“….Không có chi ạ! Xin chào cô!” Tôi không nén được sự tò mò nên hỏi chồng
ngay khi anh vừa tắt điện thoại.
“Wow! Ai mà nói chuyện nhiều thế
anh?” Chàng cười lắc đầu, “Một người bà
con xa. Anh không nhớ nỗi cô ấy trông
như thế nào nữa. Lần cuối cùng khi anh gặp
cô ấy là lúc anh còn nhỏ, có lẽ khi anh học lớp năm. Cô ấy không bao giờ đi dự những buổi họp mặt
họ hàng. Cô hoàn toàn Mỹ. Vậy mà tự nhiên bây giờ về già lại muốn tìm
hiểu về gốc gác gia đình ngày xưa. Anh
phải copy gởi cho cô vài tấm hình họ hàng trong những lần họp mặt gia đình và một
vài lá thư của bà cố giữ lại.” Nói rồi
chàng vào phòng lôi thùng giấy tờ của ông bà nội để lại tìm kiếm giấy tờ cho bà
cô.
Chàng của tôi là con trưởng trong gia đình mà ba anh cũng là con trưởng. Nên khi ông bà nội qua đời, anh được phép đem
hết tất cả thư từ, hình ảnh và giấy tờ ở nhà ông bà nội đem về cất giữ. Cộng với giấy tờ anh sưu tập khi về thăm quê,
anh có một thư viện nhỏ về họ hàng của anh.
Tôi thường hay đùa, “Mai mốt có người nào trong họ hàng làm lớn, mình
đem những tài liệu này đi đấu giá.” Đấu
giá thì chưa thấy nhưng hầu như năm nào cũng có người gọi điện thoại hỏi xin
copy của hình ảnh và gia phả của gia đình.
Phần lớn là cho con cháu làm project ở trường.
Câu chuyện của anh và bà cô họ làm tôi nghĩ đến họ hàng của tôi. Khi các con tôi lớn, chúng nó sẽ có nguyên
gia phả và rất nhiều hình ảnh của bên nội để tìm hiểu. Còn bên ngoại, tụi nó sẽ nhớ nhiều những câu
chuyện tôi kể. Đó là những cực khổ của
gia đình tôi sau năm 75 và những khó khăn trong những năm đầu ở Mỹ. Hình ảnh gia đình thì mất gần hết sau ngày miền
Nam sụp đổ. May mà mẹ tôi còn giữ một
vài tấm hình khi chị em chúng tôi còn nhỏ.
Họ hàng bên ngoại của tụi nó chỉ có vậy thôi sao?
Và tôi chợt nhớ đến cuốn gia phả do bác tôi ghi chép. Ông sưu tập rồi chép lại, phát cho những họ
hàng thân cận mỗi người một cuốn. Bác
tôi là ông Phan Thanh Việt. Ông đi tù cải
tạo 13 năm. Khi ông về bị quản chế rất nghiêm
ngặt. Vậy mà như một phép lạ. Ông đi thăm mỗi nhà trên quê cũ kể chuyện
Chúa đã làm thay đổi đời sống ông và gia đình như thế nào. Và ông sưu tập tất cả tên họ của bà con làm lại
cuốn gia phả của họ hàng đã bị cháy rụi trong lửa chiến tranh. Khi xem cuốn gia phả của bác tôi làm, một người
bà con đã khen sự can đảm của bác tôi.
“Chú Việt thiệt là gan khi làm cuốn gia phả ni. Hồi nớ mình mới đi tù về bị làm khó dễ đủ điều. Cầm giấy viết đi như chú là bị nhốt lại như
chơi. Rứa mà chú không sợ, cứ làm. Cuốn gia phả ni đáng giá bằng cuốn để trong nhà thờ tộc hồi
trước.”
Bác tôi về với Chúa sau khi định cư ở Mỹ một năm. Cuốn gia phả bác cho ba tôi bị thất lạc sau mấy
lần dọn nhà. May mà anh Phan Thanh Dũng
còn giữ được một bản copy. Tôi mượn vể định
chụp lại để dành cho các con tôi tham khảo sau này. Nhưng sau cuộc nói chuyện của ông xã với bà
cô họ tôi nghĩ phải làm một website về gia phả họ Phan Tây Lộc. Có thể con cháu tôi sau này có lúc
nào đó muốn tìm về cội nguồn thì tài liệu trên internet sẽ dễ cho chúng nó
hơn. Chúng nó sẽ biết cội nguồn của mẹ
nó ở đâu. Rằng họ hàng bên ngoại của
chúng nó có một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, Phan Châu Trinh. Rằng tại sao những người bà con Việt nam đến
định cư ở Mỹ. Những đứa con “hiệp chủng
quốc” của tôi sẽ tự hào khi có cả gia phả
của hai bên nội ngoại để kể về nguồn cội cho các con của chúng.
Mời xem Gia phả Họ Phan Tây Lộc ở http://giaphaphantayho.weebly.com
8/4/2017
Phan Tây Lộc
No comments:
Post a Comment