Lão Tống bắt bầy chim Cốc làm việc quần quật cả đêm, lão chỉ cho chúng
nghỉ khi thật cần thiết. Lão cần thật nhiều cá đem ra chợ trao đổi lấy gạo và
đồ dùng về cho gia đình. Từ ngày có bầy chim làm việc thay cho cho lão, gia
đình khấm khá hơn xưa, có của ăn của để.
Sương đêm nặng rơi trên áo tơi làm lão thoáng rùng mình, lão liên tục
dậm chân, nhảy nhót trên chiếc bè tre để giữ ấm thân mình. Thỉnh thoảng lão lấy
bầu rượu gạo đeo bên hông ra tu một hơi, ngửa cổ khè một tiếng sảng khoái; chỉ
tội bầy chim Cốc, muốn được ăn, thi nhau lặn ngụp không nghỉ, đem cá to đổi lấy
cá nhỏ chủ ban cho.
Khi bầy chim mệt, lão ngừng dậm chân, đưa cây sào tre ra để từng con bám
vào và đưa chúng lên bè nghỉ ngơi. Lão cắm sào, lấy ống tẩu ra nhồi thuốc hút
trong khi bầy chim được dịp đứng rỉa lông và thưởng thức mấy con cá nhỏ, vừa ăn
vừa cãi nhau náo động một khúc sông. Chúng được dạy cho thuần thục đến độ mất
đi bản năng thiên nhiên của loài chim, khi nghe khẩu lệnh là chúng lao xuống
dòng nước. Khi chủ đưa cây sào là chúng trở về. Thói quen đã thành nếp, chúng
cảm thấy hạnh phúc, no đủ, và cam chịu, không cần phải đấu tranh để sinh tồn vì
mọi việc đã có lão Tống lo toan.
Ông Lão vuốt ve con chim Cốc đầu đàn mà ông đặt tên là Nhất vì nó là con
chim tốt nhất, khỏe nhất, bắt cá hay nhất, và vâng lời nhất, nó là thủ lĩnh của
bầy chim. Vừa vuốt ve, lão Tống vừa nói chuyện với nó như người cha nói chuyện
với đứa con nhỏ của mình. Từ cổ họng chú chim Cốc phát ra những tiếng rù rù,
mắt nó nhắm lại khi được chủ mơn trớn thương yêu.
***
Nước Đại Ngu nay đổi tên là Đại Cồ Việt. Khi đó vận nước còn đang rối
rắm, chính phủ dân bầu vừa được đám quân phiệt xứ Thái Dương trao quyền độc
lập, vẫn đang trong thời kỳ chuyển giao quyền hành. Cơ hội ngàn năm một thuở,
gã và đàn em trà trộn vào đoàn người đi dự lễ tuyên bố độc lập, chúng nhảy lên
khán đài, dùng vũ khí cướp lấy chính quyền và kích động dân chúng giật lấy biểu
ngữ “Vietnam to the Vietnamese”. Dân chúng hỏi cái băng rôn có hàng chữ “Việt
Nam to thế Việt Nam mề sề” có nghĩa là gì, đám đàn em gã ngơ ngác lắc đầu không
biết.
Ngày xưa, cha gã bị giáng chức quan vì lỡ tay đánh chết người khi đang
say xỉn, nay gã trở thành anh hùng dân tộc, một bước nhảy lên làm lãnh tụ nước,
oia phong một cõi, một chức vụ còn quyền uy hơn hoàng đế Đại Cồ Việt vừa thoái
vị. Gã thầm cám ơn Mao sư huynh đã mật báo cho hay tin cực kỳ quan trọng này.
Gã vồ lấy thanh Trấn Quốc Kiếm của cựu hoàng đế, chỉ thẳng lên trời, vuốt vài
sợi râu loe ngoe, mắt lim dim ra chiều đắc ý, rồi cười rống lên không dứt giữa
tiếng tung hô vạn tuế của đám đàn em.
Sau bao năm gian khổ, sống chui rúc trong hang hốc, ngày ngủ, đêm lẻn về
các làng mạc tuyên truyền chiêu bài đánh Tây, diệt Phát Xít, giành độc lập. Đại
huynh từ phương Bắc hối thúc lão phải dùng chiêu “bạo lực kách mệnh” cướp chính
quyền càng sớm càng tốt, vì phong trào các nước đế quốc trao trả độc lập cho
các nước thuộc địa đang lan rộng. Gã cũng thấy nếu dùng bạo lực để dựng đại
nghiệp chính trị thì bất kể động cơ thế nào cũng là bất nhân, nhưng cơ hội chỉ
đến một lần.
Theo sách lược trong bí kíp, gã gài đàn em thân tín trong tất cả tầng
lớp dân chúng, kích động dân nghèo cướp của người giàu, phong trào cũng tạo
được một vài tiếng vang, nhiều người nghèo chẳng còn gì để mất, họ theo gã càng
ngày càng đông. Gã cho đàn em theo rình rập và thủ tiêu hết những người thuộc
chính phái khác không cùng chủ trương như mình, gã cho rằng một nước không thể
nào có hai vua.
Gã gởi mật thư lên Mao Vương xin gởi người từ Cơ Mật Viện qua mở lớp
huấn luyện và nhồi sọ đàn em theo đúng sách lược của hai nước đàn anh; đàn em
gã ngày càng giỏi việc cướp bóc và chém giết. Một số khác bất mãn, có ý định bỏ
về thành đều bị đàn em gã thủ tiêu. Gã thành lập đảng và tổ chức cắt máu ăn thề
y như trong truyện tàu Anh Hùng Lương Sơn Bạc, bắt buộc đảng viên phải tuyệt
đối trung thành với gã và đảng, nếu không sẽ bị buộc tội chém tru di tam tộc.
Ai trung thành và theo gã, sẽ được bổng lộc và vinh thân phì gia đến muôn đời.
Mùa Thu, năm 1945, thế giới bước vào vận hội mới, Đại Thế Chiến thứ II
vừa kết thúc, các cường quốc trên thế giới đang bị khánh kiệt về kinh tế, tài
nguyên, và thực phẩm. Đại Cồ Việt và hai nước hàng xóm là xứ Nghìn-Voi và xứ
Chùa-Tháp, còn gọi là Đông Dương Tam Quốc, cũng được hứa trao trả độc lập từ
đại mẫu quốc Phú Lãng Sa.
Gã bèn thân chinh vượt ngàn hải lý qua xứ Cờ Hoa, nổi tiếng là đệ nhất
siêu cường thời bấy giờ, xin được công nhận làm vua nước Nam và xin viện trợ
tiền bạc của cải, nhưng Tổng Thống Cờ Hoa lúc bấy giờ nghi ngờ gã là đệ tử của
Quốc Tế Đại Đồng phái nên không cho. Gã tức tốc quay về diện kiến Mao sư huynh.
Bấy giờ, sư huynh của gã tuy đang chật vật dấy binh tranh dành thế lực
với một chính phái khác, thấy đây là cơ hội để bắt thằng sư đệ nhiều mưu lắm
mẹo này phải thần phục và đặt vòng Kim Cô lên đầu nó; sư huynh gã liền cung cấp
thêm vũ khí và phái người ngựa thồ súng đạn và cấp tốc ngày đêm lên đường trực
chỉ phương Nam.
Ngày đó, dân xứ Đại Cồ Việt đa số ít học nên được gã và đàn em vẽ ra một
bức tranh thiên đường cõi thế: người yếu thì làm ít mà vẫn hưởng ngang với
người mạnh khỏe, tự do muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, hứa hẹn một thế
giới đại đồng. Vì thế gã cho đàn em đẩy mạnh phong trào cải cách ruộng đất, đấu
tố địa chủ, cải tạo tư sản, hợp tác hóa tất cả phương tiện sản xuất của dân làm
của … mình. Gã và đàn em ngày càng giàu trong khi nhân dân nằm mơ cũng không có
được một bữa cơm có thịt.
Cả nước đều mê mẩn như đang lên đồng. Nhân dân gọi gã là Bá Bá của dân
tộc, dù gã mới hơn 50 tuổi; nhưng vẫn có những kẻ xấu mồm, những thế lực phản
động rỉ tai nhau gọi gã là “ đa th đại hán ”. Ngay từ lúc còn trong hang, đàn
em thường hay dâng lên vô số những cô gái xinh đẹp trong vùng làm công tác hộ
lý cho gã, để tâm sự, săn sóc và “nâng khăn sửa khố” cho gã trong những đêm
trường lạnh lẽo cô đơn.
Đàn em và gã say sưa men chiến thắng. Ông thày giáo dạy sử, vừa được gã
phong cho quân hàm đại tướng, dù chẳng qua một trường võ bị nào, tên háo danh
này muốn tổ chức duyệt quân chiến thắng vào ngày 30 tháng 8, 1945 tại Cao Bằng
vì vừa cướp được chính quyền và để phô trương sức mạnh quân giải phóng. Lính
dưới trướng chừng 100 tên gầy ốm như que tăm, da vàng bủng beo vì sốt rét rừng,
vũ khí lèo tèo vài cây súng dài như gậy thọc đu đủ, đồng phục thì cái dài cái
ngắn, cái quá khổ, tác phong quân kỷ lại chưa được huấn luyện chính quy ngày
nào.
Đám mưu sĩ phương Bắc khuyên đừng nên làm ồn ào vì như thế chỉ tổ quân
Pháp nó để ý thì chết. Khổ một nỗi là “ngài đại tướng” thấy cần phải tỏ ra mình
xứng đáng là một danh tướng cho toàn dân biết tiếng và cũng cho địch sợ chơi,
nên cứ phớt lờ lời khuyên mà nói “Bá Bá tao đã duyệt rồi”, hắn cứ cho đoàn quân
ốm đói tập bước cho đều để đại tướng ra duyệt hàng quân danh dự.
Quân Pháp tuy đang yếu sức, cạn tiền, khi hay tin, họ gởi hai máy bay
đến … tham gia duyệt quân cho vui, kết quả là phe ta chạy như vịt, bị thương
vong hơn nửa; nhân dân tò mò ra coi, cũng bị một phen chạy vắt giò lên cổ. Sau
này trong cuốn nhật ký của đám mưu sĩ phía Bắc có ghi: “Trưa hôm đó, tiếng bom
nổ rung chuyển mặt đất dù chúng tôi ở xa cách chỗ duyệt quân 20 Km.”
Rồi thế sự lại xoay vần. Đại mẫu quốc được sự trợ giúp của nước Cờ Hoa
giàu có, họ trở lại lần này còn mạnh mẽ hơn, lấy cớ giúp đỡ Đại Cồ Việt trở
thành một nước độc lập trong liên hiệp Pháp và tránh xa cái vòi bạch tuột của
tên đàn anh phương Bắc. Gã và đồng bọn lại phải chạy lên rừng lần nữa để lánh
nạn. Dù tan tác như bầy ong vỡ tổ, gã và đám đàn em gặp lại nhau ở ngay chính
cái hang động ngày xưa khi mới về nước. Thày trò an ủi nhau và nằm chờ Mao sư
huynh gởi lương thực và đạn dược, mưu đồ một kế sách mới.
***
Lão Tống nhớ lại những ngày đầu tiên khổ cực nâng niu, chăm chút từng
miếng ăn và huấn luyện cho chim quen và hiểu tiếng người. Một ngày nọ, lão đang
chèo thuyền trên một khúc sông vắng vẻ, chợt nghe tiếng chim kêu khóc đau
thương trong một bụi rậm ven bờ. Lão tắp thuyền vào và thấy hai chú chim con
đang run rẩy, kêu gào lả đi vì đói. Nhìn quanh không thấy bóng dáng chim mẹ ở
đâu, lão đoán chắc chim mẹ đi kiếm mồi đã bị mắc bẫy; hai chú chim con đói,
khóc gào đến gần kiệt sức chờ chim mẹ đi mãi không trở về.
Sẵn còn ít cháo sót lại trong nồi, lão bón cho chúng ăn từng chút cho
đến khi chúng nằm im không kêu khóc nữa. Thằng con trai độc nhất của lão nhìn
hai con chim với cặp mắt háo hức vui mừng. Nó luôn miệng năn nỉ lão đem lên
thuyền nuôi. Lão bèn bọc chúng lại trong miếng vải và đem chúng lên thuyền đặt
vào trong một cái rổ tre. Thằng con trai thích quá, ngày đêm quấn quit bên hai
con chim.
Từ đó, ngày nào cha con lão đều lo lắng chăm sóc hai con chim, hết bắt
sâu bọ và nấu cháo cho chúng ăn. Lão còn dạy cho chúng hiểu và làm theo tiếng
người. Ngày nào, sau khi giăng câu về, ông lão lại cho chúng ăn những con cá
nhỏ, rồi thì thầm với chúng như bạn bè. Mỗi lần lên bờ đi ra chợ, lão và đứa
con đều đem chúng theo trên vai, mọi người ở chợ đều thích thú nhìn hai con
chim dạn dĩ, ai cũng có thể sờ chúng. Hai con chim quen thuộc với ông nên không
bao giờ bay đi đâu, nếu có đi thì hôm sau cũng trở về vì không nơi nào chúng có
thể tìm được sự vỗ về yêu thương.
Trong lúc đi câu đêm, chúng luôn luôn theo gia đình ông. Một đêm nọ, lão
thấy chúng lao xuống dòng sông, rượt đuổi theo những con cá và khi trồi lên,
trong mỏ của chúng là những con cá thật to. Chúng có đôi chân rẽ quạt và có
màng nên chúng lặn rất nhanh, dùng mỏ bắt cá, nhờ có cái mỏ khoằm nên không bao
giờ con cá nào có thể thoát ra được. Một ý tưởng lóe lên trong đầu lão.
Lúc này, lão neo thuyền tại một hang động và bắt đầu huấn luyện cho hai
con chim Cốc biết nghe hiệu lệnh, bắt chúng đi săn cá cho lão, chỉ thưởng chúng
ăn mấy con cá nhỏ xíu khi chúng tuân theo luật lệ của lão đặt ra, còn làm biếng
thì lão bỏ đói bằng cách trói chân chúng lại. Lão đi lùng kiếm thêm các tổ chim
Cốc khác và bắt về thêm được nhiều cái trứng khác mà lão biết đã gần đến ngày
nở. Lão đem mấy cái trứng về cho gà mái ở nhà tiếp tục ấp chung với trứng gà
khác.
Mỗi ngày, lão đều thăm chừng và khi biết chắc chỉ còn 1, 2 ngày nữa sẽ
đến ngày nở, lão nhẹ nhàng lấy trứng ra đem đi ủ vào một chiếc khăn ấm hơ trên
lửa. Nếu để cho gà ấp và nở ra, gà mẹ, thấy lạ, có thể sẽ mổ chúng đến chết.
Mấy chú chim Cốc chào đời, lão nâng niu, chăm bẵm hết sức ân cần. Thằng con
trai đi bắt sâu bọ, cào cào châu chấu cho chúng ăn, tạo cho chúng một cảm giác
thân quen với gia đình, cho chúng biết chỉ có ở với lão và gia đình mới an
toàn, lao động là vinh quang, còn lang thang là chết đói.
Lão bện một cái bè bằng tre và đem 6 con chim Cốc theo tập cho chúng săn
cá. Sau hai năm, các chú chim đực theo học việc sẽ trở thành những tay săn cá
chuyên nghiệp. Vợ lão ở trên thuyền nhà, chỉ lo cơm nước và chăm nuôi vài con
chim Cốc mái. Nếu chú nào siêng năng, đạt danh hiệu anh hùng lao động, lão sẽ
thưởng cho nhiều cá hơn và đặc biệt là sẽ cho chúng đi lấy vợ, nghĩa là hưởng
chút ái ân với mấy con chim cái ở nhà. Đây là đặc ân của lão ban cho mới được.
Khi nào mấy cô chim Cốc sắp khai hoa nở nhụy, lão cho mấy chú chim nghỉ
ở nhà, giúp vợ xây tổ uyên ương, khỏi phải đi làm. Đến khi chim con nở, sau hai
tháng, chúng sẽ được tuần tự huấn luyện để trở thành tay săn cá chuyên nghiệp.
Cuộc đời chúng cứ như thế mà tiếp nối đời cha đến mãn đời cháu chắt. Cuộc sống,
thói quen của chúng không còn theo bản năng thiên nhiên trời cho mà hoàn toàn
lệ thuộc vào lão. Lão cho ăn, cho nghỉ, và cho yêu thì mới được yêu.
Lão bây giờ làm vua một bầy chim Cốc, lão sống sung túc nhờ sức lao động
của chúng. Đứa con trai độc nhất của lão giờ cũng có gia đình riêng, cũng có
một bầy chim Cốc lão chia cho để làm kế sinh nhai. Theo gương cha, nó cũng sắm
chiếc bè cùng với bầy chim đi săn cá trên một khúc sông ở hạ nguồn. Chỉ cần một
tiếng huýt sáo, bầy chim lao xuống dòng sông ào ạt vì chúng biết chúng sắp được
ăn. Trong buổi họp mỗi 5 năm của gia đình, hai cha con thống nhất đặt tên cho
kiểu làm ăn này là làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.
***
Năm 1949, Mao sư huynh xưng vương ở xứ Hoa Hạ, lên ngôi thiên tử, gồm
thâu thiên hạ về một mối, đổi tên nước là Đại Trung. Một cuộc đổi đời long trời
lở đất, gần 1 tỷ người rên xiết nhưng tiếng kêu oan không thấu được trời xanh.
Mười vạn bá tánh, lớp bị đày lên vùng lam sơn chướng khí, lớp bị tra khảo, bị
bỏ tù, lớp còn lại bị đấu tố đến chết. Dân tình đói quá chết đầy đường, có
người phải ăn thịt cả con mình. Hắc khí giăng mờ khắp non sông, đau thương ngất
trời.
Gã và đàn em vội vã lên đường qua bên đó học tập cách thức để trở về
nước thực hành. Mao Vương phái khâm sai đại thần theo về, đem súng ống, lương
thực qua cho và tận tay giao cho gã tấm kim bài đặc lệnh, tiền trảm hậu tấu,
nghĩa là tuyệt đối tuân theo mà thi hành, ai không nghe cứ chém, tấu trình sau.
Gã nhớ như in, sau buổi thiết triều, Mao sư huynh cho mời gã đến hồ bơi
ở biệt điện Trung Nam Hải để mật đàm. Ở đó, gã chứng kiến một bầy mỹ nữ bao
quanh sư huynh, cô thì đấm lưng, cô rót rượu, cô đưa mồi đến tận miệng hoàng
đế. Nghe nói sư huynh của gã có khoảng vài ngàn phi tần là ít, thay nhau vào
cung để hầu hạ long nhan. Tất cả đội ngự lâm quân được lệnh ra ngoài đứng gác.
Giấc mơ Lưu-Nguyễn mà thày gã dạy ngày nào, bây giờ hiển hiện ngay trước mắt.
Gã chợt để hồn lâng lâng trôi theo cơn mộng vàng cho đến khi Mao sư huynh đưa
ly lên cụng nghe côm cốp, gã mới giật mình trở về thực tại.
Hoàng đế thân mật vỗ vai gã rồi kề tai nói nhỏ, chỉ thấy gã gật đầu lia
lịa, thỉnh thoảng quay qua chỗ khác kín đáo hít thật sâu một hơi. Gã chịu không
nổi cái hơi thở hôi hám của sư huynh mình. Gã nghe đồn hoàng đế cả đời không
bao giờ đánh răng, ăn xong, chỉ xúc miệng bằng nước trà, rồi nhổ toẹt xuống nền
nhà, người hầu phải chạy lại lau dọn ngay lập tức.
Vậy mới hay, bây giờ là vua, giàu nứt đố đổ vách, hoàng đế Đại Trung tuy
có giàu mà vẫn không sang, vẫn không có cốt cách của hàng vương giả. Cái sang
phải nằm trong cốt cách, lối ứng xử, trí tuệ, dáng đi, và ngôn ngữ hằng ngày mà
điều này phải được tôi luyện và lớn dần từ bao đời trước mới có. Gã lại tự nhủ,
về nước ta phải mướn thày về dạy ta cách sống của bậc đế vương mấy hồi.
Năm 1954, sau 9 năm gian khổ chiến tranh, dân tình điêu linh một cách
không cần thiết để chống thực dân, Xứ Cờ Hoa ngưng không ủng hộ Pháp. Mưu sĩ
phương Bắc dạy cho ngài đại tướng chiến thuật biển người, còn gọi là thuật
“nhất tướng công thành vạn cốt khô”, thế nào cũng thắng. Khi được phỏng vấn làm
thế nào đại tướng có thể thắng một đội quân thiện chiến ở Châu Âu với vũ khí
tân tiến hơn nhiều. Ông đại tướng trả lời không do dự:
- Người Pháp không thể nào thắng chúng tôi vì cứ
10 mạng chúng tôi đổi lấy 1 mạng của họ, chúng tôi vẫn cứ đánh cho đến người
cuối cùng, mà người thì chúng tôi không thiếu.
Tàn cuộc chiến, hơn 1 vạn quân Pháp phải đầu hàng quân của ông đại
tướng. Với khuôn mặt chưa hết kinh hoàng, họ nói không biết ở đâu mà lính địch
cứ xông lên “đông như quân Nguyên”, hết lớp này ngã xuống, lớp khác
lại tiến lên, quân Pháp không còn đủ đạn để bắn. Kiểm điểm lại, trong hơn 5 vạn
quân của ông đại tướng, có hơn 2 vạn chết tại mặt trận, 1 vạn rưỡi bị thương,
nhưng nhìn về “đại cục”, phe ta vẫn cứ toàn thắng. Pháp phải rút quân về nước.
Thật đáng đời bọn Xích Quỷ, ở nhà không muốn cứ đòi đem ánh sáng văn minh đi
soi rọi cho dân ta.
Sau lễ tuyên ngôn độc lập lần thứ hai, gã và đàn em lại sắm lễ vật lên
đường triều cống Mao Vương. Lần này, sư huynh gã ra lênh cho Tể Tướng soạn thảo
văn kiện và yêu cầu gã ký tên vào công nhận Đại Cồ Việt là thuộc phiên của nước
Đại Trung, nêu cao tình hữu nghị anh em, sông liền sông, núi liền núi. Mọi việc
lớn nhỏ đều phải “tư vấn” với thiên triều trước khi muốn hành động.
Đại yến linh đình được Mao Vương đích thân chiêu đãi, rượu ngon gái đẹp
không thiếu thứ gì; lại còn được quan Tể Tướng thiên triều gả cho cô em họ để
tình gia đình thêm thắm thiết. Gã sung sướng đến phát rồ. Đích thân Mao vương
trao tặng gã một tấm liễn bằng gỗ nạm chữ 16 vàng chói lọi, đem về làm “thập
lục tự phương châm” dùng để xác định tư tưởng, chỉ đạo phát triển quan hệ hai
nước; Mao Vương thân mật vỗ vai dặn dò gã phải đời đời ghi tạc trong dạ: sơn
thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan.
Khi về đến Bắc Bộ Phủ, gã và đồng đảng đem áp dụng chính sách của thiên
triều không sai một dấu chấm phẩy, đồng thời cũng nuôi mộng thâu tóm giang sơn
ba miền về một mối. Một nước không thể có hai vua. Đi đâu gã cũng bịt tai, che
mặt, che cả râu không cho dân thấy, để yên lòng mà hưởng vinh quang, phú quý.
Đám đàn em muốn làm vui lòng xếp, bắt dân chúng phải giăng rất nhiều biểu ngữ
ca tụng công đức khắp nơi “Đại Cồ Việt chủ tịch sống mãi trong lòng chúng ta”.
Rủi thay, mùa Xuân năm con Khỉ, gã bị thiệt hại nặng do tính nước cờ
sai, gây cơn binh đao khói lửa, lính của gã thây phơi đầy đồng, xác nổi đầy
sông; gã lên cơn đau tim và hồn du địa phủ. Đám đàn em thân tín bèn mượn danh
của gã, ra lệnh cho xây một cái thạch lăng khổng lồ để xác ướp của gã bên
trong, bắt dân chúng đến nhang đèn cúng bái. Vô hình chung điều này khiến
gã bị lọt sổ luân hồi.
Khi Diêm Vương mở sổ xuất-nhập kho, gọi gã xuống trình diện và hỏi:
- Nghe nói mi là vua nước Đại Cồ Việt, thuở sinh tiền, mi tự hào là trên
thông thiên văn, dưới đạt địa lý. Giải thích cho ta chuyện này. Ta muốn cho mi
đi đầu thai, nhưng khi ta bấm nút “Duyệt” thì cái máy nó cứ đứng im một chỗ,
không chịu chạy? Mi có biết tại sao không?
- Thưa ngài, làm sao tại hạ biết rõ nguyên do. Khi thở hơi cuối cùng,
tại hạ nghe loáng thoáng bọn đàn em muốn ướp xác bỏ trong lăng để tại hạ sẽ
được sống mãi trong lòng nhân dân.
- Đúng là tụi bay muốn làm khó dễ công việc của ta đây mà. Vậy ta truyền
cho mi phải hiện hồn về nói tụi đàn em phá hủy lăng tẩm đền đài, xây một cái
nhà thương, và đem chôn cái thân xác bụi đất của mi. Xong việc trở về đây, ta
sẽ cứu xét cho đi đầu thai đặng mà siêu thoát cho sớm. Còn không, mi cứ ở lại
đây học việc với bọn đàn em Ngưu Đầu, Mã Diện của ta. Ta ban cho mi một đặc ân
mà mi hằng ao ước khi còn trên dương thế là được đi đoàn tụ với sư tổ và sư phụ
mi; tất cả bọn họ và các sư huynh đệ của mi đang ở trong cái “Hỏa Phòng” để
chung hưởng đời đời kiếp kiếp.
- Thưa ngài, tại hạ đã về báo mộng, mà chúng nó vẫn không nghe.
- Không nghe thì mi không có cửa mà đi đầu thai, vô phương vãng sanh nơi
miền cực … nhọc.
Nói xong, Diêm Vương buông tiếng thở dài não nuột, quay qua bọn đàn em
than thở:
- Âu
đó cũng là bi kịch thân phận lãnh tụ được bọn đàn em cho đi tàu bay giấy, đề
cao là vĩ nhân, danh nhân văn hóa thế giới vậy!
Từ đó, tiếng khóc than ngất trời, oán khí bốc lên che phủ cả bầu trời
nước Việt. Mặt trời ít xuất hiện, mây mờ giăng mắc khắp non sông, vạn vật u
buồn triền miên. Người người bỏ nước ra đi, chết chóc đau thương, gia đình ly
tán. Người ở lại sống mòn trên mảnh đất bị nguyền rủa với cả mấy thế hệ tương
lai sẽ còn chìm đắm trong hàng trăm năm tăm tối.
NGUYỄN VĂN TỚI
Tháng 10/2023
Mời đọc lại: Chuyện Cổ Tích Xứ Thiên Đường - Nguyễn Văn Tới (nguoiphuongnam52.blogspot.com)
Thật là hay. Cám ơn tác giả.
ReplyDelete