Ngày thứ Bảy ấy, mẹ tôi đưa tôi ra xe hỏa để trở về Ngoạn Mục. Mặc dầu
có lời khuyên bảo của bác sĩ chuyên môn, tôi biết tôi đã vĩnh viễn đi vào cuộc
đời mới, đời của kẻ mù lòa.
Thôi, hy vọng của tôi học cho hết mấy năm Đại Học để có chút danh phận
hay để làm nên một sự nghiệp, hy vọng của tôi cũng như của mẹ tôi đã tiêu tan mất,
như những màu sắc cuối cùng tôi thấy một buổi sáng nơi bờ biển Vũng Tàu, rực rỡ
một hồi rồi biến thành một màu xám đen, mãi mãi xám đen.
3 tháng nằm ở bệnh viện không thay đổi được tình trạng. Tôi có thể hiểu
xuyên qua lời giải thích của nhà chuyên môn, nào nguyên nhân nào biến trạng,
nhưng tôi không thể chấp nhận hiện tại đau đớn và tuyệt vọng, vì hiện tại ấy là
của tôi. Bạn hữu thăm viếng tôi, an ủi tôi với những mẩu đời tươi đẹp và can đảm
của những người mù danh tiếng như cô Helen Keller hay chàng ca sĩ da đen Ray
Charles, nhưng tôi không phải là họ. Tôi chỉ là một đứa con gái 22 tuổi, con
duy nhất của một góa phụ sống về nghề rau quả ở một làng nhỏ ở Cao Nguyên,
không có biệt tài nào, không có phương tiện nào để vạch một con đường đời khác
những bạn đồng lứa, đồng thời, với tôi. Lớn lên phải đi học, học phải lên lớp,
đến lớp cuối phải thi và thi cho đậu, thi đậu lại tiếp tục học, học để rồi mù,
để trở thành gánh nặng cho những người chung quanh phải lo cho mình mọi sự.
Một Dì phước trong bệnh viện đã khuyên tôi hãy tìm Chúa, hãy cầu nguyện
Chúa cho lại ánh sáng. Nhưng từ xưa nay, tôi chẳng biết đến Thượng Đế nào, tôi
đã trả lời với Dì phước là tôi thấy hổ thẹn phải cầu xin một Đấng mà tôi đã
không có cơ hội phụng thờ. Chúa là của Dì, nếu Dì muốn, Dì cứ cầu xin cho tôi.
Người nữ tu đành đáp lại một cách nhẫn nhịn: “Chúa là Chúa chung cho tất cả, của
những ai đã tin cũng như của những người không biết hay chống lại Chúa nữa.
Nhưng tôi sẽ không quên cầu xin cho Chị, Chị đừng ngã lòng, hãy về tịnh dưỡng một
thời gian đi…”
Xe hỏa đến ga Cầu Bảo một buổi trưa nóng gay gắt. Tôi nhận ra những khoảng
trống mặt trời chiếu trên đầu tôi, cho đến khi mẹ tôi dìu tôi vào phòng đợi của
nhà ga... Chúng tôi phải sang xe, nhưng xe đi Ngoạn Mục nửa giờ nữa mới có.
Chuyến tàu của chúng tôi đi từ Saigon đã rời khỏi nhà ga, tiếp tục con đường ra
Nha Trang. Những tiếng ồn trong phòng đợi đã bớt đi, nhưng lại có tiếng xì xào
của những hành khách đi Dalat như chúng tôi.Tàu không có.Đường bị hỏng. Chuyến
tàu bị hủy bỏ. Tôi hỏi mẹ tôi. Có tiếng lễ phép của một người đàn ông xác nhận
không có tàu lên; đường móc sắt phía trên Krongpha hư. Có lẽ một hai ngày nữa mới
sửa xong. Tôi không còn nghe tiếng người lạ ấy nữa.
Mẹ tôi bàn với tôi xuống Phan Rang ở lại một hai bữa hay là thuê xe hơi
về Ngoạn Mục. Cả hai giải đáp không mấy thuận lợi. Với bệnh tật của tôi, tôi
nghỉ đến bao phiền phức gây thêm cho mẹ tôi. Đợi tàu nơi phòng khách này cho đến
khi nào không biết, cũng chẳng phải một lối thoát êm ả. Chúng tôi đang còn phân
vân thì có tiếng giày bước đến gần chúng tôi, và giọng nói êm ái, trẻ trung, lịch
sự, của người đàn ông khi hồi, cất lên một cách thiện cảm: “Tôi có xe đi lên, nếu
quý bà cần đi gấp, xin mời đi.”
– Cám ơn thầy, mẹ tôi nói, nhờ thầy cho mẹ con tôi quá giang, chúng tôi
sẽ xin trả tiền.
– Thưa không, xe nhà, chỉ có mình tôi lên, rộng chỗ, và không có vấn đề
tiền nong gì cả. Các bà ở đường phố nào trên Dalat?
– Chúng tôi không ở trên ấy, nhà chúng tôi ở Ngoạn Mục. Đây là con gái
tôi, học ở Saigon nhưng phải về dưỡng bệnh.
Người đàn ông có lẽ đã cúi xuống để xách cái va-ly cho mẹ tôi, và có lẽ
thấy tay tôi đang quơ quào tìm hành lý nhỏ để bên cạnh, đã biết kính đen của
tôi che đậy bệnh tật gì. Tay người đã đỡ cái xách và đặt vào tay tôi.
Xe chạy khỏi cầu Tân Mỹ, khí trời trở nên dễ chịu. Tôi ngồi ghế sau với
hành lý. Mẹ tôi ngồi bên cạnh người lái xe. Thỉnh thoảng, mẹ tôi ngoảnh lại để
đưa cho tôi nước uống, những múi cam bóc sẵn của người lạ mời. Mẹ tôi đã trò
chuyện nhiều với chủ xe. Tôi thoáng hiểu người ấy chừng 30 tuổi, có một hiệu
sách Nam Đồng, gần chợ Dalat. Ông ta chỉ vì thích đọc sách mà trở thành người
bán sách, chưa có gia đình, không cha mẹ anh em, sống một mình, khi nào cao hứng
thì đóng cửa hiệu để đi du ngoạn hay vào rừng kiếm phong lan.Mẹ tôi nắm lấy cơ
hội, nói có một số hoa, không ai săn sóc, sẽ biếu ông.
Đến Ngoạn Mục, mẹ tôi chỉ đường cho ông Nam Đồng rẻ vào vườn nhỏ bé của
chúng tôi. Miễn cưỡng lắm, ông mới bằng lòng vào nhà, để chứng kiến cảnh vú già
tôi ôm choàng tôi khóc lóc thảm thiết. Hình như ông Nam đồng chịu uống một tách
nước trà nóng, nhận một đôi phong lan, đi quanh vườn rau để thấy công việc làm
ăn của mẹ tôi. Trở vào nhà, ông đã nói đôi lời trước khi mẹ tôi tiễn ông ra cổng.
Rồi tiếng máy nổ và xe chạy. Tôi trở lại đời yên tĩnh và âm u của tôi.
Mãi gần một năm sau, tôi mới có dịp nghe lại tiếng nói của ông Nam Đồng.
Ông đến cùng vài người đứng tuổi, bà con gì với ông ấy, không chỉ để thăm mẹ
con tôi, mà đến để bàn một chuyện chúng tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi vẫn mù
lòa, đã quen thuộc khung cảnh, tôi không thấy khó chịu gì lắm khi đi đứng, di
chuyển. Tôi làm được đôi việc để giải khuây hơn là giúp đỡ mẹ tôi hay vú già. Một
người cậu của tôi đã cho tôi một máy hát và rất nhiều đĩa hát; nghe âm nhạc cổ
kim là giải trí thường xuyên của tôi. Mấy bạn học của tôi đã cho tôi một con
chó xù, nó là bạn duy nhất luôn luôn bên cạnh tôi. Thế mà ông Nam Đồng lại có ý
xin cưới tôi làm vợ. Mẹ tôi cảm động, hỏi ý kiến tôi. Tôi từ chối, và mẹ tôi
cũng đồng ý với tôi như vậy. Ngoài những lý do riêng của mẹ, riêng của tôi, hai
mẹ con tuy không nói thẳng ra, không muốn để cho một người nào khác, chẳng tội
tình gì, phải đến chịu gánh nặng săn sóc một người bệnh tật suốt đời. Tôi còn
nhớ lời từ khước của mẹ tôi: “Xin cám ơn ông bà, cám ơn cậu, con tôi bệnh hoạn.
Tôi cầu Trời khẩn Phật cho cháu chóng lành để sống được một đời bình thường.
Bây giờ thì không thể nghĩ đến chuyện cưới gả được.” Lại những tiếng thì thầm
nơi cửa, và tiếng nhiều chiếc xe chạy từ từ. Đứng nơi cửa sổ, tôi đưa mặt ra
phía đường để tưởng tượng hình ảnh những chiếc xe lăn sau hàng cây mơ.
Trời Phật đã thương mẹ tôi nhiều hơn tôi. Mùa thu năm ấy, mẹ tôi từ trần
sau những cơn sốt liên miên. Ở nơi hẻo lánh, vì không gần thầy thuốc, vì mẹ tôi
quá tin nơi thuốc cổ truyền và số mạng, mẹ đã bỏ tôi lại bơ vơ với vú già và một
đôi vợ chồng giúp việc nơi vườn rau. Tôi đã hết nước mắt để khóc.
Không ai có thể thấy vực thẳm đau khổ của tôi xuyên qua cặp kính đen, với
đôi mí mắt luôn luôn nhắm kín. Cậu tôi và một số thân thuộc được tin đã đến lo
việc chôn cất và khuyên tôi về ở với họ chốn An Xuyên là quê hương của cha tôi.
Tôi không muốn đi đâu nữa. Dời đến nơi nào, vũ trụ tôi cũng chỉ là một vũ trụ
nhỏ bé trong màn đêm. Nơi nhà mẹ tôi, tôi đã quen thuộc những tín hiệu của âm
thanh, của mùi hương và thể vật; chúng đã trở thành một quyển sách phong phú
tôi dùng được và tìm ra được ít nhiều hứng thú. Tôi nhớ câu chuyện người mù của
thi sĩ Lamartine nhắc lại trong hồi ký: “Tôi thấy tiếng kêu của sơn ca buổi
sáng, tôi thấy tiếng hót của họa mi buổi chiều...” Tôi cũng có một kinh nghiệm
tương tự, hình ảnh nơi đây đã trang điểm cái nhìn bên trong của tôi rồi. Dời đi
nơi khác lại cần một thời gian để thích nghi những phản ứng mà tôi xét không
còn can đảm và kiên nhẫn đễ vượt lên những khó khăn nửa. Vú già sẽ tiếp tục bảo
bọc tôi, và vợ chồng người trông nom vườn cũng hứa tiếp tục đảm đương mọi sự
như có mẹ tôi vậy. Đời sống vật chất không thay đổi gì mấy, nhưng vắng mẹ tôi,
tôi cảm thấy đến mấy lần mồ côi.
Khoảng 10 ngày sau lễ an táng mẹ tôi, vù già cho biết có ông Nam Đồng đến.
Tôi chẳng hiểu những gì trong thâm tâm tôi đã khiến khi gặp lại ông Nam Đồng,
người tôi thường gọi là ông, tôi bỗng gọi anh. Cảm xúc của anh không kém. Lần đầu
tiên anh cầm tay tôi, vừa an ủi tôi, vừa hỏi về những ngày cuối của mẹ tôi, và
những dự định tương lai của tôi. Vú già vui mừng không kém tôi khi mời được anh
ấy ở lại dùng cơm trưa. Và anh đã nhận như thể là một cử chì từ tâm, muốn cho
tôi cảm thấy bớt hiu quạnh, dù cho chỉ là trong một khoảnh khắc. Nhưng rồi khoảnh
thời gian ấy có thể nối dài. Anh đã nhắc lại lời ước vọng năm trước, và lần nầy,
cũng chẳng hiểu vì sao, tôi lại bằng lòng. Gánh nặng bây giờ trở nên quá lớn
cho vai tôi, tôi cần người phụ lực. Nhưng tôi không muốn ràng buộc anh, hoặc
tôi khiếp sợ một cảnh đổ vỡ thê thảm có thể xảy ra sau nầy. Tôi chỉ bằng lòng
làm người bạn của anh mà thôi với một số điều kiện. Anh chấp nhận không phải để
lấy rồi, mà với sự hiểu biết chín chắn và thành thật.
Quyết định của tôi xảy ra đồng thời với cuộc chinh chiến. Khói lửa đã
lan rộng trên đất nước. Cho đến nơi Ngoạn Mục hiền lành, mùi bom đạn cũng không
tha. Bây giờ tôi mừng có anh tôi bên cạnh. Anh đã dẹp bỏ hiệu buôn; những sách
vở anh thích đọc, những vật kỷ niệm anh quyến luyến, anh đã chở trên cái xe
xưa, đem về nhà tôi. Anh đã tu sửa lại phòng của mẹ tôi bên cạnh phòng tôi, để ở
riêng biệt. Anh đã tôn trọng lời hứa, suốt bao nhiêu ngày tháng sống bên tôi,
anh chẳng có lời nói, cử chỉ nào vượt qua biên giới chúng tôi đã vạch định. Những
chiều lạnh, cùng ngồi cạnh lò sưởi, anh xem sách, tôi đan áo, tôi nghỉ và mơ ước
anh sẽ đến đặt tay trên vai tôi để cho cảm giác gần nhau hơn nữa. Nhưng anh đối
xử với tôi như người em gái. Chỉ trong công việc nhà, trông nom vườn rau, trồng
thêm hoa quả, giao thiệp với bạn hàng, anh đóng vai trò gia trưởng có trách nhiệm.
Đối với vú già, đối với những người giúp việc hay các gia đình lân cận, anh là
chồng chính thức của tôi.
Một buổi sáng, cũng như thường ngày, anh dậy thật sớm. Tôi nhận ra những
tiếng động ở phòng bên cạnh, đến phòng bên ngoài. Anh sửa soạn bình tách, pha
cà phê, uống một chén, rồi để sẵn phần của tôi trên bàn trước khi rời khỏi nhà.
Hôm ấy anh phải đi xem những xe đến chở bắp cải. Nhà vắng tanh, vú già đi chợ.
Tôi làm biếng thu gọn mình trong mền ấm, nằm mãi trên giường, vừa nghe nhạc và
mơ mộng. Có tiếng chó sủa. Có người làm gì với chó đến nỗi chó không sủa nữa.
Những tiếng đi thình thịch vào nhà làm rung rinh thềm ván. Có lẽ anh có việc gì
về gấp. Tiếng bước đến gần. Cửa phòng tôi không gài được đẩy ra. “Có phải anh
không? Anh cần gì?” Chẳng có tiếng đáp. Tôi vùng dậy. Có cánh tay đàn ông
choàng lấy thân tôi. “Anh làm gì thế? Đừng! Sao anh quên lời hứa? Em sợ lắm. Đừng,
anh!” “Có gì đâu mà sợ?” Tiếng nói kinh dị. Hơi thở lạ lùng. Một bàn tay thô kệch
và hung hãn như chân của thú dữ. Tôi biết không phải anh tôi rồi. Tôi kêu thất
thanh: “Ông là ai? Đồ vô loại! Vú già ơi! Cứu tôi, làng xóm ơi! Anh Nam Đồng
ơi.” Tôi tưởng tôi sắp chết. Tôi vẫy vùng để thoát vòng tay của tên võ phu. Tôi
dùng răng, dùng móng tay để cấu xé nhưng tên khốn nạn không buông tha. Một cái
miệng nặc cả mùi rượu, thuốc lá và răng thối, chà trên má tôi. Nó muốn vật tôi
lên giường, tôi nhào lăn xuống sàng, đồ đạc bên cạnh giường đổ tung. Tôi nhớ đến
cái đồng hồ reo, vờ lấy quăng vào con thú. Đồng hồ đập nát một cửa kính. Tôi muốn
lao ra cửa sổ. Tay nó níu chặt tôi lại. Tôi cố la lên cầu cứu. Tôi sắp ngất xỉu.
Có tiếng chạy thình thịch bên ngoài. Cánh cửa bị đạp tung rất mạnh. Tay
kẻ dữ đã thả tôi. Có tiếng thét lên, lúc đầu tôi không nhận ra tiếng của anh
tôi. “Mày làm gì trong nhà nầy?” Tiếng thét đầu tiên vang dội, tiếp đến là tiếng
ẩu đả. Có những va chạm dữ dội của cây gỗ trên thân hình, trên bàn ghế. Tôi
không thể biết ai đang đánh ai, không biết ai chịu những đòn nặng. Tôi không có
mắt để giúp anh tôi. Tôi sợ anh tôi bị tên võ phu giết chết. Tôi lần đến cửa sổ
kêu vú già, kêu người giúp việc, kêu làng xóm. Hai người đã xô đẩy nhau ra khỏi
phòng, rồi ra khỏi nhà.
Những bước chạy thình thịch một chốc rồi tan dần. Có tiếng xe chạy. Một
chốc yên lặng kinh hoàng. Tôi đã không còn kêu la được và cũng không thở mạnh
được. Tôi lần ra khỏi phòng, không dám gọi, phập phồng trước điều không thể thấy
và không thể đoán. Tôi không còn sức để đứng tựa nơi vách tường, tôi đã ngã quỵ
xuống.
Nhưng anh tôi, chứ không phải kẻ võ phu, đã trở về và từ xa đã lên tiếng
để yên lòng tôi. “Anh xin lỗi em. Từ nay anh không để em một mình nữa”. Anh ôm
tôi, đỡ tôi dậy. Tôi đưa tay rờ nơi má anh, một má ẩm ướt không biết vì mồ hôi
hay máu, nước mắt hay nước mưa. Anh cúi đầu xuống và, lần đầu tiên, sau mấy năm
quen biết và sống chung, tôi có cảm giác sung sướng lạ lùng khi môi tôi gặp được
môi anh.
Phòng của tôi hư nát cả. Anh biểu tôi, trong khi chờ sửa lại cho xong,
tôi qua ở tạm bên phòng anh. Nhưng trong ý tôi, không còn chữ tạm nữa. Chính
tôi phá trước lời giao hẹn, bao nhiêu dè dặt và lo ngại của tôi không thể còn nữa.
Từ nay tôi sẽ mãi mãi với anh và của anh.
Phải chi chuyện đời tôi chấm dứt nơi đây. Phải chi thời gian dừng lại để
cho hạnh phúc của tôi có trong mấy tháng sau đó, được kéo dài vĩnh viễn. Không.
Hãy đem cho tôi tất cả những khăn tang trên đời để thấm cho hết nước mắt của
tôi. Anh tôi không phải là chiến sĩ nhưng chiến tranh cũng tìm đến anh tôi.
Trong lúc anh lái xe lên Cầu Đất, anh đã đi sớm để về sớm, không để tôi một
mình lâu, với vú già, xe anh đã đạp phải mìn. Không ai cho phép tôi động đến
xác của anh. Tôi đoán chừng lý do là xác anh không còn toàn vẹn, cũng như chiếc
xe của anh. Thứ Bảy năm nào đó, mới năm nào đó, chiếc xe ấy, và anh ấy, đã đưa
mẹ con tôi từ ga Cầu Bảo về.
Có phải nước mắt tôi, linh nghiệm hơn bao nhiêu thứ thuốc tôi đã phải uống.
Hay có lẽ nào nhờ những lời của Dì phước ở Bệnh viện Mắt hứa cầu xin cho tôi, với
Thượng Đế của Dì? Một buổi sáng mùa Xuân, trùng với mùa Phục Sinh, tôi ngạc
nhiên thấy được điểm sáng nhỏ, điểm sáng lớn lần. Tôi hét lên một tiếng vui làm
cho vú già tôi tưởng một thảm họa khác đã đến với tôi. Tôi thấy rồi. Tôi thấy rồi,
vú ơi. Tôi chưa thấy rõ ràng vú. Nhưng điểm ánh sáng đưa cho tôi hy vọng bệnh
lòa của tôi dần dần sẽ hết. Quả thật, mấy tuần sau nữa, tôi đã nhận ra những
hình vật, khám phá khung cảnh tôi sống, tôi nhìn thấy được hình dáng và màu sắc
của những hoa đào ngoài sân, nhìn thấy tất cả chi tiết phòng hạnh phúc ngắn ngủi
của tôi nay phải mãi mãi vắng bóng chồng.
Ánh sáng đã trở lại với tôi, để thay anh, cho tôi khỏi sống dưới sự đe dọa
thường xuyên của kẻ võ phu. Hôm ấy, tôi đã hỏi anh tôi có biết tên nào đã tấn
công tôi. Anh đã trả lời một cách thãn nhiên: “Em cần gì biết đến lai lịch của
một thứ đê tiện. Nó không phải một, nó là nhiều, nó cả một loài, cả từng giống,
căn cước của nó là võ lực, cưỡng bức, bạo tàn, sát nhân. Và hình bóng chúng cái
nào cũng giống cái nào, biết được một, là biết tất cả. Vì chúng cùng chung một
thái độ, một thứ hành vi thất đức. Chúng có từ khi tạo thiên lập địa và sẽ còn
mãi mãi trên quả đất nầy. Thứ cặn bã của nhân loại ấy xuất hiện khi nào xã hội
suy đồi, cũng như những vật và con thú bẩn trủi lên bờ biển khi nước sạch rút
đi xa.
Với cặp mắt tìm lại
được, tôi sẽ biết nhận dạng để đề phòng, để tự vệ. Nhưng anh? Tôi tiếc đến khi
thấy đươc cảnh, vật và người chung quanh tôi, tôi không còn có được mặt anh để
chiêm ngắm, để nhìn cho tường tận, để đối chiếu với hình ảnh tôi chỉ có bấy lâu
nay trong trí tưởng tượng. Tôi tìm mãi trong nhà một giấy tờ nào về anh để biết
anh một cách đầy đủ hơn nữa. Tôi không biết tên thật anh là gì, Nam Đồng chỉ là
một hiệu bán sách. Tôi không có được một tấm hình của anh để thờ phụng. Có lẽ
anh không còn nghĩ đến việc chụp hình khi vợ mình đã mù lòa. Anh chân tình và
thâm tình đến thế. Anh kín đáo đến nỗi chỉ xuất hiện và sống bên cạnh tôi khoảng
thời gian tôi cần ánh sáng và sự che chở của anh mà thôi. Anh chết đi nhưng vẫn
còn nói với tôi biết bao nhiêu điều. Anh không để lại hình ảnh nào, nhưng tôi
đã thấy anh, thấy một phần khuôn mặt anh nơi bất cứ đâu có lời nói dịu hiền,
nơi bất cứ đâu có hành vi đượm tình thương vô vụ lợi ngọt ngào. Anh. Anh, người
tôi yêu kính. Ngàn đời em sẽ nhớ anh.
Cung Giũ Nguyên
No comments:
Post a Comment