Thuốc ibuprofen rất tiện dụng và được sử dụng trên toàn thế giới cho mọi
triệu chứng đau từ nhẹ cho đến nặng và kinh niên. (Hình: Ngọc Lan/Người
Việt)
Ngang bằng với thuốc Tylenol, thuốc ibuprofen rất tiện dụng và được sử
dụng trên toàn thế giới cho mọi triệu chứng đau từ nhẹ cho đến nặng và
kinh niên. Thuốc được bán dưới các thương hiệu như: Advil, NeoProfen,
Caldolor, Children’s Profen IB, Infant’s Advil, Infant’s Ibuprofen,
I-Prin, Children’s Ibuprofen, Motrin IB, Advil Migraine… Ở đây xin mở
dấu ngoặc về quy luật đặt tên thuốc, tên thương hiệu viết hoa, còn tên
generic thì không, như vậy ibuprofen là tên generic.
Trong một bài viết trước đây, tôi đã phân loại các thuốc giảm đau và
giải thích cơ chế hoạt động của mỗi loại thuốc. Trong bài này xin đề cập
nhiều hơn về thuốc ibuprofen là một loại thuốc tiêu biểu trong nhóm có
tên NSAIDS (nonsteroidal anti-inflammatory drugs).
Hiện tại thuốc ibuprofen được bán không cần toa bác sĩ, tuy nhiên,
không phải vì có thể mua không cần toa là thuốc không có sự nguy hiểm
cho người dùng. Đa số mọi trường hợp, uống thuốc này giúp cho bớt đau
nhức bắp thịt, đau đầu, đau xương, khá hiệu quả và tương đối an toàn.
Tuy nhiên, thuốc là thuốc, nếu sử dụng bừa bãi, thường xuyên sẽ đưa đến
những phản ứng phụ không may.
Thuốc ibuprofen ra đời năm 1969 được bán theo toa bác sĩ tại Mỹ vào
năm 1974 dưới thương hiệu Motrin. Liều lượng thuốc được quy định là 400
đến 800 milligrams, dùng tối đa một ngày bốn lần, tổng cộng là 3200
milligrams. Cách đây trên 30 năm, khi còn là bác sĩ nội trú, tôi vẫn
thường cho toa bệnh nhân là 800 milligrams, ngày ba lần, tổng cộng là
2400 milligrams. Hiện nay, thuốc Motrin được cho bán không cần toa bác
sĩ, với lời khuyên là 200 milligrams, ngày hai lần. Do đó, nếu cơn đau
nặng, có thể sử dụng thuốc trên liều lượng ấn định trong thời gian ngắn
hạn. Tuy nhiên, hạn chế không nên dùng thuốc quá 30 ngày, bất kỳ liều
lượng.
Lạm dụng thuốc ibuprofen có thể gây ra những phản ứng phụ bất lợi.
Thuốc ibuprofen thuộc nhóm NSAIDs có tác dụng khống chế chất
cyclooxygenase (COX). COX có hai loại COX-1 và COX-2, là chất xúc tác
(enzymes) để cấu tạo ra các chất prostaglandins từ mỡ béo. Các chất
prostaglandins này tăng cao khi bị đau, viêm xoang, bị chấn thương, hay
nóng sốt. Nhưng, chúng cũng góp phần bảo vệ các tế bào mạch máu và tế
bào lót bao tử, cũng như làm cho máu đông lại khi bị thương. Hiểu như
vậy sẽ nhận ra tại sao sử dụng thuốc ngắn hạn sẽ giảm đau, giảm sưng
nhưng khi dùng dài hạn sẽ làm hại đến hệ thống mạch máu, gây ra loét bao
tử, và làm cho máu chảy không cầm.
1. Sử dụng thuốc ibuprofen quá nhiều sẽ làm đau bao tử
Chất prostaglandins sản xuất với sự hỗ trợ của chất xúc tác COX giúp
bảo vệ các tế bào của bao tử và đường ruột. Bao tử thường xuyên tiết ra
acid để giúp tiêu hóa thức ăn, prostaglandins bảo vệ tế bào hệ thống
đường ruột không bị acid hủy hoại. Thuốc ibuprofen giảm lượng
prostaglandins xuống, khiến tế bào ruột bị lở loét.
Nếu uống thuốc mà thấy đau bao tử và đi tiêu ra máu đỏ hay đen thì phải ngừng thuốc ngay và hỏi thăm bác sĩ.
2. Sử dụng thuốc ibuprofen quá liều, có hại đến hệ thống tim mạch
Thuốc được bán dưới các thương hiệu như : Advil, NeoProfen, Caldolor,
Children’s Profen IB, Infant’s Advil, Infant’s Ibuprofen, I-Prin,
Children’s Ibuprofen, Motrin IB, Advil Migraine… (Hình: Getty Images)
Các sản phẫm của chất COX tạo ra, đóng góp vào cơ chế cầm máu, đông
máu, cũng như sự giãn nở, co thắt của mạch máu. Thuốc ibuprofen sẽ làm
cho máu không cầm lại khi bị thương tích, và cũng làm tăng huyết áp vì
mạch máu thiếu đàn hồi, có thể dẫn đến suy tim.
3. Sử dụng thuốc ibuprofen quá liều, có thể làm suy thận
Hai trái thận hiểu nôm na là hai cái máy lọc nước được cấu tạo bởi
một hệ thống mạch máu li ti mà khi máu chạy qua đó, chất dơ được thải ra
thành nước tiểu, đồng thời các khoáng chất trong máu như potassium và
sodium được cân bằng và bão hòa. Nếu sự bão hòa aày bị mất cân bằng, sẽ
làm đảo lộn nồng độ acid pH của máu, cũng như là cho cơ thể mất nước hay
dư nước sanh ra phù thũng.
Sự co thắt của hệ thống mạch máu nhỏ li ti trong trái thận, không
những kiểm soát tốc độ và thể tích máu chảy qua hệ thống lọc, mà còn góp
phần vào việc điều chỉnh áp suất máu của toàn bộ cơ thể. Thuốc
ibuprofen cản trở sự đàn hồi của hệ thống mạch máu nầy, gây ra suy thận,
và còn làm tăng huyết áp cơ thể.
4. Thuốc ibuprofen có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh
Sử dụng thuốc kinh niên có thể làm cho bị nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ, và bị kinh phong.
5. Ngoài ra, không nên sử dụng thuốc ibuprofen trong các trường hợp sau đây:
Nếu uống rượu thì không nên uống chung với thuốc ibuprofen, có thể
làm tăng nguy cơ bị chảy máu đường ruột. Khi cơ thể khô nước, thí dụ như
sau khi tập thể dục thể thao, không nên uống thuốc ibuprofen, có thể
làm tăng nguy cơ bị suy thận. Dĩ nhiên, khi có thai thì nên tránh thuốc
ibuprofen hoàn toàn vì có thể gây ra dị tật cho tim mạch cũng như hai lá
phổi của em bé, và cũng tăng nguy cơ bị mất máu khi sanh đẻ.
Thuốc ibuprofen cũng không nên dùng chung với các loại thuốc dược
thảo, phụ phẩm thí dụ như: bột nghệ, bột gừng, đơn qui, bột tỏi, nhân
sâm, bột me, trà cúc và nhiều thứ linh tinh khác. Khi dử dụng chung, có
thể tăng nguy cơ bị chảy máu không cầm.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy thuốc ibuprofen có thể giảm bớt
nguy cơ bị bệnh Alzheimer khi sử dụng ở liều lượng thật thấp. Thuốc
ibuprofen cũng có khả năng giảm bớt nguy cơ bị bệnh Parkinson. Tuy
nhiên, nên cẩn thận, cân nhắc với những rủi ro có thể xảy ra trước khi
dùng.
Tất cả những phản ứng phụ nêu trên đây đều tiêu biểu cho các loại
thuốc trong nhóm NSAIDS. Ngoài thuốc ibuprofen (Advil, Motrin), các loại
thuốc thông dụng khác trong nhóm gồm có: Aspirin (Bayer, Bufferin, và
Ecotrin), Naproxen (Aleve, Anaprox DS, Naprosyn), và Celecoxib
(Celebrex). Thuốc Aspirin là thuốc có ít phản ứng phụ tai hại nhất trong
nhóm, ngược lại còn giúp phòng chống các loại ung thư.
BS Hồ Ngọc Minh
No comments:
Post a Comment