Thursday, December 31, 2015

Hạnh Phúc Và Khổ Đau - TT Giác Đẳng


(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hạnh phúc và khổ đau là hai đề tài lớn của Ðạo Phật và không những là hai đề tài lớn của Ðạo Phật mà còn là hai đề tài lớn của kiếp người. Từ lúc chúng ta mở mắt chào đời cho đến ngày chúng ta nhắm mắt hầu như là một cuộc hành trình bất tận để đi tìm một thế giới bình yên, một vòm trời hạnh phúc, một cảm giác cho phép chúng ta thấy rằng cuộc sống có ý nghĩa. Cho dù chúng ta đã đầu tư tâm trí từ thời tấm bé và chúng ta cũng vật lộn rất nhiều với cuộc đời, thậm chí có thể hy 
sinh không biết bao nhiêu thì giờ tuổi xuân và nỗ lực lớn lao của đời sống mình để mong thành đạt được một điều mà chúng ta gọi là hạnh phúc, hoặc giả là sự an lạc.

Nhưng hạnh phúc luôn luôn là một trò đùa, trò đùa giỡn đó khiến cho chúng ta cảm thấy rằng hạnh phúc đó đau khổ cũng nằm ở tại đó và những điều gì cho chúng ta thật nhiều hy vọng thì những điều đó cho chúng ta thật nhiều thất vọng. Thiền Sư Ngài Buddathasa, Ngài có một ví dụ rằng đau khổ và hạnh phúc giống như con rắn trung, chúng tôi không hiểu quí Phật tử có biết loại rắn này không, đó là một con rắn có hai đầu, một đầu cắn chết và một đầu cắn không chết, thường thường người ta gọi là một đầu chay một đầu mặn, nhưng mà rồi chúng ta khó phân biệt là đầu nào sẽ cắn chúng ta không chết và chúng ta không biết đầu nào cắn chúng ta chết, chúng ta cầm con rắn lên và nghĩ rằng chúng ta chỉ chọn lấy một đầu mà thôi và đầu kia sẽ quay lại cắn chúng ta.

Sư Uyên Minh có một bài thơ mà chúng tôi nghĩ rằng bài thơ có ý vị: “Thể khách một đời dõi bóng nhau, lạnh lùng chi thế hỡi bể dâu, ta người sứ giả thương dâu bể, chả lẽ hờn nhau đến bạc đầu”. Số mạng của mình và niềm hy vọng bất tuyệt của mỗi cá nhân đặt để ở trong cuộc đời này hầu như luôn luôn đùa giỡn lấy nhau nó tạo ra những cách rất trớ trêu. Chúng ta càng đuổi bắt hạnh phúc thì hạnh phúc nó càng xa vời chúng ta. Có những lúc chúng ta mệt mỏi buông bỏ tất cả thì trong sự buông bỏ đó chúng ta tìm được sự thanh thản thật sự trong tâm hồn của mình. Đã có bao nhiêu người bỏ ra tất cả thì giờ tâm trí của tuổi thanh xuân, để mong hy vọng xây dựng một sự nghiệp lớn có tên tuổi ở trong cuộc đời này và cuối cùng một ngày nào đó người đó nói rằng thật sự điều hạnh phúc lớn nhất không phải là làm ông này bà kia, không phải là những tài sản đo bằng những con số trong nhà băng, mà chính là ngày mà có thể bỏ được những thứ đó và kể cả con cái khi nó vào trong đại học rồi ra trường thì mình không phải bận lo nữa. Khi bỏ được những thứ đó thì mình mới thật sự là hạnh phúc. “Ra vòng danh lợi cũng không không, kẻ hồng ra khỏi người mong chui vào “ câu nói đó cũng là một câu ca dao mà người Việt chúng ta rất quen thuộc.

Đau khổ và hạnh phúc là một đề tài rất là lớn trong Ðạo Phật. Đề tài lớn đó không phải là một đề tài chỉ nói là lớn là đủ mà đặt cả nền tảng cơ sở cho giáo lý của Ðạo Phật. 
Trong Trung Bộ Kinh có một lần Ðức Phật Ngài dạy: “ Này các Tỳ Kheo Như Lai chỉ dạy về sự khổ và con đường thoát khổ. “

Trong bài kinh Dhammacakkappavattanasùtra là kinh Chuyển Pháp Luân, bài pháp đầu tiên của Đức Phật Ngài đã dạy về Tứ Đế. Ở trong Tứ Đế có Khổ Đế và Tập Đế là khổ và nguyên nhân sanh khổ, Diệt Đế và Đạo Đế là chân hạnh phúc con đường dẫn đến chân hạnh phúc.


Cà một điều rất là thú vị là đau khổ có một địa vị lớn trong Đạo 
Phật không phải chỉ là một vấn đề của kiếp nhân sinh, mà đau khổ còn được hiểu trong Đạo Phật như là một điều có khả năng khai mở con mắt trí tuệ của chúng ta. 

Chúng ta sẽ không có gì ngạc nhiên khi nghe nói rằng những chúng sanh sống trong những cõi trời, cõi an lạc, những cõi có quá nhiều hạnh phúc của trần gian, những chúng sanh đó không có cơ may để mở con mắt trạch tuệ của mình, trong lúc đó ở kiếp nhân sinh sống ở giữa trần gian của kiếp người tạm bợ này chúng ta đối diện với bao nhiêu phiền lụy bất trắc, thì điều đó được xem như hết sức thích hợp để cho chúng ta khai triển tuệ giác của mình.

Do vậy hạnh phúc là một đề tài lớn không phải chỉ lớn đối với mỗi 
chúng ta mà lớn đối với đề tài của Phật Pháp, và nó lớn đối với ai thức dậy vào nửa đêm tự hỏi rằng cái gì là cái thực sự có ý nghĩa trong đời sống của mình.

Đạo Phật đã nói đến những niềm hạnh phúc mà đôi lúc làm cho một số chúng ta sửng sốt, ví dụ Ngài nói về sự hạnh phúc là đến từ sự vắng mặt của đau khổ. Ít có ai dám can đảm định nghĩa như vậy, mọi người đều nói rằng ăn ngon mặc đẹp sống trường thọ có được tình yêu có được sự trẻ trung của kiếp người những thứ đó là hạnh phúc, chúng ta đã vẽ ra một thiên đàng mà trong đó những hạnh phúc trần gian được phóng đại đến mức độ ngoài tất cả sự tưởng tượng của một người có thể tưởng tượng được. Nhưng điều đó vẫn còn là một bức họa rất là nghèo nàn khi nói đến niềm hạnh phúc chân thực của đời sống.

Sưu tầm

3 comments:

  1. Những lời yêu thương giúp mọi người suy ngẫm, tìm ra hạnh phúc. Vô cùng biết ơn.

    ReplyDelete
  2. Comment này dài hơn quy định. Do vậy xin chia làm hai phần:
    HẠNH PHÚC VÀ KHỔ ĐAU - TT GIÁC ĐẲNG
    TT Giác Đẳng cho rằng "hạnh phúc và khổ đau là hai đề tài lớn của Đạo Phật",
    và ông dạy rằng muốn tìm hạnh phúc thì người ta phải bỏ tất cả,từ công danh sự
    nghiệp cho đến tài sản vợ con mới được ! Kiến giải của ông về Đạo Phật như thế
    e là không được đúng đắn cho lắm,dễ làm người ta mắc phải sai lầm nặng nề,đã
    không tìm được hạnh phúc mà còn tăng thêm khổ đau cho bản thân họ và cả gia
    đình của họ nữa đấy.Dưới đây xin được phân tích các chổ sai lầm của ông:
    1/Ông bảo "hạnh phúc và khổ đau là hai đề tài lớn của Đạo Phật"?Ông là Đạo
    sư mà không hề biết đại ý của Đạo Phật là gì hay sao?Nếu biết thì ông không nói như thế,vì lẽ hai chuyện "hạnh phúc" và "khổ đau" chỉ là chuyện nhỏ trong loài
    người ở trái đất này,nó không phải là "đề tài" lớn lao gì để Phật phải nhọc ra đời
    thuyết pháp cứu độ tất cả chúng sinh.Ông nếu hiểu rõ danh từ "Đạo Phật" có
    nghĩa là gì ắt sẽ biết rõ "đề tài" thật sự của nó.Phải biết,từ "Đạo" ở đây không hề
    có nghĩa là tôn giáo,mà nó có nghĩa là Bản Thể quang minh của toàn vũ trụ trời đất,cũng là Chân Tâm Phật Tánh của mọi chúng sinh.Nó còn được gọi là "hào
    quang của Phật" mà ông thường nghe đó thôi.Và từ "Phật" là chỉ cho sự giác ngộ thức tỉnh.Nói chung danh từ "Đạo Phật" có nghĩa là GIÁC NGỘ NHẬN RA
    CHÂN TÂM ấy vậy.Ông là sư tăng,chẳng lẽ chưa nghe Phật đã biện minh cho
    Đạo Phật bao giờ hay sao?Phật nói sở dĩ mình ra đời thuyết pháp chỉ vì một nhân duyên lớn,đó là CHỈ BÀY TRI KIẾN CỦA NHƯ LAI CHO TẤT CẢ CHÚNG
    SINH ĐƯỢC NGỘ NHẬP (Pháp Hoa).Cái gọi là "Tri Kiến Như Lai" chính là Chân
    Tâm Phật Tánh,còn gọi là "Đạo",và việc "ngộ nhập" chính là "Phật" vậy.Tóm lại,
    "đề tài" lớn nhất và duy nhất của Đạo Phật chính là Đạo Phật,không phải là hai
    chuyện "hạnh phúc" và "khổ đau" như ông tưởng.Hai chuyện ấy chỉ là hệ quả phụ của việc giác ngộ,nghĩa là khi ông giác ngộ nhận ra Chân Tâm Phật Tánh thì
    vấn đề sẽ được giải quyết,nỗi khổ đau tự nhiên biến mất mà ông thấy ra bầu trời
    hạnh phúc vĩnh hằng.Đây chính là cõi "Niết Bàn" tại thế mà Đạo Phật vẫn nói.

    ReplyDelete
  3. 2/TT Giác Đẳng nếu đã biết rõ "đề tài" lớn lao của Đạo Phật như trên ắt sẽ
    không dạy người ta lìa bỏ tất cả sở hữu để tìm hạnh phúc.Lìa bỏ như vậy chỉ làm tăng thêm đau khổ cho mình,đồng thời cũng làm đau khổ cho cả gia đình mà
    thôi.Muốn tìm hạnh phúc thì phải lìa bỏ cái gốc sanh ra khổ đau,mà tất cả sở hữu của ta không phải là gốc sanh ra khổ đau,vậy nay ông là Đạo Sư mà đã biết
    được cái gốc khổ đau là gì hay chăng?Phật cho biết nó chính là "tâm tánh tự ngã" của ông,mà trong kinh điển Phật gọi nó là "Khổ Đế" đó thôi.Cái "tâm tánh"
    ấy thật ra chỉ là vọng tâm,nó không có thật mà chỉ là sự tập hợp các thứ tình
    thức Tham - Sân - Si - Mạn - Nghi - Tật Đố - Tà Kiến như Phật đã nói trong phần
    Tập Đế rồi vậy.Cái "tâm tánh tự ngã" ấy nó đã hư vọng mà còn sanh ra mọi thứ
    khổ đau cho ta,nên Phật mới dạy ta nên lìa bỏ nó đi trong phần Diệt Đế.Lìa bỏ nó
    rồi ta thành ngu ngoan đó chăng?Phật đã cho biết không phải như thế trong phần
    Đạo Đế,tức là chúng ta khi đã lìa tâm không hề ngu ngoan, mà là sẽ sống cuộc
    đời trí tuệ giải thoát với tám thứ chánh :chánh kiến,chánh ngữ,chánh tư duy v.v..
    Nói tóm lại,tất cả sở hữu của ta không có lỗi gì trong sự khổ đau của ta mà phải
    lìa bỏ như ông đã dạy.Khổ đau của ông do chính "tâm tánh tự ngã" của ông sanh
    ra,muốn tìm hạnh phúc vĩnh hằng thì ông chỉ cần lìa bỏ nó đi chớ không phải lìa
    bỏ tất cả sở hữu.Lìa bỏ được nó tức là Vô Ngã như Phật đã dạy.Nói một cách
    cụ thể,khi ông có được tài sản mà lòng không tham,khi ông có được danh vọng
    mà lòng không kiêu,khi ông bị mất mát mà lòng không sân,khi ông thấy người
    khác may mắn mà lòng không ganh tỵ,và không hề thắc mắc về "số phận" của
    mình,đồng thời ông không bao giờ nhận định hàm hồ về mọi sự vật,đó chính là
    lìa bỏ gốc khổ rồi vậy.Tuy nhiên,muốn lìa gốc khổ một cách vĩnh viễn thì ông cần
    phải giác ngộ mà thấy Chân Tâm Phật Tánh mới được.Đây chính là "đề tài" thật
    sự lớn lao mà Phật muốn nói với ông cũng như tất cả mọi người.

    ReplyDelete