Tuesday, December 8, 2015

Thầy và Thợ - Lại Thị Mơ


Thầy ở đây không phải chỉ là thầy giáo, mà bao gồm tất cả những người có bằng đại học, làm  việc ở những nơi, ít ​ chân lấm tay bùn  ​ như thợ, dùng cái đầu nhiều hơn dùng bắp thịt.  

Từ ngàn xưa xứ Việt của mình, kinh tế chủ yếu dựa vào ​ nông nghiệp. Nhưng nơi đâu cũng có  người theo nghiệp sách đèn, biết bao chuyện ca ngợi, khâm phục những người công thành  danh toại, bảng ​ hổ ​  đề danh, dẫu rằng rất nghèo như ​ Trần Minh khố chuối. Rồi lại có những chuyện vừa lãng mạn, vừa ca ngợi tình bạn, vừa cho thấy ​ nơi nào có ý chí, nơi đó có một con  đường: như chuyện ​ Lưu Bình Dương Lễ. ​ Cứ như kiểu treo một chùm cỏ thơm phức phía  trước con ngựa, dụ nó ráng chạy để có bữa ăn đang thèm. ​ Còn ở đây là kiểu ​ mỡ treo miệng  mèo, ​ anh chưa thi đỗ thì chưa ​ động phòng, thiệt là "ác" quá cỡ. 

Ngày xưa quan Trạng sao mà ít  thế, cả nước, mấy năm trời chỉ có được một ông. Mà thi thì chỉ có làm thơ, đâu có ​ dợt sĩ tử đủ  thứ như bây giờ.  Hễ thi đậu là Vua cho ​ ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau. ​ Đã thế lại còn  quân lính, chiêng trống ầm ầm theo sau. Chao ôi, chỉ nghĩ và tưởng tượng thôi, cũng đã thấy  lên tận mây xanh,  chả trách mà Sĩ được đưa lên hàng đầu ​ Nhất Sĩ nhì nông. ​ Chỉ khi ​ có thực  mới vực được đạo, ​ đói quá hết gạo chạy rông ​thì mới nhất nông nhì sĩ. ​ Dẫu sao dân mình, vốn truyền  thống ​ tôn sư trọng đạo,  chỉ bắt sĩ tụt xuống hàng thứ nhì, chưa cho xuống hạng bét. Còn sĩ tử  chỉ bị dè bỉu chút đỉnh ​ dài lưng tốn vải ăn lại nằm,  ​ mấy việc lao động cần đến chân tay, thì bị chê là ​ trói gà không chặt. ​ Chê thì chê vậy thôi chứ hễ có con là cha mẹ đều muốn con mình  đỗ  đạt, bằng cấp thật cao. Mới lớp một mà đã phải học thêm, lên cao hơn một chút là học thêm đủ thứ, để leo lên bậc thang ​ danh vọng ​  sẵn có của xã hội dành cho bằng cấp. Thời Pháp thuộc có chút đỉnh chữ, làm thầy ​ thông, ​ thầy ​ phán  ​ mà đã có ​ sáng Sâm Banh tối sữa bò, chứ đâu có ​ dưa  mắm qua ngày. ​ Bởi vậy muốn tiến thân chỉ con đường duy nhất là học, để có được khoa bảng chức phận.  

Thời vua chúa, chỉ có phái nam mới được đi học, có​ Trạng nguyên ông, chưa hề nghe có  Trạng nguyên bà. ​ Các bà Đoàn thị Điểm, Sương nguyệt Anh ...hình như là học từ cha ruột, ít khi  con gái được đến trường. Tới thế kỷ 20, kỳ thị nam nữ hoàn toàn xóa bỏ, tuy vậy ở thôn quê,  nhiều nhà cũng chỉ cho con gái học vừa đủ xài. Buôn gánh bán bưng thì cho học hết tiểu học,  có cửa hàng kha khá cần tính toán thì cho hết lớp 9. Không cho học cao thì cứ nói là không cần  thiết, đằng này lại gán cho cái tội ​ khỏi viết thư cho trai. ​ Cần gì phải viết thư, thiếu gì cách, các cụ  ngày xưa thật thà quá, hình như ngày xưa Thúy Kiều cũng đâu cần viết thư, vẫn có cách gặp  chàng.   Con gái không cần học nhiều, bởi vậy cuộc đời chỉ có làm thợ:​ thợ cấy, thợ dệt, thợ thêu.... ​ Nhưng con trai thì không ai muốn con mình sau này là thợ. Mọi chuyện đều dồn vào con  đường khoa bảng, nhiều nhà bắt con học đêm học ngày. Kết quả mang về lúc nào cũng phải  hạng nhất, thấp hơn là không vui. Người ta thường nói ​ cuộc đời dâu bể, ​  ý nói cuộc đời con người ta cũng thay đổi vô chừng như  dâu bể​ sông kia giờ đã nên đồng. ​ 

Bởi vậy sau năm 75, mọi thứ đều bị đảo lộn , hết gạo chạy  rông,​ nhất nông nhì sĩ. Đói quá thầy đi làm thợ, ​ chữ nghĩa ích gì cho buổi ấy, mười người đi học  chín người thôi.  Qua xứ người, khó quá thầy cũng đi làm thợ_đó là trường hợp của tôi (và rất  nhiều người cũng thế). Tuy nhiên bên này quan niệm bằng cấp không quá khắt khe như bên xứ  mình. Có rất nhiều cặp, lấy nhau khi vừa xong trung học. Chồng đi làm ​ handy man,  ​ai cần gì làm  nấy, miễn có tiền nuôi vợ ăn học đại học. Sau vài năm vợ có việc tốt, chồng được hưởng theo  tất cả ( từ bảo hiểm sức khoẻ cho tới tiền hưu). Ai kiếm được nhiều tiền( lương thiện) coi như thành công. Xứ người họ thực tế hơn mình rất nhiều, bằng cấp cao (có tiếng) mà đói  meo (không có miếng) thì ích lợi gì. 

Nhưng "đầu đen" ý nói dân châu Á, VN, Ấn Độ, Nhật,  Tàu....thì vẫn chủ trương con cái phải học xong đại học. Mùa hè các lớp hè, toàn là đầu đen, dân châu Á bắt con đi học hè. Trong khi ​ mắt xanh tóc vàng ​  toàn đi du lịch, các chỗ vui chơi  ít thấy đầu đen, cả một mùa hè chỉ cho đi chơi cho có lệ. Tôi là dân đầu đen, dĩ nhiên không thể là ngoại lệ, anh em tôi cũng phải học để khỏi làm thợ, và  tôi trở thành cô giáo. Chỉ có điều lúc tôi đi dạy là lúc kinh tế khủng hoảng, lương thày cô giáo là  lương​  chết đói, ​ ngoài giờ dạy thầy cô phải làm thêm đủ thứ, có nghĩa là ​ nửa thầy nửa thợ. Khi  đói thì đầu gối phải bò, chứ không như thời xưa hễ đã là thầy, vì ​ sĩ diện hão, ​ thầy không bao  giờ (dám) đạp xích lô, cô không có bương chải ở chợ trời.  Tôi đi dạy với cả tấm lòng nhiệt huyết, năm đầu tiên khi làm ​ chủ nhiệm  ​ (trước 75 gọi là giáo sư  phụ trách) lớp 8A4 tôi đã đứng khóc nức nở vì gào thét hoài, học sinh cứng đầu không chịu im lặng nghe giảng bài. Em lớp trưởng Nguyễn thị Dung Hòa đã lên lau nước mắt cho tôi, và năn nỉ  xin cô đừng khóc. Cả lớp ngỡ ngàng im bặt, từ đó về sau các em không còn ồn ào khi tôi giảng  bài nữa. Tên NTDH không bao giờ tôi quên, và đó là kỷ niệm chẳng bao giờ phai nhạt. Qua năm  sau tôi chủ nhiệm lớp 9, trong lớp này có một nam sinh phá phách vô cùng. Thầy cô nào cũng  than phiền," kẹt" một điều là bố em này là Trưởng Phòng nhà đất của Quận. Lúc đó chị Hậu là  Hiệu Trưởng, tôi đã nhiều lần đề nghị phải có biện pháp mạnh với em này, nhưng chẳng thấy có  gì tiến hành. 

Ngày đó tôi còn độc thân, còn ​ lý tưởng, "hung hăng con bọ xít", còn sống trong  nhà cha mẹ. ​ Tôi đâu biết bố của em học sinh quậy phá đó là người duyệt đơn xin nhà của các  thầy cô trong trường. Nhà tôi gần trường, mỗi ngày đi dạy tôi vô cùng khốn khổ vì cứ nghe tiếng  gọi ​ Mơ, Mơ. ​ Gọi trống không, chả cô thầy gì cả. Tôi cứ cắm cúi đi, lờ đi như không nghe gì  cả. Vào lớp, hễ quay lên viết bảng là một mũi tên bắn vèo lên, còn không thì cũng là một cái cùi  bắp, hay hột trái cóc. Cho đến một ngày, tôi không còn chịu nổi nữa. Tôi giao hẹn với chị Hiệu  Trưởng: ​ hoặc là chị đuổi nó, hoặc là em xin đổi trường khác. ​Chị im lặng không  trả lời, nhưng có vẻ đăm chiêu. Quả thật em học sinh đó đã gây phiền toái rất nhiều cho trường, một thứ ​ kiêu  binh. Ngày hôm sau thật bất ngờ bố của em đó xin gặp tôi. Nhà đất hồi đó (ngay cả bây giờ) rất  hot, ​ mà ông Trưởng Phòng đầy uy quyền lại muốn gặp tôi?  

Tôi vẫn tin vào định mệnh, có những chuyện đã đưa đẩy, làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một con người. Hôm đó, khác với khuôn mặt lém lỉnh của em học sinh quậy phá, bố của em rất  hòa nhã khiêm tốn, ông đã ngồi im nghe tôi phân trần. Tôi nói rằng, cha mẹ nào cũng muốn con  mình có bằng đại học, thành Bác Sĩ, Kỹ Sư, hoặc ít ra cũng thành Thầy. Chẳng ai muốn con  mình thành thợ. Nhưng con đường dài lắm, em phải đậu vào lớp 10. Sau 3 năm em còn phải thi  tuyển vào đại học, học thêm ít nhất 4 năm. Tôi không chắc em được tốt nghệp năm nay, vì em  học kém lắm. Em đã mất căn bản hoàn toàn, có lẽ vì không hiểu bài và em lại học trễ mấy  năm nên  mới sinh ra quậy phá. Tóm lại em chỉ đến trường kéo dài thời gian. Tôi khuyên ông nên cho em đi học nghề, vài năm nữa đến tuổi  trưởng thành em có nghề nuôi thân. Sau đó  không thấy em đi học. Thật là trút được gánh nặng. Thầy cô mừng ít, nhưng chị Hiệu Trưởng  mừng nhiều, thật là khó xử cho chị. Bố em cho em về nhà, không phải vì em bị đuổi học, mà là  tự ý xin chuyển trường. 

Thời gian trôi qua, mọi chuyện đi vào quên lãng. Chị Hiệu Trưởng cũng đổi đi trường khác,  cuộc sống tất bật lo cơm áo gạo tiền, tôi không còn nhớ câu chuyện cũ. Cho đến một ngày, tôi  đang đi trên con đường hẻm nhỏ, gần trường cũ. Tôi nghe tiếng gọi vói đàng sau lưng "Cô ơi, Cô ơi.." và chừng như có tiếng chân ai chạy. Tôi quay lại, hơi hồi hộp khi nhận ra cậu thanh niên đang chạy ùa về phía tôi chính là cậu học trò nghịch ngợm ngày xưa. ​ Dễ tới hơn mười năm,  mới gặp lại "cố nhân". Tôi vẫn còn nhớ mãi cậu học trò gây nhiều rắc rối. 

Trái với điều tôi lo ngại. Cậu cầm lấy tay tôi, bằng cả hai tay mà nói: "Em tìm cô mãi, để nói lời cám ơn, nhờ cô em  mới có được ngày hôm nay." Sau khi nghe cô giảng giải, bố em thấy những điều cô nói vô cùng  hữu ích cho em. Bố em đã cho em học nghề sửa xe, vì bố có người bạn có sẵn tiệm sửa xe. Em  học chữ không vô, nhưng em học nghề rất nhanh. Tôi cười nắm tay em bảo rằng ​ như vậy em  đã biết dùng sở trường của mình. Nay thì nhất nghệ tinh nhất thân vinh rồi phải không ? ​ Cậu ta  cười khoe rằng bây giờ cậu đã có cơ ngơi làm chủ một tiệm sửa xe rất đông khảch. Tôi chúc mừng cho em và bảo rằng  chắc lương kỹ sư  một tháng chỉ bằng doanh thu của em trong một  tuần. Em cười, nét mặt rạng rỡ và cứ nói hoài câu nhớ ơn cô. 

Thật ra tôi vẫn khuyên các em  cuối cấp (lớp 9), ​ hãy chuẩn bị cho mình một hướng đi, đừng phí phạm thời gian. Hồi đó các  trường nghề đào tạo ngắn hạn chỉ cần học hết cấp hai, như tá viên hộ sinh (cô đỡ hương thôn  ngày xưa, thường gọi là bà mụ), trường dạy nghề Don Bosco ở Gò Vấp ....Học ở các trường  này có trợ cấp. Nếu các em thấy gia đình không lo nổi cho 3 năm trung học và 4 năm đại học, và điều quan trọng hơn cả, em tự xét khả năng học của mình có thể lọt qua đợt thi tuyển đại  học hay không?​  Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay. ​ Tôi  còn mang chính mình ra làm bằng chứng, lương thầy cô chỉ đủ húp cháo.  Tưởng rằng mình chỉ khuyên học trò ​ như nước đổ lá khoai.  ​ Không ngờ, câu tục ngữ Mỹ "You  get back more than you give" lại ứng nghiệm cho tôi. Tôi sinh thằng con đầu lòng ở bệnh viện  Từ Dũ, bất ngờ sao hôm đó có cô hộ sinh Nguyễn thị Tuyết Hồng trực đêm. Ngày đó cái gì cũng  theo kiểu hiểu ngầm ​ nhất thân nhì thế. ​  Một cô giáo nghèo như tôi, xin nằm phòng "thí" thôi, nhưng y công lại đẩy vào phòng nằm riêng một mình. Sao lại có chuyện kỳ lạ vậy? Sau khi  tôi hết mệt, Tuyết Hồng bưng đến cho tôi một ly sữa nóng. Em bảo rằng em đã nghe theo lời  khuyên của tôi ngày xưa. Gia đình em rất nghèo, đông con, em thi vào trường đào tạo cô đỡ  của Bệnh Viện Từ Dũ. Ra trường đậu Thủ Khoa, nên em được giữ lại trường. Em lại cám ơn.  Tôi  bảo rằng cô phải cám ơn em chứ. Em đã nhận tôi là người nhà (theo quy định bệnh viện), mà lại  là cô giáo ngày xưa, tôi được hưởng thật nhiều ưu đãi suốt 7 ngày ở đó, tôi được hưởng tiêu chuẩn cán bộ, không trả xu nào. Khả năng của tôi nằm phòng miễn phí, nói cho đỡ tủi, dù nằm  phòng ​ thí (hai bà/một giường, tám người/ một phòng) cũng có hề gì,  ​miễn sao mẹ tròn con  vuông là được rồi. 

Trẻ con sinh ra không phải là cái cây, tự hút chất dinh dưỡng để lớn lên không cần cây mẹ, trẻ  con cần được hướng dẫn, chỉ bảo khi chưa biết phân biệt phải trái. Tuy nhiên, rất nhiều người tham vọng, ​dùng kỷ luật thép để bắt con phải đạt tới mục tiêu mình muốn, như một thứ nô lệ. Bởi  vì bản thân họ đang bị nô lệ bởi ​ con ma tham, con ma kiêu mạn nói theo lời Phật dạy. Đó là  trường hợp của Amy Chua, đã tự gọi mình là "Tiger Mom", gốc Tàu, tốt nghiệp Harvard. Hai  con gái của bà bị bắt buộc phải đạt được tất cả tiêu chuẩn bà muốn từ học chữ tới học  đàn. Thật khủng khiếp khi cô con gái nhỏ không chơi được đàn Violon, bà bắt tập cho tới khi  được thì thôi, không cần biết đứa trẻ có năng khiếu hay thích loại nhạc cụ đó hay không? Dẫu  biết rằng ​ thiên tài là một nửa của lao động. Cuốn sách của bà là một thách thức cho ​Western Freedom sự tự do của phương Tây. Môi trường chung quanh đã ảnh hưởng tới con người mọi  mặt. 

Đã bao đời chúng ta đã suy nghĩ theo "ước lệ", mọi thứ cứ phải đi theo con đường đã vạch  sẵn. Không bao giờ mình nghĩ vô tình mình đã trở thành ​ nô lệ. ​ Mình đã trở thành độc đoán, dùng uy quyền cha mẹ để bắt con phải thỏa mãn ​ cái tôi  ​ của mình. Đó là trường hợp bà mẹ ở  Cali, bà vốn là Dược Sĩ ở Việt Nam. Qua đây bà cũng lấy được chồng khi đã lớn tuổi. Chồng  bà chỉ là anh thợ điện, dù muộn bà cũng có được hai cậu con trai,và sống chung với chồng 15  năm. Mười lăm năm quá ngắn cho một cuộc sống êm đềm, nhưng quả là quá dài cho một gia đình nhiều sóng gió. Hai người chia tay, ông chồng lấy vợ khác, được quyền giữ cậu em, còn anh ở với bà mẹ. Phật bảo rằng trong con người ta có ​ bẩy thứ tình: hỉ nộ ái ố ai lạc dục. ​ Nộ giận, ố ghét hận, là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Khi hận, người ta tìm cách trả thù cho thỏa mãn ​ cái  tôi kiêu mạn.  Bà nhất định cậu con ở với bà, phải trở thành Bác Sĩ dù cậu chỉ muốn học Dược. Cậu học  yếu, bà tìm thuê nhà ở nơi dễ được vào Đại Học Y Khoa. Sau vài năm xin chuyển về nơi cũ, bà  đã thành công với dự tính của mình, bà may mắn có người con vẫn còn nghe lời mẹ và sung  sướng vì ít ra cũng có người để bà lèo lái theo ý mình. Bà tưởng tượng nơi cộng đồng bà ở, mọi  người sẽ kiêng nể ​ mẹ của ông Bác Sĩ. ​ Cậu em sống với bố được theo học môn mình ưa  thích. Cả cậu và bố luôn ái ngại cho cậu Bác Sĩ tương lai. Tội nghiệp cho cậu, từ ăn đến mặc, nhất nhất phải tuân theo ý mẹ. Cậu như một thứ ​ Robot. Cho đến một ngày, dẫu được tiếng là  người con có hiếu, cậu không còn chịu nổi áp lực của bà mẹ.​ Nồi súp de đã bung nắp. ​ Áp suất  đè nén bấy lâu nay, cậu đã xông vào bóp cổ mẹ mình. Kết quả Pháp Y cho thấy bà mẹ đã chết vì bị ​ đứng tim. Cậu đã dừng tay, khi thấy đôi mắt kinh ngạc của bà. Không bao giờ bà nghĩ  chuyện này xảy ra. Trước vành móng ngựa, người em đã buồn rầu kể cho Quan Tòa tất cả uẩn khúc của thảm kịch. Anh cậu chỉ là nạn nhân.  

Cũng một trường hợp muốn con thành Bác Sĩ, sau lễ tốt nghiệp tưng bừng, nở mày nở mặt cho  cha mẹ, sáng hôm sau người ta đã tìm thấy lá thư tuyệt mạng kèm với mảnh bằng Ph.D với  hàng chữ: con đã mang về cho mẹ ​ danh vị mà mẹ muốn. ​ Cậu Tân Khoa đã từ giã cõi hồng  trần, nông nổi biết bao!  Qua xứ người, bằng cấp không còn là con đường duy nhất để tiến thân. Steve Jobs và Bill Gates từ giã đại học, vì thiên tài nhìn ra thời gian học ở trường vừa tốn tiền, vừa mất thời  giờ. Nhà văn Tiểu Tử đã có một nhận xét ​ dí dỏm  ​ về chuyện ​ bình thường ​ và ​ bất bình thường ​giữa xứ  người và xứ mình. Cái gì ở Mỹ là bình thường, thì bên mình là bất bình thường. Ông minh họa  bằng hình ảnh một anh chàng ngủ ở lề đường, xích cái bánh xe đạp vào chân mình, có xỏ thêm  đôi dép. Gặp bạn bè và trong cộng đồng di dân, con cháu ai cũng có bằng đại học là chuyện bình thường, không có mới là chuyện lạ! Nghe nói bên VN toàn cậu Cử cô Cử phải đi rửa chén hay làm tài xế Taxi. Như vậy là ​ thầy  ​ hay ​ thợ.  Lại còn ​ nhất thân nhì thế, ​ làm sao kiếm ra việc? 

Không ai phủ nhận ích lợi của chuyện đi học, nhất là thời buổi hiện nay, khi mà kỹ thuật hiện đại  biến hóa không ngừng. Ở Mỹ việc nghiên cứu ​ research  ​ rất quan trọng, bất cứ lãnh vực nào  cũng tích cực nghiên cứu. Bởi vậy bất cứ một trường đại học nào, cũng đều có phòng nghiên  cứu. Không tiến tức là lùi, đó là lý do tại sao càng ngày càng có nhiều phát minh trong mọi lãnh  vực.  Khi tuyển dụng ở Mỹ người ta không chú ý đến mảnh bằng MS, BS, MD, MBA, Ph.D cho biết  bạn đã trải qua những giai đoạn đào tạo, bạn sẽ biết những kiến thức trong lãnh vực đó là lẽ tự  nhiên. Ở đây, khi tuyển dụng người ta phải ​ phỏng vấn interview  ​ bạn.​ Nhân hiền tại mạo, trông  mặt mà bắt hình dong, đôi khi cũng đúng đấy bạn ạ. Interview vô cùng quan trọng, không phải người ta chấm sắc đẹp đâu, tùy công việc mà họ sẽ trắc nghiệm tâm lý của bạn. 

Ngày xưa năm  học lớp 8, môn Sử Địa được chọn thử nghiệm thi ​ trắc nghiệm ​mà học trò gọi là thi a,b,c  khoanh. Khoẻ quá không phải viết:  khỏi học bài. Bạn đã lầm to, Mỹ không ​ ngu  ​ như bạn nghĩ  đâu, hễ họ phát minh ra cái gì là cái đó phải có ích lợi (cho họ). Ngày xưa học hành thi cử  kiểu Pháp (từ thời Pháp Thuộc), bài thi chỉ làm bài viết. Cứ cho 5 câu từ dễ đến khó, tất cả mọi  môn. Hễ làm hoàn toàn 3 câu đầu (dễ), hạng bét cũng đậu ​ thứ. ​ Sách có 10 chương, chỉ cần học ​ tủ  ​ 5  chương thôi. Ra trường thì chờ bổ nhiệm, mọi thứ đã có Chính Phủ lo. Mỹ  cho thi trắc nghiệm,  câu hỏi dàn đủ 10 chương, lại còn bắt tốc độ, chỉ cho vài giây suy nghĩ, đừng hòng mở tài liệu, quay cóp. Học xong thì tự mà kiếm việc. Khi phỏng vấn, chủ Mỹ đặt nặng vào thái độ làm việc.  Họ có thể hỏi những câu mà không biết trả lời thế nào, vì thấy cái gì cũng đúng. Tỷ lệ trả lời  đúng sai sẽ cho biết bạn là ai?  Thầy hay thợ, khi hàng ngày bạn nghe, xem thấy nhan nhản chung quanh Kỹ Sư, Bác Sĩ bằng cấp thật cao mà đối xử vô đạo đức​  với  ​ cha mẹ anh em, lừa thầy phản bạn.  

Ngày xưa đọc báo cũ, tôi nhớ có chuyện hai ông Bác Sĩ bêu xấu nhau. Ông này nói ông kia bố  quét rác, còn bố ông là đại gia. Ông kia đã trả lời rằng: nếu bố tôi quét rác mà nuôi tôi ăn học thành người, thì đáng hãnh diện hơn ông.  Steve Jobs trong cuốn tự truyện, đã nhấn mạnh  bố (nuôi) tôi chưa học hết trung học, nhưng thông minh  hơn Kỹ Sư. Sửa xe giỏi, làm chủ chứ không làm tớ. Steve thông minh từ bé, ông cứ  ngỡ đó là di truyền từ bố mình, và rất chua xót khi biết mình chỉ là con nuôi.  

Bây giờ là thời buổi internet, xin các bạn hãy tìm đọc bài: "I love yous are for the White people" của Lạc Sử  để cảm thông cho tác giả, không, cho tất cả chúng ta, và để diễn giải thêm cho quan niệm ​Thầy thợ mang nặng trong lòng hầu hết cha mẹ di dân.  Tôi xin sơ lược câu chuyện đời của một di dân : Gia đình Lạc Sử ( bố Hoa mẹ Việt) vượt biên năm 1978 lúc ông 3 tuổi, định cư ở Los Angeles. Chỉ 3 năm sau, bố bị bệnh thành kẻ tàn phế,  mẹ phải ở nhà chăm sóc bố, cả nhà sống bằng trợ cấp xã hội. Từ một người giàu có ở VN dĩ  nhiên mới có tiền vượt biên), nay thành kẻ tật nguyền, cha của ông trở thành một người trầm  cảm, uất ức và cay đắng cho hoàn cảnh của mình. 

Theo truyền thống Á Đông, con phải thành công về học vấn. Sau 8 giờ học ở trường, mỗi ngày  ông phải học  từ 3 tới 4 giờ Hoa Ngữ với 3 cây roi đặt sẵn, để quất túi bụi vào lưng, vào chân  hoặc bất cứ chỗ nào đứa trẻ 3 tuổi nếu viết hay đọc sai mỗi chữ.  Tới   tuổi thiếu niên, một lần Lạc Sử lấy trộm tiền của mẹ, chẳng nhiều lắm đâu đưa cho một thằng​  đầu  gấu, ​ chuyên bắt nạt trẻ con trong xóm cho nó chơi Videogame. Bố anh biết được đã cho anh  một trận đòn nhừ tử, và tống ra đường với thân thể gần như trần truồng. Tác giả kể lại rằng, tất  cả cái đau đớn thể xác từ trận đòn thừa sống thiếu chết, chẳng thấm vào đâu với nỗi nhục nhã  ê chề bị nhạo báng, giễu cợt của chính đứa cầm tiền của ông.  

Và một lần đến nhà bạn học vào dịp Giáng Sinh, chứng kiến cảnh gia đình  bạn quây quần ăn  tối, họ nói với nhau những lời yêu thương, làm cho ông nghĩ rằng chắc tại  mình chẳng bao giờ  nói với bố những lời yêu thương, nên mới bị đánh đập như thế. Nghĩ vậy, ông chạy ngay về nhà, đứng sau lưng bố thầm thì "​I love you". Không thấy bố trả lời, tưởng ông không nghe, Lạc Sử  nhắc lại to hơn. Bố ông quay lại, thẳng tay cho ông ăn vài cái tát nẩy đom đóm với giọng rít lên: "Mày đừng bao giờ nói câu đó một lần nữa, chỉ có người da trắng mới nói thôi".  Người Á Châu, nhất là trong gia đình tác giả, tình cảm chỉ diễn tả bằng hành động. Bố là người  chủ, có toàn quyền quyết định mọi chuyện, chủ nhân ông thì luôn luôn đúng. Bố ông quan niệm rằng chỉ có thể dạy dỗ con cái khi chúng còn nhỏ, như uốn một cái cây, tới lớn thì vô phương ​ cây  kia vin cả gẫy cành. ​  Đòn roi chỉ chấm dứt khi ông học đại học năm thứ hai, vết thương tâm lý và phụ tử tình thâm là hai nỗi băn khoăn ám ảnh suốt cuộc đời tác giả. 

Như vậy chỉ thành công trong đường học vấn mới gọi là thành công ư? 

Lại Thị Mơ 

No comments:

Post a Comment