Friday, December 28, 2018

Tháng 12, Nhớ - Thái Anh QNA


An đã trải qua một thời thơ ấu với gia đình thật may mắn, lúc đó ba đi làm cho một hãng xuất-nhập-cảng tư nhân, chủ là một gia đình người Pháp gốc Hoa, cái tên Chú Hỏa (Hui-Bon-Hoa) hồi đó ở Sài gòn ai mà không biết tiếng, họ giàu có cả dòng họ từ tổ tiên cho đến con cháu. Cái khu phố ở đường Phó-Đức-Chính, trước năm 1975 có một cái nhà thật to lớn như một lâu đài xây cất kiểu Âu Châu đã là một huyền thoại cho biết bao câu chuyện huyền bí, chả trách một hãng phim thời đó đã lấy bối cảnh của ngôi nhà nầy để dựng thành phim “Con ma nhà họ Hứa” chiếu ở Sài gòn, và An đã có dịp được xem qua.

Khi ba vào làm ở hãng thì chủ nhân là một thanh niên người Pháp còn rất trẻ, không biết là con cháu đời thứ mấy của chú Hỏa, ba hay kể về người chủ nhỏ nầy với mẹ mỗi khi cả nhà quây quần bên mâm cơm tối. Ba gọi là “thằng Philip con”, “nó” giống y chang người Pháp phảng phất đôi nét Á đông, tuy còn trẻ mà “nó” rất biết cách điều hành hãng, “nó” đối xử với nhân viên cấp dưới thật tốt, thưởng phạt công bằng.

Đặc biệt ông chủ con nầy rất nể trọng ba, nhờ lợi điểm đầu tiên là ba nói được tiếng Pháp trôi chảy (vì hồi đó An có nghe kể ba học chương trình Pháp nhưng  chưa thi bằng diplôm), rồi ba còn nói và hiểu được kha khá tiếng Hoa (Triều châu), hồi đó gia đình ông nội ở quê sống chung trong làng với rất nhiều gia đình người Hoa, và với tiếng Việt, ba có thể là thông dịch viên giữa chủ nhân và nhân viên trong hãng, vì thế ba rất được lòng “ông chủ con”. Hơn nữa tính ba làm việc ngăn nắp trật tự và tinh thần trách nhiệm của ba rất cao, ba lại cương trực thẳng thắn không kiêu ngạo phách lối với mọi người vì được chủ tin dùng.

Mỗi lần “ông chủ con” vắng mặt  đi về Pháp, ông ta rất yên tâm giao phó mọi việc cho ba, và lần nào ba cũng chu toàn nhiệm vụ nên ba được chủ đối xử rất hậu hĩ , lần nào về hãng lại ông cũng có  quà cho ba, là  hộp bánh LU nổi  tiếng, hay hộp bơ Bretagne thơm béo,  cuộc sống gia đình cũng nhờ đó đỡ vất vã, các con của ba được ăn học đầy đủ.

An nhớ lúc An lên năm, mẹ cho An đến học mẫu giáo của một trường nhỏ trong xóm nhà An. Gọi là trường chứ thật ra chỉ là nhà của một cô giáo ở độc thân, An nghe người lớn gọi là cô Tám. An thấy cô cũng lớn bằng mẹ, nhà của cô nhỏ xíu, vuông vức, có cái gác nhỏ ở trên; bên dưới cô kê chừng năm, sáu bàn học dài. Cô chỉ dạy mẫu giáo, là lớp sắp chuẩn bị vào lớp một trường công, An đoán chắc hồi trước cô đã từng dạy học, vì An học cô không thấy chán, ngược lại thích là khác. Cô dạy a, b, c cho học trò, rồi cô dạy hát, mấy bài hát trẻ con hồi đó An rất thích. Cô còn tập cho tụi An mấy bài hát ngắn tiếng Pháp thật dễ thương, cô giải thích nghĩa tiếng Việt cho tụi An hiểu.

Trong phòng học,  phía trên tấm bảng có treo bức hình người đàn bà rất đẹp tay bồng đứa trẻ xinh xắn, cô nói là hình Đức Mẹ bồng Đức Chúa, cô còn nói cô đạo Chúa nữa, có lúc cô còn hát cho cả lớp nghe những bài hát thật dài, giọng cô cao vút thánh thót, cô nói là bài hát trong nhà thờ do các ca đoàn trình diễn. Lúc đó An không hiểu cô nói gì hết, chỉ thấy là mỗi lần nhìn hình Đức Mẹ An thấy thật dễ chịu, có cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng khó diễn tả. An thích học trường cô Tám để mỗi ngày vào lớp An say mê nhìn hình Đức Mẹ, vì nhà An đâu có treo hình nầy. Có lần An hỏi mẹ thì mẹ nói “nhà mình đâu có đạo Chúa con ạ!”.

Sau đó An vào lớp một trường tiểu học gần nhà, không còn học trường cô Tám nữa, nhưng An vẫn thường đi bộ ngang qua nhà cô Tám, ghé vào thăm cô, để được nhìn bức ảnh “Đức Mẹ bồng Đức Chúa” mà ngày đó An rất thích.

Khi An bắt đầu vào lớp đệ thất của bậc trung học, An học trường của các Soeur Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, trường nằm khuất trong một góc ngó ra ngã ba đường Nguyễn Biểu và Phan văn Trị thuộc Quận 5 ( trước 1975). Ban Giám -Đốc nhà trường toàn là các Nữ Tu của Dòng; trường nhỏ nhưng đủ các cấp lớp từ tiểu học cho đến trung học, nghiã là từ mẫu giáo cho đến lớp đệ nhất. Ngoài ra trường còn có nhận học sinh nội trú nhưng không nhiều, phần lớn là học sinh từ đệ thất trở lên, có một ít em nội trú cấp tiểu học nữa.

Trường còn có khu nhà tập để nhận các chị muốn vào tu ở Dòng, các chị phải qua một thời gian dài vừa học văn hóa chung với học sinh ngoại trú như An, vừa học giáo lý của Dòng và tập sống đời sống đạo như các Soeur trong Dòng. Lúc An học đệ thất ( hồi đó còn gọi đệ thất là lớp 6, đệ lục là lớp 7…) thì trường đã đổi tên là Trường Trung-Tiểu Học Tư Thục Thánh-Linh từ lúc nào rồi, An được biết trường hồi đó đã từng có tên tiếng Pháp là L’ecole de Saint-Esprit.

Trường chia ra từng khu riêng rẽ, khu tiểu học , khu trung học, khu nhà nội trú, khu nhà tập cho các chị đệ tử, khu nhà ở của các Soeur.. mỗi khu đều giữ được vẻ yên tĩnh không bị ồn ào bởi khu tiểu học của các em nhỏ. Có lẽ vì muốn tránh mọi phiền toái có thể xảy ra,  nên từ đệ thất trở lên trường chỉ nhận nữ sinh, tuyệt đối không nhận nam sinh.

Vì là trường đạo, nên mỗi sáng vào lớp trước khi bắt đầu các tiết học thì cả lớp phải làm dấu thánh giá và đọc một bài kinh ngắn. Lúc đầu An đâu có thuộc bài kinh nào nên chỉ đứng yên nghe các bạn khác đọc, nhưng dần dần rồi An cũng thuộc và đọc theo. Mỗi tuần An còn có học giờ giáo lý về đạo do môt Cha dạy. Trường còn có một nhà nguyện nhỏ rất ấm cúng nhưng không mất vẻ trang nghiêm thành kính. Hồi đó  mỗi lần có dịp vào nhà nguyện,  bên trong có tượng Đức Mẹ lớn mặc áo xanh da trời rất đẹp, vẻ trang trí chung quanh cũng toàn màu trắng và xanh, tạo cho An một cảm giác thật bình an nhẹ nhàng. Có lẽ vì từ nhỏ An đã ảnh hưởng nhiều của mẹ An vì bà rất thích màu thiên thanh, và An cũng đã thích màu xanh. Thêm nữa đồng phục của trường cho học sinh trung học là áo dài màu xanh da trời, màu áo của Đức Mẹ.

An còn nhớ lúc gần ngày tựu trường, người dì em gái của mẹ vốn là thợ may đã may cho An hai chiếc áo dài bằng vải , hồi đó gọi là vải petit là loại vải dệt sợi rất mịn, không mỏng lắm cũng chẳng dày cộm như vải kaki. Lúc An xúng xính trong chiếc áo dài đầu tiên trong đời, cả nhà ai cũng bật cười làm An mắc cở chết được, chỉ muốn chui góc nào trốn cho xong. Rồi khi đến trường, thấy chung quanh các bạn khác ai cũng mặc giống nhau, nên dần  An cũng đỡ ngượng ngùng khi mặc áo.

Trường còn có chương trình gia nhập phong trào sinh hoạt Thanh-Sinh-Công (Thanh-niên Học sinh Công-giáo) họp mặt nhau mỗi chiều thứ bảy mỗi tuần để sinh hoạt chung, học những nghề  thủ công, để trao đổi kinh nghiệm học tập hay có những buổi đi làm thiện nguyện như đi thăm cô nhi viện hay những buổi văn nghệ gây quỹ mua quà, viết thư quỹ lạo các chiến sĩ tiền đồn nhân dịp Noel hay xuân về.

Học ở một trường đạo nên An có dịp thường xuyên tham gia vào các buổi lễ bên đạo, và An mới nhớ ra là những bài hát mà hồi đó Cô Tám hay hát cho tụi An nghe là những bài hát của các ca đoàn hát trong nhà thờ. Trong các buổi lễ, tiếng hát của các ca viên cất lên quyện vào tiếng piano đệm thánh thót réo rắt dễ chinh phục lòng người. An rất thích cái không khí yên ắng của ngôi nhà nguyện nhỏ trong trường, có nhiều lần đi ngang qua không biết có một sức thu hút nào khiến An phải bước vào bên trong giây lát. An có cái cảm giác quen thuộc  khi thấy lại bức ảnh Đức Mẹ bồng Đức Chúa, gương mặt thánh thiện hiền từ trong tà áo màu thiên thanh. Cái cảm giác bình yên nầy An đã có hồi An còn học ở trường Cô Tám, nhưng hồi đó An còn nhỏ quá đâu biết tại sao, bây giờ vào học trường các Soeur, An đã tìm lại được cảm giác bình yên đó. An có đem chuyện nầy kể lại cho Soeur hướng dẫn lớp, Soeur nói vây là An đã được ơn Thiên Triệu kêu gọi , Soeur kêu An về xin phép gia đình cho theo đạo Chúa, và sau nầy nếu được thì An có thể trở thành như các Soeur, nghĩa là một Nữ Tu sống đời phục vụ. Soeur phụ trách rất thương An, Soeur nói qua việc hướng dẫn lớp, Soeur thấy tính An rất thích hợp cho việc tu tập sống trong tu viện, Soeur đã tạo điều kiện cho An tham gia các buổi lễ trong nhà nguyện. Suốt 7 năm của bậc trung học ở trường, năm nào An cũng được Cha dạy môn giáo lý khen là học sinh giỏi môn nầy. Cuối cùng khi rời trường An vẫn chưa trở thành một con chiên mới, An biết mình đã phụ lòng của Soeur phụ trách, nhưng hình như ở trong An vẫn có cái gì vướng mắc đã khiến An còn ngập ngừng chưa quyết định.

Sau khi tốt nghiệp trung học, An ghi danh học Văn-khoa, có những ngày học buổi chiều, sau giờ tan lớp, An đạp xe dọc theo con đường Cường Để, ngược lại hướng trường Văn khoa, cuối đường thật vắng vẻ, yên tĩnh, nơi đây tọa lạc Dòng Tu Kín, An hay vào ngôi nhà nguyện nhỏ nằm trong khuôn viên tu viện, bên trong có tượng Bà Thánh Têrêsa đặt nằm trong một lồng kính to trong suốt, pho tượng trông như người thật đang nằm ngủ, nét mặt bà Thánh thật thánh thiện nhân từ. Chiều nào cũng vậy, khoảng 5 giờ là có lễ cho các nữ tu, tiếng chuông đỗ vang lên An nhìn vào phía xa xa bên trong tu viện, các nữ tu xếp hàng dài chậm rãi vừa đi vừa lần chuỗi đọc kinh. Lần nào cũng thế An nhìn cho đến người cuối đi khuất mới đứng dậy về, An thấy tâm trạng buồn buồn, làm sao các nữ tu lại chịu đựng nỗi cuộc sống lặng lẽ như vậy nếu không có một ơn kêu gọi đặc biệt vì họ còn quá trẻ, dù tính An cũng rất thích sự yên tĩnh, lặng lẽ, nhưng để quyết định chọn một cuộc sống thầm lặng như thế An cũng không dám, có lẽ An còn nặng lòng trần nhiều quá. An còn nhớ lúc học lớp đệ tứ, cuối năm đó có cô bạn cùng lớp đã từ giã bạn bè để vào sống đời nữ tu trong một tu viện ở Đà lạt , bạn bè ai cũng lưu luyến cô vì cô học rất giỏi theo chương trình Pháp từ nhỏ, gia đình lại giàu có, vậy mà cô bỏ hết để chọn con đường trở thành một nữ tu. An không biết tin cô bạn từ lúc đó, không biết cô có đi hết con đường đã chọn không ?...
           
Trong gia đình An, bố mẹ chỉ thờ cúng tổ tiên ông bà, chứ không chọn theo một tôn giáo nào, vì thế khi An theo học trung học ở một trường đạo bố mẹ cũng không phản đối, ngay cả hai đứa em kế An cũng theo học Trường Nguyễn Bá Tòng của các Cha, nên trong nhà An và hai em nói chuyện có vẻ hợp nhau hơn, An kể chuyện các Soeur, còn hai em nói về các Cha, những câu chuyện rất tương đắc. Sau nầy An với em gái hợp tánh nhau hơn với em trai, hai chị em hay nói chuyện đạo với nhau.

Sau năm 1975, vì thời cuộc gia đình An cũng như bao gia đình khác ở miền Nam lâm cảnh ly tán mất mát, thời gian nầy An và em gái do sự giới thiệu của người bạn, hai chị em hay vào nhà thờ Đắc Lộ gặp chị linh hướng ở đây để sinh hoạt cùng chị học hỏi về đạo, hình như có một cái gì đã thôi thúc hai chị em An tìm đến Chúa. Chị linh hướng thật dễ thương, chị đã hết lòng hướng dẫn hai chị em.

Cuối năm 79, em gái An có cơ hội đi vượt biên với gia đình người quen, nó quyết định xin chị linh hướng nói với Cha sở nhà thờ Đắc Lộ năm đó là Cha Linh cho nó làm lễ rửa tội đêm Giáng Sinh. Nó muốn mang theo trong lòng một đức tin vững mạnh trước khi bắt đầu chuyến đi định mạng.

Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Chị linh hướng, cùng sự thông cảm của Cha sở, đêm Giáng Sinh năm ấy hai chị em An đã trở thành hai con chiên mới của Chúa, hai chi em An trong bộ áo dài trắng tinh khiết quỳ trước bàn thờ lãnh nhận ơn Thánh, An đã khóc vì cảm động khi Cha rót nước rửa tội lên đầu An, giọt nước Thánh và giọt nước mắt đã hoà lẫn vào nhau trong khi An mỉm nụ cười sung sướng…Sau lễ một số ít bạn bè của hai chị em đã họp mặt chung vui. An đã chọn tên thánh là Têrêsa, bà Thánh nằm trong lồng kiếng ở tu viện Dòng Kín năm nào, vị Thánh Nữ mà An đã hết lòng kính phục và mong muốn được sống như đời sống của Bà, dù chỉ giống một phần rất nhỏ nhoi khiêm nhường

Tháng 12, bây giờ, mấy chục năm sau, An đang ở nước Mỹ. Những ngày đông lạnh, buổi sáng trời hay có sương mù, sáng chủ  nhật đi lễ sớm chạy xe trong màn sương trắng toát, mênh mông như đi vào một cảnh giới xa lạ nào, quanh quất trước sau chỉ có một chiếc xe mình dung rũi, An hay tức cảnh sinh tình,  miên man suy nghĩ, hồi tưởng chuyện xưa chuyện nay.

An còn nhớ, năm đầu tiên đón lễ Giáng Sinh ở Mỹ, đêm 24 tất cả mọi người trong gia đình chồng cuả An tụ họp ỏ nhà ông anh rể người Mỹ ăn “Réveillon”; ông anh rể nầy rất chu đáo, ông đã chuẩn bị tất cả các món ăn, nướng một con gà tây thật to, vì bên chồng An anh chị em rất đông, số người hiện diện cũng khoảng 15. Anh rể lo đủ món ăn với gà, khoai nghiền, bánh mì tròn, nước chấm, bánh apple pie tráng miệng.. An rất thích loại bánh mì tròn, mỗi lần mở hộp nó nổ tiếng “bóc’ nhỏ nghe vui tai, An thấy ông ngắt từng cục bột xếp lên khay nhôm cho vào lò, lát sau lấy ra bánh mì nở chin vàng mùi bơ thơm phức. Sau đó moị người tụ laị thay phiên chụp hình bên con gà tây gọi là một chút hình ảnh kỷ niệm dịp lễ, trước khi anh rể cắt nhỏ con gà mời moị người nhập tiệc, trước đó ai cũng cùng nâng ly chúc nhau những lời tốt đẹp nhất trong tương lai.

Thời gian mấy năm sau đó việc họp mặt mừng lễ nầy cũng thưa dần vì cuộc sống, có người đã đi nơi khác làm việc, hay ở tiểu bang xa không về được, người lại bận rộn sinh kế gia đình; còn ông anh rễ năm xưa giờ cũng lớn tuổi lắm rồi, An có biết ông cũng lắm phen trải qua những giờ phút sinh tử vì căn bệnh tim trầm trọng cuả ông.

Thêm một kỷ niệm đáng nhớ tháng 12, năm đó con trai bé cuả An lên 5 tuổi, nó bị sốt đi sốt laị hoài, bác sĩ khuyên đưa nó vào bệnh viện sẽ an tâm hơn. Sau mọi xét nghiệm thấy bạch huyết cầu trong máu nó tăng nhiều, bác sĩ đề nghị rút nước trong tuỷ sống xét nghiệm vì sợ nó vị viêm màng não. Vợ chồng An nghe nói mà rụng rời chân tay, vì An lúc sinh nó khó khăn phải mổ, nó là đứa con duy nhất cuả An mà. An run rẩy ký tên đồng ý cho con xét nghiệm tuỷ, bác sĩ yêu cầu hai vợ chồng ra phòng ngoài đợi, bác sĩ có báo cho biết bé sẽ phải chiụ đau khi chích kim vào tuỷ vì không thể gây mê được, An nghe mà tim thắt laị vì lúc sinh nó An đã bị chích thuốc tê vào tuỷ, lúc đâm kim vào An đau xé ruột, người lớn mà còn đau như vậy, huống chi thằng bé mới có 5 tuổi. Nước mắt An chảy ràn ruạ khi nghĩ tưởng tượng hình ảnh đó sẽ xảy đến với con trai bé nhỏ của mình.

Chồng An siết chặt tay An như chia sẻ nỗi đau, sau đó có tiếng con trai thét lớn vang ra, tay An run rẩy trong tay chồng, nước mắt ràn ruạ, tim An thắt lại từng hồi “con ơi, tội nghiệp con quá !”. Rồi An vào phòng, thấy con nằm yên, đinh tới ôm con thì bác sĩ cản để nó ngủ yên. An noí với chồng An sẽ về nhà trước tắm rửa cho tỉnh táo người rồi sẽ trở vào với con cho chồng về ngủ sáng hôm sau đi làm việc.

Trời khuya 2 giờ đường vắng tanh, tháng 12 đang đông lạnh lẽo, lái xe dọc đường An không ngừng cầu xin cho con trai không mắc phải căn bệnh hiểm nghèo kia, con đường Euclid moị lần trước An vẫn thường đi ngang sao không dài, mà lần nầy chạy hoài chưa tới nhà. Khi ngừng ngã tư đèn, nhìn thấy có một nhà thờ, An mới chợt nhận ra nhà thờ nầy An có lần An đến đi lễ tại đây, An nhớ có một tượng Đức Mẹ bên hông nhà thờ, thế là An quẹo vào sân.

An nhớ đúng, có một tượng Đức Mẹ nhỏ trên cao bên dưới là cái hang nhỏ nước chảy róc rách ngày đêm. An bước xuống, lúc đó An không cảm thấy một chút sợ hãi nào khi chỉ có một mình thân đàn bà yếu đuối trong đêm khuya vắng vẻ, tình thương con đã thắng moị nỗi sợ lúc đó. An quỳ trước hang đá, ngước nhìn tượng Đức Mẹ nhân từ mà cầu xin sự bình an cho con trai, nước mắt An tuôn trào theo từng lời cầu xin. Sau đó An quay người định bước lên xe, An bỗng giật mình thót tim khi thấy có một bóng người mờ mờ trước mặt, An sợ điếng người thầm cầu xin đừng có chuyện gì không may xảy ra cho An. Bóng đen tiến lại gần An, chân An tê cứng không nhấc lên nỗi để chạy, miệng cũng không cử động vì quá sợ.

Bóng đen đi đến trước mặt An thì ngừng lại, dưới ánh đèn mờ mờ, hình như là một người homeless đàn ông. Ông ta ăn mặc cũng hơi lếch thếch, ngó An rồi chợt mỉm cười, đưa tay có vẻ muốn bắt tay An làm quen. An lúc nầy nước mắt còn đầm đìa trên má, nhưng đã bớt sợ, cũng đưa tay ra bắt bàn tay lạnh buốt của ông ta, người ấy vỗ nhè nhẹ vào tay An như an ủi miệng vẫn cười, không phải là người Việt Nam, có lẽ là ngươì Spanish. An đã thấy hết sợ, cố gắng diễn tả cho ông ta hiểu tại sao giờ khuya như vậy mà An vẫn dám một mình ở đó. Chẳng biết ông ta có hiểu hết không điều An nói mà thấy gật đầu liên tục. An chỉ tay lên tượng Đức Mẹ rồi chắp tay lại quỳ xuống, ông ta cũng làm theo An. Sau đó An chào từ giả ông sau khi chúc bình an cho ông (“God bless You”). Ông gật đầu cũng chúc lại An như thế, An đi về lòng thấy an ủi một chút vì găp được một người bạn giữa đường đồng cảm!

Với An tháng 12 còn có nhiều kỷ niệm  đáng nhớ, giới văn nghệ hải ngoại đã có nhiều mất mát: ngày 13/12/2013 nhạc sĩ Huỳnh-Anh từ trần;  Việt-Dzũng mất ngày 20/12/2013, rồi mấy năm sau nhà văn Bùi Bảo Trúc ra đi ngày 16/12/2016.

Với nhạc sĩ Huỳnh-Anh, An đã nghe tên Ông từ lúc nhỏ. Chuyện là An có ông cậu, em ruột của bà ngoại, ông biết chơi đàn kìm bên cổ nhạc; lúc An nhỏ khoảng 6,7 tuổi hay qua nhà ông chơi vào những dịp lễ, Tết. Ông cậu ở chung với mấy người con An gọi là Cậu, Dì, nhà ở gần chợ Nancy thuộc quận 5. Ông cậu thích đàn cổ nhạc lắm, thỉnh thoảng buổi tối ông rủ thêm mấy người bạn cùng sở thích đến nhà, mỗi ông một loại đàn, thế là An được nghe một bữa hòa đàn cổ nhạc của các nhạc sĩ tài tử; cũng từ đó An đâm ra mê cải lương, và cũng biết lõm bõm một vài điệu hát như Lý con sáo, Nam ai, Nam xuân, hay xuống sáu câu vọng cổ.

Ông cậu  có quen với ông nhạc sĩ Văn Khánh làm trong đoàn hát Thanh minh Thanh Nga, nên nhiều lần ông cậu có vé coi cải lương đoàn trình diễn hằng đêm ở rạp hát Hưng Đạo và lúc nào An cũng được ông cậu dắt theo xem hát. An biết rất nhiều tuồng cải lương có cô Thanh Nga đóng vai chánh vì là sân khấu nhà của cô mà. An mê coi cô Thanh Nga lắm, cô đẹp quá lại hát hay diễn tuồng giỏi, vai nào cô đóng cũng xuất sắc hết.

Trong tuồng cải lương Mưa Rừng, cô Thanh Nga đóng vai sơn nữ Klay thật dễ thương, nhạc sĩ Huỳnh Anh đã sáng tác bài hát Mưa Rừng cùng tên cho Thanh Nga hát, cô hát bài nầy giọng không điêu luyện như các ca sĩ tân nhạc chuyên nghiệp, nhưng giọng cô rất mộc mạc dễ thương, cô Thanh Nga đóng vai sơn nữ Klay; An nhớ hoài cảnh chót lúc Klay buồn hiu đứng nhìn theo thầy cai Hữu Phước lên ngựa về miền Kinh thì Klay ngâm bốn câu thơ :

“Thầy cai lên ngựa đi rồi, sao Klay còn đứng ngậm ngùi ngó theo. Mưa rừng xứ thượng đìu hiu, em mang gùi nhỏ đựng nhiều nhớ thương.”

Còn trong phim Mưa Rừng thì cảnh chót Klay đứng ngó theo thầy cai, có tiếng hát của Thanh Nga bài Mưa Rừng vẳng lên đoạn cuối bài “Mưa rừng ơi mưa rừng, tìm đâu hỡi ơi bóng người xưa. Mỗi khi mưa rừng về muộn màng, bóng chiều tàn dần tàn lòng thương nhớ nào nguôi.” An đã thích và thuộc bài hát Mưa Rừng của nhạc sĩ Huỳnh Anh từ đó. An còn xem phim Loan Mắt Nhung cũng do  cô Thanh Nga và Huỳnh Thanh Trà đóng vai chính, nên biết qua bài hát cùng tên phim cũng cuả ông Huỳnh Anh.

Chỉ một tuần lễ sau cùng năm, tới lượt Việt Dzũng cũng lặng lẽ rũ sạch nợ trần khi tuổi đời so với nhạc sĩ Huỳnh Anh thì còn quá trẻ. Sự ra đi của Việt Dzũng đã để lại bao tiếc thương mất mát cho gia đình và cho cả người Việt Nam trên thế giới, cả An cũng rất thương tiếc Việt Dzũng.

Sau đám tang An có đến viếng mộ Việt Dzũng, nghĩa trang ngày thường rât vắng người, không gian thật tĩnh mịch, cái yên lặng chết người. An đặt một bó hoa cẩm chướng trắng lên mộ, An vẫn có thói quen thích hoa cẩm chướng trắng, loài hoa mà mẹ hồi còn sống rất thích, An đọc một bài kinh cho người dưới mộ. Một lúc có ba người tới bên mộ, hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ; người đàn bà làm dấu thánh rồi mở cuốn sách nhỏ, chị nhìn trong sách hát nho nhỏ với thái độ thật thành kính, hát xong cả ba người lại lâm râm đọc kinh, làm dấu rồi lặng lẽ rời mộ, có lẽ họ muốn giữ sự tôn trọng vì thấy An còn ngồi bên mộ. Chắc họ cũng như An, là những khán thính giả thầm lặng của Việt Dzũng , một lần tới viếng mộ người  ca-nhạc-sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh , họ chào từ biệt một người con của mẹ Việt-Nam vừa trở về với lòng đất lạnh, cát bụi lại trở về cát bụi.

Bất giác An nhớ lại trong những lần đi lễ tro bên đạo, lúc lên rước lễ khi các tín hữu sắp hàng đi lên ngang chỗ cha xứ, thì cha nhúm chút tro tượng trưng rắc nhẹ trên đầu mỗi người, trong lúc ca đoàn hát những lời kinh ngụ ý cát bụi rồi cũng trở về cát bụi, lần nào đi lễ tro An cũng thấy trong lòng buồn buồn, ra về mà thấy thật thắm thía, rồi cứ tự nhủ cuộc đời là “ sắc sắc không không “, khi buông tay nằm xuống thì rủ sạch hết mọi thứ trên đời, có mang theo được chút nào đâu, tiền tài danh vọng cũng là hư không, thân xác rồi cũng thành đất thành tro, còn chăng là cái tiếng tốt hay tiếng xấu sẽ theo mình ngàn đời mỗi khi người thế gian có dịp nào nhắc đến tên mình, khen hay chê từ đấy. Như Việt Dzũng đã sống một kiếp người thật đáng sống, một cuộc đời đầy cống hiến, phục vụ, có lý tưởng để theo, từ đây mỗi lần nhắc đến tên “Việt Dzũng “, người đời sẽ nhắc đến bằng một sự nể phục, ngưỡng mộ một tấm gương tốt xứng đáng cho lớp trẻ ngày sau noi gương.

Bẵng đi mấy năm sau, ngày 16/12/2016 nhà báo Bùi Bảo Trúc qua đời, An nghe tin Ông mất với nhiều xúc động, An rất cảm phục tài uyên bác  thông thái cùng trí nhớ kinh khủng cuả Ông. An đã không bỏ sót một buổi phát thanh “Câu chuyện ngày nầy năm xưa’ trên đài mỗi ngày lúc 10 giờ sáng, rồi chương trình nhạc chủ đề với cô Quỳnh Anh , những bài học Anh văn trong báo Việt Tide mà An còn trân trọng cất giữ cho tới bây giờ.

An có đến viếng Ông với bó hồng trắng, nhìn chung quanh quan tài toàn là những khuôn mặt quen thuộc cuả Cộng đồng Việt Nam ở khu Bolsa nầy, An chỉ là một thính giả vô danh mến mộ thương tiếc một bậc tài năng uyên bác đã ra đi, An đặt bó hoa ở một góc bàn thờ, thắp cho người quá cố nén hương tưởng nhớ, rồi An lặng lẽ quay bước xua tay lắc đầu khi người nhà chỉ cuốn sổ nói An ghi tên vào. Một kiếp người vừa khép lại!

Sáng nay khi mở email, có một bạn đã gửi cho An một bài viết cuả Ông, như một câu chuyện tiếu lâm, có chút châm biếm, An chợt ngước lên nhìn lịch, quả có sự trùng hợp, sắp đến ngày giỗ hai năm cuả Ông. Nhanh thật, thời gian đi có bao giờ chậm lại. Bây gìờ cũng là tháng 12, những kỷ niệm, những nhung nhớ tháng 12 lại hiện về trong An.

Tháng 12. Lễ Giáng Sinh rồi thêm một năm mới. Bao năm rồi vẫn chỉ mình An lặng lẽ cô đơn đi lễ một mình, ở Việt Nam rồi ở Mỹ vẫn một mình một bóng, như cái hạnh-phúc chưa trọn vẹn trong An, như câu kết cuả bài nhạc “Có những niềm riêng muôn đời dấu kín, nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi …”

Thái Anh QNA
https://vvnm.vietbao.com

No comments:

Post a Comment