Mùa hè Bắc Âu khá đẹp,
đầu tháng sáu trời về đêm vẫn còn se lạnh. Cái lạnh tựa như Đà Lạt ngày nào,
thường gây chút xao xuyến, nhớ nhung nhưng cũng dễ đưa người ta vào giấc ngủ.
Tôi có thói quen đi ngủ muộn và ngủ khá ngon giấc, ít khi mộng mị, vậy mà khuya
hôm nay tôi có một giấc mơ khá dài. Không nhớ dài bao lâu, nhưng nó gói ghém gần
cả đời lính của mình, với đủ những khuôn mặt đồng đội, huynh đệ suốt một thời
trận mạc. Tôi cũng không giật mình tỉnh mộng như các lần chiêm bao trước. Giấc
mơ kết thúc yên ả như tôi vừa xem xong một cuốn phim tình cảm với buồn vui lẫn
lộn. Thức dậy, nằm trằn trọc, mơ màng giữa mộng và thực rồi miên man hồi tưởng
cả một thời quá khứ, dù hiểm nguy gian khổ, nhưng lại là quãng đời đẹp đẽ nhất
của riêng mình.
Người đã bất chợt bước vào giấc mơ và mang theo cho tôi cả một thời quá
khứ ấy là Đặng Trung Đức. Anh đã tử trận tại khu vực Ngô Trang, phía Bắc thành
phố Kontum trong trận chiến mùa Hè 1972.
Cả một đời binh nghiệp của tôi gần như gắn liền với anh Đức, luôn theo
phía sau anh để thay thế các chức vụ của anh giao lại. Khi mãn khóa 18 Thủ Đức,
tôi được bổ nhậm về trình diện đơn vị thì gặp anh, và hai anh em ở cùng đại đội.
Đức tốt nghiệp Khóa 19 Võ Bị Đà Lạt, ra trường về đơn vị trước tôi khoảng 5
tháng. Anh làm Trung đội trưởng Trung đội 1 còn tôi, Trung đội trưởng Trung đội
3. Đại đội trưởng lúc ấy là một anh trung úy, niên trưởng Khóa 16 Võ Bị của Đức,
rất đa tài và yêu thương em út. Sau đó, Đức lên làm đại đội trưởng, tôi làm đại
đội phó cho anh. Một thời gian sau, anh được điều động về làm Trưởng ban 3 tiểu
đoàn, tôi lên thay anh, rồi sau đó lại thay anh một lần nữa, trong chức vụ Ban
3 tiểu đoàn để anh về làm Trưởng ban 3 trung đoàn. Và có một thời gian khá dài
hai anh em cùng làm việc tại Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, khi tôi về đảm trách một
ban khác. Đầu năm 1971, khi anh ra nắm tiểu đoàn, tôi lại có thời gian thay anh
ở chức vụ Ban 3 Trung Đoàn. Chúng tôi cùng một đơn vị từ lúc mới ra trường,
luôn sống gần nhau cho tới khi anh hy sinh. Rất thân tình, xem nhau như anh em,
mặc dù anh cũng trạc tuổi tôi.
Trong giấc mơ, Đức đến thăm tôi trên một đỉnh đồi, nơi đơn vị đóng quân.
Mặc quân phục, tay cầm khẩu M-18, nhưng không mang cấp bậc. Vẫn trẻ trung hào
khí, nhưng không còn cái vui vẻ, dí dỏm ngày nào. Nét mặt đượm buồn. Đức hỏi
thăm tôi từng người, những anh em cùng đơn vị cũ. Có điều lạ là không thấy anh
nhắc những người đã mất. Khi tôi hỏi về anh Võ Anh Tài, các bạn Trần Công Lâm,
Đỗ Bê, Dương Đình Chính, Đức bảo là họ cùng đang chiến đấu với anh. Nhưng những
người bạn này, cũng là những tiểu đoàn trưởng, đã chết tại chiến trường Kontum,
trước và sau ngày Đức hy sinh.
Trong giấc mơ, tôi cũng mơ hồ là Đức đã qua đời từ lâu rồi, nên e dè hỏi,
nhưng Đức bảo anh vẫn còn sống và luôn ở bên cạnh bạn bè đồng đội đây thôi. Đức
tâm sự thật nhiều, kể cả chuyện riêng, chuyện gia đình lẫn chuyện nhà binh, đơn
vị. Tôi cũng kể lẫn lộn chuyện tù đày, vượt biên, từng khốn cùng sống chết, cứ
như từ kiếp trước. Đức cũng không thắc mắc, nắm tay tôi sụt sùi. Khác hẳn với
những giấc chiêm bao khác, thường thì tôi giật mình tỉnh giấc, nhưng hôm nay,
khi Đức chia tay từ giã, bước xuống triền đồi, tôi vẫn nhìn theo cho tới khi
hình bóng anh biến mất sau một đám cây bên tảng đá…
Tỉnh giấc, tôi vẫn nằm yên, như để cố níu giữ giấc mơ và nhất là hình
bóng của Đức. Đã từ khá lâu rồi, thỉnh thoảng tôi có thoáng hình dung tới Đức,
đặc biệt mỗi khi nhắc lại chuyện cũ với anh em cùng đơn vị, nhưng hôm nay, bất
ngờ tôi đã “gặp” lại anh và ngồi bên nhau rất lâu, cho tôi cái cảm giác là anh
vẫn còn sống ở đâu đó, bất chợt tìm tới thăm mình. Tôi vẫn cứ nằm khá lâu trên
giường, nhắm mắt nghĩ tới Đức, nhớ lại tất cả những gì biết về anh, hình dung từng
cử chỉ của anh. Một hành động như là không để cho anh thực sự biến mất.
Đức sinh ra ở Đà Nẵng. Cha anh là người Quảng Nam, nhưng anh không hề có
trong tâm trí hình ảnh của ông, vì khi anh mới lên ba thì ông đã (biến) mất. Mẹ
là người Huế. Anh lớn lên trong vòng tay của mẹ. Bà khổ sở tảo tần để nuôi anh
ăn học. Người mẹ cô đơn, nhỏ nhắn, nghèo khó ấy lại là cái bóng chở che anh cả
một quãng đời cho đến khi anh vào lính. Cũng chính cái nghèo khó ấy mà cuộc hôn
nhân của anh đã gặp rất nhiều khó khăn trắc trở, bởi người yêu (sau này là vợ
anh) là thứ nữ của một gia đình thế gia, giàu có thuộc hoàng tộc triều Nguyễn.
Cuộc hôn nhân tưởng đã không thành, nếu không có sự chở che hỗ trợ hết lòng của
Kim Oanh, một cô bạn thân của hai người, sau này cũng là cô phù dâu và là người
bạn thân thiết nhất của vợ chồng Đức. Đám cưới vội vàng, đơn giản diễn ra ngay
sau ngày anh tốt nghiệp từ Trường Võ Bị.
Với những đức tính từ khi còn là một Hướng Đạo Sinh đến khi được tôi luyện
từ ngôi trường Võ Bị, Đức sớm tìm được thiện cảm và trở thành rể quý của gia
đình vợ sau này. Nghe nói, khi biết tin Đức bị thương nhẹ mấy lần, ông bà nhạc
lo lắng lắm. Do quen biết nhiều, ông bà có ý định lo cho Đức về nắm cái quận
nào đó ở Bình Định. Ngày Đức mất, ông bà đã khóc hết nước mắt và nhận lo việc
an táng Đức ở gần gia đình ông, trong thành phố Qui Nhơn. Đức được chôn cất ở
Nghĩa trang Phật Giáo, Khu Gành Ráng, một vị trí khá đẹp, xa xa có mộ phần của
nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Ông bà đưa chị Đức và hai con sang Pháp từ năm 1979, nhưng chị Đức mất sớm
do một chứng bệnh nan y. Sau khi chị mất, ông bà quyết định ăn chay trường, tu
tại gia và cũng mất khoảng hơn mười năm sau đó. Hai con của anh chị Đức, một
trai một gái. Ngày Đức mất, cháu trai mới lên bốn và cháu gái chưa tròn một tuổi,
chưa biết mặt cha. Hai cháu vẫn sống ở Pháp, thỉnh thoảng có liên lạc với chúng
tôi để hỏi về người cha qua cố. Cô bạn thân, từng hết lòng giúp vợ chồng Đức
trong cuộc hôn nhân, đang sống ở Houston, vẫn liên lạc thường xuyên với hai
cháu như một bà mẹ đỡ đầu, và thỉnh thoảng về Việt Nam thăm và sửa sang mộ phần
của Đức. Riêng bà cụ, mẹ của Đức cũng đã qui tiên sau vài năm được hai con của
anh chị Đức bảo lãnh sang Pháp. Đặc biệt ông cụ thân sinh của Đức, không hề chết
như anh đã nghĩ. Ông bỏ gia đình theo Việt Minh từ thời Cách Mạng Mùa Thu, rồi ở
lại miền Bắc lập gia đình khác. Năm 1976, ông về Nam, sau khi đã “phục viên”,
có gặp lại mẹ cùng vợ con của Đức và đến thắp hương trên mộ Đức. Không hiểu khi
ấy ông nghĩ gì khi đứa con trai mà ông đành lòng bỏ rơi từ tấm bé để theo đuổi
một lý tưởng huyễn hoặc, đã bị giết bởi bàn tay các đồng chí của chính ông. Ông
cũng đã qua đời không lâu sau đó.
Tôi lập gia đình sau Đức khoảng hai năm. Và gần như suốt thời gian tôi
quen biết với bà xã tôi, Đức cũng thường ở bên cạnh chúng tôi, nên càng gần gũi
thân tình. Sau này, vợ con tôi vẫn luôn ở cạnh vợ con Đức, từ những lúc còn phải
đi thuê cho đến khi được cấp nhà trong khu cư xá sĩ quan. Chúng tôi thân thiết
chẳng khác anh em trong nhà. Tính tình của Đức rất thẳng thắn, nhưng luôn vui vẻ,
thân thiện giúp đỡ mọi người. Trong đơn vị, từ cấp chỉ huy đến thuộc cấp ai
cũng quí mến.
Hai ngày trước khi Đức hy sinh, khi tiểu đoàn anh vừa kéo ra tạm nghỉ
quân dọc theo Quốc lộ 14 và tình hình tương đối yên tĩnh, tôi bay theo chiếc
C&C mang cho anh mấy thùng lựu đạn, 20 khẩu M-72 theo yêu cầu của anh, và đặc
biệt là một phóng đồ hành quân để đơn vị anh chuyển sang vùng hoạt động mới.
Anh vào một tần số riêng, căn dặn tôi và cả anh phi công bay thật thấp và theo
hướng chỉ dẫn của anh để tránh đạn phòng không của địch. Tôi bảo có mang quà
riêng cho anh (một chai rượu lễ của vị linh mục người Pháp biếu tôi khi đến
thăm ông ở Tòa Giám Mục Kontum, nơi đơn vị tôi đã giải tỏa hơn một tháng trước đó).
Khi trực thăng vừa đáp xuống, anh chạy đến chỉ để kịp bắt tay tôi, nhận bản
phóng đồ và chai rượu. Không ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi còn nhìn thấy
nhau, trong vội vã.
Trước đó, là cái chết đau đớn của anh Võ Anh Tài, niên trưởng Khóa 16 Võ Bị của Đức, người cùng quê với vợ tôi, và trong cư xá anh chị ở giữa nhà chúng tôi và anh chị Đức, nên cũng khá thân tình. Anh bị mìn, mất cả hai chân khi cùng tiểu đoàn vượt qua hàng rào phòng thủ để tái chiếm khu Bệnh Viện 2 Dã Chiến.
Sau anh Đức, thêm một người bạn thân thiết của tôi cũng hy sinh. Trần
Công Lâm, thằng bạn cùng khóa Thủ Đức, cùng trung đội sinh viên sĩ quan, nó nằm
giường trên, tôi giường dưới, mãn khóa rủ nhau cùng về một đơn vị. Trước khi nắm
tiểu đoàn, Lâm là đại đội trưởng Trinh Sát nổi tiếng cả Quân Đoàn. Sau ngày anh
Đức và Lâm mất, hầu hết những sĩ quan cũ cũng đều bị thương hay thuyên chuyển
đi đơn vị mới, tôi có cảm giác thật buồn và khá cô đơn.
Đơn vị chúng tôi đã viết thêm một trang sử oai hùng cho QLVNCH khi tạo
những chiến thắng lẫy lừng để giữ vững Kontum trong suốt Mùa Hè Đỏ Lửa và những
năm gay go sau đó, nhưng cũng đã phải trả một cái giá không hề nhỏ khi nhiều đồng
đội, bạn bè thân thiết của tôi đã nằm xuống ở chiến trường.
Đã quá mệt mỏi, cùng với sự thiếu hụt vũ khí, đạn dược, do bị cắt giảm tối
đa từ phía người bạn lớn đồng minh bội phản, kèm theo sự kém tài thiếu đức của
một vài vị tư lệnh, đã đưa đến việc thất thủ nhanh chóng Ban Mê Thuột, tan hàng
bi thảm trên Tỉnh Lộ 7 B để rồi kết thúc một cách đớn đau tức tưởi cho cả một
Quân Lực hùng mạnh và nền Cộng Hòa tự do nhân bản, chỉ đúng 50 ngày sau đó!
Đơn vị tôi cũng đã tan tác theo cùng vận nước.
Như nhạn lạc bầy giữa cơn dông bão, kẻ bị bắt hay chết bỏ thây trên đường
hành quân “triệt thoái”, người bị giam cầm khốn cùng trong các trại tù giữa rừng
thiêng nước độc. Trong một vài trại tù xa xôi tận núi rừng Việt Bắc, tôi may mắn
được gặp lại vài anh em, trong cảnh sa cơ vẫn giữ trọn tình huynh đệ. Người nào
may mắn có vợ con còn bươn chải làm ăn, thường được thăm nuôi, chia sẻ đùm bọc
những đứa kém may mắn. Khi ấy, cha tôi bị chết trong một trại tù khác trong
Nam, vợ con nheo nhóc, nên được chị vợ một anh bạn cùng đơn vị, mỗi khi thăm chồng
thì thăm cả tôi với quà cáp tiền bạc như nhau, giúp tôi lấy lại sức lực sau những
lần bị bệnh kiết lỵ, đứng không vững. Tình cảm ấy thực sự đã làm tôi xúc động.
Ra hải ngoại, tìm gặp thăm nhau. Thỉnh thoảng, nhân các ngày nghỉ lễ, hoặc
có dịp con cháu làm đám cưới, bọn tôi hú nhau kéo về họp mặt, tổ chức thắp
hương tưởng niệm các đồng đội đã ra đi, góp tay giúp đỡ những anh em bị thương
tật hay sống khốn khổ ở quê nhà. Nhưng rồi những cuộc hẹn cũng thưa dần, bởi tuổi
tác ngày thêm lớn. Đa phần đều trên dưới 80. Một số bị bệnh hoạn hay ra đi. Chỉ
thỉnh thoảng hỏi thăm nhau qua điện thoại, nhưng hiếm khi còn nghe được nụ cười,
bởi cái buồn nó vẫn còn mênh mang đâu đó. Cũng có bất đồng giữa vài người bởi không
cùng một cái nhìn, đặc biệt về chuyện chính trị tại Hoa Kỳ, từ khi có ông D.
Trump xuất hiện cùng các sự kiện MAGA và BLM, nhưng anh em nhắc bảo nhau rồi
đâu cũng vào đấy. Cũng may, những người từng sống chết bên nhau vẫn còn trọng
cái tình! Có thằng bạn cùng đơn vị và cũng cùng Khóa 18 Thủ Đức với tôi và Trần
Công Lâm, từng làm tiểu đoàn trưởng, một thời đánh đấm ở Kontum. Trong lúc còn
trong tù thì ở nhà vợ treo cổ quyên sinh. Sang Mỹ, muốn quên đời nên đem hết
tâm trí, thì giờ vào việc học, có Master Of Psychology. Thành đạt nhưng vẫn buồn
đời, thường than vãn, “tao tiếc là đã không được chết tại chiến trường như anh
Tài, như anh Đức, như Lâm.” Một hôm, nói dối gia đình đi thuê khách sạn rồi ở
đó bắn vào đầu tự vẫn, sau khi bình tĩnh ngồi viết mấy lá thư để lại cho bạn
bè, bảo “đi trước để mở đường và chuẩn bị bãi đáp cho anh em.” Đọc thư của nó
do Cảnh sát trao lại, bọn tôi lặng người nhưng không khóc được. Có lẽ chẳng ai
còn nước mắt.
Sau đúng năm mươi năm dâu biển, Đức đã từ một cõi xa xăm nào đó theo giấc
mơ về ghé thăm tôi. Nửa thế kỷ có thể không dài hay ngắn lắm tùy theo quan niệm
nhân sinh của mỗi con người, nhưng trong quãng thời gian ấy thế hệ chúng tôi lại
có quá nhiều đổi thay, thăng trầm và mất mát. Vinh nhục đã trải, đớn đau cũng
đã có lúc cùng cực. Nhưng có lẽ không có cái đau đớn tủi nhục nào hơn là sự bất
lực trước món nợ máu xương của đồng đội bạn bè, nợ lời thề ngày nào đã từng quỳ
gối đưa tay dõng dạc hô to trên vũ đình trường giữa hồn thiêng sông núi.
Với những thân tình thiết tha ngày cũ tuy có đượm buồn trong ánh mắt,
tôi nghĩ là Đức không hề trách tôi. Nhưng khi anh bước ra khỏi giấc mơ, tôi vẫn
có cảm giác xấu hổ, như còn mắc nợ anh điều gì không trả được. Cũng như cái chết
oan khuất của cha tôi trong trại tù Đá Bàn vào tháng 6 năm 1976, khi đã gần tuổi
70, để mỗi lần thắp hương trước bàn thờ trong ngày giỗ ông, tôi không giấu được
nghẹn ngào. Thấy mình hèn mọn, tệ bạc quá, và ngượng ngùng khi nhớ tới những lời
to lớn từng hô hào trước mặt bè bạn, vợ con ngày nào khi bước chân xuống thuyền
bỏ nước ra đi. Nước mắt bỗng trào ra.
Vết thương cũ trong lòng dường như vừa mới nhói đau trở lại. Tôi ngồi dậy,
lau nước mắt, viết vội những dòng này, không phải để giãi bày với Đặng Trung Đức
mà để tự xoa dịu, chữa thẹn cho chính mình. Tôi bỗng nhớ tới bài thơ của thi sĩ
Cao Tần đã viết từ những ngày thật xa xưa, tháng 3 năm 1977, với cái tựa và
cũng là câu kết mà tôi rất tâm đắc, cho dù có chút xót xa: “Ta làm gì cho hết nửa
đời sau?”
Bắc Âu, 6.6. 2022
Phạm Tín An Ninh
Thưa ông Phạm Tín An Ninh, ông đừng tự trách mình, đừng tự dằn vật chính ông nữa. Ông đã làm trọn trách nhiệm của người con đối với tổ quốc, đã trải bao đau đớn, khốn khổ cùng cực với đồng đội, nhưng ông may mắn sống còn và thoát khỏi ngục tù cộng sản chứ có phải ông hèn nhát đào ngũ chạy trốn đâu mà ông mang mặc cảm làm vậy? Chúng tôi, người dân miền Nam không đủ lời để nói lên lòng biết ơn về sự hy sinh và nỗi đau đớn mà các quân nhân VNCH như ông và các bạn ông đã trải qua. Nhìn hình ảnh gầy gò của các chiến sĩ chúng ta mà cảm thương. Những đôi vai gầy ốm ấy lại gánh vác trách nhiệm nặng nề lớn lao và lâu dài. Người dân VN chúng ta vốn thiếu thốn từ trong bụng mẹ, sao bì được với quân đội đồng minh đầy đủ to lớn, nên sức chịu đựng của các chiến sĩ VNCH thật đáng phục. Ông đã gian nan khổ sở nhiều rồi, giờ là lúc nghỉ ngơi , xin Chúa ban cho ông cho tấm lòng bình an. Cậu của tôi cũng hy sinh trong trận Hạ Lào, ông thuộc binh chủng nhãy dù. Bài viết này làm tôi nhớ cậu tôi.
ReplyDeleteBà Châu San Diego
Xin cám ơn những lời khích lệ quí giá. Cầu chúc an lạc!
DeleteNếu ông thấy lòng trĩu nặng ưu phiền, xin ông nghe lời Chúa kêu gọi " Hỡi những kẻ mệt mõi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghĩ." Mathew 11:28. Và cũng nói với ông rằng người bạn thân yêu mà ông gặp trong mơ ấy là tiềm thức trở về của ông mà thôi, ông Đức ấy không thật sự hiện về vì Đức Chúa Trời KHÔNG cho phép linh hồn nào được trở lại để tiết lộ về thế giới bên kia cả .Lời Chúa phán " Còn như đất mà linh hồn chúng nó mong lộn lại, thì sẽ không được trở về." Jeremiah 22:27. Ông ấy đang ở âm phủ chờ phán xét nếu chưa tin Chúa, hoặc ở thiên đàng nếu đã tin Chúa. " Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét" Hebrew 9:27' nhưng Chúa phán " ...ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống." John 5:24.
ReplyDeleteĐoạn trên là tôi, bà Châu San Diego viết.
ReplyDeleteÔng Pham TinAn Ninh quí mến,
ReplyDeleteTừ nhiều năm nay tôi thường đón đọc những bài viết giá trị của ông . Những bài viết đã nói lên tình cảm và tấm lòng yêu nước, yêu gia đình và đồng đội của một người lính dù bị buộc phải thua trận và bức tử theo vận mệnh của đất nước…. Xưa Ông đã làm tròn tốt đẹp phận sự người trai trong thời chiến. Nay với ngọn bút chân thật, sắc xảo và chất lượng ông đã và đang để lại cho kho tàng văn hóa Việt ở hải ngoại những tiểu phẩm giá trị nói lên vết thương lòng, sự trăn trở và sự cô đơn lạc lõng của người lính ấy nơi xứ lạ quê người.. Tôi rất trân quí những gì ông đã viết. Mặc dù tôi thuộc nhóm trẻ hơn ông nhưng cũng đã chứng kiến những hy sinh, đau thương, mất mát của bạn bè và người thân từ cuộc chiến ấy, và những bài viết của ông như đã giúp tôi diễn đạt và bày tỏ những cảm xúc và trăn trở ấy.
Cám ơn ông thật nhiều! Xin cầu chúc ông và gia đình luôn được nhiều sức khỏe và an vui.
Big fan Úc châu
Xin cám ơn những tâm tình và khích lệ của bạn. Tôi đã đến nước Úc, cả đất trời và con người đều rất dễ thương! Chúc bạn và gia đình luôn an lạc.
DeletePTAN