Năm 2018 được đánh giá là năm của những sự kiện quốc tế có tính chất lịch sử, gây ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống chính trị thế giới nhiều năm sau này. Hãy cùng Dân Việt nhìn lại 10 sự kiện được cho là nổi bật nhất của năm nay.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN
.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc bắt đầu nổ ra vào tháng 7.2018
do những bất đồng trong các vấn đề như thị trường, quyền sở hữu trí tuệ,
thâm hụt thương mại, gián điệp mạng và hành vi thương mại bất bình
đẳng. Ngay khi phía Washington quyết định áp thuế, Bắc Kinh cũng nhất
quyết đáp trả, dẫn tới việc giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp thuế
lẫn nhau lần lượt là 250 tỷ USD và 110 tỷ USD.
Cuộc ganh đua này khiến nhiều người lo ngại về "Chiến tranh Lạnh mới"
giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù lãnh đạo hai nước mới đây nhất trí ngừng áp
thêm thuế với hàng hóa của nhau, đây mới chỉ được coi là "giải pháp đình
chiến" khó có thể giải quyết được mâu thuẫn gay gắt giữa hai nước.
Mỹ, Anh, Pháp không kích Syria
Hệ thống phòng không Syria khai hỏa đánh chặn tên lửa liên quân do Mỹ dẫn đầu vào hôm 14.4.2018. Ảnh: AP.
Vào ngày 14.4, liên quân 3 nước Mỹ-Anh-Pháp đã phóng tổng cộng 105
tên lửa hành trình, tấn công ba cơ sở bị nghi sản xuất, tàng trữ vũ khí
hóa học của Syria, sau khi cáo buộc quân đội nước này dùng vũ khí hóa
học tấn công dân thường ở thành phố Douma, Đông Ghouta làm khoảng 70
người chết.
Cuộc tấn công này đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của hệ thống
phòng không Syria, không gây ra nhiều thiệt hại nặng nào. Ngay sau đó,
Nga và Syria đã lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công là vô căn cứ và vi
phạm luật quốc tế, gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ trật tự quan hệ quốc tế
và kích động thêm làn sóng di cư tại Syria và cả khu vực.
Nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại
Nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi. Ảnh: AP.
Vào ngày 2.10.2018, nhà báo mang quốc tịch Ả Rập Saudi Jamal
Khashoggi đã biến mất sau khi đi vào Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại
Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để làm thủ tục kết hôn. Sau nhiều tuần phủ nhận,
chính phủ Ả Rập Saudi đã phải thừa nhận vị nhà báo đã bị một nhóm đặc vụ
“nổi loạn” sát hại. Sau đó, Riyadh đã cho truy tố 11 người, trong đó 5
nghi phạm có thể lĩnh án tử hình.
Sự việc đã dấy lên làn sóng phẫn nộ toàn cầu bởi tính chất man rợ,
khiến cho danh tiếng của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammad bin Salman – nhà
lãnh đạo thực thế của vương quốc – bị tổn hại nghiêm trọng. Các nước Mỹ,
Pháp, Đức đã áp lệnh trừng phạt với những quan chức bị nghi ngờ liên
quan đến sự việc. Thượng viện Mỹ mới đây cũng đã thông qua nghị quyết
cáo buộc Thái tử ra lệnh giết nhà báo Khashoggi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đắc cử nhiệm kỳ 4
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty.
Trong cuộc bầu cử ngày 18.3.2018, đương kim Tổng thống Nga Vladimir
Putin đã tái đắc cử với tỷ lệ phiếu áp đảo 76%. Với thắng lợi này, ông
Putin sẽ tiếp tục làm chủ Điện Kremlin tới năm 2024. Chiến thắng cũng
biến ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu năm nhất
kể từ thời Joseph Stalin của Liên Xô cũ.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ của người Nga đối với
Tổng thống Putin tăng lên trong những thời điểm Moscow căng thẳng với
phương Tây.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty.
Vào ngày 12.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim
Jong-un đã có cuộc gặp gỡ lịch sử tại Khách sạn Capella (đảo Sentosa,
Singapore). Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tại nhiệm gặp gỡ một
nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953).
Sau thượng đỉnh, Tổng thống Trump cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho
Triều Tiên còn Chủ tịch Kim tái khẳng định cam kết kiên định và vững
chắc để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Triều Tiên cam kết
thiết lập quan hệ Mỹ - Triều mới thể theo nguyện vọng của nhân dân hai
nước vì hòa bình và thịnh vượng. Hai nước sẽ cùng nhau xây dựng một cơ
chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-in bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm. Ảnh: Getty.
Quan hệ hai miền Triều Tiên chứng kiến bước ngoặt lịch sử vào ngày
27.4, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim
Jong-un lần đầu tiên gặp nhau tại Khu Phi quân sự (DMZ) nhằm thảo luận
về phi hạt nhân hóa, xây dựng hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo và phát
triển quan hệ liên Triều.
Ngay 1 tháng sau (26.5), Tổng thống Moon đã bất ngờ có cuộc gặp lần
hai với Chủ tịch Kim tại DMZ nhằm tái nhất trí lập trường hướng tới hòa
bình và cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa, tạo điều kiện cho thượng
đỉnh Mỹ - Triều diễn ra như kế hoạch.
Vào hôm 18.9, ông Moon đã bay tới thăm Bình Nhưỡng và có hội nghị
thượng đỉnh lần thứ 3 và ông Kim nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân
hóa đang bế tắc.
Nga bắt tàu chiến Ukraine
Ba tàu chiến Ukraine bị phía Nga bắt giữ. Ảnh: TASS.
Vào ngày 25.11, cảnh sát biển Nga đã nổ súng bắt ba tàu chiến Ukraine
đang tìm cách băng qua eo biển Kerch để tiến vào Biển Azov. Moscow cáo
buộc các tàu chiến Ukraine đã không thông báo trước cho các nhà chức
trách Nga, xâm phạm lãnh hải và phớt lờ yêu cầu quay đầu. Trong khi đó,
Kiev khẳng định hải quân của họ chỉ đang thực hiện quyền tự do hàng hải.
Nga tuyên bố sẽ xét xử các thủy thủ Ukraine bị bắt. Tổng thống
Ukraine Petro Poroshenko phản ứng bằng cách thiết quân luật trong vòng
30 ngày tại các khu vực giáp biên giới Nga, đồng thời kêu gọi phương Tây
có các biện pháp can thiệp.
Theo Sputnik, vụ việc đã “đốt nóng” căng thẳng âm ỉ nhiều năm qua
giữa Nga và Ukraine kể từ sau sự kiện Maidan và bán đảo Crimea sát nhập
vào Nga.
Biểu tình đốt cháy nước Pháp
Những người biểu tình "Áo vàng" ở Khải Hoàn Môn (Paris, Pháp). Ảnh: Getty
Vào hồi đầu tháng 11, do bất mãn với tình trạng chất lượng cuộc sống
giảm, giá cả sinh hoạt tăng, nhiều người dân – chủ yếu là người có gốc
gác ở các vùng nông thôn, thường xuyên phải di chuyển xa để đi làm – đã
xuống đường biểu tình phản đối quyết định áp thuế bảo vệ môi trường lên
xăng dầu mới của chính phủ. Rất nhanh chóng, các cuộc tuần hành ôn hòa
đã biến thành những cuộc đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và những người
biểu tình “Áo Vàng”.
Sau đó, chính phủ Pháp đã phải nhân nhượng, quyết định hủy loại thuế
mới và hứa cải thiện chất lượng đời sống. Tuy nhiên, những người biểu
tình thuộc phong trào “Áo Vàng” vẫn không hài lòng, kêu gọi Tổng thống
Emmanuel Macron từ chức.
Cuộc giải cứu đội bóng Thái Lan
Huấn luyện viên cùng các thành viên đội bóng Lợn Hoang mắc kẹt trong hang. Ảnh: Hải quân Thái Lan.
Vào hôm 23.6, đội bóng nhí Thái Lan “Lợn Hoang” đã vào thám hiểm hang
Tham Luang ở phía bắc nước này. Tuy nhiên, mưa lớn gây ra lũ đã làm
ngập hang, khiến cho cả nhóm bị kẹt trong 9 ngày trước khi được các thợ
lặn tìm thấy. Ngay sau đó, một cuộc giải cứu kịch tính nhất năm với sự
tham gia của khoảng 1.000 chuyên gia, thợ lặn, đặc nhiệm và binh sĩ tinh
nhuệ nhất từ 8 quốc gia đã được triển khai để cứu đội bóng ra ngoài.
Vào ngày 10.7, sau nhiều nỗ lực lên kế hoạch, thảo luận phương án,
thành viên cuối cùng của đội bóng đã được đưa ra ngoài an toàn. Cuộc
giải cứu đã thành công tốt đẹp dưới sự tán dương của cả thế giới.
Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF với Nga
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (phải) và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev ký Hiệp ước INF vào ngày 12.8.1987. Ảnh: Reuters.
Vào hôm 18.12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố phía Mỹ
đã chính thức xác nhận việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân
Tầm Trung (INF) được ký kết với Liên Xô (sau này là Nga) vào năm 1987.
Lý do mà Mỹ đưa ra là Nga đã vi phạm điều khoản cấm phát triển, chế tạo
các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình phóng từ đất liền có tầm bắn
500-5.500km. Phía Nga đã phủ nhận cáo buộc này, đồng thời cho biết sẵn
sàng nếu Mỹ tìm cách đặt các tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung có khả năng
mang đầu đạn hạt nhân ở châu Âu.
Nguồn: http://danviet.vn
No comments:
Post a Comment