Những yếu tố lôi cuốn du khách đi du lịch đến
một đất nước bao gồm cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, thành phố lớn với những lối
kiến trúc độc đáo, cuộc sống sôi động, ẩm thực, hoạt động phiêu lưu, kỳ thú
ngoài trời, những buổi hòa nhạc, thể thao, nghệ thuật, hay lễ hội, địa điểm hành
hương tôn giáo, phương tiện giao thông, vấn đề an ninh và bình yên; trong văn
hóa, yếu tố con người chiếm một phần rất lớn khiến du khách khi rời xa, vẫn lưu
luyến muốn trở lại lần nữa.
Tôi đã đi đến nhiều nước trên thế giới,
nhưng chưa bao giờ đến Trung Quốc. Trong chuyến du lịch vừa qua, nhóm chúng
tôi, trên đường bay đến Malaysia và Japan, chuyến bay quá cảnh ở Shanghai,
Trung Quốc mà chúng ta thường biết đến qua bộ phim “Máu nhuộm bãi Thượng Hải”. Đây
là trải nghiệm đầu tiên của tôi với đất nước cộng sản này, nó để lại trong tôi một
ấn tượng rất xấu, lưu lại trong ký ức và khó mà phai nhạt theo thời gian vì cái
ấn tượng ban đầu này.
Phi cơ đáp xuống phi trường Pudong, tôi
nhìn xuống bên dưới coi Trung cộng có giống với các nước cộng sản còn sót lại
trên thế giới hay không, coi nó có hiện đại với những cao ốc ngất trời và đường
xá thênh thang như trên TV và mạng xã hội thường hay mô tả. Quả thật, thành phố
Thượng Hải có vẻ mới mẻ với nhiều xa lộ đan xen với nhau, xe cộ đi lại như mắc
cửi.
Thượng Hải là thành phố lớn nhất Trung Quốc
và là một trong những trung tâm kinh tế, tài chánh, thương mại, và văn hóa hàng
đầu của đất nước tỷ dân này. Thành phố nằm ở bờ biển phía Đông Trung Quốc, bên
bờ sông Hoàng Phố, nơi hợp lưu với sông Dương Tử trước khi chảy ra biển Đông. Từ
trên cao, du khách có thể nhìn thấy tòa tháp Thượng Hải nổi tiếng (Shanghai
Tower). Qua phim ảnh, thành phố này được biết đến như một sự kết hợp hài hòa giữa
nét đẹp cổ kính và sự hiện đại, nơi hai nền văn hóa Đông-Tây gặp nhau, tạo nên
một thành phố đa dạng và tràn đầy màu sắc.
Theo lịch trình chuyến bay, chúng tôi sẽ tạm
dừng ở đây khoảng 3 giờ. Nhóm chúng tôi 6 người xếp hàng đi qua các quầy di trú
và hải quan như mọi du khách khác. Phi trường đông nghẹt người đi lại vội vã và
tấp nập. Các bạn trong nhóm và bà xã tôi lần lượt qua trót lọt, riêng tôi bị giữ
lại rất lâu; cô nhân viên di trú người Tàu trạc gần 40 tuổi hỏi tôi nhiều câu hỏi
mà đáng ra cô không được quyền hỏi. Cô ta giở từng trang cuốn sổ thông hành, nơi
các nước tôi đã đi qua, ra vẻ suy nghĩ ghê lắm, cặp mắt như dính chặt vào cuốn
sổ thông hành của tôi. Số là tôi hay đi làm việc ở mấy nước vùng Trung Đông,
nơi mà không du khách nào muốn hoặc dám đặt chân đến. Tôi cảm thấy bực mình vì lẽ
ra, cô ta không được quyền soi mói mấy nơi tôi đã đi qua.
Cô ta lật tới lật lui cuốn sổ và nhìn vào từng
trang một với vầng trán cau có. Cô có vẻ như không hiểu và bị rối trí bởi những
hàng chữ Ả Rập của các nước như Iraq, Afghanistan, Dubai, Barhain, Quatar … Cô ta liên tục hỏi tôi lý do đi đến mấy nước
vùng Trung Đông nhiều lần và mục đích đi chơi hay đi làm. Sao tôi ở Afghanistan
nguyên một năm 2021. Tôi trả lời rằng tôi đi buôn bán làm ăn. Cô ta tỏ vẻ không
tin. Sau cùng cô ta chỉ vào một hàng số trên một trang trong passport của tôi
và hỏi số này có nghĩa gì. Tôi trả lời “tôi không biết và không nhớ ai đã viết
con số này và ở nước nào”. Cô ta không tin và nhấc điện thoại hai ba lần gọi ai
đó. Cô xì xào một tràng tiếng Tàu tôi không hiểu. Đợi cô ta gác phone xong, tôi
vội nói bằng tiếng Anh rằng tôi chỉ quá cảnh ngang qua nước Tàu và sẽ không vào
nước của cô, sao lại phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê vậy. Cô ta lại nhấn mạnh
yêu cầu tôi phải giải thích hàng số trong passport, tôi chán nản buông 1 câu
“tôi không biết và không nhớ”.
Cô rời bàn làm việc, cầm passport của tôi
chạy qua một văn phòng gần đó. Sau một hồi lâu đứng chờ, tôi bực mình lắm mà
không biết phải làm gì. Cô ta trở lại với khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi và một vẻ mặt
cau có khó ưa, đưa trả lại cái passport cho tôi rồi ra hiệu cho tôi đi qua. Tôi
tức giận nói thêm lần nữa là tôi chỉ ghé tạm chứ không vào nước của cô, sao lại
tạo ra nhiều thứ quái gở và làm mất thời giờ của nhau như thế. Cô ta hình như
không hiểu và ra hiệu cho tôi “biến đi” cho rảnh nợ. Cầm cái sổ thông hành đi
qua cửa ải mà lòng tôi không vui, vẫn “tâm tư và bức xúc”, cứ ấm ức cả buổi,
lòng không phục với kiểu làm ăn quái đản của tên láng giềng khổng lồ này. Các bạn
của tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy tôi qua
được xuông sẻ.
Vừa thoát cửa di trú này lại dính vào một cửa
ải khác mất thêm cả giờ đồng hồ nữa. Tất cả chúng tôi cùng đặt vé một lúc với
United Airlines khi còn ở Mỹ. Trên vé có ghi rõ ràng tên hãng Air China với
hàng chữ Star Alliance, có nghĩa là hệ thống của họ hợp tác với các hãng hàng
không khác để tạo sự dễ dàng cho hành khách về chuyến bay và hành lý. Chúng tôi
phải lấy hành lý ra và ký gởi lại vào chuyến bay Air China kế tiếp. Họ đòi thêm
tiền hành lý, chúng tôi trả lời là hành lý đã được trả khi mua vé của United
Airlines rồi. Họ nhất quyết không đồng ý và bắt phải trả thêm, còn không cứ việc
thoải mái … ở lại.
May sao, vợ chồng Khang Bích đi cùng có
“data plan” liên lục địa, vợ chồng anh và chúng tôi lại có cùng một
“confirmation number”, anh mở email trong phone và đưa bằng chứng ra, hành lý của
chúng tôi được ký gởi dễ dàng và không bị tính thêm tiền; nhưng vợ chồng anh
Bình thì khác, không nhớ đã lưu email đó ở đâu, kiếm mãi không ra, anh chị chỉ
có cái boarding pass được in ra lúc khởi hành từ phi trường Maldives thôi. Hàng
dài các hành khách khác nối đuôi đứng chờ cũng bực mình vì sợ trễ chuyến bay nối
tiếp. Họ phải mời vợ chồng anh Bình đứng ra một bên để tiếp tục tìm cho bằng ra
cái email đó. Tất cả chúng tôi thay nhau giúp anh chị tìm mãi cũng không được.
Có một điều nên nhớ, ngoài Facebook và
Google bị cấm khi đến phi trường Trung cộng, chúng ta không thể nào có “free
wifi” vì nó chỉ dành cho dân Trung cộng. Họ đòi 2 điều kiện để được free wifi
là số phone của Tàu và địa chỉ trên nước Tàu. Du khách như chúng tôi làm sao
có! Tôi đưa cái phone của anh Bình và nhờ một nhân viên gần đó điền số phone, địa
chỉ của họ để tôi có wifi mà tìm kiếm email xác nhận chuyến bay. Hắn ta lắc đầu
nói không được. Đất nước gì mà khốn nạn như vậy! Cả thế giới người ta đều cung cấp
free wifi cho du khách ở phi trường, chỉ có nước Tàu là từ chối vì lý do … an
ninh.
Cuối cùng chúng tôi yêu cầu cho gặp
supervisor, xếp của quầy check-in để nói chuyện và xin giúp đỡ. Một anh chàng
trên 40 tuổi, dáng người mập mạp, mặt đỏ gay vì sức nóng và công việc, tất tả bước
đến. Sau khi nghe rõ chúng tôi trình bày, anh ta lục lọi trong máy tính bảng cầm
tay, cố gắng giúp chúng tôi rất nhiệt tình. Ba mươi phút trôi qua mà không có
gì khả quan. Mồ hôi tươm trên trán bóng nhẫy của anh. Chúng tôi thất vọng nhưng
không tuyệt vọng, vẫn cố bằng mọi cách có thể. Anh chàng supervisor nói chờ ở
đây, anh ta sẽ trở lại. Sau 10 phút, anh lại hối hả bước đến quầy check-in và
ra lệnh cho cô nhân viên làm gì đó, chỉ thấy cô ta gõ trên bàn phím. Vài phút
sau, vẻ mặt cô ta và anh supervisor tươi lên sung sướng. Quay qua chúng tôi,
anh ta nói xong rồi, các vị có thể check-in và chúc thượng lộ bằng … máy bay.
Khỏi phải nói, chúng tôi vô cùng sung sướng
như vừa được tai qua nạn khỏi, cám ơn anh ta rối rít. Nhìn thấy anh ta vất vả
mà thương. Nếu anh ta không giúp, chúng tôi phải móc hầu bao ra mà trả tiền
hành lý một cách oan uổng. Một điểm son cho anh xếp người Tàu này khiến tôi nãy
giờ đang ấm ức cũng phải khen anh ta là một ông xếp rất có tâm. Quý vị khi du lịch
ở Trung cộng, nên in ra cái email xác nhận chuyến bay từ ở nhà, và cả hàng chữ
nhỏ phía bên dưới, còn không, nhớ đánh dấu hay lưu lại email vào nơi nào dễ kiếm
nhất, kẻo bị như chúng tôi, sợ sẽ bị trễ chuyến bay.
Quay qua quay lại, chúng tôi mất hơn 2 tiếng
đồng hồ chỉ để quá cảnh và gởi hành lý ở phi trường Thượng Hải rộng lớn, “hoành
tráng” của đất nước khổng lồ này. Thật là phi lý đến mức không thể tin được.
Các bạn tôi an ủi nói chắc hôm nay chúng ta bị xui “đi bay” không coi ngày, chứ
họ khen phi trường Bắc Kinh không tiếc lời, có lẽ Bắc Kinh là bộ mặt quốc gia
nên họ ứng xử khác đi chăng.
Chẳng có tí máu nào nhuộm bãi Thượng Hải
như trong phim, chỉ có mồ hôi đẫm ướt lưng áo vì tất bật đi bộ và xếp hàng chờ
đợi trong cái nóng bức mùa hè. Đó là kinh nghiệm cá nhân của tôi khi bay ngang
nước Tàu chứ chưa đi vào nước Tàu. Chẳng biết khi vào thì sẽ ra sao. Anh bạn đi
cùng cho hay, nếu cái phone của bạn có những hình ảnh “nhạy cảm” về chính trị
thì nên xóa đi trước khi vào Tàu vì họ có thể bắt buộc bạn phải mở phone cho họ
kiểm soát từng tấm hình, nếu họ nghi ngờ bạn.
Chỉ có đất nước tỷ dân này mới làm như vậy,
không có nước nào trên thế giới ứng xử như thế, nếu có thì họ cũng làm kín đáo,
không lộ liễu như chú Ba này. TO GO or not TO GO. Nếu bạn muốn đi Trung cộng
thì phải chấp nhận, còn không thì ở nhà hoặc đi các nước khác.
NGUYỄN VĂN TỚI 9/2024.
No comments:
Post a Comment