(Cho Những Mối Tình Tan Vỡ Vì Thời Cuộc Của
K28/VB/ĐL)
30 năm. Gấp đôi cuộc tái hồi giữa Thúy Kiều và Kim Trọng.
Cô cũng không nghĩ mình còn có thể gặp lại anh sau bao nhiêu biến thiên của cuộc
đời. Ngày nhấc máy điện thoại, cô hững hờ cất tiếng “A lô” mà không ngờ đầu dây
bên kia là anh, người đã ghi những kỷ niệm không quên trong cuộc đời cô.
Cô nhớ mình đã run rẩy khi cái giọng trầm ấm của anh cất
lên. Làm sao cô quên được anh. Ngàn lần cô không thể quên.
Xóm Ba cây dừa. Không biết ai đã trồng từ lúc nào để biến nó thành một địa danh quen thuộc của thị xã. Ba cây dừa già lão, nằm nghiêng nghiêng duyên dáng mà vững chải. Nhà cô ở đấy, căn nhà đầy hoa bởi thú vui cây cảnh của người cha. Giữa đám thược dược, mồng gà, cúc đại đóa màu sắc rực rỡ là một cây trắc bá diệp xanh ngắt vươn lên bầu trời. Thi thoảng lại có người vào xin một nắm cho bài thuốc nào đấy. Cái hồ nhỏ bên dưới đầy bèo và cá thia đỏ. Nơi đó cô đã lớn lên, đã sống những ngày thiếu nữ hồn nhiên, mơ mộng.
Cô không biết anh chú ý mình khi nào. Chỉ nhớ buổi trưa ấy “như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao” ở thơ Huy Cận. Cô vắt vẻo trên cây ổi bên bờ giếng, miệng nhai rau ráu miếng ổi xanh thì bạn cô xuất hiện. Sâm cười tủm tỉm, đặt cuốn sách trên thành bể cho cô rồi vội vã đi. Đó là tập truyện ngắn của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn có cái tựa đề thật dễ thương “Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau”. Giữa cuốn sách là bức thư của anh.
Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng cô vẫn nhớ rõ những dòng
chữ. Nét chữ đẹp, thanh thoát, cái đuôi sau hơi hất lên. Lá thư không có từ nào
là “yêu” nhưng cô hiểu đó là một bức thư tình. Bức thư tình cô nhận được đầu
tiên năm 15 tuổi.
15 tuổi. Ngực cô mới nhú như chũm cau và vẫn là mái tóc bum bê. Cô khó chịu với cái corset bà chị hai bắt mặc. Cô hồn nhiên và chăm học. Mộng ước của cô là sẽ trở thành một giáo sư như những giáo sư thần tượng của cô thời ấy. Ngày hai buổi, cô tung tăng đến trường trong chiếc áo đầm trắng. Năm cuối của bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp. Cô mong thời gian trôi nhanh để cô lên lớp Đệ Tam, được đổi bảng tên từ thêu đỏ qua thêu xanh, được mặc áo dài thay áo đầm và được coi là... người lớn.
Anh học ban B, cái ban mà cô hằng ngưỡng mộ. Dân ban B
bao giờ cũng giỏi và có một chút nghệ sĩ tài hoa. Cô chưa học Đệ Nhị Cấp nhưng
cô đã có những bài viết trong các tập san của nhà trường. Và cô biết anh qua những
tập san ấy.
Cô nhớ cô đã không trả lời thư anh. Cô xấu hổ và không
biết viết gì. Nhưng sau đó, mỗi lần gặp nhau, má cô hồng lên. Không có những buổi
hẹn hò, không có những bức thư nối tiếp nhưng cô biết mình đã thương anh...
Máy bay ngừng lại trên đường băng. Cô cất chiếc gương
vào xách và theo dòng hành khách ra cửa. Cô nghe lòng rộn rã.
Anh đón cô ngay chỗ lấy hành lý. Từ xa cô đã nhận ra dù người anh có hơi đẫy. Gần 30 năm rồi còn gì. Nhưng vẫn là anh với những đường nét thân quen. Anh ôm choàng lấy cô, hôn trơ trất lên mặt lên cổ. Cô bíu lấy vai anh lòng nghẹn ngào. Mùi nước hoa CK for men tỏa ra dịu dàng từ chiếc áo Pull xám.
Anh và cô ngồi quán cà phê ven bờ sông Hương nhìn ra bến
đò Thừa Phủ xưa. Mùa Xuân. Huế không mưa nhưng thời tiết se se lạnh. Cô hơi
rùng mình. Anh khoác lên vai cô chiếc áo choàng mỏng. Cô như ngửi thấy mùi da
thịt của anh. Cuối cùng hai người cũng đã gặp nhau.
Quán vắng khách. Phía góc bên kia cũng chỉ có một đôi nam nữ. Có lẽ họ đang yêu nhau như cô và anh của 30 năm trước. Cô gái măc chiếc áo màu xanh, sau lưng có dòng chữ bằng tiếng Anh “Let kiss me!”. Cô nhớ mình và anh chưa hề có với nhau một cái hôn đúng nghĩa.
Anh học giỏi, nhất là Anh văn. Anh đã hai lần làm
chemise với Cô trong kỳ thi lục cá nguyệt. Cô thương anh, thương sự cần cù của
chàng trai nghèo đang cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Khi cô chọn ban C,
chính anh là người đã hướng dẫn cô làm bài luận Anh văn đầu tiên.
Anh đậu Toàn phần và vào học Văn Khoa. Cô cũng đậu Tú Tài Bán. Hai người như so kè nhau dù không nói. Rồi đột nhiên, anh quyết định vào trường VBQGVN cùng anh trai cô. Có lẽ do hoàn cảnh khó khăn hay do lực hấp dẫn từ bộ Jasper đẹp của những chàng Sinh viên Võ Bị khi đi tuyển quân ở các trường Đại Học.
Trước khi đi, anh trao hết cho cô sách vở thời Trung Học
với lời nhắn nhủ “Hãy học giùm cho anh!”. Cô nhìn theo ngơ ngẩn.
Từ đây cô có hai người để thương để nhớ ở KBC 4027.
Những bức thư từ cao nguyên. Anh gởi cho cô tập ảnh “tang thương” của 8 tuần huấn nhục; nụ cười kiêu hãnh khi chinh phục đỉnh Lâm Viên của Đại Đội F; sự oai hùng và tráng lệ của đêm gắn Alfa trên Vũ Đình Trường Lê Lợi. Cô tự hào mình là “người yêu của lính”.
Cô vào Đại Học Sư Phạm như ý nguyện của mình. Sự thương
nhớ cũng làm cô mạnh dạn hơn. Cô viết cho anh những dòng thơ của Nguyên Sa:
“Không có anh lấy ai đưa em đi học về. Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học.
Ai lau nước mắt khi em ngồi khóc. Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa...” Cô còn
gởi cho anh tấm hình cô mặc áo dài trắng, ngồi xõa tóc ở bậc thềm lăng Tự Đức.
Cô đã lớn và không còn mái tóc bum bê.
Thư của anh cũng bắt đầu nói về tương lai. Cô sẽ chọn một
ngôi trường Trung Học gần nơi đơn vị anh trú đóng. Anh sẽ về thăm người yêu sau
những cuộc hành quân. Và sẽ kết thúc bằng một cái đám cưới thời chiến.
Từ lúc nào cô bỗng trở nên mê tin chiến sự. Cô theo dõi những cuộc hành quân lớn như Lam Sơn 719. Cô cảm thấy xót xa khi đọc những dòng Cáo Phó mà người hy sinh là những chàng trai Võ Bị kiêu hùng. Cô bắt chước anh gọi là trường Mẹ. Cô viết các truyện ngắn ca ngợi những mối tình tiền tuyến hậu phương. Cô như thấy mình trong đó..
*******
Anh và cô đã đan tay nhau đi trên con đường Lê Lợi- con
đường đẹp nhất của thành phố- ước mơ 30 năm qua bây giờ mới thực hiện được. Cô
thấy mình như trẻ lại dưới tán lá long não xanh và ngọn đèn vàng. Hai người ngồi
hàng giờ ở công viên Tứ Tượng để ngắm cây ngô đồng cuối cùng của Huế. Họ nhìn
qua Đại Học Văn Khoa đã trở thành Hotel Sofitel Morin sang trọng. Anh đưa cô đến
thăm cô giáo dạy Anh văn xưa. Anh giới thiệu cô là vợ anh. Mắt cô bừng sáng
long lanh. Ôi! Đó là những lời nói dối không có tội. Cô cũng đã có buổi họp mặt
với các đồng đội cũ của anh ở một tiệm ăn trong Thành Nội. Một đôi ánh mắt tò
mò nhưng lịch sự. Cả anh và cô đều không giải thích. Không cần phải giải thích.
Nhưng cô đã cho một số tiền tip thật hào phóng khi người phục vụ trân trọng gọi
anh và cô là “Ông bà”.
Vâng! Đáng lẽ ra anh và cô đã là “Ông Bà” mấy chục năm trước…
Cô không quên được mùa hè năm ấy. Con đường Thái Phiên đi vào trường Mẹ vi vu tiếng thông reo. Mặt hồ Than Thở một màu xanh phẳng lặng. Hội quán Huỳnh Kim Quang với tiếng hát đón chào thân nhân, bạn bè chiều thứ bảy. Cô ngồi đối diện anh trai và anh. Vẻ mặt thư sinh ngày nào đã trở nên cương nghị sau gần 2 năm lăn lộn thao trường. Anh đen và chững chạc hơn trong bộ quân phục vàng và Alfa đỏ. Anh đưa cô đến cửa hàng của chị Chúc, chị Mai trên đường Duy Tân, gần khu Hòa Bình - Cửa hàng quen thuộc có thể ghi sổ của SVSQVB- Anh mua tặng cô một cây Pilot màu tím, khắc tên anh và cô cùng KBC 4027. Cô hiểu màu tím - màu của sự thủy chung. Lúc này anh chỉ mới ăn lương Trung Sĩ.
Gần 7 năm yêu nhau, cô và anh cũng có những giận hờn nho
nhỏ. Cô nhói lòng khi nghe có một cô gái Đà Lạt vào thăm anh chiều thứ Bảy. Anh
cũng bóng gió khi cô gặp các anh hùng chiến trận để viết phóng sự chiến trường.
Nhưng cả hai chưa hề nói nặng nhau một tiếng, chưa bao giờ đề cập sự chia tay.
Đêm Đà Lạt mù sương và lạnh. Không biết bằng cách nào
anh đã ra được với cô lúc 9 giờ tối. Anh cầm tay cô, bàn tay lạnh buốt dần ấm lại
trong tay cô nóng sực. Anh kể chuyện vì lá thư của cô mà anh bị phạt tác chiến
số 4, mang đủ bộ lệ hành quân, đặt thư cô trên đầu vừa chạy vừa la “Người Yêu
Tôi Đi Lấy Chồng Rồi”. Cô nghe kể mà ứa nước mắt. Cô nép đầu vào ngực anh. Anh
đặt nhẹ môi mình trên mái tóc cô. Tiếng gió xào xạc trên rặng thông. Và cô biết
thế nào là hạnh phúc!
Tháng 10 năm 1974, đáng lẽ cô về Đà Lạt để dự lễ trao nhẫn
cho anh như dự định. Nhưng cô phải đi thực tập tại trường Đồng Khánh Thành Nội.
Năm thứ 3 rồi. Đề tài là “Văn Chương Pháp Cuối XIX- Đầu XX”. Tại sao trong nhóm
thực tập 3 người chỉ mình cô bốc trúng bài thơ L’Adieu của Apollinaire?Bạn Tường
Vy với truyện ngắn Les étoiles dễ thương của A. Daudet; Kim Chi với Les grands
coeurs nhân hậu của De Amicis. Còn cô là “Vĩnh Biệt” với những câu thơ sầu thảm:
“J’ai cueilli ce brin de bruyère. L’automme est morte souviens-t’en. Nous ne
nous verrons plus sur terre…” Soeur Madeleine đã thở dài nhìn cô “Con chọn nhằm
một bài thơ quá hay nhưng quá buồn”...
Mọi người trong gia đình cô đều thương anh. Thôi thì cô
nhờ anh rể vậy. Niên trưởng khóa 16 trao nhẫn cho niên đệ khóa 28 cũng đẹp chứ
sao. Sang năm anh sẽ ra đơn vị và cô cũng sẽ tốt nghiệp. Mộng ước sắp thành: “Một
gian nhà nhỏ đi về có nhau”.
Vậy mà mọi chuyện như một cơn ác mộng. Cô kẹt lại ở Đà Nẵng và xa anh biền biệt. Tháng Tư đen của đất nước. Tháng Tư đen của cuộc đời cô và với nhiều người khác.
Anh kể lại Khóa 28 của anh ra trường ngày 21 tháng Tư
năm 1975 tại trường Bộ Binh Long Thành chứ không phải ở Vũ Đình Trường Lê Lợi
trên ngọn đồi 1515, một lễ ra trường độc đáo nhưng buồn nhất trong lịch sử của
trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Khóa mang tên vị Đại Tá tử thủ Charlie Nguyễn
Đình Bảo. Các tân Thiếu Úy không được mặc đồ Đại Lễ mà trang phục nón sắt, quân
phục Treillis. Thủ Khoa Hồ Thanh Sơn cũng không có cơ hội giương cung biểu tượng
chí tang bồng hồ thỉ... Xe GMC đợi sẵn trước cổng trường sẵn sàng đưa các tân
Sĩ Quan ra trận. Không một giờ phép, không một tiễn đưa, không một lời nhắn với
người đã từng ước nguyện trăm năm.
Anh chọn binh chủng Biệt Động Quân. Anh được đưa về Bộ Chỉ Huy BĐQ ở trại Đào Bá Phước đường Tô Hiến Thành. Đích thân người anh Cả, Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, Tư Lệnh binh chủng trân trọng bắt tay các tân Sĩ Quan và ngày mai anh nhận lãnh đơn vị: Liên Đoàn 24 BĐQ.
Khi nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, cả quan và lính đều khóc. Anh và Trung Đội định chạy về Vùng IV theo chân Tướng Nguyễn Khoa Nam nhưng mới ngang Long An thì nghe tin vị Tướng này đã tuẫn tiết. Một người lính đã đưa anh về quê và theo một chiếc tàu ra khơi. Cuộc đời binh nghiệp của anh vỏn vẹn có 9 ngày. Sau này, anh đã tìm nhiều cách để liên lạc với cô nhưng bặt vô âm tín. Anh không biết rằng gia đình cô phải bán vội bán vàng cơ ngơi để đi kinh tế mới vì cái lý lịch “ngụy quyền, ngụy quân” của cha và anh cô. Ngày xưa, cô thích nghe bản nhạc “Nghìn Trùng Xa Cách“ của Phạm Duy và bây giờ cô đã hiểu thế nào là xa cách nghìn trùng.
Cô cúi xuống hôn
lên trán anh. Anh của em. Anh mở mắt và ôm choàng lấy cô. Có phải cô đang ở
trên thiên đường...
*******
Từ khung cửa sổ khách sạn, cô nhìn ra sông Hương. Muôn đời
dòng sông vẫn lặng lẽ trôi nhưng lòng cô thì chao nghiêng. Cô đã mơ một lần về
Huế cùng anh vài ngày, trong thâm tâm như để bù đắp những mất mát của mối tình
đầu, như để kéo dài chút thời gian có thể là lần cuối cùng được gần nhau.
Đêm qua, hai người đã đi lang thang trên những con đường
thành phố... Huế thay đổi nhiều quá, mất dần hết những nét u mặc xưa. Ký túc xá
cô ở bây giờ trở thành Doanh trại quân đội nhân dân. Các Ma soeur dòng Saint
Paul không biết đã về đâu. Cô nhớ nét mặt nghiêm trang của Soeur Chantal trong
giờ nguyện ngắm, nụ cười hóm hỉnh của Soeur Madeleine khi đưa cho cô những bức
thư màu xanh có hình người sinh viên Sĩ Quan giương cung, cái insigne rồng ngậm
kiếm trên góc trái đặc trưng riêng của trường Võ Bị.
Anh còn muốn đưa cô về Đà Lạt. Họ sẽ đi Vallée d’amour
nơi anh lần đầu cầm tay cô. Họ sẽ ngồi ở hồ Than Thở hoài niệm về một ngôi trường
quân sự nổi tiếng và đẹp nhất Đông Nam Á trên ngọn đồi 1515… Nhưng cô đã từ chối.
Anh đã kể cho cô nghe về người vợ có tấm lòng nhân hậu,
người vợ đồng ý chồng lấy tên người tình xưa đặt cho con gái, người vợ khuyên
anh nên về Việt Nam một lần để tìm cô và cũng để tang cho mối tình đầu.
Anh về với cô nhưng anh không còn là của cô. Rõ ràng anh
và cô hôm nay không phải là anh và cô của 30 năm trước. Những gì cô ấp yêu gìn
giữ cũng chỉ là “có còn lại chăng dư âm thôi” như lời một bài hát. Cả hai người
đều là nạn nhân của thời cuộc. Có biết bao nhiêu mối tình đã tan đàn xẻ nghé
như anh và cô sau Tháng Tư đen?
Căn nhà xưa không còn. Ngôi trường cũ cũng thay tên và
cuộc đời anh đã sang trang. Thôi thì “Duyên trăm năm đứt đoạn. Tình muôn thuở
còn hương”...
Cô thẫn thờ xếp
những chiếc áo vào valise. Cô đã có những ngày đẹp nhất dù chỉ ba ngày ngắn
ngủi. 3 ngày cho 30 năm chờ đợi. Thế là đủ.
*******
Xe qua cầu Trường
Tiền. Nước mắt cô trào ra nhưng lòng cô thanh thản. Cô khẽ hát “Nghìn trùng xa
cách, người cuối chân trời. Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.”
Hương Thủy
Câu chuyện tình đẹp như bài thơ buồn....
ReplyDeleteTôi đã khóc , khóc thật nhiều vì thấy mình trong câu chuyện .
ReplyDeleteChỉ khác điều : Anh của tôi khóa 26 , và thuộc binh chủng Nhảy Dù