1.
Quận Hoài Nhơn, 1969, một năm sau Tết Mậu Thân. Tôi nhận lệnh dẫn một
nửa Đại đội 202 CTCT, từ Ba Gi (Qui Nhơn), đại bản doanh của Sư Đoàn
22BB, ra tăng phái cho Trung đoàn 40 –lúc ấy đóng tại Đệ Đức, trên đường
Bồng Sơn và Tam Quan. Nửa đại đội được chia làm hai toán. Mỗi toán gồm
trên dưới mười người do một chuẩn úy chỉ huy, hằng ngày, theo lịch
trình, đi xuống các xã ấp thuộc quận, hoặc bằng xe dodge cơ hữu, hoặc thỉnh thoảng, vì lý do an ninh, bằng trực thăng của Sư đoàn I Không Kỵ (1st
Cav) Hoa Kỳ, để làm công tác, một cách độc lập, nhưng đôi khi phối hợp
với một toán Dân sự vụ Mỹ. Xuống những xã, ấp xa xôi, hai toán chúng tôi
phải tự bảo vệ lấy, và vì thế được trang bị súng ống tương đối đầy đủ,
và các toán viên thường là lính tác chiến lâu năm hoặc bị thương đổi về,
có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Ít khi phải nhờ đến sự trợ giúp của
những đơn vị địa phương quân hay nghĩa quân.
Tôi
nhớ buổi sáng hôm đó là ngày 25 tháng 12, đúng lễ Giáng Sinh. Chuẩn úy
Hoàng, một trưởng toán, bị bệnh. Tôi phải đi thay, dẫn toán của anh đến
ấp Vĩnh Phụng, xã Hoài Xuân –nằm dọc, cũng như những xã khác của quận
Hoài Nhơn, trên hai bờ sông Lại. Không khí cuối năm vắng ngắt, đơn điệu,
đến độ nhàm chán. Tại những vùng quê hẻo lánh Việt Nam thời ấy không có
nhà thờ, không tổ chức mừng Giáng Sinh rầm rộ như dân thành thị, Sài
Gòn, hay Nha Trang của tôi, chẳng hạn, dù có đạo hay không. Không có
tiếng chuông giáo đường ngân nga, rộn rã. Không có, như bây giờ, cây sapin
giăng đèn lấp lánh, và ông già Nô-En đứng trước cửa siêu thị, rung
chuông leng keng, chúc lễ và phát quà cho trẻ em. Chỉ có một ngôi nhà
thờ duy nhất tại thị trấn Bồng Sơn cho toàn quận Hoài Nhơn, và dân Công
giáo, từ các xã ấp, phải lên đó để dự lễ mỗi sáng Chúa Nhật.
Chúng tôi đến Vĩnh Phụng làm công tác Dân sự vụ và Tâm lý chiến. Như
thường lệ. Nghĩa là bắc loa kêu gọi dân trong ấp đến tập họp trên một
khoảng đất trống, rộng, và chung quanh có bóng cây xanh mát, gần trụ sở
ấp, rất an toàn. Tại đây, họ được y tá khám bệnh thông thường, phát
thuốc tại chỗ, hoặc được xe của toán chở về bệnh xá Bồng Sơn trong
trường hợp bệnh nặng, cấp cứu… Hay được nghe một toán viên nói chuyện,
nhắc nhở: đề cao chính nghĩa quốc gia, kêu gọi đồng bào đừng bỏ xóm
làng, “lên núi thoát ly” theo Việt Cộng, đừng “ăn cơm quốc gia thờ ma
Cộng sản” v.v… Các em nhỏ được phát kẹo bánh, tập vở, bút mực, và sau đó
được tập bài quốc ca VNCH hay những bài hát quen thuộc, ví dụ, tôi nhớ,
Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời… Việt Nam, nước tôi…hay Đây Bạch Đằng giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng…
Làm xong bấy nhiêu công việc thì đã hết buổi sáng. Tôi cho cả toán nghỉ
ngơi, ăn trưa và tự do đi lại trong ấp, nhưng không quá xa, chờ đến giờ
trở về Đệ Đức. Còn tôi và một vài anh lính trải poncho nằm trên
cỏ, bên gốc cây, ngước nhìn ánh nắng lấp lánh chiếu qua vòm lá và nghe
tiếng chim hót líu lo trên cành. Một số toán viên, còn trẻ, xin đi vào
nhà dân, để thăm hỏi các cụ già và, tôi đoán, để nhân dịp, tán gẫu với
các cô mơn mởn đào tơ, má hồng môi thắm tự nhiên. Thực vậy, theo cặp mắt
cá nhân, chủ quan, của tôi, gái Bồng Sơn và Tam Quan nổi tiếng đẹp nhất
vùng Bình Định, nếu không muốn nói cả Vùng II Chiến Thuật.
2. Tôi
đang lim dim mắt, miên man suy nghĩ chuyện đời, và một anh lính đang
nghêu ngao một bài vọng cổ, thì bỗng một tiếng mìn nổ vang, từ bờ ruộng,
không xa chỗ tôi nằm bao nhiêu. Giật mình chồm dậy, chụp vội cây súng,
và thấy một làn khói đen tỏa bay trong không gian. Nghe tiếng kêu la của
vài em nhỏ hớt hải chạy về phía tôi: “Ông Thiếu úy ơi, có con nhỏ Út bị
thương nằm kia kìa…” Cũng đoán biết được chuyện gì đã xảy ra, cả toán
tất tả đi theo các em, về phía cánh đồng, súng cầm tay, trong tư thế sẵn
sàng nhả đạn. Đến nơi, thấy nằm gục nửa dưới ruộng, nửa trên bờ, một bé
gái, tức “con nhỏ Út”, độ tám, chín tuổi, cao và gầy đét như khúc củi,
mình mẩy và mặt mày đầy máu, nhuộm đỏ cả chiếc áo cụt trắng. Mấy đứa trẻ
mách: Út ra ruộng sớm, mót lúa, đã đạp phải mìn gài sẵn. Chưa biết của
bên nào. Tôi thận trọng, đưa mắt quan sát hiện trường, xem có quả mìn
hay lựu đạn nào chưa nổ, hay một tên du kích nào đang rình chờ chúng
tôi.
Y tá Thám
cúi xuống, cầm lấy tay Út bắt mạch, rồi đặt ống lên ngực nghe nhịp thở,
tiêm một mũi thuốc không tên, mà anh nói để “cầm máu”, và cho uống hai
viên aspirine để giảm đau, trong khi tôi choàng tay, cẩn thận, đỡ
bé ngồi dậy. Người bé mềm nhũn, miệng rên nho nhỏ, liên tục. Vì trái
mìn bẫy đặt ngược hướng, sợi dây kíp khá dài, và nổ khi Út đứng khá xa,
nên thân thể còn nguyên vẹn, không nát bấy, chỉ bị ghim đầy những miểng
sắt li ti. Gương mặt xinh xắn của bé, có vẻ già dặn trước tuổi, lúc ấy
xanh như tàu lá, và cặp mắt lờ đờ ngước nhìn tôi. Thám quay sang, kín
đáo khẽ lắc đầu, và tôi hiểu. Từ thân thể Út máu tiếp tục chảy từng
giọt, chắc bé đau đớn lắm. Bé kêu khát. Tôi mở bi đông, đổ nước vào nắp,
cho bé uống vài hớp nhỏ. Vừa suy tính rất nhanh. Tại các ấp, như Vĩnh
Phụng, làm gì có trạm cấp cứu, nhân viên y tế, hay thuốc men. Chở đi
Bồng Sơn không kịp nữa, vì bé đã yếu lắm rồi, lả người trong vòng tay
tôi. Gọi máy PRC 25 về trung đoàn, buổi trưa, không gặp ai. Gọi thẳng Sư
đoàn 1st Cav Mỹ xin trực thăng tải thương thì không biết tần
số, và tốn thời gian lắm, lại sợ họ không tin mình. Không còn biết làm
gì hơn, tôi dùng khăn ướt lau sơ máu trên mặt, trên tay của bé và cầu
nguyện cho bé gắng gượng thêm độ nửa giờ nữa thôi –thời gian vừa đủ để
xe chúng tôi chở kịp về tới Bồng Sơn.
Bỗng Út mở to mắt, nhìn thẳng vào tôi, ngơ ngác, như vừa tỉnh cơn mê từ một cõi nào rất xa xôi. Bé thều thào hỏi:
– Con qua nổi không chú?
Tôi liếc nhanh về phía y tá Thám, rồi gật đầu:
– Qua nổi chứ con! Nếu con hứa là con gượng thêm nửa giờ nữa…
Bé mở hé đôi môi, cố gắng mỉm cười khó khăn, lắc nhẹ đầu, và đáp khẽ:
– Không kịp đâu chú, con biết con không sống nổi, con mệt quá rồi. Khi
nãy trong giấc mơ, con có gặp ba cô mặc áo trắng tinh, có hai cánh trên
lưng, nói đang chờ để rước con đi…
Rồi Út tiếp, giọng rời rạc, càng lúc càng nhỏ dần, nhỏ dần:
– Chú ơi, con muốn được ôm, trước khi chết… con là đứa mồ côi, không
cha không mẹ, không người thân thích… con ở đợ, mót lúa cho nhà người
ta… không có ai thương con hết… con muốn được ôm, một lần này thôi…
Tôi bật khóc, ôm bé vào lòng, hôn lên trán, lên tóc bê bết máu, mà nước
mắt tuôn rơi như mưa, chảy xuống ướt chiếc áo trận, hòa lẫn với máu của
bé chưa khô. Vừa lúc ấy, trên cặp môi tím ngắt bé như cố nở một nụ cười
mãn nguyện. Rồi ngoẹo đầu vào ngực tôi, bé làm động tác muốn giơ hai
cánh tay lên, nhưng không đủ sức, lại bỏ xuống, và nửa giây sau, bé từ
từ nhăm mắt, và trút hơi thở cuối cùng trong tay tôi. Tất cả diễn ra
không đầy bốn phút, từ lúc gặp bé nằm ở bờ ruộng.
Tôi nhẹ nhàng buông xác bé xuống, đặt nằm ngay ngắn trong tấm poncho còn mới của tôi. Bé đã được liệm bằng poncho,
giống như một người lính chiến thật sự. Giống như những đồng đội của
tôi chết trận, mà tôi được chứng kiến, tại Ban Mê Thuột, Kontum, Phan
Thiết… năm nào. Chung quanh, mọi người vẫn đứng yên, lặng thinh, mắt đỏ
hoe, kể cả tốp lính địa phương quân vừa kịp đến để chứng kiến cảnh tượng
thương tâm này. Tôi biết, cũng như tôi, những người lính, rất chai lì
vì phải thường trực thách đố với cái chết cận kề, và định mệnh tàn nhẫn,
không khóc dễ dàng. Nhưng trước thân xác gầy guộc, đẫm máu, của Út, một
bé gái nạn nhân vô tội của chiến tranh khốc liệt, phi lý, cây cỏ cũng
khóc theo, huống chi người. Khi tôi hỏi, mìn do ai gài, một anh địa
phương quân nói lớn, có vẻ tức giận:
– Mìn của mấy thằng du kích Việt Cộng gài đó, ông thầy. Còn ai trồng
khoai đất này. Sáng nay, tụi em chưa kịp đi gỡ thì con nhỏ Út ra ruộng
sớm, đạp trúng. Tội nghiệp nó quá.
Tôi giao tấm poncho
gói xác Út cho nhóm địa phương quân và moi tiền từ bốn túi quần, cộng
với tiền gom góp của anh em tự nguyện trong toán, không đếm bao nhiêu,
nhưng đoán khá bộn, đưa hết cho trung sĩ trưởng nhóm, và nói:
– Tôi nghe nói bé Út mồ côi, nghèo khổ, nên nhờ các anh mua cái hòm cho
bé và làm phước, chôn cất tử tế giùm. Còn thiếu bao nhiêu các anh bù
giúp cho.
3. Trên
đường về lại Bồng Sơn, cả toán không ai nói với ai một lời nào. Giống
như một lần trước đó không lâu, khi chúng tôi chở đến bệnh xá quận lỵ
một bé trai mười tuổi từ một ấp, xã khác, gần hơn, đã đạp phải lựu đạn
cũng của Việt Cộng –bị thương khá nặng, nhưng sống sót, vì được cứu kịp
thời, chỉ phải cưa một chân. Tôi ngồi im, như tượng đá, và mắt vẫn còn
cay sè. Đến Bồng Sơn, đi ngang nhà trọ của Thơ Thơ, tôi bảo tài xế dừng lại, chờ tôi mười phút. Nàng mở cửa, thấy quần áo tôi dính đầy máu, hoảng hốt kêu lên:
– Trời ơi, anh bị thương phải không?
Tôi lắc đầu, gượng mỉm cười. Nàng ôm tôi vào lòng, siết chặt, như sợ
tôi biến thành mây bay đi, và tôi kể hết câu chuyện bé Út. Nàng vừa nghe
vừa rơm rớm nước mắt. Rồi nghẹn ngào nói nhỏ:
– Tội nghiệp bé quá. Tối nay em sẽ thắp nhang khấn vái cho hồn bé được
siêu thoát. Sau khi nghe chuyện này, em yêu anh quá, em yêu anh hơn, em
yêu anh mãi mãi. Mãi mãi, anh biết không? Cái chết không bao giờ có thể
chia lìa hai đứa chúng ta.
Hôm sau, Hoàng hết bệnh, tôi trả lại toán để anh dẫn xuống Vĩnh Phụng
tiếp tục công tác thường nhật. Còn tôi, từ đó cho đến ngày rời bỏ Bồng
Sơn trở về Bà Gi, tức hơn nửa năm sau, không bao giờ đặt chân lên ấp đó
nữa, dù chỉ ghé qua một lần. Để tránh nhớ một trong những kỷ niệm thảm
thương nhất, nếu không muốn nói một kỷ niệm thảm thương nhất, trong suốt
đời lính. Sau ba tháng, tôi được lệnh của trung đoàn ngưng công tác tại
quận Hoài Nhơn, và điều động cả hai toán ra Tam Quan –một quận lỵ nguy
hiểm nhất của Bắc Bình Định.
4. Rồi
qua bao nhiêu thăng trầm, trong suốt bốn mươi bảy năm kể từ Noël 1969
đó, tôi cố quên cái chết của bé Út, cũng như của Thơ Thơ –đã gục ngã
trên đường di tản tháng 4 năm 1975, khi đoàn người chạy loạn bị Việt
Cộng pháo kích. Cố quên và xem tất cả như một dĩ vãng tàn khốc và kỷ
niệm thảm thương của chiến tranh, của một thời để yêu và một thời để
chết. Cố quên, nhưng không thể được.
Đặc biệt bé Út. Quả thế, cứ mỗi cuối năm khi mùa Giáng Sinh tới, và cứ mỗi lần tôi giơ tay ôm hug
ai, thì hình bóng tội nghiệp của bé bỗng dưng lại hiện về trong tâm
trí, với thân xác đầy máu và thương tích, với vẻ mặt đau đớn tột cùng,
với những lời trối trăn, đứt quãng, “con muốn được ôm… không ai thương
con hết…” Hỡi ơi, buồn này biết đến kiếp nào mới
nguôi? Bé hiện về như một ám ảnh dịu dàng, vời vợi. Như một linh hồn
nhỏ mồ côi, trắng tinh như tờ giấy mới, lạc loài giữa trần ai quỷ ma ác
độc. Như một quý nhân phù trợ mà hương linh lẻ loi còn mãi lẩn quất bên
người, hơn cả chiêm bao, qua suốt nửa thế kỷ. Để
cùng với Thơ Thơ –người rất yêu dấu bên dòng sông tương tư ngày nào– nắm
tay tôi, dắt đi qua những phong ba của cuộc đời.
Portland, ngày Giáng Sinh, 25/12/2016
Kim Thanh
Nguồn: buonvuidoilinh.wordpress.com
Chua oi!!
ReplyDelete