Tuesday, July 27, 2021

Xóm Đình - Hàn Thiên Lương

Hình minh họa 

Quê hưong tôi là nước Việt Nam cầm tú, có sông dài biển rộng , núi cao rừng rậm, trong cái quê hương to lớn đó, đối với tôi còn có một quê hương nhỏ bé một khoảnh không gian riêng tư thân thương nhất , nhớ đến thì tâm hồn tôi ray rức. Tôi luôn luôn nhung nhớ một xóm nhỏ, nơi đó tôi được sanh  ra,  lớn lên, nhận lấy bao niềm vui nỗi buồn.

Xóm nhỏ của tôi có tên là Xóm Đình, bởi vì cái đình làng tọa lạc trong xóm tôi. Tôi không biết ngôi đình đựơc cất lên hồi nào, nhưng mái ngói vẫn còn  đỏ, các cây cột vẫn còn bóng chắc.

Đình nằm lọt trong một lâm viên toàn cây dầu và cây gõ. Sân đình là một khoảnh đất rộng lót gạch tàu đỏ. Sau đình có một con rạch nhỏ uốn mình qua những thửa ruộng, nương mía, tiếp nối  vào con rạch gốc để đổ ra Vàm Cỏ Đông.

Như một khóm rừng già, cây cao bóng mát, quyến rủ những lòai chim , trên ngọn cao chót vót  có quạ, diều hâu, ở lưng chừng  có sáo sậu, cưởng, cu đất, thấp nhứt có se sẻ, dòng dộc ,  chích choè; chiều  chiều đàn cò bay về đậu trắng cả khóm cây so đũa. Suốt ngày tiếng chim hót như bản hòa tấu không có người nhạc trưởng.

Các chú mục đồng  nhìn mấy con chim cu  đậu trên cành cây gật gù say sưa gáy, với hòn bi đất sét , thèm bật ná thun hạ sát , nhưng các chú không dám, vì lệnh của thầy hương quản cấm, không ai được soi bắn thú chim trong khu vườn của đình .

Trước năm 1945 tôi cứ tưởng xóm đình tôi yên bình muôn thuở , nhưng rồi chinh chiến điêu linh, tuy vậy những người bạn thời còn để chỏm, bì bõm dưới rạch sau đình , đá dế dưới hiên đình , dù  bao nhiêu tang thương biến đổi cũng không quên nhau . Tình cờ gặp nhau trên nẻo đường sương gío , nước mắt lưng tròng , tay trong tay , những câu nói đầu tiên để xác định nhau, là những câu nói mang dấu tích của Xóm  Đình .

Đúng vậy , năm 1981 , tình cờ tôi gặp lại  Nguyễn  Sang trong đội lâm sản của K3  trại Tân Lập, những phút đầu tiên gặp nhau thật cảm động , Sang nắm chặt hai vai tôi nói to : ‘’-Ê có phải là Tâm xóm Đình không ?‘’ . Tôi không trả lời mà hỏi lại: ’’-Anh có phải cháu ông  Tư Đậu cầm chầu  ở Đình không ?’’ Sang đáp vội :’’-Đúng vậy , ta đâu ‘’. Thế là anh em tôi ôm cứng lấy nhau , mừng quá đổi  . Mấy tháng trời ở chung với nhau, những câu chuyên của xóm Đình kể hòai không dứt , nghe hòai không chán , có lúc chạnh lòng ngẩn ngơ .

Có bữa  hai đứa đang ngồi ở bậc thềm nhơi mấy củ sắn , Sang nói: ‘’Bây giờ mà có một đĩa xôi đình ăn chắc ngon  lắm ‘’. Tôi đáp  :’’ ờ, nhớ lại những ngày hội đình thật vui mà anh em mình cũng no nê, người lớn thì bận rộn , các ông thì khề khà mâm trên chiếu dưới , các bà nấu nướng tưng bừng khói lửa .Thật ngày hội người ta chuẩn bị cả tháng trời. Ngày hội Tết, nhà nhà đều sắm sửa  cho riêng từng nhà . Còn ngày hội đình ai ai cũng hướng về ngôi đình với tâm nguyện vị Thần hòang phù hộ cả làng , bá tánh được an cư lạc nghiệp ! ‘’

Sang ngắt lời tôi :

- Anh Tâm nói đến đây sao tôi nhớ ông nội tôi quá , tôi khoái nhứt là ông cầm chầu hát bộ khi thì chậm rải , rời rạc, khi thì thúc giục như trống trận xung phong, làm nôn nả lòng người.

Tôi tiếp lời Sang :’’ tôi nhớ không biết có đúng không , hội đình các bô lão trong làng chú ý nhất là xây châu và  hát bộ. , bởi vậy ông Tư , ông nội anh , là hương chủ trong làng  câm chầu đó . Tôi nhớ lâu lâu có một gánh hát bộ từ phương trời xa ghé dựng rạp ở sân đình , dưới ánh trăng vằng vặc, có những đêm vui đầy âm thanh và màu sắc thật tưng bừng náo nhiệt . Trong những đêm vui nầy trai gái gặp nhau , rồi họ lưu luyến yêu thương.

Rồi gánh hát lại ra đi , biết bao nhiêu là bin rịn chia cách , mà chia ly nào cũng buồn. Lại có vài chàng trai , vài cô gái đành bỏ xóm làng yêu dấu , theo đoàn hát , dấn  thân trên đường gío bụi.

Mấy củ sắn buổi ăn chiều chóng hết, nhưng câu chuyện xóm Đình của chúng tôi còn rơm rả lắm, nên sau khi điểm danh, vào phòng giam, Sang rít vội điếu thuốc lào, Sang chạy tọt chỗ tôi nằm để tiếp câu chuyện:

- Ê Tâm nhớ không, cái thời trứơc 1945, mình còn để chỏm, với niềm vui tuổi dại hết sức ngây thơ . Tôi nhớ cứ trời vừa đổ mưa vài hôm là tụi mình moi  hóc đá ở sân đình bắt dế rồi đem ra hiên sau đình đá , có hôm thầy hương quản Nhành đi ngang qua đuổi rượt chạy thụt mạng.

Nghe Sang nhắc chuyện đá dế, bao nỗi buồn vui thóang hiện trong hồn tôi và tôi buông lời :

- Đám chơi dế lúc đó cả chục đứa, không biết còn lại mấy đứa, ai còn ai mất ? Sang đáp:

- Chắc chắn còn được hai, tui và anh, đang ở tù đây . Anh biết không  qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Cộng , biết bao nhiêu là mất mát !  Nhắc chuyện đá dế tôi không bao gìơ quên chuyện tôi bị thầy cho nuốt dế . Số là sáng hôm đó đi ngang qua đình , nghe tiếng dế gáy , tôi moi hang chộp được con dế than cồ, tôi bỏ nó váo cái hột xoài khô, định bụng ra chơi bắt xác con dế lửa của thằng Hùng , vì một tuần rồi không con dế nào địch nổi với nó, Hùng đã bắt xác đươc cả chục con dế. Tôi nhét cái  hột xoài trong hộc bàn , tay trái tôi đè lên để dế không gáy , khi thầy xuống gần bàn tôi, tôi rút tay để lên bàn , trời đất ơi con dế nó gáy to lên . Thầy bảo :’’Đứa nào có dế đem lên đây ‘’ .Tôi ngồi im ru . Thầy sóat hộc bàn tôi, ổng lấy cái hột xoài  mở ra  bắt con dế bỏ vào miệng tôi, bảo tôi ngậm lại. Con dế nó ở trong miệng loay hoay  tôi vừa nhột vừa nôn mửa muốn chết. Nhưng liền đó thầy bảo tôi  nhả dế ra. Cả lớp tụi nó cười ầm lên. Thầy cũng cười .Từ đó tôi mang tên  là Sang dế!  Anh biết không lúc mới nhập ngủ là khóa sinh ở quân trường tôi gặp thầy, ông thầy Định. Anh còn nhớ không ? Lúc đó Ông là thiếu tá thanh tra . Tôi gặp thầy tôi chào , thầy chào lại. Ổng hỏi : Sang dế đó hả ., tôi dạ, ổng cười và chỉ nói: gắng học, rồi thầy đi. Nhưng sau đó cứ lai rai tôi có tờ phép hai mươi bốn giờ, tôi biết chắc là thầy Định xin cho tôi .Thật ngoài thầy tôi không có ai quen tại quân trường, vả lại tôi không làm công tác nào đặc biệt cho trường .Tôi cũng nhớ mãi mấy câu thơ thầy đọc lúc mình đã đậu tiểu học chia tay thầy lên tỉnh học :          

‘’Thầy vẫn thương các con từng đứa một

  Dẫu ngoan hiền hay lười biếng không chăm

  Qua tháng năm, qua mấy mùa phượng nở

  Làm lái đò thầy đưa trẻ sang sông ‘’ 

Trong những ngày tù đày đó, những chuyện vui buồn nơi xóm Đình năm xưa, cũng làm cho chúng tôi vơi đi phần nào những nỗi gian lao, hai chúng tôi như không rời nhau và những câu chuyện xóm đình cứ tiếp tục  dọc theo con đường cải tạo gian lao. Một hôm sau khi đốn củi xong tôi và Sang ngồi nghỉ chân trên bờ  suối , nhìn lên đồi hoa sim tím nở  rợp , Sang nói :

- Hoa sim tím đẹp, khiến tôi nhớ đến màu tím bằng lăng mọc trong khu vườn ngôi Đình ở quê mình quá . Anh biết không , theo lời Ông nội tôi , khu vườn Đình là một khóm rừng nguyên sinh còn sót lại . Trứơc đây một vùng rộng lớn cả làng mình là rừng trùng điêp, khi người từ phương xa đến lập nghiệp, họ khai phá tận lực , ruộng đồng cứ lấn rừng, nhờ có cái đình được lâp lên  để thờ thần linh , với lòng tin, người ta mới  không dám chặt phá đám cây còn lại. Vị thần thờ trong đình  là một võ quan dưới trướng của tướng quân  Nguyễn tri Phương , khi  đồn Kỳ Hòa thất thủ , vị quan nầy không rút quân theo Nguyễn Tri Phương về Biên Hòa, mà dẫn ít lâu la theo ngỏ Phú Lâm về ẩn trốn tại quê mình , khẩn  hoang lập ấp, sau đó thật lâu làng xóm trở nên trù phú, ngài được sắc vua phong thần ! Anh có để ý        không,   đám rước sắc thần của làng mình theo nghi thức của võ tướng quân , giống như ngày xuất quân  một tràng pháo nổ, đến ba hồi trống lệnh , đám rước bắt đầu di chuyển. Đi trước là đám múa lân, kế đó là cờ lệnh , biểu tượng uy quyền của Thần .Tôi xen lời vào:

- Ông thần ở đình mình dân chúng sợ lắm và người ta tin ông linh lắm. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần có tranh chấp nhau , để giải tỏa nỗi oan ưng , người ta hay xách gà tới đình bẻ cổ thề . Anh biết không,  tôi khóai chạy theo xem mấy cuộc thề  thốt nầy lắm, nhưng mỗi lần thấy con gà bị bẻ cổ quăng xuống đất vẩy đành đạch , tôi sợ run ! Tôi  nhớ có một lần nhà hương sư Thanh bị mất cả một ô vàng , nghi thằng Hứ người làm ăn cắp , mời thầy hương quản tới tra hỏi Hứ, suốt một buổi sáng cũng không có kết quả . Sau cùng  thầy hương quản dẩn Hứ ra đình thề , sau khi thấy con gà gảy cổ  đang vẩy chết , Hứ sợ qúa thú tội , theo gia chủ trở về nhà, chỉ ô vàng bị chôn dưới gốc ớt . Nghe tới đây Sang ôm bụng cười và nói :

- Chắc nhờ uy thần như vậy mà bá  tánh được an cư lạc nghiệp . Nhiều khi tôi đang chơi ngòai đồng thấy một cặp trai gái dẫn nhau vô đình, tôi lẻn vào  xem , trời đất nghe họ cầu Thần phò hộ cho cha mẹ họ đừng cản trở cuộc tình duyên của họ và thề với Thần họ sẽ yêu nhau suốt đời, hể ai quên lời phải bị Thần bẻ cổ ! Lúc còn nhỏ, đi  quanh làng, tôi nghe người ta sợ Thần lắm . Hai bà đang cải cọ nhau, tôi nghe một bà thề:’’ tôi mà nói dối xin ông Thần bẻ cổ tôi đi ‘’ .Thế là bà kia im không còn chất vấn nữa’’. Chắc Anh Tâm đồng ý với tôi từ năm 1955 dến 1961, xóm Đình thật hạnh phúc , nhà nào cũng trúng mùa , nhờ chính phủ trọ giúp nông tín , nên suốt thời kỳ đó, mỗi vụ mùa đều bội thu, nhà ngói mọc lên đỏ đồng. Ngôi Đình lúc đó như một trung tâm văn hóa và kinh tế. Chiều và tối có lớp học chống nạn mù chữ, ban ngày các cán bộ công dân vụ tụ họp dân chỉ dẫn cách trồng trọt , chăn nuôi, cuối vụ mùa ông xã trửơng vào đình thu thuế, dân khỏi đi lên xã xa . Tôi ngắt lời Sang :

- Anh vừa nói việc chống nạn mù chữ , chuyện nầy cũng là niềm vui trong đời tôi . Tôi nhớ có mấy kỳ về  nghỉ hè, tôi được xếp dạy lớp chống nạn mù chữ . Một lớp học thật tức cười , học trò tuổi bằng cha và ông nội của thầy nên thoải mái xưng là ông , bác , đôi lúc xưng là tao luôn ! Có ông Hai Cứ hơn bảy chục tuổi học ba chữ O,Ô, Ơ, ông cứ lộn hoài. Ông gọi tôi và hỏi : Ê , thầy, ba chữ đều tròn tròn  sao mà phân biệt được.  Tôi mới nói : Bác nhớ O tròn như qủa trứng gà . Ô đội nón chốp . Ơ già có râu . Ôi cha cả lớp khóai đọc rân lên. Tiếp đó bà Sáu Trang hỏi : còn hai chữ như cái cù quéo thì sao ?

Tôi đáp : à chữ i và chữ t , bà nhớ  i  tờ hai chữ giống nhau, i thời có chấm tờ thời có ngang . Ôi cha cả lớp đọc to và cười hỉ hả . Tôi nghe những tiếng cười , nhìn những mái tóc bạc, thấy những ánh mắt xế chiều mà thương cho những cuộc đời từ lâu đi trong tâm tối nô lệ !

Lúc đó miền Nam thực sự độc lập tự do , ngôi đình làng tôi được chỉnh trang , hội đình có thể nói là một ‘’hội sống’’nó rất thiết thực, gắn bó với cuộc sống của mọi người dân . Ai có lớn lên,  đi khắp bốn phương trời , dù ăn nên làm ra, hay  vong gia thất thổ như tôi và Sang lầm than trong chốn lao tù  vẫn nhớ về mảnh đất nhỏ của của quê hương , có một ngôi đình được gọi là xóm Đình .

Câu chuyện xóm Đình chưa chấm dứt, gần cuối năm một ngàn chín trăm tám mươi mốt , Sang được thả. Hôm đó , Sang ngồi sát bên tôi, trước khi rời hàng lao động , để làm thủ tục về, Sang nói với tôi rằng: ’’Tôi sẽ về xóm Đình ngay thăm mẹ tôi , tôi sẽ vào đình thắp hương cầu nguyện  cho anh bình  yên , hai chúng mình hẹn gặp nhau tại xóm Đình, tôi cũng qua nghĩa trang thắp hương cho Tỵ , người yêu của Anh‘’. Chúng tôi nắm chặt tay nhau . Tình cờ một cán bộ quát, thúc Sang mau về buồng thu xếp tư trang . Sang vội vàng rời tôi  !

Sang về, tôi còn ở lại, câu chuyện xóm  Đình không còn ai để đối thoại, nó chỉ ẩn hiện trong  tâm hồn cô đơn và trong giấc ngủ hiu quạnh của tôi . Kịp đến năm một ngàn chín trăm tám mươi tư , tôi được thả về , tôi trở lại xóm Đình, ngôi đình xưa không còn nữa , các cây cổ thụ bị người ta hạ xuống xẻ gỗ cất nhà và làm đồ gia dụng. Xóm Đình vẫn còn đó, nhưng ngôi đình như không còn dấu tích , một bãi đất hoang  một bầy bò đang ăn cỏ ! Những người năm xưa cũng không còn một ai . Sang cũng ra đi trong một  chuyến vượt biên bất hạnh , không tới bờ .Tôi nhớ mãi lời Sang căn dặn tôi, lúc còn ở trong trại, lỡ anh có chết  nhớ đem nắm xương tàn của anh về xóm Đình yêu dấu. Nay thì ước vọng của anh không thành, trong giấc ngủ thiên thu, giờ đây anh chỉ còn nghe tiếng sóng của trùng dương . Tôi cũng như anh không thể trụ lại  xóm Đình,  phải dấn bước ra đi , sống đời lữ thứ , nay nghe tiếng rừng thông vi vu tôi cứ ngỡ khóm cây của ngôi đình xưa  đang dạo khúc nhạc sầu muôn thuở...!!


*Hàn Thiên Lương

(trong một ngày thương nhớ quê  hương)

No comments:

Post a Comment