Thế
là tôi xin việc làm thêm, cố gắng dành dụm một số tiền nhỏ đủ để đặt cọc thuê
được một căn nhà. Nhà mới tuy bé nhỏ nhưng vẫn có đủ sân trước, vườn sau, nằm ở
khu an ninh và toàn người láng giềng da trắng đàng hoàng sạch sẽ. Đã thế, chúng
tôi còn có sẵn cả cây chanh và cây hoa anh đào nữa.
Tôi
đáp nhỏ rồi đứng lặng ngắm bầy ong bé tí đang lượn quanh những bông hoa vừa hé
nở. Dạo ấy, khoảng cuối tháng Hai, mận đào ở Mỹ đang độ khai hoa. Những cánh
hoa hồng thắm, mong manh trong nắng sớm gây trong tôi một niềm xúc cảm êm đềm
và nhẹ nhàng nhưng sâu đậm. Lâu lắm, tôi mới lại nhìn thấy hoa đào.
Trí
tưởng của tôi bỗng quay nhanh về một thành phố cũ, nơi mà tôi đã lớn lên và đã
ướp đẫm tuổi thơ của mình bằng hàng trăm loại hương hoa: hoa hồng, hoa ngũ sắc,
hoa rẽ quạt, hoa bìm bìm, hoa dạ lý, hoa mận…; và tất nhiên là phải có hoa đào.
Nói một cách hơi quá ướt át, người ta vẫn gọi đó là “xứ hoa đào” mà.
Tôi
thấy rõ ràng là mình đang lơn tơn, hớn hở trên đường đến trường vào một buổi
sáng tinh mơ. Con đường Thủ Khoa Huân nhỏ hẹp, thoai thoải dốc, cần cận những
viên đá bạc đầu dưới mỗi bước chân đi. Hai bên đường, chen lẫn giữa những bụi
hoa quỳ man dại, là những cành mai mềm mại ẻo lả vươn cao – lấm tấm điểm những
cánh hoa còn ướt đẫm sương đêm.
Cùng
lúc, bố tôi (chắc) cũng đang đi lại trên một con đường nào đó của riêng ông. Rất
có thể đó là một con đường rừng rực rỡ mai vàng – giữa vùng biên giới Hoa Việt
– khi mà ông chưa lập gia đình, và vào lúc mà chuyện đánh đuổi thực dân còn là
điều làm say lòng cả một thế hệ người.
Tôi
nói “vâng” lí nhí mà lòng thì sung sướng hãnh diện, như thể chính mình là kẻ đã
gieo trồng vun xới hai cây đào và cây chanh đó vậy. Sự thực, trước đó một tuần,
khi đi xem nhà vào ban đêm, tôi không hề biết rằng vườn sau có cây trái gì cả.
Tìm được một căn nhà ở khu yên tĩnh, giá thuê vừa phải, và người ta không để ý
đến sự dị biệt màu da hay màu tóc đã đủ làm tôi mừng quýnh đi rồi.
Bữa
cơm đầu tiên nơi căn nhà mới chúng tôi ăn với thịt gà luộc chấm muối tiêu và lá
chanh thái chỉ. Mẹ tôi xuýt xoa khen ngon và quên bẵng đi cái tội “mềm nhũn” của
những con gà Mỹ.
Như
thường lệ, bố tôi vẫn giữ im lặng nhưng chỉ cần nhìn ánh mắt của ông là tôi đã
nhận thấy có sự hài lòng. Cả ngày hôm ấy, và nhiều ngày tháng kế tiếp nữa,
chúng tôi đều rất bận và vui – sự vui thích mà đã có lúc tôi ngỡ rằng sẽ không
bao giờ còn tìm lại được trên nét mặt của bố mẹ già nữa.
Trước
đó một năm, cũng đã có lúc gia đình tôi sống rất an vui. Đó là thời gian tôi vừa
đón bố mẹ từ quê nhà sang, theo chương trình đoàn tụ gia đình. Nhưng rồi sau đó
không lâu là những ngày tháng buồn bã, tẻ nhạt khiến tôi vô cùng bối rối và khổ
sở.
Vì
không lường trước, và cũng vì sự giới hạn của tiền bạc, tôi đã “nhốt” bố mẹ già
gần cả năm dài, sau bốn bức tường, trong một chung cư ở thành phố San Jose,
California. Khi niềm vui đoàn tụ đã qua đi, và khi mà cả hai người đều bắt đầu
có triệu chứng chết héo giữa đất lạ xứ người thì tôi đâm hoảng.
Sự
thực thì đó đúng là cái nhà chứ còn “giống như” gì nữa. Tôi không hiểu, và cũng
không dám hỏi xem, căn nhà đó thuê hay mua trả góp. Và dù mua hay thuê, bằng
cách nào mà vị sư trụ trì trả nổi một số tiền cho căn nhà bốn phòng – đối với
riêng tôi – đúng là một điều “mầu nhiệm”.
Sau
đó, tôi đưa bố mẹ đi phố Tàu, với lời giải thích ba hoa rằng “vào đây bố mẹ sẽ
thấy thoải mái y như thể là mình đang đi trong Chợ Lớn ở Sài Gòn vậy.”
Kể
cả vào mùa Hè, thời tiết của thành phố San Francisco dường như vẫn cứ hơi quá lạnh
đối với sức khỏe mong manh của bố mẹ tôi. Nhìn hai ông bà già co ro, ngơ ngác
giữa những hè phố luôn luôn chen chúc người đi mà không dưng ruột tôi muốn… đứt.
Rõ
ràng là bố mẹ tôi không thấy “thoải mái” một tí nào cả. Không bao lâu cả hai
người đều than là nhức đầu và chóng mặt. Chính tôi, tôi cũng cảm thấy … y như vậy!
Vì
thiếu đất nên Chinatown ở San Francisco chỉ có thể phát triển theo chiều cao.
Cùng với cái lối kiến trúc dọc này là cái tính hay bày biện lộn xộn và hay
chưng hoa kết đèn của người Trung Hoa khiến cho đôi mắt của du khách lạc vào
khu phố của họ phải điều tiết quá nhiều nên ai cũng phải chóng mặt – kể cả những
người họ Tưởng!
Nếu
bố mẹ tôi biết được rằng trong một phạm vi chỉ có hai mươi bốn lốc đường mà chứa
lúc nhúc đến bốn chục ngàn người, mật độ cao nhất thế giới, lúc nào cũng nói
năng ồn ào xí xa xí xồ (cứ y như là họ đang cãi nhau vậy) thì hai người còn nhức
đầu dữ nữa.
Chúng
tôi vội vã chạy ra khỏi khu rừng người vô duyên đó. Loanh quanh một lát, tôi
đưa bố mẹ đi khoe cầu treo Golden Gate, nơi mà vẫn theo lời tôi là “to và dài
nhất hoàn cầu.”
Bố
tôi nhìn cái cầu với đôi mắt lãnh đạm như thể là người ta nhìn thấy cây viết
hay cục tẩy trên bàn. Mẹ tôi thì quan sát trầm ngâm một lúc rồi lẩm bẩm:
Tôi
đáp cho qua chuyện rồi lặng lẽ đưa hai người trở lại xe. Trên đường về tôi câm
như hến vì lòng buồn quá. Bố mẹ tôi thì mệt quá nên cũng chả ai nói năng
gì.
Trong
xe, tôi đã mua sẵn mấy băng nhạc cải lương. Điều đáng tiếc là tuy hai ông bà cũng
thích nghe cổ nhạc miền Nam nhưng không thích lắm. Hai người có vẻ ưa nghe ngâm
thơ giọng Bắc hơn.
Tôi
lại chỉ tìm được mỗi một cuốn băng của Hồ Điệp thôi nên đã có lúc “đành” phải
vào phòng, đóng kín cửa lại, vừa dạo đàn, vừa ngâm một số những bài thơ (do
chính tôi sáng tác) để “cống hiến” cho bố mẹ già, vào lúc mà không khí gia đình
buồn tẻ hay nhạt nhẽo.
Khi
còn trẻ, mỗi lần uống rượu say, ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng đều bắt mọi người
“phải” im lặng nghe tôi ngâm thơ. Dù chưa bao giờ bị ai đánh vì chuyện này,
không hiểu sao, từ khi qua tuổi bốn mươi tôi “bỗng” trở nên biết điều hơn. Tôi
vẫn say rượu, thỉnh thoảng, nhưng cái vụ ngâm thơ hay ca hát thì bỏ hẳn.
Tuy
thế, tôi vẫn không từ bỏ niềm tin vào “làn hơi thiên phú” của mình. Nếu nó
không giúp tôi hái ra tiền thì ít nhất nó cũng đủ làm cho bố mẹ tôi vui. Tôi đã
tưởng thế, vì cũng như bao nhiêu bà mẹ “điên khùng” khác trên cuộc đời này, mẹ
tôi rất thích bất cứ cái gì do con mình làm ra. Bà cụ cứ nghe đi nghe lại mãi
cuộn băng này.
Điều
may mắn là bố tôi thì khác. Ông tỉnh táo và khách quan hơn. Đợi vào lúc mẹ tôi
không có mặt, ông nhỏ nhẹ nói
–
Con ngâm thơ bố thấy cũng hay, nhưng giá con đừng làm như vậy nữa thì …hay hơn
nhiều.
Vậy
là những cuộn băng “đặc biệt” ấy phải chìm vào quên lãng. Sau vụ đó, tôi chuyển
sang băng nhựa video. Không phải là tôi làm hề rồi tự thu băng để chiếu lại cho
bố mẹ già giải trí như Lão Lai bên Tàu đã làm hồi xưa đâu. Nói thiệt tình là
tôi chơi không tới cỡ đó. Chỉ vì thấy truyện chưởng Kim Dung được quay thành
phim video và chuyển âm sang tiếng Việt nên tôi vội vàng đi mua máy, mướn phim
về để cả đống ở nhà.
Những
tác giả ngoại quốc tôi ít khi để ý, trừ Kim Dung. Nếu không tình cờ gặp ông vào
năm mười tuổi, có lẽ tôi (cũng) đã thi đậu vào đệ thất của một trường công lập
ngay từ keo đầu rồi.
Tôi
hy vọng không khí trong gia đình sẽ đỡ tẻ nhạt hơn nếu bố mẹ tôi chịu ngồi xem
phim chưởng suốt ngày. Tối đến, tôi sẽ ba hoa liếng thoắng bàn thêm cảnh Tạ Tốn
cướp đao trên Bàn Sơn Đảo. Nếu bố mẹ tôi chưa hiểu rõ về công phu Sư Tử Hống
hay về sự khác biệt giữa phe Kiếm Tông và Khí Tông trong phái Hoa Sơn thì đúng
là những cơ hội bằng vàng để tôi có dịp khoe khoang về kiến thức (trời biển) của
mình.
Tiếc
thay, bố mẹ tôi chả hề để mắt đến những cuộn phim thổ tả đó. Theo lời ông cụ
thì “chúng nó nói một thứ tiếng Việt không phải của người Việt.” Còn mẹ tôi thì
chỉ sau một show ác đấu ngắn ngủi của Kiều Phong, ở Tụ Hiền Trang, bà đã vội vã
chạy ngay vào phòng đọc … kinh cầu siêu – từ trưa cho đến tối.
Dù
vẫn bị mang tiếng là hơi chậm hiểu, cuối cùng, tôi cũng nhận ra được sự thiếu
thốn, mất mát lớn lao trong đời sống của hai người – nơi xứ lạ quê người. Họ cần
một miếng đất. Họ phải sống trên đất, gần đất và với đất. Trải thảm, tráng xi
măng, lót nhựa đường để che hết đất là giết chết con người – Giời ạ.
Thế
là tôi xin việc làm thêm, cố gắng dành dụm một số tiền nhỏ đủ để đặt cọc thuê
được một căn nhà. Nhà mới tuy bé nhỏ nhưng vẫn có đủ sân trước, vườn sau, nằm ở
khu an ninh và toàn người láng giềng da trắng đàng hoàng sạch sẽ. Đã thế, chúng
tôi còn có sẵn cả cây chanh và cây hoa anh đào nữa.
Thời
gian sau đó, gia đình tôi sống rất yên vui và ổn thỏa. Vào mùa Hè, khi tôi từ sở
làm về trời vẫn còn nắng chói chang. Mở cửa vào nhà xong là tôi bước ngay ra
sau vườn. Bao giờ bố tôi cũng đang ngồi uống trà dưới gốc cây đào. Mẹ tôi thì
lui hui bận rộn với những luống rau bé bỏng của bà. Gần như từ sáng sớm cho mãi
đến khi chiều tối, lúc nào bố mẹ tôi cũng sống ở ngoài vườn.
Chúng
tôi phân định mảnh đất tí teo vừa thuê được ra làm nhiều phần rất là rõ rệt. Bố
tôi chăm sóc cây đào, cây chanh và giàn hoa giấy màu xác pháo ở cổng vào. Rẻo đất
phía trước cũng là nơi để ông trồng hoa cúc.
Phần
tôi, tôi chỉ xin một góc cỏn con, vô cùng khiêm tốn để gieo một ít poppy và trồng
mấy cụm pensée thôi. Chả hiểu bố tôi có kỷ niệm gì với loài hoa cúc đại đóa hay
không; riêng tôi, hai loài hoa vừa kể đều là những hoài niệm (thê thảm) về hai
mối tình te tua và bầm dập của mình. Cho mãi đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu
sao, “đường tình duyên” của mình lại ít may mắn thế.
Nguyên
cả mảnh vườn sau là giang sơn riêng của mẹ tôi, một giang sơn nhỏ hẹp nhưng vô
cùng phong phú. Tôi cuốc một luống đất dài để mẹ trồng đủ loại rau thơm: rau
húng quế, húng lủi, húng trắng, tía tô, kinh giới … Tất nhiên phải có hành, ngò
với sả nữa.
Người
ta không mấy khi có dịp làm được một món ăn với sả ở Hoa Kỳ. Nhưng có hề chi.
Đâu ai cố gây và giữ cho được một bụi sả chỉ vì nó cần cho nồi cà ri hay cho
món thịt bò kho. Điều cần là thỉnh thoảng, khi buồn, mình có thể ngắt một lá sả
vò nhẹ trong tay, rồi đưa lên mũi để hít thở được hương vị của (cả) quê hương
thoang thoảng, nhẹ nhàng trong đó.
Mẹ
tôi còn thích có một hàng cải bẹ xanh, xanh thật là xanh, để vào những lúc nắng
nhạt bà có dịp nhìn thấy vài đôi bướm trắng chờn vờn trên những luống hoa vàng.
Luống đất còn lại chúng tôi gieo hạt rau dền, rau cúc, và rau muống – những thứ
rau mà tôi biết rằng nếu thiếu đi thì cuộc đời mẹ tôi kể như là… vô nghĩa.
Phần
đất sát với bờ rào của nhà bên cạnh thì tôi làm giàn cây để cho khổ qua, bầu,
và mướp có chỗ leo. Tôi không ưa hoa bầu và hoa mướp đâu. Coi vô duyên thấy mẹ.
Nhưng với giàn khổ qua thâm thấp, lá xanh sắc, nhỏ nhắn, xinh xắn, điểm những
hoa vàng nhỏ li ti thì trông xinh và thương lắm.
Tôi
thấy hãnh diện cho giàn bầu và mấy cây bắp con con quá. Sau hơn một năm ở Mỹ, mọi
thứ đều bị mẹ tôi coi thường, kể cả “cái cầu treo dài nhất thế giới”; chỉ riêng
có hai giống thực vật vừa kể là nhận được hai câu khen tặng “hay quá” và “hay
nhỉ” ngắn ngủi hiếm hoi thôi.
Trời,
chuyện nhân quyền bị vi phạm ở Tàu, ở Cuba, ở Bắc Hàn, ở Việt Nam hay ở đâu đó
thì tôi đành bỏ qua; chứ còn cái thứ ốc sên mà cũng bày đặt hoành hành ngay sân
sau nhà tôi thì đâu có được.
Tôi
bỏ dở bữa cơm, hùng hổ lái xe ngay đến Kmart vác mấy hộp thuốc trừ sên về rải
khắp vườn. Thỉnh thoảng, còn có dịp chứng tỏ cho mẹ thấy là mình chưa hoàn toàn
vô dụng khiến tôi thấy … khỏe trong người hết sức.
Bố
tôi vẫn thường giữ im lặng như bản tính xưa nay của ông; tuy thế, khi nhìn thấy
rau thơm trồng ở ngoài vườn đã được ông cụ chiếu cố làm cho tôi thực sự thấy rất
yên lòng
Tôi
nhớ mãi ngày đầu tiên đưa bố mẹ đi ăn phở ở California. Ông cứ cầm cọng rau
húng quế mãi trên tay, ngắm nghía thật lâu, vò nát một góc lá, đưa lên mũi ngửi
rồi vứt xuống bàn. Tôi đã thấy nhiều người tỏ sự thất vọng và khó chịu vì mùi vị
nhạt nhẽo của những cây rau thơm trồng ở Mỹ, nhưng chưa thấy ai biểu lộ một
thái độ chán chường đến thế.
Chao
ơi, ngay cái giây phút đó sao tôi khổ quá. Tôi chỉ muốn chết cho rồi. Tôi
thương bố tôi đến chảy nước mắt và thấy ái ngại cho những cây rau thơm mọc ở xứ
người. Lá của chúng cứ mỗi ngày một lớn, và hương thơm thì cứ theo thời gian mà
nhạt dần đi. Cứ y như đám Việt kiều vậy, mỗi lúc một thêm béo tốt và … nhạt nhẽo!
Rau
thơm trồng sau vườn cũng chả thơm gì mấy, nhưng khi nhìn thấy bố tôi nhẫn nại
ngắt từng lá bỏ vào chén khiến tôi thấy vô cùng an ủi.
Tôi
đã nghĩ là phải tìm cách mua cho được căn nhà đó, phải mua bằng được một nơi
trú thật an ổn cho bố mẹ già. Chỉ cần cố gắng thêm một thời gian nữa, thời gian
đủ cho chúng tôi để dành được một số tiền thế chân chừng mười phần trăm là có
thể nói chuyện mua bán được rồi.
Tôi
cũng đã mường tượng trước là sẽ trồng thêm cho mẹ một cây bơ, và mấy cây anh
đào che kín vườn sau cho bố. Rồi ra, căn nhà của chúng tôi sẽ rực rỡ hoa đào –
vào mỗi độ xuân về.
Tôi
ngọng. Sự thực là bố tôi rất hay mặc một bộ quần áo pijama trắng, đội cái nón nỉ,
khoác thêm chiếc áo bành, và cầm một cây gậy đi dạo mỗi sáng “cho nó khỏe người”.
Hình
ảnh này đối với tôi bình thường và quen mắt quá. Tôi quen với nó ngay từ ngày bố
tôi chưa phải cầm gậy, và thay vào đó là ông cầm bàn tay bé bỏng của tôi kìa.
Tôi thấy như vậy “có sao” đâu?
Sau
đó đến chuyện của mẹ tôi. Bà cụ có hàm răng đen. Và cũng cứ theo lời thằng cha
quản lý khu phố thì bà cụ hay cười, và nụ cười của bà “khiến nhiều người sợ
hãi.”
Hắn
làm tôi nghĩ ngay đến một bà cụ quê mùa, nhỏ bé loắt choắt, lúc nào cũng đội
xùm xụp chiếc khăn mỏ quạ, thỉnh thoảng đi lại ngoài đường, gặp ai cũng nở một
nụ cười … ngờ nghệch. Hình ảnh này đối với một số người Hoa Kỳ quả là “khó
coi,” đó là chưa kể đến hàm răng đen.
Tôi
không hề nghĩ đến điều đó vì – trong những năm dài xa cách – mỗi khi nhớ đến mẹ
tôi chỉ thấy hình ảnh của bà khi mình còn bé tí, đi đâu cũng nắm chặt chéo áo của
mẹ thôi. Thuở ấy, răng của mẹ tôi đen huyền, môi hồng cắn chỉ. Dù có thêm bao
nhiêu ngàn năm nữa qua đi thì mẹ tôi vẫn cứ mãi mãi đẹp đẽ và xinh tươi như thế,
chứ vĩnh viễn chả bao giờ có gì “khó coi” cả.
Cuối
cùng là chuyện mấy con gà. Đàn gà mà mẹ tôi vô cùng hãnh diện vì lúc khởi đầu
nuôi chỉ có mấy con thôi mà chả bao lâu nhà tôi đã biến thành “trại gia cầm.”
Hàng
xóm than phiền là họ không ngủ được vì tiếng gà gáy sáng. Thế mà cả hai mẹ con
tôi vẫn cứ ngỡ là mình đã mang lại cho cả khu phố cái không khí thôn dã, êm đềm
nhờ vào tiếng gà gáy (trong trẻo) vào mỗi sáng.
Tôi
có thể thuyết phục bố tôi thôi đừng đi dạo với bộ quần áo ngủ, năn nỉ mẹ tôi đừng
tiếp tục nuôi gà nhưng tôi không biết làm thế nào ngăn được ác cảm và thành kiến
của người dân bản xứ. Và rồi chuyện phải đến, đã đến.
Người
quản lý báo cho tôi biết họ cần lấy lại nhà để sửa. Tôi hiểu đó chỉ là một cái
cớ nên năn nỉ xin ở lại và đề nghị trả tiền thêm. Tôi cũng cố giải thích cho hắn
hiểu là bố mẹ tôi sẽ… chết nếu sống không có đất.
Cuối
cùng hắn đành nói thực:
–
Từ khi tụi mày dọn tới đây khu phố ngó bộ muốn xuống giá. Chủ nhà, chủ đất nó
đâu muốn như vậy. Tao chỉ là thằng làm mướn cho tụi nó thôi. Nó biểu sao là tao
làm vậy hà.
Thế
là thôi. Thôi giã từ căn nhà có hoa anh đào, có hương hoa chanh thoang thoảng mỗi
sáng, có bầy ong nhỏ loanh quanh bên giàn khổ qua xanh lá mỗi trưa, có đôi bướm
trắng chờn vờn trên những luống cải lấm tấm điểm bông vàng vào những buổi chiều
nhạt nắng. Người ta không thể mượn một mảnh đất để làm quê hương, dù chỉ là mượn
tạm để cho bố mẹ già nương náu cho hết những ngày tàn còn lại.
Tưởng Năng Tiến
No comments:
Post a Comment