Saturday, January 21, 2023

Xuân Về Viết Gì Cho Quê Hương - Vũ Phan


Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn

Nước tuôn trên đồng vuông vắn

Lúa thơm cho đủ hai mùa …

 

Quê hương dưới cái nhìn của nhạc sĩ Phạm Duy thật thơ mộng, êm đềm …


Người Việt lớn lên nhờ những hạt gạo thơm lành và giọt nước trong mát của các dòng sông hiền hòa khắp ba miền, những điều tốt đẹp đó in vào tâm trí mọi người qua những năm tháng dài trong cuộc đời tạo nên hình ảnh thật đẹp về quê hương yêu dấu.


Từ nhiều thế kỷ trước người Việt đa số sống ở vùng nông thôn, khi rời miền quê ra chốn đô thị, người nông dân xa hẳn làng mạc, ruộng nương xanh rì và những dòng sông êm ả để tụ hội sinh sống nơi chốn phồn hoa đô hội. Nhưng trong tâm thức thì phần lớn người Việt vẫn nhớ quê xưa.


Qua những cuộc thay đổi dâu bể trong những thập kỷ vừa qua, diện mạo vóc dáng quê hương cũng thay đổi theo thời cuộc.


Rồi thuận theo bao thăng trầm đó, số phận bao con người chất phác, mộc mạc đó cũng đổi thay. Những người nông dân trên miền núi cao hẻo lánh dãy Trường Sơn theo những chuyến xe lặng lẽ xuôi về hạ du, hay những đoàn người áo nâu, chân lấm tay bùn phải từ bỏ đồng bằng phì nhiêu miền Tây và miền Trung hoang mạc cát trắng, hồn mang nặng tâm tư theo những con tầu, những chuyến xe chầm chậm rời xa những dòng sông trầm vắng, những cồn cát heo hút, bỏ lại ruộng vườn tươi tốt sau lưng để trở thành kẻ tha phương nơi các đô thị, các vùng đất xa lạ khác để tìm cuộc mưu sinh. Tất cả là vì làng quê bây giờ đã không làm cho họ đủ ấm no dù chiến tranh đã đi qua hàng thập kỷ.


Đi xa hơn khỏi mảnh đất quê hương này, những chiếc cánh bay xẻ ngang dọc bầu trời xanh đưa tiễn những con người lưu lạc tha phương về những đất nước thật xa ở một lục địa khác. Mắt ngấn lệ khi ngoảnh đầu lại chợt thấy quê hương sau lưng bây giờ thật là diệu vợi.


Nhưng dù tha phương trên chính quê hương mình hay nơi nào khác, với người Việt thì quê hương không thể nào quên lãng, càng lâu năm thì những ký ức và nỗi nhớ càng đong đầy trong tâm trí.


Trong hồn người theo năm tháng các ký ức và nỗi nhớ khôn nguôi đó kết lại thành những viên đá ngủ yên, thỉnh thoảng tất cả lại rực sáng lên trong đầu, trong tim mỗi khi ta nhớ về giòng sông, ngôi nhà, con đường, bạn bè xưa … còn ở lại đó.

Thật khó lột tả hết nỗi niềm và ước vọng của người Việt ở xa hay gần khi nhớ về quê hương ngày đầu năm, sự mong ước không thể chối từ của mọi người là một quê hương giầu có, trù phú, nhân văn, nhân bản … Có nghĩa là quê hương đã vươn vai Phù Đổng lớn mạnh lên, làm trái tim mọi người tự hào mỗi khi nhắc đến tên quê hương mình là Việt Nam, khi có ai đó hỏi – anh từ đâu đến hoặc quốc tịch anh là gì?


Nhưng mong mỏi đó sao thật xa xôi, mà kỳ lạ và ngộ nghĩnh thay sao quê hương Việt Nam lại không chịu lớn lên như các quốc gia láng giềng Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản … dù quê hương ta có “rừng vàng, biển bạc”, có “anh hùng, người tài” nhiều như lá trên rừng.


Những câu hỏi làm đau đầu những nhà nghiên cứu, các nhà kinh tế … trên thế giới, chẳng lẽ quê hương Việt Nam mãi mãi là một nước nhược tiểu!


Vị đắng còn đọng lại thật lâu trên bờ môi mỗi khi ta phải trả lời người hỏi những câu đó.


Ở những miền đất xa xôi khác, nơi những người Việt đành lòng phải xa quê hương sau ngày tháng Tư đau thương đó vì đồng minh ngoảnh mặt ra đi, có những người lính Việt Nam Cộng Hòa sau khi buông tay súng bảo vệ tự do cho Miền Nam, với lòng nhiệt thành và can trường hiếm thấy ở một quân đội nào khác trong lịch sử, đã cầm bút lên để viết về những ngày tháng oai hùng của họ trong lửa đạn và để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến nhiều mất mát đó. Họ vẫn đang tiếp tục chiến đấu cho tự do vì từ trong tim, họ vẩn giữ vững niềm tin là Việt Nam tự do vẫn còn đó.


CHỢ SAIGON ...

 




Ở Việt Nam, Tết này một trong những nhạc khúc xuân hay nhất ở miền nam trước năm 1975 được chính thức cho phát hành và hát lại sau hơn 40 năm vắng bóng, bài “Ly Rượu Mừng”.


Những năm trước tuy chưa được hát, nhưng mỗi khi Tết về, người dân Saigon lại nghe đây đó tiếng hát bất tử của ban Thăng Long ngân nga bài này.


Saigon ngày nay là một thành phố rộng lớn, một đại đô thị với dân số xấp xỉ mười triệu người, và dòng người di dân vẫn không ngừng đổ vào Saigon từ những miền núi xa xôi cực Bắc và từ mũi đất tít mù phía Nam của Việt Nam, nếu họ không thể đi đến chỗ mong muốn ở những đất nước khác xa hơn.


Ai đến sinh sống, cư ngụ ở thành phố này một thời gian đều không muốn xa rời nó, một nơi quanh năm với ánh nắng mặt trời ấm áp, khí hậu hiền hòa và tinh thần hào phóng phương nam.


Tuy đã trải qua bao cuộc bể dâu, thăng trầm theo định mệnh của quê hương, nhưng những cái hay và chân thật của Saigon những thập kỷ trước đang đi theo một qui luật ngàn đời là “hữu xạ tự nhiên hương”.


Người ta có thể thay đổi tên của một giòng sông, nhưng không thể thay hết nước của nó nếu dòng sông đó có một cội nguồn sâu sắc.



27/01/2017
Vũ Phan

Vũ Phan: Xuân về viết gì cho Quê Hương (hon-viet.co.uk)

No comments:

Post a Comment