Tôi bị đánh thức
bởi 1 tiếng động nhẹ bên ngoài cửa sổ. Chắc lại mấy con mèo hoang! Nghĩ thế, với
tay lấy cái điện thoại, tôi nhìn đồng hồ: 23:55 đêm. Trong nhà rất lạnh, có lẽ
khoảng 50 F. Tôi lại nằm xuống cái ghế bố, ráng dỗ lại giấc ngủ. Lại một tiếng
động khác, ngọn đèn bên ngoài hông nhà tự động bật sáng, và tôi nghe một tiếng
ho nhẹ. Lần này tỉnh ngủ hẳn, tôi nhón gót đến cạnh cửa sổ, vén nhẹ rèm cửa
nhìn ra. Tôi thấy một cô gái, áo khoác trùm kín đầu, ngồi thu lu một góc, mấy
ngón tay đang gõ trên phím điện thoại như đang liên lạc với ai. Trong nhà vẫn tối
om, tôi nín thở quan sát nhưng vẫn không thấy rõ mặt cô ta vì khuất trong một
góc tường.
Thưa các bạn,
đây là căn nhà cho thuê của tôi mà người thuê vừa dọn ra tháng trước nên không
có người ở và cũng không có máy sưởi lẫn nước nóng; nhưng là một địa điểm tuyệt
vời cho những con nghiện hay dân không nhà lấy đó làm nơi qua đêm và chích
choác mà không lo bị cảnh sát làm phiền. Bên kia đường là một công viên nhỏ,
nơi tụ tập của bọn này để mua bán thuốc chích và bạch phiến. Từ nơi đó, họ quan
sát căn nhà đã lâu mà tôi không hay biết. Một hôm tôi chở thêm vật liệu để sửa
chữa căn nhà, vừa bước vào, tôi như không tin ở mắt mình: Cửa sau trông ra vườn
mở toang, đặc biệt cửa kéo (patio sliding door) bị cạy; tất cả ngăn kéo tủ đều
bị lục lọi, dấu vết rõ ràng của 1 vụ trộm. Tội chạy lại căn phòng nhỏ, nơi tôi
để tất cả dụng cụ, đồ nghề cho việc sửa nhà. Tất cả bị dọn sạch sẽ.
Tôi không biết nếu
một người bị trộm cạy cửa, vô nhà, và lấy cắp đồ đạc, có cảm giác như thế nào?
Riêng tôi, cảm giác hụt hẫng và giận dữ thật sự vì ngoài việc mất của cải thì tôi
nghĩ sự riêng tư của tôi vừa bị tên trộm xâm phạm vào một cách thô bạo. Ở một đất
nước tự do và giàu có như Hoa Kỳ, nơi mà bạn muốn chết đói còn khó hơn làm giàu,
trộm cắp vẫn xảy ra. Trong khi tôi vất vả đi làm ban ngày, thì bọn chúng ăn no,
hút sách, chích choác, và ngủ kỹ; trong khi tôi ngủ để lấy lại sức đi làm cho
ngày hôm sau, thì bọn chúng vừa thức giấc và bắt cũng đầu một ngày đi “làm ăn”.
Hai thời khóa biểu khác nhau của hai người cùng “vất vả” và “tận tụy” với nghề
nghiệp như thế, thì ai là người sẽ làm tiền dễ hơn? Câu hỏi mà không cần trả lời,
phải không các bạn.
Vụ trộm này làm
tôi cảm thấy bất an. Tôi gọi 911. Họ nói sẽ gởi cảnh sát đến, hãy chờ và để
nguyên hiện trường. Tôi chờ hơn 6 tiếng đồng hồ, không ai đến. Liên tiếp mấy
ngày sau, bọn trộm lại vô nhà, hái cam sau vườn và ăn uống xả rác đầy trong
nhà, để lại đồ nghề hút sách, và thậm chí cây xà beng của tôi mà chúng đã ăn trộm
trước đây. Sau 3 ngày vừa gọi phone vừa chờ cảnh sát đến làm biên bản một cách
vô vọng, tôi quyết định sẽ tìm công lý cho riêng mình mà không cần họ. Tôi rủa
thầm bọn cảnh sát ăn hại tiền thuế của dân mà khi dân cần thì không đứa nào đến.
Tôi lên kế hoạch để bắt quả tang những tên trộm và dạy cho chúng một bài học.
Nhẹ nhàng xỏ chân vào đôi giày, tôi đút cây
đèn pin 1000 lumens (1) vào túi quần, tay trái giữ chặt cây gậy bóng chày
(baseball bat), và tay phải khẩu súng trường shotgun Mossberg, 12 gauge (2).
Tôi chợt nghe có tiếng thủy tinh vỡ ở một phòng ngủ góc phía Tây. Men theo hành
lang ngang qua nhà bếp, tôi khẽ khàng ghé mắt nhìn vào thì thấy mờ mờ 1 bóng
người đàn ông ngoài cửa sổ, sau chấn song sắt bảo vệ. Hắn vừa đập vỡ kính với ý
định sẽ lòn tay vô trong để mở chốt cánh cửa sổ. Tôi phải làm gì? Bắn hay đập bằng
gậy? Tim tôi đập nhanh vì bao nhiêu ý nghĩ giằng co trong đầu. Không biết bọn
này có mấy đứa?
Nếu bắn thì phải đợi nó chui hết cả thân mình
vào trong phòng rồi mới bắn. Phải bắn phía trước chứ không nên bắn sau lưng.
Tôi đã từng đọc báo và biết nhiều chuyện chủ nhà bắn trộm mà phải vào tù vì
chúng bỏ chạy và chủ nhà bắn theo sau lưng. Luật sư của tên trộm biện hộ rằng
thân chủ tôi đã sợ và bỏ chạy rồi mà còn bị bắn trọng thương từ sau lưng trong
khi mạng sống chủ nhà không bị đe dọa. Luật lệ xứ này thật lắm rắc rối và nhiêu
khê! Thêm một câu hỏi của lương tâm: Nó có đáng bị bắn chết vì tội ăn trộm không?
Là một người Thiên
Chúa giáo, tôi không được phép giết người khi mạng sống mình không bị đe dọa.
Chỉ đấng Tạo Hóa mới có quyền đó. Lương tâm cho tôi biết tên trộm này không
đáng bị giết chỉ vì tôi mất một ít của cải, ngược lại tôi sẽ cứu được một mạng
người, dù mạng sống của hắn chỉ là thứ giẻ rác của xã hội. Nhưng trong lòng tôi
thì cơn giận đang sôi lên. Tôi phải làm gì?
Tôi có thể dọa
cho nó sợ mà bỏ chạy bằng cách lên đạn cây shotgun và bắn 1 phát qua cửa sổ. Nội
tiếng kim khí va chạm nhau nghe cũng đủ lạnh người và tiếng nổ long trời của khẩu
súng trường sẽ làm một người gan dạ thất kinh hồn vía, ướt cả quần, người yếu
bóng vía có thể quỵ ngã tại chỗ không chạy nổi.
Tay cầm súng của
tôi chợt lỏng ra và chùng xuống một chút. Hay tôi sẽ đợi đến khi nó chui hẳn
vào trong phòng ngủ, sẽ lên đạn và bắn 1 phát ra ngoài cửa sổ để cướp tinh thần,
sau đó mới tấn công bằng gậy. Nếu đánh thì đánh làm sao? Vào đầu, thân mình,
hay tay chân? Tôi quyết định sẽ đánh vào mặt để má nó có nhìn cũng không ra, sau
đó quất mạnh vào chân để nó không thể đứng vững và chống trả lại, rồi bồi tiếp
vào thân mình, hai cánh tay để nó không còn đi ăn trộm được nữa. Nghĩ như vậy
nhưng chưa biết phải làm sao.
Một ý nghĩ khác
chợt đến. Tôi nhón gót đi ra phía nhà bếp và gọi 911 dù không mong họ sẽ đến, dầu
sao cũng nên cho họ biết chuyện đang xảy ra, nếu tôi có bắn hay đánh tên trộm bị
thương tật thì tôi sẽ chứng minh rằng đã từng gọi cảnh sát nhiều lần rôi, và
đây cũng là một trong những cú phone đó. Tôi thì thầm vào điện thoại và cô nhân
viên nối cuộc gọi của tôi đến cảnh sát ngay lập tức. Họ nói tôi đừng gác phone,
cố gắng theo dõi diễn biến và tường trình chi tiết nhất có thể để kể mọi sự cho
họ nghe. Sau khi nói địa chỉ nhà, tên tuổi, số an sinh xã hội, ngày tháng năm
sinh, và số phone liên lạc. Họ muốn biết chắc tôi là người tốt và là nạn nhân
thật đã từng gọi cảnh sát nhiều lần về vụ trộm này chứ không phải ai đó gọi phá
rối.
Họ hỏi rất nhiều
câu hỏi và liên tục không ngừng như có ai đang ở với tôi lúc này không? Bọn
trộm có bao nhiêu người? Có vũ khí không? Những tên trộm đang ở hướng nào của
căn nhà và đang làm gì? Họ cũng hỏi tôi có vũ khí không? Tôi nói có một khẩu
shotgun và tôi có ý định sẽ bắn nếu mạng sống tôi bị đe dọa. Họ nói ông nên chắc
chắn rằng trên tay của bọn trộm có vũ khí khi ông bắn hạ họ. Cảnh sát còn hỏi
nhiều nữa nhưng lúc nào cũng nhắc nhở tôi đừng cúp phone.
Chợt sân trước và sau nhà tôi sáng rực lên cộng
với tiếng động cơ trực thăng phành phạch trên cao và đèn từ máy bay rọi xuống. Nhìn
ra con đường trước nhà, tôi thấy khoảng 6,7 cảnh sát mặc đồng phục, súng trong
tay và dẫn theo 1 con chó, đang chia nhau tiến về phía nhà tôi từ 3 phía trong
khi cô cảnh sát khuyên tôi không nên mở cửa ra ngoài, đang ở đâu thì ở im tại
đó. Diễn tiến xảy ra y hệt như trong phim xi nê làm tôi cũng không ngờ, tôi vội
vàng đặt cây shotgun và gậy xuống.
Rồi tiếng cảnh
sát đập cửa, tôi cúp phone và ra mở cửa. Họ ào vô, vẫn súng chĩa thẳng vào
trong. Họ hỏi tôi cây shotgun đâu? Tôi chỉ cây súng dựa trong góc nhà bếp. Một
cảnh sát viên mời tôi bước ra khỏi nhà và qua bên kia đường ngồi vào 1 băng ghế
công viên. Tôi thấy nhiều nhà hàng xóm bật đèn sáng và màn cửa kéo sang một
bên. Trực thăng vẫn quần thảo trên không, đèn sáng rực rọi qua lại. Theo yêu cầu
của cảnh sát, tôi đưa chùm chìa khóa và họ mở khóa cổng bên hông rồi ùa ra vườn
sau; ít phút sau họ dẫn cô gái bị còng tay đi ra sân trước. Tên trộm đàn ông trốn
thoát một cách tài tình. Chiếc trực thăng tiếp tục rọi sáng các ngõ ngách trong
khu phố nhưng vẫn không tìm thấy ai chứng tỏ hắn rành từng ngõ ngách ở đây. Tôi
chợt rùng mình vì lạnh trong bộ đồ ngủ không đủ ấm hay tại mọi chuyện xảy ra
quá nhanh làm tôi run? Cả hai.
Sau khi họ chở
cô gái đạo chích đi, hai cảnh sát viên trả lại tôi cây súng, viết biên bản và
trao cho tôi bản copy, họ chào tôi và vội vã rời đi. Họ cho tôi biết đang có một
vụ khác mới xảy ra trong thành phố. Thế mới biết trộm đạo hiện đang hoành hành
rất nhiều trong mùa lễ cuối năm này. Họ đi rồi tôi mới nhớ ra, họ chưa trả lại
tôi xâu chìa khóa mà trong đó có cả cái VPN (3) mà tôi rất cần cho việc làm hằng
ngày của tôi. Tôi lại phải gọi 911 lần nữa, khoảng 15 phút sau một xe cảnh sát
trở lại và đưa tôi chùm chìa khóa với lời xin lỗi vội vàng.
Tôi trở vào nhà,
ngồi xuống, ước ao có một ly cà phê nóng cho ấm lòng mà không có. Ngồi nghĩ lại
diễn tiến vừa qua, mọi chuyện xảy ra quá nhanh đến nỗi mình chưa kịp làm gì thì
đã kết thúc. Giả sử cảnh sát không đến thì kết cuộc sẽ ra sao? Tuy tôi giữ thế
thượng phong, tôi có thể đánh trọng thương tên trộm. Hắn sẽ phải trả một giá
quá đắt cho hành động của mình. Nhưng tôi có vui gì khi nhìn một con người rên
la oằn oại trên nền nhà vì đau đớn? Rồi sau đó bị còng tay dẫn đi. Câu hỏi này
sẽ là sự thách thức cho lương tâm của mình đây. Nghĩ vậy mà không biết câu trả
lời.
Ngay hôm đó, đến
chỗ làm tôi vào mạng và kiếm ra 3 trường hợp cạy cửa nhà có liên quan đến bắn
chết người như sau, xin viết xuống đây để so sánh và làm bài học cho độc giả và
cho chính bản thân tôi.
Tựa đề “1 người đàn ông lãnh án chung thân vì giết 2 thiếu niên trong 1 vụ trộm nhà”. Luật tiểu bang Minnesota cho phép công dân được quyền sát thương (deadly force) khi tự vệ với một chừng mực nào đó. Năm 2012, hai thiếu niên cạy cửa vô nhà người đàn ông và cả hai bị bắn chết tại hiện trường. Ông này đã bị mất nhiều đồ vật và súng ống trong vụ trộm trước đây. Dù vậy, quan tòa và bồi thẩm đoàn đồng ý án chung thân vì ông ta đã lên kế hoạch (premeditated plan) để giết hai thiếu niên: Ông không đậu xe trước nhà làm bộ như chủ nhà đi vắng, rồi bình thản ngồi trên 1 cái ghế trong tầng ngầm, và chờ “con thú sập bẫy”. Chủ nhà, cũng là nạn nhân vụ trộm, phải ngồi đếm lịch suốt cuộc đời còn lại của mình trong tù. Thật mỉa mai làm sao!
Tôi hơi giật
mình vì nhận thấy nó giống trường hợp của mình. Tôi cũng đậu xe một chỗ xa và
âm thầm vào nhà với một cây súng. Như vậy nếu cảnh sát đến trễ một chút, và nếu
tôi bắn hay đánh tên trộm bị thương tích nặng nề thì có lẽ tôi cũng bị vào tù
và đền bồi thuốc men bệnh viện phí cho tên trộm. Thêm nữa tôi cũng có ý, sau
khi hạ tên trộm, tôi sẽ mang găng tay cao su và nhét vào tay nó cây xà beng mà
tôi đã đem theo đầy đủ khi phục kích tên trộm. Nếu điều tra, sẽ không khó cho cảnh
sát tin rằng đây là một kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng trước khi hành động. Cảnh
sát đến thật đúng lúc cũng là sự may mắn cho tôi và cả tên trộm vì cả hai sẽ có
một kết thúc không hề vui chút nào.
“Một tên trộm bị bắn chết sau khi trạm chán với chủ nhà ở Tucson, AZ”. Đầu tháng 1, 2019: Tên trộm đang cạy cửa vào thì chạm trán với chủ nhà. Hai người bắn nhau, chủ nhà bị thương, nhưng tên trộm chết trên đường đến bệnh viện. Cảnh sát vẫn đang điều tra để coi ai là người bắn trước, chưa biết ai phải trái. Trở lại trường hợp nhà tôi: Nếu tên trộm có vũ khí và chạm trán với tôi. Hắn sẽ bắn tôi chết khi có thể. Vậy tôi phải bắn nó trước hay đợi nó bắn tôi, rồi tôi mới bắn lại? Nhưng ai sẽ làm chứng cho tôi?
Sau khi bị trộm, tôi gắn camera quan sát và tôi
có được hình ảnh của 1 cặp nam nữ, đúng như sự mô tả của hàng xóm, đã đột nhập
vào nhà tôi. Bức ảnh cho thấy họ đi ngang sân sau, không vô bên trong, nhưng ngừng
lại và nhìn qua bức tường vào sân sau. Vài ngày sau, đang khi sửa nhà, tôi thấy
chúng nắm tay nhau đi dạo trên con đường phía trước nhà và quan sát chúng tôi,
chúng còn nhe răng cười với khổ chủ, mới bi hài làm sao! Xã hội gì mà chủ nhà thấy
tên trộm nhà mình ngay trước sân mà không dám và cũng không thể làm gì chúng?
Trong bức hình, chúng vẫn ở bên ngoài chứ không đứng bên trong sân nhà nên tôi
không thể chứng minh được chúng đã xâm phạm tài sản riêng tư của tôi, cho dù
hàng xóm nói có thấy chúng trong sân sau. Công lý đứng về phía tên trộm?
“Chủ nhà bắn chết tên trộm có vũ khí”. Cũng đầu tháng 1, 2019 tại Oklahoma city, Oklahoma: Tên trộm với tiền sự bị bắt nhiều lần, trước đó đã trộm 1 cái bóp của con gái chủ nhà, trong bóp có địa chỉ và chìa khóa xe. Hắn tìm đến nhà cô gái lúc 2:30 sáng tính mở cửa xe để lái đi thì chủ nhà bước ra. Hai bên cãi nhau, tên trộm rút súng, chủ nhà lẹ tay hơn bắn hạ hắn với hằng loạt đạn vào ngực. Cảnh sát tới làm biên bản và chưa bắt giữ ai cả. Hàng xóm lên tiếng bênh vực chủ nhà và nói công dân có quyền tự vệ khi bị xâm phạm nhất là khi kẻ trộm có vũ khí.
Tình huống này xảy
ra hoàn toàn bất ngờ. Giả dụ tôi nghe tiếng động và nhìn thấy tên trộm đang ngồi
trong xe của tôi đang đậu trước nhà. Tôi giấu súng sau lưng và bước ra sân chạm
trán với hắn. Khi thấy hắn có hành động như đang muốn móc vũ khí ra, để tự vệ,
tôi bắn trước và giết hắn thì sự thể sẽ ra sao? Dù thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ
bị mời đi tới lui để khai báo, cuộc sống của tôi sẽ bị xáo trộn nặng nề, cuộc sống
sẽ không còn bình thường nữa.
Cạy cửa vô nhà
ăn trộm thông thường không phải là một trọng tội (felony) và nếu tên trộm không
có vũ khí thì bạn không được giết hắn. Nếu tên trộm đã ở trong nhà bạn và có vũ
khí, dù chỉ là 1 cây tuốc-nơ- vít, bạn được quyền bắn vì lo sợ cho tính mạng của
mình (fear for your life), và điều tối quan trọng này bạn phải nhớ, sẽ là yếu tố
rất mạnh và rất thuyết phục đối với bồi thẩm đoàn khi bạn tự hoặc nhờ luật sư bảo
vệ cho mình. Chớ bao giờ bắn kẻ bỏ chạy vì đạn sẽ trổ ra phía trước thì bạn sẽ
bị rắc rối to.
Thưa các bạn, ở
một đất nước mà luật lệ quá phức tạp như Hoa Kỳ, chúng ta nên cân nhắc thật kỹ
càng trước khi phải dùng vũ khí. Tiểu bang Arizona (tôi đang sống) và Kansas là
hai trong những tiểu bang của Mỹ được gọi là “Cowboy States” mà công dân có thể
mang súng không cần giấy phép (concealed weapon permits). Tôi chỉ đưa ra 3 trường
hợp ở 3 tiểu bang khác nhau với luật pháp cũng khác nhau, cộng với trường hợp
riêng của tôi để các bạn đọc và tìm ra cho mình một quyết định chính xác nhất
khi bất đắc dĩ phải dùng vũ khí sát thương vì giận quá thường mất khôn. Một lời
khuyên nữa khi bạn gọi cảnh sát và nói chỉ bị mất tài sản và không ai bị thương
tật gì, thì bạn sẽ đợi dài cổ.
“To Be or not To Be”. Chúng ta không lạ gì với
câu nói trên trích từ vở kịch nổi tiếng Hamlet, một tác phẩm của đại văn hào
Shakespeare, cũng là nhà soạn kịch người Anh, mang ý nghĩa quyết định “Yes or
No” hay “To Shoot or Not To Shoot”. Chỉ trong một tích tắc giây đồng hồ, quyết
định đó có thể sẽ thay đổi cuộc đời của bạn hay đưa nó sang một ngã rẽ khác. Ông
cha mình cũng có câu “bút sa thì gà chết” cũng giống như trường hợp này “đạn
bay thì người chết”, không cách nào chụp viên đạn lại được hay làm cho thời
gian quay ngược lại.
Đối với tôi, câu
nói trên đã có thể là “To Pee or not To Pee” (Đái hay Không Đái trong quần). Như
tôi đã đề cập ở trên, nếu ngón tay tôi lỡ siết cò súng hay cái bản mặt tên trộm
“bay tới đụng vào cái gậy bóng chày” của tôi (nói theo ngôn ngữ của công an Việt
Nam), thì giờ này tôi cũng đang “ướt trong quần” vì lo sợ không biết sẽ ngồi trong
khám đường và sẽ bóc bao nhiêu cuốn lịch cuộc đời mình. Vũ khí tự nó không giết
người mà chính con người giết con người.
CHÚ THÍCH:
1. Lumens: Đơn vị đo ánh sáng. 1000 lumens rất là sáng.
2. Cách coi để biết cỡ viên đạn shotgun
https://www.google.com/search?tbm=isch&sa=1&ei=Q708XOSUF8eO0wK8v6L4CQ&q=12+gauge+shotgun+shells+meanings&oq=12+gauge+shotgun+shells+meanings&gs_l=i
3. Virtual Private Network. Một dụng cụ giống như USB drive giúp
Internet không bị “hack” khi bạn đi bất cứ nơi nào trên thế giới.
https://searchnetworking.techtarget.com/definition/virtual-private-network
Nguyễn Văn Tới
Em gởi chị bài viết này để chia sẻ kinh nghiệm cho độc giả Mỹ, có thể là Úc cũng không chừng, tùy theo luật lệ xứ đó. Kinh nghiệm này của chính em nên không có 1 chút gì là hư cấu. Hy vọng ai trong hoàn cảnh em, sẽ biết cách ứng xử để không phải hối hận.
ReplyDeleteChúc chị vui luôn.
Em
Tới
Một kinh nghiệm được chia sẻ rất hữu ích. Cám ơn Brandon.
DeleteTrong Tôn Tử binh pháp có câu "Tiên hạ thủ vi cường" nhưng chiếu theo luật pháp Mỹ thì khổ chủ trước khi ra tay còn phải đắn đo cân nhắc coi sao cho đúng luật thì có khi bị thiệt mạng chết oan uổng không chừng. Luật lệ như vậy bảo sao trộm cướp, tội phạm không lộng hành.
NPN
Vừa đọc vừa hồi hộp như đang coi cinema vậy. Très bien.
DeleteNPN
Cám ơn chị NPN chuyển, cám ơn tác giả Nguyễn VănH Tới, tác giả viết truyện hay như trinh thám vậy, thât hay ạ!
ReplyDeleteHồng Thúy
Thay mặt tác giả, cám ơn Hồng Thúy đã đọc và comment.
DeleteThân ái.
NPN
Đọc truyện nầy Tg tả như đang xem phim trinh thám. Cám ơn Tg và chị Tố Kim.
ReplyDeleteKim Phan