ĐỔI MÀU
Một ngàn chín trăm bảy
mươi lăm. Cộng sản vào miền nam. Ông bị đi tù. Đói và khổ. Nhiều năm sau, ông
được ra tù. Hết đói nhưng vẫn khổ. Thời may có người bạn từ phương xa về gửi
giúp ông ít tiền. Không nhiều, nhưng rất quý trong cảnh ngộ. Ông thấm thía câu:
“ miếng khi đói bằng gói khi no “. Hằng đêm, ông lén nghe đài và ngóng tin ngoại
quốc. Mong ước bạn bè đã đi thoát hãy cố gắng làm điều gì đó cho quê hương, dân
tộc. Trong đó có ông.
Bây giờ sang trời Tây.
Đổi đời. Làm ăn khấm khá. Ông muốn quên hết chuyện xưa.
Hôm qua có mấy người bạn
cũ mời ông đi họp mặt. Ông viện lẽ bận rộn từ chối, tự nhủ thầm: ” không lo làm
ăn, hơi đâu lo chuyện ruồi bu ! “ . Được mời gọi đóng góp giúp đỡ thương phế
binh và bạn bè còn kẹt ở quê nhà, ông cười khẩy, lắc đầu quầy quậy : “ai có
thân nấy lo, của đâu mà giúp người dưng “.
Bạn bè cáo từ. Ông tiễn
ra cửa.
Trên cây trước nhà, bên
cạnh những cành lá xanh tươi, có một cành bị sâu đục thân.
Lá trên cành đã đổi màu
tự bao giờ.
BẠC BẼO
Ngày xưa nhà nghèo. Mỗi
ngày Ba chở hai con đi học trên chiếc xe đạp cà tàng. Đường đến trường nhiều dốc
cao. Ba, người đẫm mồ hôi vẫn cố còng lưng đưa hai con đến trường đúng giờ. Có
hôm trời mưa như trút nước. Ba cha con chỉ có một áo mưa. Ba nhường cho hai con
để không bị ướt. Trên đường đi, Ba thường kể chuyện vui cho hai con nghe. Dù mệt
hay khỏe, không bao giờ nghe Ba than một tiếng.
Nay sang đây định cư.
Hai con đã trưởng thành và vững chãi. Còn Ba tuổi già không lái xe được. Đi đâu
cũng phải khó khăn nhờ hai con chở.
Hôm nay có mấy người bạn
đến mời họp mặt. Ba nhờ hai con đưa đón. Đứa em thoái thoát: “ Con không rảnh
đâu, ba nhờ chị Hai chở đi “. Nó lên xe chạy vội ra quán cà phê tán gẫu với bạn
bè. Chưa kịp nhờ, cô chị đã gắt gỏng: “ Già rồi, không lái xe được, chịu khó ở
nhà cho yên thân, đi ra ngoài làm gì để người ta phải mắc công đưa đón ”.
Ba nghe nói. Buồn. Làm
thinh. Thẫn thờ ra sau vườn đốt điếu thuốc.
Mẹ ngồi nghe thấy hết.
Nhìn theo Ba, nước mắt rưng rưng.
XÓT XA
Ông Bà lấy nhau đã được
vài chục năm. Mặn nồng hạnh phúc đâu cũng được thời gian đầu. Có chung nhau vài
mặt con.
Lâu dần ông cảm thấy bực
bội với bà. Nhiều khi ông cứ cho bà là gánh nặng. Ra vào cứ hỏi han, cật vấn,
cái gì cũng lo cũng hỏi. Làm như ông là con nít vậy. “ Mất cả tự do “, ông thầm
nhủ.
Rồi ông lặng lẽ chia
tay với bà trong niềm luyến tiếc của gia đình. Ông bỏ măc những lời khuyên can,
năn nỉ của bà và con cái. Ông cương quyết xây dựng hạnh phúc mới. Người ta còn
trẻ, dễ nhìn và biết chiều chuộng ông nữa. Chỉ được thời gian không lâu, ông tỉnh
ngộ ra rằng người mới chỉ săn đón ông bề ngoài thôi. Chỉ có thể vui vẻ trong những
lúc vui chơi nhậu nhẹt . Chuyện chăm sóc gia đình , so với bà, người ta chỉ là
con số không to tướng.
Rồi người mới cũng bỏ
ông ra đi, cũng dễ dàng như khi họ đến với ông.
Ông cảm thấy tiếc nhớ
bà. Ân hận, tiếc nuối, nhưng ông vẫn tự ái không dám công khai nhìn nhận. Không
hề về thăm hỏi bà. Vì “ như vậy là yếu đuối , thú nhận là mình có lỗi“, ông tự
nhủ.
Cho đến hôm qua. Bà mất.
Con cái báo tin để ông về dự đám tang. Tối đêm qua ông ngồi nghe lời kể của cô
con dâu: Ba biết không, Ba đi rồi Má buồn khổ và nhớ Ba lắm. Cả ngày cứ thơ thẩn.
Thỉnh thoảng Má nấu ăn cho tụi con mà cứ nói: “ ngày xưa Ba mày thích món này,
thích món kia lắm “. Đôi khi ngồi trước mâm cơm, Má lẩm bẫm một mình : “ hồi đó
tui nấu cho ông ăn, ráng để ý chiều theo khẩu vị của ông, để ông được ngon miệng.
Bây giờ tui nấu cho ai ăn đây? Muốn có người khen chê mà cũng không còn “ . Rồi
Má tấm tức khóc.
Đau buồn quá, Má lâm bệnh
suy nhuợc và qua đời trong nỗi cô đơn nhung nhớ. Giờ chót Má còn ráng trăn trối:
“Mấy đứa ở lại nhớ thay Má để ý lo cho Ba nghe “.
Ngồi trước quan tài của
bà, ông tan nát cõi lòng.
Văng vẳng nghe có tiếng
ai hò.
“ Hò ơ…Chim xa rừng
thương cây nhớ cội,
Người xa người… Tội Lắm
Người Ơi !!!”
Ông nghe mà xót xa tưởng
như lời của bà.
Sưu tầm
No comments:
Post a Comment