Sunday, December 16, 2018

Truyện Mùa Giáng Sinh của Mary Higgins Clark - Hà Kỳ Lam Biên Dịch


ALL THROUGH THE NIGHT
Truyện Mùa Giáng Sinh của Mary Higgins Clark 
Mary Higgins Clark, tác giả của những truyện nghẹt thở ăn khách hiện nay, có vẻ là một mẫu người sùng đạo. Sự kiện hai trong mười tám tiểu thuyết của bà - Silent Night và All Through The Night - được dàn dựng trong khung cảnh an bình, thánh thiện của mùa Giáng Sinh đã cho người đọc nhận xét đó. Xin sơ lược một cuốn truyện nêu trên nhân mùa Giáng Sinh như một quà đọc cho mọi người.
All Through The Night, tựa đề của một nhạc khúc Giáng Sinh, đã được dùng làm tên cuốn sách.
Ngay chương đầu cuốn truyện người đọc đã nín thở theo dõi sự việc đang diễn ra...
***
Còn hai mươi hai ngày nữa mới đến lễ Giáng Sinh. Đêm đã xuống từ lâu. Bên trong một nhà tho ở khu Manhattan, thuộc đô thị Nữu Ước, linh mục Ferris đang xem xét mọi nơi, khóa cửa nẻo cẩn thận, tắt đèn, trước khi lui về phòng riêng kế cận nhà thờ nghỉ đêm. Im phăng phắc. Tên trộm Lenny nép mình sau chỗ xưng tội, chờ vị linh mục đi qua trên đường tiến ra cửa sau nhà thờ. Có tiếng cửa đóng mạnh. Hắn thở phào. Còn lại một mình, hắn ra tay.

Bên ngoài nhà thờ, Sondra, một cô gái mười tám tuổi đứng bên kia đường, trước cửa một tòa nhà đang sửa chữa, nhìn sang nhà thờ. Cô ta phải yên chí là linh mục Ferris đã rời nhà thờ về tư thất của ông mới đem đứa bé đặt trên bực thềm nhà thờ. Vừa lâm bồn trước đó mấy tiếng đồng hồ trong một phòng khách sạn rẻ tiền, cô cảm thấy yếu, phải tựa vào khung cửa cho vững.

Cha Ferris từ trong nhà thờ bước ra, đi thẳng đến căn nhà kế cận.
Sondra biết đã đến lúc thi hành công việc. Cô đã sắm sửa áo quần, tả lót, bình sữa, chăn mền, một chiếc xe đẩy, một bao bằng giấy. Mở nút áo choàng, nhẹ nhàng bồng đứa bé đặt trong bao giấy, với tay xách chiếc xe đẩy đã xếp lại, cô mang tất cả sang bên kia đường trong lúc không có một ai qua lại trên đường để trông thấy cô. Cô chạy ngược lên ba bực thềm, mở chiếc xe đẩy, gài thắng, đặt đứa bé vào xe, đặt mớ đồ “phụ tùng” dưới chân đứa bé, cài tờ giấy cô viết sẵn, trong đó cô xin ai đó hãy tìm giúp cho đứa bé một gia đình từ tâm, còn cô không thể nuôi nó được dù lúc nào cũng yêu thương con. Sondra quì xuống nhìn đứa bé một hồi lâu, thì thầm, “mẹ yêu con, tạm biệt” rồi đứng dậy chạy xuống mấy bực thềm, ra đường phố. Cô sẽ gọi linh mục Ferris từ một điện thoại công cọng ở ngã tư kế cận.

Trong khi đó, bên trong nhà thờ tên trộm Lenny vơ vét tiền con chiên họ đạo quyên góp, và đập vỡ tủ đựng chiếc cúp có nạm kim cương, một báu vật của nhà thờ. Xong, hắn vội vã thoát ra trước khi hệ thống báo động của nhà thờ hoạt động. Nhưng xe cảnh sát hụ còi inh ỏi đang tiến đến. Thoáng trông thấy chiếc xe đẩy con nít để ở bực thềm, hắn liền bê xuống đường và ngang nhiên đẩy đi, làm ra vẻ một người đàn ông lương thiện, có con cái đề huề. Vô gia cư, vô nghề nghiệp, buôn bán ma túy, và làm mọi việc phi pháp nào có thể kiếm tiền được, hắn đang trú tạm nhà người cô ruột. Và hắn ung dung đẩy chiếc xe giữ trẻ về nơi ấy.

Về tới nhà cô của hắn được an toàn, Lenny chưa kịp mừng thì bỗng sững sốt khi nghe tiếng khóc oe oe rồi cái bao giấy cử động: một bé sơ sinh. Hắn gỡ mảnh giấy ghim trên chăn, bắt đầu đọc. Xin làm ơn tìm cho bé gái của tôi một gia đình từ tâm. Tổ tiên bố của cháu là người Ý; ông bà tôi gốc Ái Nhĩ Lan. Cả hai bên gia đình theo tôi biết không hề có bệnh di truyền, vì thế cháu sẽ lớn lên khỏe mạnh. Tôi yêu con, nhưng không thể chăm sóc cháu được. Nếu một mai cháu có hỏi về mẹ nó, xin cho cháu đọc mấy giòng này. Hãy nói cho cháu biết rằng những giờ phút hạnh phúc nhất trong đời tôi mãi mãi là những lúc tôi ôm nó trên tay sau khi sinh cháu.
Những lúc đó chỉ còn có hai mẹ con trên đời này.

Bà Lilly, người cô hắn, đang quyết tâm tống khứ thằng cháu ăn hại ra khỏi nhà, cũng sửng sốt, cúi nhìn trong chiếc xe đẩy. “Mày tính sao bây giờ? Mày lượm đứa bé này ở đâu thế?” Lenny nghĩ nhanh, hắn không muốn rời căn chung cư này, một vỏ bọc an toàn cho hắn. Hắn nghĩ ra một câu chuyện.
“Nó là con của cháu đấy, cô Lilly ạ. Mẹ nó là người con gái cháu yêu, nhưng cô ấy sắp dọn đi California, muốn đem cho đứa bé cho người ta nuôi. Cháu muốn giữ bé lại”.

Bà Lilly mở các món quấn quanh đứa bé sơ sinh, ẵm nó lên và nét mặt bà bỗng thay đổi. Bà hỏi Lenny:

“Tên nó là gì?”

Lenny nghĩ đến hột kim cương hình ngôi sao trên báu vật của nhà thờ, vụt miệng nói:

“Thưa cô, cháu tên là Star.”
“Star,” bà Lilly Maldonado lẩm nhẩm, “trong tiếng Ý cháu sẽ được gọi Stellina, có nghĩa là vì sao nhỏ.”

Lim dim đôi mắt, Lenny nhìn sự khắng khít vừa nẩy sinh giữa một trẻ sơ sinh và một bà già. Hắn tự nhủ không ai biết hắn bắt cóc đứa bé, và cùng lắm, nếu có gì lôi thôi về đứa bé, thì hắn đã có mảnh giấy nầy để chứng minh hắn chẳng ăn cắp của ai.

Trời trở lạnh hơn. Từ một điện thoại công cộng ở ngã tư kế cận, Sondra gọi Linh mục Ferris. Bên kia đầu dây, một giọng đàn ông xưng danh là cha Dailey, và cho biết cha Ferris đang bận tiếp chuyện với cảnh sát bên ngoài tòa nhà, vì có chuyện khẩn cấp.
Sondra lặng lẽ gác điện thoại. Cô yên chí là người ta đã tìm thấy con mình. Đứa bé được an toàn. Cha Ferris sẽ tìm cho nó một mái nhà tốt.

Một giờ đồng hồ sau Sondra đã ngồi trên xe buýt xuôi về Birmingham, tiểu bang Alabama. Cô đang theo học ở phân khoa âm nhạc của đại học tại đó, và chuyên về vĩ cầm. Tài năng đặc biệt của cô đang hứa hẹn một chỗ đứng vinh quang trên sân khấu trình diễn tương lai.
Chương đầu cuốn sách, hay màn đầu của câu chuyện, đã hé mở cho người đọc một chuỗi sự việc mà nhiều năm sau mới phơi bày ra ánh sáng những nguyên ủy, gốc rễ, mối mớ của chúng.

*
Bảy năm trôi qua.
Chu kỳ thời tiết đang bước vào độ giá lạnh của những ngày đầu tháng chạp. Giáng Sinh lại sắp về. Sondra Lewis trở lại New York lần này với vinh quang đang cho đón nàng. Cô sẽ biểu diễn vĩ cầm ở Carnegie Hall, sân khấu ước mơ của tất cả nghệ sĩ mầm non. Cô không tin nổi có ngày điều đó lại xảy ra. Vậy mà Sondra không thay háo hức, sung sướng, chỉ thấy lòng nặng trĩu, đầy bất an, tuyệt vọng. Cô đã gọi điện thoại đến nhà thờ St. Clement’s giả làm một phóng viên dò hỏi về sự kiện một đứa bé sơ sinh bị bỏ trên bực thềm vào đêm mồng ba tháng chạp bảy năm trước, để bàng hoàng, chết điếng khi nghe một giọng nói đầy vẻ ngạc nhiên, sửng sốt đáp lại rằng chẳng bao giờ có một sự việc như thế từ hai mươi năm nay chứ chẳng riêng bảy năm trở lại đây đâu! Ôi, ai đã nuôi con nàng, hay đứa bé đã chết ngay vì lạnh, sau khi nàng bỏ đi.

Nước mắt tự dưng cứ trào ra, Sondra không làm sao cầm giữ lại được. Hai ngày rồi, Sondra cứ lảng vảng trước nhà thờ, bên kia đường, và sáng nay đã vào dự lễ sớm trong nhà thờ. Xong lễ Sondra bước nhanh ra khỏi nhà thờ, không cho cha Ferris có dịp hỏi, vì vị linh mục cũng nhận thấy vẻ khác thường nơi người phụ nữ trẻ.

Nàng cầu nguyện để được gặp lại con. Lúc lên mười hai tuổi Sondra đã được ông nội - vừa là dưỡng phụ, vừa là thầy vĩ cầm của mình - dẫn đến đây một lần. Ông nội cho biết St. Clement’s linh nghiệm lắm; ông nội đã cầu được bao nhiêu điều trong đời mình, kể cả được khỏi hẳn chứng thấp khớp ngón tay, một sự nghiệt ngã cho một nghệ sĩ vĩ cầm như ông.

Stellina, đứa bé sơ sinh bị bỏ trên bực thềm nhà thờ St. Clement trong một đêm tháng chạp giá lạnh năm xưa, nay đã lên bảy. Nó lớn lên trong sự nuôi nấng đùm bọc của Nội Maldonado, và trong sự hờ hững, vô trách nhiệm của người bố Lenny. Cô bé đẹp như thiên thần. Mỗi ngày, sau buổi học, Stellina cùng một số trẻ em cùng lứa trong khu phố đến vui chơi, sinh hoạt tại một nhà giữ trẻ miễn phí do các bà phước đảm trách, cho đến sau giờ làm việc phụ huynh đến đón con em mình về.

Willy và vợ, Alvirah, đôi vợ chồng đã nghỉ hưu, rất tích cực trong các hoạt động hỗ trợ nhà giữ trẻ này - Willy với tay nghề thợ ống nước, và Alvirah với óc sáng kiến, cùng một trực giác thám tử sắc bén. Chính trực giác này đã giúp khám phá và bẻ gãy âm mưu chiếm đoạt một bất động sản bằng di chúc giả mạo, tức cứu được tòa nhà sẽ làm trụ sở tương lai của nhà giữ trẻ nói trên.

Sự lai vãng trước nhà thờ St. Clement’s của Sondra Lewis không thoát khỏi cặp mắt tinh tường của Alvirah. Rồi chân dung của nàng xuất hiện khắp đô thị New York trong các bích chương quảng cáo cho cuộc trình diễn vĩ cầm sắp tới tại trung tâm nghệ thuật Carnegie Hall càng thách thức óc điều tra của người đàn bà trên sáu mươi này. Chờ cho Sondra đến, đứng bên kia đường nhìn chăm chú sang nhà thờ, Alvirah nhẹ nhàng bước từ sau lưng đến vỗ nhẹ vai ngưoi thiếu nữ và dịu dàng mở lời muốn giúp đỡ... Cả hai đón taxi về nhà của Alvirah. Sondra thổ lộ mọi chuyện.

Ra về, ngang qua phòng khách, bên cạnh chiếc dương cầm với cuốn sách nhạc mở ở trang của nhạc khúc All Through The Night, Sondra dừng lại, dùng một tay nhấn trên phím chơi bản nhạc. Nàng chơi lại bài nhạc một lần nữa và khẽ hát theo:

Ngủ đi con

Và cầu xin
Mọi an bình
Cho con suốt đêm.
Chúa sẽ phái thiên thần
Xuống gìn giữ con
Suốt đêm.

Ngừng hát, giọng nàng thốt lên như òa vỡ, “Em mong con em đã tìm được một thiên thần đêm đó.” Alvirah hứa hẹn, “Tôi sẽ gọi cho em hay mọi chuyện.”

Buổi trình diễn mùa Giáng Sinh do các trẻ em tại nhà giữ trẻ xem rất ngoạn mục, một thành công sau bao nhiêu tuần luyện tập và chỉ dạy. Stellina đã thuyết phục được Nội Lilly aldonado cho mang chiếc cúp bằng bạc đến dùng trong buổi trình diễn, chiếc cúp mà tên trộm Lenny đã lấy của nhà thờ St Clement’s, và nói dối là của mẹ của Stellina giao lại cho hắn ta. Hắn ta còn nói đó là báu vật của một đức giám mục, bác của ngưoi yêu. Bà Maldonado đã tin đó là một vật linh nghiệm, và bà thường bảo Stellina như thế. Cô bé vẫn hay ôm chiếc cúp ban đêm nằm ngủ, và mỗi lần như vậy Stellina cảm thay ấm áp, bớt đi cảm giác cô đơn, dường như được gần mẹ mình. Và cô bé cũng thường ôm chiếc cúp cầu nguyện mẹ mình sớm trở về. Alvirah bỗng chú ý đến hai điều khác thường: chiếc cúp bạc, và cô bé Stellina với khuôn mặt sao giống Sondra thế! Bà ta đã nghi đó chính là món báu vật mất cắp của nhà thờ, cùng với với đứa hài nhi bị mất tích. Alvirah đem mấy tấm ảnh chụp chiếc cúp và cô bé Stellina cho linh mục Ferris xem. Ông ấy xác nhận báu vật bị đánh cắp giống hệt như vật trong hình. Bà Alvirah mơ hồ thấy có ánh sáng ở cuối đường hầm rồi!

Trong khi đó, bà Lilly Maldonado lên cơn đau tim, phải vào bệnh viện cấp cứu. Bé Stellina ở nhà một mình, chờ bố về. Lenny là mục tiêu theo dõi của cảnh sát từ bao lâu nay, và hôm nay cảnh sát đã đủ yếu tố để ra tay tóm cổ hung thủ. Hắn ta vội vã chạy về nhà vơ vét tiền bạc cùng giấy tờ, tài liệu phi pháp cất dấu trong phòng ngủ để tẩu tán. Với lại hắn thấy cần bắt Stellina theo, vì nghĩ đứa bé có triển vọng là ngôi sao hộ mệnh của hắn. Hắn ra lệnh cô bé chạy theo hắn lập tức, không được mang theo món gì cả, ngoại trừ chiếc cúp bạc mà hắn muốn phi tang, mặc cho Stellina cứ năn nỉ bố dẫn mình vào bệnh viện thăm bà Nội. Vừa xuống tới đường, cả hai đã phải khựng lại, vì cảnh sát đã bủa vây. Lenny dùng mạng sống của Stellina làm áp lực, và cảnh sát đành để hắn đẩy cô bé vào xe với hắn. Nhưng trời bất dung gian, trong lúc hắn buông tay khỏi cô bé để nổ máy xe thì Stellina mở cửa phóng mình ra khỏi xe, ôm theo chiếc cúp bạc. Cô bé quyết tâm đi tới bệnh viện thăm Nội cho bằng được! Cảnh sát ập đến chiếc xe của Lenny. Cô bé với nguyên bộ đồ mặc để trình diễn vai đức Mẹ Ơn Phước, ôm chiếc cúp bạc chạy theo con phố về phía bệnh viện St. Luke.

Lenny bị bắt. Mười phút sau, cảnh sát, linh mục Ferris và vợ chồng Willy-Alvirah có mặt tại căn chung cư mà cô bé Stellina đã sống bảy năm trời với người nuôi dưỡng mình. Lục soát phòng của Lenny, cảnh sát tìm thay một mảnh giấy nhàu nát kẹp giữa kệ để đồ và bức tượng: mảnh giấy mà người mẹ trẻ đáng thương cách đây bảy năm đã cài trên tấm chăn của con mình. Bà Alvirah đọc nhanh may giòng chữ nguệch ngoạc để thấy mọi sự đã được xác nhận hùng hồn, đúng như bà đã nghi. Bà gọi điện thoại cho Sondra.
*
Đoạn kết là khung cảnh đoàn tụ đầy mủi lòng của một câu chuyện có hậu. Bên giường bệnh của bà nội Lilly Maldonado, bé Stellina đang nói về buổi tình diễn, về việc giữ gìn chiếc cúp bạc như đã hứa với bà, và về lời mình cầu xin mẹ sớm trở về. Đúng lúc cô bé cất tiếng hỏi, “Nội có nghĩ rằng Chúa sẽ gởi mẹ về với con không?” thì Sondra vừa đến sau lưng Stellina. Nàng quì xuống, thổn thức, và ôm cô bé vào lòng. Ngoài hành lang bệnh viện, bà Alvirah thoáng thấy cảnh tượng trên, nhẹ nhàng khép cửa lại. Bà nói, “Có những khoảnh khắc cần được sống trong riêng tư. Có những lúc không cần phải hiển thị cũng biết rằng nếu ta có đức tin mạnh và bền vững thì những mong ước của ta sẽ thành hiện thực”.

24/12/2013
Hà Kỳ Lam biên dịch

No comments:

Post a Comment