Monday, March 18, 2019

Đừng Đánh Con Đau - Nguyễn Trung Tây


Tương lai chỉ là tờ giấy trắng. Người ta vẽ, giấy trắng hóa tranh treo trong bảo tàng viện. Người ta vấy bùn đen, giấy trắng hóa bùn. “Đừng Đánh Con Đau” diễn tả những thay đổi quyết liệt trong cuộc sống có khả năng biến đổi cuộc đời của một người...

*****
Thằng Khôi nằm trong phòng lăn qua lăn lại nhớ lại lời càm ràm của má nó mới chiều nay,

— Ba chục năm rồi, bây giờ má mới nói cho con hay. Người trong thôn họ vẫn nói mày là con ruột của tía mày đó…

Thằng Khôi đăm chiêu, thắc mắc, không hiểu tại sao má nó lại nói như vậy.

Bâng quơ nhìn ra bên khung cửa, thằng Khôi nhận ra trăng rằm Bắc Mỹ chiếu sáng rực rỡ khuôn mặt của Kim, giờ này ngủ say, cặp mắt nhắm chặt, bờ vai nho nhỏ, dáng vẻ hiền lành. Nhìn vợ, thằng Khôi thắc mắc không hiểu tại sao gần đây Kim tánh tính nóng lạnh bất thường, đã thế lại còn hay cau có khó chịu. Thằng Khôi thở dài nhớ lại bầu không khí cơm nhão cháo khê từ khi má nó đặt chân tới phi trường San Francisco. Suốt cả một chặng đường dài hơn sáu chục dặm từ phi trường về tới căn nhà vùng thung lũng San Jose, Kim chỉ ngồi yên lặng ở băng sau, mắt lơ đãng nhìn ra hai bên đường. Ngồi lọt thỏm ở băng trước, nhận ra bầu không khí ngột ngạt trong xe, thím Tám cứ lúng ta lúng túng tuồng như người đang ngồi trên ổ kiến lửa. Để phá tan bầu không khí nặng nề như bữa cúng đình, thằng Khôi e hèm cần cổ,

— Má! Má đi đường xa có mệt không?

Tuồng như có dịp cởi mở tấm lòng, bắt được lời của thằng Khôi, thím Tám ồn ào gợi chuyện,

— Ừa! Thì cũng hơi mệt! Đường xa mà con. Ta nói phi cơ nó bay tuốt luốt một vèo, mười mấy tiếng lận. Má ngủ rồi lại thức mấy lần… Cứ mong cho tới bến. Nhưng má hổng sao. Mệt! Nhưng gặp lại được con là má mừng lắm rồi.

Thím Tám nghiêm trang,

— Thiệt tình mà nói có ăn chay mười kiếp, ngủ mơ mười đời cũng không mường tượng ra được cái cảnh má gặp lại con tại phi trường nghen… Thiệt tình phước đức ông bà mười đời để lại...

Cắt ngang lời của thím Tám, thằng Khôi quay lại về phía đằng sau, cố gắng lôi Kim vô câu chuyện,

— Má thấy con dâu của má đẹp không? Đẹp hơn tiên sa phụng lộn nữa. Bữa nay biết má tới, vợ con nghỉ không đi làm, đòi ra phi trường đón má đó.

Trong khi thím Tám đang lúng túng tìm kiếm câu trả lời, Kim cất tiếng cự nự thằng Khôi ngay trước mặt mẹ chồng,

— Anh! Nhiều chuyện!…

Thế là hết! Vậy là xong!

Bầu không khí trong xe lại nặng nề như xác thằng chổng chết trôi trên sông.

Một tuần sau, bầu không khí nóng hừng hực mùa hè Bắc Mỹ nổ tung trong căn phòng ngủ khi thằng Khôi cất giọng đề nghị chiều thứ Sáu tuần tới, thím Tám, Kim, và nó lái xe xuống Little Saigon thăm gia đình mợ Tư Kiểng. Đang đứng gỡ tóc trước cái kiếng lớn, nghe lời đề nghị của thằng Khôi, Kim lắc đầu phản ứng liền,

— Anh đi với má đi. Weekend tuần tới, em có nhiều cái hẹn dẫn khách đi coi nhà.

Thằng Khôi năn nỉ,

— Ơ! Thì bao nhiêu năm rồi, cuối cùng anh mới gặp lại được má. Em chiều anh một chút xíu có được không? Mợ Tư Kiểng là hàng xóm sát ngay vách bên nhà của anh hồi xưa đó.

Thằng Khôi kể chuyện,

— Khi anh còn nhỏ xíu, mỗi khi nhà cạn hết sữa, má kể bả te te chạy qua bên nhà cậu mợ Tư xin sữa Ông Thọ mang về quậy nước nóng cho anh bú hà rầm à. Mà mợ Tư Kiểng cũng là họ phía đằng ngoại đó, gần xịt à.

Kim quay lại, khuôn mặt xanh xao như người mất ngủ, nhưng giọng tỉnh queo,

— Em không có nói tiếng Anh. Em cũng không có nói tiếng Sì. Em đang nói tiếng Việt.

Kim nhìn mình trong kiếng,

— Em đã nói weekend tuần tới, em có hẹn với khách hàng đi coi nhà. Anh có điếc hay không?

Kim dừng lại. Sau một chút ngần ngừ, Kim nói luôn,

— Tiện đây em nhờ anh nói với má nếu má có muốn kho cá, thì làm ơn mang ra ngoài sân vườn mà nấu. Má nấu ở trong nhà, nào là mùi khói, mùi cá, rồi mùi nước mắm bốc lên mờ mịt trong nhà. Em chịu không có thấu. Anh biết rõ tuồng là em bị dị ứng mà!

Thằng Khôi không nói gì thêm nữa, nhưng mím môi, giơ tay vặn tắt ngọn đèn cái cụp. Buông mình rớt xuống giường, thằng Khôi đè mặt lên cái gối bông, không buồn dõi nhìn theo bóng vợ đang nhẹ bước vô phòng tắm.

Đèn tắt, căn phòng tối om. Thằng Khôi lật ngược người lại, hai tay đan chéo để dưới gáy, mặt hướng ra ngoài khung cửa sổ. Bên ngoài, ánh trăng rằm sáng vằng vặc chui lọt qua khung cửa sổ chiếu sáng bàn phấn của Kim. Dõi nhìn ánh trăng rằm Bắc Mỹ rực rỡ bên khung cửa sổ, thằng Khôi nhớ tới làng Mỹ Thạch, bỗng dưng nó ứa nước mắt nhớ lại tối hôm đó.

Trước khi đưa nó ra thuyền lớn, thím Tám bắt thằng Khôi phải gật đầu hứa,

— Qua được tới Mỹ rồi, con không được uống rượu, không được hút thuốc, nhưng phải ôm cặp táp tới trường đi học cho bằng với người ta. Con có hứa với má hay không?

Nghe lời thím Tám nói tới đây, thằng Khôi chỉ còn biết gật đầu, hai vòng tay ôm chầm lấy thím Tám, khóc mùi mẫn,

— Má ơi! Má cho tui ở nhà với má đi! Tui không đi đâu hết. Má đừng có đuổi tui đi nghen má. Ở nhà với má, trưa trưa tui ra mương xúc cá bống về nuôi má...

Nghe lời thằng Khôi năn nỉ, rồi lại nhìn thấy nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt của nó, thím Tám cũng muốn bật tung những hàng nước mắt khóc theo. Mười bốn năm nay thím Tám nuôi thằng Khôi. Một ngày không rời xa, một đêm không vắng mặt. Nhưng đã tới giờ, người thanh niên do bác Năm Lành sai tới đang bồn chồn đứng đợi ngay trong căn phòng thắp đèn dầu tù mù. Nhận ra điệu bộ nóng nảy của người đưa đường, thím Tám đành rứt ruột đẩy thằng Khôi ra. Chỉ đợi có thế, anh chàng lẹ làng nắm tay thằng Khôi kéo tới. Bị lôi đi sền sền trên nền đất, thằng Khôi vẫn cố gắng quay đầu ngó lui. Qua ngọn đèn hột vịt le lói chiếu qua vách phên tre, nó nhận ra má nó vẫn còn đứng im lìm ngay trên sân nhà. Người thanh niên vẫn lôi thằng Khôi bước tới. Qua khỏi bụi tre, thằng Khôi quay đầu nhìn lại một lần nữa. Lần này nó nhận ra bóng của thím Tám đã khuất dạng vào trong màn đêm dầy đặc. Thằng Khôi bật khóc nức nở!

. . .

Thế đó, vậy mà đã trôi qua vèo vèo mấy chục năm rồi.

Chiều nay, nghe thủng lời càm ràm của thím Tám về vụ con nuôi con ruột, thằng Khôi cất tiếng,

— Thì tui tưởng là hồi đó má nhặt được tui, rồi mang về nuôi.

Thím Tám lắc đầu quầy quậy,

— Chuyện lâu rồi. Nhưng thôi, bữa nay má kể cho mày nghe. Má không nhặt được mày…



*

Đêm hôm đó trời tối khuya, đi ngang qua cửa chùa, mặc dù say khướt, nhưng chú Tám vẫn nhận ra tiếng khóc lảnh lót của con nít vang vang trong đêm tối tuồng như tiếng ma kêu. Chú Tám cúi xuống, ôm bọc vải đưa lên vai khập khiễng bước đi. Về tới nhà, chú Tám quẳng gói vải xuống chõng tre. Đang ngồi bên cái bàn gỗ dưới ánh đèn mập mờ khi tỏ khi lu của cây đèn hột vịt thắp bằng dầu lửa, thấy chồng bước vô nhà, thím Tám ngạc nhiên, hỏi liền,

— Tía nó đi đâu mà xách vác cái chi nặng nề mang về nhà vậy?

Chú Tám thở mạnh, hơi rượu nồng nặc,

— Chiều nay, tui đi ngang qua nhà anh Sáu Cam gặp ảnh đang ngồi nhậu rượu đế một mình. Thấy tui đi ngang, ảnh hứng chí vẫy gọi tui vô ngồi lai rai ba sợi với ảnh. Mà tui thề với má nó là tui đã nói rõ ràng là ở nhà con vợ tui nó đang đợi cơm chiều. Nhưng anh Sáu không cho đi là không cho đi. Ảnh nói đàn ông con trai là phải sông nước giang hồ, trên trăng dưới nước, tứ hải giai huynh đệ, không được tối ngày chỉ rúc rúc ở trong xó bếp với vợ với con, mất mặt nam nhi. Nể tình quá, tui đành ngồi xuống với ảnh. Thôi thì hết cạn chén đầy, lại đầy chén cạn, vừa vơi chén nhỏ, lại tràn chén to. Hứng nữa, anh Sáu lại hú gọi thêm mấy ông hàng xóm có máu tài tử sang bên nhà ảnh, vặn dây đàn, ca vọng cổ. Cứ thế! Quay đi quay lại cũng đã nửa đêm về sáng. Tui biết là đã khuya, má nó đang đợi ở nhà, nên tui quyết định đứng dậy đi về. Nào ngờ khi đi ngang qua trước cửa chùa, tự nhiên tai tui nghe thấy tiếng khóc, rồi đom đóm lập lòe bay ra khắp nơi. Nghĩ là chắc có ma quỷ trốn rúc hay là có trộm cướp rình rập đâu đây, tui cúi xuống, tính lượm cục đá hay kiếm cây gậy phòng thân, ai dè tui lại nhìn thấy cái gói màu trăng trắng nằm sát ngay trước cửa chùa. Tui bèn nhặt nó lên.

Chú Tám chỉ vào bọc vải,

— Má nó gỡ cái bọc ra coi có cái chi ở trỏng vậy?

Thím Tám ngồi xuống cái chõng tre. Trong luồng sáng tù mù mờ đục của căn phòng, thím Tám hét to khi nhận ra một thằng bé nằm gọn lỏn bên trong tờ giấy báo, kiến đen đang bò chung quanh người thằng nhỏ. Chú Tám ngẩng lên, hất hàm hỏi,

— Ma cỏ chi mà khiến má nó hét lên tuồng như gặp kiến lửa bọ hung vậy?

Thím Tám nhấc thằng Khôi lên,

— Mình! Thằng nhỏ! Có thằng nhỏ nằm trong bọc giấy...

Chú Tám khì mũi, lắc lắc đầu, nói tỉnh bơ như không có chuyện chi,

— Tưởng là ma! Nó mà là ma nữ, tui bắt nó nấu cơm rửa chén cho mình. Còn ma thằng chổng, tui gửi nó lên ông Hương Hào cho ổng đóng cọc, nọc nó ra quật cho mấy hèo ngay giữa sân đình, rồi lấy cây sào dài đẩy trả nó ra giữa sông.

Để mặc chồng ngồi đó nói lảm nhảm một mình, thím Tám bế thằng nhỏ lên, lấy tay gạt hết đàn kiến đen đang bám chung quanh người nó. Cời than hồng dưới bếp cho cháy sáng đỏ, thím Tám nấu nước ấm tắm cho thằng nhỏ, rồi vội vàng chạy sang nhà mợ Tư Kiểng ở sát kế bên, đập cửa xin sữa Ông Thọ quậy cho nó uống.

Sáng hôm sau, khi tỉnh hơi rượu, chú Tám bàn với vợ nên gửi thằng nhỏ nhặt được tối hôm qua tới Viện Dục Anh,

— Không phải là tui hẹp hòi chi với món quà ông Trời ổng thương, ổng tặng cho mình. Nhưng nhà mình cũng nghèo quá. Má nó với tui bữa cơm hẩm bữa cháo trắng, bữa sắn luộc bữa khoai lùi, rồi lấy đâu ra sữa cho thằng nhỏ nó bú? Không lẽ mình cứ sáng sáng nhấc chân chạy te te qua nhà mợ Tư Kiểng mở miệng xin sữa nuôi nó? Ngày một ngày hai thì không sao, chứ cứ tiếp tục tuần này qua tuần kia, tui cũng nhột nhạt cả người, mà má nó cũng quê mặt với mợ Tư. Mặc dù là giấy rách, nhưng mình vẫn phải giữ lấy lề. Đói nghèo thì mặc, nhưng không để cho người trong làng trong xóm khinh tuồng, rồi lên mặt bỉ thử với hai vợ chồng mình…

Liếc nhìn thằng nhỏ mới nhặt được hôm qua đang ngủ no nê trên cái chõng tre, thím Tám nói,

— Mình bàn cũng phải lẽ, chí tình. Nhưng tối qua, lúc mình ngủ rồi, em cũng suy nghĩ lung lắm. Em biết hai vợ chồng mình cũng nghèo túng, bữa đói bữa no, trưa ăn cơm trộn bắp, tối ngồi gặm sắn luộc. Nhưng cái này chắc là tại ông Trời biết hai vợ chồng mình hiếm muộn, cho nên ổng thương khiến mình đêm khuya đi ngang qua cửa chùa…

Thấy vợ thiết tha, muốn giữ thằng nhỏ, chú Tám không nói chi nữa. Mấy ngày sau chú Tám đặt tên cho thằng nhỏ là Khôi, bởi chú nói với vợ,

— Mình tên trong sổ bộ là Kim, đặt tên cho nó là Khôi. Kim Khôi đi với nhau thì chắc chắn là phải đẹp không thua chi Phạm Lãi của lạc nhạn Tây Thi, gái nước Việt rồi.

Ngày tháng trôi qua, thằng Khôi dần dần lớn lên dưới mái hiên của căn nhà tranh lụp xụp như chuồng gà của hai vợ chồng chú Tám Hiếu. Người trong thôn ai cũng biết chuyện chú Tám đêm khuya say xỉn đi ngang cửa chùa, nhặt bọc giấy lên, mang về nhà trị tội, bởi chú tưởng là ma hiện ra trêu chọc chú...

— Ủa! Nói vậy là hồi xưa tía hành nghề thầy pháp hả má?

Thím Tám lắc đầu,

— Tía con thì không. Nhưng bên nội mấy đời rồi chuyên vẽ bùa núi Tà Lơn kiếm sống. Nội sanh đặng tám người con. Đi trước liền sáu người con gái. Tía con thứ tám, người trong làng gọi là Tám Hiếu, chú Chín Cơ là út. Nhưng tía con, ổng không chịu học nghề gia truyền. Ổng nói, “Nghề này không có thọ, nghề chi mà toàn là nói chuyện với người cõi âm, rồi tinh là vẽ bùa trấn ểm! Đụng chạm tới ai chứ đụng chạm tới đằng dưới là không có tui rồi đó”.

Không chịu học nghề gia truyền, tía con đi theo bạn bè thương hồ phần buôn bán phần giang hồ lang thang trên sông rạch. Khoảng mấy năm sau, ổng mới chịu dừng bước quay lại về làng, cưới má, làm ruộng cày thuê cho ông chủ địa Hương Hào, cuốc mướn cho người trong thôn. Ai cần thì ổng lại vác cuốc xẻng tới đắp đê làm bờ giữ nước cho ruộng lúa.

Thím Tám xuống giọng, điệu bộ thì thào,

— Mà lạ lắm, tía mày thì không thích đụng chạm tới cõi âm, nhưng ổng đi tới đâu, quỷ ma dạt ra tới đó. Đêm khuya thanh vắng, đụng phải trai làng, ma nữ hiện ra nguyên hình treo toòng teng trên cành đa, buông xõa tóc dài, ôm con ru hời, có khi còn buông lời trêu ghẹo. Ngày hôm sau, tự nhiên người đó ngớ ngẩn như người mắc bệnh cõi dưới. Người nhà hú ba hồn chín vía, giựt giựt tóc mai, cạy miệng đổ rượu, mấy ngày vẫn chưa hoàn hồn. Thầy pháp tới nhà dựng bàn hương, vẽ bùa, con ma nữ hiện ra ngay giữa bàn hương, há miệng cười sằng sặc, rồi đưa chân đạp đổ nghiêng ngả nhang đèn.

Vậy đó, tía con, tối tối, sau tiệc rượu với bạn bè, khi ổng đi ngang qua cây đa chỗ có con ma nữ hay hiện ra trêu phá người ta, thấy tía con, con ma nữ buông tay rơi thẳng xuống đất, óc bể teng beng văng ra từng miểng. Nửa đêm về sáng, bà con trong làng nghe thấy tiếng sét đánh thẳng xuống cây đa. Sáng hôm sau, người trong làng thấy miếu thờ thần cây đa ở dưới gốc cây, bình thường nghi ngút nhang khói, giờ nứt đôi, úp mặt xuống đất, đom đóm to gần bằng đầu ngón tay út nhìn y như ruồi trâu nằm chết la liệt chung quanh gốc đa, gom lại được cả rổ. Từ đó, không ai trong làng bị ma trêu quỷ vờn ngay chỗ ngã ba Cây Đa nữa.

Thằng Khôi nổi da gà, rợn người lắng nghe má nó kể chuyện về tía nó. Thím Tám nói,

— Có một lần khác, khi khổng khi không có cái xác phụ nữ từ trên nguồn theo dòng nước tấp vô trong xóm. Người trong làng ai cũng ngán, cũng sợ bà chổng mang theo bịnh thời khí giết hại người trong thôn. Bởi có một lần, thời của má còn nhỏ, từ trên nguồn đổ xuống một ông chổng. Hương chức trong làng họp nhau lại nói thôi nghĩa tử cũng là nghĩa tận, cho nên họ sai mấy người thanh niên lực điền hè nhau lại, vác ông chổng lên, xuất tiền công quỹ đóng hòm chôn cất ông chổng cho đàng hoàng tử tế. Ai dè, ông chổng vừa mới mồ yên mả đẹp ở nghĩa địa đầu làng, mấy người thanh niên lực điền vác ông chổng lên bờ bữa hổm đang mạnh sân sẩn bỗng té lăn ra như người mắc bệnh thời khí, thượng thổ hạ tả, tắt thở cấp kỳ. Ngày hôm sau, tới phiên vợ con của họ cũng bắt đầu phát chứng. Hương chức trong làng vội vàng chạy lên báo trên huyện. Y tế trên huyện lái xe ô tô xuống liền. Xe cứu thương chớp đèn hú còi inh ỏi. Ngay lập tức họ ra lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập, mọi hàng quán ở trong thôn phải đóng cửa dẹp tiệm, người mới phát triệu chứng của bệnh thời khí được chở lên bệnh viện trên tỉnh cấp kỳ, người trong thôn ai cũng được phát thuốc uống. Hên là lần đó chỉ mới chết mấy người thanh niên, chứ vợ con của họ cuối cùng được cứu sống, không chết ai.

Thím Tám dừng lại, đưa vào miệng miếng trầu, bóp bép nhai, rồi tiếp tục câu chuyện ông chổng,

— Rút kinh nghiệm lần này, thấy bà chổng xuất hiện ngay bờ sông, mấy ông hương tề trong làng họp nhau lại, tính làm mâm cơm để trên bè cúng bà chổng, rồi lấy sào đẩy bả và bè ra xa cho trôi xuôi theo con nước. Ngay lúc đó, tía con có công chuyện đi ngang qua khúc sông ngay chỗ bà chổng đang bập bềnh trôi nổi. Thấy tía con, cái xác con gái tự nhiên ngưng, thôi không bập bềnh, lại còn nhếch mép cười tuồng như e thẹn, rồi mới chịu tách ra khỏi đống lục bình, chầm chậm trôi ra giữa sông, bập bềnh biến mất theo dòng nước.

Thằng Khôi thắc mắc,

— Sao kỳ vậy má? Bộ tía có bùa trảm yêu hay sao?

Thím Tám lắc đầu,

— Đã nói là tía con không muốn học nghề của ông nội mà, làm sao mà ổng biết vẽ bùa trảm yêu. May ra có ông nội của con thì biết...

Thím Tám chép miệng,

— Nhưng bùa chi thì bùa, chẳng có bùa nào chữa được bệnh hiếm muộn của tía má… Lấy nhau bao nhiêu năm rồi, nhưng má vẫn không sanh nở. Cho nên khi nhặt được con, tía mày cũng như má, mừng húm. Ta nói thiệt là một thời cực khổ, tía với má không phải chỉ nghèo con, nhưng còn nghèo của. Sáng sáng là hai vợ chồng óp bụng nhìn nhau. Tía con ra ruộng cày thuê cho ông Hương Hào, cho người trong thôn. Ông Hương Hào hoặc người chủ phát cho bao nhiêu bạc cắc thì cầm về bấy nhiêu. Trưa, tía con ăn cơm ngoài ruộng với anh em do nhà chủ họ nấu nướng đãi đằng thợ cày. Còn má thì ra phía sau có miếng đất, trồng cà, trồng rau, trồng chôm chôm. Năm nào được mùa chôm chôm thì hổng sao, chớ gặp năm chôm chôm khô quắt như da khô bà già là mắt má cũng trắng lốp theo. Nhà mình thì trước sau cứ nghèo mạt rệp con ơi!...

Nghe thím Tám kể chuyện liên khúc nhà nghèo, thằng Khôi tự nhiên giơ cao hai tay, che miệng ngáp. Thấy thằng Khôi không còn mặn nồng với chuyện thời xưa, thím Tám đổi đề tài, quay sang chuyện thời bây giờ,

— Con với vợ con, hai đứa bay làm đám cưới khi nào vậy?

Thằng Khôi lễ phép nói,

— Cũng gần hai năm rồi má. Bữa đám cưới, ba má và họ hàng của vợ con bay qua bên Cali của mình, đông, vui lắm… Bữa đó, uổng quá, không có má!

Thím Tám giọng điệu gậy mọt thấy rõ,

— Ủa! Như vậy trước khi hai đứa làm đám cưới, vợ con không có sống chung với ba má của cổ hay sao?

Thằng Khôi lắc đầu,

 — Vợ con sống độc lập lâu rồi má ơi. Học xong trung học, cổ dọn vô ở trong cư xá sinh viên, vừa học vừa đi làm. Cổ muốn làm chi thì làm, ba má của cổ cũng không có cản. Đất nước tự do mà má.

Thím Tám cự nự thằng Khôi cấp kỳ,

— Tự do? Tự do cái tuồng chi mà cả tuần rồi, từ lúc má về tới nhà, có nhiều lúc con Kim gặp má mà cái mặt nó hầm hầm cứ tuồng như… má ăn chực nằm chờ ở nhà nó không bằng.

Thấy thím Tám nổi giận, thằng Khôi ngần ngại không dám nói cho má nó biết vụ Kim cằn nhằn, không muốn thím Tám nấu cơm trong nhà bếp. Thằng Khôi nhìn ra ngoài sân, bây giờ trời mùa hè ấm áp, nấu nướng bên ngoài không sao. Nhưng tháng Mười Hai, tưởng tượng ra cảnh ngoài sân gió thổi lạnh buốt, má nó lui cui đứng kho cá bống tiêu cho nó ăn, thằng Khôi bối rối, không biết tính sao.

Nhìn bộ dạng ủ ê của thím Tám, thằng Khôi nhoẻn miệng cười, đổi sang đề tài cá bống kho tiêu,

— Má, bữa nào rảnh má mua cá bống về kho tiêu nghen má. Mà má nhớ phải kho cho khô quắt lại, rồi mới rắc tiêu sọ lên trên…

Nghe thằng Khôi nhắc tới món ruột, thím Tám cũng nhoẻn miệng cười theo,

— Con trước sau cũng vẫn thế, từ hồi nhỏ đã khoái món cá bống kho tiêu. Má vẫn nghĩ chắc má ruột của con cũng nghèo như má.

Thằng Khôi lạc đường,

— Ủa! Má nói là tía nhặt con về. Vậy sao má biết má ruột của con cũng nghèo như má?

Thím Tám trả lời tuồng như cho muốn xong chuyện,

— Thì má cũng đoán vậy thôi. Chứ má đâu có bao giờ gặp mặt má ruột của con đâu để mà biết bả nghèo hay giầu. Nhưng chỉ có nhà nghèo người ta mới khoái ăn cá bống kho tiêu thôi con ơi!

Thím Tám quay lại giọng điệu gậy mọt,

— Má nói thật cho mày biết, lúc nghe trong thôn làng đồn thổi mày là con ruột của tía, má cũng bắt đầu sinh lòng hoài nghi, bởi má nghĩ lại mới thấy thiệt tình tính mày cũng giống y chang như tính của tía mày. Hai cha con cùng khoái cá bống trứng kho tiêu, mà phải là kho cho khô quắt lại, rồi rắc nhiều tiêu trên mặt mới chịu. Chỉ có cha con ruột thịt người ta mới giống tính nhau. Chứ có ai người dưng khác họ mà cách ăn uống lại giống nhau y chang.

Thím Tám lôi ra miếng trầu thuốc, nhai dập dập mấy miếng,

— Mà ta nói là tía mày thương mày là hơn con ruột. Mày hồi nhỏ là hay lén má bỏ ngủ trưa đi ra sông rạch chơi bời lêu lổng với mấy đứa trong xóm. Mà con thì đi miết từ trưa tới gần xế chiều mới chịu ló cái mặt về tới nhà. Có bữa giận quá, má táng cho mấy cái, nhưng nhiều lần tía mày nhanh tay cản lại, rồi còn đưa lên vai cõng đi chơi nhong nhong khắp cùng đầu ngõ…

Thằng Khôi cười,

— Hồi đó thiệt tình là tui sợ má hơn là sợ tía. Nói ra sợ má giận là tui nhiều chuyện, tánh má thì năng nổ, tía thì ngược lại, tánh tình hiền khô, tía là mặt trăng, má là mặt trời, thế mà không hiểu sao ông Trời lại kết ra sợi dây tơ hồng nối buộc hai người.

Thằng Khôi dò chừng,

— Mà sao hồi đó má lại lấy tía?

Thím Tám nhai trầu thuốc, nhìn quanh tính nhổ xuống đất. Nhưng thím chợt dừng lại, cúi xuống kéo ra cái hộp thiếc càfe, rồi nhổ đánh xoẹt một cái vô trong đó. Xỉa xỉa cục thuốc to bằng đầu ngón tay cái, thím Tám chép miệng,

— Thì ông bà mình vẫn cứ gọi là duyên số. Thiệt tình mà nói, hồi đó khi bên nhà nội sai người mai mối qua nói chuyện với bà ngoại, ở dưới bếp, má ngồi xắt chuối nấu cám cho heo ăn, nhưng cũng nghĩ ngợi lung tung lắm. Tía con mặt ngọc da trắng, đẹp như kép chánh đóng trong tuồng Tây Thi Phạm Lãi, lại còn biết sáu câu vọng cổ ngân mùi rệu. Khi ổng gẩy đàn ca cải lương thì dẫu đàn bà con gái có ngồi xa xa cũng phải ngưng bặt câu chuyện, nghiêng vành tai nghe ngóng, khiến cho con tim động lòng thổn thức, sanh lòng yêu mến, rồi lậm tình tương tư. Mà tía con thiệt tình nhìn đẹp lắm, tóc quăn, môi hồng, mũi cao, nước da trắng lốp, nhìn đẹp hơn tây thuộc địa. Người trong thôn có người nói con ma nữ ở miễu Cây Đa, cũng như cái xác nữ chết trôi trên sông bữa đó gặp mặt tía con đẹp tựa đào kép tô son cho nên sinh lòng yêu mến. Con ma nữ gốc đa thì bị tiếng sét ái tình đánh trúng ngay tim, cho nên ngớ ngẩn nhìn theo tía con, bởi vậy lơ đãng té xuống, chết cấp kỳ. Còn con ma nữ chết trôi không nỡ gieo bệnh thời khí tới người trong thôn, bởi lo ngại hại luôn tới tính mạng của tía con, cho nên cổ mới chịu trôi theo dòng nước bỏ đi.

Thím Tám chép miệng

— Ta nói bởi tía con nổi bật như phượng hoàng trong chuồng gà, cho nên má biết là khó mà giữ được ổng lắm. Má sợ lấy tía con, nên vợ nên chồng rồi, về tới nhà, chỉ nội cái chuyện phải trông ngóng đường đi nước bước của tía con không thôi, chừng đó chuyện cũng đủ để mệt cầm canh!

Thím Tám ánh mắt long lanh, thở gằn qua hai lỗ mũi,

— Nhưng ai ngờ, chung cuộc người trong làng vẫn đồn thổi là tía con có tư tình, rồi đợi má ruột con sanh nở xong xuôi, ổng bèn làm bộ dựng tuồng kịch, đóng sân khấu, ôm con về, rồi còn mần tuồng làm bộ đòi đưa mày vô Viện Dục Anh cho mấy dì phước nuôi. Biết thế hồi đó má cứ gật đầu cái cụp, thử coi tía con phản ứng ra sao?

Thằng Khôi nhíu cặp chân mày rậm và sắc nét như thanh kiếm,

— Má! Tại sao người ta lại nói con là con ruột của tía?

Thím Tám bĩu môi,

— Thì mày cứ lôi tấm hình của ổng ra nhìn thì rõ như ban ngày. Con có khác chi tía con đâu. Hai người nhìn giống nhau như hai hạt nước sanh đôi. Cũng mặt trắng như dồi phấn, môi đỏ tợ thoa son, mắt con trai mà mở to như mắt bồ câu, chân mày rậm rịt như kẻ chì, tóc quăn có lọn. Hỏi sao Kim nó không lậm tình theo con rát rạt?

Thằng Khôi nhíu mày, cự nự thím Tám,

— Má cứ nói!

Từ hồi thím Tám đặt chân tới đất Mỹ, gần một tháng rồi, bầu không khí trong nhà ngày càng trở nên căng thẳng.

Ăn cơm tối xong, lập lại thói quen từ thuả nào, Kim bước đi thẳng một lèo ra phòng khách, bật TV coi, để mặc cho thằng Khôi một mình lui cui dọn dẹp, rửa chén. Thím Tám ngứa mắt, cự nự cấp kỳ,

— Má không rành cái tuồng đất lề quê thói ở bên đây đó nghen. Ai đời mà cơm nước xong xuôi, con vợ ngoe nguẩy te te bỏ đi, để cho thằng chồng làm thân con trai mà chịu lụy, ở lại đứng rửa chén mình ên. Đất lề quê thói chi mà kỳ cục như vậy? Hồi xưa là má một giây cũng không, một phút cũng từ, không bao giờ má để cho tía con đặt chân bước vô nhà bếp, khiến cho họ hàng chòm xóm có cơ hội bỉ thử là đàn ông con trai mà cứ phải lảng vảng đi ra đi vô chỗ của đàn bà con gái.

Trước lời càm ràm của thím Tám, thằng Khôi đứng yên, không dám đáp trả, không dám nói thêm. Nó thở dài, nhớ lại, trước khi ký giấy bảo lãnh thím Tám qua Mỹ, Kim nói với nó,

— Anh suy nghĩ cho cẩn thận đi, để má ở bên đó hay là bảo lãnh má qua đây. Bên đó má nói tiếng Việt, có họ hàng có làng xóm. Bên đây, má lớn tuổi rồi, tiếng Anh thì không biết, đi ra đi vô lủi thủi một mình, má buồn chết.

Kim nửa đùa nửa thiệt,

— Em biết là anh khoái cá bống kho tiêu, nhưng đừng có nói với em là anh bảo lãnh má qua đây để bắt má xách giỏ ra chợ Việt Nam mua cá bống mang về kho tiêu cho anh ăn đó nhé!

Thằng Khôi nhớ lại có lần nó lén thím Tám bỏ ngủ trưa, đi theo mấy đứa trong xóm ra ngoài ruộng hứng cá bống. Bữa hôm đó, vừa ló đầu về tới nhà, nó đụng mặt ngay má nó. Thấy thằng Khôi quần áo lấm lem bùn đen, mặt mày đen cháy nắng lửa, thím Tám nổi giận giơ tay táng ngay mặt thằng Khôi một cái bốp, nổ tung đom đóm, khiến nó hoa mắt lên, hụt tay làm đổ nguyên cả rổ cá bống trứng ra trên mặt đất. Thấy thằng Khôi tái xanh mặt ngồi xuống nhặt những chú cá bống cong người uốn nhảy tưng tưng trên nền đất, tía nó cũng cúi xuống, ngồi nhặt những con cá bống vô trong rổ cho thằng Khôi. Đâu đó xong xuôi, chú Tám nhấc bổng thằng Khôi ngồi lên đôi vai, đi dọc theo con đường đất của làng. Vừa đi tía nó vừa nói,

— Mày chịu khó đi, rồi lớn chút nữa, tía gửi lên chợ huyện đi học ở trên đó với người ta. Chứ ở đây, lêu lổng chơi bời với bạn bè đầu đường xó chợ, học hành bữa mưa bữa nắng, thì dù có là ngọc thật cũng lu mờ, có là vàng ròng cũng mất nước.

Nhìn thấy chú Tám cõng thằng Khôi trên vai, người trong thôn thì thào,

— Bà nội của thằng chả ở tận ngoài Bắc lận. Có lần xóm bị tây ruồng, bả chạy không thoát, bị tây hiếp, rồi mang thai, cho nên phải bỏ làng, lưu lạc vô tận trong miền Nam. Nhìn cái mặt tóc nâu mũi lõ là biết liền thằng chả đâu phải nguyên gốc Việt Nam.

— Coi cái thằng nhỏ đang ngồi trên vai của chú Tám kìa. Thằng này lượm được ngoài đường mà sao nhìn giống y như tía nó, nhìn như hai giọt nước vậy nghen!

— Nho nhỏ cái miệng thôi. Nói tới tai thím Tám, thím buồn. Chú Tám nhà mình mà, phong lưu đào hoa lại còn ưa đờn ca xướng hát, làm chi mà không có tuồng con rơi con rớt…

Tiếng đồn thổi rồi cũng bay xuyên tới tai của thím Tám. Thím Tám phân vân đi ra đi vô không rõ thực hư. Người biết chuyện duy nhất về cội nguồn đích thực của thằng Khôi là má ruột nó. Nhưng mà bả ở đâu? Thím Tám chép miệng, có ai biết để mà hỏi cho ra đầu đuôi ngọn ngành. Thím Tám nhớ lại tối hôm đó, nhớ tới giây phút thím mở bọc vải ra, thằng Khôi nằm nhỏ xíu ở trong, kiến bu đen khắp người. Thím nhíu mày, nếu đúng thằng Khôi là con riêng của chú Tám, thì chồng của thím đúng là kép chánh tài nghệ thượng thừa! Mà nếu vậy, ai là má thằng Khôi? Người má nào mà dám nhẫn tâm bỏ lại hạt máu cho tình nhân xách về đưa cho vợ nuôi từ khi còn đỏ hỏn? Thím ngồi nặn óc cố gắng nhớ lại vào cái khoảng thời gian khi nhặt được thằng Khôi, trong làng có đám cưới nào tuồng như vội vàng điệu như chạy giặc hay không?



*

Chiều hôm đó cuối tuần, thấy thằng Khôi đang loay hoay bên góc vườn, thím Tám thắc mắc,

— Con mần chi vậy hả Khôi?

Thằng Khôi tiếp tục công chuyện dở dang, nhưng mở miệng nói,

— Chiều nay má kho cá bống ăn đi má.

Thím Tám nói hưỡn đãi,

— Nếu vậy, chút nữa má xách giỏ ra chợ mua về mớ cá bống kho tiêu.

Chỉ tay vô cái chòi nho nhỏ vừa mới được cất trong sân vườn, thím Tám hỏi lại một lần nữa,

— Con cất cái chòi cho ai ở vậy?

Thằng Khôi gạt những hạt mồ hôi đang lăn dài hai bên má,

— Con biết má thương con, không giận không ghét con, cho nên con mới dám nói ra điều này. Má, má đừng nấu thức ăn trong nhà nữa. Má nấu trong nhà, nhà bên Mỹ kín mít, mùi cá bống Việt Nam kho với nước mắm thơm lừng, nhưng bám kín ở trong nhà, khó ngửi lắm. Bây giờ trời mùa hè, má nấu cá bống kho tiêu ở cái chòi này đi. Trời mùa đông, con gắn thêm cái máy sưởi cho má. Được không má?

Thím Tám chỉ tay vào cái chòi,

— Cái này có phải do ý của vợ con hay không?

Thằng Khôi lắc lắc cái đầu,

— Không phải là con bênh vực chi cho vợ con, nhưng Kim, cổ bị dị ứng, cho nên hay bị nổi mề đay phong ngứa. Bên đây mùa xuân, phấn hoa bay đầy trong không khí. Vợ con hít vô, người cổ xưng chù vù như trái bong bóng thổi căng hơi, vậy còn nói chi tới mùi thức ăn cá bống kho tiêu. Bởi vợ con bị dị ứng nặng lắm, má có thương con, thì má cũng thương vợ con luôn cho trót.

Thím Tám chằm bẳm cái mặt không nói chi, bỏ đi thẳng vô trong nhà. Thằng Khôi lo lắng nhìn theo. Nó lưỡng lự, không biết phải làm chi bây giờ. Nhưng hên, chỉ một lát sau, nó thấy thím Tám đi ra, tay đưa chai nước lạnh cho nó,

— Nước nè, uống đi. Mặt của mày ướt đẫm mồ hôi như người cấy lúa mướn. Y chang như tía mày thuả xưa.

Biết má nó tha tào, thằng Khôi thở phào nhẹ nhõm nhìn thím Tám ngồi xuống bên bậc thềm trước sân vườn. Thấy vậy, thằng Khôi cũng bước tới, ngồi xuống cạnh bên thím Tám, tay xoay xoay nắp chai nước lạnh đưa lên dốc thẳng một hơi vào miệng.

Tháng Sáu, trời xanh ngắt, không vướng mắc một sợi mây. Bầu không khí nóng hừng hực mùa hè Bắc Mỹ nguội dần trong sân vườn nhờ những hạt nước mát rượi nho nhỏ đang đều đặn phun ra từ máy tưới cây nằm ngay giữa sân vườn. Nhìn hình cầu vồng bẩy màu mờ mờ ảo ảo hiện ra trong làn nước, thằng Khôi mở miệng nói, mặt tươi roi rói như cá bống mới xúc được ở dưới mương.

— Má ơi! Có tin vui này con phải nói cho má nghe. Má biết chi không? Sang năm má trở thành bà nội rồi đó…

Thím Tám giật mình, mắt mở to, vẻ kinh ngạc,

— Con nói thiệt hay nói giỡn chơi đó?

Thằng Khôi gật gật đầu, điệu bộ thiệt thà,

— Con nói thiệt chớ đâu dám nói giỡn chơi hỗn láo với má! Vợ con mới báo cho con biết tối hôm qua là cổ thấy kỳ này trong người ưa ớn lạnh, tánh tình nóng lạnh bất thường-thằng Khôi ngước lên nhìn thím Tám-rồi lại ưa thèm đồ chua cho nên mới nghi ngờ, bèn đi khám bác sĩ. Bác sĩ gọi điện thoại ngày hôm qua báo cho vợ con biết cổ đã cấn thai, hơn một tháng rồi. Hai vợ chồng tụi con mừng hết lớn. Hai đứa còn tính sẽ sắm áo dài nhung, mua kiềng vàng cho má đeo đỏ cả cổ rồi đợi tới ngày vợ con sinh nở mẹ tròn con vuông, em bé thôi nôi được một tháng, tụi con mở tiệc lớn ăn mừng, chụp hình quay phim cho má mở mặt mở mày, hãnh diện với bà con hàng xóm láng giềng của làng Mỹ Thạch.

Thím Tám mặt ửng đỏ, e thẹn từ chối,

— Vậy là má mừng cho vợ chồng hai đứa con! Nhưng làm chi mà phải sắm áo nhung cho má mặc, mua kiềng vàng cho má đeo? Má từng này tuổi, lớn rồi, lại còn là dân quê, cày mướn, thấy má ăn diện như vậy, người ta cười má thúi đầu!

Thấy thím Tám tươi vui, thằng Khôi mỉm cười nói luôn,

— Ai cười cho người đó hở mười cái răng giống như má hay nói với con vậy đó.

Thằng Khôi tự nhiên làm mặt nghiêm,

— Mà có chuyện này con cũng muốn nói cho má biết luôn. Nhưng má phải hứa trước là má không được giận con thì con mới dám nói cho má à nghen.

Thím Tám ăn nói lơ lửng con cá vàng,

— Có chuyện gì muốn nói thì cứ nói đi. Mần chi mà tự nhiên hôm nay mày lên tuồng xuống giọng như đào kép trên sân khấu vậy…

Thằng Khôi nhìn ra sân vườn, nói thật chậm,

— Má biết chi không? Tía đang sống ở dưới Quận Cam, Nam Cali đó má...

Thằng Khôi dừng lại, yên lặng nhìn má nó lượng định tình hình. Nhưng không ngờ, trước bản tin động trời đó, thím Tám vẫn bình thường,

— Tưởng chuyện chi, chuyện đó má đã biết rõ từ đời tám hoánh.

Thằng Khôi trợn tròn mắt,

— Má biết tía ở bên Mỹ? Má nói thiệt hay má nói giỡn chơi?

Thím Tám bộ mặt tỉnh queo,

— Má đã biết tía mày bỏ hai má con mình đi vượt biên sang Thái Lan với cô con gái của ông chủ tàu từ lâu rồi...

Thằng Khôi ngạc nhiên,

— Mèng đéc ơi! Vậy là má biết tía đi sang Mỹ lâu rồi. Sao hồi đó má không nói cho con biết?

Thím Tám chép miệng, kiên nhẫn giải thích,

— Chắc con không nhớ lời má nói với con là hồi xưa, trước khi ưng lời cầu hôn của tía con, má đã biết ông già con đào hoa, ưa vọc nước giỡn trăng. Nhưng đàn ông con trai mà, phong tình là chất nằm sâu trong máu. Má, má phận đàn bà, làm sao mà thay đổi tánh tình của tía con cho được? Lại thêm ông Trời ngặt nghèo, khiến má không sanh nở. Nửa đêm về sáng má cứ hay cắn rứt lương tâm là tại lỗi của mình, cho nên mai này lúc tía con nằm xuống, không có người chống gậy, dựng bàn thờ, đốt nhang khói, coi sóc phần mộ cho ổng. Bởi thế, lúc tía con bỏ má mà đi, thiệt tình mà nói là má chỉ có tủi duyên hờn phận là tại sao ông Trời bắt tội không cho má một đứa con. Chứ còn giận hờn tía con thì má cũng có, nhưng không giận lâu. Thêm nữa, má có con, thì cũng như có tất cả rồi.

Nói tới đây, giọng thím Tám bắt đầu nặng sung sũng nước mắt. Thím Tám dừng lại, lôi ra khăn mù-xoa, hỉ hỉ mũi,

— Nhưng thoạt tiên, má không biết là tía con đi đâu. Khoảng hai năm sau, mợ Tư Kiểng ở bên Mỹ có viết thư về nói cho má biết là có lần bả nhìn thấy một người giống như tía con ở trong chợ Mỹ. Đang tính chạy lại hỏi thăm, thì ổng vác túi thức ăn bước ra khỏi chợ rồi biến mất. Nhưng mợ Tư cũng không dám chắc người đó là tía con bởi không nhìn được cận mặt. Cho tới khi chú Chín ghé vô nhà đưa mấy cây vàng cho má, nói là phần gia tài của nội để lại cho tía con, thì má bắt đầu thấy có chuyện không ổn. Vàng bạc mà con. Nhất là sau năm 75, một phân cũng không cho, một chỉ cũng không lọt. Người ta có thể giết nhau bởi một phân vàng. Ra đường, không ai dám đeo nhẫn cưới, sợ bị chặt tay. Thế mà tự nhiên chú Chín lòi ra cho má năm lượng vàng, nói là phần gia tài của nội. Mà bên nội, một sào ruộng cũng không có, thì lấy ở đâu ra mà vàng bạc chia cho tám người con, con trai mỗi người năm lượng vàng. Chưa hết, khoảng một tuần sau, bác Năm Lành, bạn thân của tía con, ổng ghé vô nhà gọi má đóng vàng vượt biên. Má hỏi bao nhiêu cho một người? Ổng nói ba cây cho một chỗ. Nhưng bác Năm nói nếu hai má con mình cùng đi, ổng chỉ tính có năm cây mà thôi. Lúc đó linh tính nói cho má biết số vàng này là của tía con từ bên ngoại quốc gửi về cho má con mình đi vượt biên. Nhưng con còn nhớ mà, ngoại thời gian đó đang đau nặng, cần bàn tay má chăm nom, săn sóc, đút cháo đổ thuốc, cho nên cuối cùng má quyết định không đi. Nhưng còn con? Nghĩ tới con, phản ứng đầu tiên là má chỉ muốn giữ con ở lại với má, một phần tại má tức tía con một dạ hai lòng, phần kia là tại má nhớ con. Nếu để cho con đi xuống tàu, nhà chỉ còn má đi ra đi vô một hình một bóng. Nhưng rồi má lại nghĩ tới tương lai của con. Giữ con ở lại, má thỏa mãn tấm lòng, nhưng rồi con cũng chỉ như tía con, nghề nghiệp không có, cày thuê cuốc mướn, tối ngày đàn ca xướng hát, nhậu xỉn đến khuya tối mới bỏ về, uổng phí một đời người. Cho nên, má cắn răng, rứt ruột để con bước chân xuống tàu.

Thằng Khôi nói,

— Vậy là con đoán má cũng đã biết rành rẽ chuyện tía đón con ở phi trường, tía nuôi con cho tới cách đây hai năm, vợ chồng con mới mua nhà dọn lên đây.

Thím Tám gật đầu,

— Má biết, biết hết. Má tuy mù chữ, nhưng mấy chuyện đó mà rành sáu câu vọng cổ...

Thằng Khôi dò đường,

— Ai nói cho má biết vậy? Có phải mợ Tư Kiểng không?

Thím Tám lơ đi không trả lời câu hỏi của thằng Khôi. Thấy thím Tám yên lặng không phản ứng, thằng Khôi nói,

— Tía biết lỗi tía nặng lắm. Tía muốn gặp má, xin lỗi má! Nhưng tía nói ổng sợ má không có tha cho ổng.

Thím Tám nhìn thẳng vào cặp mắt của thằng Khôi,

— Cái này là con nói hay tía con nói?

Thằng Khôi khì mũi,

— Má riết rồi bắt đầu đổi tánh, nói chuyện chi má cũng nghi ngờ. Má biết tánh con mà, có chi nói đó, không biết ngọt miệng ngọt lưỡi như người ta… Hồi má mới tới Mỹ, có lần con đã tính chở đại má với vợ con đi xuống dưới Little Saigon viện cớ là thăm mợ Tư Kiểng. Rồi trong khi má đang ở chơi với mợ Tư, con làm liều chở tía tới gặp mặt má luôn… Nhưng hồi đó má mới tới Mỹ, rồi phần hai vợ chồng con cũng lu bù với công việc, cho nên rồi cũng lơ đi.

Thím Tám tiếp tục yên lặng.

Thím biết cô gái con ông chủ tàu đã rời bỏ chồng mình sang bến phà mới ngay khi hai người đặt chân tới đất Mỹ. Thím cũng biết trong suốt mười lăm năm vừa qua, từ khi đón thằng Khôi tại phi trường Los Angeles, chồng của thím sống một mình, đi làm, gà trống nuôi con, nuôi thằng Khôi lớn lên người. Thím Tám nhìn bâng quơ lên trời. Thím chép miệng thắc mắc và cũng không dám chắc với lòng mình nếu thằng Khôi là nguyên nhân chính khiến thím chịu bước chân lên máy bay đi sang xứ người... Thím bất chợt buông tiếng thở dài!... Ơi, một thời sao cực!

... Hồi đó, sau khi chú Tám bỏ đi mất tiêu, có nhiều đêm thím hờn duyên tủi phận, nằm trong buồng âm thầm khóc tới nỗi ướt đẫm gối bông, đỏ ké con mắt. Người ta nói, “Chim quyên ăn trái nhãn lồng, lia thia quen chậu, vợ chồng mình quen hơi”, bao nhiêu năm nay có vợ có chồng, quen mùi quen hơi rồi, giờ này một mình cô đơn lẻ bóng, thím trằn trọc nhỏ lệ cả đêm.

Có những buổi sáng bình minh còn khuất dạng sau bụi chuối sứ, nằm trên giường, thím Tám nhìn thấy đôi chim màu vàng mỏ đỏ đang ríu rít líu lo trên nhánh cây trâm bầu mọc chìa ngay bên khung cửa sổ, con chim trống đến là hay, hết lăng xăng rỉa lông cánh lại quay sang rỉa lông cổ cho con chim mái. Thấy con chim trống âu yếm chăm sóc con chim mái, ruột gan của thím Tám lại bồi hồi cảm xúc, trong lòng của thím lại dâng cao mối thương cảm. Thím chỉ muốn vỡ òa ra tung tóe trong tiếng khóc cho duyên kiếp hẩm hiu của mình. Có chồng mà cũng như không, giờ này cô đơn lẻ bóng, giờ này một mình một dạ, đêm về lẻ loi một bóng bên cây đèn hột vịt. Chiều chiều đi ngang qua nhà chú Sáu Cam, nghe thấy tiếng chú Sáu ca, “Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu reo tiếng dữ cho rồi bậu ra” là lòng dạ của thím lại bồi hồi cảm xúc, lệ dâng trào đôi mắt. Thím vội vàng bước cho lẹ về tới nhà. Đóng cửa lại, ngồi ở trong buồng, lúc đó thím mới chịu để cho hai hàng nước mắt tuôn rơi hạt ngắn hạt dài, bởi thím Tám sợ hàng xóm nhìn thấy đôi mắt thím đỏ hoe hoe, rồi họ lại đồn thổi tiếng ra tiếng vô từ đầu làng tới cuối xóm những câu chuyện thất thiệt về tình cảnh mẹ góa con côi bất đắc dĩ của thím và thằng Khôi. Thím Tám nhớ lại vào thời gian cô đơn chiếc bóng, có nhiều người đàn ông trong thôn làng đã tìm kiếm thím lịch sự buông lời ướm hỏi, cũng có người ve vãn ong bướm. Với người đàng hoàng lịch sự, thím nhã nhặn chối từ. Với người ra tuồng trong bộc trên dâu, thím yên lặng bỏ đi.

Trong số những người đàn ông đến với thím Tám vào thời gian đó, thím nhớ nhất là ông Hương Tòng ở làng bên. Vợ ông Hương Tòng đã nằm xuống xanh mộ được mấy năm. Ông Hương Tòng là người danh giá không thua chi ông Hương Hào của làng Mỹ Thạch. Ông Hương Tòng còn là người giàu có, người làm tấp nập đi ra đi vô nhộn nhịp trong nhà. Ông Hương lại còn khá trẻ, tuồng như cũng chỉ nhích hơn chú Tám một hai tuổi. Người nhìn không được đẹp như chú Tám Hiếu, nhưng ăn nói nho nhã không thua chi. Bởi vợ mất sớm, ông Hương Tòng hóa ra thân gà trống nuôi con, một gà trống chăm nom dạy dỗ ba chú gà, hai trai một gái.

Ông Hương đã sai dì Ba Hồng làm người mai mối ghé vào nhà nói chuyện với thím. Ổng còn cẩn thận nhờ bà mai đến nhà gặp riêng má của thím Tám để nhờ ngoại của thằng Khôi nói thêm vào cho mấy tiếng. Lắng nghe bà mai vô vấn đề, ngoại thằng Khôi chậm rãi nói,

— Nhờ dì Ba về nói với ông Hương là cám ơn ông Hương đã sai người đến ngỏ ý với tui, nhưng tui chỉ gả con gái có một lần mà thôi.

Riêng phần thím Tám, sau khi dì Ba đã khuất dạng sau khung cửa, thím lại càng thêm tủi thân cho duyên phận của mình. Thím Tám liếc nhìn ngang dọc, cảnh nhà sao trống vắng đơn chiếc. Nhìn thằng Khôi vừa từ dưới nhà bếp bước lên, thím Tám thở dài sườn sượt thương cho mình và thương cho thằng Khôi. Thấy có người đàn bà bước vô nhà to nhỏ với má mình một hồi, rồi thấy thím Tám ngồi buồn thiu bên cây đèn hột vịt, thở ngắn thở dài, bóng đổ dài bên bàn gỗ, thằng Khôi cất tiếng,

— Má ơi, dì Ba vô gặp má có chuyện chi vậy?

Thím Tám lắc đầu,

— Không có chi đâu con. Con học bài xong chưa?

Thằng Khôi đáp,

— Tui học xong rồi.

Thằng Khôi ngần ngại, cất giọng hỏi thím Tám,

— Má! Má đang nhớ tía, phải không má.

Thím Tám chưa kịp trả lời, thằng Khôi đã hỏi tiếp,

— Má ơi, bao giờ tía về?

Câu hỏi của thằng Khôi chính là mũi kim nhọn đâm vào vết thương tâm hồn sưng tấy mủ đỏ từ bao lâu nay của má nó, cho nên thằng Khôi vừa dứt lời, thím Tám không còn cầm lòng được nữa, nhưng đổ rũ người xuống như một cây chuối bị phạt ngang. Thím Tám giơ hai tay bưng mặt khóc tức tưởi. Bên ngoài trăng rằm tiếp tục chiếu xiên xiên bên khung cửa, bên trong thím Tám ôm thằng Khôi, tiếng khóc tức tưởi đổi sang tiếng khóc nỉ non thấm ướt đẫm bờ vai của thằng Khôi…

Thế đó, một thời hoạn nạn cực khổ đã trôi qua. Giờ này thím cảm thấy mãn nguyện bởi mình đã gặp lại thằng Khôi. Duy nhất chỉ có một điều thím vẫn chưa hỏi thằng Khôi về lời hứa thím bắt nó hứa trước khi bước chân xuống tàu. Thím nghĩ, để thủng thẳng rồi thím cũng sẽ hỏi thằng Khôi là nó còn nhớ tới lời hứa năm xưa hay không.

Thím Tám liếc ngang nhìn thằng nhỏ kiến bám đen ngày xưa giờ này đã khôn lớn trưởng thành. Nó với con Kim nói tiếng Anh qua lại rổn rảng rộn ràng. Nhưng với thím, thằng Khôi vẫn một dạ hiếu thảo như Vân Tiên trong tuồng Lục Vân Tiên, như Lục Tích trong tuồng Nhị Thập Tứ Hiếu. Thím Tám nhớ có lần Kim lỡ miệng nói với thím,

— Tía thương anh Khôi lắm. Tía nói anh Khôi là người biết trên biết dưới, hiếu với cha, thảo với má, một người có tâm, nhân nghĩa trí tín.

Thím Tám giật mình, nhịp tim đập thình thịch,

— Con nói tía. Tía nào?

Biết mình đã lỡ miệng, Kim bật cười,

— Con xin lỗi má! Trước khi đi đón má ở phi trường, anh Khôi dặn con không có được nói cho má biết là tía đang sống ở dưới Little Saigon.

Thím Tám nhíu mày, mở miệng hỏi con dâu, giọng gạy mọt,

— Khôi nó nói với con tía là gì của nó?

Kim không chần chừ đáp ngay,

— Là tía nuôi của ảnh.

Thím Tám nói ngay,

— Là tía nuôi?

Kim gật đầu sốt sắng xác nhận,

— Dạ, là tía nuôi.

Nhận ra thím Tám đang trề môi, gục gặc cái đầu sau câu nói của mình, mắt trợn ngược, tới phiên Kim ngạc nhiên,

— Ủa, tía với anh Khôi liên hệ như thế nào vậy hả má?

Một lần khác, Kim nói với thím Tám là thằng Khôi đang làm cái chi đó ở trong trường đại học, mà rất tiếc, thím nhớ không rõ cái tên của trường và chức vụ của thằng Khôi trong tiếng Anh. Thím Tám chép miệng, “Ai mà nhớ cho nổi! Thiệt tình! Rồi chắc cũng phải xách cặp đi học tiếng Anh để ăn nói cho rổn rảng rộn ràng cho bằng với người ta”. Kim cũng nói,

— Anh Khôi ảnh có bằng Ph.D. đó má.

Thím Tám hồi hộp hỏi lại cấp kỳ,

— Con nói cái chi? Bằng Bê Ớt Đi là bằng gì?

Kim cố gắng nén tiếng cười trong cổ họng,

— Giống như bằng Tiến Sĩ ở bên mình vậy. Bằng cao nhất trong các cái bằng đi học đó má.

Thím Tám ôm ngực thở phào, lòng mừng roi rói, bởi vì lời hứa năm xưa, thằng Khôi cũng đã giữ trọn. Thím quay lên bàn thờ gia tiên, cám ơn vong linh của tổ tiên nội ngoại hai bên đã phù hộ thằng Khôi trong chuyến vượt biên. Thím cũng mừng bởi hồi đó đã quyết định để thằng Khôi bước chân xuống tàu đi vượt biên. Chỉ có ba lượng vàng của chồng, một cái gật đầu của thím, một chuyến tàu vượt biên, mà cuộc đời của một người bị kiến bu đen khi mới sanh biến đổi từ bàn tay đen sang bàn tay trắng. Nếu còn ở bên cù lao Mỹ Thạch, thằng Khôi giờ này dám cũng chỉ, “Trà đá mía ghim! Ai trà đá mía ghim hôn?”, nếu không thì cũng lại lang thang đầu đường xó chợ y như tía của ổng hồi xưa.

Nhìn Khôi, nhìn cái khuôn mặt giống y như chú Tám Hiếu thuả xưa, cũng da ngọc mặt trắng, cánh mũi thon cao, cũng với đôi mắt mở to ướt rượt của ông Tiến Sĩ, thím Tám Hiếu nghĩ rồi thím sẽ phải hỏi chú Tám một câu hỏi mà từ bao lâu nay thím vẫn ấm ức đi ra đi vô, không biết làm sao trả lời với chính mình, với bà con lối xóm, và với Kim, cô con dâu tương lai có cùng một cái tên như tên của thím trong sổ hộ tịch của làng cù lao Mỹ Thạch,

— Ông ngồi xuống đây! Tui có chuyện muốn nói với ông. Ông phải nói thiệt tình cho tui biết, thằng Khôi là do ông nhặt về hay nó là con của ai?

Nguyễn Trung Tây

No comments:

Post a Comment