Friday, July 30, 2021

Quét Lá Sân Chùa - Nguyễn Thị Thêm



Năm chú Thảo 6 tuổi, ông nội quyết định xuất gia.

Tin được chuyển đi cho tất cả mọi thành viên trong gia đình. Kể cả các cô chú đang sinh sống ở nước ngoài.

Trong buổi tiệc họp mặt đoàn viên nhân ngày giỗ bà cố. Ông nội ngồi trên ghế salon đặt ở giữa nhà, các con cháu dâu rể đứng ngồi xung quanh. Ông nội uống một ngụm trà rồi thong thả nói:

-  Hôm nay các con đã về đây đầy đủ, ba cũng tuyên bố một việc mà ba suy nghĩ rất lâu. Như tất cả các con đều đã biết. Ba quyết định vào chùa để tu.

- Ba tu tại gia như bây giờ được rồi. Ba đành bỏ tụi con đi tu thiệt sao?  Ba chú Thảo rướm nước mắt nói.

- Nếu ba giận tụi con điều gì thì ba nói. Tụi con sẽ sửa sai. Ba đừng vô chùa tu mà tội nghiệp chúng con. Chú Ba nghẹn ngào.

Ông nội không nói gì, Từ tốn đứng lên và chậm rãi đến bàn thờ Phật thắp thêm hương. Cả nhà nhìn theo dáng đi của ông nội. Không ai nói một câu nào. Có tiếng thút thít lẫn tiếng thở dài của nhiều người. Chú Thảo quay lại nhìn mẹ, nhìn các cô chú bác. Mọi người đều lặng lẽ thật buồn nhìn theo ông nội.

Còn chú, chú không hiểu tại sao ông nội đi tu. Mà đi tu là làm sao? Phải ông nội bị cạo đầu trọc lóc không? Ông nội có ôm bình bát đi vòng vòng trong xóm xin ăn không? Trời nắng chang chang làm sao ông nội chịu cho được. Rồi nhà ông nội ai ở, ai lo cơm nước cho ông nội. Ai nấu nước nóng cho ông tắm. Chân ông nội đau ai bóp cho ông. 

Cứ nghĩ đến ông nội không có ở nhà là chú muốn khóc. Con chó Ki chắc cũng sẽ nhớ ông nội như chú. Giá mà còn bà nội thì chắc ông nội không đơn độc để muốn đi tu. Chú nhớ bà nội. Nhớ mùi bã trầu, nhớ những lần mưa dầm chú rúc vào lòng bà nội để nghe bà kể chuyện đời xưa. Bà nội ơi! Ông nội muốn đi tu rồi bà nội ơi! Ai cản được ông nội bây giờ.

Ông nội chú rất nghiêm, chưa bao giờ chú thấy các cô chú bác trong nhà dám cãi lời hay tỏ vẻ không kính trọng ông nội. Ông nội ít nói, nhưng khi ông nói giọng trầm, ấm nhưng rất nghiêm. Ông có nhiều con và nhiều cháu, nhưng ông chưa bao giờ tỏ vẻ nuông chiều, thiên vị hay gần gũi quá thân mật với một đứa cháu nào. Khi các cháu còn bé, đôi lần ông bồng trên tay nựng nịu rồi trả về cho cha mẹ. Ông cũng không nô đùa hay thích chơi với trẻ con. Ông có thế giới riêng của ông. Sự oai nghiêm trầm tỉnh của ông đã khiến ông là tâm điểm của đại gia đình. Khi ông có một quyết định nào không ai có thể làm trái ý kể cả bà nội.  

Cuộc đời ông nội đã trải qua một chặng đường không ít gian lao. Một thân một mình ông dấn thân lập nghiệp. Với tuổi còn trẻ ông tự mưu sinh và nuôi dưỡng mẹ già và lo cho các em. Ông nội là ông anh cả mà các ông chú ngưỡng mộ và kính trọng. Ông là một người đầy quyền lực trong gia đình. Một người ông mà lũ cháu vừa sợ vừa kính yêu. Ông như một cội tùng già gốc rễ thật to và chắc chắn. Uy lực của ông lớn như bóng mát to lớn bao trùm một đại gia tộc. Chú không biết đi tu ra làm sao, nhưng cứ nghĩ ông nội sẽ không ở trong căn nhà từ đường to lớn này chú lại tủi thân muốn khóc. 

Nhà chú Thảo cách nhà ông nội chỉ mấy bước chân. Ba chú cất nhà ngay trong đất vườn ông nội. Mỗi khi nấu một món ngon, ba chú lại bưng qua nhà nội mời ông ăn trước. Còn chú hay lẽo đẽo theo ông nội hỏi ông cái này, cái nọ. Chú muốn ông nội sai bảo chú làm việc và thích nghe ông nội khen:

-Chà! Cái thằng giỏi đa.

Chỉ một câu ông nội khen mà chú thấy mở cờ trong bụng.

Ông nội thật chậm đốt nhang và cung kính quỳ lạy ba lạy. Cả nhà cũng quỳ trước bàn Phật và lạy với ông. Ông trở lại ghế ngồi, uống thêm một ngụm trà, nhìn qua các con một lượt rồi chậm rãi nói:

- Ba không trách gì các con, cũng không hờn giận ai hết. Ba biết mình già rồi, nhưng nếu bây giờ ba không lo tu thì không còn kịp nữa. Các con yên tâm, sức khỏe ba còn tốt còn tự lo cho mình được. Ba muốn những ngày còn lại là được sống cho ý nguyện của mình. Ba muốn quy y Tam Bảo để thực tâm sám hối, yên tỉnh cuối đời , dẹp bỏ phiền muộn và giải thoát.

- Nhưng rồi ai sẽ săn sóc cho ba. Tụi con... Chú Tư chưa nói hết câu, ông nội đã đưa tay bảo ngừng lại

- Ba hiểu hết, các con đừng khuyên can ba nữa. Ba sẽ làm một sa di, mà sa di phải tự mình học và thực hành cam khổ. Các con đừng lo. Ba sẽ làm được. Ba giao hết nhà cửa, vườn đất cho các con. Từ nay ba không quan tâm tới nữa. Các con hãy đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau.

Chú Tám quỳ xuống, ôm lấy chân ông nội mà khóc:

- Ba ơi! Ba suy nghĩ lại đi. Ba tu ở nhà cũng được mà. Con cháu cả bầy mà ba sao nỡ bỏ hết vào chùa ở một mình vậy ba.

Ông nội nắm tay đỡ chú Tám dậy. Ông cười:

-Có gì mà phải khóc.  Ba đi tu là thoát ly phiền não mà. Hãy mừng cho ba chớ. Ba đã xin với thầy rồi. Tháng sau vào ngày rằm ba sẽ vào chùa quy y như ý nguyện.

Căn nhà chìm trong bầu không khí thật ảm đạm. Ông nội đã quyết, không ai có thể làm ý chí ông thay đổi. Ông nhất định bỏ tất cả những lụy phiền đời thường, xuất gia tu hành. Ông cắt đứt sợi dây phiền não đã ràng buộc ông. Đó là 10 đứa con và 34 đứa cháu nội ngoại. Trong đó có chú Thảo.

Ngày ông Nội làm lễ xuất gia, cả nhà ai cũng lên chùa. Con cháu về đầy đủ, quỳ chật trong chánh điện. Mặc dù Thầy trụ trì đã giảng một bài pháp để mọi người hoan hỉ mà mừng cho ông nội đã thoát ly ái dục về nương tựa Phật. Nhưng không ai có thể không rơi nước mắt khi thấy ông nội dường như nhỏ lại trong lớp áo sa di. Đầu ông đã cạo trọc và dáng đi của ông đã từ tốn giờ lại còn chậm hơn, chậm hơn theo từng bước chân chánh niệm.

Ông nội đi tu được một tuần chú Thảo khóc đòi đi theo ông nội. Ba chú không nở để con bỏ học lên ở trong chùa. Nhưng cũng không yên tâm để cha một mình làm một sa di già cô độc. Mặc dù thầy trụ trì xem cha như thúc phụ nhưng nguyên tắc nhà chùa người tu phải hành đạo ngay trong sinh hoạt hàng ngày. Không biết ông có thích ứng được không? Thế là sau mấy ngày suy nghĩ, ba chú đồng ý đem con lên chùa làm thị giả cho ông nội. Chú Thảo rời gia đình từ lúc đó.

 ....... 

Chùa khiêm nhường nằm trong một thôn xóm ở Thủ Đức. Nơi đây đã nhiều năm về trước Sư Bà đã được một Phật Tử cúng dường miếng đất để xây dựng ngôi chùa nhỏ để tu. Đây là ngôi chùa thứ hai mà Sư Bà thành lập sau khi ngôi chùa cũ đã tan nát trong một một lần pháo kích.

Sư Bà về đây sống với một chú tiểu mà sư bà nhận làm con. Chú tiểu ấy là Thầy trụ trì bây giờ. Lúc Sư Bà về đây, Thầy khoảng  12 tuổi, đang bước vào trung học.

Nghe ông nội kể lại nhà cha mẹ Thầy ở cùng xóm với gia đình ông nội. Khi Thầy còn bé, cha mẹ đút một miếng thịt hay miếng cá là Thầy đều ói ra không ăn được. Do đó vô hình chung Thầy đã ăn chay từ nhỏ cho đến tận bây giờ. 

Hồi đó cả làng chỉ có một nhà thờ và một ngôi chùa nhỏ của Sư Bà. Nhà thờ nằm giữa làng rất rộng rãi khang trang, có nhiều con chiên sùng đạo. Chuông nhà thờ vang vang thôi thúc mỗi sáng mỗi chiều. Con chiên tấp nập, cuộc sống an vui.

Cuối làng, nơi yên tĩnh nhất là  ngôi chùa của Sư Bà. Sau này chùa cũng có đại hồng chung nhưng chỉ đánh vào những dịp lễ lớn. Còn thì Sư Bà chỉ dùng  mõ và chuông khánh giản đơn. Chuông nhà thờ vang xa đến tận ngôi chùa cuối làng. Và đó cũng là thời gian con chiên đi nhà thờ, người bên lương  cũng chuẩn bị lên chùa để tụng kinh sám hối. 

Sư Bà từ phương xa về đây khai đất lập chùa để Phật Tử có nơi nương náu tâm linh. Những ngày mới đến thật vô cùng khó khăn với đất lạ, người không quen. Lúc ấy Sư Bà là một sư cô còn trẻ, vâng lệnh Sư Ông đi tìm nơi lập mái chùa riêng. Sư Ông sau khi giúp phát hoang miếng đất và cất lên một thảo am tranh lá thì giao lại cho Sư Bà. Ngài và các đệ tử quay về chùa tổ. Cũng may người dân nơi đây khao khát có một mái chùa nên hết lòng bảo bọc sư bà và tích cực làm công quả.

Người góp công, kẻ góp sức. Ông thầy giáo già hiệu trưởng trường làng  là một Phật tử thuần hành. Ông kêu gọi phụ huynh học sinh theo đạo Phật đến chùa giúp một tay. Cuối tuần ông hay dẫn các học sinh bên lương đến chùa để làm cỏ hay dọn dẹp vệ sinh. Từ từ trên miếng đất cuối làng hoang vu thành hình một ngôi chùa khang trang, rộng rãi mái lợp tôn, vách bằng đất đơn sơ nhưng ấm cúng và là nơi nương tựa tâm linh. Vườn chùa được trồng cây ăn trái, bông hoa để Sư bà cúng Phật. 

Vì đây là vùng định cư của đa số dân miền Bắc di cư lập nghiệp nên niềm tin tôn giáo của họ rất mãnh liệt và có phần háo thắng. Ngôi chùa nhỏ là cái gai trong mắt của một số tín đồ cuồng đạo. Sư Bà chịu không ít những lời thóa mạ hay phá phách để khiêu khích người tu hành nản lòng bỏ đi nơi khác.

Nhiều lần họ quăng phân vào sân chùa. Có lần phân bay vào dính tượng ông Thiện đứng trước chùa. Sư Bà im lặng dọn dẹp, lau chùi. Có khi họ trét vào vách khi Sư Bà đi khỏi. Những hoa trái cúng ngoài bàn hộ pháp hay cúng vong đều bị đánh cắp. Thỉnh thoảng lại có vài người đến gây hấn một cách vô lý. Thế nhưng Sư Bà không nản lòng mà coi đó là thử thách trên con đường hành trì Phật Pháp. Phá mãi cũng chán, lần hồi những người nơi đây đều thấy rằng có thêm một ngôi chùa cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tín ngưỡng của mình. Ngôi chùa nhỏ và vị sư cô trẻ đã có những ngày bình yên. Phật Tử cũng hoan hỉ có nơi để đến tụng kinh, cầu nguyện và tu tập.

Thầy là bạn hồi nhỏ của chú Út chú Thảo. Hai người mỗi ngày sau giờ học đều thích lên chùa lễ Phật. Trong vườn chùa có trồng nhiều cây ăn trái rất ngon và sư bà thì rất yêu thương con nít. Sư Bà dạy cho các chú học chữ, học kinh, tập đánh mõ, đánh chuông và cho các chú ăn thức ăn chay thật ngon do chính tay Sư Bà nấu.

Mỗi khi có người trong làng bệnh nặng hay qua đời, Phật tử đi theo Sư Bà tụng kinh cầu an hay cầu siêu. Các chú cũng được đi theo. Các chú còn trẻ con nên năng động, hay nghịch hay đùa. Sư Bà thường phạt bằng cách bắt quỳ hương sám hối.

Năm thầy 7, hay 8 tuổi gì đó, Thầy bỏ nhà lên chùa ở luôn, gia đình làm thế nào Thầy cũng không chịu về. Cuối cùng cha mẹ Thầy đồng ý cho Thầy xuất gia và Sư Bà nhận Thầy làm dưỡng tử. Thầy được Sư Bà cạo trọc đầu, chỉ chừa cái vá ở trước mỏ ác. Thầy chính thức làm một chú tiểu nhỏ dễ thương. Theo ngày tháng chỗ tóc ấy dài ra. Thầy móc nó ở vành tai trông rất buồn cười.

Thầy học chung cùng lớp ở trường làng với chú út. Dù đã được Sư Bà cho xuất gia, nhưng tính tình Thầy rất hiếu động, hay nghịch phá và ham chơi. Do đó Thầy thường bị Sư Bà phạt quỳ hương. Chú út của chú Thảo lén Sư Bà thổi cho nhang mau tàn để được đi chơi với nhau. Sư Bà có lúc giả vờ như không biết chỉ mỉm cười khoan dung. Nhưng có lúc cũng phạt hai chú cùng quỳ hương vì cái tội gian dối không thực hành đúng tam quy, ngũ giới của nhà Phật.

Bà nội chú Thảo kể về Sư Bà với một lòng tôn kính. Chính Bà Nội đã cúng dường Đại Hồng Chung cho chùa. Bà nội tâm niệm đem tiếng chuông nhà Phật vang xa, để mọi người nghe mà bớt làm điều ác. Ai có gây lộn hay ăn cắp ăn trộm cũng giật mình mà dừng lại.

Sư Bà là một người uyên bác kinh sách, giỏi nấu ăn cũng như thêu may. Nghe nói Sư Bà xuất thân từ một gia đình danh giá nhưng không biết vì sao chọn con đường tu hành. Có những mùa An Cư Kiết Hạ. Sư Bà  vào tịnh thất một hoặc hai tháng. Sư Bà phải tịnh khẩu và không giao tiếp với bất cứ ai trong thời gian nhập Hạ. Mỗi khi có việc thật cần Phật Tử viết giấy lòn vào cửa phòng để hỏi. Cửa phòng thật ra chỉ là một liếp cửa được đan bằng những cây trúc nhỏ và được trét đất cho kín.

Mùa mưa, đất ẩm, kiến từng đàn bò vào phòng, Phật tử muốn tìm cách diệt kiến nhưng Sư Bà viết giấy gửi ra không cho sát sanh. Chỉ khuyên là mỗi đêm nên cầu nguyện và tụng kinh cho kiến đi hướng khác. Ngày Sư Bà ra Hạ với một thân thể gầy nhom, người đầy những vết ghẻ vì kiến cắn. Phật Tử ai thấy cũng đau lòng.

Khi chiến tranh đến hồi ác liệt, ngôi chùa vắng cuối làng bị nhiều lần pháo kích lẫn đụng độ nên hư hại nặng. Lần pháo kích cuối, đạn pháo rơi vào ngay chánh điện. Ngôi chánh điện tan hoang, Phật bể nát, vườn chùa xơ xác.

Rất may một Phật tử của Sư Ông biết tin này, đã cúng dường một phần miếng đất của mình ở Thủ Đức để Sư Ông cho đệ tử mình lập một thảo am nương náu. Sư Bà chia tay Phật Tử, rời bỏ ngôi chùa đổ nát dẫn Thầy ra đi. Thầy rời bỏ làng quê, gia đình, người thân và người bạn thời thơ ấu để theo Sư Bà. 

Sư Bà về đây được một thời gian thì người Phật Tử giàu lòng bố thí đó cúng dường nguyên phần đất của mình để theo con. Sư Bà từng bước xây dựng thành ngôi chùa nhỏ để tiếp tục tu hành và hoằng dương Phật Pháp. Thời gian trôi qua Thầy lớn dần không còn là một chú tiểu nhỏ mà là một vị tăng sĩ được tu học ở Cao Đẳng Phật Học và sau này là Viện Đại Học Vạn Hạnh tại Thành Phố Sài Gòn.

Chú Út của chú Thảo vào quân đội và theo từng chuyến hải hành ra khơi. Mỗi khi tàu về bến có dịp chú lại ghé chùa thăm Sư Bà và người bạn cũ. Một người tu hành, một người lính chiến hai mảnh đời trái ngược nhau, nhưng tình bạn của họ không vì vậy mà thay đổi.

Ngày 30 tháng tư năm 1975, chú Út theo tàu di tản ra nước ngoài. Thầy về chùa cùng Sư Bà tiếp tục tu hành. Sư Bà viên tịch Thầy chính thức làm trụ trì ngôi chùa này. Khi ấy Thầy đã là một Đại Đức được nhiều người kính nể. 

Những ngày Bà Nội chú Thảo còn sống, bà cũng hay lên chùa của Sư Bà để thăm viếng và cúng dường. Bà thường dặn dò con cháu. "Nếu một mai nội có nằm xuống thì tuyệt đối không được giết gà, vịt, heo làm đám. Phải cúng chay, tổ chức đám ma đơn giản. Không được rước thầy tụng về tụng kinh đám ma. Họ ê a để lấy tiền chứ không có công đức gì. Hãy lên chùa Sư Bà, thỉnh Thầy về tụng kinh cho nội. Thầy tu từ nhỏ, ăn chay từ nhỏ, con người đạo đức, kinh pháp uyên thâm, sẽ giúp cho hương linh nội siêu thoát."

Lễ tang bà nội, Thầy đến nhà và cùng tăng chúng tụng kinh siêu độ hương linh một cách chí thành. Tình hàng xóm láng giềng ngày xưa bây giờ thêm gắn bó. Thầy tôn kính ông nội như một người bác họ. Dìu dắt ông nội trên con đường tu tập tại gia. Ông Nội cũng thỉnh thoảng lên chùa ở lại với Thầy để nghe kinh và nghe Thầy giảng Pháp. Lần lần ông nội giác ngộ, không muốn sống ở nhà với những ràng buộc của gia đình con cái. Ông không còn muốn vướng bận về nhà cửa, đất đai, những vui buồn đời thường do con cháu tạo ra. Ông dứt khoát tìm con đường giải thoát.


Thầy nói với ông nội: Đi tu không bao giờ là muộn, miễn mình có thể dứt bỏ được trần duyên, tâm không bị ràng buộc bởi tham, sân, si, ái, dục là con đường tu rộng mở. Thầy sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho ông nội lên chùa Thầy tu hành.

Và thế ông nội chú Thảo trở thành một sa di già trong ngôi chùa này. Chú Thảo vì thương ông nội cũng theo ông lên chùa mà không biết rằng số phận mình đã thay đổi từ đây.

Ông Nội được Thầy cho ở một căn phòng nhỏ sau hậu liêu gần phòng của Thầy. Phòng nhỏ nhưng cũng tạm đầy đủ tiện nghi cho một tăng sĩ già. Chiếc giường nhỏ, bàn viết, kinh sách là gia tài bây giờ của ông nội. 

Khi chú Thảo đến ở, Thầy cho đem vô một cái ghế bố để chú Thảo làm giường. Từ đây chú Thảo không còn lo lắng cho ông nội như lúc chú còn ở nhà. Chú là thị giả, là người sẽ phục vụ nội mỗi khi ông cần. Chú rất vui mỗi khi ông nội sai bảo. Tối đến chú chờ nội lên giường rồi chú mới đi ngủ. Mà thật lạ, trong giấc ngủ say của trẻ con, chú lại có cảm giác đêm đêm nội lại đến đắp mền hay tấn mùng cho chú. 

Cảm giác yêu thương và hạnh phúc đó khiến chú gần gũi với nội hơn. Chú không còn sợ ông nội như xưa. Ông nội đi tu dường như ông ít nghiêm hơn. Ông hay cười,nụ cười hiền lành ấm áp.

Chú thương ông nội vô cùng. Có ông nội chú không còn thấy nhớ nhà mà lại thích được ở đây cùng ông hàng ngày tụng kinh lễ Phật.

Mỗi ngày ông nội dậy sớm, chú Thảo cũng dậy sớm theo. Ông nội đi lên chánh điện chú cũng lên theo. Nội ngồi tụng kinh chú cũng cầm kinh tập đọc theo. Nội thỉnh mỏ, chú cũng tập thỉnh chuông. Những nghi thức ở chùa chú cũng tập theo nhuần nhuyễn. Nhờ tụng kinh chú biết đọc, biết viết nhanh hơn. Chú muốn làm chú tiểu được cạo đầu như ông nội nhưng chú chưa được phép của cha mẹ để xuất gia.

Hè đã hết, chú quyết định ở chùa luôn với ông nội nên thầy trụ trì xin cho chú đi học ở trường Tiểu học gần chùa. Cha mẹ chú Thảo sợ chú sẽ giống ông nội đi tu luôn nên kêu chú về nhà nhưng chú không chịu. Chú quyết ở đây để chăm sóc ông nội.. 

Mỗi sáng sớm ông nội dậy sớm tụng kinh và đi thiền hành, chú Thảo cũng đi từng bước đi theo. Ông nội lấy chổi quét sân chùa, chú giành lấy làm nhưng nội không cho. Ông nói quét lá cũng là quét đi phiền não tạp niệm, đó cũng là tu. Chú chưa biết tạp niệm là gì nhưng chú cũng tập quét lá theo ông nội. Chú kiếm chỗ lá rụng nhiều để quét cho nội khỏi làm nhiều đau lưng. Quét qua một lát chổi, chú tập niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" như ông nội. Chú cười thật tươi khi sân đã quét xong. Chú rót cho nội một tách trà rồi đưa ông ngồi xuống ghế nghỉ ngơi. Ông nội nhìn chú thương yêu, chú tắm mình trong nụ cười yêu thương đó. Chú hốt những rác bỏ vào thùng và lẩm bẩm: "Những tạp niệm phiền não gì đó của ông nội hãy vào hết đây" rồi chú tung tăng đến trường. 

Ông nội không được khỏe, ông  đau lưng nhiều và không muốn ăn. Chú Thảo buồn lắm cứ loanh quanh bên nội. Buổi sáng ông nội không ngồi lâu tụng kinh được. Buổi tối cúng sám hối cũng vậy. Ông được thầy trụ trì cho phép ngồi ghế hay đứng lên nếu quá đau. Mỗi buổi sáng, chú Thảo dậy sớm hơn lo cho nội và quét hết sân để kịp giờ đến trường. Chú lại đổ rác và nghĩ một mình "Sao tạp niệm và phiền não hốt mỗi ngày mà ông nội vẫn than đau. Sao mình không đau dù chạy nhảy, làm việc nhiều hơn ông. Nội đã già lại hay đau thật tội nghiệp làm sao" 

Hôm nay chú Tám rước ông nội về nhà để đi Bác Sĩ. Chú Thảo thấy mình thật cô đơn. Căn phòng chỉ còn mình chú, chú nhìn qua giường ông nội trống trơn. Chú đã làm bài xong nhưng không thể nào chợp mắt. Chú lên chánh điện và quỳ xuống tụng một thời kinh cầu bình an cho  nội. Không có ông nội, chú cũng dậy sớm lễ Phật và quét sân chùa trước khi đi học. Mỗi lát chổi chú không nghĩ gì khác ngoài cầu cho ông nội chú mau lành bệnh.

Một tuần sau ông nội về chùa, chú Tám nói chú muốn giữ ông nội lại cho con gái theo dõi điều trị nhưng ông nhất quyết về chùa. Ông nói đã xuất gia phải ở chùa để tụng kinh niệm Phật. Ông nhớ chùa và nhớ không gian yên tĩnh ở đây.  Ông nội bị bệnh thoái hóa cột sống và thần kinh tọa nên đau đớn lắm. Mỗi buổi chiều Trầm con gái chú Tám chạy qua chùa chích thuốc, thăm bệnh ông nội. Chú Tám cũng nấu canh chay gửi sang cho ông tẩm bổ. Có một lần vì thương cha ăn chay không đủ chất bổ dưỡng, chú lén mua thịt về hầm lấy nước cốt rồi nấu canh chay gửi qua chùa. Ông nội nếm thử rồi không ăn. Ông kêu Trầm đem về và nói từ nay ông không ăn đồ ăn chú Tám nấu nữa. Chú Tám sợ quá phải qua chùa quỳ sám hối, ông nội mới tha cho. 

Ông nội bệnh càng ngày càng nặng, những cơn đau làm ông nội sa sút thấy rõ. Bác sĩ khuyên nên đem ông về nhà. Mỗi khi tỉnh lại ông nội đều nhìn chú Thảo thương yêu, dặn dò chú ráng học giỏi và làm điều tốt, nhất là nghe theo lời dạy dỗ của thầy trụ trì. Ông nội không dậy nỗi để ăn hay uống nước, chú Thảo phải nhiểu từng giọt sữa vào miệng cho ông nội cầm hơi. Thầy nói nội khó thể qua khỏi nên chư tăng ở chùa thay phiên nhau tụng kinh cầu an. Các chùa khác quanh vùng cũng cử từng phái đoàn tăng ni chúng đến tụng kinh bên giường ông nội. Một ngày ông nội yếu dần, thầy gọi cả đại gia đình đến chùa để nhìn mặt ông lần cuối. Con cháu đông đủ cùng thầy trụ trì  chuẩn bị tang sự cho ông nội. Hôm đó chú Thảo đứng bên giường ông  nội, nhìn thấy hơi thở ông yếu dần rồi từ từ dừng hẳn. Thầy dặn đừng ai đụng đến thân thể nội, ai muốn khóc ra ngoài mà khóc, hãy để nội nghe kinh và nhẹ nhàng theo Phật. Các thầy liên tục tụng kinh, gia đình nhất tâm niệm Phật theo hồi chuông mõ. Nội nằm im mắt nhắm yên bình như đang ngủ. Gần dứt hồi kinh, thầy chuẩn bị lấy khăn phủ mặt nội thì bỗng dưng nội mở mắt. Ông nội nhìn khắp lượt và sống trở lại khiến ai cũng hoảng kinh.

Ông nội kể rằng tự dưng ông thấy mình hết đau nhức, người nhẹ nhàng như muốn bay lên. Ông thấy một vùng sáng trắng bao bọc xung quanh và như cuốn ông đi. Ông không hiểu điều gì đang xảy ra nên cứ đi theo vùng sáng ấy. Ông đến bên một chiếc cầu, ông đặt chân lên cầu và đi vài bước. Chợt nghe tiếng tụng kinh vang vọng, ông sực nhớ rằng tới giờ  tụng kinh sám hối buổi tối nên vội quay quả trở về chùa. Ông nói ông chạy nhanh lắm sợ trễ giờ cúng và ông tỉnh lại thấy mình nằm trên giường.

Thầy và các sư ông chùa khác đều rất mừng coi như đó là hiện tượng lạ, là phước báo hồi sinh của ông nội. Con cháu mừng khôn xiết. Chú Thảo ôm lấy nội mà khóc vì vui. Lạ là khi tỉnh lại, ông nội hết đau đớn, người khỏe mạnh tâm hồn lạc quan vui vẻ.

Thầy cho xây thêm phòng để các khóa tu học có nơi ăn ở cho các tăng sinh. Ông nội được thầy giao ngó chừng mọi việc khi thầy đi vắng Ai cũng thương và kính trọng ông tăng già hiền lành tốt bụng. Các phòng đã xong, các khóa học đã mãn, thỉnh thoảng ông nội được Thầy dẫn đi làm Phật sự. Ông nội làm thị giả cho Thầy, chú Thảo làm thị giả cho ông nội, chú Thảo cảm thấy mình hạnh phúc và đầy phước báo khi vẫn còn được chăm sóc cho ông nội mỗi ngày.

Thầy nói ông nội đã giúp thầy chăm sóc chùa mỗi khi thầy đi vắng. Ông nội xuất gia chưa lâu nhưng đức độ và lòng từ bi khiến mọi người kính trọng. Do vậy thầy dự tính sẽ để ông nội an trú trong sân sau chùa khi ông nội mất. Ông nội sẽ là hộ pháp bảo vệ ngôi chùa này. Ngay những ngày còn sống, thầy cho ông nội chọn phần đất riêng mình. Ông nội chọn một góc cuối vườn chùa. Thầy đã xây cho ông nội một ngôi tháp nhỏ ở đó. 

Một năm sau khi tháp ông nội xây xong, một đêm ông nội trở dậy, ông không đánh thức chú Thảo mà tự mình đi vệ sinh. Có lẽ ông bị chóng mặt nên đã té ngã ngay trong căn phòng của hai ông cháu. Ông nội bất tỉnh hai ngày là mất.  Đám tang ông nội không quá bi thương vì ai cũng hiểu đã đến giờ ông nội ra đi. Con cháu bịt lên đầu chiếc khăn màu vàng tang chế. Chú Thảo không dám khóc lớn sợ bị thầy la, chỉ lén lau nước mắt, cầu nguyện Phật Di Đà rước hương linh ông nội về nơi Cực lạc. Mọi người tụng kinh cầu nguyện, các tăng ni các chùa đến tụng kinh tiễn đưa vị sa di già về nơi an trú. Đó là ngôi tháp nhỏ nằm khiêm nhường sát hàng rào cuối chùa. Ông nội mãi mãi nằm đây với ngôi chùa ông đã chọn. Đây là mái nhà cuối đời của ông, nơi ông không bao giờ vướng bận chuyện của cải, vườn tược, gia đình, con cháu. 

Sau đám tang ông nội, cha mẹ chú Thảo đến xin Thầy rước chú về nhà. Chú quỳ xuống xin cha mẹ cho chú chính thức quy y. Chú nói bao năm sống bên ông nội, ngôi chùa này ví như nhà của chú. Chúc muốn suốt đời ăn chay tu hành, tụng kinh đốt nhang cho ông nội.

Mẹ chú Thảo khóc, ba chú ngồi trầm ngâm. Ông đã đoán được điều này ngay khi cho con lên chùa với cha. Cả tuổi thơ chú Thảo gắn bó ở đây, chú sẽ không thích hợp khi trở về cuộc sống đời thường. Ông gửi gấm chú Thảo lại cho Thầy trụ trì và ra về. Thầy bắt chú Thảo phải hoàn tất những khóa học và vượt qua những bài thi do Thầy quy định Thầy mới chấp thuận cho chú Thảo xuất gia. 

Ngày chú Thảo chính thức cạo tóc quy y, Thầy cũng cạo đầu cho chú như thầy ngày xưa Thầy được Sư Bà cạo. Cũng chừa một chỏm tóc phía trước để dài vắt sau vành tai. Có lẽ Thầy muốn nhìn lại mình ngày xưa. Bây giờ ông nội mất, đi đâu Thầy cũng dẫn chú Thảo theo. Chú là thị giả của Thầy trụ trì. Mỗi sáng, theo thói quen chú Thảo dậy sớm, ra thắp hương ngoài tháp rồi mời hương linh ông nội vào nghe kinh. Sau thời kinh chú đi quét lá sân chùa. Những lá cây bàng trồng trong khuôn viên chùa rụng không nhiều nhưng chú cũng thích quét. Chú cố gắng quét thật chậm như ông nội mà không được. Chú còn phải đi học, đến trường và còn bài vở phải làm. Chú dừng chổi và chợt hỏi mình ên:

-Ông nội ơi! bài vở ở trường có phải là tạp niệm không ông nội?

 

Nguyễn thị Thêm

No comments:

Post a Comment