Nhà văn Mỹ Elbert Hubbard từng nói: Bạn có thể là người làm nên kỳ tích.
Là người thông minh ai cũng hiểu được chân lý này: Cách duy nhất để
giúp đỡ mình chính là giúp đỡ người khác.
1. Một công ty nọ có truyền thống tổ chức tiệc
và rút thăm trúng thưởng vào Giáng sinh mỗi năm. Theo quy định rút thăm
trúng thưởng, mỗi thành viên tham gia đều phải đóng góp 10 USD làm lệ
phí.. Toàn công ty có 300 người, và phần thưởng chính là tổng số tiền
của 300 người gộp lại: 3.000 USD. Ai may mắn sẽ được mang toàn bộ số
tiền đó về nhà.
Vào ngày tổ chức lễ bốc thăm, không khí náo nhiệt
tưng bừng hơn bao giờ hết, ai nấy cũng mong đợi tới giờ vàng để thử vận
may của mình. Mỗi người đều được phát một mẩu giấy để ghi tên mình
trước khi bỏ vào thùng bốc thăm trúng thưởng. Và trong lúc chuẩn bị ghi
tên, một cậu nhân viên trẻ chợt phân vân suy nghĩ:
“Cô lao công
Sarah là người có gia cảnh khó khăn nhất, con cái lại mắc nhiều bệnh
tật, mà cô thì không có tiền để phẫu thuật cho con. Giá như cô có được
số tiền này thì tốt biết mấy, nhưng cô lấy đâu ra 10 USD để tham gia cơ
chứ?”.
Nghĩ rồi cậu không cần đắn đo mà quyết định sẽ ghi tên cô
Sarah thay vì ghi tên mình lên đó. Mặc dù vẫn biết cơ hội quá mong
manh, chỉ có 1/300 cơ hội, nhưng cậu vẫn cầu mong vận may mỉm cười với
cô.
Tới lúc chuẩn bị rút thăm, không khí hồi hộp không kém phần
căng thẳng. Mọi người cùng nhìn lên khán đài khi giám đốc công ty chọn
ra tấm phiếu may mắn. Ở bên dưới, cậu thanh niên trẻ không ngừng cầu
Chúa, cầu Chúa hãy giúp đỡ cô Sarah…
Vị giám đốc từ từ mở mẩu
giấy ra… Tích tắc, tích tắc, mọi người đều nín thở chờ đợi đến mức tiếng
kim đồng hồ cũng có thể nghe thấy. Khi nhìn vào cái tên trên tấm phiếu
may mắn ấy, giám đốc bất giác mỉm cười… rồi ông đọc to lên. Và… kỳ tích
thật sự đã xuất hiện! Khi cái tên Sarah được xướng lên, những tràng vỗ
tay chúc mừng vang lên không ngớt tràn ngập cả hội trường. Cô Sarah vừa
vui mừng vừa bất ngờ vì không biết mình được tham gia. Khi bước lên bục
nhận phần thưởng, cô rối rít cảm ơn: “Tôi thật may mắn, có số tiền này
con tôi được cứu rồi, cảm ơn mọi người, cảm ơn mọi người!”.
Buổi
tiệc diễn ra trong những tiếng nói cười và tiếng nâng ly chúc tụng.
Chàng nhân viên trẻ miên man suy nghĩ về cái kết có hậu của đêm Giáng
sinh năm ấy, bởi mọi thứ xảy ra như một kỳ tích. Cậu vừa bước dạo xung
quanh vừa chúc tụng mọi người một Giáng sinh vui vẻ. Vô tình đi qua
thùng phiếu, thuận tay cậu rút lấy 1 tờ ra xem, và… lạ chưa kìa, trên
mảnh giấy đó có tên cô Sarah. Cậu không dám tin vào mắt mình nên vội
vàng rút ra thêm một mẩu giấy, và một mẩu giấy nữa, tất đều có tên cô
Sarah trên đó.
Một nỗi xúc động dâng trào trong lòng cậu, giống
như những cơn sóng thuỷ triều dâng lên mãnh liệt. Hai mắt cậu đỏ lên,
những giọt nước mắt hạnh phúc không ngừng tuôn rơi. Cậu nhận ra một
điều, thế giới này thực sự tồn tại “kỳ tích đêm Giáng sinh”, chỉ có điều
kỳ tích đó không phải từ trên trời rơi xuống, mà nó được tạo ra bởi
những con người có tấm lòng lương thiện quanh ta.
2. Câu chuyện này gợi tôi nhớ đến trải nghiệm của chính bản thân mình.
Đó
là một buổi chiều rảnh rỗi, tôi cùng cậu bạn thân đi dạo trong ngoại ô
thành phố. Đột nhiên có một cụ già mặc bộ áo nâu cũ kỹ đi tới, gánh một
gánh rau chào mời chúng tôi mua hàng. Nhìn những bịch rau đã héo rủ
xuống, những chiếc lá dập nát như vừa trải qua một trận phong ba, không
những vậy lại còn bị sâu ăn lỗ chỗ rất nhiều. Nhưng cậu bạn đi cùng tôi
không hề tỏ ra khó chịu mà còn vui vẻ mua liền một nửa gánh rau cho cụ.
Cụ
già ngại ngùng giải thích: “Số rau này do lão tự trồng, mấy hôm trước
gặp trận mưa to, rau đều bị dập hết, nhìn thực sự rất xấu, thành thật
xin lỗi”. Sau khi cụ già đi rồi, tôi hỏi bạn mình: “Cậu thực sự mang số
rau này về sao?” Bạn tôi trả lời rằng: “Không, số rau này chắc không thể
ăn được nữa rồi”.
“Vậy cậu mua về làm gì?”
“Vì mình biết sẽ chẳng có ai mua, nếu như mình cũng không mua thì e rằng cụ già sẽ không bán được hàng”.
Tấm
lòng lương thiện của người bạn khiến tôi vô cùng xúc động và khâm phục.
Tôi chạy theo cụ già mua giúp cụ nửa gánh rau còn lại. Cụ già thấy vậy
rất vui mừng: “Lão đi bán cả ngày trời nhưng ngoài hai cậu ra thì không
có ai mua cả, thực sự lão rất cảm ơn hai cậu”...
3. Tựa như bản nhạc có nốt bổng nốt trầm, cuộc sống luôn có những thăng trầm khiến
ta thấy cần lắm một bờ vai, cần lắm một chỗ dựa. Và khi ta đang chới
với giữa dòng đời, nếu như có một bàn tay sẵn sàng nâng đỡ ta lên, cho
ta một điểm tựa, giúp ta vượt qua gian khó, thì tấm lòng thiện lương ấy
sẽ là nguồn sức mạnh giúp ta vượt qua mọi giông bão của cuộc đời.
Có
một bài hát rất hay rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.
Lòng tốt như ngọn cỏ, dẫu bạn chỉ bắt đầu nó bằng 10 đô la hay 1 mớ rau
đã dập nát, nhưng nó sẽ lan toả và bạn sẽ bất ngờ khi thấy cả một thảm
cỏ xanh ngát của tình yêu thương, sự đồng cảm, chia sẻ mà chúng ta có
thể dành cho nhau.
Và thế giới này sẽ trở thành thiên đường mà
không cần bạn phải là vĩ nhân. Đôi khi bạn sẽ thấy những gì mình cho đi
quá nhỏ nhoi, đến độ bạn thấy dù có làm nó hay không thì cũng không có
gì đáng kể. Đó là lý do nhà Phật căn dặn rằng: “Đừng thấy việc Thiện nhỏ
mà không làm”.
Bởi vì ngay cả một cái cây cổ thụ cũng bắt đầu chỉ bằng một mầm xanh bé nhỏ.
Chỉ
cần bạn gieo nó, như bắt đầu một câu chuyện nhỏ, nó có thể đi xa tới
mức khi nhìn lại bạn sẽ không ngờ rằng nó chính là kiệt tác của cuộc
sống.
Chỉ cần bạn bắt đầu bằng một ngọn cỏ, thế giới sẽ trở thành
cánh đồng hoa rực rỡ. Vậy nên đừng ngần ngại trao đi ngay cả khi bạn
không có gì nhiều nhặn cả. Bạn sẽ nhận thấy sức mạnh của trái tim có thể
làm nên kỳ tích như thế nào.
Nguồn: www.hddaminhthanhlinh.net
No comments:
Post a Comment