Anh người Sài gòn gốc Bến Tre bị động viên đi lính trong giai đoạn
cuộc chiến ngày càng khốc liệt, rồi bị chuyển ra Vùng 1 chiến thuật, chiến trường
miền Trung những năm trước 1970.
Sau những ngày hành quân gian khổ trên những núi đồi tan hoang
vì bom đạn vùng Thừa Thiên, lúc được nghỉ phép anh đã có dịp trở về Huế tận hưởng
không khí thanh bình ở Cố đô.
Nơi này, anh và chị tôi đã phải lòng rồi họ cưới nhau, vậy là
tôi đã có thêm người anh rể cùng chung sống với đại gia đình.
Các anh em rể trong gia đình tôi phần lớn là quân nhân nhưng chỉ
anh là người có học võ. Mỗi khi có phép về thăm nhà anh hay mặc bộ đồ võ, dáng
người thon gọn, đi quyền vun vút, tả xung hữu đột làm tui hoa mắt, hoa mũi nên
phục anh sát đất.
Chị tôi không phải là phụ nữ có nhan sắc mặn mà lại hơn anh đến
8 tuổi, đúng là duyên nợ trời đất! nhưng thấy anh chị thương nhau lắm. Tôi nhớ
hồi ấy chị thường khắc khoải đứng ngồi không yên đợi chờ anh có dịp trở về nhà
với mấy ngày phép ngắn ngủi sau thời gian dài chinh chiến, rồi lại bịn rịn nhau
trong giây phút từ giã lúc anh trở lại chiến trường.
Hẳn là hai anh chị thương nhau lắm nên chị tôi đã sinh cho anh một
lèo 3 đứa con, một trai hai gái. Phần anh cũng vậy, có lúc về thăm vợ con, thời
gian nghỉ phép đã đáo hạn anh vẫn không muốn trở lại đơn vị tác chiến mà cứ cố
nán lại bên vợ con thêm một hai ngày. Cuộc chiến ngày càng dữ dội, đồng đội của
anh tử thương quá nhiều. Tất nhiên khi trở lại đơn vị anh sẽ bị nhốt trong chuồng
cọp vài ngày rồi bị đẩy ra mặt trận nóng rát hơn. Biết thế nhưng anh cứ vẫn! Chỉ
bởi vì một nỗi...đó chính là nỗi sợ...anh sợ chết... như bao người lính khác vốn
sợ, vì bom đạn vẫn vô tình và vì anh không muốn mất vợ, mất các con bé bỏng ruột
rà của mình.
***
Lần cuối anh trở lại chiến trường vào mùa thu 1974, nhưng từ cuối
năm ấy không còn thấy anh trở về thăm vợ con nữa. Chị tôi mòn mỏi đợi chờ trong
âu lo và khổ nhất là không nhận được thông tin chi chính xác về anh cả, chỉ
nghe phong phanh rằng anh đã bị thương sau trận giao tranh ác liệt ở vùng rừng
núi huyện Phú lộc, tỉnh Thừa Thiên, còn sống chết không rõ. Có lẽ đồng đội của
anh bị tử thương nhiều đến chẳng còn ai để đưa tin hay nhắn gởi!
Từ đó ai cũng đau xé lòng nhìn chị tôi không chồng bán hàng rong
bên đường nuôi các con thơ dại.
Ngồi bán hàng trên vĩa hè xóm Thượng Tứ lòng chị cũng nát tan
theo những chuyến xe GMC chạy vào cửa Thượng Tứ để đến đồn Mang cá, trên xe chở
xác lính bọc trong poncho mùi xác chết hôi thúi lan ra khắp cả dãy phố.
Chiến tranh tương tàn là thế đó, nỗi âu lo khắc khoải và nỗi sợ
hãi cứ mãi đè lên tâm tư con người đến nặng trĩu!
***
Nhưng hồi ấy chị tôi và gia đình vẫn còn hy vọng rằng anh chưa
chết, ai cũng nghĩ có lẽ anh chỉ bị thương và bị phía bên kia bắt làm tù binh,
tức là cơ may sống sót vẫn còn. Thế mà nhiều năm sau 75 vẫn không thấy tin tức
chi về anh. Tuy vậy, hy vọng anh còn sống vẫn luôn có trong lòng người thán ruột
của anh, cho dù anh có trở về trên đôi nạng gỗ hay là đại tướng cụt chân! họ vẫn
còn hy vọng.
Chiến tranh là thế đó, dù cho cuộc chiến có nghĩa hay phi nghĩa
thì vẫn hằn trong lòng con người những trăn trở, những khắc khoải đợi chờ, và vẫn
hy vọng dù rất mong manh về sự sống sót trở về của người thân.
Rồi mấy mươi năm trôi qua nước mắt cũng dần cạn khô vì mãi chờ
mong trong vô vọng.
Nghĩ về cuộc chiến tàn khốc ở đất nước mình tôi lại càng bàng
hoàng thổn thức về cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Ukraine.Tại sao loài người chẳng
muốn chung sống hòa bình mà cứ mãi ưa tàn phá giết chóc và hủy diệt để thể hiện
sự tự mãn điên rồ bệnh hoạn của mình. Vậy mà đã kéo lê thê một thời gian dài thế
giới văn minh bất lực chỉ khoanh tay đứng nhìn cho vui mà không thể bắt nhốt kẻ
điên rồ man dại vào nhà tâm thần để giáo dưỡng. Vậy thế giới này vẫn còn mông
muội quá!
***
Cháu Nam, con trai đầu lòng của chị được người chị thứ nhì của
tôi nhận nuôi dưỡng. Khi gặp hoạn nạn và lâm vào hoàn cảnh khó khăn thường chỉ
có người thân ruột thịt mới sẵn lòng cưu mang. Một thân một mình nuôi con, ở
đâu rồi cũng sẽ khó khăn. Sau cái ngày 30 tháng tư ấy! chị lại đưa các con vào
Sài gòn, về với bên nội mong thay đổi được phần nào cuộc sống nhọc nhằn chăng?
Nhưng, mấy mẹ con lại tiếp tục cuộc sống gian nan tủi hổ ở đất
Sài gòn hoa lệ. Tội cháu Nam còn nhỏ đã bươn chải với đời, vừa đi học vừa làm
thêm bất cứ việc gì để đỡ đần cho mẹ và hai em. Nam đã sớm ý thức vai quyền
huynh thế phụ nên đã không ngừng cố gắng làm việc để nuôi sống gia đình. Kể cả
sau khi hai em gái khôn lớn, đã lập gia đình Nam vẫn còn tiếp tục cưu mang các
em. Tình yêu thương thân ruột của cháu còn lan tỏa ra cả gia đình nội ngoại. Mừng
cho chị tôi có người con chí hiếu mà cả gia đình nội ngoại đều thương yêu. Nam là
đứa cháu sống có nghị lực và rất tình cảm mà tôi luôn yêu quý.
Nhờ sự cố gắng của Nam gia đình chị có cuộc sống khá sung túc,
nhưng thiếu vắng anh, chị và các cháu như thấy hụt hẫng, vẫn luôn trông ngóng
tin tức về anh.
***
Mãi đến cách đây gần một tháng có người cháu báo cho gia đình biết
tin của anh vừa được đăng trên chương trình Kết Nối Yêu Thương của anh Tuấn Vỹ.
Thông báo đã nêu đúng họ tên anh là Bùi Phước Lợi. Với thông tin này gia đình rất
vui mừng và hy vọng lần này là thật.
Tuy vậy trên bảng tin của anh Tuấn Vỹ được cung cấp bởi vợ chồng
anh Thuận và chị Cúc ở vùng rừng núi thôn Hưng Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú lộc,
Tỉnh Thừa Thiên thì chỉ đúng với họ tên của anh còn số quân cũng như nhóm máu
thì không đúng với hồ sơ của mẹ Nam cất giữ lâu nay.
Việc không trùng khớp này đã hình thành nỗi
băn khoăn hoang mang xâm chiếm lấy niềm hy vọng đang lớn dần của người thân
cũng như anh Tuấn Vỹ và vợ chồng anh chị Thuận Cúc!
***
Cách đây 20 năm, anh Thuận là người đi rà tìm phế liệu sắt đồng ở
vùng đồi núi huyện Phú lộc để kiếm sống. Có lần đi sâu vào rừng tình cờ anh
nhìn thấy sợi dây dù nằm lẫn trong đám dây leo chằng chịt. Đây chính là loại
dây buộc võng của người lính Việt Nam cộng hòa. Anh lần theo múi dây và phát hiện
lớp vải dù nhuốm màu đất vì phủ dày lớp bụi thời gian. Tò mò anh mở ra xem...
Trời ơi! bên trong lớp vải võng là bộ xương người, có cả hai Tấm Thẻ Bài còn
nguyên vẹn. Bàng hoàng đến lặng người, anh rất đỗi sợ hãi nhưng sau đó đã kịp trấn
tĩnh, anh thắp điếu thuốc thay cho nén hương và khấn với vong linh người đã khuất
rằng: trời đất đã xui khiến cho anh gặp gỡ thì anh sẽ quay lại mang hài cốt về
chôn cất.
Nhà nghèo, không tiền mua cái tiểu, anh đã gỡ tấm ván dựng phên
nhà mình để đóng thành một cái tiểu. Anh mày mò tìm lại nơi đó, thận trọng từng
bước chân vì bom đạn còn rải rác chốn rừng rú hoang vu này.
Anh đã bốc những đốt xương của một người quá cố xa lạ đặt vào
cái tiểu đã đóng và không quên bỏ theo Tấm Thẻ Bài rồi đem về chôn gần nương rẫy
của một người quen không xa nơi ở của gia đình anh để thỉnh thoảng thắp hương
cho vong linh người đã khuất.
Mười mấy năm sau, cách đây chừng hơn 7 năm anh đã xây bo mộ lên
cho cao ráo và thường hương khói. Không ruột rà thân thích anh vẫn thực hiện việc
này. Đó Ôi! tình thương này thật lớn, một nghĩa cử thật cao đẹp, một tấm lòng
thật đáng ngưỡng mộ.
***
48 năm, thời gian dài gần nửa thế kỷ, hẳn là sự nhớ thương người
chồng bạc số luôn đeo đuổi chị. Từ cái ngày định mệnh ấy, chỉ mới 30 mấy
tuổi chị tôi vẫn ở vậy nuôi các con khôn lớn. Nay chị đã ở tuổi 83 mới nhận được
tin chồng. Có lẽ đây là xúc động mãnh liệt được hòa cùng hạnh phúc lớn nhất của
đời chị.
Nghe tin như vậy, thương chồng bạc phước, mẹ Nam muốn con ra Huế
tìm đến nơi mộ phần xem thế nào.
Thế là tuần trước vợ chồng Nam cùng anh Tuấn Vỹ đã ra Huế, trong
nhóm còn có người cậu ruột của Nam đi cùng. Đoàn đi theo hướng lên đổi núi Nam
Đông tìm đến nhà của anh chị Thuận cách thành phố Huế khoảng 50 km. Từ đó, để đến
nơi mộ phần, đoàn phải tiến sâu vào rừng, đường đi khá hiểm trở, phải vượt qua
mấy con suối để đến một bãi đất trống mới lộ ra ngôi mộ được xây bo cao xung
quanh. Bên ngoài bo mộ có khắc tên Bùi Phước Lợi, nhưng hàng chữ số bên dưới đã
mờ đi theo năm tháng, không còn rõ nét để đọc. Có lẽ anh chị Thuận nghĩ đó là số
quân nên đã cung cấp khi đưa tin cho anh Tuấn Vỹ, số này không đúng với số quân
của anh Bùi. Do vậy mà nỗi hoang mang của mọi người trong đoàn càng nhân lên.
Chỉ còn cách là khai quật để kiểm tra tấm thẻ bài được chôn theo bên dưới.
Thật nan giải, vợ chồng cháu Nam cùng cậu Lam và mọi người trong
đoàn đã thành tâm khấn nguyện với vong linh mong được khai thị. Ngay sau đó họ
chùi rửa hàng chữ số khắc trên mộ mới phát hiện đó là ngày tháng năm xây mộ chứ
không phải số quân như anh chị Thuận đã đọc nhầm khi đưa tin.
Thế là nghi vấn về số quân ghi trên mộ đã được giải tỏa, còn mộ
phần đó có phải đúng là ba của Nam không thì vẫn còn trong nghi vấn.
Đoàn người đành trở về nhà anh Thuận, trong lòng ai cũng mang nặng
những băn khoăn vì dấu hỏi lớn vẫn đang còn.
***
Về đến nhà, ngay sau đó anh Thuận bỗng nhớ lại cách đây 7 năm,
khi xây mộ cho bộ hài cốt này, anh đã nhờ một người bạn (là anh Bảy) chụp lại Tấm
thẻ bài để đăng lên Facebook mong tìm được người thân cho vong linh, nhưng thời
gian dài sau vẫn không có hồi đáp, lâu dần sự việc cũng đi vào quên lãng. Nay,
ký ức về sự việc này bỗng trở về như là một điều khai sáng, anh và vợ liền gọi
điện ngay cho anh Bảy, anh này đã mày mò tìm thấy lại hình chụp Tấm Thẻ Bài
mang tên Bùi Phước Lợi vẫn còn lưu trên FB nên đã gởi ngay lại cho anh chị Thuận.
Liền sau đó anh Tuấn Vỹ vội chuyển cho Nam kiểm chứng.
Nam chăm chú nhìn lâu Tấm thẻ bài trên điện thoại rồi...bật
khóc, miệng chỉ nói lắp bắp nói được hai từ "ĐÚNG RỒI!"... Thật như một
phép lạ, như đã có một sự trợ giúp vô hình nào đó để mọi việc trở nên rõ ràng
minh bạch.
Ôi! giây phút làm xúc động lòng người. Chỉ có sự gặp gỡ, hòa quyện
tình huyết thống thiêng liêng mới tạo nên cảm xúc mãnh liệt đến thế. Phút giây
đó tôi cũng đã khóc theo cháu. Mọi người chứng kiến đều bàng hoàng xúc động rơi
nước mắt.
Sự việc đã diễn ra quá bất ngờ, như là một sự hiển linh, một
phép lạ! .
***
Thẻ bài (dog tag) làm bằng kim loại cứng, thường là bằng inox để
chống hư hỏng. Trên thẻ bài thường được khắc họ tên, số quân với 8 chữ số và loại
máu. Một người lính luôn mang theo mình hai thẻ bài giống nhau, một đeo ở cổ,
cái còn lại đeo ở cổ tay hay để ở đế giày. Khi bị tử thương trên chiến trường,
nếu không mang được xác về thì đồng đội sẽ lấy một cái thẻ để vào trong miệng của
tử thi mong có thể xác minh thân phận của hài cốt sau này, cái kia để thống kê thương
vong của đơn vị. Vì vậy nếu không tìm được xác thì khi nhìn thấy thẻ bài cũng
như nhìn thấy hài cốt của người quá cố vậy.
***
Thế là mọi nghi vấn băn khoăn trước đây nay nhanh chóng tan đi,
không còn hoài nghi điều chi nữa, chắc chắn đây là phần mộ ba của các cháu rồi.
Ngày mai 25 tháng 4 (nhằm ngày 25 tháng 3 âm lịch) gia đình cải
cải táng hài cốt của anh và đã tìm thấy Tấm Thẻ Bài của anh.
Hài cốt anh được đưa về chùa Quy Thiện ở Huế để vong linh được gần
với tiếng kinh kệ cầu siêu và để gia đình bên ngoại đến viếng. Ngày 28 Nam sẽ
đưa hài cốt của ba vào Sài gòn, quàng tại từ đường họ Bùi để anh được trùng
phùng với ba mẹ, ông bà tổ tiên và để thân ruột bên nội đến viếng. Sau đó một
ngày, ngày 29 hài cốt của anh sẽ được đưa vào an vị tại chùa Già Lam cầu cho
linh hồn anh được siêu thăng.
Thế là sau nửa thế kỷ chị ruột tôi và các cháu mới mặc áo tang
tiễn đưa chồng và cha.
***
Có được sự đoàn viên kỳ diệu này là nhờ tấm lòng của anh chị Thuận
Cúc, anh chị đã hết lòng với một công việc thiện nguyện vô tư, tận tình lưu giữ
hài cốt của anh một cách chu đáo trong suốt hơn hai mươi năm. Anh Tuấn Vỹ đã
nhiệt tình thông báo trên Trang nhà Kết Nối Yêu Thương và không quản gian khó
luôn xông pha trong hành trình xa xôi vất vả để chung sức tìm hài cốt của anh
BÙI.
Chị tôi, gia đình cháu Nam, hai con gái và thân bằng quyến thuộc
hai bên nội ngoại của Nam xin nghiêng mình cảm tạ và trân trọng tấm lòng vàng của
các anh các chị đã đem tình thương quảng đại đến với người sống lẫn người đã
khuất. Thật là công đức vô lượng. Ơn này gia đình làm sao trả được đây! Cầu
mong điều thiện lành luôn đến với các anh chị.
Nguyện cầu linh hồn anh BÙI PHƯỚC LỢI siêu thoát cõi vĩnh hằng.
24/4/2022
Van Que Nguyen
No comments:
Post a Comment