Ảnh minh hoạ
Sống
ở trên vùng Dakto, Kontum – ngày ngày mở mắt ra là thấy núi cao chắn ngang tầm
mắt. Khói rừng, sương mù, với hai mùa mưa nắng theo suốt quãng đời tuổi thơ.
Nghe nói biển nước mặn, nhưng tôi chưa một lần thấy biển – biển rộng hẹp ra sao
cũng chỉ tưởng tượng trong đầu, qua sách vở, người lớn kể cho nghe. Cứ như là một
câu chuyện cổ tích…
Khi đủ trí khôn mẹ kể cho biết – “Ông bà ngoại của tôi có mười người con, ba
trai bảy gái. Mẹ thứ mười – út gái. Trong số bảy người con gái cũng còn có ba
người, mấy người kia chết lúc nhỏ. Lớn lên, ba ông anh rủ nhau theo người ta vô
Bình Thuận làm thuê cho những chủ ghe đi đánh bắt cá ngoài biển. Dần dà các ông
định cư luôn. Các ông tích lũy vốn liếng: Mua đất cất nhà, rồi tiếp đến mua
thuyền, mua lưới… ra biển đánh bắt cá. Tự làm chủ lấy mình. Ông cậu cả có nhà ở
đường Phan Bội Châu, gần chùa Ông. Hai cậu em có nhà ở gần biển. Các ông lập
gia đình sớm nên con cháu đông đúc…”.
Khi được biết có bà con ở miền biển, trong lòng tôi khấp khởi mừng thầm, sẽ có
ngày xuống biển, tắm biển cho biết với người ta. Nhưng cũng phải đợi đến ngày…
đi vào Lính, ước mơ gặp biển mới trở thành hiện thực. Đó là – biển Vũng tàu !
Do những khóa học, khóa hội thảo chính trị… Nên đã nhiều lần tôi đến Trung Tâm
Huấn Luyện: Chí Linh, Lam Sơn.
Sau ngày ký Hiệp Định Paris 1973. Trong một chuyến công tác vô Saigon, sau khi
hoàn thành công việc, tôi vội vàng lên xe đò chạy thẳng ra Bình Thuận thăm các
ông Cậu Mợ và mấy anh, mấy chị. Lần đầu tiên tôi mới biết Bãi biển “Đá Ông Địa”
. Nơi đây còn hoang sơ, con đường đất nhỏ hẹp quanh co đi ra Mũi Né đầy bui bặm,
nhà cửa lưa thưa chẳng có hàng quán. Chạy xe honda nếu lỡ hết xăng hay thủng lốp
dọc đường thì đành chịu chết… Tôi cùng các anh chị tắm biển, vui chơi ăn uống…
Chưa bao giờ tôi được tắm biển thoải mái như thế này. Tôi mò quanh những cụm đá
ong đen thui để bắt: ốc, sò, hến… Đùa giỡn cùng sóng biển thỏa thích… Ông anh họ
thứ sáu là lính TQLC, lần đầu gặp nhau anh em mừng vui – nhậu tới bến ! Cũng
trong thời gian nầy bà chị họ cùng tuổi với tôi giới thiệu một người bạn gái học
cùng chung trường với chị. Chúng tôi hạp nhau và rất là thân nhau. Mỗi lần về
Bình Thuận tôi và cô ấy chở nhau đi thăm lầu Ông Hoàng, đi ăn bánh hỏi lòng heo
ở Phú Long…
Về chuyện không biết biển, đâu chỉ có mỗi một mình tôi. Thằng bạn của tôi cũng
khao khát thấy biển như tôi vậy. Nhưng chuyện của hắn còn ly kỳ hấp dẫn hơn tôi
nhiều !
Hắn kể như vầy:
– “Năm mười tám tuổi tao ghi danh đi vô ngành Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn. Ba
tháng học Sơ cấp ở Chí Linh, Vũng Tàu. Mơ ước được thấy, và tắm biển… sắp thành
hiện thực ! Nhưng suốt ba tháng Trung Tâm Huấn Luyện không cho ra Vũng Tàu, chỉ
cho đi vào mấy ngày cuối khóa. Riêng những ai có đạo Công giáo đến ngày Chúa nhật
– Trung Tâm cho đi lễ, chỉ được đi nội trong buổi sáng và phải về đúng giờ.
Ngày Chúa nhật người có đạo, cứ việc ra cổng chính nói đúng tên Thánh của mình
với Cán bộ trực là được tự do đi lễ.
Khi biết được điều kiện quá dễ dàng như vậy; hơn nữa vì háo hức thấy biển nên
trong lúc đi tập “Thao diễn cơ bản”, tao hỏi xin tên Thánh ở một người… Xin được
tên Thánh tao mừng lắm, lẩm nhẩm… ghi nhớ trong đầu. Sáng Chúa nhật tao ăn mặc
chỉnh tề đi ra cổng, tao thấy chừng hơn hai chục người đứng chờ để tới phiên
xưng tên Thánh… Từ chỗ đứng đợi cách cổng chừng hai chục thước. Tao thấy có hai
người đi ngược trở vô với vẻ mặt trông ảm đạm, lẫn lo âu, sợ sệt… Tao lần mò đến
hỏi lý do tại sao phải quay trở lại? – Họ nói: Tên Thánh ” Giu-Đa”… rồi họ lắc
đầu đi thẳng vô Văn Phòng Cán bộ gần đấy.
Mầy biết không? Tên “Thánh” của tao cũng… Giu-Đa ! Linh tính mách bảo có cái gì
đó trắc trở…? Tao vụt chạy về lại hướng Trung Tâm. Chạy được khoảng ba chục thước,
tao nấp vô hàng cây dương bên đường đứng thở và ngó lại Văn Phòng Cán bộ xem
tình hình hai người đó như thế nào?
Trời đất quỷ thần ơi ! Tao thấy hai ông “Thánh Giu-Đa” đó đang bị phạt… Hít đất…!
Họ hít đất thật là… “hăng hái…” mầy ơi ! Tao đoán chừng, có thể là… Năm chục
cái “hít đất” chứ chẳng chơi đâu! Phía sau họ là Cán bộ kỷ luật đứng đếm cho mấy
ổng hít…! Hít đất xong hai ông bước lặc lè trở vô Trung Tâm. Mặt mày hai ông
“Giu-Đa” bây giờ trông bơ phờ ngất ngư con tàu đi…
Ôi, mầy ơi? Tao run như cầy sấy, mồ hôi vã ra như tắm ! Tao chạy tuốt về dãy
phòng leo lên giường nằm – giữ vẻ mặt bình thường nhưng trong ngực tim vẫn đập
thình thịch… Bây giờ tao mới rõ là người có đạo, người công chính. Không bao giờ
họ nói dối; cũng không a dua, a tòng theo kẻ nói dối. Tao đã lợi dụng niềm tin
của người khác – niềm tin tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu bản thân mà hóa ra nông
nổi này. Thật là quá ích kỷ !”.
Tôi được một trận cười đau bụng… Và cũng nhắc khéo với thằng bạn – mầy hiểu ra
được việc làm sai quấy là “Hồi đầu thị ngạn” rồi đó !
Đúng nguyên tắc – thời gian đi về trong “Sự Vụ Lệnh” là bằng máy bay “khư – hồi”.
Dù đi đâu, cũng phải trở vô Sài Gòn để đáp máy bay trở về Đơn vị. Nhưng không
biết tại làm sao trong người tôi cảm thấy có cái gì đó… hơi bất an, lo lắng vu
vơ… thôi thúc tôi phải đi đường bộ. Hẳn nhiên phải tự bỏ tiền túi ra mà đi.
Ảnh minh hoạ
Sáng
sớm, tôi đón xe ra Qui Nhơn thì trời đã chiều. Phải ngủ tại đây một đêm, hôm
sau mới đón xe đò lên quốc lộ 19. Khi đến Qui Nhơn thì mới biết – Hai bên đang
đánh nhau dưới chân đèo An Khê chưa mở đường được ! Đêm đó tôi thuê phòng trọ ở
đường Võ Tánh gần rạp hát Kim Khánh. Vậy là ngày hôm sau phải trở ngược vô
Saigon !
Trong lòng tôi bần thần, lo lắng nhiều chuyện. Làm sao phải vô Sài Gòn gấp để kịp
chuyến bay? Tệ hơn nữa là đã cạn tiền ! Tôi dậy sớm ra bến xe mua vé đi Nha
Trang. Chỉ có xe Nha Trang là chạy sớm. Vừa đến bến xe Nha Trang, tôi nhảy tiếp
lên xe Ninh Thuận, mục đích của tôi là ghé nhà thằng bạn mượn ít tiền đi tiếp…
Xui xẻo cho tôi, thằng bạn đi công tác… Tôi thất vọng quay trở lại bến xe Ninh
Thuận lúc nầy đã là năm giờ chiều. Nắng gay gắt rọi xiên trên bến xe dìu hiu, một
vài chiếc xe cũ kỷ nằm trong bến, quang cảnh trông buồn thê thảm. Tôi bước lại
quầy vé nơi đây chẳng còn ai ngoài ông giữ cửa.
Lại phải ngủ ở Ninh Thuận ! Tôi kiểm ta tiền trong túi thấy còn quá ít ! Trong
lòng nóng như lửa đốt… Phải đi tìm cái phòng trọ nơi bến xe vắng vẻ nầy thôi.
Trên bến xe giờ nầy người qua lại lưa thưa. Tôi thấy người phụ nữ “phân bua” gì
đó với một cô bé… Còn đứa bé gái thì nói “Cháu đi tìm cha, nhưng chưa gặp thì bị
mất hết tiền. Cháu muốn ở lại đây chờ quá giang xe về Biên Hòa. Cháu không muốn
theo dì về nhà đâu !“.
Linh cảm có cái gì đó…? Tôi xách cặp đi lại. Vừa trông thấy tôi – Cô bé nhanh
trí gọi lớn… “Chú ơi ! Con đây nè ! Con đang đi tìm chú nè… !”. Cô bé chạy vội
về phía tôi. Người phụ nữ thấy vậy, chắc nghĩ rằng chúng tôi là người thân nên
bỏ đi. Cô bé nắm chặc lấy tay tôi nhưng mắt thì nhìn người phụ nữ cho đến khi
người ấy khuất dạng.
Trong lòng tôi nghĩ… Chắc chị ấy cũng là người tốt…Còn cô bé thì quá hoảng sợ…
Có thể cô bé đi cùng chuyến xe với tôi từ Qui Nhơn ra… mà tôi không biết.
Tôi tìm được nhà trọ có tên Kim S. Do ít tiền nên tôi chỉ thuê một phòng đơn
trên gác, phòng cuối dãy thoáng mát có hai cái cửa sổ. Tôi trình giấy và nói rõ
tình trạng tài chánh hiện nay của tôi như thế… như thế… với bà chủ nhà trọ, và
xin ở hai người. Bà chủ nhà trọ không những bằng lòng mà còn giảm cho tôi phân
nửa tiền trọ. Không rõ bà chủ thấy tôi đi công tác có giấy tờ hợp lệ, ăn mặc bảnh
bao, cao to. Hay là tại cô bé gái có khuôn mặt sáng láng, mắt lớn, sống mũi dọc
dừa, nước da trắng. Trông đẹp như Đức Mẹ Maria !?
T
ôi dẫn cô bé đi ăn cơm. Thấy cô bé ăn nhanh, hình như có vẻ đói… Một chút lo lắng
phớt qua khuôn mặt bơ phờ. Một nỗi buồn đâu đó xâm chiếm tâm hồn tôi. Chính tôi
cũng còn cảm thấy cô đơn trống vắng huống hồ đứa bé gái “lạc loài” lỡ đường, lỡ
sá, không tiền bạc như thế nầy. Chắc cô bé đã khóc rất nhiều !
Chờ cô bé ăn cơm xong. Tôi hỏi:
– Bé ơi ! Con tên là gì ?
– Dạ thưa chú – Con tên Trần thị Hoa.
– Con đi tìm ai mà đi một mình như vậy ?
Cô bé ngập ngừng… nhìn tôi rồi trả lời:
– Dạ thưa chú ! Nhà con ở Biên Hòa. Con đi lên Phú Bổn thăm cha, nhưng đến An
Khê người ta nói đang đánh nhau. Con ngồi đợi trong xe thì có tiếng đạn nổ lớn
! Mọi người bỏ xe chạy tìm chỗ nấp. Con chạy theo người ta và lạc mất túi quần
áo, tiền bạc. Trong người chỉ còn giấy tờ và chút ít tiền lẻ. Xe trở lại Qui
Nhơn thì trời đã khuya. Con ngồi ở bến xe cùng với mấy người phụ nữ chờ sáng.
Sáng sớm hôm sau vì không đủ tiền mua vé, con xin đi quá giang xe đến Nha
Trang. Đến Nha Trang xe nghỉ. Ông tài xế lại gởi con lên xe khác, nhưng xe chạy
đến đây là hết chạy…? Con đứng xớ rớ thì gặp bà dì hồi nãy đi ngang thấy con chảy
nước mắt, bà ấy mới nói về nhà bà mà ở tạm. Nhà bà cách đây chừng năm cây số,
con sợ xa nên con không chịu. Chợt có chú đi đến, con liều lĩnh nhận bừa chú là
chú của con. Chú tha lỗi cho con nha chú!
Trong thời buổi chiến tranh loạn ly biết đâu mà đề phòng. Nhưng trường hợp nầy
lại rơi vô một đứa bé gái thì thật quá nguy hiểm.
– Con yên tâm, ngày mai chú sẽ mua vé xe cho con về Biên Hòa. Ăn xong chúng ta
đi về nhà trọ, chú sẽ kiếm quần áo cho con tắm gội. Sau đó chúng ta nói chuyện
tiếp.
Bà chủ nhà trọ dẫn cô bé đi tắm và lấy quần áo của cô con gái bà cho cô bé mặc.
Bà chải tóc gọn gàng cho cô bé như một người mẹ lo cho con. Bà còn bảo cô bé
hãy ngủ với con gái của bà, nhưng cô bé không chịu. Tôi kêu một ly cà phê đá và
chúng tôi lên phòng mở toang các cửa ra đón gió mát.
Tôi nói:
– Này cô bé ! Đêm nay con ngủ trên cái giường đó nha ! Chú nằm trên ghế bố của
bà chủ cho mượn. Vậy là yên ấm đêm nay ! Ngày mai để ngày mai lo !
– Chú ơi ! Sao chú không hỏi han… gì về con vậy ?
Hồi chiều đến giờ tôi rất muốn biết về cha mẹ cô bé nhưng trong đầu tôi lúc nào
lo lắng chuyện trễ lương của Đơn Vị, hơn nữa trong túi chỉ đủ tiền mua mỗi một
vé xe cho cô bé về đến Biên Hòa trong ngày mai. Còn tôi không biết xoay trở
cách nào đây? Nghe cô bé nhắc nhở, tôi… cười nói:
– Chú cũng muốn hỏi nhưng chú sợ con cho rằng chú tò mò chuyện đời tư của con,
nên không dám đó thôi.
– Hổng có sao đâu. Để con nói cho chú nghe… !
Cô bé lấy ra đưa cho tôi xem giấy tờ cá nhân… và một tấm ảnh cô bé chụp chung với
người đàn ông mặc quân phục mang cấp bậc Đại Úy, ảnh còn mới. Người quân nhân
trong tấm ảnh có vẻ mặt hiền hiền, đẹp trai. Khuôn mặt cô bé trông rất giống
người trong tấm ảnh.
– Thưa chú ! Cha con và con đó ! Cha con là Đại Úy Đại Đội Trưởng Đại Đội Công
Binh. Đóng quân ở thành Dakpha Kontum. Con và mẹ có thời gian lên ở cùng với
cha mấy năm, sau đó mẹ bị bệnh nặng nên mới về Biên Hòa. Con có người chị mười
bốn tuổi, còn con năm nay mười hai tuổi. Hiện nay mẹ con bệnh nặng lắm, cha con
có về thăm nhưng rồi cha cũng lại ra đi. Mẹ nhớ cha, hai chị em con cũng nhớ
cha. Hồi mẹ chưa bị bệnh cả nhà theo cha rày đây mai đó, ở hết khu gia binh nầy
đến khu gia binh khác, tuy cơ cực nhưng mà có nhau.
Tôi trả lại giấy tờ, ảnh cho cô bé. Bưng ly cà phê lên uống vài hớp. Chưa kịp tự
giới thiệu thì cô bé đã hỏi…
– Thưa chú ! Chú tên gì vậy?
– Chú ở đâu?
– Chú có gia đình chưa vậy hở chú?
Cô bé nầy thông minh thật, biết “sưu tra lý lịch” của mình đây… Tôi mỉm cười trả
lời:
– Chú tên, Trần Phú Văn. Cha mẹ, anh em trước ở Kontum. Sau năm 1972 về Saigon.
Hiện nay công tác tại Kontum. Chưa lập gia đình.
Cô bé reo lên… ! Chú cùng họ với con…!
– Chú có người yêu chưa chú…?
– Chỉ có bạn gái thôi.
– Cô ấy có đẹp không vậy chú?
– Chú cũng không biết.
– Cô ấy có yêu chú nhiều không ?
– Chú cũng không biết nữa. Nhưng yêu Lính làm gì cho thêm khổ phải không con ?
Vẻ mặt cô bé đăm chiêu, hình như có tâm sự gì…?
– Chú biết hông ? Ngày xưa mẹ con cũng yêu cha con là Lính – là Lính nên cũng
khổ thật…! Nghe mẹ con nói: Mẹ theo cha con đi khắp nơi, nhưng chỗ ở lâu nhất
là trên Kontum. Những đêm mùa đông sương khói giăng mịt mờ lạnh buốt, mưa núi
dài lê thê hằng tuần. Những ngày chờ cha đi công tác, mẹ con nghe và thuộc lòng
mấy chục bài hát về Lính, như các bài: “Những đóm mắt hỏa châu – Chiều mưa biên
giới – Hai mùa mưa – Hai bốn giờ phép – Nỗi buồn hoa phượng…”. Mẹ con nói, mẹ
thích nhất là lúc khuya khuya nghe dì ca sĩ Thanh Thúy hát – Tiếng hát nghe nhức
nhối tâm hồn kẻ chinh nhân và người vợ Lính. Những bài nhạc dì Thanh Thúy hát,
mẹ con đều thuộc lòng như cháo, mẹ hát ru chúng con riết rồi khi lớn lên con
cũng nhập tâm và hát theo luôn.
– Con hát tặng cho chú một bản của dì ca sĩ Thanh Thúy hát nha ?
Không đợi tôi đồng ý. Cô bé cất giọng hát…
“Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn… đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài,
Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi.”
Ở trong tình cảnh lỡ đường, lỡ xe nầy mà nghe cô bé hát giọng trong trẻo, mượt
mà nhưng không kém phần u uẩn… Ngoài bến xe những tia nắng giận hờn bỏ đi hết.
Những giọt mưa sắp mưa ướt đẫm lòng người lữ thứ !
“Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn
Mưa thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm
Hoàng hôn dần buông
Mà ai còn đứng im trong chiều sương xuống”
Cô bé có giọng hát thiên phú, cũng dây dưa sương khói giống như chị ca sĩ Thanh
Thúy. Tôi đứng lên đến tựa bên cửa sổ nhìn về hướng Trường Sơn. Không còn hoàng
hôn dần buông… Mùa nắng, đêm chậm chạp gieo hồn trên cái bến xe vắng tanh, vài
ngọn đèn vàng tù mù trong một vài quán ăn hắt ra… Tự dưng, tôi lại may mắn được
nghe “Nhạc sống” từ một cô bé mới mười hai tuổi đầu – con của một ông Đại Úy
nào đó… Giọng cô bé hát – như kể lể, như than thở, như hờn dỗi… người ra đi…!
Người ra đi thật ư? Sao sự phân kỳ chùng xuống trên đôi chân người đi giữ nước
như vậy? Đất trời nổi giông tố, con tàu ướt mèm trong buổi tiễn đưa. Ai gây ra
chi sự chia cắt đau thương nầy? Nhớ lại những ngày tôi bị thương tại Dakto,
cũng lời nhạc nầy do chị Thanh Thúy hát – từ cái máy cassette ngân dài…, tôi và
các anh em ngồi chờ trực thăng tản thương – hồi tưởng, nhớ thương ! Và cũng tự
hỏi một lần như vậy !
Cô bé hát xong, ngồi chống cằm im lặng…
Tôi vẫn nhìn ra ngoài màn đêm – màn đêm phủ kín trên quê hương khói lửa bao năm
nay. Hòa bình ló dạng qua cái hiệp định Paris nầy không biết có thành hiện thực
hay cũng chỉ là một mảnh giấy lộn như hiệp định Giơ-ne 1954 ? Tôi miên man suy
nghĩ… Rồi tôi lại được nghe tiếp ” – Một chuyến bay đêm – Sầu lẻ bóng “. Cô bé
hát nho nhỏ nhưng âm giọng vang xa… Cô hát say sưa như gởi nỗi nhớ thương đến
người cha bằng ca từ sưởi ấm sự lạc loài đêm nay của cô bé? Hay ở phương trời
nào đó người thân của cô bé – bằng thần giao cách cảm sẽ thấu hiểu sự cô đơn hiện
giờ nơi cái tỉnh lẻ nầy?
Cô bé đã dẫn tôi trở về vùng ký ức: Tình yêu, cuộc chiến, bạn hữu, cảnh chia ly
không bao giờ gặp lại của những người đi chinh chiến, và những nạn nhân trong
cuộc chiến. Trong đó có người cha thân yêu của tôi đã nằm xuống vĩnh viễn. Tôi
thật sự xúc động, tôi không dám quay người lại nhìn cô bé – Tôi sợ sẽ chảy nước
mắt cùng cô bé. Tôi không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt một cô bé mới gặp. Tôi
không còn cha, nhưng cô bé còn cha – dù cha cô bé đang ở chiến trường. Biết đâu
một ngày nào đó: Nếu mai đây về, cũng trên chuyến tàu hoàng hôn với lá cờ… !
Thì sẽ buồn, và đau khổ biết bao nhiêu…!! Chiến tranh tàn ác ! Nào ai biết trước
chuyện gì sẽ xãy ra… Tôi mồ côi cha, nhưng dẫu sao tôi cũng đã lớn khôn. Còn
hai chị em cô bé nầy, và những đứa trẻ khác trên đất nước Việt Nam nầy đâu có tội
tình gì…? Bất chợt một cơn gió thổi ngang qua, mang theo hơi lạnh. Tôi rùng
mình…
Cô bé ngồi tư lự… ngó tôi chăm chăm…
– Trông chú già, xấu xí lắm hả con? Tôi hỏi?
– Chú không có già ! Cũng không có xấu ! Nhưng con biết chú… chú là ai rồi…
– Vậy chú là… ai ? Nói ra thử cho chú nghe xem nào !
Cô bé nhìn tôi thật lâu… rồi nói :
– Bà chủ nhà trọ nói nhỏ với con rằng – chú là… Lính, giữ chức vụ gì lớn lắm…?
Chú còn là… nhà thơ nữa ! Chỉ có người Lính dạn dày sương gió, yêu hòa bình và
sự thật mới đem yêu thương rưới lên hận thù, mới có tấm lòng nhân ái cứu vớt những
cảnh đời đau khổ. Chẳng hạn như trường hợp của con hiện giờ.
– Con làm như những người Lính như chú hay cha của con là Bồ Tát đi “cứu vớt cảnh
đời” không bằng ! Những người lính như chú hay cha của con không nuôi hận thù ở
trong lòng. Cầm súng chẳng qua là giữ cái nhà, mảnh vườn… giữ sự bằng an cho
quê hương, đất nước. Từ đó trong tâm hồn lúc nào cũng thanh thản nên viết ra những
bản nhạc, lời thơ, trang sách – ca ngợi quê hương, ca ngợi tình yêu… – rung lên
bởi nhịp đập của trái tim: đầy nhân ái, đầy tình yêu thương của những con người
tư do và yêu tự do. Tất cả các tác phẩm ấy đã đi vào giòng văn học Việt Nam mãi
mãi không bao giờ phai nhạt.
Ly cà phê làm cho tôi tỉnh táo. Chắc chắn đêm nay sẽ thức trắng. Cô bé đứng dậy
đi về phía cửa sổ và nhìn ra ngoài trời. Tôi bước đến đứng bên cạnh. Hai “chú
cháu” tôi im lặng nhìn những vì sao lấp lánh…, xa xa có một vài ánh sáng vụt
lên bầu trời. Không biết có phải là ánh hỏa châu? Hay đạn lửa…? Nhưng tôi đoán
rằng, chiến trường chưa yên lặng cho dù có hiệp định hòa bình Paris.
Cô bé quay người cầm tay tôi và nói:
– Con tuy còn nhỏ nhưng con đã chứng kiến nhiều lần sự chia tay của người lớn.
Mỗi lần về nghỉ phép cha con lưu luyến không nỡ lìa xa gia đình. Tội nghiệp cho
cha con ! Mẹ con bịnh… nhưng cũng phải ra đi làm tròn nhiệm vụ người Lính. Hôm
cha ra đi. Mẹ nhìn cha mỉm cười… ! “Không sao đâu ! Ở nhà còn có hai con. Anh
yên tâm trở về đơn vị…”. Mẹ con nói vậy, nhưng con biết trong lòng mẹ chao động
giữ lắm…! Mẹ con đã quen với những tháng năm miệt mài bên cha, cùng chia xẻ:
vui, buồn cực nhọc mấy năm ròng trên vùng đất Kontum sương mù mưa gió, nên có
phần nào đã… “chai lỳ” trong nỗi xa cách. Mẹ chỉ âm thầm xót thương cho hai chị
em chúng con không gần gũi cha nhiều để nghe những lời cha chỉ dạy. Trước khi
cha ra đi, mẹ hát cho cha nghe – mẹ hát chậm chậm…, giọng hơi mệt – bài nhạc mà
dì ca sĩ Thanh Thúy đã hát !
” Xin giã biệt bạn lòng ơi
Trao trả môi người cười
Vì hai lối mộng hai hướng trông
Mình thương nhau chưa trót
Thì chớ mang nỗi buồn theo bước đời”
Mẹ con diễn tả lời bài ca theo cảm xúc và ý nghĩ của riêng mẹ… nhưng con linh cảm
rằng: Đó là lời trăn trối cùng cha…! Mẹ sẽ chết ! Mẹ không đi trọn đường tình đến
răng long đầu bạc cùng cha ! Con còn nhỏ, con chỉ biết hát, thích hát những bài
hát về người Lính mà mẹ đã tập cho con. Con không hiểu hết ý nghĩa của lời hát
đó.
Cô bé lại hát trọn bài hát mà mẹ cô bé đã hát – cho tôi nghe! Giọng trầm ấm,
tha thiết !
Đêm trôi dần về sáng, chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, tôi và cô bé cũng…
“Trao trả môi người cười” ! Không có tình yêu “trai gái” nào ở đây hết. Chỉ có
hai con người lưu lạc – một già, một trẻ – cùng chung cảnh ngộ lỡ đường mà gặp
nhau ở giữa cái bến xe lạ hoắc nầy. Bến xe đò hay là bến xe hợp tan đời người?
Bất cứ ai cũng đều phải ghé qua cái “bến đời” đó một lần, hay nhiều lần. Gió lạnh
lạnh thổi, rung rung hai cánh cửa sổ, tôi đoán chừng ở ngoài biển nước thủy triều
đang dâng lên… Hai chúng tôi cảm nhận từng giây, từng phút sự chia ly, và nghe
từng cơn sóng vỗ bờ dồn dập đau buốt ở trong lòng. Tôi cũng chỉ có hai mươi bốn
tuổi đầu với sáu năm công vụ. Tôi chỉ lớn gấp đôi tuổi đời của cô bé nầy, mà
sao cảm thấy đang đi vào “Tam thập như lập” không biết nữa ?!
– Chú ơi, con ao ước kiếp sau con sẽ là con trai để được đi Lính như cha con,
như chú… Để chia xẻ và cảm thông sự tang thương mất mác của người Lính nơi chiến
trường. Nhưng cũng lắm tự hào làm trọn trách nhiệm và danh dự bảo vệ tổ quốc
trên hết. Con nhớ thương cha con lắm ! Con thấy bất cứ ai là Lính chiến, con lại
nhớ đến cha con. Vì quá nhớ cha, nên chị em con bàn bạc.., gom tiền cho con đi
ra thăm cha. Kể tình trạng bịnh hoạn của mẹ cho cha hay. Con giấu không cho mẹ
biết. Ngày mai trở về đến nhà, con sẽ kể rõ mọi chuyện xãy ra trong chuyến đi…
Con sẽ xin lỗi mọi người. Chú ơi ! Chuyến đi nầy con mới hiểu ra rằng tấm lòng
nhân ái trên cõi đời nầy còn nhiều lắm… – trong đó có chú. Con cảm ơn chú…!
Trong lòng tôi thầm kính phục cha mẹ cô bé đã dạy cho con của họ: biết trách
nhiệm, biết lo lắng yêu thương gia đình, đồng loại. Đồng thời cũng cảm nhận được
sự yêu thương dùm bọc của người khác dành cho bản thân.
– Con đúng là con của Lính nhà nòi, cha con sẽ hãnh diện, tự hào về con – cả
chú nữa đó ! Nhưng con gái thời nay cũng đi Lính được kia mà ? Chẳng những làm
Lính mà còn làm Tướng cầm quân đánh giặc lưu danh sử sách muôn đời như Hai Bà
Trưng, Bà Triệu đã đánh tan giặc Hán phương Bắc. Nữ tướng oai hùng Bùi Thị
Xuân, gần đây có Cô Giang , Cô Bắc. Ngày xưa, trong quân đội của Hai Bà Trưng
có nhiều nữ Tướng đánh giặc Hán rất giỏi, trong số đó có nữ tướng Thiều Hoa
(công chúa), được Hai Bà Trưng phong là “Đông Cung Tướng Quân”. Con là: Trần Thị
Hoa. Chú xin phép con, chú viết thêm chữ “Thiều”… Vậy là con có cái tên – Trần
Thị Thiều Hoa (công chúa). Sau nầy con sẽ nối nghiệp của: Đông Cung Tướng Quân
nha? – Con có thích cái Tên… cũng như chịu làm Tướng không?
Nghe cái tên “Trần Thị Thiều Hoa” quá đẹp ! Cô bé hớn hở…
– Cái tên thì con rất… là…là… thích ! Nhưng làm “Tướng” gì đó thì còn phải…
nghĩ.. nghĩ… lại cái đã !
-Vậy thì, cô bé công chúa lên giường nằm mà nghĩ… Rồi…ngủ một chút đi ! Không
bao lâu nữa trời sẽ sáng. Cả ngày hôm nay “chú cháu” ta mệt nhừ tử rồi.
Khi thấy “Công Chúa” ngủ ngon. Tôi cũng ngả lưng trên cái ghế bố. Bởi không
quen uống cà phê tối, nên cặp mắt trơ trơ – tỉnh queo. Thấy đã đến giờ, tôi đi
xuống nhà trả phòng, nhờ bà chủ nhà trọ mua cho hai ổ bánh mì thịt lớn cho cô
bé ăn khi đi đường. Tôi cũng không quên cảm ơn sự đối đãi rất tình người của bà
chủ nhà trọ, hứa khi có dịp sẽ ghé thăm. Ở tại Ninh Thuận nầy tôi cũng có người
bạn thân sống tại đây.
Trên chuyến xe đò “Nam Thành” chạy vô Saigon, nhìn thấy tượng Đức Mẹ Maria với
hàng chữ “Nữ Vương Ban Sự Bằng An”đặt ở bên trong đầu xe. Thấy vậy nên tôi yên
tâm. Tôi nói thật với ông tài xế rằng tôi đi công tác lỡ đường chỉ còn đủ tiền
mua một vé cho cô bé đến Biên Hòa – cô bé cũng lỡ đường như tôi. Cá nhân tôi –
tôi xin ông cho đi nhờ đến Bình Thuận… Tôi lấy giấy “SVL” cho ông xem – nhưng
ông xua tay – mỉm cười…! Tôi nói lời cảm ơn ông tài xế ! Vậy là “chú cháu” tôi
bình an…!
Xe chạy gần đến Bình Thuận, tôi lay cô bé dậy. Chú cháu ta chia tay nơi đây… Lần
sau đừng “trốn” nhà đi nữa đấy ! Nguy hiểm lắm…! Tôi vét hết số tiền còn lại
đưa cho cô bé. Chúc cô bé (Công Chúa) đi về nhà bằng an ! Chú xin được gởi lời
thăm hết những người trong gia đình.
Cô bé ôm tôi khóc rưng rức…
Tôi nâng cằm cô bé – nhìn thẳng vô mắt nói:
– Công Chúa – Nữ Tướng gì mà lại… mít ướt như vậy hử?
Cô bé phụng phịu…!
– Con không cần làm Công Chúa… cũng không cần làm Tướng gì hết ! Con chỉ cần có
chú, nhớ chú thôi !
Tôi bước xuống xe, không quên dặn bác tài xế đến Biên Hòa kêu dùm cô bé xuống.
Tôi vẫy tay chào…! Xe chạy, cô bé nhoài người ra bên ngoài đưa tay vẫy vẫy… Con
nhớ chú ! Con nhớ Chú…!
Xe qua biết có trở về
Chở theo bao nỗi tái tê trong hồn
Mây đưa bịn rịn cô thôn
Biển nghiêng sóng vỗ dập dồn cành dương
Đưa tay vẫy vẫy bên đường
Nắng lên còn níu sợi sương kéo dài
Tình người như ách nặng vai
Bỏ thương, vương tội – đắng cay cũng đành.
Đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tại làm sao lúc ấy tôi không xin địa chỉ nhà
của cô bé ?
Tôi không bao giờ quên cái nốt ruồi “làm duyên” đen đen như đầu chiếc đũa, nằm
im lặng phía dưới cánh mũi bên phải trên khuôn mặt “thiên thần” của cô bé. Đã
in sâu vô trí óc của tôi.
Tôi đi học tập “cải tạo” đến năm thứ hai thì mới được gặp gia đình. Một buổi
sáng thứ bảy… đang đi vào nhà “thăm nuôi” để gặp mặt mẹ. Tôi thấy hai thiếu nữ
đi ra, chắc hai người đã gặp người thân…? Tôi nhận thấy một trong hai cô thiếu
nữ có cái nốt ruồi giống y chang cô bé mà tôi đã gặp năm xưa. Tôi sững người…!
Cô gái cũng hơi… khựng lại nhìn tôi và bước nhanh ra cổng. Tôi nhìn theo…
(Nhưng cho dù có nhận ra nhau ở trong hoàn cảnh nầy cũng chỉ nhìn nhau mà thôi
!). Tôi linh cảm và cũng đinh ninh – đó là cô “Công Chúa” của tôi ! Hoặc là tôi
đã nhìn lầm… Người có nốt ruồi…, không phải là ít !
Nhưng dù có đúng là cô bé năm xưa đi nữa, làm sao cô bé có thể nhận ra tôi chứ
? Đã cách xa nhau những sáu năm trời rồi còn gì ! Bây giờ, ngay chính bản thân
của tôi – tôi cũng không nhận ra tôi được nữa là…! Tôi thầm chúc hai cô gái –
Đi đường bằng an ! Mừng cho cha mẹ, hay người thân của hai cô là: Lính…! Còn sống
sót trong thời Chiến Tranh ! Và hiện nay đang ở tù “cải tạo” trong thời “Hòa
Bình”! ./.
Trang Y Hạ
Saigon 1987,
những ngày đạp xe ba gác
Nguồn: Tác giả Trang Y Hạ
Chiến tranh, đất nước điêu linh, buồn !
ReplyDelete