn cả mắt.
Đất đai Cali rộng hơn VN nhưng toàn đất hoang đồi trọc, dân số thì ít hơn rất
nhiều lại không thuần và ngoan như dân VN.
Dân Cali là một tập hợp hổ lốn phức tạp gồm da trắng, da đen, da vàng, da đỏ...đến
từ mọi phương trời, ngôn ngữ thì hầm bà lằng gồm tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha,
tiếng Tàu, tiếng Việt...Hì hì, lại không có tiếng Mỹ, thế có ốt dột
không.
Dân Cali không ngoan vì họ chẳng sợ thằng nào kể cả thống đốc hay tổng thống và
cũng chẳng thằng nào sợ họ. Họ chỉ sợ mỗi pháp luật, đứng trước pháp luật thằng
nào cũng như thằng nào, cũng xanh mặt, thun cu kể cả thằng tổng thống. Nghe
ngài Trump đang bị thế. Ngược lại dân VN tuy ngoan ngoãn nhưng rất anh hùng, chẳng
sợ pháp luật, chỉ sợ thằng lãnh đạo cấp trên và thằng chí phèo thôi.
Dân số Cali chỉ gần 40 triệu, đất đai cằn cỗi, tài nguyên không nhiều, nhưng nó
làm ra tiền khủng khiếp, GDP nó đứng thứ 6 toàn cầu nghĩa là nó chỉ thua 5 nước
Mỹ, Tàu, Nhật, Đức, Anh mà thôi. Điều đó chẳng tốt lành gì, vì của cải đó phần
lớn do bóc lột người lao động mà ra. Chỉ 40 triệu người mà làm ra lượng của cải
khổng lồ đứng thứ 6 thế giới thì cường độ bóc lột, vét kiệt tâm sức người lao động
đến mức cùng cực như thế nào khó mà kể siết. Do vậy nhận định của ngài Trần Đức
Lương hoàn toàn không sai.
Nhà cầm quyền tư bản Cali nói riêng và nước Mỹ nói chung, rất lạnh lùng và vô
ơn. Viết bài bưng bô ca ngợi nó bao nhiêu nó cũng chẳng thèm biết ơn tặng cho
người viết phong bì hoặc ưu tiên cho một chút lợi lộc nào đó như ở VN. Ngược lại,
nói xấu nó hay nói xấu làm mất uy tín lãnh đạo của nó, nó cũng rất vô cảm, chẳng
thèm care.
Do vậy tui viết bài chê Cali này là nhằm phục vụ cái sướng cho các vị cháu
ngoan bác Hồ, những con người mới xã hội chủ nghĩa, mong các vị tha thứ mà cho
tui một suất trở về VN quê hương an toàn.
PS: Tui chỉ quanh quẩn Cali nên chỉ dám chê Cali, tui mà đi hết nước Mỹ
thì phải biết, tui chê không còn manh giáp nào.
Ảnh: do tui chụp, mô tả cây cỏ ngổn ngang lộn xộn
trên con đường đất ven hồ và trên bờ hồ của cái gọi là công viên quốc gia ngay
trong lòng một thành phố ở Nam Cali.
Huỳnh Ngọc Chênh
Huỳnh Ngọc Chênh
No comments:
Post a Comment