Tuesday, September 17, 2024

Bánh Trung Thu - Nguyễn Quang Lập




Thuở bé mình ở Thị trấn nên biết bánh Trung thu, đèn kéo quân là méo hay tròn chứ bạn bè mình ở làng Đông, chỉ cách Thị trấn chưa đây chục cây số thì mù tịt, chúng chỉ “nghe nói” ở trong sách giáo khoa thôi. Nhà mình nghèo, gạo không đủ ăn tiền đâu mua bánh. Nhưng cứ mỗi dịp Tết Trung thu thể nào nhà mình cũng có một, hai cái do học trò ba mình mang tới tặng. Thời này người ta tặng từng cái bánh lẻ chứ không tặng hộp, lấy đâu ra tiền mà mua cả hộp. Vả lại cửa hàng cũng bán lẻ từng cái, không đóng hộp. Quý hóa lắm người ta mới tặng một cái bánh, nhà nào được tặng bánh Trung thu con nít mừng hết lớn, nhà mình cũng thế.
Dịp tết Trung thu nào mình cũng phấp phổng lo không có ai tặng bánh. Hễ khách đến chơi, mình đứng xa xa, ôm cột nhà chờ đợi. Khách ngồi nói chuyện chán chê, trước khi ra về mới lôi trong túi ra cái bánh, nói Trung thu em chẳng có chi, có cái bánh tặng cu Vinh cu Lập. Thể nào ba mình cũng lắc đầu xua tay, nói thôi thôi, đến chơi là được rồi, quà cáp mần chi. Mình với thằng Vinh (Nguyễn Quang Vinh) nhìn cái bánh mắt sáng rực lên nhưng ra cái vẻ không quan trọng, luẩn quẩn ở nơi xa, không sán tới gần, mặt vác lên trời không thèm để ý.


Ba mình vừa đem khách ra khỏi cửa, mình với thằng Vinh lập tức bổ nhào tới chộp lấy cái bánh tranh nhau ngửi lấy ngửi để. Anh Thắng 12 tuổi nảy giờ ngồi ở “góc học tập” ra vẻ làm bài tập nghiêm túc lắm, kì thực tai vểnh ra gian ngoài “hồi hộp đón tin vui”, bây giờ mới nhảy ra mắt trợn tay chỉ, nói đừng bóp đừng bóp, bể (vỡ) bánh chừ, cha tổ bay. Anh Tường 14 tuổi làm bộ người lớn, nói è he, chi cái bánh mà rộn lên rứa bay. Nói rồi anh giật ngay cái bánh, nói đem tao thử miếng nào. Mình và thằng Vinh nhảy lên níu tay anh Tường réo vang, nói ê ê không không, của em của em.
Lúc này chị Nghĩa 17 tuổi từ bếp mới thong thả đi ra, nói đem bánh đây chị chia cho. Tất nhiên anh Tường đưa chị liền, nói chị chia thiệt đều đó nghe, không tui chửi cho chị điếc tai luôn. Chị Nghĩa lườm anh Tường, nói thằng ni nói hay, tụi bay lớn phải nhường cho em chứ. Mình với thằng Vinh nhảy lên, nói đúng rồi đúng rồi.


Chị Nghĩa chia cái bánh làm bốn, Mình với anh thằng Vinh hai miếng lớn, anh Thắng anh Tường hai miếng nhỏ. Phần chị Nghĩa là bánh dính ngón tay, chị mút mút, nói ngon hè, rồi nuốt nước bọt đi vào bếp. Chị Nghĩa giống tính mạ mình, cái gì cũng nhường cho chồng con, cho em út. Mạ mình thật tội, bữa cơm nào cũng chỉ có một khúc cá, mạ xẻ ra chia đều cho mọi người rồi mút đũa, không bao giờ đụng đến một miếng cá nào.
Tính mình hay để dành, mình gói miếng bánh cất vào túi, thỉnh thoảng lôi ra ngửi ngửi mút mút chứ không dám ăn, sợ hết. Thằng Vinh được miếng bánh là lủm luôn, ngồm ngoàm nhai đến nhai đại, nhai luôn cả nước mũi lúc nào cũng chảy lòng thòng. Ăn xong phần nó là nó khóc đứng khóc ngồi đòi ăn phần của mình. Tất nhiên mặt mình lạnh như tiền, không bao giờ xí cho nó một mẩu. Thỉnh thoảng mình lại đem bánh ra ngửi ngửi mút mút chọc thèm nó để nó khóc cho hay. Thằng Vinh hồi nhỏ phàm lắm, điên lên nó chửi mình bem bép, nói cha tổ mi vơ Lập nời, cho tau ăn với. Hi hi.

                   
Thế rồi chiến tranh đến, nhà mình sơ tán lên làng Đông, những cái bánh Trung thu cũng chẳng còn, lâu ngày sống dưới hầm chẳng còn nhớ có trăng rằm, đừng nói rằm Trung thu, bánh Trung thu lại càng không. Thế mà năm 11 tuổi bỗng nhiên mình được tặng một cái bánh Trung thu, chuyện này đến chết cũng không quên.


Xưa nhà mình ở gần nhà chị Thu. Mình cùng tuổi thằng Thỉ em chị, bé chị hay bồng ẵm, lớn lên chút chị hay dắt đi chơi, kiếm được cái gì ăn chị đều chia đều cho hai đứa. Chừng 7, 8 tuổi chị hay thuê cài cúc nịt ngực cho chị, mỗi lần cài 5 xu. Cũng không phải dễ dàng để chị chi cho 5 xu đâu, phải làm mình làm mẩy chán chị mới chịu chi. Thằng Thỉ nhác, mỗi lần thấy chị tắm xong là nó co cẳng chạy biến. Chị kêu thằng Thỉ mỏi mồm không được mới quay ra gọi mình, nói Lập Lập, giúp chị đi. Mình giả đò õng ẹo, mặt xịu mũi nhăn. Chị cười, nói mau lên mau lên năm xu năm xu. Mình tót đến liền. Nịt ngực rất căng, cài rất khó, thời đó cài cúc, không cài móc như bây giờ, cài được cái nịt cho các bà chị thật toát mồ hôi hột. Lắm khi phải ghè bằng răng, mãi mới được. Bù lại được chị cho 5 xu, xoa đầu khen giỏi. Hồi đó mình là chuyên gia cài nịt ngực cho chị Nghĩa và chị Thu. Với chị Thu mình không dám mè nheo, có khi chị chỉ cho 2 xu cũng cầm nhưng với chị Nghĩa thì mình dứt khoát đòi tăng giá lên một hào, không thì đừng có hòng, hi hi, nghĩ lại thật buồn cười.

Nhà mình sơ tán lên làng Đông, nhà chị Thu cũng lên theo, ở cuối làng. Nhà mình ở đầu làng, muốn tới nhà chị phải đi từ đầu làng đến cuối làng, thế mà mỗi ngày ba bốn lần mình đến nhà chị Thu, chỉ vì mình làm nhiệm vụ đưa thư anh Trung cho chị Thu và ngược lại. Hồi đó trai gái yêu nhau hay viết thư lắm. Gặp nhau hằng ngày chẳng nói gì, cày bừa gặt hái bên nhau chẳng nói gì, tối về là cắm cổ viết thư cho nhau, có khi một ngày hai ba thư, bốn năm thư. Viết nhiều đâm nghiện, không viết chịu không thấu. Có nhiều người nghiện cho đến già. Vợ chồng bác Nguyễn Xuân Sanh (cùng quê Quảng Bình với mình) sáu bảy mươi tuổi vẫn nghiện, ông đầu giường bà cuối giường vẫn hí húi viết thư cho nhau. Hi hi rõ là “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”.

Mình đưa thư cho chị Thu anh Trung ròng rã một năm trời. Sở dĩ chị không nhờ thằng Thỉ em chị vì thằng này nhác, lại hay bô bô đi kể cho người khác. Mình thì không, ba hoa khoác lác chuyện gì chứ chuyện này thì không. Chị Nghĩa vẫn hay nhờ mình đưa thư cho bồ, lần nào chị cũng dọa, nói mi coi chừng, ai đọc trộm thư người khác là công an bắt đi tù. Mình sợ lắm, chẳng dám đọc thư, khoe đưa thư cho người khác cũng không dám.

Kiếm được người đưa thư trung thành không dễ, chị Thu anh Trung vì thế rất quý mình. Mỗi lần nhờ mình đưa thư anh Trung đều kèm theo năm xu. Chị Thu nhận thư, nói anh Trung cho tiền chưa. Mình nói chưa. Chị giả đò trợn mắt môi bặm, nói chưa thiệt không. Mình nhăn răng cười. Chị cốc đầu mình rồi móc túi cho thêm 5 xu nữa. Thế là mình có một hào, he he.
Một hôm nhận được thư anh Trung, mình vừa chạy ra ngõ thì gặp mạ mình, bà sai mình đem cơm ra đồng cho anh Thắng đang đào mương thủy lợi. Đem cơm cho anh Thắng xong, mình chạy đến nhà chị Thu, chưa kịp đưa thư đã thấy anh Trung ngồi nhăn răng cười, nói ê, không hoàn thành nhiệm vụ, trả 5 xu đây. Ngay khi đó mình thấy trước mặt anh Trung là cái bánh Trung thu, chẳng biết anh kiếm ở đâu ra. Hôm đó không phải tết Trung thu, chỉ vì cái bánh mang tên hai người nên anh cố mua cho bằng được tặng chị Thu. Mình sững sờ nhìn cái bánh, nước miếng ứ đầy miệng. Từ đó mình cứ luẩn quẩn trong nhà chị Thu, quyết tâm ăn chực cho được một miếng bánh. Hi hi khổ thân hai người, họ muốn tống cổ mình ra khỏi nhà lắm rồi nhưng không biết làm thế nào. Thế cùng, chị Thu đưa cái bánh cho mình, nói cho em đây, cầm ra đồng tìm thằng Thỉ cho hắn ăn với. Mình ôm cái bánh vọt chạy liền, mừng quá là mừng.

Mình chạy ra đồng, không tìm được thằng Thỉ, tụi bạn chăn trâu xúm lại, nói bánh chi rứa bánh chi rứa. Mình nói bánh Trung thu. Chúng nó măt tròn mắt dẹt, nói bánh Trung thu là ri à, hay hè hay hè. Mình cho chúng nó ngửi, đứa nói ua chầu thơm mùi chè, đứa nói mùi chuối không phải mùi chè, đứa nói ê ê ngu ngu, mùi mít mùi mít. Mình bẻ ra chia cho chúng nó mỗi đứa một miếng. Chúng nó mút mút nếm nếm, nói đường tụi bay ơi, không phải mật mía. - Ừ đường trắng ngoài Hà Nội, trắng tinh luôn. - A bột nếp không phải bột sắn. - A trứng, cả trứng nữa, trứng gà trứng gà. - A cả chuối nữa, ui cha là thơm. Rồi cả bọn xuýt xoa, nói ngon hè ngon hè.

Bỗng đâu có máy bay vụt đến thả một quả bom vào cuối làng, chỉ thả một quả thôi rồi biến mất, gọi là bom tọa độ. Không thấy có nhà cháy nên mình cũng không để ý lắm. Mải đến chiều mình từ đồng về nhà khoe với chị Nghĩa, nói chị Thu cho em cái bánh trung thu. Chị Nghĩa nói chị Thu chết rồi, mi không biết à. Khi đó mình mới biết chị Thu anh Trung chết vì quả bom đó, cả hai người biến mất tăm không để lại một tí tóc.


Mình đứng trơ, nghĩ mãi không ra tại sao mình lại ăn phần bánh của chị Thu. Nghĩ thế mà khóc òa.


Nguyễn Quang Lập

https://isach.info/story.php?story=chuyen_nha_que__nguyen_quang_lap&chapter=0014

No comments:

Post a Comment