Wednesday, February 27, 2019

Máy Nhắc Chữ Hoạt Động Như Thế Nào?

Tổng thống Donald Trump và máy nhắc chữ trong dịp phát biểu Thông điệp Liên bang ngày 5/2/2019. Ảnh: USA Today

Mỗi lần có tổng thống Mỹ phát biểu, nhiều người Việt Nam ta lại xôn xao chuyện họ có thể “nói vo” suốt mấy chục phút, thậm chí cả tiếng đồng hồ mà không cần cầm giấy đọc. Hàm ý ở đây là so sánh lãnh đạo Mỹ với lãnh đạo nước ta, vốn phát biểu lần nào cũng cắm đầu vào giấy đọc những bản văn chán ngắt.
Chuyện lãnh đạo Mỹ giỏi hơn lãnh đạo ta về đủ mọi thứ, trong đó có cả kỹ năng hùng biện, thì đã đành. Nhưng kỳ thực thì các tổng thống Mỹ không thường xuyên “nói vo” như nhiều người tưởng. Thay vì cắm đầu vào giấy đọc, họ dán mắt vào những máy nhắc chữ được bố trí khá tinh vi khiến ai không để ý kỹ cũng không nhận ra.
Trong tiếng Anh, máy nhắc chữ (hay nhiều người gọi là máy nhắc vở) là teleprompter.

Hãy xem hình ảnh dưới đây để hiểu rõ hơn.
Ảnh Getty

Tổng thống Mỹ đọc bài phát biểu của mình từ những tấm kính được sắp đặt một cách khéo léo ở hai bên. Do những tấm kính này có màu xám và có thể nhìn xuyên qua, nó gần như không gây chú ý trong hầu hết các khung hình.
Đối với cử toạ ở dưới, họ vẫn có cảm giác tổng thống đang nhìn về phía họ chứ không phải đọc từ máy nhắc chữ. Đâm ra, trông có vẻ như vị tổng thống đang “chém gió” những lời từ gan từ ruột trực tiếp tuôn ra nhưng kỳ thực không phải.
Cơ chế hoạt động của máy nhắc chữ kiểu này khá đơn giản.

Cái mọi người thường nhìn thấy là hai tấm kính màu xám nhìn xuyên suốt trước mặt tổng thống. Dưới chân hai tấm kính này là hai màn hình chạy chữ. Chữ trên màn hình này bị đảo ngược để khi phản chiếu lên hai tấm kính thì nó hiển thị đúng chiều.

Hình minh hoạt ứng cử viên Donald Trump phát biểu chấp nhận đề cử tổng thống của đảng Cộng hoà năm 2016. Ảnh: AP.

Một hình ảnh đầy đủ hơn của bộ máy nhắc chữ này từ góc nhìn của diễn giả:
Ảnh: Alibaba.

Các màn hình này kết nối với máy tính chạy chữ và một người điều khiển ở hậu trường. Người điều khiển này sẽ cho chữ chạy theo nhịp đọc của tổng thống, tuỳ diễn biến thực tế. Nếu tổng thống dừng đọc khi cử toạ vỗ tay, họ cũng cho chữ dừng theo.
Cơ chế phản xạ ánh sáng khiến cho chỉ có từ vị trí của tổng thống thì mới nhìn thấy chữ trên hai tấm kính. Lệch ra khỏi vị trí đó thì không thấy chữ chạy nữa. Nếu có ai chọn được vị trí quan sát nằm trên cùng một đường thẳng giữa tấm kính và vị trí của tổng thống, cùng chiều quan sát với tổng thống, thì mới nhìn thấy được chữ chạy trên tấm kính đó. Nhưng cũng ít ai tiếp cận được với góc quan sát này.

Một kỹ thuật viên đang chỉnh lại máy nhắc chữ cho ông Trump. Ảnh: AP.

Nói như vậy không có nghĩa là các tổng thống Mỹ và lãnh đạo phương Tây không phát biểu “vo”, nghĩa là không cần giấy hoặc thiết bị trợ giúp. Tuy nhiên, họ có xu hướng sử dụng máy nhắc chữ nhiều hơn hẳn để phát biểu, đặc biệt là trong các sự kiện quan trọng.
Lãnh đạo Việt Nam cũng sử dụng máy nhắc chữ vào một dịp hiếm hoi: đọc thư chúc Tết đồng bào vào mỗi đêm giao thừa. Khi đó, ta sẽ thấy vị chủ tịch nước không cầm giấy mà nhìn thẳng vào máy quay trước mặt. Ngay bên dưới máy quay đó có máy nhắc chữ nên khi lên hình thì tựa như vị chủ tịch nước đang nhìn thẳng vào máy quay vậy.
Kỳ thực thì chuyện đọc bài phát biểu trên máy nhắc chữ hay cầm giấy đọc chẳng quan trọng gì cho lắm, xét về mặt nội dung. Cái máy chẳng làm cho bài phát biểu hay hơn. Cầm giấy chẳng làm cho bài phát biểu tệ hơn. Hay hay dở nằm ở nội dung bài phát biểu. Trước khi máy nhắc chữ được phát minh ra vào thập niên 1950 thì các tổng thống Mỹ cũng cầm giấy đọc cả, và họ để lại những bài diễn văn bất hủ. Còn với những bài phát biểu nhạt nhẽo mà lãnh đạo nước ta hay đọc, thì có sử dụng máy nhắc chữ cũng chẳng làm cho nó “mặn mà” hơn được.

Cũng xét về mặt nội dung thì chuyện có máy nhắc chữ hay cầm giấy phát biểu, so với nói vo, cũng chẳng quan trọng gì cho lắm. Có lẽ ta không nên đánh giá lãnh đạo qua tài “học thuộc lòng” của họ làm gì, vì nó không nói lên nhiều điều. Một số lãnh đạo Việt Nam có thể nói vo những bài dài, nhiều số liệu chỉ vì đi đâu họ cũng nói mỗi một bài đấy, nói nhiều nên thuộc.


Nguồn: www.luatkhoa.org

Bạn có thể xem video dưới đây để hiểu thêm cách các máy nhắc chữ này hoạt động.

No comments:

Post a Comment