Wednesday, July 2, 2014

Trái Bầu Nghĩa


Thứ bảy nào cũng vậy, khu phố chợ Việt Nam Bankstown, còn được hội đồng thành phố mệnh danh là “Saigon Place” cũng tấp nập đông người, nhứt là sau 10 giờ trở lên, trái hẳn với những ngày trong tuần ai nấy bận đi làm, khu shop chỉ có loe hoe những bà nội trợ lớn tuổi hoặc vài ông cụ vô công rỗi việc, ngồi nhà riết sợ lú lẫn và sinh bệnh nên cực chẳng đã phải ra chợ tìm người tán gẫu hoặc đánh cờ cho khuây khỏa tuổi già thừa thãi cô đơn.    

Ai ai cũng đổ xô về đây ăn uống, dạo chợ mua sắm thức ăn dự trử cho những ngày đi làm trong tuần. Kiếm được một chỗ đậu xe phải thật kiên nhẫn, đôi khi phải chờ cả mười phút đồng hồ dù rằng có ba bãi đậu xe chung quanh. 

Đó là  nói lúc không gặp ông parking officer đi ruồng bố thì còn double parking chờ được. Nhưng nếu chẳng may thấy bộ tướng hùng hổ của mấy ổng từ xa đi tới là phải lo dzọt luôn, chớ mà rà rà lại là bị chụp hình biên giấy phạt ngay. Thời buổi kinh tế khó khăn, mấy ông “du kích nằm vùng” làm việc hết mình, phạt được nhiều chừng nào thì tiền còm nhiều chừng nấy nên rất hăng hái thi hành nhiệm vụ. Ông Tâm vừa ngừng xe lại, bà Tâm chợt thóang thấy một ông parking officer đang lui cui gạch bánh xe đàng xa, bà nói với ông:
            -Thôi em xuống trước, anh chạy vài vòng đi, có “đặt công” đàng trước kìa.
Nói rồi bà Tâm mở cửa xe vội vàng bước xuống rồi băng qua đường. Đây là khu chợ huyết mạch của cư dân Việt Nam vùng Bankstown và những vùng phụ cận. Bước vào đây là có thể quên mình đang ở Úc, cứ tiếng Việt mà “phang” tới. Chủ tiệm, khách hàng tòan là Việt Nam, muốn mua món gì cũng tìm ra được dễ dàng, không có chuyện bất đồng ngôn ngữ cho người mình mà trái lại chỉ “trẹo họng” với người… ngọai quốc Úc. Tiếng cười tiếng nói nhoi trời đất. Bà này réo bà nọ. Cô nọ chào chị kia, hỏi thăm, kể chuyện đi làm, chuyện nhà cửa, hụi hè, chuyện con cháu vv... tòan là tiếng Việt. Có ông tình cờ gặp lại bạn già chí cốt, mừng quá không biết diễn tả cách nào hơn là xổ tiếng Đan Mạch (ĐM) làm đầu câu chuyện rất chính hiệu …Việt Nam.

Đang  đứng lóng nhóng tính coi mua món gì nhẹ nhẹ trước vì bà Tâm bị đau cột sống không thể xách  nhiều thì bà Liên, một bà bạn làm chung hảng trước kia đến vỗ vai gợi chuyện:
            -Sau đi trể vậy cưng, chị mua xong hết rồi, em mới ra tới hả, ổng đâu?                 
Bà Tâm quay lại tươi cười, không quên câu đầu môi rặt kiểu “tây”:
-Hello chị, chị khỏe hông? Ổng đang chạy vòng vòng tìm chỗ đậu, lúc này mấy ông “cô hồn” đi bố quá, không dám đậu lại chờ. Đáng lẽ em đi hồi chín giờ rưởi nhưng vừa định  ra cửa thì con nhỏ em bà con bên Paris phone qua nói chuyện. Tuần nào cũng vậy, nó cứ canh khỏang chín giờ sáng bên này là nó kêu. Tụi em thân nhau lắm, tuần nào vắng tiếng là thấy lo nên nghe nó gọi cũng mừng, thành ra nói qua nói lại cả tiếng đồng hồ, em mà không đòi đi chợ là nó còn nói thêm nữa. Bữa nay mấy đứa nhỏ của chị có tụ về party parta gì không?
            - Sao mà không, chạy trời không khỏi, bữa nay con Linh với thằng Huy làm sinh nhật chung, tụi nó đòi ăn đủ thứ hết nhưng chị mệt quá, bảo tụi nó kéo nhau ra nhà hàng cho rồi. Nói thiệt với em, nấu mấy chục năm rồi, bây giờ nghe tới làm món gì, nội cái prepare không cũng đủ xây xẩm mặt mày. Rồi sau đó còn phải nấu phải dọn, ngán bỏ xừ. Tụi nó đòi ăn bánh xèo. Mà em biết, món này nhiều công chuyện thì thôi,  nào là phải cắt đầu tôm tép, xắt thịt, rửa giá, hấp đậu, pha nước mắm, rửa rau cải hằm bà lằng, rồi phải đứng “xèo” cho cái đám “tân binh” của chị vừa dâu vừa rể tám miệng ăn. Thôi dẹp, chị nói để lần sau, lúc này nhức mình nhức mẩy quá, đau vai đau đầu gối tùm lum. À, cái lưng của em sao rồi, có đi specialist chưa?
            - Book rồi mà chưa tới ngày. Em đau lưng mười mấy hai chục năm rồi. Bây giờ lớn tuổi càng ngày càng đau thêm. Vì vậy em mới tính đi gặp chuyên khoa coi họ nói sao. Bác sĩ gia đình đã bảo đi bơi từ lâu nhưng làm biếng quá đi. Với lại em sợ xuống nước lắm. Hồi nhỏ ông già dẫn ra mé sông chơi, lọt sông một lần sợ tới bây giờ. Nhưng bây giờ trốn không khỏi, không đi bơi chắc có ngày phải bò, mà bò được cũng còn may, sợ nằm đơ luôn một chỗ còn khổ hơn chết. Bởi vậy hổm rày em phải rán vùng lên “yêu nước”. Lần đầu con Dung nó chở em đi. Nó bảo má cứ xuống đại đi, có cái phao mà sợ gì. Em làm gan bước xuống, hụp nước muốn chết luôn. Tới bây giờ em cũng chưa dám bỏ cái phao ra làm mấy người quen mặt trong hồ bơi ngứa mắt lắm, cứ nhào tới đòi dạy em hòai. Mà có đi bơi thì thấy cũng hơi đỡ. Thật ra hồi trước tới giờ em không muốn đi là vì sợ làm phiền ông xã. Em đâu biết lái xe như chị. Đi đâu cũng phải nhờ ổng chở nên cũng ngại. Nhưng bây giờ ổng đưa đi thì ổng cũng nhảy xuống bơi luôn, như vậy cũng good exercise cho ổng nên rán mỗi tuần đi hai lần.
Bà Liên nói:
            - Số em sướng quá, đi đâu cũng có chồng đưa đón. Đi đâu cũng có đôi có cặp. Thấy em đàng trước là thấy ổng lót tót theo sau. Còn chị cứ lủi thủi một mình chẳng ai đón ai đưa, tự mua tự xách, rồi tự lái tự về. Chị ganh tị với em lắm đó.
Bà Tâm lắc đầu cười:
            - Sướng gì chị, cứ phải lệ thuộc chồng hòai, nhiều khi cũng thấy tức mình. Rủi bữa nào ổng bệnh hay kẹt chuyện gì thì coi như cụt giò. Em thấy tốt nhứt là có thể tự túc như chị, muốn đi lúc nào đi, muốn về lúc nào về, khỏi đợi, khỏi phiền ai hết, độc lập tự do mới là khỏe. Nhưng đã nói là số mà, đâu phải mình muốn hay không muốn mà được.
            - Vậy sao em hổng học lái xe đi?
Bà Liên thắc mắc. Bà Tâm nói:
            - Em cũng muốn lắm chớ nhưng tại nhát quá hà. Hồi mới qua ổng có dạy sơ cho em nhưng thấy coi bộ em nervous quá ổng không cho học tiếp nữa. Ổng nói lái xe mà không tập trung đầu óc được thì dễ bị tai nạn nên tốt hơn là đi đâu để ổng chở cho chắc ăn. Như con nhỏ em của em cũng vậy, lúc mới qua cũng học lái xe như người ta, mà khi có bằng thì không dám lái, đi gần thì đi bộ, đi xa thì đi xe lửa. Tới bây giờ là hai chục năm rồi, bằng lái xe của nó bây giờ đã là bằng “gold” mà rất sạch sẽ, spotless, chưa từng cọ quẹt ai bao giờ.
Bà Liên cười trêu:
            - Chắc là tại hồi đó em trẻ quá ổng ghen, sợ em biết lái xe rồi xách xe đi một mình nên không muốn em học chớ gì?
Bà Tâm phân bua:
            - Không phải vậy đâu. Ổng biết tánh em lắm. Em không thích ra ngòai, cũng không se sua chưng diện. Lúc nào đi làm thì đi, còn không thì  chỉ lẩn quẩn trong nhà lo gia đình, cuối tuần thì đi với ổng nên ổng đâu có dịp ghen. Em thuộc lọai indoor plant mà chị.
Bà Liên chắt lưỡi thán phục:
            - Em hay thiệt, ở nhà hòai làm sao chịu nổi. Chị mỗi ngày mỗi đi mà còn thấy chán đời nữa huống chi. Không ra ngòai được chắc phát điên quá. Thôi tha cho em đó, đi mua đồ đi, chị về trước,  trưa rồi.  Rán chữa cái lưng đi nghe. Chị thấy em còn đi vù vù mà, chắc không đến đổi nào đâu.    

Bà Liên đi rồi, bà Tâm đảo mắt nhìn khắp bãi đậu. Chưa thấy xe ông Tâm, bà lại rảo bước đi dọc theo mái hiên các tiệm thực phẩm, xem những bà bán hàng rong hôm nay có những mặt hàng gì. Đây là những bà nội ngọai đã quá date, con cháu không còn nhờ tới nữa  nên  tìm thú vui trồng trọt làm vườn qua ngày . Vài gốc ớt, năm ba bụi sã, hay giàn bí giàn bầu, vài liếp rau thơm, hoặc vài dây đậu. Ăn không hết nên đem ra chợ bán và luôn tiện gặp bạn bè cho vui qua ngày. Trông thấy một trái bầu to tướng dị thường, bà Tâm dừng lại hỏi bà cụ bán hàng:
            - Trái bầu to quá, bao nhiêu vậy bác?
Và bà ngồi xuống dùng móng tay bấm nhẹ ngòai vỏ. Vỏ bầu dày và quá cứng bấm không thủng. Chung quanh còn cả chục dấu móng tay của những khách hàng trước để lại chứng tỏ trái bầu quá già không ai mua.
Bà cụ đáp:
-Còn trái cuối cùng đó, mua giùm đi cô. Sáu đồng thôi.
Bà Tâm lắc đầu nói:
            - Trái bầu này già quá, hột ở trong chắc cứng khô rồi, làm sao ăn được. Với lại nó lớn quá, con xách không nổi, chắc cũng phải hơn bốn ký là ít.              
 Bà cụ lại nài nĩ:
            - Thôi năm đồng đó. Mua đi, tôi cũng muốn về rồi. Hồi sáng ra cửa thì còn hăng hái, đẩy một trolley không thấy mệt. Bây giờ nghĩ tới đem nó về thấy ỏai quá đi, muốn bán rẻ cho rồi.
Bà Tâm phân trần:
            - Không phải con chê mắc, quá rẻ rồi nhưng vì xách không nổi và ăn cũng không hết. À, hay là bác chờ một chút đi, con đi coi ông xã đậu xe xong chưa nhờ ổng lại xách giùm. Cũng tội cho bác mắc công mang về .
Nói rồi bà Tâm đi trở lại bãi đậu xe, vừa đi bà vừa nghĩ, trái bầu già khằn mua về không biết làm sao ăn. Bây giờ mình đi luôn thì cũng được nhưng tội nghiệp bà cụ. Mình đã nói với bà chờ mình thì dù đem về bỏ cũng phải trở lại chớ đâu hứa cuội vậy được. May sao ông Tâm cũng vừa đi về hướng bà, bà  chụp ngay ông nói:
            - Anh à, em có mua  một trái bầu mà nó nặng quá, đi lại xách giùm đi.
Và bà nói luôn một hơi:
            - Thật ra em mua là vì tội nghiệp bà già chớ trái bầu già ngắt ai cũng chê. Thôi kệ đem về rồi tính sau, bất quá thì bỏ.
Ông Tâm chận lại:
            - Í, đừng có bỏ. Anh thích bầu xào lắm, cứ đem về xào, anh ăn cho.
 Thế là hai ông bà đi trả tiền cho bà cụ và ông Tâm lãnh phần vác trái bầu đem lại xe.  

Sau khi chợ búa xong, về nhà bà ì ạch vật lộn với trái bầu. Ngồi bệt xuống sàn nhà, bà cắt trái bầu ra làm ba khúc, bỏ bớt một khúc thật dài gần cuống, hai phần kia bà bổ làm tư gọt vỏ, vạt bỏ hết hột già rồi rửa sạch, xắt sợi dài.
Đến gần bữa ăn, bà bắc chảo lên bếp, cho phần hành trắng vào phi cho thơm rồi đổ bầu vô xào. Khi bầu chín tới, nêm nếm xong, bà đánh hai cái hột gà đổ vào, đảo đều rồi tắt lửa bỏ hành lá vô. Thế là trên bàn ăn chiều đó có một thố bầu xào trông thật bắt mắt, những sợi bầu trăng trắng lẫn trong màu vàng của trứng và màu xanh ngăn ngắt của lá hành làm ông Tâm chỉ muốn lùa vội hai chén cơm.



Bà Tâm hỏi nhóng:
- Sao ngon không ? Có cứng quá không vậy?
Ông Tâm đáp lấy lòng vợ:
            -Với tài nấu ăn khéo léo của em thì già cũng thành non thôi. Hồi nãy có xúc riêng cho con Dung một hộp không? Con nhỏ cũng thích món này lắm.
Bà Tâm ngúyt ông một cái thật dài:
            - Anh chỉ biết lo cho con gái anh thôi. Nấu cái gì cũng chỉ nghĩ tới nó trước. Tưởng đâu gả con rồi là khỏe, ai dè bây giờ nó kéo theo thằng chồng nó về đây ăn mỗi ngày, rồi thêm hai thằng cháu nữa. Một thành ra bốn, mệt thiệt. Ngày nào cũng nấu ba bốn món, không biết chừng nào mới hết cái “đại hạn” này. Bữa nay may phước là tụi nó đi birthday bạn nó, chớ không thôi thì cũng đòi gỏi cuốn, chả giò, nem nướng rồi chớ dễ gì tha cho bà già này.
Ông Tâm vỗ về:
- Thôi mà, than thở làm gì. Có con cháu về là có phước rồi. Có nhiều người sống thui thủi một mình, kiếm một người cãi lộn không ra. Mình còn sức, lo cho tụi nó được ngày nào thì vui ngày nấy. Không có tụi nó thì mình đâu có chuyện gì để làm. Ngồi ngó nhau thấy mặt nào mặt nấy xếp lớp, nhăn như bulldog phát nãn, nói qua nói lại một hồi thế nào cũng có khẩu chiến, cắn đắng nhau mất hòa khí trong gia đình.  Như hôm nay, em thấy bà già bán bầu không? Chắc con cháu bà  đã tự túc được, không cần đến bà nữa, ở nhà thì buồn nên bà ra chợ vừa bán vừa mua vui. Bà bác đó bữa nay cũng may mắn gặp được em, em hay mủi lòng làm phước nên mới bán được trái bầu già ngắt. Bà già mừng mà em còn vui hơn bả nữa phải không?  Đối với người dưng, mình còn như vậy nói chi con cháu mình. Rồi đây vài năm nữa tụi nó lớn hết không cần mình,  chừng đó lại than thất nghiệp. Bởi vậy anh cũng muốn cho vợ chồng thằng em của em về ăn thường xuyên cho vui nhà vui cửa. Có tụi nó qua ăn, phải làm thêm nhiều thì cũng mệt thiệt nhưng mà không có thì nhà cửa hiu quạnh quá cũng buồn. Với lại thằng em nó theo mình mấy chục năm nay. Nó quen ăn đồ của em nấu rồi mà bây giờ không cho nó ăn nữa cũng tội nghiệp.                
Bà Tâm thở ra:
            - Mệt quá thì nói cho hả hơi chớ anh thương con, em không thương à? Nhứt là hai thằng cháu, hôm nay không có bọn nó thấy thiếu thiếu làm sao, nhớ tụi nó ghê đi. Có thì căng thẳng đầu óc thiếu điều đứt gân máu mà không có thì buồn. Bởi vậy cái tình thương của con người không biết phải diễn tả làm sao cho đúng nghĩa, cho thỏa lòng. Bỏ thì thương, vương thì tội phải không anh?
Ông Tâm tiếp lời:
            - Cũng may là mình chỉ có một đứa con chớ mà nhiều hơn nữa chắc lo không nổi.
Bà Tâm cười cười, ý nhị nói:
            - Chưa chắc à. Chuyện gì mà đã đặt tình thương vào đó rồi thì dù nhọc nhằn cách mấy cũng vượt qua được thôi. Trái tim chỉ bằng có nắm tay  nhưng có bao nhiêu tình nó chứa cũng hết. Có người nô lệ đồng tiền, có người nô lệ tình cảm. Vì tình thì chuyện gì dù khó khăn đến đâu người ta cũng rán hy sinh cho được mặc dù đôi khi biết là mù quáng. Bởi vì tình là một cái gì trừu tượng phát xuất tự nhiên từ cõi lòng, không ai có thể giải thích được tại sao, cũng không ai có thể băt nó đến hoặc muốn đuổi đi là đuổi được.  

Trên trời mấy triệu vì sao
Nhân gian dưới thế có bao nhiêu tình
Đố ai chẳng lụy vì tình
Ân tình, nhân nghĩa, thâm tình, tình yêu
Không tình hụt hẫng cô liêu
Mấy ai hạnh phúc quạnh hiu cõi lòng
Tình là quà tặng cho không
Chẳng màng đáp lại mà lòng thỏa thê
Tình là bến lú sông mê
Khiến người chìm đắm mải mê quên về
Dẫu rằng tình khổ trăm bề
Vẫn mong tình mãi cận kề trong tim

- Đối với bà lão bán bầu bí thì là tình người. Đối với cha mẹ, con cháu, em út là cốt nhục tình thâm. Còn ân nghĩa cũng là một thứ tình…
Ông Tâm chận lại:
            - Thôi đủ rồi,  đúng băng tần của em rồi nói hòai không hết. Lo ăn cơm đi rồi dọn dẹp lẹ lên. Bữa nay không có tụi nhỏ qua, mình sớm được một bữa. Đi tắm xong ra coi phim. Thằng rể nó đưa cho mấy cái phim action mà hai ba tuần rồi chưa có giờ coi đây nè. Cũng lạ thiệt, con người tình cảm mà lại thích coi phim đấm đá! Thiệt là hết ý!
           
Người Phương Nam                                                  

3 comments:

  1. Emmanuel NguyễnJuly 5, 2014 at 5:37 PM

    "Số em sướng quá, đi đâu cũng có chồng đưa đón. Đi đâu cũng có đôi có cặp. Thấy em đàng trước là thấy ổng lót tót theo sau. Còn chị cứ lủi thủi một mình chẳng ai đón ai đưa, tự mua tự xách, rồi tự lái tự về". Theo như câu này cô viết, là cô sướng hơn cháu rồi đó nghen ! Hiiiii

    ReplyDelete