Sunday, December 27, 2015

Hóa An Và Anh Tám Tôi - Nguyễn Thị Thêm


Tôi không hề biết đến Hóa An nếu anh tôi không lấy vợ ở đó.

Tôi nhớ một buổi sáng mùa hè năm 1971, tôi đang đứng bán sinh tố trước rạp hát Biên Hùng. Tôi xin phép mở ngoặc chỗ này một chút. Vì sẽ có bạn bè thắc mắc vì sao tôi là dân Long Thành, dạy học Long Thành mà đứng bán sinh tố ở đây. Chẳng là má chồng tôi bỏ quê vào Nam cưới dâu, rồi thấy đời sống miền Nam dễ thở, hay Biên Hòa đất lành người tốt nên bà quyết định ở lại. Bà mua nhà, mua xe sinh tố và sang luôn địa điểm bán nước trước rạp hát Biên Hùng. Vào những ngày nghỉ cuối tuần hay lễ tôi mới lên đây phụ bán cho ra vẽ con dâu hiếu thảo.

Mà cũng vui lắm, vì chồng tôi đi lính ở tận Đà nẵng nên tui độc thân tại chỗ. Có những anh chàng không quân hàng ngày ra uống sinh tố tại quán. Má chồng tôi cũng chịu chơi. Bà giới thiệu:
-Đây là con gái lớn của tui. Mấy anh chàng hỏi:
-Sao con gái nói giọng miền Nam, bác nói giọng Huế?.
-Tại tui gửi nó cho bà con ở Sài gòn từ nhỏ nên nó nói giọng miền Nam
- Sao chị là người Nam, trẻ hơn cô em là người Huế?
-Tại con chị tui cho vô Nam từ nhỏ ăn học, còn con em nó , ở với tui làm ruộng cực nhọc nên già hơn.
Vậy đó mẹ chồng tôi đãi bôi như vậy để bán hàng. Và đêm đêm có những anh chàng ngồi đồng uống sinh tố và mua về cho bạn bè. Má chồng tôi cười cười:
-Không răng mô! Buôn bán mà, miễn mi không có chi thì thôi.

Có một lần chồng tôi về phép. Anh ngồi ở quán bà chị nhìn sang. Anh nổi cơn ghen, lôi tôi về và nói má chồng tôi từ rày vợ con không được ra bán ở đây nữa.
Từ dạo đó tôi cũng ít ra quán mặc dù chồng tôi không có ở nhà.

Trở lại chuyện anh Tám tôi.
Một buổi sáng tôi đang dọn hàng, anh tôi đi tới. Anh ngồi xuống ghế. Má chồng tôi vui vẻ hỏi:
-Cậu Tám uống chi, tui xay một ly sinh tố mãng cầu đặc biệt hỉ?
Anh cám ơn và nhìn tôi với đôi mắt là lạ, ngầm như muốn nói một chuyện gì quan trọng lắm.

Anh xin phép mẹ chồng tôi cho tôi đi với anh một chút.

Thì ra anh đã trót yêu một cô gái gần nơi anh làm việc. Anh tôi là lính Biệt Động Quân. Hành quân chiến đấu liên miên, mấy lần chết hụt và cuối cùng được điều về làm tại hậu cứ. Lo lương bổng cho lính Biệt Động Quân, đơn vị đóng tại Hóa An.

Anh rù rì với tôi :
- Anh lỡ thương người ta rồi. Anh nói vậy cô Chín mày đã hiểu. Anh không dám nói với ba má. Tiền bạc không có, làm sao cưới vợ. Anh sợ ba má la.
- Giờ làm sao?
- Bởi vậy anh mới qua đây kiếm cô 9 mày. Cô mày đi với anh một chuyến rồi về làm thuyết khách dùm anh.
Tôi xin phép mẹ chồng và đi theo anh tôi qua Hóa An. Anh dẫn tôi vô chợ Biên Hòa, qua khu chợ cá và dẫn xuống bến đò.
-Trời ơi! Làm sao em biết đi đò.
-Thì cứ xuống, có sao đâu. Cô mày sao nhát hít.

Tôi bậm gan xuống đò. Hai tay bấu chặc vào thành đò. Mắt nhìn thẳng không dám nhìn xuống nước vì sợ chóng mặt. Con đò nổ máy bành bành, xịt xịt…quay đầu tách bến.

Trên đò người ta nói chuyện râm ran về buổi chợ, về giá cả, chuyện cô Tư Chị Tám tùm lum. Tôi như người mộng du , ngồi đó mà đầu óc mông lung. Qua đó rồi mình sẽ nói gì, làm gì. Tôi sẽ mở đầu như thế nào và sẽ nói với ba má ra sao?

Lần đầu tiên tôi gặp chị dâu . Chị thật đẹp, dễ thương, chơn chất. Bác gái tiếp tôi rất cởi mở. Tôi chỉ nói tôi có chồng ở Biên Hòa, ghé thăm anh tôi sẵn dịp qua thăm hai bác.

Anh Tám tôi đưa tôi xuống bến đò về lại chợ và luôn miệng dặn dò:
 - Em về tìm cách nói với ba má dùm anh. Nhớ nghe. Tuần sau em lên cho anh biết tin tức, anh mới dám về.

Tôi nghiệp anh tôi, yêu đương chi cho khổ. Anh sợ ba má tôi cũng phải. Nhất là ba tôi , con cái lớn chứ đứa nào cũng ngán ổng.
Anh tôi đi lính, chẳng có đồng xu dính túi thì lấy gì cưới vợ bây giờ.

Như vậy mà ba má tôi không hề la rầy anh nhiều như anh tưởng tượng. Ba tôi phán một câu:
-Vậy cũng được, cho nó mọc rễ ở Hóa An luôn đi. Cái thằng nó linh đinh hoài tao cũng nhức đầu lắm rồi. Thời kỳ lộn xộn. Vậy mà tốt đó con.

Tôi làm con thoi chạy qua chạy lại giữa hai gia đình. Con đò Hóa An tôi đi lại thường hơn. Tôi hết sợ say sóng. Tôi lại thích cái không khí rộn ràng tiếng nói, tiếng cười và tiếng đò máy bình bịch tách bến.

Có một hôm trước ngày đám hỏi, Không biết hai bên nói thế nào mà má tôi nghe sai . Bên đàng gái thì nói ngày tây má tôi lại nghe ra ngày ta, nên đám hỏi gần kề mà gia đình tui tỉnh queo không chuẩn bị gì ráo trọi.

Hôm đó tự dưng tôi đón xe lên Biên Hòa thăm mẹ chồng, sẵn dịp ghé thăm nhà chị dâu. Tôi thấy mọi người đang làm rạp. Anh tôi chạy tới chạy lui. Thấy tôi anh hỏi:
 -Ủa! Chín! Sao em lên đây làm gì? Sao không ở nhà lo phụ má? Tui trợn mắt hỏi:
-Phụ cái gì. Còn lâu mới này đám hỏi mà.
-Ngày mốt chớ lâu lắc gì. Chết rồi. Ba má nghe làm sao vậy? Trật ngày hết trơn. Em về Long Thành liền đi để còn kịp lo. Ngày mai anh mới có phép đi về, còn bây giờ phải lo phụ bên nhà gái.

Tôi ra về đầu óc mơ hồ, tính toán lung tung. Chân bước thật nhanh cho mau tới bến đò.:
-Chín! đi đâu đây? Tôi dừng lại, anh tôi đang trong một tiệm tạp hóa bước ra.
- Em đi xuống bến đò.
- Bến đò gì ở hướng này. Ngược rồi, hướng bên kia cà! Cô mày sao lẩm cẩm vậy. 

Tôi quay ngược chiều, xuống bến đò và tức tốc về nhà báo tin để chuẩn bị ngày đám hỏi cho anh tôi.
 Và vậy đó anh tôi cưới vợ và mọc rễ ở Hóa An.

Tôi lại theo chồng trôi dạt ra miền Trung. Ngày trở về màu cờ đã đổi và tất cả đã không còn như xưa. Anh Tám tôi từ một thầy giáo đẹp trai. Một người lính Biệt động Quân oai hùng giờ là một anh nông dân thứ thiệt.

Tôi đến nhà anh cũng qua con đò tại bến cá chợ Biên Hòa. Ngày xưa đi một mình đầy sợ hãi, bây giờ dẫn thêm cháu Mỹ Linh, nó cũng sợ như tôi. Nó bíu chặt tay tôi không dám bước xuống. Tôi dìu con và rưng rưng xúc cảm.

-"Biên Hòa ơi! Tôi đã trở về."

Bác trai đã mất, bác gái cho chị dâu tôi một miếng đất nhỏ để cất nhà và một ít đất để canh tác.

Căn nhà anh tôi ở là một căn nhà nhỏ, mái tôn che sơ sài, một bên vách dựa vào nhà má vợ. Ba bên còn lại là những tấm tôn che cho có để không bị gió thổi bốn bề.

Anh gọi miếng đất đang canh tác là “Thổ” nơi đó anh trồng hoa màu để bán. Muốn qua thổ phải băng qua đường, len lỏi giữa những đường đi vòng vèo, lách qua những ngôi mộ đã xưa lắm mới đến thổ. Thì ra đất gia tộc nhà vợ anh Tám tôi giáp ranh với khu vực hậu cứ ngày xưa của Biệt Động Quân.
Anh tôi trồng bắp cải, trồng hành, trồng rau, bỏ mối cho bạn hàng ở chợ Biên Hòa.

Cuộc sống đạm bạc nhưng cũng tạm qua ngày. Người ta nói bán mặt cho đất, bán lưng cho trời quả không ngoa. Anh tôi ngày ngày khom lưng trên những luống rau, đám đậu để kiếm cơm. Da anh sạm nắng, hai chân cao lênh khênh mốc cời. Cái áo lính bạc màu ướt đẩm mồ hôi. Và chân trần không giày dép, gót nứt nẻ trông thật thảm thương.
Tôi nhìn anh rồi nhìn lại mình và mọi người xung quanh để chung một nỗi buồn thân phận của người thua trận.

Mỗi lần tôi lên thăm, anh mừng lắm. Anh rối rít dặn chị đi chợ. Kêu mấy đứa cháu lên chào
- Cô 9 bây lên thăm nè! Bắt con gà làm thịt nấu cháu cho cô Chín mầy ăn.
Vậy là cháu tôi bắt gà nấu cháo, Chặt chuối cây làm gỏi.
Lưới vài con cá ở ao nhà nướng trui. Gia đình lại sum họp, nói cười vui vẻ.

Cả gia đình anh tôi sống đạm bạc trong căn nhà trống vắng bốn bề đó. Tôi đã vất vả gian lao mà nhìn chị dâu tôi càng thêm xót. Hai chân chị nứt nẻ những đường đen đen, bàn tay chai xạm, đầy những gân xanh, áo quần nhăn nhíu tội nghiệp.

Những mùa hành, mùa bắp cải, mùa rau khiến gia đình anh tôi vùi đầu trên mãnh ruộng và đám thổ mà vẫn chẳng đủ ăn.
Anh cất một cái nhà nhỏ bằng tôn, vách che tạm bợ. Vợ chồng con cái ở luôn bên thổ để dễ bề trồng trọt, canh giữ trôm ăn cắp hoa màu và khỏi đi đi về về khi chiều tối.
Có một lần, má tôi lên thăm và ở lại với con. Hôm sau về nhà, má tôi ngồi khóc. Tôi hỏi:
-Sao vậy má. Bộ anh con làm gì má giận hả?
Má tôi lắc đầu:
-Má thấy vợ chồng thằng Tám cực khổ quá má không cầm lòng. Đêm qua má ngủ, gió thổi ào ào, muỗi quá chừng. Con bò bị mòng cắn nó cạ vô cột nhà gãi ngứa. Cái nhà rung rinh theo,lắc lư, má sợ nhà sập đâu có ngủ miếng nào
- Vậy anh chị con với mấy cháu có biết không?
-Tụi nó làm việc cả ngày, mệt quá ngủ như chết có biết gì đâu.

Sau này nghe tôi kể lại, anh tôi ngồi khóc. Thương cho mẹ mà cũng tủi cho mình.

Anh tôi đã trở thành một người dân Hóa An với bà con anh em bên vợ đông đúc. Những người bạn, người lính chung đơn vị, bây giờ cuộc sống có lẽ cũng như anh. Bên vợ anh cũng quen mặt, quen tánh tình vui vẻ rộng rãi dễ thương của anh,  nên Hóa An  đâu đâu cũng là bà con, bạn bè thân thiết.

Ở gia đình tôi anh là thứ Tám. Nhưng ở Hóa An người ta gọi anh tôi là anh Sáu vì gọi theo thứ của chị dâu tôi. Anh chị đã có 2 trai và 3 gái. Các cháu gái tôi sáng sớm tinh mơ đem rau ra giao cho bạn hàng ngoài chợ rồi về thay đồ đi học. Chiều về chị em dẫn nhau ra thổ, đứa học bài, đứa nấu cơm, tưới cây và phụ cha mẹ nhổ hành, nhổ cải, cắt bạc hà …. chuẩn bị ngày mai giao cho bạn hàng. Cuộc đời anh tôi lăn lộn trên mảnh đất thổ bên vợ để nuôi con ăn học.

Tất cả những lo lắng anh tôi về gia đình nhiều lắm. Các cháu tôi rất có hiếu và cần cù. Nhà nghèo thế mà đứa nào cũng bước chân vào Đại học.

Thế nhưng chữ hiếu lại nặng oằn vai. Khi tương đối gia đình con cái khôn lớn, anh lại về phụng dưỡng cha già. Đất đai và nhà từ đường ba tôi giao lại cho anh Tám tôi. Anh như con thoi giữa hai nơi phải có trách nhiệm. Anh nấu cơm, đi chợ, săn sóc vườn tược và bầu bạn với ba tôi.
Thỉnh thoảng anh lại xin phép ba tôi về Biên Hòa thăm viếng gia đình và xem có việc gì cần giải quyết. Khi ba tôi bệnh nặng, anh đem ba tôi về lại Hóa An để tiện bề chăm lo và đi bệnh viện tỉnh.

Tôi nhớ khi má tôi bệnh nặng nằm nhà thương, anh Tám tôi luôn ở một bên săn sóc. Tiền bạc anh tính toán đâu ra đó. Tiết kiệm từng đồng. Thức ăn nào nấu cho má bổ dưỡng anh nấu riêng, còn phần anh chỉ ăn cho để không bị đói. Anh nói:
 -Nhà mình nghèo, một mình má nằm nhà thương, thuốc men tốn biết bao nhiêu. Mình phải hà tiện để lo cho má.
Thế nhưng mỗi khi mua một món ngon về nấu, anh nói giá bớt phân nửa để má tôi ăn. Anh cười cười bưng lên:
-Má ăn đi, cái này con mua rẻ rề hà. Má ăn đi má.
Có vậy má tôi mới ăn mạnh miệng, còn nói giá thật, nhiều tiền má lắc đầu:
-Mấy cái thứ này má không thích ăn. Mai mốt đừng có mua.

Má tôi là một người phụ nữ quê mùa . Nhưng má đã cho chúng tôi thấy rõ tấm lòng hy sinh của người mẹ như thế nào . Vì vậy con cái đứa nào cũng yêu thương má. Anh tôi là con trai nhưng chăm sóc mẹ rất tận tình. Gương hiếu thảo của anh đã làm các cháu tôi lúc nào cũng kính yêu ông bà, cha mẹ.

Anh Tám tôi là một người bặt thiệp, nói năng lưu loát, nhận xét sắc bén. Bởi nói chuyện có duyên nên có nhiều bạn bè, Trong thời buổi khó khăn và nhiều biến chuyển đó dường như mọi người đều thích nhậu. Rượu như là cứu cánh để người đàn ông bám víu để quên một cái gì đó không thể nói ra bằng lời, bằng hành động. Anh tôi ngã vào vòng tay của thần men không phương cứu chửa.

Khi anh không say anh là một người con có hiếu, rất mực lo cho cha. Là một người chồng nghĩa tình yêu thương vợ. Một người cha gương mẫu lo cho con, dạy bảo con và đáng cho con cái tự hào. Nhưng khi anh đã uống thật say, anh nằm vùi người gầy nhom trông thật thảm não.
Nhìn anh tôi bắt gặp một cái gì đó thật đau thương, thật câm nín mà không diễn tả được. Tôi thương anh, tôi giận anh và đôi lúc tôi muốn ôm anh mà khóc cho thật đã, cho bao nhiêu u uất đè nặng tuôn xuống sông Đồng Nai sau nhà, trôi về biển cả.

Cháu tôi thường nói với tôi khi nhắc đến anh:
- Ba con nói một người tính bằng chín người làm.
Biết làm không chưa đủ, phải học hành và biết tính toán mới không lãng phí sức lực mình bỏ ra. Nên dù cực thế nào Ba cũng cho tụi con đi học.

Bây giờ anh tôi đã đi xa nhưng những gì anh dạy các cháu tôi luôn ghi nhớ.
Mỗi khi về thăm nhà đốt nhang trên bàn thờ tổ tiên, nhìn ba má rồi nhìn hình anh tôi thấy thời gian đi nhanh quá.

Mới hồi nào anh nắm tay tôi dạy thế nào là bắn bi, thả diều hay làm nhà chòi mà bây giờ tất cả đều là kỷ niệm.

Ngày còn bé, tôi lạc lõng giữa đám anh, em trai. Ba tôi hớt tóc tôi như các anh. May đồ con trai như các anh và tôi chơi tất cả những trò chơi của các anh mà thật vui. Mỗi khi các anh chơi trò cắm trại. Cái mền vải được giăng ra để làm mái lều. Và chúng tôi, mấy anh em chun ra chun vô trong cái lều nhỏ xíu vui biết mấy.

Tết đến, vào ngày mồng hai, má dẫn chúng tôi về đốt nhang cho ngoại. Có năm quá bận việc, má cho chúng tôi về ngoại một mình. 5 anh em ra Long Thành đón xe ngựa lóc cóc về nhà ngoại ở Phước Thiền. Tôi luôn được các anh săn sóc thương yêu, và người chăm lo cho tôi nhiều nhất vẫn là anh Tám tôi.

Khi tôi thi đậu Tú Tài I anh đã thương yêu tặng tôi một cây viết máy. Anh nói đó là tiền anh dành dụm khi đi dạy học. Khi tôi phân vân trong cuộc sống hôn nhân, anh là người đứng ở góc cạnh đàn ông để cho tôi những nhận xét và lời khuyên chân thành để duy trì hạnh phúc gia đình.

Tôi nhớ khi đem cháu Mỹ Linh về lại BH. Qua đò Hóa An thăm anh. Con tôi nhõng nhẽo cứ khóc vì người lạ. Anh nắm tay tôi nước mắt rưng rưng:
- Tôi nghiệp em quá Chín ơi!
Rồi xoay qua cháu. Anh nói dịu dàng:
-Ba con làm khổ má con nhiều rồi. Con đừng khóc nữa. Cậu thương.

Bây giờ đã là tháng chạp. Sáng nay ra vườn tỉa lá cây mai. Tôi đã thấy những nụ mai đang bắt đầu lu lú khỏi thân cây. Mùa Xuân đã đang chậm rãi đi về. Bên kia nửa vòng trái đất VN đang rộn rã chuẩn bị đón Tết. Những phố phường đã trang trí hoa mai, hoa đào rực rỡ. Những cành hoa giả khoe sắc trên khắp các nẽo đường.

Có lẽ giờ này nhà chị dâu tôi cũng chuẩn bị mọi thứ cho riêng mình và nhà từ đường ở Long Thành. Chúng tôi đã gửi về chút ít cho chị dâu cúng giỗ cha già và chuẩn bị Tết. Ngôi nhà và vườn tược đã lạnh lẽo, vắng vẻ sau ngày anh tôi đi theo cha mẹ về bên kia thế giới. Chị dâu tôi cũng đã lớn tuổi và còn mẹ già trên 90 cần chăm sóc. Chị phải về Hóa An để phụng dưỡng. Các cháu tôi có công ăn việc làm ở thành phố chỉ về nhà từ đường mỗi khi có giỗ, Tết hay lễ lạc được nghỉ phép.

Mỗi thứ thuộc về kỷ niệm đã buồn lại càng buồn hơn.
Hóa An là nơi tôi hay đi về kể từ ngày anh tôi biết yêu và cưới vợ.
Chiếc đò ở dưới chợ cá Biên Hòa bây giờ không biết có còn hoạt động không. Nhưng trong tôi vẫn không thể nào quên con đò máy xình xịch đưa khách đi về. Bên này chợ Biên Hòa, bên kia là Hóa An. Mỗi khi tan trường, đò trắng những tà áo dài học trò và tiếng cười thơ ngây, trong trẻo trên con sông Đồng Nai thân yêu.

Hóa An đã ở lại trong tôi với nhiều kỷ niệm. Nơi mà các cháu tôi vẫn đang sinh sống. Là nơi anh tôi đã chọn để gắn bó cuộc đời mình.

Anh tôi đã mất lâu lắm rồi, nhưng mỗi khi thấy một người mặc đồ Biệt Động Quân trong những ngày lễ hội, tôi lại nhớ anh tôi vô cùng
Một người lính trẻ đẹp trai của một thời chinh chiến.

Nguyễn thị Thêm
02/02/2015

1 comment:

  1. Đọc bài của chị NTT, tưởng như chuyện của mình. Vì cũng ở trong một gia đình đông con, lớn lên trong khó khăn chật vật, nhưng rồi các anh em ráng vươn lên cho bằng người.Cha mẹ già cũng chăm sóc như anh Tám của chị. Chuyện của chị cho thấy truyền thống tốt đẹp của văn hóa VN( ngày xưa) .Cám ơn chị.

    ReplyDelete