Sinh
ra trong một gia đình nhiều đời thuần Phật giáo nhưng vì bố anh từ Saigon phải
đổi lên làm việc ở Nam Vang, Cao Mên, anh theo học trường Pháp của các Cha
Thiên chúa giáo nên từ nhỏ đã có lòng kính Chúa và yêu Đức Mẹ, trong túi áo của
anh luôn luôn có tấm hình Đức Mẹ Hằng Cứu rỗi.
Lớn
lên, dù cuối tuần vẫn đưa đón ông bà cụ đi chùa, vẫn cùng cả nhà ăn chay vào
ngày rằm và mùng một, anh đọc và nghiên cứu giáo lý của Phật Thích Ca như một
nguyên lý hướng dẫn chúng sinh cách sống tốt đẹp, tử tế để xã hội được an lành.
Là một Phật tử, quen anh, chị biết rõ đức tin và suy nghĩ của anh, chị chấp nhận
sự khác biệt tư duy của mỗi người.
Sau
đám cưới, một hôm mẹ chồng bảo chị:
-
Con xem trong bóp của chồng con có tấm hình Đức Mẹ, liệu tìm cách lấy đi, má chỉ
sợ có ngày chồng con theo hẳn bên đạo.
Chị
e dè thưa:
-
Dạ chắc con không dám, mình phải tôn trọng đức tin của ảnh thôi má
à.
Mẹ
chồng chị buồn rầu:
-
Nhưng nó là con trai duy nhất trong gia đình, nếu theo đạo sau này ba má mất ai
là người thờ cúng?
-
Xin má yên tâm, con sẽ là người lo việc thờ cúng, giỗ quảy trong gia đình.
Mẹ
chồng chị thở dài, nhưng từ đó bà không hề nhắc lại vấn đề hệ trọng này thêm lần
nào nữa.
Cuối
năm 1973 anh có học bổng trở lại Pháp theo một khóa tu nghiệp 2 năm, chị vẫn ở
nhà cùng cha mẹ chồng và các con, cứ nghĩ 2 năm rồi sẽ qua mau, anh sẽ trở về
vào cuối năm 1975. Nhưng chiến tranh và thời cuộc thay đổi nhanh như sấm chớp
giữa trời quang, thoắt một cái miền Nam mất từng đoạn giang sơn vào tay cộng sản
miền Bắc.
Đầu
tháng 4/1975 chị đánh điện tín khuyên anh đừng về VN. Chị đang làm việc cho một
công ty ngoại quốc sẽ tìm cách đưa các con qua Mỹ rồi qua Pháp gặp anh. Nhưng
không ngờ gần cuối tháng Tư anh trở về Saigon bằng chuyến bay cuối cùng của
hãng Air France. Ra đón anh, chị nghẹn ngào “sao anh lại về trong khi người ta
đang tìm đủ mọi cách để ra đi”. Anh cũng nghẹn ngào “nhưng ba má đánh điện tín
kêu anh về gấp và anh cũng rất sợ cảnh thất lạc mất em, các con và cả đại gia
đình”...
Thôi
thì số mệnh đã sắp đặt như thế, anh chị cùng cả nhà rơi vào hoàn cảnh đau
thương, đói khổ chung của toàn thể miền Nam. So với nhiều người khác anh chị vẫn
còn cái may được chính quyền mới “lưu dung” – ban đầu chị cứ tưởng chữ này là
lưu dụng mà họ viết thiếu dấu nặng, nhưng mà không một cán bộ đã giải thích rõ
ràng “các anh chị chỉ được lưu dung nghĩa là dung thứ và lưu lại để tạm thời giải
quyết công việc đang cần, không có nghĩa là sẽ được đảng và nhà nước dùng các
anh chị lâu dài”.
Trong
bối cảnh đen tối, lầm than của cả một xã hội đang sống an lành trên mặt đất bỗng
nhiên rơi đùng xuống một vực sâu thăm thẳm không biết bao giờ mới đưa con cái
ngoi lên được, anh chị cũng như số đông người miền Nam lúc đó chỉ còn có con đường
hy vọng duy nhất là thoát ra khỏi VN bằng mọi cách.
Người
em của anh từ Canada làm giấy tờ bảo lãnh cả nhà ra đi theo chương trình “đoàn
tụ gia đình”. Giấy tờ gởi về từ năm 1977, số phận nằm trong tay mấy cán bộ của
sở Ngoại vụ, trong 4 năm liên tiếp từ 1977 đến 1980 ngày ngày anh và một nhóm
người có thân nhân ở ngoại quốc bảo lãnh, cơm bới nước mang chầu chực ở sân cỏ
trước cái sở này để chờ tin. Chạy chọt đủ đường, chỗ này mất 1 cây, chỗ kia 2
cây, cũng có khi nhận được tin vui, sắp có giấy xuất cảnh, sắp được phái đoàn Canada
phỏng vấn, nhưng tin chỉ là tin miệng, chờ dài cổ cũng chưa hề thấy mảnh giấy
nào trao tay.
Thời
gian chờ đợi giấy tờ xuất cảnh trong vô vọng anh chị cũng đã vài lần tìm đường
vượt biển nhưng không thành công. Các con ngày càng lớn, đường lối giáo dục vô
cùng thiếu giáo dục của trường lớp trong xã hội cộng sản làm anh chị càng cuống
cuồng lo lắng thêm, liều mạng đem con ra biển chín phần chết một phần sống hay
tiếp tục chờ đợi tấm giấy cho phép rời VN??? Câu hỏi bám vào đầu óc luôn làm mất
ăn mất ngủ, tiến thối lưỡng nan.
Một
hôm anh đi đâu mất suốt ngày không bới theo lon cơm như mọi khi ra chầu sở Ngoại
vụ, chiều tối đạp xe về anh chỉ nói với chị anh có việc phải lên Bình Triệu, chị
cũng tưởng lại có đường dây vượt biển nào đó kêu gọi anh... Một buổi sáng vào
tuần sau bỗng nhiên anh hớn hở đạp xe về sớm báo tin cho cả nhà “đã có giấy xuất
cảnh, ngày mốt cả nhà phải đi lăn tay làm thông hành”.
Ôi
Trời, đầu óc chị choáng váng như bị va vào cột, có thiệt không, thật hay mơ,
ông bà, cha mẹ, con cái, tất cả rồi sẽ được lên máy bay ra khỏi đất nước âm u
khổ nhục này một cách an lành??? Trong những giọt nước mắt trào ra vì vui mừng
chị biết có một phần đau xót, quê cha đất tổ mà phải vui mừng khi được bỏ đi!!!
Rồi
ngày cuốn gói lên máy bay cũng tới, nhà bán được mấy cây vàng đã chia hết cho
các cô, chú bên nội của anh, đồ đạc trong nhà qua mấy năm thiếu ăn đã ra chợ trời
gần hết, chỉ còn lại mớ quần áo, nồi niêu son chảo cũng đã chia hết cho bà con,
láng giềng... Cả gia đình 10 người già trẻ với một mớ hành lý xách tay hỗn độn
lên phi trường ngồi chờ người ta gọi lên máy bay. Chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy
máy phóng thanh kêu tên mình, anh chị sốt ruột tới quầy Air France hỏi tiếp viên
ở đó và được trả lời gia đình anh chị không có tên trong danh sách chuyến bay
này. Anh chị gần như hóa đá khi nghe, không thể nào như vậy được, chúng tôi có
giấy xuất cảnh và đã được thông báo ngày giờ của chuyến bay, vé máy bay đây, tại
sao không có tên? Cô nhân viên bình thản dò lại một lần nữa tờ manifest, xin lỗi
ông bà tôi không biết lý do nhưng gia đình ông bà hoàn toàn không có một tên
nào được ghi ở đây.
Điếng
người, anh chị thất thểu trở về chỗ ông bà cụ và đám con nít đang chờ đợi,
không biết phải giải thích với cả nhà ra sao, không biết rời phi trường sẽ về
đâu để trú ngụ đêm nay với bầu đoàn thê tử 10 người, với đám hành lý ngổn ngang
túi xách. Đang chìm trong lo lắng, hoang mang thì bỗng nhiên có tiếng chào hỏi
“Gia đình đang chờ lên máy bay đấy hẳn?” Ngẩng lên anh chị trông thấy cán bộ X,
người vẫn lo giấy tờ và lo luôn việc hướng dẫn đường dây “bôi trơn” từ mấy năm
nay.
Như
bắt được vàng, anh vội vã nắm tay áo cán bộ X kéo đến quầy Air France cho anh
ta biết tình trạng đang xảy ra. Anh ta quát lên với cô Air France “thậm vô lý,
chính tay tôi đánh máy tên của gia đình anh này tại sao lại không có danh sách,
để tôi vào bên trong xem lại”. Chỉ biến mất vào phòng bên chừng vài phút anh ta
xuất hiện với tờ giấy trên tay và lại quát vào mặt cô tiếp viên “danh sách này
tại sao để nằm trong hộc bàn?” Cô tiếp viên nói gì đó với anh cán bộ mà anh chị
không nghe được, chỉ thấy tay cán bộ quay lại với nét mặt hòa hoãn “chỉ là sơ
sót thôi, vậy là tốt nhé, gia đình anh chị sẽ lên máy bay hôm nay, không có sự
cố gì quan trọng”.
Vậy
mà bảo không có “sự cố gì quan trọng”... Thật là chết đi sống lại, anh chị lật
đật trở về chỗ cả nhà đang đợi, vừa kịp nghe máy phóng thanh lần lượt kêu tên
10 người cuối cùng lên máy bay. Ra khỏi không phận VN chị mới cảm thấy bớt hồi
hộp, lo lắng, lúc đó anh cầm tay chị nói thầm:
-
Em có nhớ ngày anh đạp xe lên Bình Triệu không?
-
Vâng, có đường dây vượt biên nào trên đó hả anh
-
Không, anh lên gặp Đức Mẹ Fatima cầu xin Mẹ gia ơn cho nhà mình ra khỏi VN và hứa
tới đất tự do việc đầu tiên anh làm là sẽ xin rửa tội.
Và
khi thấy anh kín đáo làm dấu thánh giá chị nhắm mắt lâm râm cầu nguyện Quán Thế
Âm Bồ Tát.
Giữ
đúng lời hứa, đặt chân lên đất Canada, anh đã đến nhà thờ gần nhà xin làm thủ tục
rửa tội, chính thức trở về với đạo, điều làm anh vui mừng nhất là ông bà cụ và
cả nhà cùng hân hoan tham dự thánh lễ với anh. Và nhờ vào việc cha hoặc mẹ là một
giáo dân các con của anh chị đã được nhập học trường công giáo, với hệ thống
giáo dục giống trường công lập nhưng kỷ luật và nề nếp hơn hẳn các trường công.
Đức
tin và lòng kính Chúa, yêu Đức Mẹ của anh vô cùng sâu nặng, mưa, gió, bão tuyết
chưa bao giờ anh bỏ lễ Chúa nhật và thánh lễ Noel nửa đêm Giáng sinh, chị là
người Phật tử duy nhất mỗi năm vẫn theo anh đi lễ nửa đêm để khi về nhà vợ chồng
con cái có một bữa ăn khuya ấm áp hương vị gia đình giữa mùa đông giá rét.
Trên
đất mới cũng như mọi di dân khác anh chị lao vào bất cứ công việc gì tìm được để
nuôi gia đình, chị may mắn có một việc văn phòng, anh thì phải làm lao động
trong hãng xưởng. Trước nay chỉ biết chữ nghĩa, sách vở, hoàn toàn không có
kinh nghiệm làm việc lao động, lại thêm tay chân vụng về, chỉ sau 3 tháng thử
việc là anh bị đuổi. Thất nghiệp nhưng sợ ông bà cụ lo lắng chị vẫn ngày ngày bới
cơm cho anh ra đi từ sáng sớm y như lúc còn đi làm, có hôm anh than nhỏ với chị:
- Ngày nào cũng vô thư viện đọc sách hoài ngán qua em ơi.
- Thì anh đi nhà thờ, đi viện bảo tàng, đi lòng vòng mấy cái chợ, thay đổi
không khí.
- Đi đâu cũng thấy ngày quá dài.
Nhưng
cũng nhờ thời gian thất nghiệp anh mới rảnh rỗi tìm hiểu việc lấy lại bằng cấp,
nộp đơn cho các cơ quan giáo dục để xin trở lại công việc dạy học. Sau mấy
tháng chờ đợi, sau mấy lần phỏng vấn anh được nhận vào Sở Giáo dục Công giáo dạy
môn Pháp văn thay thế cho bất cứ giáo viên ở bất cứ trường nào bị đau ốm phải
nghỉ dạy bất ngờ. Công việc mới nhìn thì không khó vì khi giáo viên chính nghỉ
dạy là học sinh cảm thấy như được sổ lồng, chúng không màng việc học, coi sự có
mặt của substitute teacher như không, và chính việc giữ kỷ luật, không để học
sinh làm ồn ào ảnh hưởng đến các lớp bên cạnh mới thật sự khó khăn cho người thầy
làm công việc dạy thế. Quen với sự giáo dục và kỷ luật của học sinh VN, quen với
việc tôn sư trọng đạo, tình cảm, sự tôn kính giữa thầy và trò ở VN, anh thấy hụt
hẫng, thất vọng và tổn thương với tính cách hoang dã có thể coi là thất lễ của
học sinh ở đây. Sự thất vọng và buồn bực làm anh thấy mỗi buổi đến trường là một
cực hình, một đằng mong cho người ta kêu mình đi dạy để có tiền, một đằng cầu
mong cho khỏi tới trường, sự mâu thuẫn này làm anh hao tâm tổn trí đến nỗi bị
ulcer dạ dày.
Mùa
hè năm đó anh chị mua được chiếc xe hơi, chị đề nghị cả nhà đi một chuyến
vacation đầu tiên để anh bớt căng thẳng. Địa điểm được chọn là Montreal thăm viếng
mấy gia đình bà con và nhất là viếng thánh đường St. Joseph sau đó tiếp tục lên
thăm Quebec City, một thành phố du lịch xinh đẹp cách Montreal 4 tiếng lái xe.
Dọc đường anh muốn ghé thăm nhà thờ St. Anne de Beaupré, một ngôi giáo đường nhỏ
nhắn rất xinh nổi tiếng linh thiêng với những người công giáo.
Chị
chụp cho anh tấm hình đang cầu nguyện trong nhà thờ này và trêu anh:
- Lần này anh lại xin Đức Mẹ chuyện gì nữa đây?
Anh cười cười:
- Rồi em sẽ biết khi anh nhận được phép lạ và ơn lành của Đức Mẹ.
Chị
cũng cười và rồi quên bẵng chuyện trêu anh. Cho tới sau 2 tuần du lịch trở về
khi mở hết những thư từ nhận được trong thời gian vắng nhà bỗng nhiên như có
món quà từ trên trời rơi xuống, anh đưa cho chị lá thư của Sở Giáo dục Công
giáo mời anh nhận việc mới là giáo sư thực thụ dạy tiếng Pháp cho những lớp
chuyên dùng Pháp ngữ cho các môn học chính (French Emersion). Dạy những lớp này
thì học sinh đa số đều ngoan, có kỷ luật, chịu khó học vì đã tự chọn tiếng Pháp
làm sinh ngữ chính nên giáo sư cũng bớt mệt, bớt căng thẳng và bực
mình.
Khi
chị tròn mắt nhìn anh có ý dò hỏi, anh thì thầm “cũng là anh đã cầu xin Đức Mẹ
ban tình thương cho anh ở giáo đường St. Anne de Beaupré” – chao ôi đức tin sâu
nặng của anh, một tấm lòng sắt son tin tưởng mà chị không hề tưởng tượng được.
Chính Đức tin mãnh liệt đó đã giúp anh vượt qua bao chặng đường chông gai, trắc
trở, bao nỗi khổ phải chịu đựng từ trong nước ra đến hải ngoại.
Mùa
Giáng sinh năm nay đánh dấu thời gian gia đình anh chị đặt chân đến đất nước
Canada xinh đẹp, hiền lành đúng 42 mùa tuyết đổ, nhìn tuyết chị lại nhớ đến cảm
giác đêm đặt chân xuống phi trường, lần đầu tiên thấy tuyết bao phủ mặt đất một
màu trắng xóa, mênh mông chị có cảm giác thật lạ lùng, bơ vơ nhưng không hề sợ
hãi, bởi vì chị biết mình đang được đứng trên một miền đất tự do thật sự, có thể
dựa vào bàn tay, sức lực và ý chí của chính mình để xây dựng tương lai cho con cái.
Rồi
như sực nhớ ra điều gì chị hơi ngơ ngác, ừ nhỉ, bao nhiêu năm nay anh có nghĩ
như chị không hay với đức tin sâu nặng của mình anh đã đặt mọi sự vào bàn tay Đức
Mẹ và các phép nhiệm mầu của Người? Dù sao đi nữa phải kể chị lại là kẻ
rất may mắn đã có anh và Đức Tin của anh để được hưởng ké những Phép Lạ mà Đức
Mẹ ban cho con chiên đầy nhiệt tâm với lòng lành như người đàn ông luôn đi bên
cạnh chị.
Sông-Hương
Dec. 2023
No comments:
Post a Comment