Từ Nga cho tới Trung Quốc, Iran và kể cả Thổ Nhĩ Kỳ đều đang đứng
trước nguy cơ phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn trong năm 2023. Vladimir
Putin có thể bại trận ở Ukraine, Tập Cận Bình lao đao với Covid…. Việc triệt
tiêu phản biện nhằm tập trung quyền lực vào tay một con người duy nhất, là
nguyên nhân của những sai lầm. Liệu các chế độ độc tài này có thể sống sót?
Ukraine Lan Tỏa Sự Can Trường
Trong bài viết đầu năm “Chúc mừng 2023: Từ ngưỡng mộ đến cảm hứng”,
báo Les Echos cho rằng sự hứng khởi mà người Ukraine, phụ nữ Iran và phong trào
phản kháng ở Trung Quốc mang lại là một món quà cho năm 2023.
Chừng như năm này qua năm nọ, mức độ những xáo trộn ngày càng rộng
lớn hơn. Trong năm 2022, chúng ta phải đối mặt với cuộc chiến tranh Ukraine, lạm
phát và lãi suất tăng lên, giá năng lượng tăng vọt, và năm qua thời tiết nóng
chưa từng thấy. Nhưng năm 2022 cũng mang lại những thông điệp rất tích cực về
khả năng con người đối phó với nghịch cảnh.
Trước hết là người dân Ukraine. Bị xâm lăng, tra tấn, bạo hành, họ
vẫn trụ vững. Họ quyết tâm bảo vệ tổ quốc, bình thản đối phó trong điều kiện
không được sưởi ấm, không điện và thường là không có nước sinh hoạt. Tiếp đến
là nữ giới Iran dám đương đầu với chế độ của các giáo sĩ Hồi giáo từ nhiều
tháng qua. Cuối cùng là người biểu tình Trung Quốc, đã buộc Tập Cận Bình phải từ
bỏ chính sách “zéro Covid”. Tất cả cho thấy lòng can đảm có thể lây lan, bắt đầu
từ một ít cá nhân và rồi lan rộng cho quần chúng.
Trung Quốc Khó Thể Ngoi Lên Thành Siêu Cường Số 1 Thế Giới
Bài xã luận “Chào mừng năm 2023”của báo La Croix ghi nhận nếu năm
2023 bắt đầu trong không khí lễ hội với pháo bông tưng bừng và một triệu người
chen chúc trên đại lộ Champs-Élysées, thì chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Ukraine,
di dân tiếp tục ra khơi ở Địa Trung Hải. Báo Les Echos cho rằng vẫn có “những
lý do để tin tưởng”, sau một mùa Đông Covid dài dằng dặc làm đông cứng nền kinh
tế, một năm của chiến tranh, khủng hoảng năng lượng.
Một năm mới mở ra với mối đe dọa suy thoái, biến thể mới của
Covid; cuộc chiến ở Âu Châu vẫn tiếp diễn và biết đâu mai này đến lượt Đài
Loan…. Nhưng bên cạnh đó có một số điều chắc chắn: Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc
thành nước đông dân nhất thế giới, và một nỗi đau khác cho chế độ Tập Cận Bình
là từ nay Trung Quốc khó thể hy vọng soán ngôi đại cường số một thế giới của
Hoa Kỳ, mà Bắc Kinh vẫn mơ đến để chứng tỏ tính ưu việt đối với một phương Tây
đang “suy tàn”. Ở phương Tây, Âu Châu đương nhiên là yếu đi vì cuộc chiến tranh
Ukraine, nhưng không còn quá ngây thơ. Và trong bối cảnh rối ren hiện nay, những
chế độ toàn trị cho thấy họ đang đi vào ngõ cụt.
Giáo Hoàng Benedicto XVI, Nhà Thần Học Khiêm Nhu
Nhân dịp đầu năm mới, báo Les Echos nêu ra những thách thức cho Tổng
thống Emmanuel Macron trong năm 2023: Cải cách chế độ hưu, sức mua, năng lượng.
Báo Libération đăng hình vẽ ông Macron mặc veste, thắt cà vạt nói lời chúc mừng
năm mới, nhưng nửa người lộ ra phía dưới bàn là quần short đi biển, và hai quạt
máy hai bên đang thổi vào đôi chân trần mang dép. Tờ báo chạy tựa “Khí hậu: Quá
nóng trong tương lai”.
Hình ảnh Đức Giáo hoàng Benedicto XVI vừa tạ thế vào ngày cuối
cùng trong năm ở tuổi 95 được hai báo Le Figaro và La Croix hôm 2/1/2023 cùng
đưa lên trang nhất. Tờ báo cánh hữu nhấn mạnh đến “Đức tin và trí tuệ”, nhật
báo công giáo chạy tít “Benedcito XVI: Giáo hoàng và nhà thần học”, dành hẳn 12
trang báo khổ lớn. Thụ phong linh mục ngay sau khi đại chiến thế giới kết thúc,
giảng dạy Đại học trong suốt ba thập niên, Joseph Ratzinger chú tâm cho nghiên
cứu thần học và rất bất ngờ khi được phong tổng giám mục rồi Hồng y, và rốt cuộc
được bầu làm Giáo hoàng.
Báo La Croix cho rằng Benedicto XVI là “Giáo hoàng của những nghịch
lý”. Sẽ là bất công nếu chỉ nhớ đến việc từ chức của ngài – một quyết định bất
ngờ mang tính lịch sử cách đây mười năm. Không ai hình dung ra một nhân vật được
cho là bảo thủ lại có hành động hiện đại như thế. Là người trung thành với Công
đồng Vatican II, lẽ ra ngài phải bênh vực di sản truyền thống. Một nhân vật nhiều
ảnh hưởng, nhưng chưa bao giờ tìm kiếm quyền lực. Một nhà thần học vĩ đại, nhìn
thấy trước các tệ nạn tham nhũng, lạm dụng tình dục, nhưng không ngăn cản nổi.
Bắc Kinh Đại Bại Sau Ba Năm “Zero Covid”
Trang nhất báo Le Monde nói về “Covid-19: Tại Trung Quốc, ba năm
chính sách y tế thảm hại”, và ở trang trong nhấn mạnh đến “Thất bại của những
năm zero Covid tại Trung Quốc”. Bắc Kinh đã phải đột ngột từ bỏ một chính sách
y tế không thể chịu đựng nổi về mặt tài chánh và xã hội. Sự im lặng của bộ máy
tuyên truyền đôi khi nói lên nhiều điều, chính sách này không hề được báo chí
nhà nước nhắc đến từ ngày 7/12/2022. Mỗi một ngày trôi qua, Trung Quốc càng trượt
dài xuống vực thẳm.
Tờ báo ví von, cũng như mọi bi kịch, sự việc diễn ra theo 3 hồi:
Chiến thắng năm 2020, hoang mang năm 2021 và thất bại đau đớn năm 2022. Tập Cận
Bình từng lên mặt tuyên bố: “Covid là trắc nghiệm lớn cho năng lực quản lý đất
nước”khi phương Tây lao đao vì virus từ Vũ Hán. Trung Quốc dùng “ngoại giao vắc-xin”,
“ngoại giao khẩu trang”để bắt bí các nước.
Và như để cố chứng minh Covid đến từ bên ngoài, sau khi đóng cửa
không phận ngày 27/3/2020, Bắc Kinh lần lượt khẳng định tìm thấy dấu vết con
virus trên các sản phẩm nhập cảng. Cá hồi Na Uy rồi Chí Lợi, thịt bò Á Căn Ðình
hay Tân Tây Lan, thịt heo Mỹ, tôm và cá nục Ecuador, chân gà và mực của Nga, cá
Nam Dương và ngay cả những lon bia Mỹ… không thể kể hết. Trung Quốc thi hành một
chính sách không giống ai là chỉ chích ngừa cho người 18-59 tuổi, thay vì ưu
tiên cho người lớn tuổi và nguy cơ cao.
Nay các nhà tang lễ ở nhiều thành phố Hoa lục đều quá tải, một cái
tát cho chế độ. Đổ ra quá nhiều tiền của, công sức cho việc xét nghiệm và phong
tỏa cư dân, chính quyền địa phương không còn có thể đầu tư vào các đơn vị chăm
sóc đặc biệt, thuốc men cũng thiếu thốn. Đảng đang trong ngõ cụt, nhưng không
thể nhìn nhận. Lãnh đạo thì “không bao giờ sai”, và đáng buồn thay, không hề
chuẩn bị kế hoạch B.
Gia Nã Ðại Đối Đầu Trực Diện Với Trung Quốc
Trên lãnh vực ngoại giao, báo Le Figaro cho biết quan hệ giữa
Ottawa và Bắc Kinh sẽ còn căng thẳng lâu dài. Bắt đầu từ vụ Gia Nã Ðại bắt giữ
Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), Giám đốc Tài chánh của Hoa Vi (Huawei) theo yêu cầu
của Mỹ. Bắc Kinh bèn bắt giữ một doanh nhân và một nhà cựu ngoại giao Gia Nã Ðại,
đồng thời đe dọa trả đũa công dân nước này sống tại Hồng Kông. Cộng đồng Duy
Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Pháp Luân Công, các nhà đấu tranh dân chủ gốc Hoa trên khắp
Gia Nã Ðại bị sách nhiễu. Bắc Kinh lũng đoạn chính trường, gián điệp kỹ nghệ
Trung Quốc len lỏi vào các trường Đại học. Sinh học dược phẩm, y tế, trí thông
minh nhân tạo, kỹ thuật lượng tử, kỹ thuật hải dương và không gian bị dòm ngó
nhiều nhất.
Ottawa quyết định không thể để Trung Quốc tiếp tục lộng hành. Bắc
Kinh lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên Gia Nã Ðại, trong khi 72% xuất cảng của
Gia Nã Ðại là vào Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Gia Nã Ðại công bố chiến lược Ấn Độ-Thái
Bình Dương nhằm cắt đứt với Trung Quốc, tái định hướng thương mại sang Ấn Độ và
Đông Nam Á.
Quốc Hội Nga Lập Kỷ Lục: Thông Qua Trên 650 Đạo Luật
Tại Nga, báo Le Monde nhận thấy Viện Douma (Quốc hội Nga) trong
năm 2022 đã vội vã thông qua một loạt kỷ lục những đạo luật trấn áp, liên quan
đến cuộc xâm lăng Ukraine. Ở một đất nước mà Tổng thống quyết định hầu như tất
cả, có những chuyện khó thể hình dung. Trong năm qua, Douma đã thông qua 653 Dự
luật, “số lượng lớn nhất trong lịch sử Quốc hội, một kỷ lục kể từ khi Liên Xô
không còn tồn tại”- Chủ tịch Viatchelav Volodine tự hào tuyên bố trong kỳ họp
cuối. Phiên họp mùa Đông năm nay giống như một cuộc chạy đua nước rút, để đưa
ra hàng loạt đạo luật được coi là ưu tiên.
Chẳng hạn một luật bỏ tù có thể đến chung thân về việc xúi giục
phá hoại, được soạn để chống lại các vụ đốt những trung tâm tuyển mộ của quân đội,
hoặc một luật khác cho phép cơ quan tình báo FSB được tham khảo dữ liệu các ứng
dụng gọi taxi để theo dõi sự di chuyển của công dân. Trong vòng một tuần lễ, ba
Dự luật khác được đồng loạt thông qua: Cấm sử dụng từ ngoại quốc nếu tiếng Nga
có tương đương, phạt đến 5 năm tù nếu xúc phạm ruy-băng Saint-George thời Sa
hoàng. Hoặc coi việc đưa ra những bản đồ trình bày biên giới Nga không đúng đắn
là “cực đoan”, tuy những đường biên này vẫn co giãn trước cuộc phản công của
quân đội Ukraine tại những lãnh thổ vừa bị Putin sáp nhập.
Năm Mới 2023 và Viễn Cảnh U Ám Cho Các Chế Độ Toàn Trị
Nhìn chung, báo Les Echos cho rằng năm nay sẽ là một năm đen tối
cho các chế độ độc tài. Từ Nga cho tới Trung Quốc, Iran và kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, bốn
chế độ này cùng đối mặt với mối đe dọa về sự tồn tại, như một trò đùa éo le của
lịch sử. Tờ báo đặt câu hỏi, ai có thể chắc chắn rằng Vladimir Putin, Tập Cận
Bình, Ali Khamenei và Recep Tayyip Erdogan vẫn có thể nắm quyền trong vòng một
năm nữa? Tất cả đang đứng trước những cuộc khủng hoảng lớn, tuy tính chất khác
nhau nhưng có cùng một nguyên nhân.
Trước hết, ông chủ Ðiện Cẩm Linh có nguy cơ lớn sẽ bại trận ở
Ukraine. Quân đội Nga với vô số khuyết điểm từ tổ chức, hậu cần, thiếu thốn
trang bị vì nạn trộm cắp và tham nhũng, đã bị mất đến phân nửa số xe tăng. Số
lính tử trận trong 10 tháng qua cao hơn cả 10 năm can thiệp vào A Phú Hãn, và
không chiếm nổi một địa phương quan trọng nào kể từ cuối tháng Sáu. Vũ khí cuối
cùng còn hiệu quả là Pháo binh thì đã phải vét cạn kho, những phi đạn bắn đi
trong những tuần lễ gần đây còn lớn tuổi hơn những người sử dụng chúng. Và nhất
là Nga chỉ dựa vào các phi đạn do Iran cung cấp, đế đối phó với Ukraine được
trang bị bởi liên minh phương Tây chiếm đến 62% GDP toàn cầu.
Tập Cận Bình thì buộc lòng phải thối lui trước người dân Trung Quốc
đã quá chán ngán sau ba năm phong tỏa. Những cuộc biểu tình chưa từng thấy đòi
“tự do, dân chủ, Nhà nước pháp quyền”đã nổ ra, với quy mô lớn nhất kể từ 1983.
Chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi chiếc bẫy: đại dịch có thể bùng mạnh
trong dân số có mức độ lão hóa thứ năm thế giới, ít miễn dịch tự nhiên và được
chích ngừa bằng vắc-xin nội địa kém hiệu quả.
Về phần Iran, “ông thần”dường như đã ra khỏi cái chai với cuộc nổi
dậy chống lại khăn quàng Hồi giáo, và nay còn muốn lật đổ chế độ. Một con số
nói lên nhiều điều: GDP trên đầu người của quốc gia giàu dầu lửa này chỉ tăng gấp
đôi kể từ Cách mạng Hồi giáo 1979, trong khi cả thế giới tăng gấp sáu. Cũng có
thể kể luôn chế độ Erdogan, 21 năm cầm quyền, lạm phát lên đến 85%.
Dập Tắt Phản Biện: Các Nhà Độc Tài Tự Hại Chính Mình
Tất nhiên những chế độ này vẫn có thể may mắn sống sót. Ðiện Cẩm
Linh có thể cho động viên và huấn luyện hàng trăm ngàn tân binh để “đóng
băng”các chiến tuyến. Đợt dịch Covid có thể sát hại ít người hơn ở Hoa lục, các
giáo sĩ khủng bố được người dân, nhất là ở Iran không có một tổ chức chính trị
nào có khả năng giành được quyền lực. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đối thủ chính của Erdogan
sắp bị Tư pháp cấm tham chính, và bản thân ông đã thắng 14 cuộc bầu cử liên tiếp….
Nhưng lý lẽ cho rằng độc tài hiệu quả hơn dân chủ - vì phải đối
phó với phản biện và tìm kiếm thỏa hiệp - trong những cuộc khủng hoảng lớn, đã
hoàn toàn sụp đổ. Bởi vì chế độ Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Tehran, Ankara hoàn toàn
chịu trách nhiệm về những cuộc khủng hoảng nay đang đe dọa họ. Các chế độ này tự
húc đầu vào tường: Putin quyết định xâm lăng Ukraine với lý lẽ “dân tộc Nga và
Ukraine là một”, Bắc Kinh tự bập vào chiếc bẫy zero Covid vô nghĩa, các giáo sĩ
bám chặt lấy giáo điều về khăn choàng Hồi giáo dù dân chúng không còn chấp nhận.
Còn chủ thuyết “Erdoganomic”- chống lạm phát bằng cách giảm lãi suất - cũng chẳng
khác nào thuật chiêm tinh.
Trong mỗi quốc gia trên, chính việc triệt tiêu phản biện nhằm tập
trung quyền lực vào tay một con người duy nhất, là nguyên nhân của những sai lầm.
Tập Cận Bình là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, vừa là chủ nhiệm Quân ủy Trung
ương. Erdogan là Tổng thống kiêm Chủ tịch đảng AKP chiếm đa số trong chính phủ
và Quốc hội, giáo chủ Ali Khamenei nắm quyền tối thượng trên cả nước. Còn
Vladimir Putin, Tổng thống Nga, trên thực tế thâu tóm mọi quyền hành và không
nghe bất kỳ ai. Trước khi xâm lăng Ukraine, chủ trì một cuộc họp với các Bộ trưởng
và Cố vấn nói năng lắp bắp vì sợ, ông ta bỏ ngoài tai khuyến cáo của các nhà
kinh tế giỏi nhất, cảnh báo về thảm họa.
Báo Les Echos cho rằng năm 2023 có thể nhắc nhở các nhà độc tài
câu nói của nhà Sử học Cổ đại Hy Lạp Hérodote về sự ngạo mạn: “Hãy nhìn những
ngôi nhà và cả những cây cao nhất: Tia sét luôn giáng xuống chúng vì ông trời
buộc những gì nhô cao quá đáng phải hạ mình xuống”.
Thụy My
https://www.rfi.fr
No comments:
Post a Comment