Cách
đây hơn nửa thế kỷ, nhạc phẩm “60 Năm” của cố nhạc sĩ Y Vân ra đời đã
thu hút sự quan tâm và mến mộ của rất nhiều người yêu âm nhạc. Với những
ngôn từ đơn giản và dòng nhạc Twist mới mẻ khá sôi động và lôi cuốn lúc
bấy giờ, tác giả đã đưa vào lòng người những suy ngẫm đậm chất triết lý
về sự mong manh, ngắn ngủi của kiếp người. Ca khúc “60 Năm” phần nào
diễn tả một sự thật trần trụi về sự sống – cái chết, cũng như thốt lên
nỗi niềm nuối tiếc của kiếp nhân sinh: “Em ơi có bao nhiêu – 60 năm
cuộc đời. 20 năm đầu – sung sướng không bao lâu. 20 năm sau – sầu thương
cao vời vợi. 20 năm cuối – là bao.”
Sống
để rồi chết – đó là quy luật có phần nghiệt ngã, nhưng là quy luật bất
di bất dịch không ai không phải ngang qua. Chính tác giả Thánh vịnh cũng
thốt lên mấy lời vừa như có tính khẳng định, lại vừa có chút nuối tiếc,
thêm chút thắc mắc, nhưng cũng đầy ý khuyên răn: “Đời chúng con tàn
tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài. Tính tuổi thọ, trong ngoài
bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao
khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv 90,9-10).
Như
vậy, việc sinh ra của bất kỳ con người nào trên trái đất này đều đã sẵn
mang một “bản án tử hình”. Bản án ấy luôn treo lơ lửng trên đầu và
không ai biết trước được thời điểm thi hành án. Kẻ trẻ – người già, kẻ
bệnh – người đang khỏe, kẻ đạo đức – người tội lỗi, kẻ quyền cao chức
trọng – người thấp cổ bé họng, kẻ vui – người buồn… tất cả đều có thể ra
đi bất cứ thời điểm nào dù muốn dù không.
Như
thế, phải chăng cuộc sống quá ư vô nghĩa và hết sức phi lý như chủ
nghĩa hư vô phương Tây trong thời đại của triết gia Nietzsche rao giảng
mà chính triết gia đã mạnh mẽ tố cáo: Hư vô chủ nghĩa dạy người đời
rằng: “Đời không đáng sống. Tất cả mọi sự đều vô ích. Thôi, cứ sống cho
qua ngày. Sống chờ đợi. Chờ chết.”[1]
Buông
trôi. Có thể gọi những người sống mà không quan tâm đến ý nghĩa cuộc
đời, không tìm hiểu tại sao mình lại sống để rồi phải chết là những kẻ
buông trôi. Họ bước vào cuộc đời không lý do vì họ chẳng để ý gì đến lý
do; và rồi họ kết thúc cuộc sống cũng chẳng cần hỏi tại sao. Ấy vậy mà
khi đang sống, họ vẫn lo “chạy”, thậm chí là cật lực chạy từ ngày này
qua ngày khác để tích lũy, để thỏa mãn nhu cầu, để nở mày nở mặt với
thiên hạ,… và rồi họ chết.
Một
số khác khá hơn thì cũng có suy nghĩ, có cật vấn bản thân, cũng tìm
hiểu… nhưng rồi cũng chỉ biết “sống để rồi chết”. Họ thấy đời sống thật
sự vô nghĩa. Bởi họ tin rằng chết là dấu chấm hết của cuộc sống, nên họ
tìm cách đạt cho kỳ được tất cả mọi sự khi đang sống. Tuy nhiên, chắc
hẳn rằng chẳng ai – dù đạt được hay nếm hưởng được tất cả mọi sự trên
đời có thể có hạnh phúc – khi biết rằng rồi đây mình sẽ chết và tin rằng
thế là chấm hết. Đó quả là điều hết sức phi lý. Chết đối với họ là sự
phi lý nhất, đau đớn nhất và đáng nguyền rủa nhất. Cho nên, họ nếm hưởng
mọi thứ luôn với một cảm giác nuối tiếc và đau khổ kèm theo. Đó là cả
một sự dày vò lớn lao cho đến tận cuối cuộc đời.
Thậm
chí ngay cả những người cố gắng tìm ý nghĩa sống bằng tu tập nhân đức,
bằng việc sống tốt, sống yêu thương, sống vui vẻ… để rồi cũng chỉ để
chết thì đời sống vẫn hết sức phi lý, vô nghĩa. Cứ cho là sống tốt sẽ
chết đẹp; sống tốt sẽ lưu danh muôn thuở đi nữa, thì những người sống
tốt cũng sẽ đi vào cõi hư vô chẳng khác chi bất cứ ai, kể cả những kẻ
tàn ác, những bạo chúa,… Bởi vì, nếu sống chỉ để mà chết và chết là dấu
chấm hết của con người ấy thì đời tưởng nhớ có được chi, đời tán tụng có
thêm gì, hay đời thù ghét nguyền rủa cũng có mất mát chi. Họ đâu bị ảnh
hưởng gì từ đời nữa.
Những
người vô thần lên tiếng phủ nhận các tôn giáo và cho rằng tôn giáo chỉ
như thuốc phiện ru ngủ con người. Họ chủ trương hay nói đúng hơn, họ
tuyên truyền việc xây dựng một cuộc sống tươi đẹp ngay tại thế và chỉ
trong khi tại thế chứ chết là chấm hết. Tuy nhiên, nếu chết là chấm hết
thì hạnh phúc tại thế, sự thụ hưởng tất cả nào còn có lợi ích gì đâu.
Rồi cũng đi vào cõi tiêu diệt. Rồi cũng vào chốn hư vô. Còn như tôn
giáo: Nếu xét theo một nghĩa thế tục như những người vô thần gán ghép đi
nữa, thì dẫu nó là liều thuốc phiện mê hoặc, xoa dịu cơn đau cho con
người thì nó vẫn là loại thuốc tốt hơn loại thuốc mà ông tổ vô thần Karl
Marx đã kê đơn. Bởi lẽ, nếu tính toán lợi ích theo kiểu thế tục đi nữa
thì như triết lý đặt cược của Blaise Pascal[2] cuối cùng vẫn chọn tôn giáo là phần mang lại lợi ích hơn, thực tiễn hơn và đảm bảo hơn.
Sống
để mà chết. Nhưng, chọn chết như thế nào để sống ra làm sao mới là
chuyện đáng bàn. Socrates, triết gia Hy Lạp vĩ đại từng phát biểu: “Suy cho cùng, triết lý đích thực chỉ là một sự tập luyện, một sự đón trước cái chết.”[3] Nghe
một cách thoáng qua có vẻ như triết gia cũng đồng ý với bao người rằng
“sống chỉ để mà chết”. Tuy nhiên, xét câu nói đó trong toàn bộ triết lý
của ông, cũng như nhìn vào cái cách mà ông đã sống và chết cho triết lý
sống của mình, ta lại thấy việc hướng đến cái chết của Socrates mang một
ý nghĩa khác. Cái ý hướng của ông không giống như quan niệm của những
người theo chủ nghĩa vô thần hay nhiều người khác nhắm tới.
Socrates
đã không ngừng tìm kiếm sự thật của chính mình. Triết gia đã cố công
suốt cả cuộc đời tìm lời giải đáp cho cuộc sống của chính ông và của con
người nói chung. Chính việc đi tìm kiếm ý nghĩa sống chính là cách duy
nhất mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và sự tồn tại. Để rồi, triết gia dám
đối diện với cuộc sống, đối diện với cái chết hầu khám phá ra sự thật
trần trụi của kiếp nhân sinh. Từ đó, ông hướng đến cái chết và coi nó
như là một cánh cửa mở ra một cuộc sống khác trọn vẹn, viên mãn và bất
diệt. Do đó, sống và chết trong thế giới phải làm sao là sự chuẩn bị tốt
nhất cho cuộc sống sau cánh cửa sự chết. Hay nói cách khác, việc sống
và chết mà Socrates hướng tới mang một niềm hy vọng của sự sống lại, sự
sống dồi dào, vĩnh cửu.
Với
đức tin Kitô giáo, niềm hy vọng hay khát vọng mà những người như
Socrates theo đuổi được giải thích trọn vẹn và thành toàn nơi Đức Kitô
Phục sinh. Quả thế, nói như thánh Phaolô khi rao giảng về Đấng Phục sinh
thì “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cr 15,14). Chính sự kiện Phục sinh là câu trả lời đầy đủ nhất cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống con người.
Chúa
Kitô từ thượng giới đã hạ mình xuống làm người. Ngài đã đi đến tận cùng
của kiếp người để chạm đến nỗi đau đớn lớn nhất và khiến con người kinh
sợ nhất là cái chết. Qua đó, Ngài khơi dậy ngọn lửa của niềm hy vọng
qua việc đánh bại tử thần và Phục sinh khải hoàn. Ngài đã sống và cũng
đã chết như một con người, nhưng Ngài đã Phục sinh để tiêu diệt hoàn
toàn quyền thống trị của tử thần. Nhờ sự chết và Phục sinh của Chúa Kitô
mà chúng ta có thể hy vọng vào sự phục sinh của chính mình trong Ngài.
Với niềm hy vọng đó và với sự tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa, chúng
ta có thể đối diện với cái sự thật trần trụi của kiếp người: Sống để mà
chết. Từ đó, chúng ta thực sự sống một cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc, hầu
không dừng lại ở cái quy luật nghiệt ngã kia nhưng đi xa hơn trong niềm
hy vọng: Sống để mà chết và chết để được Phục sinh trong Chúa Kitô.
Băng Tâm
http://lamhong.org/
[1] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Hà Nội, Nxb. Văn Học, 2008, tr.138.
[2] Triết lý đặt cược của Pascal: Mặc định rằng con người đặt cược cuộc đời mình để xem Thiên Chúa hiện hữu hay không hiện hữu. Sẽ được hoặc mất (cả hai đều có giá trị vô hạn) phụ thuộc vào việc có niềm tin hay không, triết lý đặt cược của Pascal lập luận rằng một người có lý trí sẽ sống như thể Chúa thực sự hiện hữu, vì vậy mà tin Ngài. Còn nếu Chúa không hiện hữu, người ấy sẽ chẳng mất mát gì nhiều (một số lạc thú chóng qua, cuộc sống xa hoa ở trần gian, v.v…). Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Blaise_Pascal.
[3] Plato, Đối Thoại Socratic 1 (Dịch giả: Nguyễn Văn Khoa), Hà Nội, Nxb. Tri Thức, 2017, Phaedo (Về Linh Hồn), tr.288.
[2] Triết lý đặt cược của Pascal: Mặc định rằng con người đặt cược cuộc đời mình để xem Thiên Chúa hiện hữu hay không hiện hữu. Sẽ được hoặc mất (cả hai đều có giá trị vô hạn) phụ thuộc vào việc có niềm tin hay không, triết lý đặt cược của Pascal lập luận rằng một người có lý trí sẽ sống như thể Chúa thực sự hiện hữu, vì vậy mà tin Ngài. Còn nếu Chúa không hiện hữu, người ấy sẽ chẳng mất mát gì nhiều (một số lạc thú chóng qua, cuộc sống xa hoa ở trần gian, v.v…). Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Blaise_Pascal.
[3] Plato, Đối Thoại Socratic 1 (Dịch giả: Nguyễn Văn Khoa), Hà Nội, Nxb. Tri Thức, 2017, Phaedo (Về Linh Hồn), tr.288.
No comments:
Post a Comment