Mahatma Gandhi là một chính khách vĩ đại, một nhà hiền triết của Ấn Độ, người được Liên hiệp quốc vinh danh thật sự (chứ không phải ông Hồ). Chẳng hiểu sao mỗi khi nghĩ về hiện tình của đất nước làm tôi nhớ đến Gandhi, người đã từng cảnh báo thế giới về cái mà ông gọi là Bảy Tội Lỗi Xã Hội (Seven Social Sins) mà ông viết ra từ năm 1925, đúng 90 năm trước:
1. Làm giàu mà không nhờ lao động (Wealth without work)
2. Hưởng lạc thú mà không có lương tâm (Pleasure without conscience)
3. Có kiến thức mà không có nhân cách (Knowledge without character)
4. Làm thương mại mà không có đạo đức (Business without morality/ethics)
5. Khoa học mà không có nhân văn (Science without humanity)
6. Có tín ngưỡng mà không thờ phượng (Worship without sacrifice)
7. Làm chính trị mà không có nguyên tắc (Politics without principles)
Chúng ta thử xem xét nhanh những tội lỗi này xem sao:
1. Làm giàu không nhờ lao động: Hiện nay, có một nhóm người làm giàu rất nhanh, không phải nhờ kinh doanh giỏi hay làm việc tốt, mà qua quan hệ và hậu duệ. Họ chỉ cần dùng mánh khoé để lôi kéo, "qui hoạch" nhân sự và thế là tạo ra tài sản. Một số thì làm giàu nhờ quan hệ nên tiếp cận được và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Một số khác thì làm ra tiền nhờ vào lợi dụng thông tin trong để thao túng thị trường chứng khoán. Một số khác thì làm giàu nhờ tham nhũng, chẳng cần tốn công lao động gì cả. Một vị tướng đã từng nói rằng "Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa". Loại giàu nhanh mà không lao động này thì không nhiều ở VN, nhưng vì họ quá giàu nên có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến đất nước.
2. Hưởng lạc thú mà không có lương tâm: Đây là những người ích kỉ, lúc nào cũng muốn hưởng lợi cho cá nhân mà không quan tâm đến phúc lợi của người khác. Đối với họ, câu hỏi đầu tiên là "Tôi làm cái này sẽ có lợi gì cho tôi, việc này có giúp tôi thăng tiến trong sự nghiệp, có làm cho tôi giàu thêm", và quyết định hành động của họ cũng dựa trên câu hỏi đó. Họ không quan tâm đến người khác, không cần biết đến văn hoá "to give and to take", không cần có trách nhiệm xã hội và chẳng biết đến hiến dâng là gì. Những người này rất nhiều ở VN.
3. Có kiến thức mà không có nhân cách: Có ít kiến thức đã là một thiệt thòi, có khi là nguy hiểm, nhưng có nhiều kiến thức mà thiếu nhân cách thì còn nguy hiểm hơn. Chỉ học cho nhiều để có kiến thức mà không cần quan tâm đến cái nội tâm, thì chẳng khác gì đưa một chiếc xe hơi thể thao cho một thiếu niên. Điều này cũng xảy ra trong thế giới khoa bảng, nơi mà người ta thường quan tâm đến sản sinh ra tri thức mới nhưng ít khi nào để ý đến khía cạnh nhân văn của tri thức. Ở VN, có nhiều người đi học để tiếp thu kiến thức không phải vì dấn thân xã hội, mà vì muốn ăn trên ngồi trốc. Họ hám danh chứ không phải ham học.
4. Làm thương mại mà không có đạo đức: Ngay cả những nhà kinh tế học cổ điển cũng xem đạo đức là nền tảng của thành công trong kinh tế. Cách mà chúng ta đối xử với người khác trong tinh thần bác ái, phục vụ và cống hiến là nền tảng của kinh tế - xã hội. Nhưng ở VN hiện nay, các nhà quan sát cho rằng VN đang ở trong thời kì "chủ nghĩa tư bản man rợ, rừng rú", chứ không phải "chủ nghĩa tư bản văn minh." Đã có những ý tưởng kiểu như phải cách li người nghèo khỏi người giàu, và ý tưởng này được nhiều người ủng hộ. Sự ủng hộ đó cho thấy xã hội VN đã bắt đầu loạn chuẩn. Những người nhận định như thế dựa trên quan sát rằng có những nhóm lợi ích tỏ ra tham lam vô độ, luôn luôn muốn thao túng kinh tế. Có người cho rằng các nhóm lợi ích, nhóm làm giàu bất chính đang tàn phá đất nước.
5. Khoa học mà không có nhân văn: Kinh doanh mà không dựa trên nền tảng đạo đức xã hội và không xem trọng trách nhiệm xã hội là loại kinh doanh nguy hiểm. Tương tự, trong khoa học, tiêu chuẩn đạo đức và trách nhiệm cũng là một tiêu chí quan trọng. Một công trình nghiên cứu cho dù mang tính khả thi cao và có ý tưởng tốt, nhưng làm phương hại đến cộng đồng và xã hội vẫn không được đánh giá là đạt chuẩn mực. Chính vì bản chất đạo đức của khoa học, nhà khoa học còn phải có trách nhiệm với xã hội, vì nhà khoa học cũng chỉ là một thành viên trong xã hội, không thể nào đứng ngoài hay đứng cao hơn xã hội. Công trình tạo ra chủng virút mới của Tàu có thể đó là một thành tựu về kĩ thuật, nhưng không đạt tiêu chuẩn về đạo đức và trách nhiệm xã hội vì thành tựu đó chẳng đem lại phúc lợi gì cho xã hội hay giúp giảm sự đe dọa của một đại dịch. Ở VN, khoa học chưa phát triển, nhưng đây đó có nhiều người ta dùng khoa học để làm những chuyện thiếu đạo đức.
6. Có tín ngưỡng mà không thờ phượng: Nhìn từ ngoài và từ xa, Việt Nam là một nước ngoan đạo, với số lượng chùa chiền và nhà thờ khá nhiều. Người ta đi lễ hội và đi chùa cũng rất nhiều. Nhưng nếu nhìn kĩ thì việc viếng chùa của họ không phải là vì thờ phượng, mà chủ yếu là mê tín, và hối lộ thần thánh. Có thể nói rất nhiều người đến chùa để cầu thần thánh ban cho chức tước và hanh thông trong sự nghiệp, chứ chẳng phải để thờ phượng và hiến dâng. Ngay cả những người trụ trì trong chùa chưa chắc là người tu hành thật, mà có thể đang đóng một vai diễn nào đó để phục vụ cho một thế lực đang chống lưng họ. Có thể nói rằng cái nền tảng tôn giáo ở VN đã bị xói mòn từ hơn 40 năm qua.
7. Làm chính trị mà không có nguyên tắc: Đối với Gandhi, những người ham quyền lực thường hành động bất chấp nguyên lí và chân lí. Những người cố vị (nhất định bám ghế) bằng mọi giá và mọi cách là những chính trị gia không có đạo đức. Những nguyên tắc trong chính trị mà Gandhi nghĩ đến bao gồm giúp người dân đi đến những lựa chọn sáng suốt, đối xử với dân một cách công bằng, giữ lời hứa và tuân thủ những gì đã đồng ý, không được nói dối và xuyên tạc, và tôn trọng nhân quyền. Ở VN, những người như thế này thật là ... xưa nay hiếm.
Đối chiếu lại thực tế những gì đang xảy ra, có thể nói là Việt Nam đang -- không nhiều thì ít -- phạm phải tất cả 7 tội lỗi này. Một thiết chế xã hội tạo ra những con người làm giàu không nhờ lao động và bất chấp đạo đức, những người thích hưởng thụ trên sự đau khổ của đồng bào, những người bằng cấp đầy mình nhưng thiếu nhân cách, những người buôn bán và hối lộ thần thánh, những người cầm quyền mà chẳng quan tâm đến sự thật và lợi ích của xã hội và dân tộc. Bảy nhóm người này hay 7 cái tội lỗi xã hội này đang làm cho đất nước ta tiêu điều và khó sánh vai với các nước văn minh trên thế giới.
Ts. Nguyễn Văn Tuấn
Quá hay và quá đúng cho VN bây giờ.
ReplyDelete